- TRIẾT LÝ SỐNG CỦA SÓI LÀ CHIẾN ĐẤU

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chúng ta hãy xem sự chiến đấu của sói được miêu tả trong "Động vật ký" của Seton.

Chú sói Baili đã không còn đường chạy thoát, nó bị 15 con chó săn bao vây và phía sau chúng còn có người hậu thuẫn. Nó đã không còn đi được nữa, mà đang lết dần về trước. Lũ chó săn đang nối đuôi nhau đuổi theo phía sau và sắp đến nơi.

Ở chỗ nhỏ hẹp nhất này, sơ sẩy một bước là sẽ chết ngay. Chú sói to lớn đó quay người lại, đối diện với đàn chó béc giê. Nó cố sức chống chân trước lên, nhe bộ nanh sắc lạnh ra. Chúng tôi không nghe thấy nó phát ra một tiếng gì, nó dũng cảm đối mặt với đàn chó săn. Chân nó bị yếu đi, nhưng cổ, mõm và nội tâm nó thì vẫn mạnh. Bây giờ, những ai sở hữu những con chó cưng này thì tốt nhất là nên gấp sách lại. Cuộc chiến tiếp tục, 15 đấu 1. Đàn chó xông lên, đầu tiên là một con chó xám nhanh nhẹn nhất, con sói làm như thế nào, chúng hầu như không thấy. Nhưng khi một dòng máu chảy xuống tảng đá, con sói to lớn đã xoay người lại đối mặt với chúng. Đàn chó tiếp tục tấn công theo con đường đó và con sói đen vẫn đón đầu khi chúng đến. Một con nhảy bật lên yếu ớt, một con phản công, một con cắn mạnh, "Fango ngã rồi" (Fango là tên một con chó), nó đã bị mất chân. Hai con chó khác áp sát nó, hòng vật ngã nó. Một con văng ra, một con ngã bổ chửng. Chúng đều ngã trên con đường hẹp đó. Cuối cùng là một con chó đốm, trông cường tráng và anh dũng. Chú sói vẫn ở bên tảng đá đó, trong nháy mắt, cuộc chiến đấu giữa chúng đã kết thúc, chỉ còn lại con sói ở đó, những con chó săn khác đều không nhìn thấy gì cả. Những con chó còn lại vây quanh con sói, con phía sau dồn ép con phía trước ngã xuống và chết. Từ con chó săn nhanh nhẹn nhất đến con chó săn to đầu nhất và cho đến con cuối cùng đều lần lượt ngã xuống. Đá và cành cây sắc nhọn ở đó có thể cướp đi sinh mạng của chúng bất cứ lúc nào.

Sau 50 giây ngắn ngủi, mọi chuyện đã kết thúc. Đàn chó bị tiêu diệt hoàn toàn, chỉ còn mình con sói đứng đó, trên ngọn núi của nó.

Nó đứng chờ một lát, xem có còn con chó nào xông lên nữa không, nhưng không còn con nào nữa, đàn chó đã bị chết hết. Nó chờ một lát cho hơi thở của mình được bình thường trở lại, rồi tại nơi quyết định vận mệnh này, lần đầu tiên nó cất cao giọng, phát ra tiếng tru chiến thắng kéo dài một cách yếu ớt, vách núi thấp bên kia dần nhỏ đi, bị cái gì đó che khuất, không thấy nữa. Đây là tất cả những gì mà chúng tôi quan sát được khi đứng trên một dốc núi cao.

Đoạn văn này thật cảm động, từ đó, chúng ta có thể thấy được sức mạnh, đó là sức mạnh của sự chiến đấu.

Dường như sói được trời sinh ra là để chiến đấu. Chiến đấu, chúng mới có thức ăn để sống; chiến đấu, nó mới có thể bảo vệ mình không bị đối thủ mạnh hơn tiêu diệt; chiến đấu, chúng mới có thể làm cho ưu điểm của nòi giống không bị tiêu tán; chiến đấu và chân lý kẻ yếu bị kẻ mạnh nuốt chửng cũng cổ xưa và chân thực như bầu trời. Con sói nào tin theo chân lý này thì tồn tại, còn đi ngược lại chân lý này ắt sẽ tiêu vong. Do đó, tinh thần chiến đấu đã hòa vào trong máu loài sói, cuồn cuộn ngày đêm, mãi mãi không ngừng! Chiến đấu là triết lý sống của loài sói!

Từ sự chiến đấu của loài sói, chúng ta có thể thấy rằng, trong công việc nếu có tinh thần "chiến đấu", thì chúng ta sẽ có những thu hoạch không thể tưởng tượng được. Vì khi một người luôn tôn thờ sự nghiệp và dốc hết tâm huyết vào công việc của mình, thì mọi việc ắt sẽ thành công.

Thành công của đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu chủ yếu xuất phát từ sự đam mê nghệ thuật và quên mình vì nghệ thuật. Đúng như tác giả truyện kí Vương Bân từng nói: "Trí tuệ phi thường và sự mẫn tiệp cố nhiên là yếu tố chủ yếu trong thành công của Trương Nghệ Mưu, nhưng sự cần cù và khắc khổ khác thường cũng là điều kiện quan trọng giúp anh thành công".

Khi quay phim "Cao lương đỏ", để nắm bắt được cái hồn của nội dung phim, anh đã đưa người tới khu đất hơn 100 mẫu cao lương do đích thân anh trồng; để quay cảnh "đổ kiệu", các kiệu phu đi trên đường núi bụi bay mù mịt, Trương Nghệ Mưu yêu cầu kéo mấy xe đất vàng đến và dùng sàng sàng mịn ra, trải lên mặt đường; khi quay cảnh Dương Kim Sơn chết đuối trong hồ nhuộm, để có được góc quay đẹp nhất và lo cho diễn viên, Trương Nghệ Mưu tình nguyện nhảy xuống hồ nhuộm "đóng thế", hết lần này tới lần khác, đến khi vừa ý mới thôi.

Năm 1986, Trương Nghệ Mưu, vốn là nhiếp ảnh gia, được Ngô Thiên Minh mời đóng vai nam chính trong phim "Giếng cũ". Trương Nghệ Mưu nhận nhiệm vụ mà không hề có kinh nghiệm diễn xuất, anh không nói thêm lời nào nữa, đi thẳng xuống nông thôn.

Anh cạo đầu, mặc quần rộng, để lộ tấm lưng trần, ăn ở trong một xóm nghèo xa xôi hẻo lánh ở Thái Hành Sơn. Hàng ngày anh cùng mọi người lên núi làm việc, cùng xuống khe gánh nước. Để có làn da thô ráp, rám nắng, hàng ngày anh đều phơi nắng. Để đôi bàn tay trở nên thô ráp, mỗi lần đoàn làm phim họp, anh không ngồi trên ghế mà bắt chước nông dân ngồi trên đất, dùng cát xát lên mu bàn tay. Để quay cảnh cõng đá chưa đầy một phút trong bộ phim, Trương Nghệ Mưu đã cõng đá thật hai tháng trời. Mỗi ngày 5 viên, mỗi viên nặng 150 cân.

Trong quá trình quay phim, để đạt được hiệu quả thị giác chân thực, Trương Nghệ Mưu ngã thật đánh thật, rồi chủ động chịu tội. Khi quay cảnh "xả thân giữ giếng", anh đã nhảy thật và bị ngã khiến toàn thân đau nhức; khi quay cảnh "thôn rơi vào cảnh đánh nhau", anh đánh thật, đánh tới nỗi mặt mũi sưng vù.

Trương Nghệ Mưu vì thế mà đạt giải thưởng nam diễn viên chính xuất sắc tại liên hoan phim quốc tế Tokyo lần hai, nam diễn viên chính xuất sắc nhất giải thưởng Bách Hoa Trung Quốc lần thứ 11, nam diễn viên chính xuất sắc nhất giải Kim Kê Vàng lần tám. Đạo diễn Ngô Thiên Minh đánh giá: "Nếu diễn viên chuyên nghiệp của chúng ta đều cố gắng hết sức như Trương Nghệ Mưu, thì chẳng phải sẽ giảm được sự biểu diễn giả tạo trên màn bạc sao? Nếu các nhà làm phim của chúng ta đều có thể dốc toàn tâm toàn ý vào sự nghiệp như Trương Nghệ Mưu, thì điện ảnh Trung Quốc lo gì không đuổi kịp thế giới?". Câu nói này của Ngô Thiên Minh là lời vặn hỏi rất có ý nghĩa đối với chúng ta.

Người từng tiếp xúc với Trương Nghệ Mưu đều biết anh là người say mê công việc. Một khi anh làm việc hoặc suy nghĩ chuyện gì đó, anh có thể quên ăn quên ngủ, say mê không biết mệt mỏi.

Trong khi làm phim, tinh thần làm việc của Trương Nghệ Mưu khiến rất nhiều người khâm phục. Ban ngày, anh ở phim trường, buổi tối còn họp để thảo luận kịch bản vào sáng sớm hôm sau, trước ống kính, mọi người lại phát hiện ra rất nhiều cảnh và đối thoại mới do anh tự sáng tác. Sau khi cắt xén phim, ngày nào anh cũng phải xem lại để tiện phát hiện ra vấn đề, kịp thời sửa chữa. Cứ như vậy, mỗi ngày anh chỉ ngủ 2-3 tiếng đồng hồ.

Trương Nghệ Mưu nói: "Tôi không muốn làm một hằng tinh vững chắc treo cao tận chân trời, mà thà như một ngôi sao băng, tuy chỉ bay vụt qua trong chớp mắt nhưng lại phát ra ánh sáng lóa mắt". Đây chính là nhân sinh quan của Trương Nghệ Mưu, anh liên hệ sự sống với sáng tạo nghệ thuật, muốn cống hiến toàn bộ trí lực, tâm huyết, lòng nhiệt tình, thậm chí là sinh mệnh cho nghệ thuật.

Mỗi cá nhân đều nên có tinh thần này, dốc toàn bộ trí tuệ, nhiệt tình của mình vào dòng chảy của sự nghiệp chung...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#kinhdoanh