Hồi Thứ Tám

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tìm muỗng dầu, Miêu Quang Nghĩa đoán quẻ

Nhổ cội táo, Trịnh Ân quyết ra tài

Nói về Hắc Hổ Thần Tinh được đầu thai xuống mà giúp Khuông Dẫn, thân dương phàm tên là Trịnh Ân, tự Tử Minh người ở tỉnh Sơn Tây, huyện Kiều Sơn, hình dung cổ quái tướng mạo kỳ dị mà sức mạnh vô cùng, võ nghệ xuất chúng. Hai con mắt thì một con lớn con nhỏ, mà con nhỏ ấy lại là âm dương nhãn thấy được tà ma quỷ mị, mới có mười bảy tuổi mà cha mẹ đã qua đời cho nên phải ra thân lưu lạc đến đây chuyên nghề bán dầu. Ngày kia gánh dầu ra đi đặng vài dặm đường, xảy nhớ lại mình bỏ quên muỗng bán dầu tại tiệm Bình Định Châu, bèn trở lại mà kiếm đến nửa ngày mà cũng không thấy thì lấy làm nóng nảy lắm, đập đồ đập đạt la lối om sòm, rồi ngồi khoanh tay ra mà ngó. Nói về Trịnh Ân đương la om sòm trong xóm, kiếm đáo để mà không thấy cái muỗng đâu. Bỗng thấy có một thầy coi tướng ở ngoài xóm xâm xâm đi vào, thấy Trịnh Ân đương chạy kiếm tở mở, la dậy xóm, thì đứng lại xem tướng Trịnh Ân một hồi rồi nghĩ thầm rằng: "Người này thiệt có tướng tinh Hắc Hổ, sao mà lưu lạc đến chỗ này, thôi để mình tỏ việc tiền trình cho y biết, kẻo để y phải lỗi lầm." Nói rồi bèn kêu rằng:

- Bớ chú mặt đen kia, vậy chớ kiếm vật chi mà la hét om sòm như vậy?

Trịnh Ân nghe kêu thì ngó lại mà xem, xem rồi thì biết là thầy coi tướng bèn nạt rằng:

- Kêu cái gì? Có coi tướng giỏi thì coi cho người khác, chớ ta không cầu mi.

Thầy coi tướng ấy chẳng ai xa lạ chính là Miêu Quang Nghĩa, Quang Nghĩa thấy Trịnh Ân nạt như vậy nhưng vẫn ôn tồn nói:

- Chú này khéo nói thì thôi, có mất vật chi thì nói đi, ta sẽ chỉ cho.

Trịnh Ân nghe nói vậy thì thay đổi thái độ, vui mừng mà nói rằng:

- Tôi không mất vật chi trọng hết, chỉ có cái muỗng bán dầu không biết nó thất lạc xứ nào, kiếm đã hết sức mà không ra.

Miêu Quang Nghĩa nói:

- Thôi, chú hãy nói giờ nào mà chú đến đây cho tôi biết thì tôi bói cho một quẻ chắc là kiếm được.

Trịnh Ân nói:

- Tôi đến đây hồi giờ Tuất.

Quang Nghĩa đánh tay tính một hồi rồi nói rằng:

- Giờ Tuất thì thuộc về con chó, con chó mà luận về ngũ hành thì thuộc thổ, còn cái muỗng múc dầu thì thuộc về loài mộc mà làm ra. Bởi vậy cho nên mộc phải khắc thổ, thì cái muỗng múc dầu của chú chắc là bị chó tha mà để trong ổ nó. Vậy thì chú phải đến nhà nào có chó đang sanh nở mà kiếm ắt sẽ có.

Trịnh Ân nghe rồi chạy dài khắp xóm, thấy nhà kia có chó cái bèn bước vào hỏi chủ nhà, chủ nhà ấy dắt vào trong liêu nơi chó làm ổ. Trịnh Ân coi kỹ lưỡng thấy thiệt quả cái muỗng nằm một bên cái ổ. Bèn lấy lên mà đem ra ngoài mừng quá đỗi, rồi chạy trở lại kiếm Miêu Quang Nghĩa mà nói rằng:

- Tự thuở nay tôi không gặp thầy nào coi hay như tiên sinh đây. Thôi, sẵn dịp đây xin tiên sinh coi tướng giùm cho tôi coi ngày sau có khá hay không.

Miêu Quang Nghĩa nói:

- Như chú muốn coi tướng, thì đi theo tôi mà ra khỏi xóm rồi tôi sẽ nói cặn kẻ cho mà nghe.

Trịnh Ân liền gánh dầu đi theo Quang Nghĩa, lúc hai người đi ra tới đồng trống rồi, Trịnh Ân để gánh dầu xuống mà nói rằng:

- Ra chỗ này vắng vẻ rồi. Thôi, tiên sinh hãy xem tướng cho tôi đi rồi tôi sẽ trả công cho.

Miêu Quang Nghĩa nói:

- Việc ấy chẳng khó chi, vậy trước hết chú hãy nói tên họ và xứ sở ở đâu cho tôi biết đã.

Trịnh Ân nói:

- Tôi là người ở Sơn Tây thuộc huyện Kiều Sơn, tên là Trịnh Ân, tự Tử Minh.

Quang Nghĩa nói:

- Tôi xem tướng chú đây đương bây giờ thì còn tầm thường, song chừng ít năm nửa đây sẽ có vận làm tới bậc vương hầu chớ chẳng phải nhỏ. Vậy bây giờ đây tôi cho chú một phong thư với tám đồng tiền điếu, chú hãy cất kỷ, đừng bỏ bậy mà thất lạc. Từ rày về sau có đi bán dầu thì đừng đi xa, cứ lần lối xóm gần hai bên đầu Tỏa Kim Kiều đây mà thôi. Đặng chờ ngày mùng chín tháng chín mà cứu giá, hễ gặp người nào mặt đỏ thì người ấy là chân chúa. Rồi hãy đọc mấy câu thơ như vầy, phải nhớ lấy chẳng quên.

Quang Nghĩa liền đọc tám câu thơ:

Huỳnh thổ Ba kết nghĩa

Một cọp giúp đôi rồng

Mộc linh quang phân rẻ

Ly biệt thảm không cùng.

Xưng thiệt tên hầu hạ,

Quang Nghĩa ấy tôi trung

Ngày nay tuy cách mặt

Đàm Châu sẽ trùng phùng.

Quang Nghĩa dặn bảo Trịnh Ân rồi bèn từ giả mà đi, khi Quang Nghĩa đi rồi thì Trịnh Ân có ý không tin, song nghĩ lại việc kiếm muỗng múc dầu ấy thì bỏ luôn sự nghi hoặc mà tin như lời, rồi nói rằng:

- Thôi, để nữa coi mình làm đến bậc vương hay không, còn bây giờ đây không lẽ ở không mà đợi.

Nói rồi bèn gánh dầu vào xóm mà bán, ngày kia Trịnh Ân thức dậy sớm, nhớ đến lời Miêu Quang Nghĩa dặn khi trước bèn tính lại thì đã đến ngày mùng chín tháng chín rồi. Sớm mai ấy cơm nước rồi, Trịnh Ân gánh dầu tới lối xóm Tỏa Kim Kiều mà bán. Bán phía bên này cầu rồi muốn qua bên kia, khi đi vừa tới đầu cầu thì thấy cái tiệm của bọn cường nhân ở mà đòi tiền thuế đã sập tan hoang hết, còn những thùng đựng tiền và bàn toán thì bỏ nghinh ngang. Nguyên chỗ cầu này khi trước là chỗ bọn của Đổng Đạt tự hội lâu la ở đó đặng cướp giật của kẻ đi đường và thâu thế cầu, bất kỳ là ai, song gặp Trịnh Ân thì sợ lắm. Khi Trịnh Ân lên tới cầu thấy quả không ai hết, thì mắng thầm rằng:

- Mấy thằng chết bầm này đi đâu mất hết kìa.

Bèn để gánh xuống lượm lặt đồ mà để vào gánh, rồi đi riết tới quán gần đó mà nghỉ ngơi, Trịnh Ân vô ngồi rồi kêu chủ quán rằng:

- Bớ chủ quán, nay có ít món để đây, vậy ta nó cùng ngươi đổi cho ta vài bầu rượu uống chơi.

Chủ quán nghe kêu chạy ra thấy đồ ấy thì chưng hửng mà rằng:

- Trời đất ơi! Cậu mặt đen này khéo tới mà làm họa tôi lắm. Vả đồ này là của Đổng Đại gia, ai mà đám lấy, thôi như cậu không tiền thì để tôi bán chịu cho mà uống rồi mai mốt thì lại mà trả tôi. Chớ đừng làm như thế ấy mà Đổng gia hay đặng ắt là phá quán tôi hết.

Nói rồi chạy đi bưng một mâm và một bầu rượu ra dọn cho Trịnh Ân ăn uống. Trịnh Ân ăn uống no say rồi đứng dậy nói rằng:

- Ta cám ơn chú mi lắm, thôi để ta đi bán rồi bửa nào lại trả cho.

Chủ quán nói:

- À ngày nay là mùng chín tháng chín, thiếu tôi bao nhiêu đó cho nhớ, cậu đừng quên.

Trịnh Ân nghe chủ quán nói mùng chín tháng chín trực nhớ, mới nghĩ thầm: "Ngày trước Miêu Quang Nghĩa dặn mình như vậy mà nay đã tới kỳ rồi, sao thánh giá ở đâu không thấy. Thôi, không thèm tin nữa." Nói rồi bèn từ giã chủ quán, cất gánh ra đi. Đi một đỗi đến mé sông, Trịnh Ân mới nghĩ rằng: "Xưa rày mình mắc đi bán hoài, không rảnh rang đặng, nay sẵn dịp dầu cũng hết rồi, thôi mình đem hai cái thùng này xuống sông đây mà rửa nó đi, kẻo lâu ngày nó đong cặn." Nói rồi, bèn tháo gióng ra, xách hai cái thùng xuống mé sông, mới dạu dạu mà rửa, rủi sút tay bị gió thổi bung hai thùng ra giữa dòng sông. Trịnh Ân lật đật tuộc áo quần bỏ trên mé nhảy lội theo vớt.

Nói về Đổng Đạt dụ Khuông Dẫn vào chỗ Thập Bát Loan hay tục gọi là chỗ núi có đường quanh quẹo, trong ấy có hai người hảo hán là Ngụy Thanh và Ngụy Minh. Hai người ấy là anh em ruột với nhau đều có sức mạnh và võ nghệ cao cường. Tụ tập lâu la hơn năm sáu trăm ở tại núi ấy, làm chuyện hùng cứ, giật của giết người, chẳng ai dám nói, quan binh cũng không làm gì dặng. Bởi vậy cho nên Đổng Đạt kết làm anh em với hai người ấy, mới ỷ thế mà hoành hành như vậy. Lúc ấy Đổng Đạt dụ Khuông Dẫn tới đó, thì lâu la của Ngụy Thanh đi tuần gặp được, thấy vậy chạy về báo với Ngụy Thanh và Ngụy Minh. Hai người nghe vậy, bèn cầm thương lên ngụa kéo lâu la xuống đặng có tiếp Đổng Đạt. Ngụy Minh và Ngụy Thanh xuống núi gặp Khuông Dẫn đang rượt Đổng Đạt thì để cho Đổng Đạt chạy qua khỏi, rồi hai người áp đến cản Khuông Dẫn mà đánh. Lúc ấy Đổng Đạt cũng quay ngựa lại, cả ba cùng lâu la tới áp vây Khuông Dẫn, bấy giờ Khuông Dẫn đã mệt. Biết đánh không thắng bèn hét lên một tiếng kế thấy tướng tinh xuất ra một con Xích Long vụ bây lên không, múa nanh vuốt, còn thần theo hộ giá Khuông Dẫn thấy Khuông Dẫn bị vây như vậy thì thất kinh, bèn ở trên không ngó bốn phía đặng có kiếm người mà cứu giá. Ngó một lát thấy có tướng tinh Trịnh Ân là Hắc Hổ đương lội dưới sông bên phía nam. Thần ấy kêu lớn rằng:

- Bớ Trịnh Tử Minh, lúc này ngươi chưa chịu đi cứu giá, còn đợi chừng nào nữa?

Trịnh Ân ở dưới sông nghe kêu, bèn ngó lên xem không thấy ai thì mắng rằng:

- Ở đâu mà khéo kêu thế, để cho ta vớt thùng kẻo nó trôi mất.

Mắng rồi cứ tiếp tục vớt, Thần ấy kêu tiếp rằng:

- Bớ Hắc Hài Nhi, bỏ đó mà đi cứu giá cho mau chăng nên để trễ.

Trịnh Ân nghe kêu như vậy lần nữa không biết ở đâu, mới lội lần vô mé đặng xem. Bỗng thấy phía nam có bụi bay lên mịt trời, lại nghe tiếng binh la ó, và thấy bên chỗ ấy có một con rồng đang vùng vẫy trên mây nữa. Trịnh Ân nghĩ thầm rằng: "Thường nghe thiên hạ nói, hễ rồng mà hiện ra chỗ nào thì chỗ ấy có chân mệnh thiên tử. Thôi, để mình chạy riết qua đó coi thế nào." Nói rồi xách thùng bỏ dựa mé sông, lội lên chạy đui không kịp bận quần áo chi hết. Khi chạy gần tới thì trong tay không có gươm giáo, bèn ngó xung quang thấy có bụi táo bên đường, liền xốc lại nhổ một cây lớn nặng cỡ trăm cân, bẻ nhánh để nguyên gốc vác chạy riết tới chỗ trận ấy hét lớn rằng:

- Hãy vẹt đường cho ta vào mà cứu giá đây.

Bọn lây la đang vây Khuông Dẫn nghe tiếng hét lớn như vậy đều thất kinh ngã lăn ra hết, duy có bọn của Đổng Đạt vẫn biết Trịnh Ân thì kêu rằng:

- Bớ Trịnh huynh lại đây mà giúp chúng ta đặng bắt thằng mặt dỏ nà, rồi chúng ta sẽ bẩm với Đổng đại gia, cứ mỗi năm chia nửa phần tiền thuế Tỏa Kim Kiều cho.

Trịnh Ân nghe lâu la nói bắt người mặt đỏ thì nghĩ rằng: "Miêu tiên sinh thiệt là thần cơ diệu toán, dặn mình như vậy chớ sai." Nghĩ rồi bèn nói lớn lại:

- Ta đến đây mà cứu vua, chớ chẳng phải tới đây để giúp bây.

Nói rồi bèn quơ cây táo vào đánh phá, bọn lâu la đứa bị bể đầu, đứa gãy tay, gãy chân, đều vỡ chạy hết. Lúc ấy Khuông Dẫn ở trong thừa thế quơ cây Thần Sát Côn đánh ra, còn Ngụy Thanh đương cự với Trịnh Ân đặng vài hiệp, bị Trịnh Ân đánh một phát chết tươi. Ngụy Minh thấy anh mình tử trận, bèn xốc tới đánh báo thù, đánh đặng một hiệp cũng bị Trịnh Ân giết. Lúc ấy Đổng Đạt thấy hai anh em họ Ngụy đều tử trận hết, thì biết không xong bèn quất ngựa chạy dài mà lánh nạn, bọn lâu la mạnh ai nấy kiếm đường mà trốn. Nói về Trịnh Ân đặng trọn thắng rồi trở lại kiếm Khuông Dẫn, khi còn đi xa xa thấy bộ Khuông Dẫn phải người hảo hán đáng kết làm anh em lắm, thì có lòng mừng chạy tới mà nói rằng:

- Nay tôi đến mà cứu giá đây.

Khuông Dẫn xem Trịnh Ân thì biết người tánh hay lỗ mãng mà chí khí thiệt là anh hùng. Rồi đem lòng ái truất mà tưởng trong bụng rằng: "Vả người này với mình thuở nay không quen biết chi hết, mà có lòng đoái tưởng chạy trần truồng đến mà cứu giá mình như vậy thì lấy làm cảm kích lăm." Tưởng vậy rồi bèn nói rằng:

- Tôi đội ơn tráng sĩ có lòng mà cứu tôi khỏi nạn, chẳng hay tráng sĩ tên họ là chi, quê quán ở xứ nào?

Trịnh Ân nói:

- Việc ấy xin khoan nói đã, vì tôi xông trận nên đói lắm, chịu không nổi phải đi chỗ nào kiếm cơm ăn rồi chuyện vãn mới đặng.

Khuông Dẫn nói:

- Vậy thì Tráng Sĩ hãy theo tôi mà kiếm người anh tôi, rồi sẽ kiếm cơm mà ăn với nhau.

Nói rồi bèn dắt Trịnh Ân đi ra khỏi thấy vọi ngoài đường người ta đi kẻ qua người lại. Khuông Dẫn mới hỏi Trịnh Ân mà rằng:

- Vậy chớ quần áo của tráng sĩ bỏ ở đâu, đi lấy mà mặc vào, rồi sẽ ra đường mà đi, bằng không lõa lồ thân thể như vậy thiệt không nên.

Trịnh Ân nói:

- Tôi mắc vớt thùng dưới sông lật đật chạy lên, nên quân áo không kịp lấy, tôi bỏ ở mé sông, bây giờ nước đang lên chắc là đã trôi mất hết rồi.

Khuông Dẫn nói:

- Vậy hồi nãy đó lâu la chết đầy như ngã rạ, tráng sĩ lột quần áo nó mặc đỡ.

Trịnh Ân nói:

- Ôi thôi, tôi đi như vậy chẳng ai dám ngó tôi đâu.

Khuông Dẫn nói:

- Vả chăng đường này tiên hạ đi đông đảo lắm, nếu để vậy thì khó coi.

Bèn cởi bớt một cái áo mà bảo Trịnh Ân đóng khố đỡ, Trịnh Ân cười rồi lấy mà đóng khố. Khuông Dẫn lại mở luôn sợi dây lưng đưa cho Trịnh Ân buộc, Trịnh Ân nói:

- Nếu nhân huynh trao dây lưng cho tôi, còn nhân huynh lấy chi mà buộc ?

Khuông Dẫn nói:

- Không hề chi tôi còn sợi dây khác.

Nói rồi bèn cầm cây Thần Sát Côn mà niệm chú trong miệng một hồi, Thần Sát Côn liền hóa ra một sợi dây mà buộc lưng. Trịnh Ân thấy vậy thì lấy làm lạ mà rằng:

- Từ bé đến lớn tôi chưa từng thấy cây côn nào mà hóa làm dây lưng bao giờ, thiệt là quý lắm. Thôi, phải đi kiếm cơm nước hay là bánh trái mà lót bụng.

Khuông Dẫn bèn dắt Trịnh Ân qua nơi Huỳnh Thổ Ba mà kiếm Sài Vinh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro