Quyển 1 - Chương 9

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 9: Đón năm mới

Mốc dịch

Hơn một tháng nữa trôi qua, đại lễ chào mừng tròn sáu mươi năm đăng cơ của Nữ hoàng chính thức bắt đầu diễn ra, đầu tiên là chiều tối Ba mươi Tết, sau ba trăm tiếng chuông đồng vang lên, tả hữu Kim Ngô vệ quân vốn thường đi từ trong hoàng thành ra, diễu hành khắp các phố phường trong thành, vừa đi vừa hô: "Kim Ngô giới nghiêm, người dân không được đi đêm", song lúc này chỉ đứng dưới hoàng thành, còn đại tướng quân của tả hữu Kim Ngô vệ quân đứng trên lầu Chu Tước Môn, đồng thanh ra lệnh: "Chư quân vào thành."

"Rõ!" Tướng quân bên trên, binh lính bên dưới của tả hữu Kim Ngô vệ quân đồng thanh hô, chia thành hai cánh trái phải lùi vào hoàng thành, đóng cổng Hàm Quang, cài cửa thứ hai. Một lúc sau, bốn vị tướng quân chạy lên lầu trên cổng, cùng nói: "Bẩm đại tướng, tả hữu Kim Ngô vệ quân đã vào trong thành rồi, không có sai sót gì."

Bấy giờ hai vị đại tướng quân mới hỏi cặn kẽ sĩ số, sau khi đối chiếu chuẩn xác, họ quay đầu hô to với phía bên dưới: "Bệ hạ có lệnh đặc biệt, Kim Ngô nới lỏng giới nghiêm, quan dân cùng chung vui."

Hai vị đại tướng quân hô xong, tiếng hoan hô của dân chúng bên dưới lầu vang như sấm dậy, dưới chân thành đá bên phải phố Thiên Môn, một đốm lửa lớn bùng lên phừng phừng, nhưng đây không phải là hỏa hoạn, mà là tiết mục phun lửa ngoạn mục được thực hiện bởi hàng trăm người từ hàng trăm đoàn xiếc được nhóm thương nhân người Hồ trong khu chợ phía Tây đưa đến, ánh lửa vừa sáng rực, tiếng đàn tì bà của người Hồ, tiếng sáo của người Khương, tiếng trống của người Hạt cùng réo rắt vang lên, hàng trăm người đội mũ sư tử sặc sỡ, mặc quần áo đầy màu sắc nhảy múa hát ca theo tiếng nhạc bài "Ngũ phương sư tử vũ", khung cảnh vô cùng rộn ràng. Người Hồ không hổ am hiểu buôn bán, họ tranh thủ mọi cơ hội thể hiện, xung quanh bày kín sạp hàng, các thương nhân người Hồ và vợ cất cao giọng chào hàng, làm mọi người tò mò ghé đầu vào xem.

"Nào nào nào! Gấm Ba Tư thượng hạng đây! Chủ quán không có ở đây, trong nhà không có người lớn, chúng tôi bán tháo đây!"

"Cốc thủy tinh cao cấp, không cần 'ly chưa cạn mà đàn tỳ bà đã giục ngựa đi' (1)! Mua về nhà uống thế nào cũng được!"

"Ngọc Vu Điền sáng bóng đây, công tử, mua một cái tặng tiểu nương tử đi! Gì cơ? Giá này không mua á? Chủ sạp buồn lắm đấy, trông công tử có khí khái đàn ông, vậy chỉ sạp giảm cho công tử một phần năm giá, đến vậy rồi mà còn không mua, chủ sạp chỉ còn nước đập đầu vào đậu phụ thôi."

"Nương tử không có ở đây, bán hàng xong ông đây sẽ đưa cô nương hoa khôi về quê!"

Tiếng chào hàng của các thương nhân người Hồ vô cùng đáng sợ, không ngừng cắt ngang tiếng hát ngâm nga của các thương nhân ở chợ phía Đông, tiếng rao bán cực kỳ nhịp nhàng khiến thương nhân ở chợ Đông phải ngoái lại nhìn. Tây Kinh chẳng thiếu thứ gì, người nhàn rỗi là đông nhất, tuy Giao thừa là ngày sum vầy đoàn viên, nhưng mới sáng sớm mọi người đã nghe nói hôm nay sẽ đại hạ giá cuối năm, thế là chẳng thiết ăn uống gì nữa, vội đưa hết người thân gia đình ra ngoài mua sắm.

"Mẹ... con muốn mua cái này." Một cậu bé chỉ tay vào món đồ chơi nhỏ trên sạp của người Hồ.


"Mua gì mà mua! Chỉ biết mua thôi!" Người mẹ đang sốt ruột vì không tìm thấy hàng quán bán lụa là kéo mạnh con trai mình sang chỗ khác...

"Nương tử, ta mua cho nàng một cái lược cài đầu bằng vàng nhé?" Một công tử trẻ tuổi chọn một chiếc lược cài đầu bằng vàng khảm ngọc, mỉm cười với cô vợ mới cưới của mình.

"Đàn ông không biết mua đồ, đây chỉ là mạ vàng mà thôi, không đáng mấy đồng, qua gian kia đi." Tiểu nương tử lắc đầu, mỉm cười với chồng mình. Thì... vì nó không đáng tiền nên mới mua cho nàng mà... công tử đó nghĩ bụng, ta còn phải tiết kiệm tiền để đến chỗ em Lưu phường Bình Khang nữa đấy...

Trong dòng người nam nữ già trẻ chuẩn bị điên cuồng mua sắm ở Tây Kinh, có một quan nhân trẻ tuổi bất lực dắt con ngựa đi giữa một thương nhân bụng phệ ở bên trái và một chị gái ngực to ở bên phải, y giơ tay lên cao, chỉ sợ bất cẩn chạm phải nơi nào đó... Thật ra ở đây rất dễ gặp thích khách, may mà trước khi hạ triều y vẫn nhớ mặc thêm một chiếc áo giáp sợi xích Ba Tư bên trong áo quan... Có điều nên cất thanh trường kiếm đi mới phải, nếu không chị gái kia lại hiểu lầm một nơi nào đó của y không yên phận, thương nhân bụng phệ đã sớm nhận ra ánh mắt dạt dào tình cảm, gò má đỏ hây hây của bà chị kia khi nhìn y, bèn phá lên cười lớn: "Lang quân, anh cũng thích gu này chứ?"

Ai thích gu này với ông... đúng là oan quá là oan, vị quan nhân xấu hổ ngượng ngập không biết làm thế nào này không phải ai khác, chính là Ngự sử đại phu Lý Thiên Lý mà độc giả chúng ta đã chán đến phát ngấy.

Đáng lẽ ra hôm nay y sẽ về nhà sớm, đang định rời khỏi Ngự sử đài thì bị trung sứ do Thái thượng hoàng phái đến gọi lại, ban thưởng nào là son môi kem dưỡng da, thuận tiện truyền đạt lại khẩu dụ của Thái thượng hoàng: "Thiên à! Đừng thờ ơ với gương mặt mình như thế, phải nhớ bôi kem mặt hằng ngày đấy, có thế mới không bị lên mụn tàn nhang, cũng nhớ bôi thêm tí son, lần này trẫm làm riêng cho khanh hương tường vi, thấy trẫm yêu thương khanh không. Trên đây là khẩu dụ của Thượng hoàng."

"Long ân của Thượng hoàng, vi thần ghi lòng tạc dạ." Lý Thiên Lý nhận phần thưởng, gương mặt tối sầm, "Đa tạ trung sứ, phiền trung sứ thay tôi truyền lại lời cho Thượng hoàng rằng: Đàn ông đàn ang bôi trét kem lên mặt như đánh phấn thì còn ra thể thống gì? Còn vị tường vi nữa, ngài muốn cho ai ăn? Ngài để uy nghi của Ngự sử đài ở đâu? Ngươi cứ bẩm lại hết từng câu, không được để sót chữ nào."

"Chuyện này... Đài chủ gượm đã, Thượng hoàng lệnh cho hạ quan phải chuyển lời của đài chủ về cho ngài." Suy cho cùng trung sứ cũng là tay lõi đời, hắn ta lạnh tanh bước ra ngoài Ngự sử đài, dõng dạc nói: "Hồi bẩm Thượng hoàng, Ngự sừ đài chủ cảm ơn ân trạch của Thượng hoàng, còn nhờ vi thần chuyển lời đến cho ngài rằng: Đàn ông đàn ang bôi trét kem lên mặt như đánh phấn thì còn ra thể thống gì? Còn vị tường vi nữa, ngài muốn cho ai ăn? Ngài để uy nghi của Ngự sử đài ở đâu? Trên đây là lời nhắn của đài chủ."

Rõ ràng ông ta đang đứng ở ngoài kia, mắc mớ gì lại bảo nội thị truyền tin? Lý Thiên Lý đang đắn đo không biết có nên đi thẳng ra ngoài không thì thấy trung sứ quay trở lại, nói bằng giọng cứng nhắc y hệt như gương mặt cứng nhắc: "Lý đài chủ, Thánh thượng hoàng chuyển lời: Từ lâu ta đã biết ngươi là tên đàn ông lớn tuổi ế vợ nóng tính, nhưng không biết ngươi là tên ngốc không hiểu lãng mạn thế đấy! Son môi tường vi là món đồ được phái nữ yêu thích nhất, hãy thoa lên môi mình, ôm người phụ nữ ấy và nói: 'Nàng thân yêu, nào, để ta giúp nàng bôi son', sau đó đặt môi mình lên môi người ta, kỹ thuật dễ ợt bình thường này mà ngươi cũng không biết ư? Hử? Chẳng lẽ người sống đến ba mươi bảy tuổi đầu mà vẫn là giai tân? Không hiểu thú vui của cuộc đời, thật là đáng tiếc! Trên đây là khẩu dụ của Thượng hoàng ạ."

Một nửa khuôn mặt của Lý Thiên Lý như bị rút gân, đón Giao thừa một mình đã khó chịu lắm rồi, lại còn bị lão già thối tha này chế giễu nữa. Sau khi nhận được khẩu dụ, y cung kính đáp lại vài câu, song trung sử vẫn nói tiếp: "Thượng hoàng còn nói, nếu đài chủ muốn đuổi theo, thì hãy nói với đài chủ rằng: Ta không muốn bị quân thần đánh, nên đi trước đây, năm mới vui vẻ. Trên đây là khẩu dụ của Thượng hoàng ạ."

Hay cho lão già thối tha xấu xa! Lý Thiên Lý tức không biết trút vào đâu, thấy đã bị muộn, sắp đến giờ đánh chuông, xem ra không thể đến kịp cổng Hàm Quang, y đành phải cất son môi kem dưỡng da vào ngực, trở về đài tháo mũ xuống, thay áo bào tím đai lưng ngọc ra, mặc áo giáp nhẹ bảo vệ lên, cài trường kiếm bên hông, sau đó buộc một dải gấm màu xanh lên trán, ở giữa đính một viên bạch ngọc tròn khảm dây vàng, thoạt nhìn như tướng lĩnh cao cấp trong mười sáu vệ quân, rồi y mặc áo ngoài vào, bấy giờ mới cho quan phục vào trong tay nải cầm tay, y ra khỏi Ngự sử đài thì rẽ trái, đi qua Thôi sự viện của Ngự sử đài, đến chuồng ngựa của Thôi sự viện thì dắt ngựa đi, ra ngoài bằng cổng Thuận Nghĩa phía Tây Nam Hoàng thành, nơi đó là khu vực quản lý của Tả Kim Ngô vệ, có thể mở cổng nhỏ bất cứ lúc nào, sau đó y sẽ đi qua phố Thiên Môn để về nhà mình ở thành Đông.

Nhưng nào ngờ vừa đi muộn vừa đi đường vòng, khi đến phố Thiên Môn biển người đã đông nghìn nghịt không cách nào chen chân, may mà y đã cải trang từ trước, chứ không lại mặc áo bào tím đi diễu võ khắp phố. Y vô cùng khó chịu chen chúc trong dòng người, hơn nữa hai vị đi cùng ở bên cạnh quả thật không dám khen ngợi... Nửa khắc nữa trôi qua, dường như y vẫn giậm chân tại chỗ, thương nhân người Hồ phía không xa đã nói câu bán xong lô hàng này sẽ cuốn gói về quê lần thứ hai mươi lăm, Lý Thiên Lý vô cùng chán nản, thú cưỡi của y lại càng mất kiên nhẫn hơn, từ nãy đến giờ thở phì phì lên đầu y, y đành phải vỗ về nó: "Phong Phách, về đến nhà ta sẽ cho mi ăn lúa mạch."

Mãi một lúc lâu sau tình hình phố xá phía trước mới được cải thiện, hình như đoàn múa lân đã rời đi, con đường trở nên thông thoáng hơn, Lý Thiên Lý luôn miệng nói nhường đường xin lỗi, kéo Phong Phách rời khỏi tầm mắt thương nhân giàu có và bà chị ngực to kia, dù đi chưa nổi hai mươi bước lại bị tắc đường tiếp, nhưng lần này xung quanh không còn chen lấn như hồi nãy nữa...

Tuy thời tiết khá lạnh, nhưng vừa rồi có biểu diễn phun lửa nên bầu không khí nồng nặc mùi khét lẹt gay mũi, cộng thêm mùi mồ hôi của đám đông, mùi thức ăn và các loại mùi khác trộn vào nhau, tạo thành một cái mùi không dễ ngửi chút nào. Lý Thiên Lý chun mũi quay đầu đi, một mùi hương cỏ xanh thoang thoảng lướt qua, y cúi đầu nhìn, bên cạnh là một cô gái đóng giả đàn ông, đầu đội mũ, trên người mặc áo trắng viền lông cáo, trong tay cầm một chiếc roi ngựa mới tinh, đang rướn cổ tìm kiếm trong đám đông, hình như đang tìm người. Đám đông bên tay phải từ từ dồn về đây, đẩy cô gái có mùi cỏ xanh về phía y, Lý Thiên Lý cảm thấy tay phải của mình hình như chạm vào thứ gì đó mềm mại, bèn vội vàng giơ cao tay lên, tránh gây thất thố.

Mấy tiếng "loảng xoảng" vang lên, món đồ trong ngực Lý Thiên Lý rơi xuống đất, vừa hay lăn đến cạnh chân cô gái ấy. Cô gái cúi đầu nhìn, hóa ra là một chiếc hộp vàng, màu đen tuyền nằm bên chân cô ấy trông vô cùng nổi bật, nhưng hai người bị đám đông chen lấn đến nỗi không nhúc nhích được, huống chi nói đến việc cúi người xuống nhặt, Lý Thiên Lý rơi vào tình cảnh khó xử, cô gái kia bèn quất roi ngựa xuống đất móc chiếc hộp lên, rồi đưa tay ra bắt lấy nó. Cô cầm lên quan sát kỹ càng, chiếc hộp này được mạ vàng khắc khổng tước, to chỉ cỡ lòng bàn tay, trông cực kỳ tinh xảo, vì vậy cầm lòng không đậu khen ngợi: "Làm đẹp quá, anh mua ở đâu vậy?"

Nghe thấy giọng nói này, Lý Thiên Lý bỗng nhớ đến một người, trong đám đông không thể chen chúc cũng không thể trốn tránh, cô gái ấy đứng ngay trước mặt y, quay người lại đưa món đồ đó cho y, giây phút ánh mắt lướt qua áo khoác trên người y, cô bèn ngẩng đầu lên: "Là anh ư?"

Ngu Tụ Ngôi... trong lòng Lý Thiên Lý có một giọng nói khe khẽ vang lên, y đưa tay nhận lấy món đồ, chiếc hộp kim loại mạ vàng vốn lạnh lẽo giờ đây nhuốm chút hơi ấm từ ngực y và tay cô, y cất chiếc hộp lại vào trong vạt áo, cảm thấy chút hơi ấm nhỏ nhoi ấy thấm dần vào lồng ngực. Y tỏ ra bâng quơ nói: "Làm phiền tiểu nương tử rồi."

"Chính anh là người dọa tôi bên bờ Khúc Giang."

Ngu Toàn Cơ trợn to hai mắt chỉ tay vào y. Dòng người ùn ùn kéo đến, đẩy họ sang bên phải, một cụ già chen giữa cô và y, cô muốn kéo vạt áo màu xanh ngọc của Lý Thiên Lý, nhưng gắng gượng lắm ngón tay mảnh khảnh cũng chỉ với tới được ngực y.

Cô cố gắng len lỏi qua đám đông, quắc mắt nhìn khắp nơi, sốt ruột nhớn nhác tìm kiếm, đôi môi hồng hơi mấp máy, dưới đèn đuốc rực rỡ, cánh môi ấy tỏa sáng lấp lánh, cô bôi son môi hương gì vậy? Tường vi ư?

"Này! Sao anh không nói gì? Đồ đáng ghét! Bước ra đây cho tôi!"

Lý Thiên Lý không đáp lại mà chỉ mỉm cười, có điều y cảm thấy lần này khóe môi mình cong lên rõ ràng hơn.

Ngu Toàn Cơ vẫn đang cố gắng vươn tay ra kéo y lại, nhưng y không hề bắt lấy tay cô, cô cách y ngày một xa hơn. Bỗng y sực nhớ ra một thứ, bèn lấy hộp son môi mùi tường vi trong ngực ra, ném về phía Ngu Toàn Cơ, vừa hay rơi vào lòng bàn tay đang xòe rộng của cô. Ngu Toàn Cơ vô thức bắt lấy nó, có lẽ do vừa rồi bị rơi xuống đất nên chiếc hộp mạ vàng móp một chỗ nhỏ, song nằm trong bàn tay cô còn ấm áp hơn cả ban nãy. Cô ngẩng đầu muốn tóm tên khốn kiếp "giả ma" mặc áo màu xanh ngọc lại, nhưng y vẫn nở nụ cười đáng ghét, lại còn uể oải nói: "Tặng nương tử chút son tô môi."

"Này! Anh muốn đánh bả chết tôi đúng không?" Ngu Toàn Cơ gào to, nhưng tên "giả ma" kia nở nụ cười rạng rỡ, dần dần khuất bóng trong đám đông.

"Tên ma chết tiệt! Này! Tên ma chết tiệt! Anh ra đây cho tôi!"

Ngu Toàn Cơ gào hét, làm đám đông đổ đồn sang nhìn cô, ông cụ đứng bên cạnh bịt tai phàn nàn: "Tiểu nương tử à, cô chửi đổng làm gì! Cô thấy chưa, lang quân kia sợ quá bỏ chạy rồi đấy!"

"Lang quân cái quái gì chứ! Hắn là một tên ma chết tiệt!" Ngu Toàn Cơ trợn trừng mắt nhìn.

"Đôi tình nhân cãi nhau..." Một bác gái nghiêng đầu nói với chồng mình.

"Làm người ta sợ chết khiếp rồi, ăn nói to tiếng thế kia cơ mà." Ông chồng cũng nói.

Ngu Toàn Cơ tức tối quắc mắt nhìn đôi vợ chồng nọ, không muốn bị hiểu lầm thêm nên đành im lặng rụt tay về, bấy giờ mới nhớ đến chiếc hộp nhỏ tên "ma giả" ném cho mình, rồi đột nhiên nghĩ lại chuyện ma mà mấy hôm trước chú Trạch kể, nghe nói có một nô tì bị đánh chết vì bị bà chủ nhà đổ oan ăn trộm đồ, nàng ta gửi hồn vào món đồ trang sức trên đó, có người nhặt được, nghe tiếng nàng ta gọi tên bà chủ nhà, sau đó có một cái lưỡi dài thè ra...

"Ngu Toàn Cơ..."

"Á! Không phải tôi giết người! Đừng đến tìm tôi!"

Ngu Toàn Cơ hét lên thất thanh, ôm rịt lấy bác gái bên cạnh, khi Lý Ký Lan vừa gọi tên cô vừa rẽ đám đông tìm kiếm thì thấy Ngu Toàn Cơ đang run cầm cập bám dính cánh tay bác gái ấy như con tắc kè, Lý Ký Lan nói với Liễu Phi Khanh đi cùng mình: "Cô ngốc này chắc chắn lại nghĩ đến chuyện ma nào rồi, đúng là tự mình đi hù mình."

Lý Ký Lan và Liễu Phi Khanh đọc đại mấy câu khấn coi như giải bùa chú, sau đó giải cứu Ngu Toàn Cơ, xin lỗi bác gái kia, rồi mới đưa cô đi. Ngu Toàn Cơ kể lại chuyện mình vừa gặp, làm hai người Lý Liễu cười bò. "Cười gì! Tất cả tại tên ma giả đó! Tiểu Bát đâu?"

"Đi chúc Tết họ hàng nhà cậu ta rồi, đến thăm Huyền thúc tổ Thôi lão tướng công." Liễu Phi Khanh nói, họ Thôi ở Thanh Hà của Tiểu Bát, họ Lý ở Lũng Tây của Lý Thiên Lý, họ Lư ở Phạm Dương, họ Vương ở Thái Nguyên và họ Trịnh ở Huỳnh Dương đều là những dòng họ danh giá đứng đầu nước Đại Lương, được xưng là năm dòng họ lớn, tiếng thơm nổi tiếng thiên hạ, tất nhiên tiếng xấu cũng vang danh khắp nơi, nguyên nhân rất đơn giản, cây lớn ắt có cành khô, đông người ắt có kẻ ngu, những con cháu nhà danh gia vọng tộc ra ngoài chỉ cần nói tên dòng họ của mình là được kính trọng hơn hẳn người khác, ngoài con đường làm quan hay vào rừng ở ẩn ra, họ gần như không còn con đường thứ hai, với tình trạng này cũng khó tránh khỏi có một vài con cháu bất tài.

"Ôi chao, cho tôi xem cái hộp kia với nào." Lý Ký Lan giơ tay ra.

"Đúng đúng đúng, cô xem trước đi, cô là đạo cô không sợ ma mà."

Ngu Toàn Cơ đưa bằng cả hai tay, Liễu Phi Khanh đứng bên thò đầu vào nhìn, chiếc hộp mạ vàng ấy được mài sáng bóng nhẵn nhụi, phía trên nghệ nhân dùng kim để khắc hoa văn chim công, đôi cánh của chim công hiện lên sắc nét, phía dưới đan cài giàn nho, từ đôi chim sải cánh bay đến dải lụa trên cổ chúng đều sống động y như thật, mang phong cách Tây Vực, viền tròn bao xung quanh chim công được trang trí bằng cành lá giàn nho, trên quả nho tròn xoe khảm xà cừ, trông rất cầu kỳ. Liễu Phi Khanh nhìn xong liền chặc lưỡi liền mấy cái: "Giá trị của chiếc hộp mạ vàng này không xoàng đâu, tên ma giả kia chắc chắn là kẻ giàu có."

"Bên trong là gì thế?" Lý Ký Lan nhìn trái ngó phải, thích đến nỗi không nỡ trả lại.

"Tên ma chết tiệt đó nói là son môi."

Lý Ký Lan dùng hai tay mở nó ra, có điều chiếc hộp vàng này vừa bị rơi nên móp một góc, do vậy mép hộp hơi biến dạng, cô ấy phải mất một lúc cậy ra được. Hương hoa nồng nàn xộc vào mũi, cô ấy đưa tới ngọn đuốc gần đó để nhìn, là một hộp son môi dạng cao màu đỏ nhạt, dùng tay quệt một cái, không quá đậm cũng không quá nhão, cô ấy bôi thử lên mu bàn tay, chất son mịn màng trơn bóng, là loại son thượng hạng. Liễu Phi Khanh chú ý trên nắp hộp son có mấy chữ "một lượng ba phần" viết bằng mực đen, còn ký một cái tên anh ta không biết.

Ngu Toàn Cơ nhìn nét mặt của Lý Ký Lan, lập tức nhận ra cô ấy rất thích chiếc hộp này, bèn nói: "Cô thích thì tặng cô đấy. Dù sao cũng không mất tiền mua, người ta mượn hoa dâng Phật, tôi đây mượn son môi dâng tiên tử."

Lý Ký Lan ngạc nhiên vô cùng, trong đống đồ dùng vàng bạc ở chợ Tây, chiếc hộp vàng này có thể bán được giá năm sáu quan tiền, bằng thu nhập một tháng của một quan viên nhỏ, cô ấy vốn định từ chối, nhưng thấy Ngu Toàn Cơ có vẻ không quá thích chiếc hộp vàng này, cũng không biết đã xảy ra chuyện gì, cô ấy bèn cười nói: "Món đồ này không rẻ đâu, không phải cô muốn tôi lấy thân báo đáp đấy chứ?"

"Không lấy của cô một xu." Ngu Toàn Cơ tươi tỉnh trở lại, chắp tay mấy cái liên tiếp: "Ngôi miếu nhỏ của tôi nào chứa nổi vị thiên tiên như Lý cô cô."

Liễu Phi Khanh đứng bên cạnh quan sát, lờ mờ cảm thấy Ngu Toàn Cơ có vẻ không chỉ là dân thường áo vải Nam Lăng như cô vẫn thường nói, chiếc hộp mạ vàng kia vô cùng tinh xảo và đắt tiền, ngay cả một Lý Ký Lan luôn khinh tiền ngạo với đời cũng không giấu nổi sự thích thú, nhưng Ngu Toàn Cơ lại thờ ơ cho người khác một món đồ đắt tiền, dường như chiếc hộp vàng ấy làm cô nhớ lại ký ức nào đó không mấy đẹp đẽ...

Ba người sóng vai nhau đi qua phố Chu Tước Môn, nơi đâu cũng nhộn nhịp tấp nập, ở con phố gần đó, họ thấy ca cơ người Hồ cưỡi trên con ngựa cao lớn, kỹ nữ cưỡi trên giống ngựa lùn Quả Hạ và cung nữ ngồi trên con trâu đang chạy rầm rập tới, mấy quý tộc thương nhân giàu có ăn mặc xa hoa lộng lẫy và sĩ tử mặc trang phục có mép áo khâu liền cùng màu cũng lần lượt nhảy xuống xe và ngựa, túm năm tụm ba cùng sải bước, còn có mấy đứa trẻ con thoạt nhìn là biết con cháu vương công quý tộc ngồi trên vai nô bộc da đen cường tráng cao to hớn hở nhìn Đông ngó Tây. Ngu Toàn Cơ khoác tay Lý Ký Lan, nghe cô ấy nói cười với Liễu Phi Khanh, thỉnh thoảng gật đầu tán thành, mà cũng biết mình đang tán thành chuyện gì.

Chốn kinh thành phồn hoa đô hội, gần như không khác gì mười lăm năm trước... nhưng cô đã không còn là thiếu nữ đầy háo hức và xấu hổ của năm xưa nữa rồi. Hồi ấy cô hạnh phúc chọn ngọc bội, dây lưng, kiếm cong Ba Tư, định mang về Phượng Tường tặng Lý tứ công tử; hồi ấy cô tin lời hắn ta, tin lời "muội như ngọn cỏ hương bồ, ta là viên đá vững vàng, trái tim này tình cảm này, sẽ không phụ lòng muội" của hắn...

Hồi ấy, cô thật khờ khạo, thật ngây thơ.

Ánh đèn trong chiều tà chói mắt, cô đờ đẫn đưa mắt liếc qua đám đông và góc mái lầu các nối tiếp nhau san sát như vảy cá, thốt nhiên mơ màng không biết giờ là lúc nào. Trong giây phút ấy, dường như cô chưa từng trải qua bao biến cố trong mười lăm năm, cảnh chưa đổi, người vẫn còn đây; trong giây phút ấy, người đang khoác tay cô không phải là Lý Ký Lan đã đi qua bao thăng trầm, mà là người chị Châu Cơ lớn hơn cô một tuổi; trong giây phút ấy, người đi bên bảo vệ cô đây không phải Liễu Phi Khanh, mà là người cha yêu thương cô nhất, Ngu Canh...

Trong giây phút ấy, một màu xanh ngọc lướt qua mắt cô....

"Tên ma chết tiệt..."Cô lẩm bẩm, Lý Ký Lan không nghe thấy, cô trợn to mắt, thấy tên giả ma ấy đang dắt con ngựa ô vào phường Thân Nhân, sau đó quay người lên ngựa, thúc ngựa rời khỏi, bóng lưng đó, hình ảnh cưỡi ngựa đó vô cùng quen thuộc, chẳng lẽ cô đã quen tên giả ma này từ trước?

Chắc không có chuyện đấy đâu nhỉ? Cô chẳng nhớ gì là đã gặp tên đấy cả! Lúc này Ngu Toàn Cơ lục tìm những khuôn mặt đã gặp trong đầu mình, song vẫn không nhớ ra nổi, chợt nghe thấy Liễu Phi Khanh gọi to: "Lão Lưu! Lão Hàn! Hai huynh cũng tới hả?"

Ngu Toàn Cơ ngẩng đầu lên, thấy bảy tám người trạc tuổi nhau đang đi tới, đều là những người lần trước cùng Liễu Phi Khanh bảo vệ cô ở phố Thiên Môn, tuy sau đó không phải ai cũng đến thăm hỏi, nhưng cô đã từng trải qua bao tình người ấm lạnh, nên từ lâu không còn để bụng những tiểu tiết ấy. Sĩ phu trung niên được gọi là Lão Lưu cười nói: "Chúc mừng cô vượt qua Long Môn!"

"Chỉ là vượt qua thôi, phía trước không chỉ có sóng to, còn có cả cồn Diễm Dự (2) nữa đấy sao?" Ngu Toàn Cơ lắc đầu nói, mọi người đều hiểu ý mỉm cười.

Tuy Ngu Thông Ngư, Ngu Toàn Cơ được coi là người lớn tuổi trong các chị em phụ nữ, nhưng lại mang vai vế nhỏ bé trong nhóm tiến sĩ, lần trước cô bị ngự sử đại phu châm biếm là tép tôm, vì thế mọi người lén gọi cô là "Tiểu Ngư". Gò Diễm Dự đó là một hòn đá kỳ lạ nằm giữa eo Cù Đường sông Lương Hà, được bao quanh bởi những xoáy nước kỳ dị, thuyền bè rất khó đi vào, nghe nói trên gò Diễm Dự viết dòng chữ "Đâm vào ta đi", nếu người cầm lái vững tay chèo, lại có can đảm chèo thuyền đi thẳng về phía gò Diễm Dự, khi sắp đâm vào cái gò đó, xoáy nước sẽ giúp thuyền chuyển hướng vượt qua an toàn, nhưng nếu cứ chăm chăm tìm mọi cách vượt qua, ngược lai thuyền sẽ bị xoáy nước cuốn trôi đâm thẳng vào hòn đó kỳ quặc ấy. Gò Diễm Dự dùng để chỉ những người như thế nào, hẳn quý độc giả đều biết.

"Cái gò Diễm Dự đó của Tiểu Ngư ác ôn hơn eo Cù Đường nhiều lắm đấy, nghe nói 'gò Diễm Dự' đích thân ra đề đích thân kiểm tra cô hả?" Sĩ phu có râu tóc hoa râm tên Lão Hàn vuốt râu mỉm cười.

"Đúng thế, mấy hôm trước Lễ bộ gửi tin cho tôi, bảo là hôm đó đến trường thi ở Lễ bộ dự thi thì cứ báo tên Ngu Toàn Cơ là được." Ngu Toàn Cơ trả lời, mọi người nghe thấy vậy đều chúc mừng. Nhưng vì hôm thi còn có một vài thủ tục khám người rắc rối, nên Ngu Toàn Cơ lắc đầu cười gượng: "Vị lệnh sử Lễ bộ ấy tốt bụng tiết lộ cho tôi một tin, Ngự sử đại phu biết tôi nhận được sắc chỉ của Lễ bộ, thế là tức điên lên, suýt nữa dỡ cả ngói của Lễ bộ, lại còn nghĩ cách thi vấn đáp thâm hiểm chưa từng có từ khi nước Lương khai quốc đến nay, ngay cả Thượng thư Lễ bộ cũng chưa nghe thấy bao giờ, đương nhiên không chịu cho y làm thế rồi, cuối cùng Ngự sử đại phu dùng mọi cách dọa dẫm uy hiếp, ép Thượng thư Lễ bộ phải đồng ý, lệnh sử ấy còn dặn tôi phải tự lo cho thân mình thôi, tốt nhất trước khi đi thì từ biệt bạn bè người nhà trước, rồi hẵng vào thi."

"Chuyện này...", "Ngự sử đại phu làm càn quá rồi!", "Lệnh sử không nói thi thế nào ư?" Cả đám nhao nhao hỏi.

"Không, lệnh sử ấy nói đến ông ta cũng không biết tình hình cụ thể, chỉ nghe Thượng thư run lập cập nói sơ sơ vậy thôi, lệnh sử cũng bảo ông ta ngụp lặn trong Lễ bộ mười ba năm mà cũng chưa nghe đến cách thi này..." Ngu Toàn Cơ nói bằng giọng đầy bất lực, vừa nhìn mọi người vừa tự giễu: "Theo như những lời đồn về tính cách của Ngự sử đại phu, tôi không phải chịu mười kiểu tra tấn dã man nhất thì coi như y vẫn còn tính người nhỉ?"

"Toàn Cơ, đến lúc đó tôi sẽ viết điếu văn cho cô." Liễu Phi Khanh cười khúc khích, làm mọi người nhìn anh ta bằng ánh mắt khinh thường, "Sao thế? Ngự sử đại phu sẽ không giết Toàn Cơ thật đâu!"

"Ai nói thế?", "Huynh quen biết Ngự sử đài chủ à?", "Ngay cả Đông Xuyên (3) còn bị đánh gục, thì y có thể dễ dàng bóp chết Tiểu Ngư như bóp chết một con kiến mà thôi!", "Cô hơi nguy hiểm đấy nhỉ!" Đám đông mồm năm miệng người, tất cả đứng chung chiến tuyến.

Song Lý Ký Lan lại vò đầu, phiền não nói: "Này, tôi sẽ khắc bia mộ cho cô, ngoài ra còn làm thêm bài thơ 'điếu văn Toàn Cơ' và 'Tiểu sử Ngu Toàn Cơ' nữa, cô muốn trở thành giai nhân tuyệt thế hay hồng nhan bạc phận?"

"Chẳng muốn thành cái gì, cô hãy viết tôi thành một nữ anh hùng vì lý tưởng chính nghĩa mà đối đầu với Ngự sử đại phu thâm hiểm, sau đó hi sinh một cách quả cảm anh dũng được không?"

"Cô nghĩ nhiều quá rồi, người phụ nữ phong lưu phóng khoáng đùa giữa quan nhân Tây Kinh, bị Ngự sử đại phu ghen tuông giết chết, tôi có thể giúp cô viết 'Biến văn (4) Ngu Toàn Cơ', tặng cho chùa Tây Minh để ngày đêm họ kể lại cho khách dâng hương nghe." Lý Ký Lan càng tỏ ra nghiêm túc hơn, phớt lờ ánh mắt ngạc nhiên của mấy người đàn ông đứng bên cạnh, "Thậm chỉ tôi đã nghĩ xong bản thảo biến văn rồi, cô nghe thử xem nhé. 'Mấy bận gió xuân mấy lần ơn, mưa móc Vu Sơn lạc hồng trần, một bầu hoài bão bỏ phí đấy, lại chẳng có lấy một bạn thân', bốn câu thơ này mang nhiều điển cố lắm, hay là cô thích ngắn gọn súc tích hơn, như 'Ô đài chủ ghen tuông độc ác, Ngu Toàn Cơ bỏ mạng ngoài kia'?"

Nghe táo bạo phá cách quá, cô là người xuất gia cơ mà? Cả đám sĩ tử đều xấu hổ nghĩ vậy, nhưng lại nghe Ngu Toàn Cơ nói, "Tôi thích cái thứ hai hơn, đơn giản dễ hiểu mà còn sướt mướt tình cảm, tuy rằng nếu viết như vậy thật, tôi chẳng còn mặt mũi nào vào phần mộ tổ tiên nữa."

Đây đâu phải là vấn đề có được vào phần mộ tổ tiên hay không? Cả đám sĩ tử đều xấu hổ nghĩ vậy, nhưng suốt dọc đường hai bà cô ngang tàng ấy cứ luôn miệng nghiêm túc thảo luận nếu viết "Biến văn Ngu Toàn Cơ" thì dùng cách hành văn như thế nào, dùng câu từ như thế nào, làm người nghe phải đỏ mặt tía tai, tim bồn chồn đập thình thịch như sắp lao ra khỏi lồng ngực.

Nói cô ta có tài mà không có đức quả nhiên không oan tí nào... Trên đường về nhà, ai nấy cũng nhất trí nghĩ vậy.

HẾT CHƯƠNG 9

(1) Hán Việt: Dục ẩm tì bà mã thượng thôi, trích từ bài thơ "Lương Châu từ kỳ 1" của Vương Hàn.

(2) Tên một cồn đất lớn ở giữa sông Trường Giang, phía đông nam huyện Phụng Tiết tỉnh Tứ Xuyên. Mùa hè nước lớn ngập một nửa, mùa đông nước rút, hiện lên là một gò đất cao đến hơn hai mươi thước. Năm 1958, để thuận tiện cho giao thông đường thuỷ nên Trung Quốc đã san bằng. Hình ảnh gò Diễm Dự chỉ khó khăn gian nan cần vượt qua.

(3) Tiết độ sứ Đông Xuyên tham ô, bị Ngự sử đài xử lý, các bạn xem lại chương 3.

(4) Biến văn là những tác phẩm văn học, chịu ảnh hưởng Phật giáo, được lưu hành từ đời Đường trở đi. Phật giáo dùng loại văn này để trình bày những truyện cổ trong kinh Phật và để giảng giáo nghĩa nói chung. Sau đó biến văn trở thành văn học dân gian, là tiền thân của thoại bản sau này.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro