Chương 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

3

Giữa vườn xuân bóng đêm tịch mịch 

Chim họa mi thánh thót bên nhành hồng 

Nhưng đóa hồng kia chẳng chút động lòng, 

Mà lặng lẽ đung đưa rồi thiếp giấc, 

Bản tình ca vẫn du dương và réo rắt.

(Con chim họa mi và nhành hồng – Puskin)

           Đúng với dự đoán của tôi, khuôn mặt của Thiên Lãng hơi căng ra khi thấy tôi đề nghị muốn về nhà. Lần nào cũng vậy, khi nghe tôi nhắc đến chuyện này, anh ấy lại lảng tránh, bảo rằng sức khỏe tôi còn yếu, cần ở lại bệnh viện để các bác sĩ theo dõi. Sức khỏe tôi như thế nào, tôi hiểu. Rõ ràng tôi đã hồi phục gần như hoàn toàn, theo lời bác sĩ, chỉ cần hàng tuần đến bệnh viện kiểm tra là đủ, không nhất thiết phải ở lại đây. Tôi thấy, suy cho cùng là anh ấy không muốn tôi về nhà. Lý do vì sao thì tôi không biết. Tuy nhiên lần này thì khác, mặc dù thái độ ban đầu vẫn không có gì thay đổi nhưng sau đó Thiên Lãng đã gật đầu đồng ý và đi làm thủ tục xuất viện cho tôi. Có thể là vì người con trai lạ mặt lúc nãy. Thái độ của Thiên Lãng chứng tỏ anh ấy quen người con trai kia, thậm chí là không mấy thiện cảm.

           Tôi cũng không quan tâm. Mấy ngày gần đây, ngày nào cũng trong bệnh viện, hết ăn lại nằm, cảm giác không bệnh cũng sắp bị nơi tù túng này khiến cho bệnh. Thiên Lãng còn kỹ hơn cả mấy ông bác sĩ. Chỉ cho tôi ra ngoài đi dạo sau bảy giờ và chưa tới chín giờ đã bắt tôi vào phòng. Đồ ăn, thức uống nếu không phải của dì Năm, người giúp việc nhà tôi hay của anh ấy mang đến thì nhất định tôi không được đụng đến.

           Vậy nên có thể nói, những ngày vừa qua của tôi chỉ gói gọn giữa tôi với Thiên Lãng, với bốn bức tường trắng, mấy ông bác sĩ và mấy cô y tá. Chấm hết. Tôi cũng không mấy ngạc nhiên khi sức khỏe tôi ngày càng tốt lên nhưng ký ức thì chẳng “thu hoạch” được gì.

           Sau khi làm thủ tục xuất viện cho tôi, Thiên Lãng còn cẩn thận bắt tôi làm một cuộc kiểm tra sức khỏe tổng quát cho chắc chắn là không có gì. Tôi lúc này chỉ muốn về nhà, nên gật đầu đồng ý mặc dù tôi rất ghét mấy cái máy lúc nào cũng kêu “bíp”, “bíp”.

           -Bây giờ chúng ta sẽ làm thử một bài kiểm tra tâm lý để chắc là cô không sao nhé! – Một vị bác sĩ trung niên mỉm cười nhìn tôi. Trông ông ấy khá thân thiện. – Đừng căng thẳng quá, tôi sẽ chỉ hỏi cô vài câu hỏi và cô chỉ cần nói cho tôi biết cô thấy thế nào thôi.

           Tôi gật đầu.

           -Tốt lắm, bây giờ tôi sẽ cho cô xem 5 tấm hình và cô hãy cho tôi biết cô nhìn thấy chúng giống cái gì nhé! – Nói rồi vị bác sĩ đặt cẩn thận trên bàn những tấm hình kỳ lạ.

           Tấm hình đầu tiên có hình như lồng ngực của một ai đó khi được chụp X-quang với màu vàng đất chủ đạo và phần hai lá phổi màu đỏ sẫm. Bức ảnh thứ hai còn khó nhìn hơn, tất cả đều có màu đen như nước màu bị pha lem và có hình thù đối xưng nhau. Tấm hình thứ ba có màu vàng, trông nửa giống con bò cạp, lại vừa giống ống dẫn trứng có màu vàng và những chấm đen. Và bức ảnh còn lại thì vừa giống hình một chú hề có cái mũi đó dài quá cầm, lại vừa giống hình một người đang lè lưỡi, đôi mắt thì mếu và dưới khóe mắt có hai vệt đen như vệt mực.

           -Bây giờ thì nói cho tôi nghe xem cô thấy gì ở 5 bức tranh này? – Vị bác sĩ từ tốn hỏi.

           Nhưng thực chất lúc đó, tôi không còn để ý gì đến vị bác sĩ nữa. Đôi mắt tôi dán chặt đến năm bức tranh và trong đầu hiện lên hình ảnh một cô gái đang ngồi kế bên một vị bác sĩ. Tôi không thể nhìn thấy mặt hai người đó. Nhưng tôi biết cô gái ấy. Cô gái ấy chính là tôi. Cảm giác của tôi với cô gái ấy giống như cảm giác khi tôi nhớ đến hôm tai nạn. Hoàn toàn là một. Còn người đàn ông kia? Tôi biết anh ta là bác sĩ vì anh ta mặc áo blouse trắng. Có vẻ như người con trai này có quan hệ rất thân thiết với tôi. Tôi nghĩ mình đã từng gặp anh ta rất nhiều lần, trong những lần ký ức tôi ùa về bất chợt. Nhưng cho đến bây giờ, tôi vẫn không biết anh ta là ai.

           “ -Đây được gọi là thí nghiệm Rorschach do một bác sĩ tâm thần của Thụy Sĩ kiêm nhà phân tâm học Hermann Rorschach phát triển. Ở mỗi góc nhìn của mỗi người sẽ nhìn thấy những hình ảnh khác nhau từ năm bức tranh này. Từ đó người ta có thể đoán được suy nghĩ, ước mơ thậm chí là nỗi sợ của từng người. – Người con trai cẩn thẩn giải thích.

           -Thật đấy à? – Tôi-trước-đây thốt lên. Nhưng rồi tôi lắc đầu, ra đò không tin lắm.  – Em không tin đâu.

           -Được, vậy em nhìn thấy gì từ bức tranh này? – Người con trai ấy cầm bức tranh thứ nhất lên và đưa cho tôi-trước-đây xem. – Phim chụp X-quang tron lồng ngực, một vị giáo sư hay một con cá đuối?

           -Ohm…để xem nào…  - Tôi-trước-đây cầm bức tranh thứ nhất lên, xem xét kỹ lưỡng.  – Vị giáo sư! Anh nhìn này, hai cái màu đỏ này chính là tròng mắt kính trong phòng thí nghiệm. Hai cái chỏm nhô ra chính là tóc của vị giáo sư. Thậm chí ông ấy còn có râu và chỏm tóc-cây-dừa nữa kìa.

           Tôi-trước-đây chỉ cho người con trai ấy xem và rồi cả hai cùng bật cười trước suy nghĩ đó.

           -Uhm…Vậy thì em là một người tốt bụng, biết nghĩ tới người khác và thậm chí quên mình vì người khác.

           -Có vẻ đúng.  – Tôi-trước-đây cười lớn khi thấy mình được khen. Rồi tôi-trước-đây cầm tấm hình thứ hai lên, ra vẻ muốn làm lại để kiểm tra. – Vậy còn đây? Em nhìn thấy con bọ hung…à, ở hai bên nó có hai cái càng cua nè!

           -Để xem…em nhìn thấy con bọ hung với càng cua thay vì nhìn nó thấy giống cặp đà điểu, kính râm, áo ngực hoặc chòm râu? – Người con trai ấy xem xét.  – Nếu vậy thì anh nghĩ cái bài kiểm tra này bị lỗi rồi!

           -Ơ, sao lại vậy? Kết quả kiểm tra nói sao? – Tôi-trước-đây ngạc nhiên.

           -Kết quả kiểm tra cho thấy em là người rất chăm chỉ và em dễ dàng đạt được thành công! – Người con trai chậm rãi nói.

           -Ơ, thế thì quá đúng còn gì? Có gì sai đâu? – Tôi-trước-đây mượn kết quả của cuộc kiểm tra để tự khen mình.

           -Nếu chỉ cần chăm chỉ là có thể thành công, sao mấy món em làm cho anh ăn, không có món nào anh không phải đi gặp hoàng tử William Cường thế?  - Người con trai bật cười, lưng ngã vào thành ghế sofa.”

           -Cô Hạ Vy? – Vị bác sĩ lo lắng khi thấy tôi ngây người ra.

           -Tôi xin lỗi.  –Tôi giật mình, quay sang nhìn ông ấy.

           -Chúng ta có thể làm kiểm tra được chưa?

           ­-Xin lỗi, nhưng tôi nghĩ chúng ta không cần phải làm bài kiểm tra này.  – Tôi trầm ngâm một chút rồi nói với vị bác sĩ. Thấy vẻ bối rối trên pha lẫn sự khó hiểu của ông ấy, tôi vội giải thích.  – Bởi vì tôi nghĩ mình đã biết đáp án của bài kiểm tra này.

           -Ý cô “biết đáp án của bài kiểm tra” là sao?

           - “Đây được gọi là thí nghiệm Rorschach do một bác sĩ tâm thần của Thụy Sĩ kiêm nhà phân tâm học Hermann Rorschach phát triển. Ở mỗi góc nhìn của mỗi người sẽ nhìn thấy những hình ảnh khác nhau từ năm bức tranh này. Từ đó người ta có thể đoán được suy nghĩ, ước mơ thậm chí là nỗi sợ của từng người.”

           Tôi bắt đầu nói lại như một cái máy những lời mà người con trai ấy nói. Vị bác sĩ vẫn chăm chú nghe với cái nhìn nghi ngại.

           -Nếu tôi nói tôi nhìn thấy một người đàn ông lực lưỡng… - Tôi cầm bức tranh thứ ba. – Tôi là người thông minh, quyết đoán. Nếu tôi thấy con bò cạp, tôi là người khỏe mạnh, cơ thể cân đối. Và nếu tôi nhìn thấy ống dẫn trứng, tôi hay ôm đồm công việc nhưng không vội vàng hấp tấp.

           -Nếu tôi nhìn thấy một chú hề…- Tôi bỏ bức tranh thứ ba xuống và cầm bức tranh tiếp theo lên. – Tôi thích giao tiếp, nhưng giữ khoảng cách với người xung quanh. Nhưng nếu là quý cô váy đỏ, tôi lại trầm lặng, lãng mạn và điều này tạo sức hút ở tôi. Và nếu tôi thấy một món đồ chơi nào đó, tôi là người thích nghĩ về quá khứ, hoài cổ khi gặp khó khăn. Và…

           -Làm thế nào mà cô biết về những điều này? – Vị bác sĩ cắt ngang khi tôi chuẩn bị cầm bức tranh cuối cùng. Có vẻ vì nói quá nhanh và gấp nên bây giờ tôi cảm thấy hơi khó thở. Những hơi thở gấp gáp và tim đập mạnh khiến tôi không thể kiểm soát được bản thân một cách triệt để.

           -Tôi không biết. – Tôi lắc đầu.

           -Cô nói cô không biết, là ý gì?

           -Tôi không biết vì sao mình biết nữa. Chỉ là khi nhìn vào đây, những suy nghĩ đó hiện lên trong đầu tôi. Và tôi chỉ biết là mình biết. – Tôi bắt đầu thuật lại. – Thật ra dạo gần đây, tôi vẫn hay có những suy nghĩ như vậy, những suy nghĩ không lành mạch, về nhiều thứ. Nhưng chủ yếu là về một người con gái và một người con trai không nhìn rõ mặt.

           -Cô có biết hai người đó là ai không?

           -Tôi đoán cô gái ấy là tôi. Còn người con trai…tôi không biết. – Tôi lo lắng nhìn bác sĩ . –Bác sĩ, bệnh tình của tôi…

           -Cô không cần phải lo lắng quá. Từ những cuộc kiểm tra thì vết thương của cô đã hoàn toàn bình phục, không có triệu chứng nào cho thấy là có vấn đề gì nghiêm trọng, đáng lo lắng cả.

           Bác sĩ bước tới bàn làm việc của mình và lấy từ trong ngăn tủ của mình một xấp giấy tờ bìa cứng màu trắng khá đẹp. Rồi ông nhẹ nhàng quay lại chỗ tôi, đưa cho tôi xem những tấm hình trên tờ giấy. Đó là cấu trúc của bộ não. Ông bắt đầu giải thích cho tôi thấy kết cấu của não bộ. Có thể vì ông nghĩ nó sẽ giúp ích cho tôi khi lát nữa ông bắt đầu nói với tôi một loạt thứ về những thứ tôi chưa từng nghe bao giờ. Ông thuyết phục tôi tin rằng trước khi gặp tai nạn, tôi đã gặp phải một cú shock tinh thần rất lớn, việc này cộng với trấn động mạnh khi ngã đã làm mô sưng tấy gây tắc nghẽn một số mạch máu dẫn lên não. Những mạch máu này không nhiều nên không làm ảnh hưởng đến nhận thức cũng như hoạt động bình thường của cơ thể. Tuy nhiên chúng lại có chức năng cung cấp máu và oxi cho hồi hải mã ở não trước, một bộ phận thuộc thùy thái dương, được xem là nơi lưu dữ ký ức. Chính lý do này khiến tôi không nhớ được những ký ức trước đây. Tôi thầm cảm ơn vì trước đó ông ấy đã giảng giải cho tôi, nếu không có lẽ tôi sẽ lại lên cơn đau đầu nhưng vì một mớ kiến thức chứ không phải vì những ký ức mập mờ kia.

           Tôi hơi nhoài về phía trước, tay với lấy chiếc cốc nước lọc trên bàn nhưng không phải để uống. Chỉ đơn giản là cầm và sờ những đường nét trên chiếc cốc. Mỗi khi tôi suy nghĩ, vẫn vậy.

           Rồi tôi chậm rãi hỏi ông có cách nào để bình phục không. Và tất nhiên, tôi có thể đoán được câu trả lời, bác sĩ khuyên tôi nên bình tĩnh, không nên suy nghĩ nhiều và ông ấy sẽ kê đơn thuốc giúp tan máu bầm trong não và kích thích tim bơm máu lên não. Hy vọng tôi sẽ phục hồi trong thời gian sớm nhất.

           Tôi gật đầu, đứng dậy và cảm ơn ông ấy. Lúc ra khỏi phòng, bác sĩ cũng cẩn thận dặn dò Thiên Lãng nên chú ý đến tôi vì những người gặp tình trạng như tôi rất dễ bị kích động và rối loạn thần kinh.

           Từ lúc ra xe cho đến khi về nhà, tôi cứ im lặng và để đầu óc trôi theo những dòng suy nghĩ không đầu không đuôi. Thỉnh thoảng Thiên Lãng có hỏi tôi vài câu, tôi cũng trả lời ngắn gọn nhất. Nhưng rồi anh ấy cũng im lặng và hai chúng tôi lọt thỏm vào khoảng không.

           Tôi suy nghĩ khá nhiều về Thiên Lãng khi bác sĩ căn dặn anh ấy. Thậm chí các bác sĩ cũng nhầm tưởng chúng tôi là vợ chồng hoặc ít nhất là đang hẹn hò yêu đương gì đó. Cũng chẳng trách. Nếu không phải vợ chồng hay người yêu, tôi cũng chẳng nghĩ ra lý do gì khiến anh ấy phải ở lại đây mỗi ngày để chăm sóc tôi. Thậm chí anh ấy còn mang theo máy tính để vừa làm việc vừa để mắt tới tôi. Và rồi tôi nghĩ tới bố và mẹ mình. Cuộc sống trước đây của tôi như thế nào? Tại sao đến ba mẹ cũng không đến gặp mình, thăm mình? Tôi thở dài cái thượt và cứ thế thả dòng suy đến vô tận cho đến khi về tới nhà.

           Cứ tưởng nhìn thấy căn nhà quen thuộc, tôi sẽ nhớ ra điều gì đó. Nhưng không, vẫn vậy, không có gì cả. Tôi chỉ cảm thấy đấy là một ngôi nhà quá cao lớn và sang trọng. Nó khiến tôi choáng ngợp và càng choáng ngợp hơn khi biết mình từng sống trong đây.

           Khu vườn rộng thênh thang được mở ra khi một người đàn ông độ khoảng bốn mươi chạy ra mở cửa. Xe chúng tôi chạy thẳng vào và dừng lại trước nhà, tại khoảng sân rộng đã được óp đá. Tôi nhìn tòa nhà vài giây để chắc rằng mình sẽ không bị sửng sốt khi bước vào trong. Ngôi nhà được xây dựng theo phong cách Bắc Âu cổ điển nên dù là một trệt một lầu nhưng ngôi nhà vẫn khá cao, gần tương đương với tầng thứ ba của một ngôi nhà phố bình thường. Hầu hết tường nhà đã được óp gạch phủ kín. Theo thời gian, những mảng rêu phong bám chặt lấy tường nhà, khiến ngôi nhà có chút gì đó bí ẩn.

           Một người phụ nữ từ trong nhà chạy ra, vui vẻ nắm lấy tay tôi. Theo phản xạ, tôi bối rối, và lùi về đằng sau, phía Thiên Lãng. Mãi một lúc sau, tôi mới nhận ra, người đó là dì Năm, người vẫn hay mang thức ăn đến cho tôi khi tôi còn trong bệnh viện. Tuy nhiên tôi chỉ mới gặp dì ấy được một lần. Còn những lần sau, mọi thức ăn, đồ dùng của tôi, dì ấy đều đưa cho Thiên Lãng.

           -Tiểu thư, tôi rất vui vì cô đã về. – Tôi choáng ngợp trước xưng hô của dì ấy. Nhưng trước mặt nhiều người, tôi đành im lặng, không nói gì cả. Thiên Lãng đưa tôi lên phòng, còn dì Năm thì giúp tôi mang đồ dùng của tôi trong cốp xe của anh ấy.

           Tôi bước vào nhà và cảm thấy mừng vì mình đã có sự chuẩn bị tâm lý từ trước. Những gì mà tôi tưởng tượng thậm chí chỉ bằng một phần nhỏ những gì hiện ra trước mặt tôi. Tất nhiên là tôi không tưởng tượng mình là công chúa và sống trong lâu đài to và độ sộ, dát đầy vàng như trong phim. Cảm thấy ngột ngạt, tôi bảo Thiên Lãng đưa tôi lên phòng, không dừng lại lâu hơn.

           Khác hẳn với phong cách cổ điển mà ngôi nhà khoác lên mình, phòng tôi theo phong cách hiện đại. Và tôi thầm cảm ơn tôi-trước-đây vì ít nhất “cô ấy” cũng không làm tôi choáng ngợp. Toàn bộ căn phòng được sơn màu trắng be. Chỉ có bức tường ở đầu giường được dán giấy màu bùn và họa tiết hoa nhỏ nên trông không gian vô cùng sang trọng nhưng cũng rất gần gũi. Không giống như tôi đoán khi bước vào ngôi nhà này, tôi nghĩ với một cô gái được sống trong gia đình khá giả như vậy, chắc hẳn căn phòng sẽ rất cầu kỳ kiểu cách, thậm chí có thể nhuộm cả màu hồng. Nhưng phòng ngủ của tôi-trước-đây khá đơn giản. Ngoài chiếc giường ngủ đôi, một bàn trang điểm khá rộng để tôi có thế viết lách gì đó và một cái tủ đựng quần áo đặt ở góc phòng ra thì không có gì nhiều cả.

           -Chắc em cũng mệt rồi. Vậy anh về nhé! – Thiên Lãng nhìn tôi và nói.

           Tôi gật đầu, nói câu cám ơn và tính đi tiễn nhưng anh ấy bảo tôi cứ nằm nghỉ, cứ để dì Năm làm là được. Anh ấy đã nói thế thì tôi đành mặt dày, ngồi trong phòng vậy.

           -Tiểu thư, cô muốn nghỉ ngơi hay là có muốn ăn chút gì không? – Một lúc sau, dì Năm gõ cửa phòng tôi và cẩn thận hỏi khi thấy tôi vẫn đang loay hoay đi quanh phòng.

           ­-À, dạ hiện tại thì cháu chưa muốn ngủ lắm. Chắc đợi cháu vào tắm rồi mình ăn luôn. – Tôi suy xét.

           -Vậy tôi đi xuống chuẩn bị đồ ăn. Nếu cô có cần gì thì cứ gọi. – Dì Năm mỉm cười nhìn tôi rồi chuẩn bị ra khỏi phòng.

           -À, dì à, dì có thể gọi cháu là Vy hoặc là cháu cũng được. Đừng gọi là tiểu thư hay cô chủ gì gì cả. Cháu…nghe không quen lắm. – Tôi nheo mắt nhìn.

           -À, nhưng mà…-Trông dì ấy có vẻ bối rối ra mặt, tôi cũng hiểu được chút đỉnh.

           -Nếu vậy thì chỉ khi nào không có bố mẹ cháu và cả Thiên Lãng, dì hãy gọi cháu là Vy thôi được không ạ? – Tôi mỉm cười nhìn dì. Tôi cũng đoán được một chút. Dù gì cũng là làm công ăn lương, tôi không thể bắt họ vì tôi mà mất miếng cơm hằng ngày được.

           Khuôn mặt dì ấy giãn ra, nhưng vẫn có một chút gì đó bối rối. Dì ấy ngồi xuống giường của tôi, nắm lấy tay tôi và đôi mắt rưng rưng như sắp khóc.

           -Dì? – Tôi hoảng loạn. Tôi đã nói gì sai sao? Hay tôi lỡ lời gì? Hay là dì ấy hiểu lầm ý tôi chỗ nào? Sao dì ấy lại cư xử như vậy? Tôi thật sự rất rối. Phải làm sao vậy.

           -Con có chắc là con không thể nhớ gì không? – Nhìn gương mặt ngây ra của tôi, dì bật cười, khẽ vén lọn tóc đang xõa ra trước mắt tôi. – Bởi vì câu con vừa nói y như câu con đã nói hồi dì mới vào nhà con làm.

           Một tay dì nắm lấy bàn tay tôi, tay còn lại vỗ đều và nhẹ nhàng lên mui tay tôi. Tôi có thể cảm nhận được những vết chai sần, vết thương lâu ngày trên đầu ngón tay của dì. Tôi thấy cả móng tay xù xì, ngả sang màu vàng và có lớp bột trắng vì bị nấm của dì. Tuy vậy, nó không phải là lý do khiến tôi nhìn mãi bàn tay dì. Cách dì nhẹ nhàng vỗ vào mui bàn tay tôi, rất dễ chịu và rất…thân quen.

           -Dì vào làm nhà con từ khi con chỉ mới năm tuổi. Tính đến nay đã gần hai mươi năm. Dù con không phải con ruột dì, nhưng dì xem con như con ruột mình mang nặng đẻ đau. Mọi thói quen, tính cách của con, dì đều hiểu cả. – Một tay dì nắm lấy tay tôi, tay còn lại vỗ nhẹ lên mui bàn tay tôi. Cảm giác thật thoải mải và…vô cùng thân thuộc. Tôi nhìn vào bàn tay của dì, nhìn mãi, không dứt. – Và dì biết con vẫn không hề thay đổi dì cả. Con vẫn luôn tươi cười, thân thiện và không bao giờ nghĩ vì chúng ta là người giúp việc mà xem thường. Con quan tâm đến mọi người trong nhà và không muốn chúng ta gọi con là cô chủ. Vậy nên khi nào ông chủ và bà chủ không có ở nhà, con sẽ không vui nếu mọi người gọi con là cô chủ. Y như cách con vừa nói với dì.

           -Dì ơi…

           Tôi bối rối. Tất cả những gì tôi vừa nói với dì chỉ là cảm nhận của tôi. Thấy sao thì nói vậy. Tôi cảm thấy khó chịu khi bắt người khác phải khúm núm tôi khi tôi chỉ là đứa bất tài, vô dụng, một đứa mà lấy cả mình là ai cũng không biết. Và tất nhiên tôi hoàn toàn không biết, cách đây hai mươi năm, tôi cũng đã từng nói câu đó với dì ấy.

           -À, dì quên mất. Chắc con đói rồi. Để dì xuống làm ít cháo cho con ăn nhé! – Dì buông vội tay tôi ra, reo lên như vừa nghĩ ra điều gì đó đáng giá lắm, rồi nháy mắt với tôi khi dì ấy chuẩn bị ra khỏi phòng.

           Tôi nằm dài ra trên giường khi tiếng chân dì ấy đã xuống cầu thang. Ít ra tôi cũng cảm thấy thoải mãi đôi chút. Tôi-trước-đây và tôi-bây-giờ có vẻ không khác nhau là mấy. Tôi chỉ hy vọng tôi sẽ nhanh chóng lấy lại ký ức hoặc ít nhất là tiếp tục sống cuộc sống như bao người bình thường khác.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro