II Tự tình I

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom,

Oán hận trông ra khắp mọi chòm.

Mõ thảm không khua mà cũng cốc,

Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om.

Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ,

Sau giận vì duyên để mõm mòm.

Tài tử văn nhân ai đó tá?

Thân này đâu đã chịu già tom!"

                                                                      (Tự tình I)

Tiếng quan viên hai họ đã ngớt, khách khứa hai bên thông gia cũng đã vãn, cỗ bàn mâm chiếu đã thu dọn hết rồi. Mới đây thôi, không gian đám cưới linh đình vẫn còn nhộn nhịp lắm,như hiện rõ ra trước mắt Khiết Thế Nhất là những bánh pháo đôm đốp nổ giòn tan,là những chữ "Hỉ" đỏ chói dính trên nền tường cùng hàng vạn đóa hoa giấy giăng kín từ cổng ra đến lối vào. Là những mặt người tươi như hoa đến chúc mừng ngày lành tháng tốt cho Hỉ sự đôi bên,mừng cho đôi uyên ương. Họ chúc tụng, họ mừng vui thay cho gia chủ,và họ hân hoan hơn cả người trong cuộc.

Nhưng ai cần cơ chứ, không ai cần cả, không nhất thiết đâu mà phải đeo bám bộ mặt tươi tắn vui vẻ ấy trên cái danh nghĩa là: "chúc phúc cho dâu, rể"- khi chính chủ là hai người được nối duyên ở đây còn chẳng thể cười lấy một cái. Những tưởng rằng ngày cưới là cái ngày hạnh phúc hạn hữu sẽ không thể xuất hiện nhiều trong cuộc đời của mỗi con người, thế nhưng, với Khiết Thế Nhất thì cậu chẳng thể nào vui nổi, vốn dĩ cuộc hôn nhân này chỉ là một sự đổi chác, cha mẹ đặt đâu con ngồi ấy.

Cuối tháng giêng bữa đó,cũng là vụ mùa cuối năm, mẹ Nhất bị mắc phong hàn, mà vốn người ốm yếu mà cứ quần quật trong mưa trong nắng mãi, sức người ốm quắt queo như cây lúa gãy dầm gãy dập bởi giông bão- thế là hôm ấy ốm một trận kịch liệt, giãy giụa trên cái chõng tre như con tép tươi rồi trào bọt mép mà lăn ra chết. Thế là hết sạch những tháng ngày tươi đẹp của Khiết Thế Nhất dưới mái nhà tranh. Hết sạch. Của ăn của để bấy lâu ông bà Khiết gom góp, thế là dồn vào một trận ốm của bà Khiết là sạch cạn, mời từ lang y này đến thầy cúng nọ, tiền, gạo trong nhà cứ dồn vào cái túi ba gang của mấy lão là bốc hơi thành khói hết. Bệnh thì không khỏi, mà người thì ốm quắt queo, người thì có tiền no phè phỡn. Mà lên tỉnh thuê đốc tờ thì lại thét giá mấy lượng vàng nữa, làm gì có để mà nôn ra ?

Từ ngày mẹ mất, hai cha con chỉ biết nương vào nhau mà sống, mà cha thì già yếu lắm rồi. Nhất nhìn thấy mà đau cả lòng. Con nhà nông dân thường sớm biết, sớm khôn. Mới mấy tuổi đầu mà đã biết làm lụng,liệu lo, quán xuyến tất thảy những công việc từ to đến bé trong nhà. Cha Nhất thương con nên cũng ở vậy, gà trống nuôi con. Nhưng hình như, có ngửa mặt lên trời than thân, thì ông trời cũng dí đầu xuống hiện thực,không cho cựa quậy ngóc nổi đầu lên. Cuộc sống ngày một khó thêm, đã nghèo còn mắc cái eo, tiền của, lương thực dồn vào miệng của mấy cha lang băm rồi, túng càng thêm túng, Gạo kém, thóc cao.Ngô,khoai cũng chẳng chuốc lấy được mà ăn. Thậm chí cái muối đổ vào mồm cũng sinh ra hiếm hoi. Đã thế lại còn bão, lụt dầm dề thối trời thối đất, hết lênh láng nước nôi thì lại đến đại hạn, hạn hán, nóng khô đến nứt toác cả trời đất. Không biết rồi lấy tiền làm gì mà đong, lấy cơm ở đâu mà hốc ?Cơm áo, gạo tiền cứ vần vò xoay quanh con người bé nhỏ đáng thương, bờ vai ấy nặng càng thêm nặng.

Năm Thế Nhất bước vào tuổi 19, thầy mới gọi cậu vào buồng. Giọng thầy nghẹn ngào lắm. Đôi mắt già nua, hình như đã cô đọng vài vệt nước mắt. Sau khi than với con hết một trống canh rồi, thầy mới thở dài mà bảo với con rằng:

"Cơ cực này,rồi thì chết đói mất thôi. Thầy thì già rồi, sống mòn sống mỏi thì cũng sớm theo u mày về với ông bà. Chỉ còn mày nữa thôi con. Nghe thầy, gả vào nhà Mịch gia đi con. Số mình có phúc đấy, còn được nhà đấy hỏi là có phúc lắm con ơi.Vả...thầy cũng nhận của người ta 20 đồng bạc cưới để làm giỗ cho u mày rồi. Mà để lần khất mãi thì cũng áy náy với người ta. Con thương thầy thương u thì chấp thuận cho người ta nghen con..."

Tiếng gió lao xao làm lay động hàng trúc ngoài cửa. Nhất điếng người đi, cậu thừ ra. "Cá không ăn muối cá ươn, con không nghe lời cha mẹ trăm đường con hư". Làm sao cậu có thể cãi lại lời của thầy được. Vừa thèn thẹn, nhưng ấm ức nhiều hơn, rằng cuộc đời mình từ nay về sau, chỉ có 20 đồng mà lại phải bó buộc vào nhà của người khác. Cơm nhà giàu, nuốt khó xuôi. Ăn của họ mà không làm lợi cho họ thì phải làm đến mửa ra mà trả cho họ. Nhất thương nhà, thương thầy lắm. Thà nhịn đói mà ở cửa,ở nhà còn hơn... Nhưng việc đã lỡ dở rồi, mà còn trốn đi thì chả ra cái thể thống gì.

Nhất mạnh mẽ lắm, nó không khóc như cái Tỵ- đứa con gái nhà hàng xóm đâu. Đợt đấy, cái Tỵ mới 13 tuổi mà phải gả đi cho con ông Chánh Lâm, con bé mắt sưng húp, khóc nấc lên, khóc vật khóc vã, khóc không ra hơi. Nó còn quỳ lạy dưới chân mẹ nó: "U ơi, con van u, con cắn rơm cắn cỏ lạy u, con nhịn đói đến chết cũng được, u đừng gả con đi mà tội nghiệp..." Tiếng khóc ấy ám ảnh Nhất đến tận bây giờ. Và nó vận vào cuộc đời của Nhất đến tận bây giờ.

Nhưng Nhất không khóc. Chả việc gì phải khóc, cậu có thể làm được mọi việc cơ mà. Có phải sai phải bắt thì cũng không sao.

Số Nhất là số hưởng, vì bên cha mẹ chồng ưng cậu ghê lắm, lúc đi làm ăn hỏi thì cứ xuýt xoa "Chao ôi, thằng bé xinh đẹp quá", "Con không phải lo, về nhà thầy u con cứ sống thoải mái, công việc thì cứ để bọn gia nô làm cho", "Chu choa, để u may áo gấm nhiễu điều cho con nhé, con thích cái gì u mua cho, ăn tổ yến nhé, u nấu ?". Thôi thì bước đầu, Khiết Thế Nhất cảm thấy cuộc sống nhà Mịch gia không quá ngột ngạt và khắt khe như các hào môn khác. Vậy là cậu ưng thuận theo về...Người ta cứ nói mối quan hệ giữa mẹ chồng và "chàng" dâu khó khăn lắm, nhưng với Nhất thì cậu lại thấy đây là bước đầu khá suôn sẻ

Nhưng... cái ngột ngạt nhất thì chưa lần đến, bởi vì chưa nói đến hai người con trai của nhà họ Mịch. Mịch Sư Lẫm- chồng cậu và Mịch Sư Ngà- anh chồng cậu.

Cái vấn đề thứ nhất. Là chồng cậu không có tình cảm với cậu. Phải thôi, không danh, không ưng, không phận thì làm thế nào mà có với nhau được cảm xúc? Đó là lí do mà cậu đơn cô đơn lẻ bóng bên ngọn đèn hiu hắt ở đây sau tàn cuộc của đám cưới. Oán hận chứ... hắn ta còn không liếc nhìn cậu đến một cái, khi linh đình pháo cỗ được trang hoàng ra, hắn cũng không hề thay đổi sắc mặc, cái vẻ mặt hờ hững, cái vẻ mặt u ám nặng nề ấy treo vào lòng Nhất khiến cậu nghẹt thở, có cảm giác mắc nợ với hắn một điều gì vậy. Thế nhưng, ánh mắt của anh chồng lại nhìn cậu lạ lắm. Y nhìn cậu, một cách say mê, đắm đuối mà cũng chứa đựng điều gì đó u sầu đau thương. Mịch Sư Ngà ngắm cậu nhiều hơn tất thảy, trong khi Mịch Sư Lẫm mới là người chồng sẽ đầu gối tay ấp bên cậu về sau. Giá mà cái nhìn yêu thương dành cho người khát cầu yêu thương thì cuộc sống này có phải đã dễ dàng hơn rất nhiều rồi hay không ? Tại sao cứ phải truân chuyên đày đoạ nhau đến dường ấy?

*

Gà đã gáy mấy hồi rồi đấy, Khiết Thế Nhất nằm lăn lóc mãi vẫn không ngủ nổi, cậu thấy mình bơ vơ trơ trọi quá, trong cái gian nhà rộng thênh thang này. Lại còn chồng của cậu nữa !Không biết là hắn đã lỉnh đi đâu trong cái đêm tân hôn này. Tốt thôi, nếu không thích thì dính líu làm gì, thấy mà phiền hết cả lòng. Nhưng mà, nằm cựa quậy mãi trên giường cũng không thể dậy được, chân tay nặng như đeo một tấn đá tảng. Mãi đến khi mặt trời treo quá đầu ngọn trúc, cậu mới uể oải lết thân ra sân. Lạ nhà quá, sân gạch lát đỏ, vài con gà nhẩn nha đi kiếm ăn, con Thắm đang cặm cụi nhặt rau. Cậu liền bước tới, cúi xuống ngỏ ý muốn giúp, nó liền hoảng hốt ra mặt

"Trời, sao mợ làm thế ?! Mợ Hai không cần phải làm thế đâu để con nhặt cho. Mèn ơi, mợ cứ đụng chi cho khổ."

Khiết Thế Nhất nghe từ "mợ" phát ra tỉnh queo từ môi con bé liền thấy ngượng chín cả mặt. Nghe lần đầu thấy ngượng ngượng làm sao đó. Cách nói này, thật không thuận tai làm sao. Cậu chắc phải líu hết cả lưỡi mới phát âm được "MỜ Ơ MƠ nặng MỢ".

"Không sao, để m...mợ làm chung với, cho nhanh..."Cậu cúi xuống, che đi sự bối rối của mình. Con Thắm nó nhìn cậu chòng chòng tỏ vẻ ái ngại được mấy tí, thì cái mỏ tía lia của nó lại vào nhịp.

"Mợ Hai đẹp ghê luôn há, con chưa từng thấy ai đẹp hơn mợ luôn. Mắt thì như hai con ốc lồi nè, tóc đen dài óng, tóc con cũng chưa chắc đẹp bằng mợ đâu á, mợ còn cười duyên ơi là duyên nữa, hôm qua ăn cưới, con đi chạy bàn nấu cỗ con thấy mợ duyên lắm á. Chả trách cậu Cả cứ ngắm mợ suốt thôi..."

Con nhỏ kể huyên thuyên một lúc rồi sực tỉnh vì mình đã nói những điều quá phận, nó liền bụm miệng lại rồi rối rít xin lỗi:

"Tội con, con xin lỗi mợ, con nói nhiều quá..."

"À, có sao đâu..." Nghe con Thắm nói, cậu ngây người ra, ánh mắt ấy của anh chồng nó lộ rõ ra thế sao ?Ai cũng nhìn thấy chứ không phải riêng mình đúng không ?

"Này con kia, sao lại để mợ mày ngồi xổm thế kia nhặt rau hử?"

Tiếng bà Mịch đằng sau vang lên khiến Nhất giật mình thon thót. Cậu ngoảnh lại, người mẹ chồng cao sang trọng vọng có đôi mắt đẹp đang nhìn cậu và đứa nhỏ. Con Thắm lập cập, run run và giục cậu đứng lên. Theo phép tắc, hay là do một phản xạ rất tự nhiên, cậu cúi đầu trước bà.

"Con chào bà Mịch"

"Haha, gì chứ, con phải chào ta là u chứ, về nhà chồng rồi, thì phải là u chứ con" Bà Mịch đơ ra một lúc rồi phá lên cười,khiến cậu sực tỉnh ra về địa vị của mình. Cậu bẽn lẽn mãi mới thưa được một tiếng: "Dạ, u ạ".

"Đêm qua con có bị mệt không ?Hai đứa có ngủ được không thế?" Bà Mịch dịu dàng âu yếm hỏi con dâu. Câu này khiến cho Nhất cảm thấy ngớ người ra, cái gì mà "hai đứa" cơ chứ? Rõ ràng là hắn không nói một lời nào mà đã tít tắp mãi tận đẩu tận đâu chứ có về "động phòng" với vợ đâu mà hai với cả một.

"Hôm qua cậu ấy không vào buồng với con, u ạ... Con cứ tưởng cậu ấy ra gian ngoài?"

Lần này là đến lượt bà Mịch hoảng hồn, rồi chuyển thành tức giận. Bà nghiến răng trèo trẹo.

"À, cái thằng giời con này, gan thì to rồi, dám bỏ vợ bơ vơ đêm tân hôn như thế, thằng quỷ sứ này, rồi về là biết tay tao!!" Bà lầm bầm rủa nhiếc cậu quý tử trời đánh thánh vật của mình rồi quay sang áy náy nhìn con dâu.

"Thôi, đừng phiền lòng nghe con, thằng Lẫm nó còn bé tí tuổi, nó vẫn còn ham chơi, bỏ qua cho nó. Chừng nào về u sẽ hỏi rõ ngọn nguồn và xét xử cho con. Con đi rửa mặt đi, rồi vào ăn sáng..."

"Vâng thưa u"

Giếng nước nhà cụ bá trong leo lẻo, đến độ có thế nhìn thấy từng gợn nước mỏng mảnh như sợi chỉ kéo ngang mỗi độ quơ tay vào làn nước. Nước mát khiến cho Nhất tỉnh táo hẳn ra, cậu vào buồng thay vội y phục rồi ra gian ngoài kẻo mọi người chờ cơm.Quả nhiên là không thấy bóng dáng cậu Hai đâu, chỉ có hai cụ đang ngồi thủ thỉ rầm rì cho nhau nghe... Và... có cả y nữa! Người anh chồng đáng kính có khuôn mặt đẹp như hoa đang trầm ngâm ngồi nhấp nhi chén trà, bỗng ngẩng mặt lên. Chao ôi, thật đẹp đẽ và toả sáng hơn bất cứ thứ gì Nhất nhìn thấy trên đời. Dù mặt của chồng cậu hao hao với mặt y, nhưng khi bốn mắt chạm nhau, cậu cảm thấy như có nguồn ánh sáng giao thoa nhau giữa cõi lòng này tới cõi lòng kia. Bởi, ánh sáng trong đáy mắt ý sâu sắc hơn hết thảy, tưởng như đôi mắt ấy chỉ chứa đựng mỗi bóng hình của cậu là đủ rồi...

Nhưng thật tiếc, bởi cậu đã cúi xuống chào y là "Bác Cả"

Và y ngậm ngùi lúc đó chỉ biết chào cậu là "Ừ, thím Hai ngồi xuống xơi cơm"

Giá như chúng ta có thể gọi nhau bằng cách khác, và giá như chúng ta có thể đến với nhau không bởi lẽ hai tiếng xa lạ.

*

Nắng trưa, hơi gắt, y treo một chiếc võng sau vườn nhà, dưới hai bóng cây hoàng lan xum xuê rợp lá, y thoải mái đưa quyển "Hồn bướm mơ tiên"của Khái Hưng lên đọc. Có tiếng lá rì rào trong gió biếc, lao xao, nhộn nhạo khiến cõi lòng y cũng không thể nào yên ổn. " Một chuyện tình cao thượng và trong sạch của đôi thanh niên yêu nhau "yêu nhau trong linh hồn trong lý tưởng". Y đã nghe thấy điều này rồi, lần giở từng trang giấy, là mỗi lần y lần giở đến những cái góc cạnh u buồn nhất trong truyện tình cảm trái ngang mình ôm rầu rĩ ... Thế là, không gánh nổi những phiền muộn, y đành để nó phiêu dạt đi theo cơn lơ mơ của mình.

"Bác Cả, trời nắng lắm, bác vào nhà đi kẻo cảm mất..."

Y mở mắt ra, vẫn là cậu đấy... mờ ảo quá, tựa như cánh bướm mỏng manh cứ bay mãi bay mãi tận nơi chân trời nào xa lắc xa lơ, bay đến tận nơi mà dù y có rướn người lên nhưng cũng chẳng thế với lấy. "Em như con bướm đậu rồi lại bay..." Em có phải là cánh bướm của tôi không ? Trong tà nắng , tôi thấy đôi cánh em mỏng tang rung nhẹ bởi muôn ngàn sắc tía tựa ánh bướm rập rờn. Có lẽ, tôi đã say mê em như kẻ điên ảo tưởng sống trong cơn mơ. Cơn mơ càng dài thì mộng say tôi lại càng kéo chính mình vào một vũng đầm lầy mà tôi chẳng thể nào thoát ra. Em có nghĩ lẽ nào, nơi vũng lầy ấy, em đã cầm chặt cổ chân tôi mà kéo tôi xuống ?Cánh bướm của tôi, em là ảo mộng...

*

"Thưa u, cho con xin phép ra ngoài ạ."

"Ừ, con đi đi..."

Khiết Thế Nhất rón rén khép nép nhẹ chân ra buồng sau, cậu khe khẽ kéo nhẹ chiếc thau đựng quần áo của mình sao cho không gây tiếng ồn tới gia nhân trong nhà. Vú già hay con Thắm mà dậy giờ này kiểu gì cũng nhảy dựng lên nằng nặc đòi đi giặt quần áo cho cậu. Mà cậu thì không quen cho lắm. Về buồng lấy y phục, cậu thở dài sườn sượt, gian buồng lạnh lẽo thiếu hơi người dù biết đêm trước đó là gian buồng dành cho người cưới,vậy mà hôm nay trông xa cách đến lạ. Hắn chưa về, suốt từ tinh mơ cho đến lúc tối muộn. Cậu trầm ngâm thinh lặng suốt một hồi, lấy vội cái áo nâu sồng của mình rồi rón rén tha thau quần áo ra ngoài. Tiếng cổng quẹt qua mặt đất nghe két một cái mới sắc tai làm sao, vang lên trong màn đêm tối om.

Trăng hôm nay sáng quá ! Mảnh trăng rằm tròn vành vạnh treo trên đầu Nhất như soi tỏ con đường cho đôi chân bé nhỏ ấy chạy miết trên đường đê. Hương gió, hương lúa vụ mùa chiêm hây lên xộc vào buồng phổi của cậu. Cậu như muốn hòa mình vào cái mát mẻ của thiên nhiên ấy. Sống trong nhà Mịch gia mới có một ngày mà cậu thấy sao mà ngột ngạt quá, liền sơ hở là tót ra đây.

Cậu đi giặt quần áo, tiện thể tắm luôn. Đáng lí ra, ở nhà là có nước ấm đun nóng và có người hầu hạ cậu tắm ở nhà. Nhưng ngột quá, sao cậu chịu, thế là xin phép lễ nghĩa xong xuôi, cậu lại tít mít ở đây.

Dòng sông hiền hoà mát mẻ như một dải lụa, như mái tóc nàng tiên nữ óng ả mượt mà đen tuyền dính li ti là những vì tinh tú lấp lánh đẹp đẽ. Dải lụa mềm mại uốn quanh co từ miền này đến miền nọ, chảy xiết. Cậu vội vàng cầm mớ quần áo rồi giặt giũ tắm táp luôn, y phục sang trọng rơi xuống làn nước, chỉ là một toà thân thể đẹp đẽ vô ngần sáng lấp lánh dưới ánh trăng bàng bạc, là phát sáng dưới ánh trăng, như không phải tắm trong làn nước mát, mà là tắm dưới ánh trăng bàng bạc. Là con nhà nông, nhưng cậu không phải là người có vai u thịt bắp, mà lại có những đường cong cơ thể có hình có khối rất mềm mại.Làn da của tuổi đôi mươi trông phốp pháp non tơ. Vẻ đẹp ấy, hoàn toàn thanh khiết và tinh khôi, không gợn chút nhục dục nào cả,..có lẽ ít nhất là đối với y, người đã đứng trên triền cỏ lặng lẽ nhìn ngắm mỹ cảnh đó giờ. Hình như em là cánh bướm của tôi thật rồi, tại sao trong lúc tôi muốn thoát khỏi cơn mê, em lại cứ bay mãi trong trái tim tôi thế ?

Chỉ vô tình vể muộn vì đi giao lưu hội quán văn chương ở trên tỉnh, vậy mà khi đi qua triền đê, con sông đó, y đã bắt gặp được cậu. Và chấp niệm của y, có lẽ là mất rất lâu mới có thể bỏ được, khi nhìn thấy da thịt của cậu dính vào trong lần áo ướt sũng, khi cậu lăn lộn trên cỏ, khi thấy da thịt cậu trần trụi.

Vậy mà khi cậu hớt hơ hớt hải đi lên triền đê, y chỉ mỉm cười nhìn cậu như thể không biết chuyện gì vừa xảy ra, Đưa cậu chiếc áo khoác, nhẹ nhàng choàng lên đôi vai nhỏ bé, y nói: "Đêm có sương lạnh lắm, thím mặc vào đi kẻo cảm"...

Có đom đóm lập loè trong đêm 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro