Quyển 1 - Chương 15

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 15: Văn Xương Cảnh

Mốc dịch

Gió lớn nổi lên, tuyết trắng rợp kín thành Tây Kinh, đến khi các sĩ tử ngẩng đầu lên nhìn, dường như gió đêm mùa xuân đã tới, cành lê trên khắp các nẻo đã nở hoa, trở thành thế giới băng tuyết mặc áo bàng bạc. Thế nhưng không ai có lòng hăng hái của Sầm Gia Châu (1) khi viết bài "Bạch Tuyết ca", càng không có Vương phu nhân (2) vịnh ra ý thơ của "Chẳng bằng bông liễu theo gió mà bay". Những sĩ tử sắp phải thi thiếp kinh ra sức ôm sách điên cuồng học, chỉ lo bỏ sót một hai chữ; Những sĩ tử đã thi xong co người nằm trên ghế, quấn quần áo kín mít ngủ một giấc say sưa.

Lúc này, mười mấy quan khảo thí được điều tới kỳ thi lần này phát huy tác dụng lớn nhất của mình, cứ ba người thành một nhóm, mỗi nhóm chuẩn bị mấy chục đoạn văn bị khuyết vài từ hoặc vài câu, yêu cầu thí sinh phải đọc thuộc lòng câu hoàn chỉnh để chứng tỏ đã từng học các cuốn sách cơ bản. Có những thí sinh từ xa đến, nói tiếng phổ thông không chuẩn khiến quan chủ khảo nghe không hiểu, hoặc giỏi viết văn song không giỏi học thuộc cũng có thể được quan chủ khảo đặc cách cho làm thơ theo đề tài cho trước, còn được gọi là thục thiếp. Nhưng số người qua được bài thi thục thiếp này không nhiều, ví dụ nổi tiếng nhất là một sĩ tử tên Thôi Thự (3), ông ta đã làm bài thơ "Minh đường hỏa châu" để thi thục thiếp, trong đó có hai câu "Đêm lên đôi trăng tròn vành vạnh, thế mà rạng đông còn độc sao", vốn muốn vịnh viên hỏa châu bằng đồng thau trước sân ban đêm sáng như trăng, ban ngày sáng như sao, nào ngờ sau này Thôi Thực qua đời khi còn trẻ, chỉ để lại một cô con gái tên là Tinh Tinh, trùng hợp với câu "thế mà rạng đông còn độc sao" ấy.

Thi thiếp kinh tuy không khó, nhưng số lượng thí sinh nhiều, dù đã chia thành bốn phòng thi thiếp kinh, một phòng thi thục thiếp, nhưng thời gian thi kéo dài, quan khảo thí cũng là con người, cũng phải ra ngoài giải quyết nỗi buồn uống nước ăn lót dạ, vì vậy cũng không thể nào kết thúc nhanh được. Nhưng mấy người Thôi Liễu Tiêu Hàn Lưu đều không sợ thi thiếp kinh, có điều thấy Ngu Toàn Cơ mãi không ra ngoài, khi vào hậu đường để thi, họ còn ngó nghiêng vào trong xem Ngu Toàn Cơ còn sống hay không.

Trong đảng Cá không biết được thành lập từ khi nào, Tiêu Ngọc Hoàn là người thi thiếp kinh cuối cùng. Khi bước vào hậu đường, nàng ấy lén nhìn phòng chính, thấy cửa sổ bốn phía đều mở toang, Ngu Toàn Cơ ngồi bên cửa sổ phía Tây, chống hai tay lên mặt làm khuôn mặt biến thành cái chạc cây, nét mặt vô cùng đau khổ, miệng đang lẩm bẩm gì đó không rõ. Còn Ngự sử đại phu bụng dạ xấu xa đang ngồi ngay ngắn ở phía trên, tập trung đọc đống sách cuộn cao như núi ở bên cạnh.

"Chắc không phát điên phát rồ bởi tên đàn ông xấu xa kia đấy chứ?" Tiêu Ngọc Hoàn lẩm bẩm, nhưng nàng ấy cũng phải đi thi thiếp kinh, không có thời gian nấn ná thêm, đành phải chờ thi xong rồi tính tiếp.

"Quốc thương (4), câu thứ tư từ dưới lên." Lý Thiên Lý nói.

Ngu Toàn Cơ vặn eo xốc lại tinh thần, ngáp một cái mới trả lời: "Đã hùng mạnh lại còn oai vệ, tính cương cường ai dễ khinh mà. Chết rồi thân vẫn không nhoà, phách hồn rắn rỏi làm ma anh hùng... (5)"

"Thi Kinh, xuất kỳ Đông môn."

"Xin hỏi bây giờ quan chủ khảo đang ra đề thi thiếp kinh hay điểm tên chọn nhạc?" Ngu Toàn Cơ dụi mắt, tinh thần rõ ràng không được tỉnh táo cho lắm, nguyên nhân ở đâu xa, cô đã đọc thuộc lòng các đoạn trong kinh sử tập từ cho Lý Thiên Lý nghe trong hai canh giờ liên tiếp, lại còn phải thỉnh thoảng thảo luận với y những nghiền ngẫm tâm đắc trong "La chức kinh", không khác gì đang giải sầu cho Lý Thiên Lý vậy, "Đại chủ khảo không có việc gì khác để làm nữa ư?"

"Đúng là không có chuyện gì làm, vi sư không nhận tác phẩm cũng không nhận tiến cử, chỉ bận sau khi kỳ thi kết thúc, còn bây giờ thì rất rảnh."

"Thời gian thi của người khác chỉ có nửa khắc, tôi đã thi suốt hai canh giờ rồi, thiếp kinh kiểu này chắc cũng đủ rồi chứ?"

"Vi sư kỳ vọng cao vào cô, đương nhiên khác với người bình thường rồi."

"Xin đừng tự tiện xưng là vi sư, ngược đãi người khác cũng không cần lấy lý do hoa mỹ kỳ vọng cao khỉ khô đấy đâu!" Ngu Toàn Cơ mệt đến nỗi đầu óc cũng chậm chạp theo, song lửa giận trong lòng vẫn bốc lên ngùn ngụt.

"Đây là lần đầu tiên trong đời vi sư chia sẻ điều tâm đắc trong "La chức kinh", học trò nên vui mừng mới phải, thế nhưng cô lại không có tiến bộ, vi sư đành phải đành phải dùng cách khác giúp cô xốc lại tinh thần." Lý Thiên Lý mở ghi chú cuốn "La chức kinh" mà mình đã chuẩn bị sẵn, tiện tay ghi thêm những gợi ý vừa nghĩ ra trong cuộc trao đổi vừa rồi.

"Tôi muốn ngủ!" Ngu Toàn Cơ gõ tay xuống bàn.

Vậy qua đây ngủ trong lòng vi sư đi... Lý Thiên Lý thầm nghĩ vậy, đoạn ho khẽ một tiếng, lắc đầu như các bô lão: "Được rồi, cho cô ngủ đến canh năm (6)."

Ngu Toàn Cơ chẳng buồn nói cảm ơn, gục luôn xuống bàn ngủ ngon lành. Lý Thiên Lý nhìn dáng ngủ cong cong như sống con dao găm của cô, bình thản nở nụ cười, nhấc bút lên viết vào phía sau cuốn chú thích "La chức kinh" đã được bồi giấy mới: "Tháng Giêng năm Hoằng Huy thứ sáu mươi, học trò Tụ Ngôi...", nếu nhìn kỹ sẽ nhận ra trong "La chức kinh" có hai nét chữ, nguyên văn được sao chép nắn nót ngay ngắn dùng kiểu chữ khải thanh mảnh, và dòng chú thích bên cạnh là kiểu chữ thảo như bão táp mưa sa của Lý Thiên Lý, nét chữ ở đầu quyển trục cũng là của y, tiêu đề là "Gửi đài chủ 'La chức kinh', Việt Châu Ngu Tam thị ngự chép, Lũng Tây Lý Thiên Lý chú", quyển trục được bồi giấy mới nên trông có vẻ sạch sẽ sáng sủa, nhưng những dòng chữ được sao chép trên giấy chín (7) đã hơi cũ. Cuốn "La chức kinh" này đã đi cùng y suốt hai mươi năm ba chìm bảy nổi, nếu không có cuốn sách này dẫn lối, chiếc thuyền cô độc của y sẽ chẳng làm được gì.

Phía dưới bên phải chính văn có một chỗ khuyết nhỏ, giống như vết rách do nước thấm vào, mép giấy hơi gờn gợn, Lý Thiên Lý nhẹ nhàng vuốt ve chỗ đó. Y đang ngồi trong hậu đường viện phía Nam rộng lớn, dùng uy danh quan chủ khảo để tuyển chọn nhân tài xuất sắc khắp thiên hạ, trên người mang hàm tam phẩm của trung thư lẫn môn hạ, có đủ bốn quyền cao chức trọng tản quan (8), huân quan (9), chức quan (10), tước vị mà không phải người bình thường nào cũng mơ ước được, nhưng chỉ khi sờ vào góc nhỏ bị rách này, y mới cảm nhận được khiếm khuyết mãi mãi không thể bù đắp được trong cuộc đời mình.

"A Tốn! Không được ăn giấy!" Trong ký ức vang vang lên giọng nói cuống quýt khi cứu "La chức kinh" từ miệng con gái, cô bé cười nắc nẻ, y để quyển sách lên chỗ cao hơn, ôm cô bé vào lòng, cố gắng moi mẩu giấy chín nho nhỏ trong miệng bé.

Bỗng có tiếng hét thất thanh của phụ nữ, y biết đã xảy ra chuyện rồi, bèn để con gái trong thư phòng, còn mình cầm kiếm chạy ra kiểm tra. Sau một trận giằng co ác liệt, cuối cùng y cũng cứu được vợ mình, đánh gục sát thủ. Nhưng đúng lúc này, có kẻ bế con gái y ra, cô bé ngoan ngoãn nằm trên vai kẻ ấy. "Lý Thiên Lý! Nếu muốn con gái mi sống thì bỏ kiếm xuống."

"Nực cười, ta mà bỏ kiếm xuống, ba mạng người nhà ta còn đường sống ư?" Y cười khẩy, gạt ba mũi kiếm đang chĩa vào mình, lao về phía kẻ đó, lòng nóng như lửa đốt, chỉ mong nhanh chóng giành được con gái từ tay sát thủ. Y không hề chùn tay, cuối cùng đâm một nhát vào vai kẻ kia, dùng tay trái cướp con gái về.

A Tốn mới chỉ hơn một tuổi mềm oặt nằm trên cánh tay y, cổ ngửa ra sau cong một cách bất thường, không nhúc nhích cũng không gào khóc. Y đưa tay dò thử hơi thở của con gái dưới cánh mũi, đã chẳng còn chút ấm áp nào nữa rồi, đốt xương yếu ớt cách huyệt Đại Chùy ba ngón tay trên cổ cô bé hình như đã bị gãy. Y mất sạch kiềm chế, kiếm lao tới như gió, trút hận lên toàn bộ kẻ sát nhân, chiếc thanh sam trên người y lấm tấm vết máu.

Cái chết của con gái A Tốn đã khiến người vợ kết tóc se duyên hơn bốn năm hạ quyết tâm kết thúc cuộc hôn nhân này, không thể tiếp tục chịu đựng những ngày bị truy sát. Ngày ấy y tiễn vợ mình lên xe bò, nàng quay đầu lại nhìn y bằng ánh mắt chứa đựng tình yêu, nỗi hận, lưu luyến, thất vọng, áy náy và cả sợ hãi. Sau đó nàng buông rèm xe xuống, từ đó về sau y cũng không còn gặp lại nàng.

Khi ấy y mới chỉ hai mươi tuổi, chỉ là giám sát ngự sử chính tam phẩm, bắt đầu từ lúc đó, y quyết tâm phải đứng ở vị trí cao hơn tất cả, tiến thẳng đến nơi cao nhất...

Nếu A Tốn vẫn còn sống, năm nay cũng mười bảy, mười tám tuổi rồi... có thể thi tiến sĩ được rồi... Lý Thiên Lý vuốt ve góc giấy bị khuyết, khi liếc đến dòng chữ "Việt Châu Ngu Tam thị ngự" ở trên cùng, y bèn ngẩng đầu nhìn Ngu Toàn Cơ đang ngủ say. Nếu A Tốn biết, liệu con bé có trách móc y oán hận y không? Oán hận y nhớ nhung người phụ nữ họ Ngu này suốt mười sáu năm? Không một ai trên thế gian này hiểu được suy nghĩ của y, chỉ mình y biết rằng, sau khi con gái A Tốn qua đời không lâu, y gần như lập tức kết thúc cuộc hôn nhân bốn năm của mình. Để quên đi người vợ cũ nên y yêu Ngu Tụ Ngôi, hay hai chuyện này hoàn toàn không liên quan đến nhau? Y cũng không rõ nữa.

A Tốn không có bia mộ không có quan tài, chỉ có hũ tro cốt được chôn dưới gốc cây liễu trong sân, cây liễu ấy là kỷ niệm gắn liền với cuộc đời cô bé, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có cuốn "La chức kinh này"... Lý Thiên Lý gập cuốn "La chức kinh" lại ôm vào trong lòng, đứng dậy nhẹ nhàng bước đến gần Ngu Toàn Cơ, giờ đang là thời gian nghỉ ngơi, đến canh năm ngày mai mới thi tiếp, tất cả quan khảo thí và thí sinh đều đang ngủ...

Dù là lúc này, y cũng không được vi phạm cam kết với thượng thư Lễ bộ: Không được đóng cửa sổ, không được dùng ngôn từ quấy rối ngả ngớn, không được sàm sỡ... Y chau mày, lão già thối tha Thượng thư Lễ bộ...

Nhưng đã đồng ý rồi thì không được phép hối hận, do vậy y chỉ có thể đưa tay nhẹ nhàng đẩy chậu than đến gần cô hơn, rồi quay người cầm thanh trường kiếm treo trên tường lên, rẽ vào phòng trong mơ giấc mơ tươi đẹp mà y vẫn hằng mong muốn.

Nếu phải làm chính nhân quân tử thì y thật sự không phải là người nữa rồi!

***

Tuyết bay lất phất, bước đi chậm chạp... trượt chân một cái, vạt đạo bào lấm lem bùn đất, tay chân rét buốt chẳng còn cảm giác gì, cổ họng cũng khô không khốc ho không ngừng. Nếu có thể, chỉ ước gì được ngã xuống tuyết không phải đứng lên, ít nhất... tuyết lạnh lẽo nhưng còn mềm mại hơn trái tim con người.

Phương xa có một con hạc đầu đỏ mình trắng vỗ cánh bay lên trời, tư thế chao liệng trên nền tuyết trắng tuyệt đẹp vô ngần, chỉ có điều tiếng kêu của nó kinh khủng khôn cùng, quả nhiên thiên hạ chẳng có thứ gì hoàn hảo, ngay cả loài hạc được tương tuyền sống thọ kiên trung bất khuất và thanh cao cũng có khuyết điểm tiếng kêu không hay, không biết trên thế gian này có thứ gì mười phân vẹn mười.

Dường như chú hạc kia biết người ta chê tiếng kêu của mình chói tai, bèn lao về phía người đó, kêu ầm ĩ, dùng cánh đập túi bụi vào Ngu Toàn Cơ.

"Làm gì thế! Con chim chết tiệt này! Con chim khốn kiếp này! Cút đi!" Ngu Toàn Cơ huơ tay loạn xạ, quay người bốn phía để tránh sự tấn công của con hạc đầu đỏ, nào ngờ bị nó mổ trúng trán từ khi nào, làm cô đau đến nỗi nhắm mắt lại, ai dè mở mắt ra thì nhìn thấy... "Ơ... chủ khảo..."

"Có lòng tốt gọi học trò dậy còn bị mắng, vi sư quả thật rất buồn..." Lý Thiên Lý ngồi xổm trước giường của Ngu Toàn Cơ, tay cầm xấp bài thi, trên tờ giấy có mấy nếp gấp, rõ ràng con chim chết tiệt đánh Ngu Toàn Cơ trong mơ chính là y.

Thế nhưng tại sao vị quan xấu xa này không đánh thức Ngu Toàn Cơ dậy bằng cách thông thường, mà lại nhiệt tình dùng cách sáng tạo vô bờ này? Nguyên nhân đâu xa, đương nhiên công lao thuộc về điều khoản phòng tránh quấy rối sàm sỡ mà y đã cam kết với Thượng thư Lễ bộ. Mà lúc này các quan viên ở chái Đông và chái Tây vừa đánh răng rửa mặt cạo râu vừa thò đầu ngó nghiêng phòng chính. Biết làm sao được, để tránh vi phạm quy định "không được quấy rối sàm sỡ", vị quan xấu xa này đành phải vừa gọi vừa dùng giấy đập vào đầu Ngu Toàn Cơ.

Ngu Toàn Cơ nói cảm ơn, rồi ngồi dậy xoa trán, quay đầu lại nhìn, bấy giờ mới biết mình vốn gục xuống bàn ngủ, vậy mà không biết đã trượt khỏi bàn từ khi nào, chuyển sang nằm cong như con tôm dựa người vào bàn, ban nãy còn va phải chân bàn. Cô biết chắc rằng bây giờ mặt mình đầy bóng dầu, hai mắt sưng vù xấu xí, có điều bên cạnh là chủ khảo xấu xa nên chẳng sao cả... Cô vươn vai, cảm thấy lưng mình vừa cứng còng vừa đau, lại còn kêu lên mấy tiếng răng rắc. Chết tiệt! May mà chỉ còn hai ngày hành xác nữa là xong...

"Nước súc miệng."

"Cảm..." Ngu Toàn Cơ vừa mới thốt ra được một chữ "cảm", ngẩng đầu lên nhận ra người đưa bát cho mình lại là Lý Thiên Lý, cô nhìn nước trong bát: "Chủ khảo, nhân lúc tôi không tỉnh táo định lừa tôi uống rượu bái sư, anh quá đáng quá rồi đấy!"

Lý Thiên Lý bị vạch trần ý đồ đen tối không hổ là vị quan xấu xa nhất thời đại, tuy hình tượng, ấn tượng tốt về y trong lòng Ngu Toàn Cơ không còn sót lại chút gì, song vẻ mặt y vẫn dửng dưng như không dù núi Thái Sơn sắp sập xuống đến nơi: "Không biết cô đang nói gì, đây rõ ràng là rượu... súc miệng, sáng uống một chén rượu, ấm dạ dày ăn ngon miệng."

Cầm thú... Khóe miệng Ngu Toàn Cơ không khỏi méo xẹo.

Cầm thú... Lễ bộ thị lang thở dài, lặng lẽ khắc ghi lại khung cảnh này, định bụng lát nữa sẽ báo cáo với Lễ bộ Thượng thư - cấp trên của anh ta kiêm tọa sư của Lý Thiên Lý.

Không bằng cầm thú... Quan viên của Ngự sử đài đấm ngực giậm chân, nhà mẹ đẻ của anh ta là điện trung thạch thị ngự của người Túc Đặc, anh ta còn định lấy dao rạch mặt để thể hiện sự phản đối với hành vi bắt nạt không bằng cầm thú này, nhưng bị người khác liên tiếp ngăn lại.

May mà lúc này quan binh Lễ bộ mang đồ ăn sáng thịnh soạn vào, Lý Thiên Lý mới có cớ đánh trống lảng, Ngu Toàn Cơ rửa mặt chải đầu qua loa, sau đó lại bị vứt ra ngoài hóng gió, nhưng lần này cô nhớ mang theo cả đồ ăn đi cùng.

Cô vừa ra khỏi hậu đường, Tiêu Ngọc Hoàn vội đến đón: "Chị ơi!"

"Vẫn còn sống để nhìn thấy em, thật sự may quá!" Được ngắm nụ cười của cô gái trẻ trung, quả nhiên cuộc đời vẫn còn hi vọng. Cô thở dài thườn thượt không khác gì ông cụ tám mươi tuổi sắp nghẻo đến nơi.

Tiêu Ngọc Hoàn kéo Ngu Toàn Cơ đi ăn sáng, Ngu Toàn Cơ đắc ý mở tay nải của mình, lấy bánh Hồ, bơ sữa dê và cơm nắm đã nguội do Lý Ký Lan chuẩn bị sẵn ra, rồi bê chậu than tới, đặt vỉ sắt mang theo lên, để thịt khô đã nhúng ít nước lên trên đó bắt đầu nướng, để cả cơm nắm đã nguội lên vỉ sắt, nướng cho đến khi hai mặt chín giòn. Sau đó cô lại lấy cối nghiền ra nghiền trà, nghiền xong thì cho lá trà vào nước, vừa uống vừa nói chuyện.

"Chị ơi, thông thường thì hôm nay mới thi thiếp kinh cơ mà? Sao lại bắt đầu thi từ tối qua vậy ạ?" Tiêu Ngọc Hoàn hỏi.

Ngu Toàn Cơ vừa mới cắn một miếng cơm nắm, nghe nàng ấy hỏi vậy bèn trả lời: "Ôi trời, nói mới nhớ, cả tối qua bị tên khốn đó giày vò, quên béng cả thời gian."

Tiêu Ngọc Hoàn cũng đang định ăn cơm nắm, nghe cô nói thế, nàng ấy ngượng ngùng đến nỗi mặt mũi đỏ bừng, Ngu Toàn Cơ khó hiểu nhìn nàng ấy, ngẩn người chốc lát mới sực hiểu ra, tại chiều tối qua cô bàn về vấn đề nam nữ khác nhau hăng quá đây mà... Ngu Toàn Cơ cốc đầu nàng ấy một cái: "Này! Ý chị là bài thi thiếp kinh tối qua! Sao em lại đỏ mặt hả?"

"Em em... em... em tưởng là..." Tiêu Ngọc Hoàn cầm cơm nắm bằng cả hai tay, xấu hổ trả lời: "Em tưởng là chị sống thoáng đến mức ấy, cửa sổ mở cũng..."

"Này này này!" Ngu Toàn Cơ vội vàng cắt ngang ảo tưởng hường huệ của cô nàng, nghiêm túc nói: "Tối qua y dành ra tận hai canh giờ bắt chị thi thiếp kinh, hỏi chị nhiều đến nỗi chị choáng váng không đỡ được, hơn nữa chị thông minh ngủ bên cạnh cửa sổ, có cho y cũng không có gan táy máy, hừ hừ, thật ra y không biết trong tay nải của chị còn có một con dao cắt thịt nữa..."

Ngu Toàn Cơ cầm con dao cắt thịt lên, thoăn thoắt thái miếng thịt lớn đang cháy xèo xèo thành từng miếng nhỏ: "Nên mới nói, nếu y dám táy máy thì, hừ hừ hừ..."

"Lý đài chủ quả thật đã nằm giữa sự sống và cái chết..."

"Nói linh tinh, chị mới là người trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc!" Ngu Toàn Cơ gắp một miếng thịt cho vào miệng, chỉ ước gì đây là một bộ phận nào đó trên người Lý Thiên Lý. Thịt bắp cũng được đấy, nhìn y có thể bê bàn được bằng một tay, thịt bắp chắc hẳn sẽ rất ngon... Tay cũng không thua kém là bao, róc thịt ra hầm với chân gấu, bàn tay của quan văn phải viết lách hằng ngày, gân cốt mới đậm đà... Ngu Toàn Cơ vừa cắn một miếng thịt vừa mơ nếu có một ngày được xé xác Lý Thiên Lý thành miếng nhỏ để ăn, cô phải chế biến thế nào để thịt mới ngon. Vì khung cảnh quá máu me, không thể cho trẻ nhỏ xem, nên quý độc giả đừng quá tò mò.

"Chị ở hậu đường có nghe ngóng được gì không?" Giọng nói của Tiêu Ngọc Hoàn kéo hồn Ngu Toàn Cơ từ trên bàn Ngự sử đài chủ trở về.

"Không, khi chị ở đó, tên khốn kiếp ấy toàn trông thi với ra đề, nếu muốn bàn bạc chính sự thì toàn ném chị ra ngoài, nên chị chẳng nghe được gì cả."

"Tối qua lúc em vào thi, trông chị có vẻ mệt mỏi lắm, Lý đài chủ bắt nạt chị ạ?"

"Bắt nạt chị quá đáng lắm luôn..." Ngu Toàn Cơ vô thức trả lời, rồi lại vội vàng nói: "Em đừng nghĩ xiên nghĩ xẹo đấy nhé!"

"Em nào có!" Tiêu Ngọc Hoàn lẩm bẩm, đúng là... lại bị đoán trúng rồi... tưởng tượng một tí không được sao? Tài nữ chín chắn và quan nhân đứng tuổi đóng kín cửa chung phòng với nhau rất dễ bị liên tưởng đến những cảnh không mấy đứng đắn...

"Y ép chị bái y làm thầy, hơn nữa không đảm bảo cho chị đỗ tiến sĩ, không đảm bảo cho chị đỗ khoa thi Hồng Từ, cũng không đảm bảo cho chị làm quan lớn, cùng lắm chỉ đồng ý cho chị làm đài quan, đồ điên, nếu phải làm đài quan cấp dưới của y, chị thà đi khiêng quan tài cho mấy cửa hàng bán đồ mai táng còn hơn!" Ngu Toàn Cơ hạ thấp giọng xuống, không muốn để người khác nghe thấy.

"Chị đừng đồng ý, làm Ngự sử đài quan vừa bận vừa mệt, phẩm quan lại còn thấp nữa chứ, lương bổng tuy không đến nỗi nào, nhưng những giám sát ngự sử bị phái đến Hà Bắc Hà Đông Hoài Tây Hoài Nam, tính mạng không ngàn cân treo sợi tóc thì cũng thoát chết trong gang tấc. Tuy ở Giang Nam Lĩnh Nam không lo nguy hiểm đến tính mạng, nhưng cách kinh thành quá xa, đi lại khó khăn. Tuy tam vệ (11) kinh thành cũng tốt đấy, nhưng đâu đâu cũng là quan viên, người người coi thường chị, Lý đài chủ chèn ép đài quan còn chẳng thèm nể mặt kia kìa..." Có vẻ như Tiêu Ngọc Hoàn vô cùng thấu hiểu tình hình của Ngự sử đài, nói xong nàng ấy còn bật cười: "Hay là chị lấy y cũng được đấy, được làm Quận phu nhân ngay tức thì, không lo cơm ăn áo mặc, ngồi trong căn nhà lớn do thân nhân phường ban cho, chờ một ngày nào đó ngài ấy bị thích khách giết chết, khi đó chị có thể thừa hưởng tài sản của ngài ấy, làm một quả phụ phong lưu."

"Mấy câu trước còn nói đâu ra đấy, mấy câu sau loạn xì ngậu cả lên, vừa nghe là biết em chưa lấy chồng bao giờ. Nếu chị lấy y thật, hôm thành hôn chị sẽ chuốc cho y say quắc cần câu, sau đó thuê sát thủ tiễn y về chầu ông vải luôn, cho y đỡ phải cởi quần áo." Giọng của Ngu Toàn Cơ đầy tự hào.

"Chị thường dùng mánh khóe ấy hả?"

Ngu Toàn Cơ thở dài, lắc đầu: "Chị chưa từng làm những việc này, nên bây giờ mới khổ như thế, bị tên khốn kiếp ấy bắt nạt... lần này mà không thi đỗ, chị quyết tâm lấy ông già tiết độ sứ Hoài Tây, nghe nói ông ta sắp nghẻo rồi, món tiền này cũng đủ cho chị ấm no suốt đời."

"Tiết độ sứ Hoài Tây, ý này hay đấy."

"Nếu em cũng không thi đỗ, chúng ta cùng đến Hoài Tây, à đúng rồi, em đừng bao giờ đến Thành Đức với Lư Long, nghe nói dạo này hai vị đại soái ở đó không phải đánh trận, nhu cầu khá là lớn..."

Ngu Toàn Cơ nói bằng giọng rất điềm nhiên, làm gương mặt Tiêu Ngọc Hoàn lại đỏ bừng...

***

Hai người Ngu Tiêu ăn no xong thì uống thêm hai tách trà, thu dọn đồ đạc, bấy giờ nhìn thấy các quan khảo thí vây xung quanh Lý Thiên Lý, các thí sinh vội vàng hạ tay xuống đứng nghiêm, tuy Ngu Toàn Cơ cực kỳ không muốn nhưng cũng đành phải giả bộ ngoan ngoãn.

Một vị quan khảo thí lớn tuổi đứng ra, trước tiên gật đầu với Lý Thiên Lý bày tỏ sự tôn trọng, sau đó nói với các thí sinh: "Các vị sĩ tử, kỳ thi tiến sĩ này được tổ chức nhằm tuyển chọn hiền tài khắp cả nước cho triều đình. Mấy năm gần đây, trong triều đình có nhiều ý kiến cho rằng thi tiến sĩ không chú trọng kinh thế trí dụng (học vấn phải có ích cho quốc gia), mà lấy thơ phú để đánh giá trình độ. Xét về điều đó, chủ khảo quyết định kết hợp kế sách trị nước vào trong thi thơ phú, thí sinh nào dùng sai điển tích điển cố hoặc gieo sai vần chân, nhưng nếu lập luận hợp lý thì vẫn qua. Đồng thời thời gian thi thiếp kinh sẽ được rút ngắn, thi vấn đáp sẽ được chia thành hai câu hỏi, trước hỏi sau đáp, khi thi vấn đáp, thí sinh được thảo luận câu hỏi, còn vấn đề đương nhiên sẽ do quan chủ khảo đích thân hỏi, tính công bằng sẽ được đặt lên hàng đầu, có ý kiến gì, các sĩ tử đừng ngại nêu lên."

Bầu không khí im phăng phắc, nếu là quan chủ khảo khác, lúc này đã ầm ĩ như ong vỡ tổ rồi, thậm chí sẽ có trường hợp một số con em nhà quyền quý chất vấn ngay tại trận. Có điều Lý Thiên Lý mặc áo bào tím, thắt đai ngọc, đeo ngư đại vàng, mũ mão đủ cả, bên ngoài còn khoác áo choàng màu tím đỏ viền lông chồn đen ở cổ, tay cầm thanh trường kiếm, rõ ràng đã chải chuốt trước khi ra ngoài gặp sĩ tử. Y đứng phía sau quan khảo thí đó với gương mặt lạnh tanh, không khác gì ngọn núi sừng sững, còn ai dám ý kiến ý cò gì nữa?

"Nếu các thí sinh không có ý kiến gì, vậy mời mọi người quay về hành lang, quan khảo thí của các phòng sẽ sắp xếp thứ tự." Nói xong, vị quan khảo thí đó định lui xuống dưới, nhưng Lý Thiên Lý ho một tiếng, nghiêm mắt lại, quan khảo thí vội vàng nói: "Ừm... sĩ tử Việt Châu Ngu Toàn Cơ có ở đây không?"

"Có học sinh."

"Chủ khảo nói rằng, trong kỳ thi tiến sĩ lần này, cô thuộc nhóm sĩ tử cần phải trông coi nghiêm ngặt, để đề phòng cô tiết lộ đề thi, mời cô vào hậu đường, cô sẽ là thí sinh đầu tiên được đài chủ hỏi, sau đó sẽ bị cách ly ở chỗ khác."

Ánh mắt của toàn bộ sĩ tử đều đổ dồn vào Ngu Toàn Cơ, cô nhướng cao lông mày, nét mặt như nuốt phải ruồi, cứng ngắc chắp tay: "Học sinh tuân mệnh."

Thế là Ngu Toàn Cơ đành phải thu dọn tay nải, gật đầu với Tiêu Ngọc Hoàn, rồi đi về phía hậu đường, quan khảo thí của các phòng lần lượt sắp xếp câu hỏi, chỉ có hai người Lý Ngu một trước một sau đi đến hậu đường, Lý Thiên Lý ung dung rảo bước vào trong phòng: "Học trò, cô suy nghĩ thế nào rồi?"

"Hiện tại đang suy nghĩ đến việc làm học trò của chủ khảo sẽ thảm thương hơn cả không được làm quan."

Xem nàng đang nói linh tinh gì kìa? Yên tâm yên tâm, vi sư sẽ yêu thương nàng... cuộc đối thoại trong đầu Lý Thiên Lý vừa cực kỳ sến sẩm vừa tràn ngập ảo tưởng màu hồng của người đàn ông ế vợ, có điều ngoài miệng vẫn nói: "Sao cô lại nói vậy?"

"Làm cấp dưới của chủ khảo phải xông pha nguy hiểm, chỉ e rằng học sinh chưa kịp làm giám sát đã đi đời nhà ma rồi."

Sao có chuyện đi đời nhà ma được? Để đảm bảo an toàn cho tính mạng của học trò yêu dấu, vi sư sẽ xóa sổ đám tên ngốc thái tử, nàng chỉ cần chờ ba năm, chỉ ba năm mà thôi, vi sư sẽ san bằng ba trấn Hà Sóc cộng thêm Hoài Tây, ngồi vào vị trí tam công tam sư để nàng làm Quốc phu nhân vô lo vô nghĩ, nàng còn cần làm quan làm gì nữa... Thật ra những lời cầu hôn đang lặng lẽ chất chứa trong lòng Lý Thiên Lý, song ngoài miệng y vẫn phải giả bộ lạnh lùng.

"Có chức quan nào không nguy hiểm đến tính mạng? Làm quan ở mạc phủ thì bị dân bạo động quân phản loạn chống phá. Binh bộ thu mua vũ khí ngáng đường làm giàu của kẻ khác thì bị vứt xác xuống Khúc Giang, ngụy trang thành tự sát; Lại bộ vì mua quan bán tước làm ăn không công bằng mà bị quan lớn chém chết; còn Hình bộ thì bị kẻ tham ô ám sát, huyện úy còn bị tù nhân chặt xác; Công bộ khi đi kiểm tra các lăng tẩm cung điện thì bị xà nhà cột trụ rớt trúng, không khác gì cái bánh nhân thịt, đi giám sát công trình thủy bộ thì bị nước sông cuốn trôi về phía hạ lưu; Hộ bộ bị thâm hụt quá nhiều, dẫn đến kẻ ngồi trên giết người diệt khẩu; mười tám vệ và sáu quân tham quân là thảm nhất, chẳng làm gì cũng bị cuốn vào sự biến Huyền Vũ Môn (12) do tên ngốc nào đó làm, đặt nhầm cửa là bị tru di cửu tộc..." Lý Thiên Lý nói làu làu như đọc thuộc lòng, hiển nhiên những chuyện này đã từng xuất hiện trong hồ sơ của Ngự sử đài, y dừng chân, quay mặt sang, "Có rất nhiều người chết vì làm quan, chẳng lẽ cô không biết ư? Hay cô vẫn cho rằng làm quan thật sự tốt như thế?"

"Chẳng lẽ làm hiệu thư lang cũng nguy hiểm sao? Có người muốn giết hiệu thư lang ư?" Ngu Toàn Cơ hoàn toàn không đếm xỉa đến những chuyện đáng sợ y vừa nói.

"Có ai làm hiệu thư lang cả đời không? Cô vất vả đèn sách hai mươi ba mươi năm chỉ để an phận làm hiệu thư lang thôi sao? Chí hướng của cô chỉ bé tẹo như thế, ta đánh trượt cô cũng đáng." Lý Thiên Lý lườm cô, học trò ngốc à, làm hiệu thư lang thì thà làm phu nhân của ta còn hơn, lương tháng của Ngự sử phu nhân cũng được một trăm quan, còn hiệu thư lang chỉ có vỏn vẹn mười sáu quan. Chỉ cần làm phu nhân của ta, hằng ngày nàng chẳng cần phải làm việc nhà, mỗi tháng có một trăm quan, vi sư đảm bảo sẽ dâng cả hai tay lên cho nàng!

Ồ, tên khốn kiếp này cũng nói được mấy câu tử tế có ý nghĩa nhỉ? Ngu Toàn Cơ nghiêm túc suy nghĩ những gì Lý Thiên Lý nói, quả thật làm quan là một con đường không lối về phải chạy khắp nơi... khoan đã, phải chạy khắp nơi...! Mắt Ngu Toàn Cơ sáng như đuốc, dù Ngự sử đài chủ rắc rối thế nào đi chăng nữa, quan lại Lương Quốc chưa bao giờ có chuyện chỉ được làm quan ở mỗi kinh thành, nhất là những quan viên không có xuất thân danh giá như cô, cơ hội bị điều đến vùng ngoại thành là cực kỳ lớn. Hơn nữa theo thông lệ của quan trường, khi đã làm việc ở trong kinh, thì nhiệm kỳ thứ hai bắt buộc phải ra ngoài, hay nói cách khác, làm hiệu thư, chính tự trong kinh khoảng hai năm là có thể ra ngoài chạy khắp nơi, sau đó đến một lúc nào đó thì nhờ Lại bộ cho cô chuyển chức ở ngay bên ngoài luôn. Ôi chao! Năm nào Lại bộ cũng đau đầu về việc điều chuyển quan lại về kinh, có được một hậu bối biết điều thông cảm với khó khăn của Lại bộ như cô đây, họ chắc hẳn cầu còn không được!

Lý Thiên Lý sải bước vào chính phòng hậu đường, đặt trường kiếm xuống, treo áo choàng lên giá, cởi mũ rồi ngồi xuống, nhìn chằm chằm Ngu Toàn Cơ bằng đôi mắt đen tuyền: "Thế nên cô suy nghĩ thế nào rồi?"

"Chẳng phải chỉ cần quyết định trước khi ra khỏi viện phía Nam sao?" Ngu Toàn Cơ chắp tay đứng trước bàn y, cô vẫn muốn đo xem "hồ nước" Lý Thiên Lý này "sâu" bao nhiêu.

"Tính ta chưa bao giờ kiên nhẫn đến vậy."

"Nghe nói tính kiên nhẫn của đàn ông liên quan đến sức bền của một bộ phận nào đó..." Ngu Toàn Cơ lạnh nhạt nói, đắc ý nhìn đôi mắt trợn to của Lý Thiên Lý, cung kính chắp tay: "Nên tính kiên nhẫn của chủ khảo..."

"Ba ngày cũng không thành vấn đề." Trong hoảng hốt, Lý Thiên Lý vô thức bảo vệ tôn nghiêm đàn ông của mình, y giả bộ bình tĩnh: "Trước khi ra khỏi viện Nam này thì bàn tiếp, ngồi xuống đi, ta đặt câu hỏi."

"Học sinh tạ ơn chủ khảo." Ngu Toàn Cơ chắp tay vái, ngồi trước chiếc bàn nhỏ đó.

Lý Thiên Lý nhanh chóng lấy lại vẻ bình thường, vỗ tay ra hiệu cho quan binh mang trà mới đun vào, rồi gọi mấy quan khảo thí tới: "Trả lời ngắn gọn câu hỏi, những nguy cơ tiềm tàng và mối lo cấp bách trong triều đình hiện nay là gì?"

"Mối lo cấp bách là quân sự và chính trị, nguy cơ tiềm tàng có hai vấn đề, một là thuế má hai là phiên trấn." Ngu Toàn Cơ trầm ngâm giây lát rồi trả lời, thi vấn đáp vốn có liên quan đến thời sự chính trị, cô đã chuẩn bị từ trước.

Lý Thiên Lý không hề ngạc nhiên trước câu trả lời này, vì chỉ cần có óc quan sát là có thể nhìn ra ba vấn đề ấy, nếu không trả lời được, chắc chắn kẻ đó là con nhà giàu ăn chơi không phân biệt được ngựa hay hổ, đánh trượt cũng chẳng có gì đáng tiếc. Mấy quan khảo thí ngồi cạnh y cũng chỉ viết mấy từ vào tờ giấy trước mặt. "Quân sự và chính trị có mối lo gì? Phiên trấn có nguy cơ gì?"

"Mối lo của quân sự chính trị là nội quân ngoại phủ (13). Sau loạn An Lạc Sơn (14), triều đình bồi dưỡng sáu quân làm thân tín, đãi ngộ của sáu quân này hơn cả mười tám vệ, vượt xa chư quân ngoại phủ; đãi ngộ khác nhau, công trạng không thưởng, còn cả binh biến Hình Nguyên (15) bốn mươi năm trước, Đại Lương lập quốc nhờ binh võ, nếu không chỉnh đốn được quân đội, bên ngoài không đuổi được rợ bốn phương, bên trong không dẹp yên phản loạn bình định đất nước, thì đây quả thật là mối lo cấp bách." Ngu Toàn Cơ sắp xếp lại suy nghĩ của mình, sau đó nói rất đĩnh đạc, "Quân sự và chính trị vô tổ chức, không thể trấn áp được phiên trấn, chỉ có thể trơ mắt nhìn các phiên trấn dần dần lớn mạnh, triều đình chỉ kiểm soát được Quan Trung Giang Nam, nếu lại xuất hiện một kiêu hùng như An Lạc Sơn, Đại Lương tất diệt vong."

Lý Thiên Lý cũng không hề bất ngờ với suy nghĩ này của cô, ba trăm năm trước đã có hàng tá người nói về nguy cơ tiềm tàng mãi không giải quyết dứt điểm của đám phiên trấn này, nhưng trong ba trăm năm đó Lương Quốc cũng chưa bị diệt vong. Vì thế y chỉ đan hai tay đặt trước ngực, không hề nói gì.

Ngu Toàn Cơ thấy vậy liền biết y vẫn đang chờ cô phát biểu một ý kiến nào đó táo bạo hơn. Cô bèn mỉm cười, nói tiếp: "Có điều những quan điểm trên kia được phát biểu theo góc độ của triều đình. Học sinh sinh ra và lớn lên ở phiên trấn, là dân thường bao nhiêu năm qua, nhìn từ góc độ người dân phiên trấn và một bách tính bình thường, để ngày một lớn mạnh, phiên trấn bắt buộc phải chiêu binh mãi mã, khuyến khích canh nông, khuyến khích thương nghiệp để củng cố nền móng, đồng thời cũng phải xây dựng đường sá để vận chuyển nhu yếu phẩm quân đội, khai khẩn đất hoang và đào kênh mương để tăng địa tô, các phiên trấn tự dùng sức của mình lo cho mình, tự cung tự cấp. Ngược lại, nguồn tiền của mà triều đình cung cấp cho các hạt châu huyện đều phải dựa vào sự phân bổ của Hộ bộ, nguồn tiền đến tay các châu huyện chỉ được sáu bảy phần mười, thậm chí có nơi còn chưa được ba phần, quan lại ở đây thì cứ ba năm lại luân chuyển một lần. Không có địa giới không có nguồn nhân lực không có nguồn tài lực, đương nhiên phiên trấn sẽ ngày càng nghèo đi. Vì thế đứng từ góc độ triều đình, phiên trấn là mối đe dọa, cần phải diệt trừ càng nhanh càng tốt; nhưng đứng từ góc độ dân chúng, chỉ khi như vậy phiên trấn mới hoàn toàn phát triển, phiên trấn càng lớn mạnh càng tốt, còn triều đình càng suy yếu càng tốt. Hay nói đơn giản, theo quan điểm của học sinh, triều đình và dân chúng không chung một lòng mới là mối lo lớn nhất."

Xong rồi! Lý Thiên Lý vẫn mang nét mặt vô cảm, liếc mắt nhìn quan khảo thí ngồi bên cạnh, họ đều là Ngự sử đài quan, nghe cô nói xong, không ai tỏ thái độ gì, chỉ cúi đầu viết một chữ nào đó khá phức tạp, Lý Thiên Lý cũng viết một chữ giống như thế dưới tên của Ngu Toàn Cơ trong tờ danh sách thí sinh để trước mặt, sau đó mới nói: "Được rồi, cô thu dọn đồ đi, đến phòng trong phía sau, nếu muốn ra ngoài trong thời gian diễn ra kỳ thi thì phải có nữ binh đi cùng, không được phép nói chuyện với bất cứ thí sinh khác, đi đi."

Ngu Toàn Cơ chắp tay khom người, rồi vái chào các quan khảo thí khác ngồi bên cạnh, không cự cãi câu nào, cầm đồ của mình đi vòng qua tấm bình phong đằng sau Lý Thiên Lý, đến gian phòng bên trong. Tâm trạng cô cực kỳ thoải mái, vì cô biết bằng câu trả lời vừa rồi, con cá nhỏ cô đây đã vượt qua được Long Môn.

HẾT CHƯƠNG 15

(1) Tức Sầm Tham (715-770), là nhà thơ Trung Quốc thời Thịnh Đường. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn học, ông là nhà thơ tiêu biểu và xuất sắc nhất trong các nhà thơ biên tái thời Đường.

(2) Tức Tạ Đạo Uẩn (Không rõ năm sinh mất), được biết đến là một tài nữ thời Đông Tấn, nổi tiếng với tài học hơn người. Bà là cháu gái của tể tướng Tạ An, vợ của Vương Ngưng Chi, con trai của Thư pháp gia trứ danh Vương Hi Chi. "Chẳng bằng bông liễu theo gió mà bay" được trích từ "Vịnh tuyết" do bà sáng tác.

(3) Thôi Thự (704-739) người Tống Châu (nay thuộc huyện Đăng Phong, tỉnh Hà Nam). Năm Khai Nguyên thứ 23 đời Đường Huyền Tông (713-756) ông đậu tiến sĩ nhưng chỉ làm một chức quan nhỏ ở Hà Nam, rồi ẩn cư ở núi Tung Sơn thuộc Hà Nam.

(4) Một bài thơ của Khuất Nguyên.

(5) Bản dịch của Nguyễn Đức Vân, Văn học Trung Quốc (Tài liệu tham khảo, tập 1), NXB Giáo dục, 1963

(6) Canh năm từ 3 giờ sáng đến 5 giờ sáng.

(7) Giấy Tuyên được hai loại: sinh chỉ 生紙 (giấy sống, chưa nhúng phèn, dùng cho thư pháp) và thục chỉ 熟紙 (giấy chín, đã nhúng phèn, dùng cho hội họa)

(8) Tản quan: Quan chế chỉ phong tặng mỹ tự và phẩm hàm nhưng không có chức, thường được bang cho các vị quan có công với triều đình.

(9) Huân quan: Chức quan ban thưởng cho những người có công.

(10) Chức quan: Chức quan đảm nhiệm một công việc cụ thể trong bộ máy quốc gia.

(11) Thời Đường, Tam vệ chỉ cấm vệ quân, bao gồm thân vệ, huân vệ, dực vệ.

(12) Sự biến Huyền Vũ môn là sự kiện tranh giành quyền lực diễn ra vào ngày 2 tháng 7 năm 626[1] khi Tần vương Lý Thế Dân, một người con trai của Đường Cao Tổ (vị hoàng đế sáng lập nhà Đường), trong cuộc đua giành ngôi vị với anh mình là Thái tử Lý Kiến Thành đã tổ chức một cuộc phục kích trước cửa Huyền Vũ, trên con đường tới cung của Đường Cao Tổ, giết chết anh cả là Thái tử Lý Kiến Thành cùng em là Tề vương Lý Nguyên Cát. Sau khi biết chuyện, Đường Cao Tổ không còn cách nào khác đành nhường ngôi cho người con thứ hai lên ngôi hoàng đế, cũng chính là Đường Thái Tông sau này. (Theo wikipedia)

(13) Nội quân ngoại phủ: Cũng được gọi là Nội quân ngoại quân hoặc nội phủ ngoại phủ. Nội quân chỉ quân đội bảo vệ kinh thành hoàng tộc, quý tộc, ngoại phủ chỉ quân đội ở các châu ấp, phiên trấn.

(14) Tác giả nói lái từ biến An Lộc Sơn, hay còn được gọi là loạn An Sử. Đây là cuộc biến loạn xảy ra giữa thời nhà Đường vào thời Đường Huyền Tông Lý Long Cơ trong lịch sử Trung Quốc, kéo dài từ năm 755 đến năm 763, do An Lộc Sơn và Sử Tư Minh cầm đầu. Cả họ An và họ Sử đều xưng là Yên Đế trong thời gian nổi dậy. Do xảy ra vào niên hiệu Thiên Bảo của Đường Huyền Tông, cuộc phản loạn này còn được gọi là Thiên Bảo chi loạn (天寶之乱). Cuộc nổi dậy kéo dài qua ba đời hoàng đế nhà Đường trước khi bị dập tắt, và có sự tham gia của nhiều thế lực địa phương.

(15) Tác giả nói lái từ binh biến Kinh Nguyên xảy ra thời Đường Đức Tông Lý Quát trong lịch sử Trung Quốc do một số phiến trấn và tướng lĩnh gây ra, khiến Hoàng đế nhà Đường phải bỏ kinh thành chạy về Phụng Thiên.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro