Quyển 1 - Chương 13

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 13: Vào Long Môn

Mốc dịch

Khi xưa ta đến, liễu xanh thướt tha, nay ta trở về, tuyết lạnh lùng rơi...

Là ai, là ai đang ngâm "Thái Vi"? Ngu Toàn Cơ vẫn chưa tỉnh hẳn, chỉ có mí mắt hơi run lên.

Đường xa muôn trùng, chịu đói chịu khát, lòng ta sầu bi, ta rầu ai hay...

Là ai, là ai đang vừa ngâm vừa khóc... Ngu Toàn Cơ chầm chậm mở mắt ra, lúc này mới biết người vừa ngâm vừa khóc ấy chính là mình. Cô đặt tay lên trán, sụt sịt mũi nghiêng đầu đi, dùng vỏ gối lau nước mắt.

"Lại khóc nữa à?" Lý Ký Lan nằm bên cạnh cất giọng hỏi, trùm khăn tay lên mặt Ngu Toàn Cơ, "Từ hôm mùng một Tết đến giờ, ngày nào cô cũng vừa khóc vừa ngâm như thế, cô sao vậy?"

"Tôi cũng không biết mình bị sao nữa." Ngu Toàn Cơ cầm khăn mặt lên, nhìn xà nhà trên đỉnh đầu, "Tôi cứ cảm thấy hình như đã gặp Lý Thiên Lý rồi, thoạt đầu còn tưởng y là bạn cũ của cha, nhưng hôm kia tôi đến nhà chú họ, hỏi ông ấy có nhớ người tên là Lý Thiên Lý không? Ông ấy nói cha tôi quả thật có một người bạn họ Lý trạc tuổi cùng khóa thi, có điều không phải là Lý Thiên Lý ở Lũng Tây, mà là Lý Vạn Lý ở quận Triệu, hai năm trước đã chết trong thời gian làm tư mã Giang Châu."

"Chẳng phải cha cô cũng từng làm ở Ngự sử đài ư? Liệu có phải gặp nhau lúc đó không?"

Ngu Toàn Cơ ậm ừ, bấm đốt ngón tay tính toán: "Cha tôi qua đời khi mới chỉ bốn mươi mốt tuổi, năm mười bảy tuổi ông ấy đỗ đạt, từ năm hai mươi tuổi đến năm hai mươi ba tuổi, ông ấy nhậm chức ngự sử chủ bạ, sau đó đến Mạc phủ Tây Bình, tính ra, khoảng thời gian ông ấy ở Ngự sử đài cũng đã là ba mươi lăm ba mươi sáu năm trước. Lý Thiên Lý chưa đến bốn mươi tuổi, khi cha tôi làm ở Ngự sử đài, y vẫn chỉ là đứa bé còn hôi sữa thôi."

"Mấy hôm trước tôi giúp cô nghe ngóng thông tin về y, tên xấu xa này mới mười sáu tuổi đã đỗ tiến sĩ, nhờ dâng bản ghi chú cuốn 'La chức kinh' cho Ngự sử đại phu, nên được đặc cách đề bạt làm giám sát ngự sử, y chỉ phải thuyên chuyển năm sáu chức quan, làm quan bên ngoài hai nhiệm kỳ, hơn nữa thời gian nhậm chức cũng rất ngắn, hầu hết đều ở Tây Kinh, do vậy ba mươi tuổi đã là đầu sỏ Ngự sử đài."

Nghe cô ấy nói xong, Ngu Toàn Cơ không khỏi bật cười: "Đầu sỏ? Nghe không khác gì thủ lĩnh Man Di vậy."

"Xấu xa như thế còn thua cả tộc Man Di."

Cuối cùng Ngu Toàn Cơ cũng phá lên cười, chợt nghe thấy tiếng Xuân Nương mở cửa bước vào, cô bèn đứng dậy chải đầu rửa mặt dùng cơm. Cứ nghĩ tới cuộc hẹn ba ngày ba đêm với Ngự sử đài vào ngày mai, cô chẳng còn tâm trạng đâu để ôn tập bài vở, càng không có hơi sức đi sắp xếp vật dụng ngày mai mang theo, dầu sao trong nhà cũng có bà mẹ "giả" Xuân Nương cứ lượn qua lượn lại trước mắt cô, thêm nữa cô giao cho Lý Ký Lan thu dọn đồ đạc, để cô ấy đỡ phải bê chồng đề cương vào bắt cô thi thử.

"Ôi chao! Xuân Nương Xuân Nương! Ý tôi là nến sáp ong, mùi hương của loại nến này gay mũi, đốt lên mới không buồn ngủ, thuận tiện xua đuổi luôn hồn ma xấu xa nào đó!"

"Chú Trạch? Chú Trạch đâu rồi? Chú đã mua thịt khô chưa? Còn bánh Hồ thì chúng ta tự rán, đừng mua bên ngoài, lỡ ăn phải đồ hỏng lại đau bụng."

"Ơ? Trà Nghi Hưng Dương Tiễn tôi cho không còn nữa à? Toi rồi! Tên khốn nào không có mắt uống hết rồi thế? À... là lần trước mời khách nên mang ra uống... Chết thật rồi, phải mau đi mua mới được."

Khắp căn nhà của Ngu Toàn Cơ chỉ nghe thấy tiếng càm ràm không ngớt của Lý Ký Lan như gà mái lo không đẻ nổi trứng và tiếng nói chuyện cùng với tiếng bước chân tất cả chạy khắp nơi của vợ chồng chú Trạch và Xuân Nương. Ngu Toàn Cơ trốn trong thư phòng ở hậu viện, tay chống cằm, lặng lẽ ngắm mấy cây sen đá trên bờ tường qua ô cửa sổ... Bỗng nhiên cô nhìn thấy một đóa hoa mai đỏ rơi xuống, bèn vội vàng đưa tay ra đón, cô thò đầu ra ngoài nhìn, chợt trông thấy mười mấy cánh hoa mai đỏ đang lẳng lặng nằm dưới nền tuyết trong khe hẹp chỉ khoảng ba thước giữa bức tường và cửa sổ.

"Sao bọn mi lại ở đây?" Ngu Toàn Cơ khẽ hỏi, cánh hoa đỏ sẫm rơi trên nền tuyết trắng xám, nhìn thảm thương tiêu điều vô ngần, cô rướn nửa người mới nhìn thấy một cành mai đỏ của nhà hàng xóm bên trái cách cửa sổ nhà cô nửa thước đang vươn mình qua tường, bèn mỉm cười: "Hóa ra là mai đỏ vượt tường à?"

Mùi hương thanh mát của hoa mai mùa đông thoang thoảng đâu đây, giọng nói bi ai của cô gái cũng vọng từ bên kia bức tường sang, "Huynh ấy đã đồng ý sẽ chuộc tôi ra! Huynh ấy sẽ không đi đâu! Không đâu!"

"Đồ tiện tỳ, đồ lẳng lơ! Con kỹ nữ suốt đời không ngóc đầu lên được!" Tiếp theo đó là giọng nói khò khè của một gã đàn ông, kèm theo tiếng bạt tai chát chúa, "Ông đây mới đi bán trà hai tháng, mày đã quyến rũ một thằng trai bao hát đám ma! Ông mua mày hai năm, mày làm như cơ thể mình báu bở lắm, chạm vào là khóc váng trời, thế mà đổi thành thằng trai bao đấy, mày còn cởi sẵn quần áo chờ nó! Con tiện tỳ."

Sau đó là tiếng áo xống bị xé "roẹt", tiếng khóc của người phụ nữ, tiếng mắng chửi của gã đàn ông, tiếng da thịt va chạm vào nhau, từng âm thanh một dội thẳng vào tai cô. Mãi một lúc lâu sau Ngu Toàn Cơ mới hoàn hồn, cuống quýt đóng cửa sổ lại, che tai, co rúm người dựa vào tường, nhưng tiếng mắng xối xả của nhà hàng xóm mãi không dứt, cô xõa hết tóc ra, bàn tay đặt trên tai siết thành nắm đấm, đè chặt lên mái tóc để cố gắng che kín mọi âm thanh...

"Toàn Cơ? Toàn Cơ?" Lý Ký Lan đẩy cửa ra, vừa bước chân vào thì nghe thấy tiếng động từ viện bên cạnh vọng sang, cô ấy thầm thốt không ổn rồi, quả nhiên tìm thấy Ngu Toàn Cơ đang run bần bật ngồi co ro ở góc tường, bèn vội vàng nắm lấy tay cô: "Toàn Cơ, không sao đâu! Không sao đâu! Người đó không phải là cô!"

"Đúng vậy, đúng vậy..." Ngu Toàn Cơ lẩm bẩm.

Lý Ký Lan nghiêm mặt lại, vòng tay qua ôm lấy cô, như gà mẹ không hề do dự che chở cho chú gà con, "Không phải cô, cô là Ngu Toàn Cơ! Không phải là Ngu Tụ Ngôi! Tôi sẽ bảo vệ cô, tôi sẽ không để cô chịu tổn thương."

Âm thanh vang lên từ nhà hàng xóm cuối cùng cũng dừng lại, Ngu Toàn Cơ cuộn tròn người trong lòng Lý Ký Lan, sắc mặt tái trắng, trán đổ mồ hôi lạnh, Lý Ký Lan cầm khăn lau mồ hôi cho cô, rồi vừa ôm cô vừa vỗ nhẹ, "Được rồi... Không sao..."

"Ừ..." Mãi lâu sau Ngu Toàn Cơ mới lấy lại được tinh thần, cầm chiếc khăn tự lau mặt mình, bất lực nhếch khóe môi lên: "Tôi đúng là vô dụng... lại suy nghĩ vớ vẩn rồi..."

"Cũng không thể nói thế được." Lý Ký Lan hiếm có hôm không độc mồm độc miệng, kéo cô dây, đẩy cô vào phòng chính, đôi nam nữ trong viện hàng xóm cách đó không xa lại "đánh" thêm trận nữa. Tiếng động ồn ào của nhà bên cạnh cũng làm Ngu Toàn Cơ quên đi nghi ngờ ban nãy của mình. Bấy giờ cô mới nhớ ra nếu ngày mai thi trượt vấn đáp, nửa đời còn lại chắc chắn chẳng còn nước non gì, vì thế đành phải cẩn thận đọc lại một số đề thi đã chọn, xem qua một lượt những thứ mình định mang đi, sau đó đi ngủ sớm.

Gió bấc rét buốt cả đêm, nhưng Ngu Toàn Cơ lại ngủ rất ngon, đến khoảng canh bốn thì tỉnh giấc đi rửa mặt thay quần áo, búi mái tóc dài lên đỉnh đầu theo kiểu của đàn ông, rồi buộc một mảnh vải xung quanh. Lý Ký Lan đích thân mang thức ăn sáng đến cho cô, là một bát ba ba hầm, một xấp bánh rán vàng ruộm, một đĩa đuôi cá diếc nướng, ngụ ý là đỗ đạt trạng nguyên, đề tên bảng vàng, giành được tiến sĩ; món nào cũng mang điềm tốt lành. Ba ba là thứ người Tây Kinh không ăn, nhưng chỉ những ai sinh ra ở phương Nam như hai người Lý Ngu mới biết vị ngon của ba ba, mấy hôm trước Lý Ký Lan câu được mấy con ở bờ Khúc Giang, sáng sớm hôm nay phá giới tự tay cầm dao nấu một món lấy may.

Nhìn thấy ba ba, không hiểu sao Ngu Toàn Cơ lại cảm động không thôi, ngậm ngùi nghĩ cô tứ cố vô thân ở Trường An, không họ hàng người thân, chỉ có mình Lý Ký Lan bảo vệ chăm sóc cho cô. Nghĩ đến đây, nước mắt trào khóe mi, song cô vẫn gắng gượng mỉm cười: "Con ba ba này đã phá mất đạo hạnh cô tu mất năm trăm năm, xin lỗi cô nhiều lắm."

"Đạo hạnh cũng đã phá rồi, ăn cho thoải mái đi, tôi còn giữ lại hai con, chờ cô thi xong, tôi làm một bát tiết canh ba ba cho cô tẩm bổ." Lý Ký Lan cười nói, làm vợ chồng chú Trạch và Xuân Nương suýt ói.

Ăn xong bữa sáng, chú Trạch nói đã thuê sẵn một chiếc xe nhỏ và buộc Sương Hoa vào xe, đồ đạc cũng đã để hết lên xe, được gói gọn trong một cái giỏ và một cái tay nải, trong giỏ là giấy bút văn phòng phẩm, trong tay nải là đồ dùng sinh hoạt cá nhân, Lý Ký Lan còn chuẩn bị cả một con dao găm thái thịt, dặn dò rằng nếu Ngự sử đại phu muốn làm xằng làm bậy thì cho y một xiên, làm Ngu Toàn Cơ cười ngặt nghẽo.

Cuối cùng chú Trạch đánh xe chở cả Ngu Toàn Cơ và Lý Ký Lan đi về phía Hoàng thành, đến thẳng Quốc Tử Giám trước cổng An Thượng Môn, phía trước ồn ào tiếng cười nói, đều là sĩ tử đến dự thi và quan nhân đến trông coi. Ngu Toàn Cơ nói: "Chú Trạch thả cháu xuống luôn ở đây đi, Quốc Tử Giám có người dẫn đường."

"Nương tử có đi được không?"

"Cháu đi được." Ngu Toàn Cơ xuống xe, đón lấy cái giỏ và tay nải: "Ký Lan, cô chuẩn bị cơm cho cả Ngự sử đại phu à?"

"Không, tôi quan tâm đến tên khốn kiếp ấy làm gì! Tên đấy miệng nôn trôn tháo cũng chẳng liên quan đến tôi."

"Thế sao tay nải nặng vậy..."

"Lắm chuyện! Mau vào trong đi!"

Ngu Toàn Cơ đeo giỏ trúc lên cánh tay, ôm tay nải vào trong lòng, chen chân vào Quốc Tử Giám: "Tại hạ là Ngu Toàn Cơ ở Việt Châu."

Mỗi khi đến dịp này, tả hữu vệ bình thường nhàn rỗi không có gì làm sẽ được điều đến đây giúp đỡ, lục sự tham quân của tả vệ ngồi ở bàn đăng ký ngẩng đầu lên: "Ngu Toàn Cơ? Chính là người phải ở riêng với chủ khảo ba ngày đấy hả?"

"Là..."

"Lấy giấy tờ tường trình gia cảnh ra đây." May mà lục sự tham quân vẫn nhận ra cô là phụ nữ, không bồi thêm mấy câu hay nói thường ngày như là "Má ơi! Đầu cô có vấn đề hả?". Vì cô nằm trong danh sách "có tài mà không có đức" cần theo dõi thêm, do vậy tham quân xác nhận gia cảnh xong thì viết vào sổ đăng ký: "Việt Châu Ngu Toàn Cơ, tên tự Toàn Cơ... cao năm thước bốn tấc, ừm... cũng tầm khoảng đấy, mặt trái xoan, quai hàm hơi gầy, mày mảnh hơi nhếch lên, mắt hai mí đuôi mắt xếch, ừm... được rồi."

"Xin hỏi..."

Ngu Toàn Cơ đang định hỏi bước tiếp theo sẽ đi đâu thì lục sự tham quân đứng dậy, gào lên với không khí: "Binh tào binh tào! Binh tào chết giẫm ông đi đâu rồi hả? Ông đụ cả lò nhà ông nghiện rồi hả? Má nó đầu óc tên chết tiệt nhà ông bị úng nước rồi hả? Binh tào!"

"Gọi cái đếch gì mà gọi! Có mà cả lò lục sự nhà ông đụ nghiện ấy! Rõ ràng tôi đứng bất động ở đây chờ cô ả Ngu Toàn Cơ đầu óc rỗng tuếch ăn no rửng mỡ đi gây chuyện với Ngự sử đại phu khốn kiếp!"

Cách đó không xa vang lên tràng mắng xối xả ra rả y hệt như thế, tuy rằng bọn họ "đấu võ mồm" ngay trên phố Thiên Môn, thậm chí nhục mạ quan chủ khảo, thế nhưng trên phố Thiên Môn đều là người của tả hữu vệ quân, trên có tham quân dưới có binh lính vừa làm việc vừa hỏi han tình hình gia đình sĩ tử và quan chủ khảo, do vậy mọi người cũng không quá để ý, lục sự tham quân ra hiệu về một phía: "Ra chỗ đó tìm binh tào, nếu không tìm thấy thì gọi thật to mười tám đời tổ tiên nhà binh tào lên, sẽ biết ngay ông ta là ai."

"Ờ... làm phiền tham quân rồi."

Rõ ràng các ông cũng xuất thân từ sĩ phu, sao lại biến thành thế này... Ngu Toàn Cơ thầm nghĩ vậy. May thay cô nhanh chóng tìm thấy binh tào tham quân, nên không cần phải gân cổ gọi, bèn đi thẳng tới chỗ ông ta: "Binh tào, tại hạ là Ngu Toàn Cơ."

"Ồ, cuối cùng cũng đến rồi." Gặp được người thật, Ngu Toàn Cơ trợn tròn mắt nhìn, vị binh tào này rõ ràng thoạt nhìn nho nhã tri thức, thế nên người vừa rồi chửi xối xả không biết ngượng mồm chính là...

"Đi thôi!"

Cô chưa kịp nghĩ sâu xa, vị binh tào đó đã đưa cô đi qua cổng An Thượng Môn, vào phố An Thượng Môn, bên trái là chùa Thái Thường, bên phải là Thái miếu, rảo bước qua những bức tường cao cao thì rẽ trái, đây là viện phía Nam của Lễ bộ, trong viện phía Nam có một vài sĩ tử, binh tào dẫn cô vào trong, giao cô cho một nữ binh: "Người quen của Trương Tam, tên là Ngu Toàn Cơ."

Nữ binh đó sưng sỉa nhận Ngu Toàn Cơ, kéo cô vào trong phòng như vứt một món đồ, cửa ra vào được ngăn cách bởi một tấm bình phong và lều vải, bên trong vọng ra giọng nói của mấy nữ sĩ tử và nữ binh. Đây không phải là lần đầu tiên Ngu Toàn Cơ đến đây nên biết sẽ bị lục soát người, vì vậy cô đặt bọc đồ ở bên cửa, tự giác bước vào trong lều, bên trong dùng ván gỗ ngăn ra thành mấy gian, nữ sĩ tử sẽ cởi áo cho nữ binh kiểm tra.

Thật ra cũng không cần phải khám người, vì trong trường thi có sách vần (1) kinh điển, thí sinh có thể tự do mở đọc, hơn nữa cũng có thể tự do thảo luận với nhau. Có điều mấy năm nay ngoài tăng thêm phần thi vấn đáp về chính trị, cũng chú trọng cả các điển tích điển cố, có một số thí sinh lén mang theo sách về điển cố, thậm chí là tuyển tập thơ vô danh mua trong tiệm sách để tiện bề quay cóp, chi phí rẻ hơn thuê người thi hộ nhiều, do vậy kỳ thi phải thêm khâu soát người.

Cảnh đàn ông bị lột đồ soát người ngay bên ngoài không phải là chuyện kiếm, còn về nữ sĩ tử, thật ra quy định ghi rằng phụ nữ chỉ cần cởi đến trung y là được, nhưng để thuận tiện, cũng lười phải sờ mó rờ rẫm, cái nữ binh đều yêu cầu nữ sĩ tử cởi hết, sau đó nhìn qua một cái là xong.

Ngu Toàn Cơ không phải lần đầu đi thi, cũng không phải là khuê nữ chờ lấy chồng, nên cảm thấy cởi quần áo kiểm tra chẳng phải là chuyện gì to tát, thế nhưng nữ binh ở hai gian bên cạnh thì ngược lại, gắt gỏng nói: "Mau cởi ra đi."

"Hu hu... có... có thể chỉ cởi đến trung y thôi được... được không... hu hu hu..." Một thiếu nữ vừa khóc nức nở vừa nói, song bị nữ binh nghiêm giọng quát, không khác gì tú bà vừa mới mua được một cô nương mới.

Nghe thấy vậy, Ngu Toàn Cơ kìm lòng không đậu, bèn lên tiếng: "Em gái, cứ coi vị nữ binh này là mẹ cô, có cởi hết cũng không sao, chẳng lẽ khi cô mới chào đời đã mặc quần áo rồi?"

"Hu hu hu..." Thiếu nữ lại òa khóc tức tưởi, tiếp đó là tiếng quần áo sột soạt, có lẽ cô nàng ấy đã nuốt nước mắt đau khổ cởi quần áo ra cho họ kiểm tra rồi.

"Thân cô, cô còn chưa lo xong, lại còn nghĩ cho người khác." Nữ binh đứng sau Ngu Toàn Cơ lạnh lùng nói.

"Bồ Tát đất sét qua sông, ốc khó mang nổi mình ốc, cứu được người nào hay người đấy." Ngu Toàn Cơ đáp, thong thả xoay một vòng, nữ binh gật đầu, bấy giờ cô mới mặc quần áo vào. Một nữ binh khác đã mở bọc đồ của cô ra kiểm tra, Ngu Toàn Cơ mỉm cười: "Cô vất vả rồi". Mọi thứ xong xuôi, nữ binh vừa mới soát người dẫn cô ra ngoài, đến thẳng sảnh phía sau.

"Cô ngoan ngoãn chờ ở đây." Nữ binh dặn dò thế, rồi bỏ lại cô ở giữa sân, đến chái nhà tìm quan khảo thí. Ngu Toàn Cơ đứng ngoài sân, xung quanh không một bóng người, hiện giờ mới đến giờ mão (2), trời mùa đông sáng muộn, hơn nữa hôm nay mây đen dày đặc, sắc trời vô cùng âm u. Trong sân còn có đống tuyết cao chừng hai tấc, cánh cửa phòng chính ở sảnh sau đóng im ỉm, hình như bên trong có ánh đèn, Ngu Toàn Cơ hà hơi xoa tay, chợt có thứ gì đó đậu lên mí mắt, cô chớp mi, hóa ra là tuyết, cô ngẩng đầu lên nhìn trời, thấy những bông tuyết li ti trắng xóa đang rơi xuống...

Cô bỗng nhớ lại mười sáu năm trước. Một ngày của mười sáu năm trước cũng đổ tuyết như thế này, cô cùng với cha và chị gái sống ở Sơn Đình nhà họ Ngu bên bờ Khúc Giang, tuyết bay lả tả như lông ngỗng, cha bảo cô gảy đàn, chị gái thổi sáo, còn ông cầm kiếm múa trong tuyết...

"Hái rau vi, hái rau vi, rau đà thấy mọc xanh rì mọi nơi. Trở về, ta hãy về thôi, nam tân sắp sửa đến nơi kia mà. Tấm thân không cửa không nhà, bời quân rợ Địch tràn qua bất kỳ. Đứng ngồi nào rảnh rang chi, bởi quân rợ Địch liên thì xâm lăng.

Hái rau vi, hái rau vi, rau đà thấy mọc đương kỳ non tươi. Trở về, ta hãy về thôi, lòng ta luống những bồi hồi buồn đau. Tấc lòng rười rượi ưu sầu, khi thì đói khát dãi dầu long đong. Biên thuỳ ta giữ chưa xong, chẳng ai về được mà mong thăm nhà.

"Hái rau vi, hái rau vi, ngọn rau lên cứng vừa khi già rồi. Trở về, ta hãy về thôi, thì năm đã thấy tháng mười kể sang. Việc vua lo phải vững vàng. Cho nên ta chẳng rảnh rang đứng ngồi. Buồn rầu bịnh hoạn ngậm ngùi, ta về, đi chẳng tận nơi đến nhà.

"Nở đều thơm đặc hoa gì? Ấy cây thường đệ đến kỳ trổ hoa. Của ai kìa cỗ binh xa? Của quan tướng suý dùng mà lập công. Binh xa vừa thắng ngựa xong, bốn con ngựa đực uy hùng biết bao. Dám dừng để ở yên sao? Ba lần thắng trận tháng nào cũng mong.

"Bốn con ngựa đực thắng vào, bốn con ngựa ấy xiết bao uy hùng. Để quan tướng suý ngài dùng, đỡ che lính thú giữ trông biên thuỳ. Chỉnh tề bốn ngựa uy nghi, đầu cương xương tượng, ngư bì làm bao. Há không cảnh bị hay sao? Đề phòng rợ Địch tràn vào khẩn trương.

Khi xưa tách bước xa nhà, thấy cây dương liễu rườm rà xanh tuơi. Nay ta trở bước đến nơi, dầm dề mưa tuyết tuôn rơi lạnh lùng. Đường xa, xa tít muôn trùng, đã cam đói khát xót lòng lắm khi. Lòng ta u uất sầu bi, nỗi thương cảm ấy ai thì biết cho? (3)".

Trong Sơn Đình của nhà họ Ngu giờ đây còn hàng cây liễu bên bờ hồ không? Ngu Toàn Cơ nhắm nghiền mắt, mặc cho bông tuyết đậu lên hàng mi, hóa thành vệt nước mắt...

Gió rét sau lưng đột nhiên ngừng thổi, Ngu Toàn Cơ mở choàng mắt ra, cám thấy ai đó đang đứng sau lưng mình. Cô không hề bất ngờ khi nghe thấy giọng nói của Lý Thiên Lý: "Con cá ngu ngốc đằng trước, tránh ra đừng cản đường ta."

Ngu Toàn Cơ lùi ra hai bước, bấy giờ mới nhận ra còn có mười mấy quan khảo thí đi sau Lý Thiên Lý, có người mặc áo đỏ có người mặc áo xanh lục, đều là quan viên lục phẩm thất phẩm trở lên, trong đó có cả quan viên hồi trước mang chiếu chỉ của Lễ bộ đến cho cô. Đợi mọi người và Lý Thiên Lý rời khỏi, người đó mới nói với Ngu Toàn Cơ: "Ngu sĩ tử, mời sang bên này."

"Làm phiền quan nhân rồi."

Viên quan Ngự sử đài ấy dẫn Ngu Toàn Cơ đến gian phụ của phòng chính ở sảnh sau, luôn miệng nhận lỗi: "Đài chủ sai hạ quan khóa trái cửa từ bên ngoài, xin lỗi, Ngu sĩ tử chờ ở đây một lát nhé."

Đồ điên, cứ như phòng trộm vậy... Ngu Toàn Cơ ôm tay nải ngồi trên chiếc giường lò lạnh lẽo, buồn bã lắng nghe tiếng trống nhạc rộn rã xen lẫn tiếng đồng thanh chào hỏi của sĩ tử và quan khảo thí ngoài kia. Còn cô chỉ có thể trốn chui ở nhủi trong này, không khác gì nô tỳ bị phạt ba ngày không được ăn cơm.

Tên khốn kiếp chết giẫm Lý Thiên Lý... Sau khi Ngu Toàn Cơ thầm mắng y đến câu thứ sáu mươi chín, cuối cùng cũng vang lên tiếng khóa lách cách, người mở cửa vẫn là vị ngự sử đó: "Xin mời Ngu sĩ tử."

Bên ngoài xếp thành hai hàng dài như chào mừng đại quân ca khúc khải hoàn, có điều ai nấy đều nhìn cô chằm chằm với gương mặt "mẹ kế". Vị ngự sử đó dẫn cô đến chính phòng đang mở rộng cửa, hỏi cô bản tường trình gia cảnh, đoạn tốt bụng nói: "Cô tự cầu phúc cho mình đi nhé."

Không chờ cô trả lời, ngự sử ấy đã bước vào chính phòng: "Bẩm đài chủ, đã dẫn sĩ tử Ngu Toàn Cơ đến rồi ạ."

Liệu có phải hô hai tiếng "uy vũ" không nhỉ? Sau đó y sẽ gõ mạnh kinh đường mộc, nói: "Đưa cô ta lên đây", và rồi cô có thể kêu gào "Tư pháp bất công". Ngu Toàn Cơ oán hận nghĩ vậy, chợt nghe thấy Lý Thiên Lý nói: "Đưa cô ta vào đây đi.'

Khóe miệng Ngu Toàn Cơ cong lên đầy tuyệt vọng, viên ngự sử bước ra thấy cô còn cười được, lòng thầm nhủ cô nàng này nếu không phải là tên ngốc thấy chết không sợ thì cũng là tướng tài gặp nguy không loạn. Hắn tằng hắng một tiếng, mở miệng: "Ngu sĩ tử, mời vào."

Ngu Toàn Cơ gật đầu, sau đó cởi giày, tay xách nách mang đi vào chính phòng, song vừa đặt chân vào trong thì nghe tiếng lách cách vang khắp xung quanh. Cô quay đầu lại nhìn, bốn cánh cửa vừa rồi còn mở mà giờ đã đóng kín hết, y hệt như đóng cửa thả chó vậy. Họa ập lên đầu cần gan dạ, người tới đường cùng càng nổi điên (xin lỗi độc giả, câu sau tôi chém đấy), Ngu Toàn Cơ nhìn quanh quất, chỉ nhìn thấy mỗi cái bàn của Ngự sử đại phu ở đằng trước, trong mắt cô, y vẫn mang gương mặt gian giảo, tỏ vẻ đạo mạo nho nhã (Nhấn mạnh lần nữa, đây là Ngu Toàn Cơ thấy vậy) tựa người vào tay vịn hình móng thú bằng gỗ hoàng dương, dưới mông là nệm da hổ nguyên tấm và chiếc gối làm bằng gấm dày dặn, bên cạnh bàn còn có một lò than nhỏ, tay cầm bản tường trình gia cảnh mà cô cẩn thận trang trí bồi dán, nom y thoải mái không khác gì phú ông vậy.

Trên sàn gỗ trước mặt Lý đại đài chủ chỉ đặt một chiếc bàn cũ nát như chực sập đến nơi, ngay cả bồ đoàn cũng không có, trên bàn chỉ có một bình nước, không biết là để cho cô uống hay để cô dùng mài mực, có điều dù Lý Thiên Lý nói có thể uống, cô cũng chẳng có gan uống, ai biết y có cho gì vào trong không.

"Chỗ đối diện là để cô làm bài thi, ngủ nghỉ ở gian bên cạnh, thi thơ phú, chủ khảo nhiều việc, không thể lúc nào cũng kè kè bên cô được, nên người khác có cả ngày, nhưng cô chỉ có hai canh giờ thôi, bắt đầu từ bây giờ." Lý Thiên Lý nói mà không hề ngẩng đầu lên.

Chắc anh giỏi lắm đấy! Tên khốn kiếp nhà anh bắt nạt sĩ tử! Chờ một ngày bà đây trở thành tể tướng, việc đầu tiên chính là xử ngươi ra bã! Ngu Toàn Cơ cố gắng dằn lòng để không xông tới bóp chết y, sau đó lấy văn phòng tứ bảo trong giỏ trúc đặt lên bàn, rồi rút một tấm thảm dày ở dưới cùng ra, lúc này cô không khỏi cảm ơn Lý Ký Lan đã suy nghĩ chu đáo. Xong xuôi cô rót chút nước từ trong bình, lạch cạch mài mực, vừa mài vừa nhìn đề thi.

Mặt trước của tờ giấy thi và đề thi trước mặt cô đóng con dấu của Lễ bộ, mặt sau đóng con dấu của quan chủ khảo Lý Thiên Lý. Tờ đề thi vừa nhỏ vừa mỏng, rõ ràng được in nhanh bằng khắc bản. Nói đơn giản, đề thi thơ phú lần này được chia làm hai, phần một là thơ, phần hai là phú, cách dùng vần đều vô cùng chặt chẽ, có điều đọc đi đọc lại đề thi... sao nó lộn xộn thế nhỉ? Ngu Toàn Cơ bất giác liếc nhìn Lý Thiên Lý, đúng lúc y cũng ngước lên, bèn nheo mắt hỏi: "Sao thế? Không nhận được mặt chữ à?"

Chỉ nhìn cái thôi mà, mắc mớ gì "đanh đá" thế hả? Đúng là xấu tính thật đấy... Nhưng khoa thi tiến sĩ của nước Lương không cấm thí sinh hỏi quan chủ khảo. Cô bèn hỏi: "Xin hỏi chủ khảo, thơ lấy đề là 'Tiên tài (4) lên núi xanh', phú lấy đề là 'Cả vương bá đạo (5) cùng ngự trị thiên hạ', đúng không ạ?"

Lý Thiên Lý không đáp, nhìn Ngu Toàn Cơ như nhìn một đứa ngốc. Cô hỏi tiếp: "Ý nghĩa của đề thơ tóm gọn là vịnh tiến sĩ tân khoa, còn ý nghĩa của đề phú chính là luận mặt trái mặt phải của 'Dùng cả vương đạo bá đạo trị thiên hạ', hay là từ đó phát biểu ý kiến làm thế nào để trị thiên hạ?"

"Cô muốn viết thế nào thì viết." Lý Thiên Lý trả lời cũng như không, y đặt tờ tường trình gia cảnh xuống, cầm bản giải trình lên, "Vừa rồi những sĩ tử khác đã hỏi, ta cũng đã trả lời rồi, cô không nghe thấy là việc của cô."

"Vừa rồi quan chủ khảo lệnh người ta nhốt học sinh trong gian phụ, sao có thể nói không nghe thấy là việc của học sinh được? Quan chủ khảo là người ra đề, theo thông lệ phải giải thích rõ ràng quy định trường thi, trường thi đề cao tính công bằng, cần phải đối xử bình đẳng, sao có chuyện học sinh chưa nghe thấy mà từ chối giải thích?" Ngu Toàn Cơ chống tay bật dậy, lạnh lùng nói, y làm cô nổi giận thật rồi.

"Ta chỉ đồng ý với Lễ bộ và Đông Cung ba việc, một là cho cô vào thi; hai là mở hết cửa sổ bốn phía trong lúc thi; ba là không lấy gia húy nhà cô ra làm đề; chỉ riêng điểm thứ ba, so với những thí sinh đọc đề thấy phạm húy phải khăn gói ra về, cô được ưu ái hơn nhiều. Cô có biết có bao nhiêu thí sinh chết tức tưởi vì phạm húy không? Cô không bị đánh trượt vì gia húy đã là không công bằng với thí sinh khác rồi, dựa vào đâu cô còn đòi công bằng? Ngồi xuống cho ta!" Lý Thiên Lý gằn từng câu từng chữ, giọng nói như sấm rền, câu cuối cùng không khác gì nện thẳng vào đầu Ngu Toàn Cơ.

Mới thế mà đã gây chuyện rồi à... các quan coi thi đang ngồi trong chái nhà chờ thi xong để còn chấm bài đều đồng loạt nghển cổ thò đầu qua ô cửa sổ không khép. Ngu Toàn Cơ bất mãn nhìn y, cánh môi mím chặt run lên bần bật, cuối cùng cô giận dữ ngồi xuống với cái dáng Ngu Bát Xoa thường thấy, bắt đầu viết dàn ý bài thi.

Một tiếng "rầm" vang lên, đám người ngồi hai bên chái nhà đều giật nảy mình, vội vàng chạy tới bên cửa sổ hóng hớt, thấy Lý Thiên Lý chuyển cái bàn cỡ trung từ chỗ ngồi của khách sang, tay trái kẹp vịn tay hình móng thú, y đặt cái bàn ngay trước mặt Ngu Toàn Cơ, đặt vịn tay sang bên trái, rồi chuyển cả đệm ngồi tới, chống hai tay lên bàn, chìm chằm chằm Ngu Toàn Cơ.

"Làm... làm thế cũng hơi quá rồi ha?" Tiểu quan của viện phía Nam đã làm việc ở Lễ bộ hai mươi mấy năm lên tiếng.

"Nào có ai giám thị như thế? Bị đài chủ 'chiếu tướng', không sợ đến nỗi òa khóc là may lắm rồi." Viên ngự sử dẫn Ngu Toàn Cơ đến đây nói.

Lễ bộ thị lang đợt này bị Thượng thư phái tới giúp đỡ cũng sợ điếng người, "Đài chủ nhà các ông không cần phải làm việc khác sao? Ơ, khoan đã, vừa rồi ngài ấy nói gì ấy nhỉ, nói là không có thời gian trông coi nên chỉ cho cô ta hai canh giờ thôi cơ mà, có nghĩa là..."

"Đài chủ sẽ 'chiếu tướng' cô ta như thế này suốt hai canh giờ?"

"Chết thật, ông thấy kiểu kia có giống giám thị không?"

"Giống đòi nợ vậy..."

"Giống đòi nợ vậy..."

Ngu Toàn Cơ hơi nhướng mày, bây giờ cô hoàn toàn chắc chắn rằng ngoài làm quan Ngự sử đài ra, thật sự không có nghề nào hợp với y hơn, vì chỉ khi tính kế chơi xấu người khác, suy nghĩ của y mới thông minh nhạy bén lạ kỳ, còn những lúc khác đều bị coi là thằng ngốc. Cô nhẹ nhàng khép mắt lại, tránh ánh mắt sáng như đuốc đầy độc ác của y (Nhấn mạnh lần thứ ba, đây là Ngu Toàn Cơ thấy thế), khi cô gập đến ngón tay thứ tám, hàng mi khẽ run lên, khi gập tiếp đến ngón tay thứ chín, cô mới mở mắt ra.

Thơ à... vậy phải cảm ơn câu nói "Cô có biết có bao nhiêu thí sinh chết tức tưởi vì phạm húy không" của Lý Thiên Lý đã gợi ý cho cô, cô vốn chỉ muốn viết một bài thơ thật hoàng tránh thật hoa mỹ để lấy lệ, nhưng đối phó với tên khốn kiếp đang ngồi đối diện này, cô phải dùng tuyệt chiêu của mình, không thể giẫm nát y thành bùn thì ít nhất cũng phải khiến y phục sát đất, cô sẽ dùng lời của y để làm một bài thơ đối chiếu giữa thi rớt với thi đậu. Còn phú à... trong kỳ thi tiến sĩ lấy nho học làm đầu mà tên này còn dám ra đề "Cả vương bá đạo cùng ngự trị thiên hạ'", vậy trước tiên cô sẽ phân biệt bá và vương, giải thích bá và vương là gì, sau đó giải thích dùng cả vương đạo và bá đạo để trị thiên hạ, khiến y không thể bắt bẻ được gì.

Thầm quyết định như vậy xong, Ngu Toàn Cơ vùi đầu múa bút thành văn, không buồn đoái hoài đến cái nhìn chằm chặp của Lý Thiên Lý.

Nhìn từ góc độ này, hàng mi của cô trông rất dài... Lý Thiên Lý chăm chú nhìn gương mặt đang cúi xuống kia, vầng trán ấy vẫn chưa hề có một nếp nhăn nào, có điều cô đã trút bỏ đi phong thái phụ nữ, thay vào đó là khí khái hào hùng trước nay chưa từng có. Ánh mắt y dừng lại ở tay cô, vì phải viết chữ nên tay phải hơi biến dạng, nhưng nét chữ không còn theo thể Trâm Hoa Tiểu Khải (6) nữa rồi, mà chuyển sang thể Liễu gia (7) khí khái đoan trang cứng cỏi thanh nhã... Lý Thiên Lý biết mình nên nghiêm mặt quắc mắt dọa cô, nhưng giờ đây nhớ lại chuyện năm xưa, y cũng thầm thấy mình là quan chủ khảo tồi tệ khốn nạn cặn bã lấy việc công làm việc tư, đáng bị luận tội đến sùi bọt mép, song y vẫn cầm không đậu lén đếm số lông mi của cô, một sợi, hai sợi, ba sợi... bên phải có hai mươi lăm sợi, bên trái có hai mươi tám sợi...

Chết tiệt! Ta có phải cú đêm chuyên đếm lông mi của trẻ con để buổi tối cắp chúng nó đi đâu! Ta đi đếm lông mi của cô ấy làm gì! Lúc này Lý Thiên Lý ngán ngẩm bản thân mình tột cùng.

Và cứ thế, nhờ có sự chuẩn bị trước, Ngu Toàn Cơ dở sống dở chết cuối cùng cũng hoàn thành bài thi thơ phú trong vòng hai canh giờ, sau đó ném lại cho Lý Thiên Lý – người mà cô cảm thấy nãy giờ cứ thích tỏ vẻ nguy hiểm, rồi ôm tay nải lật đật đi sang chỗ bên cạnh, trải tấm thảm xuống chỗ ngồi, ngả đầu đánh một giấc thật ngon.

Lý Thiên Lý nhanh chóng đọc lướt một lượt, khóe môi cong lên thành nụ cười đầy sâu xa, còn vỗ tay mấy cái. Y đưa bài thi cho một ngự sử nào đó đang đứng bên ngoài cửa sổ: "Mang đi đối chiếu vần chân."

Đến lúc phải ra ngoài tuần sát, tiện thể dằn mặt con cháu nhà quan to hiển quý rồi. Lý Thiên Lý đứng dậy đi tới bên cửa sổ, nhẹ nhàng trèo lên nhảy qua, ra đến bên ngoài, y khẽ phủi góc vạt áo, ngay lập tức gọi hai viên ngự sử đến: "Những kẻ ta nói phải tiêu diệt đang ở đâu?"

"Bẩm đài chủ, đều ở đầu phía Đông cả ạ."

"Đi."

Ngu Toàn Cơ đang ngủ say như chết không hề biết lúc này Lý Thiên Lý đang ra ngoài làm chuyện "hay ho"gì. Chẳng hạn như khi thí sinh đang làm bài thi, y sẽ khoanh tay cười khẩy, làm các thí sinh sợ đến mất hồn mất vía ôm đầu òa khóc; hoặc là nhân lúc thí sinh quá tập trung vào bài thi nên đầu óc không tỉnh táo, y sẽ đột nhiên hỏi họ mấy câu về người nhà họ hàng, thu được kha khá thông tin. Hỏa nhãn kim tinh của Ngự sử đài sáng như đuốc, bắt được bốn năm thí sinh mang tài liệu vào, lập tức đuổi cổ những kẻ đó khỏi trường thi.

Khi Ngu Toàn Cơ bị nữ binh đứng ngoài cửa sổ gọi dậy, sắc trời đã tối hẳn. Nữ binh đó nói: "Chủ khảo thả cô ra ngoài đi vệ sinh."

"Ồ... cảm ơn." Ngu Toàn Cơ ngồi dậy, dụi mắt nhìn xung quanh, thấy Lý Thiên Lý đang ngồi ngay ngắn trước bàn phê duyệt mấy thứ gì đó. Cô chắp tay hành lễ với y, y chỉ qua loa xua tay một cái với cô, bên ngoài đã mở khóa, cô đi theo nữ binh rời khỏi sảnh sau.

Vừa mới bước chân ra khỏi phòng, cánh cửa sảnh sau đóng lại cái "rầm", nữ binh nói: "Phải sửa bài thi, cô có một canh giờ đi dạo."

Ánh sáng lờ mờ lóe lên phía chân trời, rây rắc xuống nền tuyết ngày xuân, Cửu Chuyển Đan (8) luyện được ba phần, mà hôm nay mới chỉ là ngày đầu tiên thôi đấy.

(1) Sách vần hay vần thư là một loại sách cổ Trung Quốc, có nguồn gốc từ thời nhà Tùy, chia các chữ Hán có vần với nhau ra thành từng mục.

(2) Giờ mão: khoảng thời gian từ 5 giờ đến 7 giờ sáng.

(3) Lần lượt là các bài Thái vi 1, Thái vi 2, Thái vi 3, Thái vi 4, Thái vi 5, Thái vi 6 trong Kinh Thi. Bản dịch của Tạ Quang Phát.

(4) Có lẽ chỉ Lý Bạch, Tô Đông Pha. Trương Tam Phong gọi hai người này là "tiên tài", thơ của họ chứa linh khí của tiên.

(5) Hán Việt là "Bá vương đạo tạp chi", đây là chính sách của Hán Tuyên Đế thời Hán, ý là cùng dùng cả "Vương đạo" và "bá đạo". "Vương đạo" hiểu đơn giả là "Lấy đức chế nhân, lấy nhân trị thiên hạ"; còn "Bá đạo" chỉ luật pháp, vũ lực, hình phạt... Trị nước không chỉ dùng biện pháp mạnh, mà cần phải có giáo dục văn hóa.

(6) Là một thể chữ do Vệ Phu Nhân - thư pháp gia đời nhà Tấn sáng tạo ra.

(7) Là một thể chữ do Liễu Công Quyền (778 – 865) thời vua Đường Mục Tông sáng tạo ra.

(8) Tức thuốc trường sinh bất lão. Ở đây chỉ cố gắng vất vả trong thời gian dài.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro