Hồi Thứ Năm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Khuông Dẫn cứu mạng gã thư sinh

Quế Anh vầy duyên cùng chân chúa

Nói về lâu la thấy đại vương cự không lại Khuông Dẫn thì chạy lên núi mà báo với nhị đại vương mà rằng:

- Đại vương đi tuần gặp một người đi đường thì ra mà hỏi tiền mãi lộ, người ấy không chịu, lại còn đánh với đại vương, mà địa vương đánh không lại, bây giờ đương lúc nguy cấp lắm. Xin nhị đại vương hãy xuống mà giúp sức, kẻo tánh mạng đại vương không còn.

Nhị đại vương nghe báo lật đật xuống núi đặng àm tiếp chiến, xuống đến nơi thì thấy hai người ấy đương đánh với nhau. Một người đánh bộ, một người đánh bằng ngựa, mà nhất đại vương thì coi bộ sắp đại bại, bèn xốc tới mà la lớn rằng:

- Đại ca xin dừng lại, có em xuống trợ chiến đây.

Bèn giục ngựa quơ thương mà đánh với Khuông Dẫn, đánh đặng vài chục hiệp, tuy có sức mạnh mặc dầu, song một mình mà cự với hai người thì sao cự lại, nhăn nanh múa vuốt trên không, hai vị đại vương thấy vậy lật đật bỏ hết binh khí, xuống ngựa quỳ lại mà thưa rằng:

- Chúng tôi là đứa hữu nhãn vô châu, không rõ đặng chân chúa, xin chúa công miễn chấp.

Khuông Dẫn nói:

- Hai ngươi đang đánh ta, chưa định hơn thua, sao lại quỳ như vậy, hay có gian tà mưu kế chi chăng? Thôi đừng có nhiều lời, hãy lên ngựa mà đánh cho biết tài cao thấp.

Hai người đều thưa rằng:

- Chúng tôi lầm lỗi mà xúc phạm đến mình rồng, nay thấy chân long xuất hiện thì mới biết chúa công là thiên tử, nên chúng tôi tình nguyện quy hàng, đặng mà phò chúa công dựng giang san cơ nghiệp, xin chúa công nhậm lời.

Khuông Dẫn hỏi rằng:

- Vậy chớ chân long xuất hiện ở đâu mà nhị vị nói như vậy?

Hai người ấy thưa rằng:

- Chúng tôi đã thấy quả đâu dám nói dối, vậy chớ chúa công tên họ chi, quê quán ở đâu, xin cho chúng tôi được biết.

Khuông Dẫn nói:

- Chẳng giấu chi nhị vị, tôi là Triệu Khuông Dẫn, quê ở Biện Lương, vì nóng giận mà giết hết mười tám con nữ nhạc mà vua yêu thích, nên mới bỏ xứ mà đi như vầy.

Hai người ấy nói:

- Té ra chúa công là Triệu công tử, chúng tôi nghe danh đã lâu, mà chưa biết mặt, nay đặng gặp đây thiệt là may lắm.

Triệu Khuông Dẫn đỡ hai người ấy dậy mà hỏi rằng:

- Vậy chớ nhị vị tên họ là chi, xin nói cho tôi rõ?

Hai người ấy thưa rằng:

- Chúng tôi là Đổng Long, Đổng Hổ nguyên là người ở Sóc Châu, vì có phạm tội cho nên phải chiếm cứ núi này đặng mà an thân tạm đỡ, vậy xin mời chúa công lên sơn trại đây mà đàm đạo cùng nhau một đôi ngày rồi chúng tôi sẽ đưa đi.

Triệu Khuông Dẫn thấy hai người có dạ ân cần thì cũng chẳng có nghi nan, bèn theo hai người ấy mà lên sơn trại. Đến nơi trà nước xong rồi thì Đổng Long thưa với Triệu Khuông Dẫn rằng:

- Nay chúa công đến chỗ núi non này, anh em tôi không biết lấy chi mà đãi cho phỉ tình. Thôi để anh em tôi làm một con dê hai chân đặng cho chúa công thưởng thức.

Triệu Khuông Dẫn nghe nói con dê hai chân thì lấy làm lạ mà nghĩ thầm rằng: "Thuở nay miếng ngon vật lạ chi mình cũng đã từng nếm qua hết rồi, song chưa biết con dê hai chân ra làm sao? Thôi, để mình lập thế mà nói cho nó đem ra đặng coi dê ấy ra thế nào." Nghĩ như vậy bèn nói với Đổng Long và Đổng Hổ rằng:

- Thuở nay hễ vật chi làm thịt trước mắt tôi thì tôi mới ăn, nay nhị vị có lòng tưởng đến làm thịt dê ấy mà đãi tôi, thì hãy đem nó ra đây mà làm thịt cho tôi thấy tận mặt, thời tôi mới ăn đặng.

Đổng Long vâng lời bèn kêu lâu la mà dặn răng:

- Bây hãy dắt con dê hai chân ra đây mà làm thịt cho chúa côn ta xem.

Lâu la vâng lời, giây lâu dắt ra một người học trò lại có bưng theo một chậu nước lạnh, mà trong chậu ấy có cái gào và một ngọn đao nhọn, rồi bước lại mà thưa với Đổng Long rằng:

- Chúng tôi dắt dê hai chân ra rồi đây.

Đổng Long nói:

- Vậy hãy mổ ra mà lấy tim gan, đặng dâng chúa công tao thưởng thức.

Lâu la vâng lời dẫn người ấy lại mà trói vào cột đặng ra tay, Triệu Khuông Dẫn thấy vậy lật đật la lớn rằng:

- Khoan đã! Khoan đã! Nhị vị ôi! Ấy rõ ràng là con người, sao nhị vị lại gọi rằng là dê?

Đổng Long thưa rằng:

- Không dấu chi chúa công, ấy là lời ẩn ngữ nơi sơn trại. Vì thuở nay trong trại không hề nói thiệt chuyện cho cho người ngoài biết đặng.

Khuông Dẫn nói:

- Vậy chớ đem chậu nước ra làm chi đó?

Đổng Long nói:

- Thường thường tôi bắt đặng dê hai chân thì đem nước đổ trên đầu cho ngưng tâm huyết lại, rồi sẽ mổ ra mà lấy gan và tim, thì gan và tim ấy mới ngon.

Khuông Dẫn nói:

- Nhị vị ôi! Tôi thấy vậy lòng tôi bất nhẫn. Thôi thấy đó cũng như ăn, xin nhị vị tha người ấy đi, ấy là lòng nhị vị tưởng tôi lắm.

Đổng Long nói:

- Lời chúa công dạy, tôi đâu dám cãi.

Nói rồi bèn khiến lâu la mở cho người ấy, lâu la vâng lời mở trói, Đổng Long kêu người ấy mà rằng:

- Thằng kia, tánh mạng mi đó nếu không có chúa công ta thì mi không khỉ bị chúng ta ăn thit, vậy mi hãy lại đây mà lạy chúa công ta.

Người ấy dặn mình một hồi rồi quỳ lại Triệu Khuông Dẫn mà thưa rằng:

- Kẻ tiểu dân tưởng là không khỏi thác, nay nhờ có ân nhân rộng lòng cứu tử thì nghĩa tày non.

Khuông Dẫn thấy người ấy diện mạo chỉnh tề, mà niên kỷ chừng mười lăm mười sáu tuổi môi son má phấn, tướng mạo yêu kiều giống như con gái. Khuông Dẫnthấy vậy nghĩ thầm rằng: " Quân cường đạo này thiệt là bất nhân, ai đi một tên học trò diện mạo đàng hoàng như vầy, đành lòng bắt mà ăn thịt, lại gọi là dê hai chân. Nếu lúc nãy không có ta đây thì người học trò này ắt là hồn về chín suối!" Nghĩ như vậy bèn hỏi người ấy rằng:

- Vậy chớ tên họ là chi, quê quán ở đâu hãy nói cho ta rõ rồi ta sẽ xin tha cho mà về nhà.

Người ấy nghe hỏi liền rơi lụy mà thưa dối rằng:

- Tôi là Trương Quế Anh ở tại Trương Gia Thôn cách núi này chừng bốn mươi dặm. Cha tôi là Trương Bá Vạn, việc gia tư cũng giàu có mà sinh ra có một mình tôi mà thôi, hôm trước đây tôi đi chơi xuân, rủi gặp hai vị đại vương bắt về đây e rằng tánh mạng không còn. May mà gặp ân nhân đây, xin ân nhân nhận lấy lòng thành của tôi một lần nữa. Nếu kiếp này mà tôi đền cho ân nhân không đặng thì kiếp sau tôi cũng làm thân trâu ngựa mà đền bù nghĩa ấy.

Nói rồi thì rơi lụy như mưa, Khuông Dẫn nói với Đổng Long và Đổng Hỏ rằng:

- Nhị vị ôi! Nay đã lấy lòng nhân mà tha cho nó rồi, thì phải sai lâu la đưa nó xuống núi đặng nó về quê quán thì mới gọi là thạnh đức cho.

Đổng Long vâng lời, bèn sai bốn tên lâu la đưa Trương Quế Anh xuống núi. Trương Quế Anh từ tạ Đổng Long và Đổng Hổ, rồi bước lại lạy Triệu Khuông Dẫn mà hỏi rằng:

- Xin ân nhân cho tôi biết tên họ, đặng tôi về nhà mỗi ngày mỗi đêm tôi đốt hương mà làm lễ.

Khuông Dẫn nói:

- Thôi, ngươi hãy về đi, không cần biết tên họ ta làm chi.

Đổng Long thấy Khuông Dẫn không chịu nói tên bèn tiếp ấy mà đáp rằng:

- Chúa công ta là Triệu Khuông Dẫn, con của Triệu chỉ huy ở tại Đông Kinh.

Trương Quế Anh ói:

- Nếu khi ân nhân có đến Trương gia thôn, xin ghé lại nhà tôi sẽ đền ơn đức ấy.

Nói rồi liền từ tạ theo lâu la xuống núi mà về, còn hai anh em Đổng Long Đổng Hổ, bày tiệc mà đãi đằng Triệu Khuông Dẫn, ba người ăn uống đàm luận võ nghệ với nhau cho đến canh ba mới mãn. Từ ấy Triệu Khuông Dẫn ở nơi sơn trại mà ẩn mặt, ở đó đặng nửa tháng Khuông Dẫn nghĩ thầm trong lòng rằng: "Tuy anh em họ Đổng có lòng hậu đãi ta, song sơn trại đây không phải là chỗ ta nên ở lâu. Vậy ta phải tìm nơi mà lập thân, thì mới gọi là anh hùng." Nghĩ như vậy bèn nói với Đổng Long và Đổng Hổ rằng:

- Từ ngày tôi đến đây thấy nhị vị hết lòng mà hậu đãi, thì tôi cũng cám ơn lắm song tôi đã quyết chí qua Quảng Tây mà lập thân. Thôi, nhị vị hãy an lòng để cho tôi đi, ngày sau đây anh em mình cũng gặp nhau chớ chẳng không.

Đổng Long và Đổng Hổ năn nỉ mà cầm cự Khuông Dẫn, song Khuông Dẫn đã quyết không chịu ở, Đổng Long liệu bề cầm không đặng thì nói với Khuông Dẫn rằng:

- Anh em tôi cũng quyết lòng cầm chúa công ở lại đây. Không dè chúa công nằng nặc muốn đi lập thân thì anh em tôi cũng không dám cản, nếu ngày sau chúa công có bề lập thân xin cho anh em tôi theo đặng mà kiến công lập nghiệp với đời.

Nói rồi bèn truyền lâu la dọn một tiệc mà đưa Triệu Khuông Dẫn lên đường, mãn tiệc rồi Đổng Long lại khiến lâu la đem một mâm vàng bạc mà thưa với Triệu Khuông Dẫn rằng:

- Chỗ này là một chỗ hoang sơn cùng cốc không biết lấy vật chi mà đưa chúa công lên đường. Xin chúa công nhận lấy chút của này, đặng mà làm lộ phí.

Triệu Khuông Dẫn nói:

- Nhị vị có lòng tốt như vậy thì tôi cũng đội ơn, từ đây qua Quảng Tây thì tôi cũng có tiền đủ dùng, vậy nhị vị hãy để vàng bạc này lại đặng mà chi phí trong sơn trại, chớ tôi đem nhiều cũng không có ít gì.

Đổng Long năn nỉ đôi ba phen mà Khuông Dẫn cũng không chịu lấy, Đổng Long nói:

- Nay anh em tôi có lòng thiệt mà dâng của này cho chúa công đi đường. Tuy chúa công đã có đủ dùng mặc dù vậy cũng hãy tạm nhận ít nhiều mà đi đường, để anh em tôi mới an lòng.

Nói rồi bèn mở gói Triệu Khuông Dẫn mà bỏ vàng bạc ấy vào, Triệu Khuông Dẫn thấy anh em họ Đổng ở hết lòng như vậy thì khó nổi chối từ, bèn quẩy gói từ tạ nhau mà lên đường, anh em họ Đổng đưa Triệu Khuông Dẫn một đổi xa rồi mới trở lại, Triệu Khuông Dẫn đi cho đến chiều xảy đâu trời mưa đi không đặng nữa, bèn phải ghé vào nhà kia mà đụt mưa. Khi ấy Triệu Khuông Dẫn vào nhà, thì thấy một ông già bước ra mà thi lễ mà hỏi Khuông Dẫn:

- Quý khách có phải là Triệu công tử ở Đông kinh chăng ?

Triệu Khuông Dẫn lật đật đáp lễ mà thưa rằng:

- Phải, sao ông lại biết tôi?

Ông già ấy nghe nói liền mời Triệu Khuông Dẫn vào nhà trong rồi lấy quần áo mà đưa cho Khuông Dẫn thay. Thay rồi lại mời Khuông Dẫn uống trà, Khuông Dẫn thấy ông già có lòng trọng đãi mình như vậy thì trong lòng không an, bèn hỏi ông già ấy rằng:

- Vậy chớ ông tên họ là chi, sao lại biết tôi mà trọng đãi như vậy?

Ông già ấy đáp rằng:

- Tôi là Trương Thiên Lộc ở nay năm bảy đời rồi, đến tôi đây thì con trai không có chỉ duy nhất có mọt con gái là Trương Quế Anh mới được mười sáu tuổi, mà mẹ nó đã mãn phần rồi, hôm trước nó giả trai mà đi viếng bên ngoại nó chẳng may gặp lũ cường nhân bắt nó đem về Côn Minh Sơn. Khi ấy tôi nghe gia đinh về báo thì e rằng tánh mạng nó không còn, chẳng dè lại gặp công tử cứu nó khỏi nạn. Vậy thì ơn đức ấy lớn biết chừng nào, từ ngày con tôi về đây thuật lại các chuyện ấy và tỏ bày tên họ của công tử, thì mỗi ngày tôi sai gia đinh ở trước cửa chực mà tiếp rước công tử, té ra thiên tùng nhân nguyện ngày nay tôi gặp đặng công tử thì mừng rỡ biết chừng nào!

Triệu Khuông Dẫn nghe nói thì lấy làm lạ mà rằng:

- Té ra cái người bị bắt đó không phải con trai ông, thiệt là con gái ông hay sao?

Trương Thiên Lộc nói:

- Phải.

Bèn khiến a hoàn rằng:

- Mi hãy vào kêu tiểu thư ra đây mà mà lạy tạ ân nhân.

A hoàn vâng lời, giây lâu thấy có một vị tiểu thư dung nhan đẹp đẽ, bước ra cửa phòng mà nhìn Triệu Khuông Dẫn một hồi, rồi bước lại thi lễ với Triệu Khuông Dẫn mà rằng:

- Thiếp là Trương Quế Anh nhờ có ân nhân cứu tử, nghĩa ấy ngàn năm cũng không quên.

Nói rồi liền quỳ lạy Khuông Dẫn, Khuông Dẫn lật đật đáp lễ lại. Trương Thiên Lộc vội vã bước lại đỡ Triệu Khuông Dẫn dậy mà rằng:

- Ân nhân đừng làm như vậy, vã ân nhân là người trùng sanh phụ mẫu của con tôi. Nay con tôi lạy ân nhân một đôi lạy thì có kém gì mà ân nhân đáp lễ?

Trương Quế Anh lạy rồi thì đứng dậy kêu a hoàn mà bảo phải đem yên ngựa ra, Triệu Khuông Dẫn hỏi rằng:

- Vậy chớ tiểu thư biểu đem yên ngựa mà làm chi?

Trương Quế Anh thưa rằng:

- Ngày trước tôi có hứa với ân nhân rằng: làm thân trâu ngựa mà đền nghĩa, cho nên tôi phải làm cho y lời.

Triệu Khuông Dẫn cười rằng:

- Tiếng làm thân trâu ngựa đó là lời tục xưa nay. Nghĩa là kiếp này đền ơn không đặng, thì kiếp sau mới phải làm thân trâu ngựa mà trả cái ơn đấy. Tiểu thư sao lại lấy lời ấy nói tỷ mà làm ra chuyện thiệt, ai đời người mà làm ra trâu ngựa thì làm sao cho đăng?

Nói vừa dứt lời thì a hoàn đã đem ngựa ra, tiểu thư thưa rằng:

- Tuy ân nhân có lòng rộng rãi mà nói như vậy cũng phải, song bấy lâu lời nguyền của tôi đã chí thành, xin ân nhân để tôi làm như vậy đặng mà trả lời nguyện ấy.

Năn nỉ đã đôi ba phen mà Triệu Khuông Dẫn cũng không chịu. Trương Thiên Lộc thấy Khuông Dẫn từ chối như vậy thì khiến tiểu thư lui vào, rổi dọn tiệc mà đãi Khuông Dẫn. Mãn tiệc rồi, khiến gia đinh dọn dẹp thư phòng cho Triệu Khuông Dẫn nghỉ ngơi. Ngày thứ Trương Thiên Lộc nói với Khuông Dẫn rằng:

- Tôi muốn nói với công tử một điều, không biết công tử có bằng lòng chăng?

Triệu Khuông Dẫn thưa rằng:

- Có việc chi xin ông cứ nói.

Thiên Lộc nói:

- Tôi đã già rồi mà không có con trai, có một chút gái, bấy lâu tôi có ý kén một người rể về cho văn võ toàn tài, anh hùng cái thế. Nay tôi thấy công tử thì tôi đem lòng thương cho nên muốn gả con tôi cho công tử đặng ngày sau gia giữ sự nghiệp này. Không biết công tử có bằng lòng chăng?

Khuông Dẫn nghe nói thì nghĩ thầm rằng: "Ta đang cơn lưu lạc mà nay gặp lấy cơ hội này thì âu cũng có chỗ mà nương dựa. Vậy ta hãy bằng lòng đi mà ở đây một đôi năm, chờ cho an ổn sẽ đi." Nghĩ như vậy bèn đứng dậy mà thưa rằng:

- Người đã có lòng doái tưởng như vậy thì tôi đâu dám chối từ. Song phận tôi là người giang hồ lưu lạc, biết lấy chi mà dùng làm sính lễ.

Thiên Lộc nói:

- Công tử chớ lo, tôi đâu dám nài sính lễ làm chi, việc cứu con tôi thì cũng đà như sính lễ vô giá vậy.

Bèn chọn ngày bày tiệc cho Triệu Khuông Dẫn và Trương Quế Anh vầy duyên can lệ.

Ấy là:

Có dạ trồng hoa, hoa rải rác

Không lòng vun liễu, liễu xum xuê

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro