Quyển 1 - Chương 6

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 6: Lão cáo già

Mốc dịch

Nghe đến đây, chắc hẳn các chư vị độc giả vừa hiếu kì sự tiến triển giữa hai người Ngu Lý (Ồ? Có à?), vừa muốn hỏi, rốt cuộc triều đình Lương Quốc này là thế nào? Lấy đâu ra nhiều đàn ông lắm mồm đến vậy?

Lương Quốc dựng nước đã nghìn năm, thuở đầu khai quốc Võ hoàng đế lập đô không chú ý đến triều đình mới, hơn nữa bản thân ngài cũng là vị vua khai quốc, không có quá nhiều thời gian để suy nghĩ chuyện chế độ, đành phải kế tục lễ chế của triều đại trước, dù sao chỉ cần áp cái khung vào là được. Nào ngờ ngồi trên ngai vàng chưa được mấy năm, đứa con trai thứ khốn nạn mà Võ hoàng đế vẫn hằng thương yêu lại vùng lên làm phản cha mình, cướp quyền cướp ngôi cướp cả các bà vợ của cha, chẳng những dùng tên bắn chết anh em trai ruột thịt, ép em gái làm phi, mà còn tiện tay kéo cả cha mình xuống, tự mình lên làm vua, xưng là Văn hoàng đế.

May mà Văn hoàng đế khốn nạn vẫn cứ là khốn nạn, háo sắc vẫn cứ là háo sắc, bất hiếu vẫn cứ là bất hiếu, nhưng trị quốc coi như cũng có chút tài, dù mang binh đánh trận nửa thắng nửa thua nhưng ít nhất vẫn biết dùng tướng giỏi. Đã xưng là Văn đương nhiên trong thời gian trị vì có không ít thành tựu về văn hóa giáo dục, trong đó quan trọng nhất là phục hồi lại chế độ, phân chia rõ ràng trên dưới.

Ngẫm thấy những triều đại trước thế gia công thần nắm giữ triều chính, lại có cả ngoại thích hoạn quan đấu đá cấu xé, vì thế dẫn tới thần tử chuyên quyền lập mưu giết vua, Văn hoàng đế vô lại háo sắc bất hiếu, may vẫn còn biết đọc lịch sử liền hạ quyết tâm không cho phép mấy tên láo lếu căn nguyên của phản loạn xuất hiện trong triều đình.

Để đề phòng công thần thế gia lộng quyền trong triều, ngài cho mở kì thi Minh Kinh và các hình thức tuyển chọn khác để chọn tiến sĩ, con ông cháu cha chỉ chiếm một phần rất nhỏ, sĩ tử dù nhà giàu hay nhà nghèo, phải qua thi thố thử lửa mới biết ai là ngọc trong trai, càng công bằng thì kì thi càng khó, chức quan nhận được ban đầu càng thêm thanh cao quý giá, nếu muốn cả vinh dự lẫn phú quý thì phải học hành tử thế, đừng trông cậy vào phần mộ xương cốt của tổ tiên.

Để đề phòng ngoại thích tham gia chính sự, hoàng hậu bắt buộc phải xuất thân danh môn, nhằm phòng ngừa hoàng đế nào đó đời sau bị tinh trùng xông lên não, cho một tì thiếp thấp hèn có sắc không đức không tri thức lên làm quốc mẫu, hoàng hậu được chọn còn phải có sự tán thành của trọng thần tôn thất, không thể chỉ dựa vào mình hoàng đế là được. Thậm chí phi tần cung nữ là con nhà lành dưới mười lăm tuổi đều được tham gia tuyển chọn, không có sự phân biệt giữa nhà giàu hay nhà nghèo, sau khi nhập cung, trừ phi là nội mệnh phụ phẩm cấp ngũ phẩm trở lên, bằng không không được liên lạc với người nhà, còn mọi việc trong cung đều do nội mệnh phủ lục thượng cục (1) và nội thị tỉnh cùng sắp xếp, tự tạo thành hệ thống, không liên quan gì đến quan bên ngoài.

Để đề phòng hoạn quan chia bè kéo phái, phần lớn hoạn quan được tuyển chọn từ tù binh ở những bộ tộc bên ngoài bên cương phía Nam Bắc, tịnh thân ngay từ nhỏ, thay tên đổi họ, không còn liên quan đến gia đình, bởi vậy dù khi trưởng thành đã đủ lông đủ cánh lo cho gia đình thì cũng không nhớ được tên thật, quê quán và tên người thân của mình, không có gia đình, lại không có con cháu, thế lực đương nhiên cũng yếu đi.

Để đề phòng thần tử lạm quyền soán ngôi, lập ra Trung thư môn hạ Thượng thư tam tỉnh, ba trưởng quan trong tam tỉnh là Trung thư lệnh, Môn hạ thị trung và Thượng thư tả hữu bộc xạ làm Tể tướng. Trung thư tỉnh thảo ra chính lệnh, chiếu lệnh; Môn hạ tỉnh phụ trách thẩm tra, giám sát; Thượng thư tỉnh sẽ ban bố chính sách mà hai tỉnh trên đã thông qua đến sáu bộ dưới Thượng thư tỉnh để thi hành, trong quá trình nếu có một tỉnh không hợp tác thì sẽ không thể tiến hành. Ngoài ra giao cho Ngự sử đài quyền buộc tội bá quan, để đề phòng các ngự sử đài vượt quyền hống hách, ngoài đại phu ra, các đài quan khác đều là quan nhỏ dưới lục phẩm, tuy là quan nhỏ nhưng vẫn có đủ tư cách tố cáo Tể tướng, thậm chí là tam sư tam công. Để đề phòng đại quan quay lại cắn ngược, Ngự sử đại phu bắt buộc phải liên danh (2) trên bản cáo trạng chấp thuận, nếu có chuyện xảy ra thì Ngự sử đại phu chánh tam phẩm và đại quan xoay vòng giải quyết, nếu Ngự sử đại phu thông đồng làm bậy, ngự sử cũng có thể bẩm tấu trực tiếp với Hoàng đế.

Sửa đổi hoàn thiện chế độ đến đây, Văn hoàng đế lại sai người sửa đổi pháp lệnh, quy chế, lễ nhạc, trang phục nghi lễ, sử sách, lúc này ngài mới hài lòng vuốt ba chòm râu nhỏ dưới cằm mình, rồi lại vuốt chòm râu cá trê trên mép, cuối cùng thì xoa nhẹ cái bụng tròn xoe, rốt cuộc oán giận của cha anh em trai trên trời cũng giảm bớt.

Tuy nói rằng tính lý tưởng của chế độ mà Lương Quốc thiết lập ban đầu rất cao, nhưng có lúc con người là sinh vật thấp hèn, nếu không khốn nạn thì cả người lại ngứa ngáy, bên này khoét một chỗ, bên kia đào một đường, dần dà chệch ra khỏi suy nghĩ ban đầu.

Có điều cơ chế vận hành của tam tỉnh không thể thay đổi, sự thay đổi lớn nhất có lẽ là Thượng thư tỉnh càng ngày càng không có tiếng nói, bởi tuy Thượng thư tỉnh có ưu thế trên hành chính, nhưng quyền trù tính và bác bỏ thẩm định chính sách lại nằm trong tay Trung thư môn hạ, dần dần Thượng thư tỉnh trở thành em trai của Trung thư môn hạ, thỉnh thoảng khi hai tỉnh kia nhắc đến một vài kế hoạch vớ vẩn mới kêu gào mấy tiếng "trung thư rác rưởi, môn hạ phế liệu", phao tin không làm để bày tỏ sự kháng nghị.

Quốc gia càng phát triển, dân số ngày một đông, công việc cũng càng thêm nhiều, dần dà các hoàng đế nhận ra não bộ của quan đứng đầu tam tỉnh không đủ dùng, mà không thể thêm bừa một cơ quan vào các quan thự đã thiết lập từ trước, bởi vậy đành phải mượn não của các quan thự khác để dùng tạm. Cho nên chỉ cần hoàng đế ngắm trúng, cảm thấy người đó có tư cách tể tướng, vậy thì trao hàm "Đồng trung thư môn hạ tam phẩm", có thể đến Chính Sự Đường tham gia họp hành, người mang hàm đó cũng được gọi là Tướng công.

Người có thể làm tướng công, trong một năm không quá mười kẻ, nhóm tể tướng này có thể nói là đứng trên đầu hàng vạn người, đương nhiên phải là lão cáo già lăn lộn trên quan trường nhiều năm mới làm được, nên đám triều thần gọi gánh hát tể tướng là "Bang hội cáo già". Không phải lão cáo già mà làm được tướng công, nếu không phải nịnh thần gian thần cùng một giuộc với hoàng đế dốt nát, thì chính là người hiền tài được minh quân hiếm có tinh tường đề bạt, sau khi qua đời không treo tranh vẽ ở công thần các, mà được thờ phụng trong miếu văn võ. Còn Lý Thiên Lý cũng được trao hàm "Đồng trung thư môn hạ tam phẩm" vào năm ba mươi lăm tuổi, trở thành tướng công không được coi là lão cáo già hiếm hoi trong lịch sử.

Tóm lại, dù không được coi là lão cáo già, nhưng tướng công cáo già đã bộc lộ lòng dạ đen tối xuất hiện trong triều Hoằng Huy là gian thần nịnh thần hay kẻ hiền tài? Y vẫn chưa chết nên đương nhiên cũng không rõ.

Quay trở lại chuyện chính, hôm nay lại là ngày của bang hội cáo già, sáu vị tam công tam sư là sáu con cáo đã thành tinh, vì thời tiết lạnh giá bệnh thấp khớp tái phát nên đâm ra sinh lười, Trung thư lệnh là lão cáo già đứng đầu, cũng ung dung ngồi đầu Chính Sự Đường, uống cống trà thêm một ít gừng băm và muối, cực kì thoải mái.

Chính Sự Đường vốn nằm ở Môn hạ tỉnh, nhưng vì một vị Trung thư lệnh nào đó vô cùng đức cao vọng trọng nên di chuyển Chính Sự Đường đến Trung thư tỉnh, không ngờ một khi đã chuyển xong thì không bao giờ có chuyện chuyển về.

Trung thư tỉnh là cơ quan then chốt đứng đầu của quốc gia, đương nhiên Chính Sự Đường cũng được vị Tương tác đại tượng thần thánh đó thiết kế xa hoa lộng lẫy, trên mái Yết Sơn (3) đặt hai con Xi Vĩ (4) màu đỏ thẫm nặng tới nghìn cân, gói lưu ly màu đỏ son phủ trên ngói diềm mái tròn trịa, hai mươi tư trụ nhà đỏ thẫm cao vút chống đỡ chính đường rộng bốn gian dài năm gian, ba mặt giữa trái phải đều là cửa gỗ tùng giữ nguyên màu gốc, chếch phía sau dùng gạch để xây tường, sau khi sơn một lớp màu hồng nhạt thì sơn thêm một lớp sơn trộn với lan xạ hương, không cần hun đốt mà vẫn có mùi hương thoang thoảng nhã nhặn. Chính giữa Chính Sự Đường đặt một chiếc bình phong lớn cao mười tấc, dài mười lăm tấc, chỗ ngồi làm bằng gỗ tử đàn, dán bằng giấy trứng tằm, bên trên là dòng chữ Khải đầy khí phách hào hùng của nhà thư pháp Thái tử thái sư Nhan Thanh Thần hàng trăm năm trước, chép lại "Trung Thư Chính Sự Đường ký (5)."

Trung thư lệnh nghiêng đầu nhìn "Trung Thư Chính Sự Đường ký" viết từ trăm năm trước, đến hôm nay nét bút vẫn nguyên vẻ đẹp cũ, ông ta gật gù đắc ý thưởng thức những con chữ mình đã thuộc nằm lòng, "Người Chính Sự Đường, vua không thể làm trái với đạo trời, làm sai với đạo đất, làm bại hoại đạo trị quốc, vô nhân đạo với lê dân, chính trực đều có thể vào đây bàn việc nước... thần không thể phản bội vua quân, quay lưng lại với nhân nghĩa, tham ô chiếm dụng của công, lạm dụng hình phạt; thay đổi mệnh trời, biến đổi pháp luật của vua, nơi đây có thể loại bỏ kẻ gian..."

"Trung thư tướng công có nhã hứng quá." Thượng thư hữu bộc xạ cởi giày tất, cười khúc khích làm động tác vái chào, "Tả bộc xạ đang ứng phó với Hộ Bộ, lát nữa sẽ qua đây."

"Hữu bộc xạ thương hoa tiếc ngọc, thật hâm mộ!" Trung thư lệnh cũng cười đáp.

Hai lão cáo già ông nhìn tôi tôi nhìn ông, hai bên nhìn nhau mãi không chán. Bên ngoài thấp thoáng vang lên tiếng "Nghiêm!", hai người đều đưa mắt nhìn, cùng quỳ trên chiếu.

Cánh cửa bằng gỗ tùng được mở ra, chưa thấy người đâu nhưng đã nghe thấy giọng Thượng hoàng, "Hôm nay có gì chơi không? Ta buồn sắp chết rồi!"

"Thần, Trung thư lệnh cung kính chúc Thượng hoàng vạn phúc kim an.", "Thần, Thượng thư Hữu bộc xạ cung kính chúc Thượng hoàng vạn phúc kim an." Hai vị tướng công cùng đồng thanh, rồi khom người vái lạy.

Ngay sau đó là đôi tất vốn dĩ màu trắng nay đã đen xì giẫm trên sàn gỗ sạch bong trong Chính Sự Đường, vài tấc vạt áo bào dài lê thê phía sau đã lấm lem, tiếp theo là tiếng xương cốt rắc rắc cùng với tiếng rên hừ hừ dù người đó chẳng có bệnh gì cả, bang chủ của bang hội cáo già, cáo đã thành tinh chín mạng già đến nỗi râu tóc rụng hết chỉ còn lại lơ thơ mấy cọng, Thái thượng hoàng của Lương Quốc Tiêu Đạo Sính cuối cùng cũng giá lâm.

"Thánh thể của Thượng hoàng an khang không ạ?" Trung thư lệnh hỏi.

"An khang con chim điêu!" Thái thượng hoàng rất thích dùng các từ liên quan đến gia cầm chim chóc làm trợ từ, phàm là chim gà vịt ngỗng điêu hạc bồ câu diều hâu chim ri chim cút ngỗng trời chìa vôi... hàng ngàn chữ có họ hàng với gia cầm thỉnh thoảng sẽ xuất hiện trong lời nói của ngài, "Khắp người chả có chỗ nào dễ chịu cả, sống đến chín mươi tuổi rồi, ngay cả bệnh vặt như lông gà cũng không có, ngồi thì ngủ gật, nằm thì không ngủ được, mở mắt ra là phải nghĩ định làm gì, chán không thể chán hơn nữa."

"Bên chỗ vi thần có chuyện khó xử, không biết Thượng hoàng có thể giải quyết giúp..." Trung thư lệnh giả đò lưỡng lự.

"Sếu! Thiên hạ này còn chuyện nào ta không giải quyết được sao? Nói ta nghe xem nào."

Trung thư lệnh nhìn Hữu bộc xạ, Hữu bộc xạ bèn cất tiếng khóc thảm thương nằm vật xuống đất, làm Thượng hoàng giật nảy mình (Thượng hoàng thầm nói: Con chim nó! Trong nhà có người chết à?), rồi kể lại chuyện của Ngu Toàn Cơ, hóa ra ông ta vừa mới triệu tập các vị Thượng thư Thị lang trong Thượng thư tỉnh, phiên bản lời đồn giữa hai người Ngu Lý mà ông ta nghe được không khác là bao, vị Thượng thư Hữu bộc xạ được đứng vào hàng ngũ thành viên của bang hội cáo già đương nhiên cũng không phải là hàng rởm, năng lực tổng hợp tin tức tình báo hơn người bình thường, ông ta kể lại chuyện của Ngu Toàn Cơ thê lương bi ai không khác gì "Anh Anh truyện", "Bộ Sơ Yên", tình tiết phức tạp không khác gì "Niễn Ngọc Bồ Tát", "Thiến nữ ly hồn", rồi lại nói đến Ngự sử đại phu nhẫn tâm bạc tình như tiện nhân Lý Ích trong "Hoắc Tiêu Ngọc truyện", Hình Hà ác long trong "Động Đình Tiểu Long Nữ", Hắc Tâm Viên trong "Bổ Khương chủng Hắc Tâm Viên truyện", nói đến chỗ buồn bã thì khóc rưng rức như một cô gái yếu đuối, nói đến chỗ xúc động thì đấm ngực dậm chân chỉ thiếu điều rạch mặt moi tim.

Dù Trung thư lệnh đã biết chuyện này từ lâu nhưng vẫn nghe đến hăng say, gật đầu lia lịa, thổn thức bồi hồi như đang đọc "Bạch hồi Giai thị". Huống hồ Thái thượng hoàng còn chưa biết chuyện này nghe càng say mê hơn, lòng sục sôi căm phẫn như Tri Thanh Bộ Tướng Hứa Tuấn trong "Chương Đài Liễu", liên tục đập bàn nói muốn hoạn Ngự sử đại phu để trừng phạt, hoạn cũng chính là thiến, là sở thích thuộc cá nhân của Thái thượng hoàng.

"... Thượng hoàng, Trung thư, nghe nói Ngu Toàn Cơ đó sau khi về nhà cảm thấy tinh thần uể oải không sức sống, tùy tiện cởi áo ra nghỉ ngơi, nữ đạo sĩ nhà hàng xóm ngực to như bò sữa, eo thô như thùng nước tốt bụng khuyên mấy câu rồi rời khỏi, Ngu Toàn Cơ khó ngủ ngon giấc bèn đứng dậy khêu bấc đèn, cho đến nửa đêm, đang mơ màng ngủ thì bỗng nghe thấy tiếng người gọi ngựa hí ở bên ngoài, chỉ thấy một người nào đó đạp tung cửa phòng, sát khí tới giận giường!" Nước miếng của Hữu bộc xạ văng tứ tung, đoạn này ông ta tự bịa ra để thết đãi hai vị thính giả trung thành trước mặt, đùa chứ năm đó ông ta cũng thi đỗ tiến sĩ, là đại tài tử thi đậu kì thi Thư phán bạt thụy, hàng nghìn câu từ trau chuốt hoa mỹ dùng trong khoa thi tiến sĩ đó đều được mang ra để chém gió, chút lòng thành này thì tính làm chi?

"Chim gì thế?", "Là ai?" Thái thượng hoàng và Trung thư lệnh đồng thanh gặng hỏi.

Hữu bộc xạ đứng dậy, chụm ngón trỏ và ngón giữa lại thành dấu kiếm quyết chỉ thẳng vào chóp mũi Thượng hoàng, "Trên kiếm người đó nhuốm đỏ máu, gương mặt lạnh lùng, chĩa kiếm vào Ngu Toàn Cơ mà rằng, 'Tiện nhân! Mười năm trước tôi niệm tình cô trẻ trung xinh đẹp không nỡ giết, cho cô một đường sống, ai ngờ cô lại quay về Trường An! Mười năm trước Lý thị ngự không giám sát nổi cô, nay tôi đã làm Ngự sử đài chủ, há có thể tha cho cô! Lần này theo tôi về nhà, nếu phản kháng, một kiếm chết tươi!', các vị biết thế nào không?"

"Thế nào?", "Thế nào?", "Thế nào?", "Thế nào?"... phía sau bỗng vang lên tiếng dò hỏi vô cùng nhiệt tình.

"Còn thế nào nữa! Các vị phải biết rằng chỉ vì Ngu Toàn Cơ đó mà Lý đài chủ trăn trở mười năm, không thể gặp lại nhau, yêu càng đậm, hận càng sâu, trong mắt không chứa nổi những thứ dung tục, lúc này thấy ái thiếp nhà mình tóc tai rối bời, vạt áo xốc xếch để lộ một nửa cảnh xuân, sắc mặt y tái mét cắn môi đến bật máu, hàng lông mày như dãy núi mờ ảo phía xa xa, đôi mắt buồn bã như hồ nước mùa thu, tuy sắc mặt bi thương là thế nhưng trên hơn hết là sự đáng thương vô ngần, kiếm rơi leng keng xuống dưới đất, một tiếng "phù" thổi tắt ngọn đèn, các vị đã biết chuyện gì xảy ra chưa?" Hữu bộc xạ mặt mày tươi rói, kể lại khung cảnh ướt át như được tận mắt nhìn thấy, rồi nhìn Thượng hoàng và Trung lệnh thư bằng ánh mắt đầy mong chờ, nhưng lại thấy hai người đó xấu hổ quay đầu đi...

"Bộc xạ tướng công yêu mến hạ quan quá, còn tự biên tự diễn một truyền kì sinh động y như thật, vất vả rồi." Trong nháy mắt giọng nói làm máu nóng đang sôi sục của Hữu bộc xạ hạ xuống đến mức lạnh như băng, hương thơm tùng tuyết từ phía sau thoang thoảng trong không khí, Lý Thừa Lý đã đi thẳng vào trong quỳ lên tấm chiếu trước mặt Trung thư lệnh, đặt "bộp" đống sách tre quyển trục trong tay xuống cái bàn đằng trước, giọng nói sắc bén lạnh lùng vang vọng như kinh đường mộc (6) tam ty hội thẩm, dư âm chấn động khắp Chính Sự Đường, đôi mắt sáng ngời đen tuyền như huyền ngọc nhưng không hề mang theo chút cảm xúc nào nhìn chằm chằm Hữu bộc xạ, "Hóa ra hạ quan còn có một ái thiếp tên là Ngu Toàn Cơ ư? Là Bộc xạ tướng công định mua về đút lót hạ quan sao? Vậy ngài không ngại để Ngự sử đài quay lại điều tra tướng công chứ?"

"Lý... Lý Lý đài chủ... giữa đồng liêu với nhau, chỉ đùa vui thôi mà, ngay cả đùa vui Ngự sử đài cũng buộc tội sao? Không đến mức thế chứ?" Suy cho cùng Hữu bộc xạ cũng đã có kinh nghiệm vượt qua sóng gió, dù hơi nói lắp nhưng không đến nỗi chân tay lúng túng, có điều ông ta vẫn nặn ra được một nụ cười không tự nhiên, "Hơn nữa Lý đài chủ cương trực liêm chính, sống đến ba bốn mươi tuổi mà vẫn chưa có phụ nữ, nói gì thì nói, đám đồng liêu chúng tôi đây cũng nên quan tâm đến chuyện sinh hoạt tình cảm của đài chủ!"

"Cảm ơn đã quan tâm, chuyện sinh hoạt tình cảm của hạ quan có các vị đồng liêu tham gia lại càng thêm phong phú đặc sắc, đêm qua gặp Bộc xạ tướng công, Trung thư tướng công trong mơ, đúng là đáng mừng." Lý Thiên Lý không đỏ mặt cũng không tức giận mà nói, đám Tể tướng đều ngượng ngập, nét mặt của Trung thư lệnh và Hữu bộc xạ không khác gì muốn nôn mà không nôn được, ai muốn nằm mơ thấy Ngự sử đài chủ? Hơn nữa còn là ba người đàn ông gặp nhau trong mơ, không dễ chịu chút nào cả... nhưng lại nghe thấy y nói tiếp, "Mơ thấy hai vị tướng công xuất hiện trong tam ty hội thẩm ở đại đường Đại Lý Tự, ban đầu là không thở được, bỗng nhiên gào thét cho đến cầu xin phá gia (7), nhìn thấy cảnh ấy hạ quan vui quá ngã từ trên giường xuống đất, hôm nay đến đây hạ quan cũng cân nhắc lại chuyện này, hạ quan trằn trọc không ngủ đều suy nghĩ đến các vị, hà cớ gì lại làm cái cách tầm thường dung tục thế? Bộc xạ tướng công thấy có đúng không?

Sắc mặt Hữu bộc xạ và Trung thư lệnh đều tối sầm xuống, "không thở được", "Bỗng nhiên gào thét", "Cầu xin phá gia" đều là những hình thức tra tấn dã man nhất lịch sử Lương Quốc do ác quan gian thần nghĩ ra, và người năm ấy chế tạo ra mười mấy dụng cụ tra tấn ép cung chính là Ngự sử đại phu, hơn nữa còn soạn ra mười hai cuốn "La chức phổ (8)", cuối cùng vì kết thù với quá nhiều người mà bị lăng trì xử tử. Tuy nói con người này nham hiểm, Ngự sử đài cũng tự cảm thấy xấu hổ, nhưng "La chức phổ" của ông ta đã mổ xẻ quan trường, tranh luận trung – gian, giải thích tính người nhưng cũng lạnh lùng sâu cay, là sổ tay nhập môn cho quan viên trong Ngự sử đài. Còn năm ấy sau khi thi đỗ tiến sĩ, Lý Thiên Lý đã giải thích ghi chú vào "La chức phổ" rồi trình cho Ngự sử đại phu, Ngự sử đại phu vô cùng hài lòng, hết sức cất nhắc y lên làm Giám sát ngự sử, lúc đó mới bắt đầu kiếp sống quan trường của y.

Trung thư lệnh hoàn toàn không biết nên nói gì để tiếp lời y, đành phải học theo cách nói chim chóc Thái thượng hoàng.

"Ồ... ồ (9)... nhọc cho đài chủ ngủ mơ cũng nghĩ đến tại hạ, làm phiền rồi làm phiền rồi..."

"Không dám không dám, vất cả rồi vất vả rồi..." Hữu bộc xạ nói không ngớt mồm, cũng đang sợ hết hồn bởi mấy câu nói của Lý Thiên Lý.

"Thiên à!" Thái thượng hoàng cười lớn, theo lời truyền tai không mấy đáng tin của đám sử quan Lương Quốc, khi Thái thượng hoàng gọi tên thần tử, nếu gọi càng đơn giản ngắn gọn hoặc càng sến súa thì chứng tỏ người đó được sủng ái, nếu gọi đầy đủ quan hàm thì chứng tỏ ngài rất ghét người đó, hiện giờ đám triều thần được Thái thượng hoàng dùng một chữ để gọi tên ngoài sáu lão cáo già đã thành tinh ra, cũng chỉ có một mình Lý Thiên Lý.

"Tên đầy đủ của hạ quan là Lý Thiên Lý."

Thượng hoàng duỗi thẳng một chân, chân kia gập lên, dáng vẻ cà lơ phất phơ y hệt lão lưu manh, lơ đãng cầm con dấu Trung thư trên bàn lên như nghịch quả bóng xoa bóp, gõ vào phần chính diện phía sau mấy cái, rồi lật lại vân vê trên chân, "Đàn ông con trai bắt nạt con gái yếu đuối thì còn ra thể thống gì, nể mặt lão nhân gia ta, mở một đường thả con cá nhỏ vào Long Môn, là cá hay là rồng cũng phải dựa vào vận may, hà cớ gì phải đánh trượt?"

Bầu không khí vốn đang tức cười trong xấu hổ trong phút chốc trở về bình thường, dù Thượng hoàng mỉm cười tủm tỉm nhưng vẫn nhìn Lý Thiên Lý chằm chằm, mà người đối diện cũng nhìn Thượng Hoàng không rời mắt, sau đó y đứng thẳng dậy, giơ ống tay áo lên, hai tay chắp lại để ngang trước ngực, thu cánh tay lại, rồi duỗi cánh tay ra, làm một cái lễ đáp lời tiêu chuẩn không thể tiêu chuẩn hơn nữa, "Thần khởi bẩm Thượng hoàng, danh sách đã chốt xong, không thể thay đổi được."

"Đưa ấn tín cho Lễ Bộ, lệnh cho cô ta vào thi."

"Danh sách đã công bố toàn thiên hạ, sao có thể đưa ấn tín để một người vào thi?"

"Kẻ tài trong thiên hạ, thà thêm một trăm kẻ phàm tục còn hơn để sót một người hiền."

"Ngu Toàn Cơ là người không đức, không cần thiết."

"Không đức thì có tài, nếu dùng người thích hợp, chưa chắc không phải là đại tài."

"Có tài không đức, dù là đại tài cũng là tài gian nịnh, không dùng là thích hợp nhất."

"Ngự sử đại phu là người có tài có đức sao?"

Hai người tôi một câu ông một câu không khoan nhượng, Thượng hoàng duỗi cái chân kia xuống, ngồi khoanh chân, tay gác lên tay vịn, ánh mắt sáng ngời, trong lòng đám quan viên rùng mình, không ngờ một Thượng hoàng lông bông khi nghiêm túc lại mang khí chất mạnh mẽ đến vậy. Quay lại nhìn Lý Thiên Lý, y vẫn quỳ thẳng sống lưng, hai tay chắp ngay ngắn trước ngực, không hề nhúc nhích, hai hàng mày kiếm chính trực cương nghị, mắt phượng hơi nheo lại cũng đủ để tỏa ra sát khí, "Thần chưa bao giờ tham tiền thi hộ, đạo đức nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống cũng không thấy ai bằng mình."

"Đạo đức cái con chim!"

"Trong muôn chim có gà, gà có ngũ đức, văn võ dũng nhân tín."

"Ngươi giỏi lắm, lại tự đi so mình với gà!"

"Thần không bằng người khác, nhưng Thượng hoàng mà so với gà, thứ cho thần quá trớn, ngài đến cái rắm cũng chẳng bằng."

"Cái lông điêu nhà ngươi ấy! Dám nói ta không bằng cái rắm gà! Ngươi ngay cả lông gà cũng phải xách dép!"

"Đương nhiên thần không bằng lông gà rồi, người nào đó tuổi cao chín chục mà vẫn còn lấy lông chim của trăm loài làm áo khoác lông, lông gà của thần tính là gì?"

"Hạc vịt! Tên oắt con thối tha nhà ngươi dám ghen tị với ta à?"

"Nào dám, không sánh được với Thượng hoàng, không ăn giấm (10) mà vẫn thúi hoắc."

"Ta thúi chỗ nào?"

"Thứ cho thần hỗn hào, Thượng hoàng nói chuyện không khác gì đánh rắm, đi đâu đánh đấy, đứng thôi cũng thối."

"Tên oắt con thối tha!"

Thượng hoàng tức đến mức đạp đổ bàn, tay phải chống eo, tay trái chỉ thẳng vào Lý Thiên Lý, "Ta phải trừng trị ngươi tội làm nhục quân vương."

"Trong 'Chính Sự Đường ký' có viết: Làm sai không thể phán tội nhẹ thành tội nặng, ân tình không thể dùng để ban ơn thiên vị, tai họa không thể sinh sôi phát triển từ manh nha, huyễn hoặc quân vương nghĩ mình là bậc hiền tài, chính là phạm vào đạo đức ngàn đời, Chính Sự Đường này sẽ là nơi giết những kẻ ấy!" Lý Thiên Lý vẫn đang quỳ, nhưng ngẩng đầu nhìn thẳng vào Thái thượng hoàng, "Nơi này là Chính Sự Đường, thần dùng lời ngay lẽ phải để can gián, không lời nào là không thật, sao lại là làm nhục quân vương?"

"Thế chỗ nào không làm nhục quân vương? Thân là thần tử lại dám trợn mắt dựng mày chỉ thẳng vào mũi Thượng hoàng mà mắng, róc xương lóc thịt hàng vạn lần cũng đáng!"

Giọng đàn ông vui sướng khi thấy người khác gặp họa gia nhập cuộc chiến, rõ ràng là đứng bên phe Thượng hoàng, nhưng Thượng hoàng lại "hừ" một tiếng rõ ghét bỏ, hàng lông mày của Lý Thiên Lý nhướn lên cao, "Thánh tôn (cháu) của Thượng hoàng đến rồi kìa."

Thượng hoàng uể oải rụt tay lại, còn không thèm về chỗ ngồi ở chính giữa mà đặt mông ngồi lên bàn Lý Thiên Lý, rì rầm, "Thánh cái con chim điêu! Thừa của thừa thãi (11) thì có!"

Mọi người trong đường bao gồm cả Lý Thiên Lý đều chắp tay vái nửa cái với người vừa đến, "Điện hạ vạn phúc."

"Các vị tướng công đứng lên đi, ta không dám nhận."

Người vừa tới không phải là người ngoài, chính là Thái tử của Lương Quốc Tiêu Chiêu Dạ năm nay bốn mươi tám tuổi, vừa mới sinh ra gã đã được phong làm Thái tử, bốn mươi tám tuổi ăn ngon mặc đẹp chăm sóc tốt, lúc còn trẻ cũng là một chàng trai tuấn tú, nhưng quá ba mươi thì phát tướng, chẳng qua khắp người đều mặc quần áo trang sức đắt tiền mang khí chất phú ông, ba chòm râu dài dưới cằm thoạt nhìn khá phóng khoáng, có điều thân hình vừa béo vừa trắng trông không giống cao nhân trong núi. Gã thích văn không giỏi võ, lúc nào cũng tự cho mình là tài tử, lúc này đang thong thả bước tới, bốn bề im phăng phắc, gã mặc áo bào bằng gấm Ba Tư màu đỏ viền lông chồn đen, thắt đai ngọc tím, đôi tất trắng tinh làm từ vải Cổ Bối thượng hạng vừa nhẹ vừa ấm lại thấm mồ hôi, áo bào đã được xông bằng Bách Hòa Hương, đi đến đâu mùi hương lan tỏa khắp phòng đến đó, có thể nói ung dung phú quý tột cùng. Thái tử đi tới, mắt đối mắt với Lý Thiên Lý, hiềm nỗi Thái thượng hoàng vẫn còn ở đó, nếu không chỉ thiếu điều giết nhau bằng ánh mắt, gã chắp tay thi lễ, lễ nghi đầy đủ nhưng không hề thấy thành tâm: "Tôn nhi bái kiến Thượng hoàng, Thượng hoàng vạn phúc kim an!"

"Hừ!"

Thái tử cũng không thèm để ý đến nét mặt kì quái của ông nội nhà mình, đi thẳng tới chỗ ngồi hàng đầu mà Trung thư lệnh nhường lại, rồi cầm lấy cái gác tay mà Hữu bộc xạ đưa, nửa ngồi với tư thế nho nhã, tiếp đó lạnh nhạt mở miệng: "Ngu Toàn Cơ là danh sĩ thiên hạ, ta không hiểu tại sao Lý đại phu lại gây khó dễ cho cô ta? Chẳng lẽ đúng là cô ta lừa mất trinh tiết của đại phu, bội tình bạc nghĩa, đến nỗi cho đến bây giờ đại phu căm ghét thế tục tính tình biến thái?"

Nghe Thái tử nói vậy, Hữu bộc xạ lập tức dỏng tai lên, lại nữa rồi... Lý Thiên Lý khó chịu bĩu môi, người xưa vẫn nói nói chuyện suông chỉ hại nước, xem ra hiện giờ còn có truyền kì hại nước, đưa mắt nhìn khắp triều đình này, chỉ một chuyện cỏn con mà mười người có thể viết thành mười một phiên bản truyền kì, hoang đường vô lý, phải đánh rớt hết toàn bộ mới đúng! Thích làm tác giả tiểu thuyết thì về nhà mà viết!

"Ngu Toàn Cơ là kẻ thi hộ, không xứng với cái danh danh sĩ, hạ quan và cô ta không hề có quan hệ nào, việc này xử trí theo công tâm, không biết ở đâu ra nhiều lời đồn nhảm hoang đường đến vậy, Thái tử minh mẫn nhường ấy, chắc hẳn sẽ không tin." Lý Thiên Lý đặt tay lên bàn, nói bằng giọng bình tĩnh, ánh mắt lướt qua Thái tử, nhưng cái liếc ấy sắc lẹm có thể cắt ra máu, mối quan hệ giữa y và Thái tử chính là, Thái tử không gọi thẳng tên y, không gọi đài chủ mà chỉ gọi đại phu, ở trước mặt thái tử y cũng không xưng thần, không xưng tên mà chỉ xưng hạ quan, giữa hai người là sự thăng bằng và chống đối đầy kì lạ.

"Hoang đường sao? Ngược lại ta cảm thấy bỗng nhiên hiểu ra rồi! Nếu suy luận này là thật, nhân cách vặn vẹo của đại phu cũng không phải không có cơ sở, nếu không trên đời này làm gì có người nào bụng dạ vừa đen tối xấu tính lại đáng ghét đến thế, đáng ghét nhất chính là tướng mạo tàm tạm này, đúng là đáng ghét." Thái tử nói bằng vẻ đầy sâu xa.

"Hoặc nên nói là, đáng ghét nhất chính là phải tiếp tục nhìn tướng mạo này mấy chục năm nữa." Lý Thiên Lý cực kì khó chịu, lòng tràn đầy ác ý bồi thêm một câu: "Với thân phận của Thái tử."

Gương mặt tròn xoe của Thái tử rúm ró lại, nhưng lập tức trở về bình thường, trong đôi mắt màu nâu nhạt tích tụ lửa giận mà bề ngoài vẫn phải kìm nén, miệng cố nặn thành nụ cười, "Chuyện của Ngu Toàn Cơ, ta đã bẩm báo với bệ hạ rồi, bệ hạ bảo ta chuyển lời tới đại phu, để ngài ấy giải quyết, đại phu dùng sự tôn nghiêm của quan chủ khảo đi châm biếm sĩ tử, việc này không thỏa đáng, lần này tạm thời không truy cứu, nhưng không có lần sau."

"Vâng." Lý Thiên Lý đứng thẳng dậy, giơ ống tay áo lên, hai tay chắp lại để ngang trước ngực, thu cánh tay lại, rồi duỗi cánh tay ra, nghiêm nghị vâng một tiếng, đây là cách trả lời của thần tử sau khi nghe xong chỉ thị.

Thái tử đắc ý nhìn gương mặt lạnh lùng của Lý Thiên Lý, "Theo ta thấy, đáng lẽ ra phải xin bệ hạ ban Ngu Toàn Cơ cho đại phu về làm vợ, âm dương hòa hợp, có thể giải tỏa ức chế ứ tồn đọng lâu ngày trong cơ thể già cỗi của đại phu, thiên hạ thái..."

"Ngư ngư ngư! Ngư cái gì mà ngư (12)! Ngươi nói bao nhiêu lần ngư rồi hả!" Cuối cùng Thượng hoàng nghe đến mức nổi giận, chân giậm bình bịch, đạp bay cái bàn trước mặt Thái tử, "Ngư hoài ngư mãi sắp được canh giờ rồi, còn định bàn chính sự nữa không hả?"

Thái tử giận dữ trừng trừng nhìn ông nội mình, nếu gã và Lý Thiên Lý chỉ là đấu võ mồm, thì với Thượng hoàng chính là đánh nhau bằng đao thật kiếm thật, có điều lúc nào gã cũng bị Thượng hoàng đánh, hơn nữa đánh xong còn bị Nữ hoàng mắng không tôn trọng bề trên, bởi vậy tình cảm giữa gã và Thượng hoàng vô cùng xấu.

Sớm muộn gì cũng có một ngày, chờ gã lên ngôi hoàng đế, việc đầu tiên chính là xử chết lão già sống dai như đỉa này! Thái tử nhịn tức ngậm miệng cúi đầu xuống, Thượng hoàng quay trở lại ghế chủ vị, nói huyên thuyên mấy câu pha trò, Thái tử nghe mà mất sạch kiên nhẫn, ngẩng đầu lên lại đối diện với cái nhìn chằm chằm của Lý Thiên Lý... việc thứ hai chính là móc mắt tên Ngự sử đại phu chết tiệt đấy! Con mợ nó dám dùng ánh mắt như phán quyết hình phạt để nhìn gã! Nhìn cái lông điêu nhà ngươi ấy!

Sớm muộn gì cũng có một ngày, chờ gã lên ngôi hoàng đế, gã sẽ xử chết lão già sống dai như đỉa, sau đó khoét mắt Lý Thiên Lý...

Sớm muộn gì cũng có một ngày, chờ gã lên ngôi hoàng đế,

Sớm muộn gì cũng có một ngày...

(1) Lục thượng cục: Cơ quan quản lý các vấn đề như ăn mặc đi ở của hoàng gia. Cụ thể: (尚宮局): nắm giữ mọi việc chung trong cung. (尚儀局): nắm giữ lễ nghi trong cung. (尚服局): quản lý các đồ đạc như lễ phục, lễ khí, thang mộc của hoàng gia và thị vệ. (尚食局): quản lý vấn đề ăn uống trong cung. (尚寢局): quản lý long sàn, mành trướng, đèn đuốc, các món vật nội thất. (尚功局): quản lý các vấn đề về nữ công, sửa chữa và tạo ra đồ đạc hoặc y phục.

(2) Liên danh: Kí tên theo vòng tròn, cốt để không biết ai là người kí tên đầu tiên.

(3) Mái Yết Sơn: một kiểu kiến trúc phần mái của cung điện. Kiểu này phần mái có tổng cộng 9 đường gờ nóc, gồm 1 gờ chính ở giữa gọi là "chính tích" 正脊, 4 gờ nhỏ hai bên gọi là "thuỳ tích" 垂脊 và 4 gờ nhỏ nối tiếp gọi là "thương tích" 戗脊, vì thế kiểu kiến trúc này còn được gọi là "cửu tích đính" 九脊顶. Do bởi từ 2 đầu của gờ giữa chạy xuống mái, đến giữa thì gãy khúc chia làm 2 phần "thuỳ tích" và "thương tích", giống như nghỉ một lúc cho nên có tên gọi là "Yết sơn đính" (Yết có nghĩa là nghỉ).

(4) Xi Vĩ: hay còn gọi là Xi Vẫn, là một trong chín người con của rồng, mang hình dáng đầu rồng đuôi cá.

(5) Trung Thư Chính Sự Đường ký: Tác giả là Lý Hoa (Khoảng 715 – 766), một nhà thơ, nhà văn thời nhà Đường.

(6) Kinh đường mộc: Là thứ quan dùng để đập bàn mỗi khi xử án hoặc thể hiện sự giận dữ trước mặt phạm nhân, là khối gỗ cứng hình chữ nhật có góc cạnh, lớn nhỏ thường là vừa tay người cầm. Trước thời Đường, kinh đường mộc không có đồ án. Từ Đường Thái Tông 唐太宗về sau, để được mĩ quan, trên kinh đường mộc có chạm khắc đồ án động vật rồng, sư tử, hổ.

(7) "Không thở được", "Bỗng nhiên gào thét", "Cầu xin phá gia" là 3 trong 10 tên gọi gông cùm xiềng xích tra tấn đáng sợ thời Đường. Trong đó "Không thở được" là gông cùm khiến phạm nhân ngạt thở, "Bỗng nhiên gào lên" khiến phạm nhân phải nằm bò xuống đất kêu la thảm thiết, "Cầu xin phá gia" là gông cùm không chỉ khiến phạm nhân cầu xin cho mình được chết mà còn cầu xin giết cả nhà mình. Hình thức tra tấn này do ác quan thời Võ Tắc Thiên là Sách Nguyên Lễ nghĩ ra.

(8) La chức phổ: Nguyên gốc mà tác giả lấy là "La chức kinh", bộ sách truyền thụ thêu dệt thủ đoạn bằng chứng hại người lưu truyền thời Võ Tắc Thiên.

(9) Câu gốc dùng từ, phát âm là [é], nghĩa là con ngỗng, đồng âm với thán từ biểu thị sự ngạc nhiên hoặc đã hiểu ra. (ô, ồ, a, ơ)

(10) Từ gốc là , nghĩa là giấm, cũng có nghĩa là ghen.

(11) Từ thừa và thánh đều phát âm là [Sheng].

(12) Ngư và Ngu đều phát âm là [Yu].

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro