Quyển 1 - Chương 14

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 14: Cửu Chuyển Đan

Mốc dịch

Sau ba trăm hồi chiêng, cả thành Tây Kinh chìm trong yên tĩnh, hoàng thành – nơi làm việc của hàng trăm quan viên càng tĩnh mịch hơn, mỗi quan thự chỉ có hai người xui xẻo phải ở lại trực, một mình đối diện với tòa nhà trống huơ trống hoác. Thế là đám quan viên phải trực đêm bên Thượng thư tỉnh quyết định tụ tập lại, chong đèn trò chuyện thâu đêm thị phi ở Phượng Các, việc xấu của nhà nào đó ở Loan Đài, biến cố ở Hoàng Môn, chuyện tầm phào ở Lan Đài. Thỉnh thoảng có vài hiệu thư lang hoặc chính tự của Tập Hiền Quán, Hoằng Văn Quán không chịu nổi cô đơn mang ít thịt khô điểm tâm trà rượu lén lén lút lút chạy đến như đi ngoại tình, người khoanh chân uống trà, kẻ ngồi vắt vẻo gãi chân, nhàn nhã vui vẻ tán dóc với tiền bối đồng niên.

Thị lang già đang ngủ trong quan thự bên cạnh không chịu nổi tiếng ồn ào của đám người trẻ tuổi, mở toang cửa sổ quát vọng ra bên ngoài: "Ngự sử đến rồi!", hết thảy quan viên lập tức vứt đồ lại, vội vàng chạy ra xem, chạy đến giữa sân mới phát hiện ra bốn bề không một bóng người, bèn nhìn ngó xung quanh, thị lang già phá lên cười sang sảng, cao giọng ngâm nga: "Chỉ trách ngũ âm phá mộng đẹp, tiếng cười oanh yến vượt bờ tường".

Đám quan viên bật cười khúc khích, đành phải khom lưng chắp tay xin lỗi, bấy giờ tiếng nói chuyện trong phòng mới nhỏ đi. Lúc này, trong màn đêm vắng vẻ, dưới ánh trăng vằng vặc chợt văng vẳng tiếng tiêu đâu đây, ai nấy đều yên lặng lắng nghe, là khúc "Độ quan sơn". Tiếng tiêu lắng xuống, tiếng sáo Khương ở phía Đông Nam cất lên như ánh sáng lạnh lẽo phản chiếu lên áo giáp bạc. Một lúc sau, phía không xa vang vọng tiếng đàn tì bà nỉ non như binh mã sẵn sàng ra trận, âm sắc trầm đục của đàn Hồ ẩn náu trong màn đêm, bốn loại nhạc cụ hoặc song tấu, hoặc hòa tấu, hoặc hợp tấu, mỗi loại mang theo độ nhanh chậm ngân nga của riêng mình, như hàng vạn ngọn mâu vượt qua quan ải...

Ngu Toàn Cơ và Tiêu Ngọc Hoàn ngồi dưới mái hiên viện phía Nam, yên lặng lắng nghe tiếng nhạc đột ngột cất lên cùng với những sĩ tử khác, đương nhiên không phải ai trong bảy tám trăm người ở đây đều nghe hiểu, có điều tiếng sáo Khương vừa rồi nghe như ở gần đây, mọi người đều tưởng rằng là tiếng hiệu lệnh của trường thi, bây giờ bốn bề tĩnh mịch, họ mới nhận ra là "Độ quan sơn". Đến khi tiếng tiêu và sáo dần dần lắng xuống, tiếng tì bà đã dứt, tiếng đàn Hồ tạm nghỉ, khúc nhạc đã tấu xong, ai nấy cũng thở hắt ra, bắt đầu bàn luận đề thi ban ngày.

"Chị ơi, đài chủ coi thi chị như thế nào ạ?" Tiêu Ngọc Hoàn kéo tay Ngu Toàn Cơ.

"Nhọc cho y nghĩ ra cách chuyển bàn ngồi đối diện chị, chỉ cách chị chưa đến năm thước, cứ nhìn chằm chặp chị viết, không thèm giải thích đề cho chị, hơn nữa chỉ cho chị đúng hai canh giờ! Hai canh giờ thôi đấy!" Ngu Toàn Cơ nghiến răng nghiến lợi, đằng đằng sát khí giơ hai ngón tay phải ra như muốn móc mắt Lý Thiên Lý: "Kết luận của chị là, y không chỉ xấu xa, mà còn khốn nạn đến cực điểm."

"Khốn nạn chỗ nào?" Đằng sau có người hứng thú hỏi.

"Cái tâm khốn nạn đó!" Ngu Toàn Cơ quay người lại, quắc mắt nhìn Thôi Tiểu Bát – cậu em trai hờ từ trên trời rơi xuống, "Tránh ra! Bây giờ tôi không muốn nhìn thấy gã đàn ông xấu xa nào! Cứ nhìn thấy là bực mình!"

"Quân tử không giận cá chém thớt, không tái phạm lỗi sai, kẻ giận cá chém thớt là tiểu nhân." Thôi Tiểu Bát liên tục huơ tay, trông có vẻ sợ chết khiếp.

"Cho cậu nói lại lần nữa." Ngu Toàn Cơ nheo mắt, làm Thôi Tiểu Bát sợ hãi co cẳng bỏ chạy. Cô quay sang nói với Tiêu Ngọc Hoàn: "Quả nhiên nét mặt này như muốn giết người, thảo nào tên khốn kiếp xấu xa ấy thích dùng cái bản mặt này."

"Cái tốt không học, chỉ đi học cái xấu." Tiêu Ngọc Hoàn cười khúc khích.

"Hừ! Tên khốn kiếp đó có gì tốt đâu mà học!" Ngu Toàn Cơ nói đầy bất mãn, Tiêu Ngọc Hoàn lấy hai miếng cơm nắm lạnh ngắt trong một chiếc túi nhỏ ở trên chân mình, đưa cho Ngu Toàn Cơ. Lúc này cô sực nhớ ra cơm của mình vẫn đang ở sảnh sau, giờ mới thấy đói bụng: "Cảm ơn, lát nữa chị sẽ lấy mấy món ăn trả lại em."

"Không cần đâu, em làm tận ba mươi, bốn mươi cái lận! Vừa chia cho đám Tiểu Bát mỗi người một nắm, riêng chị thì em thiên vị, cho chị thêm một nắm nữa." Tiêu Ngọc Hoàn nói, khi mỉm cười, trên khuôn mặt của cô ấy xuất hiện hai lúm đồng tiền khá sâu, vô cùng đáng yêu.

Ngu Toàn Cơ cảm ơn nàng ấy, cầm cơm nắm lên quan sát kỹ càng, cơm nắm không to nhưng được nắm rất chặt, còn rắc thêm muối để vị thêm đậm đà. "Đúng là phụ nữ vẫn chu đáo hơn, đàn ông chẳng đáng tin tẹo nào, rặt một đám gian tặc."

Tiêu Ngọc Hoàn nghe xong cười nắc nẻ, cầm một miếng cơm nắm lên ăn: "Liễu huynh với Tiểu Bát cũng vậy ư?"

"Cũng chẳng khác gì cả, nghe chị bảo này, đàn ông vừa mới sinh ra đã được người nhà vạch sẵn đường đi nước bước con đường làm quan, em có biết bài thơ Đỗ Tử Vi (Đỗ Phủ) viết cho đứa cháu A Nghi của mình không? Khi ấy đứa cháu của ông ta cao chưa đến ba thước, thế mà ông ta suốt ngày 'Mong con ra ngoài kia, lấy được chức quan như lùa dê'. Em cũng biết đấy, chuyện lấy được chức quan thật sự không khác gì nuôi trâu dê ngựa ngoài biên quan, chúng nó chạy khắp nơi, hôm nay ở Lưỡng Kinh ngày mai ở Tây Nam, ai biết ba năm sau sẽ đi đâu? Nên đàn ông thường hay nghĩ nay đây mai đó là chuyện bình thường, là chuyện tốt . Hầu như gia đình nào có người làm quan, họ hàng gia quyến cũng phải chạy theo, lương bổng mấy chục nghìn lượng vừa đến tay thì cũng tiêu sạch bách, gánh nặng nuôi gia đình đều đè lên vai phụ nữ, còn đàn ông thì cùng lắm làm mấy bài thơ, suốt ngày mồm năm miệng mười, làm gì có chuyện quan tâm đến mấy thứ vụn vặt! Hồi xửa hồi xưa, khi vị tổ tiên xa Nguyên Tông hoàng đế của em còn nhậm chức biệt giá, đến ngày sinh nhật của ông, Hoàng hậu còn phải đi cầm cố áo gấm mới có tiền làm bánh canh tặng ông, kết quả khi ông ta lên làm hoàng đế thì cũng quên hết tình cảm. Không phải chị nói xấu Nguyên Tông hoàng đế... nhưng mẹ kiếp, đàn ông đều là cái giống ấy, chỉ quan tâm chức quan của mình cao ra sao, còn kiếm sống thế nào thì chẳng buồn để ý, hơn nửa đời long đong lận đận như bèo nước trôi dạt mới cảm thấy cao thượng phong lưu, phong lưu cóc khô ấy!"

Ngu Toàn Cơ vừa ăn cơm nắm vừa càm ràm đàn ông làm quan thế nọ thế kia, Tiêu Ngọc Hoàn chớp mắt, trước giờ luôn tưởng rằng tính cách cô khinh đời ngạo mạn, nhưng không ngờ bàn đến quản lý gia đình, Ngu Toàn Cơ lại nói đâu vào đấy, lý lẽ hùng hồn: "Ngọc Hoàn... Ngọc Hoàn... em có đang nghe không đấy?"

"À... em vẫn nghe mà."

"Nên chị mới nói, em đấy, nếu sau này đỗ đạt tiến sĩ làm quan, nhớ phải mở to mắt chọn chồng tử tế, đừng ham muốn mấy thứ như tài trí hơn nguời, tướng mạo bảnh bao, chẳng là cóc khô gì đâu. Không chỉ mình em, mà ai ai cũng thích tài tử đẹp mã, nhưng chẳng có tài tử nào chịu ở yên trong nhà cả, cứ rảnh ra là đi kiếm chức quan, Lại bộ cũng không thể để hai vợ chồng suốt đời làm việc cùng nhau, nếu mỗi người một nơi, anh ta nuôi mấy cô vợ bé, em không có lý do gì ngăn cản, cũng không ngăn cản nổi, một khi đàn ông nóng đầu lên, mấy lời vớ vẩn như dù rơi đầu tắm máu vẫn giữ tấm lòng son thể nào cũng thốt ra được, đến đầu phía trên còn chẳng giữ được, nói chi đến bên dưới? Bởi vậy tương lai khi chọn chồng, em hãy chọn một cư sĩ không màng đến thế tục, biết thu vén nhà cửa, khi em buồn phiền thì kể chuyện đó đây, gảy đàn pha trà cho em, còn buổi tối à... tóm lại một người nằm trên gối không bằng hai trái tim nằm trong chăn, em hiểu không?"

Ngu Toàn Cơ nói một tràng, mấy câu sau làm mặt mũi Tiêu Ngọc Hoàn đỏ bừng. Cô ấy ấp úng đáp lại, bấy giờ Ngu Toàn Cơ mới cảm thấy thoải mái hơn, ăn hết cơm nắm trên tay, lau sạch miệng, Tiêu Ngọc Hoàn thì thầm hỏi: "Chị.... nghe chị nói vậy, chị đã lấy chồng rồi ạ?"

"Đúng thế, mười lăm tuổi lấy chồng, nhưng đến năm mười bảy tuổi, người ta chê dòng dõi nhà chị không cao, muốn lấy người khác danh giá hơn. Khi đó gã vừa hết nhiệm kỳ, nói phải vào kinh kiếm chức quan, bảo chị sống tạm ở đạo quán, chờ gã làm quan rồi sẽ xuống phía Đông đón chị. Chị chờ gã suốt hai năm, gã mãi bặt vô âm tín, chị bắt đầu nổi lòng nghi, bèn quay về nhà chồng, lúc ấy mới biết gã ta đã bám víu được nhà quyền quý rồi. Chị tìm đến tận nơi thì bị gã và bà vợ mới cưới đuổi đi, khi đó phải đi lang thang khắp nơi." Ngu Toàn Cơ vừa gãi đầu vừa thờ ơ kể lại, dường như tất cả những chuyện ấy đều chỉ là khói thoảng trước mắt, nhưng cô biết, nó chưa bao giờ trôi qua...

Tiêu Ngọc Hoàn không ngờ cô lại có quá khứ như thế, giọng nói chợt nhỏ xuống: "Chị... em làm chị buồn rồi..."

Ngu Toàn Cơ bật cười, lắc đầu nói: "Nên khi chọn chồng em phải chọn cho đúng, đừng xui xẻo như chị... Có điều bây giờ ngẫm lại, cũng may nhờ ơn gã làm thế, coi như chị cũng thoát được nạn, nếu không phải vun vén nhà cửa cho tên khốn ấy đến lúc già khọm sắp chết mất, nghĩ lại chị vẫn thấy không cam tâm..."

Ngu Toàn Cơ nói rất nhiều về đạo lý từng trải giữa vợ chồng, có một số điều mà một cô gái chưa lấy chồng như Tiêu Ngọc Hoàn đương nhiên chưa từng nghĩ tới, xấu hổ đến nỗi mặt mũi đỏ gay vừa nghe vừa gật đầu. Thôi Tiểu Bát và Liễu Phi Khanh thấy họ nói chuyện sôi nổi, vốn cũng định đến góp vui, nhưng hết bị Ngu Toàn Cơ thì đến Tiêu Ngọc Hoàn mắng là đàn ông xấu xa, thế là họ đành phải quay về với đám đàn ông xấu xa, cùng gặm bánh Hồ mình mang theo để lấp đầy bụng, cùng tán dóc chuyện trời Nam đất Bắc.

Xung quanh cửa hai sảnh sau bỗng ồn ào lao xao, quan binh của viện phía Nam rẽ đám thí sinh, bê một tấm bảng lớn ra, Ngu Toàn Cơ hất cằm: "Có kết quả bài thi thơ phú rồi."

Mọi người chen chúc như ong vỡ tổ, sốt ruột tìm tên mình trên tấm bảng lớn, xô xô đẩy đẩy không biết mệt. Nhưng Ngu Toàn Cơ lại kéo Tiêu Ngọc Hoàn ra, bám theo sau mấy quan khảo thí, quả nhiên họ lấy một cái cồng ra gõ thật mạnh, đám đông lập tức im phăng phắc. Một quan khảo thí lớn tuổi hắng giọng, nói: "Các vị thí sinh, hãy dựa theo khu vực lán thi của mình, trở về các khu nhà Đông Tây Nam Bắc, mỗi nơi sẽ có phòng sư (1) đến gọi tên."

Tiêu Ngọc Hoàn nói cảm ơn, rồi quay trở về khu nhà phía Đông, Ngu Toàn Cơ đứng đực người, tự dưng không biết mình phải đến khu nhà nào. Chẳng lẽ đến khu nhà của quan chủ khảo ư? Cô chen qua đám người, đến hỏi vị quan khảo thí lớn tuổi đó: "Học sinh Ngu Toàn Cơ xin hỏi quan nhân, học sinh được xếp vào khu nhà nào ạ?"

"Ồ? Con cá ngốc mà đài chủ nói chính là cô hả? Thật ra cũng không ngốc lắm nhỉ...." Vị quan khảo thí này khoảng chừng sáu mươi tuổi, dáng người đẫy đà, cười híp hết cả mắt: "Đương nhiên cô qua bài thi đầu tiên này rồi, mau mau về đi, đài chủ nói trong vòng hai khắc sau khi niêm yết kết quả mà không thấy cô, thì coi như cô bỏ thi."

"Gì cơ? Y không nó gì với tôi cả!"

"Khụ khụ..." Quan khảo thí vuốt râu, nói làu làu như đọc thuộc lòng: "Đài chủ lệnh cho ta chuyển lời, con cá ngốc không chú ý thời gian không dám đặt câu hỏi lại không biết đường thăm dò hoàn cảnh, không có tư cách đến Tây Kinh, cút về đầm lầy đi."

"Đê..." Ngu Toàn Cơ rít một từ "đê" qua kẽ răng, cô vốn định mắng một tràng "Đê tiện khốn nạn chết giẫm, là cái xác chết mục rữa trên đường có sống chín kiếp cũng chết không yên", nhưng thấy quan khảo thí trợn to mắt nhìn mình, cô đành phải nói lái đi: "Đê... được rồi, cảm ơn quan nhân chỉ giáo, học sinh cáo lui."

Dứt lời, cô vắt chân lên cổ mà chạy, trên đường va phải mấy thí sinh nam nữ, song không có thời gian dừng lại xin lỗi. Cô xông vào phòng quan chủ khảo như bị ma đuổi, khi đi qua cửa còn quên mất có bậc thềm, kết quả bị vồ ếch ngã dúi dụi, Giọng nói đầy tiếc nuối của Lý Thiên Lý vang lên: "Tiếc quá, nếu vừa rồi ta đếm nhanh hơn một chút thì hai ngày sau nhẹ nhàng hơn bao nhiêu."

"Học... học học sinh Ngu... Ngu Toàn Cơ tạ ơn chủ khảo cất nhắc." Dù vừa tức vừa mệt, nhưng Ngu Toàn Cơ vẫn không quên phải ăn nói lễ phép.

Lý Thiên Lý chỉ "hừ" một tiếng, sau đó không buồn đoái hoài đến cô nữa, chỉ lo ung dung thưởng thức bữa tối phong phú đến lạ thường bày kín bàn. Khi Ngu Toàn Cơ bò dậy nhìn thấy mâm cơm đầy đủ sơn hào hải vị, không hiểu sao trong lòng cô lặp đi lặp lại mười mấy hai mươi lần câu chửi: "Đê tiện khốn nạn chết giẫm, là cái xác chết mục rữa trên đường có sống chín kiếp cũng chết không yên"...

Ngu Toàn Cơ hậm hực quắc mắt nhìn tên Ngự sử đại phu khốn kiếp đang ngồi ăn uống ngon lành. Vừa rồi cô đã ăn hết hai nắm cơm nên không thấy đói, chỉ muốn uống trà thôi. Thế là cô lấy cối xay lá trà và trà trong tay nải ra, mượn quan binh bên ngoài cửa sổ bình trà và chậu than. Cô vừa nghiền lá trà vừa ước gì trong thứ trong cái cối này là tro cốt của Lý Thiên Lý.

Soạt soạt soạt soạt... cối xay trên tay Ngu Toàn Cơ chầm chậm di chuyển qua lại...

Chóp chép, chóp chép... Miệng Lý Thiên Lý chầm chậm nhai cao lương mỹ vị...

"Tôm nướng ngon thật đấy, bên ngoài giòn bên trong mềm, ngon không thể tả... Ôi chao, không ngờ ngự trù lại làm được một món tươi ngon thế này, thịt ếch đồng được xử lý thơm phức non mềm, ngon tuyệt, ngon tuyệt." Vị đại quan nọ xấu tính chẳng thèm quan tâm thứ gì vừa ăn vừa bình phẩm, quá đáng nhất là tay phải gặp thức ăn, tay trái mở nắp cái ấm nhỏ đang đặt trên bếp lò, hương rượu nồng đượm tỏa ra xung quanh, y còn rót một chén rượu đầy, ngửa cổ lên uống cạn để trêu ngươi, đã thế tên xấu xa này uống rượu xong còn phải "khà" một tiếng rõ to, chặc lưỡi mấy cái: "Hương rượu đậm đà, Lang Quan Thanh không hổ là rượu danh tiếng Tây Kinh."

Lang Quan Thanh... Lang cái đầu nhà anh! Bàn tay siết chặt cối xay của Ngu Toàn Cơ đã hơi run lên.

"Vì phải tham gia kỳ thi biến thái ba ngày ba đêm của tên chết bầm nhà mi mà nửa tháng nay tôi không được uống rượu, thế mà chết tiệt, mi còn phởn phơ ngồi đây vừa uống rượu vừa ăn thịt, khốn nạn!" Ngu Toàn Cơ gào thật to, một tay bóp cổ y, một tay xách ấm rượu đổ thẳng vào mũi Lý Thiên Lý, "Ăn ăn ăn... ăn cho đến chết đi, cái tên khốn kiếp này... Mợ nó chứ, chỉ là đi coi thi thôi mà, có cần phải ăn ngon thế không? Cả mâm cơm này đủ để ba gã đàn ông cao to kéo xe ăn no căng bụng, chứ đừng nói chỉ một tên quan chó má nhà mi, mi vẫn còn mặt mũi làm ngự sử đại phu à? Mi là tên quan chó má, cực kỳ chó má, vô cùng chó má lãng phí quốc khố, áp bức bách tính!!!"

Ôi chao... nếu cô dám làm thế thì tốt quá... Ngu Toàn Cơ thở dài thườn thượt, lặng lẽ nghiền lá trà vụn hơn, tên quan chó má đê tiện ngồi đằng sau vẫn tiếp tục uống rượu ăn thịt, thỉnh thoảng tấm tắc khen ngợi ngự trù mấy tiếng "ồ ồ ngon ngon", hoàn toàn không ngờ rằng mình bị đánh một trận tơi bời trong tưởng tượng vừa rồi của Ngu Toàn Cơ.

Ngu Toàn Cơ đặt ấm nước lên lò than, cho lá trà đã nghiền nhỏ và muối xay mịn vào trong bát, ngồi đối điện cửa sổ hướng Tây đang mở toang, lấy thịt ra kẹp vào bánh Hồ, hậm hực cắn một miếng, chỉ thiếu điều nhai gãy xương của Lý Thiên Lý.

Nước sôi, Ngu Toàn Cơ đặt bánh Hồ xuống, nhấc ấm nước lên rót vào bát, nhưng không để ý tay cầm ấm nước ở đây không buộc thêm vải như ở nhà, nên vừa chạm vào, cô bỏng đến nỗi rụt tay về, hốt hoảng kêu lên, may mà ấm nước không bị đổ. Ngón giữa bàn tay trái đỏ bừng đau nhói, có điều không tìm thấy nước lạnh đâu, cô đành đưa tay lên miệng cắn.

"Bộp", có thứ gì đó đập vào mu bàn tay cô, không cần nghĩ cũng biết là ai làm, dây thần kinh vốn đang căng như dây đàn của Ngu Toàn Cơ bỗng hoàn toàn đứt làm đôi. Cô quay đầu sang cáu kỉnh mắng: "Tên cẩu quan đang làm gì đấy?"

Chái Đông gác Tây thoáng im phăng phắc, chỉ thấy mỗi sắc mặt đài chủ tái xanh...

Vừa dứt lời, Ngu Toàn Cơ lập tức cúi đầu, chỉ ước gì cắn đứt lưỡi mình, hóa ra Lý Thiên Lý đưa cho cô một chiếc khăn ướt... ừm... Ngu Toàn Cơ cứng ngắc quay người lại, tiếp tục cắn ngón tay mình... ấm nước bốc khói nóng, xung quanh nhếch nhác bừa bộn mà không có ai thu dọn.

Tóc tóc... có người rót trà vào chén của cô, lấy chổi trúc nhỏ hớt bọt trắng phía trên đi, đặt chiếc khăn ướt xuống trước mặt cô, rồi cầm chén trà đi: "Thấy con cá ngốc có lòng hiếu thảo chuẩn bị trà cho vi sư, vi sư sẽ coi như không nghe thấy câu vừa rồi."

"Đài chủ là người tốt..." Các đài quan đang nhoài người nhìn trộm qua cửa sổ chái Đông lần đầu tiên tặng cho trưởng quan của mình "thẻ người tốt" to đùng.

"Ngoài cửa sổ bỗng vọng tiếng đài chủ, vừa mới nghe mà nước mắt đẫm áo khăn (2)..." Vị đài quan trước kia dẫn đường cho Ngu Toàn Cơ nhanh nhảu cải biên bài thơ của Đỗ Phủ.

Ngự sử trung thừa bị bắt tới đây làm quan khảo thí khóc nức khóc nở, vốn tưởng rằng sau khi Lý Thiên Lý quản lý Ngự sử đài, cả đời ông ta rơi vào tay ma quỷ sống tối tăm mịt mù không biết ngày nào ngóc đầu lên nổi, nhưng giờ đây ông ta đã nhìn thấy ánh nắng ban mai của đời người: "Ai khóc rầu rầu hơn hết thảy, ngự sử trung thừa mắt lệ nhòa. (3)"

"Ơ? Đổi thành vi sư từ khi nào vậy?" Câu hỏi của Ngu Toàn Cơ – người đang đứng trong chính phòng lập tức phá vỡ khung cảnh tươi đẹp, ngự sử trung thừa cảm thấy mọi thứ trước mắt mình tối sầm xuống, ánh nắng ban mai của đời người hóa ra là ánh lửa trong địa ngục...

Răng rắc... tiếng đồ sứ nứt vang lên...

"Đài chủ giở ưng trảo công rồi!" Ngự sử trung thừa than khóc đầy đau thương, theo ghi chép kinh nghiệm bảy năm làm việc dưới trướng Lý Thiên Lý, mỗi lần y giở ưng trảo công là dấu hiệu bắt đầu một trận chiến đẫm máu, lần trước khi ưng trảo công xuất hiện, Ngự sử đài lên danh sách hơn sáu trăm quan lại vô dụng, và tất cả số đó đều bị cho về vườn.

Lý Thiên Lý vốn ngoảnh đi, nhưng lúc này lại lạnh lùng quay người về: "Hừ hừ... cả đời này ta hiếm lắm mới nhận học trò, không ngờ con cá ngốc này không thèm nể mặt ta, to gan lắm, giỏi lắm!"

"Nào có nào có, chủ khảo mới là người có uy quyền lớn nhất! Lòng kính trọng ngưỡng mộ của học sinh như sông Hoàng Hà chảy mãi!" Ngu Toàn Cơ chắp tay, ánh mắt lướt qua chén trà sứ xoành xĩnh bị bóp nứt trên tay Lý Thiên Lý, nước trà rỉ ra ngoài qua các khe nứt: "Ơ... Anh không thấy nóng à?"

"Nóng chứ." Nghe cô hỏi vậy, tim Lý Thiên Lý khẽ rung động, sắc mặt hơi dịu đi.

"Vậy chủ khảo dùng chiếc khăn tay này đi." Ngu Toàn Cơ đưa lại chiếc khăn ấy cho y, Lý Thiên Lý đáp "ừ", đặt chén trà sang bên cạnh, toan cầm khăn lên lau tay, cô vội vội vàng vàng đổ trà sang chén khác, uống lấy uống để: "Ôi chao, xót quá đi mất, trà Dương Tiễn thượng hạng một lạng hai trăm đồng đấy!"

Vừa rồi tên ngốc nào ảo tưởng y rung động? Đến cùng Ngu Toàn Cơ chỉ xót trà của mình mà thôi, còn Lý Thiên Lý chỉ thiếu điều móc tim cô ra hành hạ cho đã. Y nheo đôi mắt phượng lại, nở nụ cười khẩy âm hiểm: "Chậc chậc, thấy cô tuy làm thơ không hay làm phú không thạo, nhưng ít nhất cũng khá khẩm hơn đám ất ơ lâu la bên ngoài, vốn tưởng đào tạo tử tế một thời gian thì có thể truyền nghề cho cô, nhưng xem ra ta nhìn lầm người rồi."

"Học sinh không dám lấy nghề của quan chủ khảo!" Ngu Toàn Cơ cũng không biết lấy gan ở đâu ra mà còn cười nói: "Tôi làm cái khác được không?"

"Không được."

"Thế thì thôi."

"Vậy thì cô cũng đừng thi thiếp kinh (4) nữa, cút về đi." Lý Thiên Lý nói như đinh đóng cột.

"Sao lại thế được?" Ngu Toàn Cơ biện hộ.

"Bái ta làm thầy, phấn đấu thi đỗ khoa Hồng Từ, sau đó học nghề ngự sử của ta. Nếu không bây giờ cút ra ngoài, đừng lãng phí thêm hai ngày của ta." Giọng điệu của Lý Thiên Lý cứng rắn, không hề chừa lại đường cho cô cự cãi.

Đùa gì thế? Người không thân không quen với y mà còn bị y chơi cho đến chết, nếu làm học trò của y thì còn đường sống không? Ngu Toàn Cơ cũng bắt chước y nheo mắt lại, nở nụ cười khẩy âm hiểm y hệt thế: "Chủ khảo dùng luật ngầm, tôi phải khiếu nại với triều đình."

Đúng là không nhìn nhầm người, mới thế mà đã học được chiêu "nét mặt đằng đằng sát khí, làm gì ở đâu cũng thuận lợi", Lý Thiên Lý hừ mũi mấy tiếng, quay trở về bàn mình, ăn ngấu nghiến sơn hào hải vị trên bàn, trỏ đũa vào Ngu Toàn Cơ: "Ai nói là dùng luật ngầm? Thi tiến sĩ vẫn phải thi thiếp kinh, đối sách; người khác chỉ cần đúng sáu, bảy câu trong mười câu là qua, nhưng cô chỉ cần sai mười chữ là cuốn gói về đầm lầy; còn thi đối sách, nếu cô viết không hợp ý ta thì cũng bị đánh trượt. Về kỳ thi Bác học Hồng Từ vẫn chưa quyết định quan chủ khảo, nếu ta là chủ khảo, cô viết không hay thì ta vẫn loại thôi, lấy đâu ra luật ngầm?"

"Vừa phải làm trâu làm ngựa cho chủ khảo, cả đời làm tròn lễ nghĩa học trò, lại chẳng được hưởng một chút lợi lộc gì, tên ngốc nào đi đồng ý chuyện dở hơi này?" Ngu Toàn Cơ khoanh tay trước ngực.

Lý Thiên Lý rót thêm rượu, lại còn cố tình để chén rượu dưới mũi xoay ba vòng rồi mới uống: "Chịu khó vượt gian nan khổ cực rồi làm học trò của ta, hoặc cả đời này đừng mơ tới chuyện làm quan, tự cô chọn đi."

"Học sinh đổi một câu hỏi khác, nếu làm học trò của chủ khảo, liệu có đảm bảo cho học sinh làm đến tam công không?"

"Không có chuyện đó."

"Thế thì hỏi câu khác nhẹ nhàng hơn đi, xin hỏi liệu có đảm bảo cho học sinh làm đến Trung thư Môn hạ tam phẩm không?"

"Không đảm bảo."

"Vậy đổi câu khác nhẹ nhàng hơn nữa, xin hỏi liệu có đảm bảo cho học sinh làm đến ngự sử đại phu không?"

"Không."

"Một câu khác không thể nhẹ nhàng hơn được nữa, vậy xin hỏi có thể đảm bảo cho học sinh làm đến chức quan nào?"

"Giám sát ngự sử..." Lý Thiên Lý gắp miếng gà xào giấm hành, cắn cả da lẫn xương, ngay cả xương cũng nhai răng rắc nuốt bằng sạch, ăn xong mới nói nốt: "Lý hành".

Làm trâu làm ngựa cho y cả đời mới được đảm bảo chức giám sát ngự sử, lại còn là lý hành đãi ngộ chỉ bằng một nửa, lương bổng còn bị cắt giảm? Đầu óc úng nước mới đi làm học trò của y! Bây giờ Ngu Toàn Cơ dám chắc rằng tên Lý Thiên Lý này không chỉ là ngự sử đại phu ăn tươi nuốt sống mọi thứ, mà còn là con quỷ hút máu cho vay nặng lãi! Khoan đã... thảo nào nghe nói tiền vốn công của (5) Ngự sử đài cứ lãi mẹ để lãi con, vừa hay bù vào khoản tiền thu mua tin tình báo nhân chứng của Ngự sử đài.

"Sao? Làm học trò của ta hoặc bị đánh trượt, chọn một đi."

"Nếu lần này bị đánh trượt, hai năm sau tôi vẫn được thi lại chứ? Hoặc kỳ thi minh kinh năm sau thì sao?"

Cô cá ngốc này nghiêm túc nghĩ mấy thứ xiên xẹo vớ vẩn ấy làm gì? Làm học trò của ta không tốt ư? Để ta chăm sóc cho cô ấy... Không đúng, không đúng, Lý Thiên Lý ho khẽ, là dạy bảo! Đúng, là dạy bảo! Ta là Ngự sử đại phu ngay thẳng chính trực, để bồi dưỡng lớp kế nhiệm hoàn hảo, kéo dài truyền thống của Ngự sử đài và huyết mạch của ta... Không đúng! Là để kéo dài truyền thống tốt đẹp của Ngự sử đài, sao có thể bỏ phí nhân tài xuất sắc nhường này! Vì thế, đôi mắt đang nheo vào của y lại càng híp hơn: "Cô có nghĩ ta sẽ cho cô cơ hội làm quan lớn, để rồi cô quay sang lật đổ ta không?"

Ngu Toàn Cơ nhướng hàng mày sắc, sóng mắt dập dềnh, "Chuyện này là việc lớn cả đời, cũng phải cho tôi suy nghĩ đã chứ?"

"Đương nhiên, từ giờ đến khi ra khỏi viện phía Nam, cô cứ từ từ suy nghĩ." Lý Thiên Lý cuối cùng cũng nở nụ cười tự mình cho là ôn hòa như người cha hiền từ (?), rót một chén rượu đặt lên cái bàn trước mặt, "Đây là rượu bái sư, khi nào cô nghĩ thông thì hãy uống nó."

Ngu Toàn Cơ khó xử nhìn chén rượu trước mặt, lúc này Lý Thiên Lý vô cùng hài lòng ngắm gò má ửng đỏ trên gương mặt đầy tức giận của học trò nhỏ (từ nay về sau, từ này trở thành câu cửa miệng của y trong mấy chục năm). Cô ngẩng đầu, bình tĩnh nói với y: "Đổi chén khác được không? Học sinh không muốn uống nước miếng của quan chủ khảo."

Cô vừa dứt lời, bên ngoài vang lên mấy tiếng chiêng, bài thi thiếp kinh chính thức bắt đầu.

HẾT CHƯƠNG 14

(1) Phòng sư: trong kì thi Hương thi Hội phân ra các phòng để duyệt quyển thi, quyển thi của thí sinh phải qua một phòng nào đó để khảo quan duyệt, sau đó dâng lên quan chủ khảo mới có thể lấy đậu. Phòng sư là vị quan phụ trách duyệt quyển của một phòng, nhân đó mới có tên gọi như thế. (Theo chuonghung.com)

(2) Tác giả cải biên từ hai câu thơ "Kiếm ngoại hốt truyền thu Kế Bắc, sơ văn thế lệ mãn y thường" (Ngoài Kiếm Các nghe tin chiếm Kế Bắc, vừa mới nghe mà nước mắt đẫm áo khăn) trong bài thơ "Văn quan quân thu Hà Nam, Hà Bắc" của Đỗ Phủ.

(3) Tác giả cải biên từ hai câu "Toạ trung khấp hạ thuỳ tối đa, Giang Châu tư mã thanh sam thấp" (Lệ ai chan chứa hơn người? Giang châu Tư Mã đượm mùi áo xanh – Bản dịch của Phan Huy Thực) trong bài "Tỳ Bà Hành" của Bạch Cư Dị.

(4) Thiếp kinh 帖经 là phép thi khoa minh kinh đời Đường. Trong bài thi có chép một đoạn kinh văn, lại dùng một tờ giấy khác để che lại, ở giữa để lại một hàng cho nhìn rõ câu chữ, thí sinh phải căn cứ vào đó mà viết bổ sung cho đủ lời văn của đoạn đó.

(5) Hay còn gọi là "công giải bổn tiền", là số tiền do các châu, huyện dành ra để cho vay nặng lãi hay kinh doanh, số tiền lãi được dùng để chi trả cho những khoản chi công (như ăn uống...), trả tiền lương bổng hàng tháng cho quan lại và các mục đích khác tuỳ theo thời điểm trong lịch sử nhà Đường.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro