4.3. Bước ngoặt và quyết định trong năm thứ ba đại học

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Đại học Bắc Kinh cứu rỗi tôi

Trước khi kết thúc năm thứ hai đại học, có một tin "động trời" ập đến, phá tan cuộc sống trầm lặng của tôi. Có người trong khoa nói rằng trường chúng tôi có một chương trình trao đổi sinh viên với Đại học Bắc Kinh, sinh viên nào nhận được cơ hội trao đổi này có thể tới khoa tiếng Anh của Trường Đại học Bắc Kinh học tập nửa năm vào học kỳ I năm thứ ba. Tôi và Cá Béo Ướp Muối vẫn luôn khao khát được đến một vùng đất khác học, huống hồ đây lại là Đại học Bắc Kinh – nơi chúng tôi chỉ dám nghĩ tới trong mơ! Khi nhà trường chính thức bắt đầu tiếp nhận đơn xin đi học, hai đứa tôi quả quyết nộp đơn, rồi thành khẩn chờ đợi tới một ngày kia cả hai đều được đến Đại học Bắc Kinh học. Hôm đơn xin đi học của chúng tôi được phê chuẩn, hai đứa cùng ôm chầm lấy nhau, hét to: "Đại học Bắc Kinh! Chúng tớ tới đây!"

Thế là khi học kỳ I năm thứ ba còn chưa bắt đầu vào học, tôi và Cá Béo Ướp Muối đã đi tàu hỏa tới Bắc Kinh nhập trường. Sân trường Đại học Bắc Kinh quả là rất rộng, rất đẹp, đâu đâu cũng là cảnh, cũng là người. Hai đứa tôi hứng lên mua hai chiếc xe đạp, đạp xe lượn khắp sân trường. Cuối cùng chúng tôi cũng nhìn thấy "nhất tháp hồ đồ" (tháp Bác Nhã, hồ Vị Danh và đồ thư quán Bắc Đại (*) ), nhìn thấy Học viện Quản lý Quang Hoa, nhìn thấy giảng đường một trăm năm tuổi nổi tiếng, nhìn thấy đội ngũ tiếp đón tân sinh viên hùng hậu của các câu lạc bộ, nhìn thấy canteen có đủ loại đồ dùng dụng cụ đặc sắc... trong trường Đại học Bắc Kinh. Được tận mắt nhìn thấy tất cả những thứ này, tôi thật sự quá phấn khích, kéo hai tay Cá Béo Ướp Muối, nói: "Cá Béo Ướp Muối này, bọn mình phải phấn đấu! Phải phấn đấu! Phải phấn đấu nhé!"
(*) Đồ thư quán Bắc Đại tức là thư viện Đại học Bắc Kinh
Hồi mới vào học, ngày nào tôi cũng cảm thấy rất căng thẳng, tôi và Cá Béo Ướp Muối chui xuống góc cuối cùng của lớp học, hàng ngày lên lớp, chúng tôi chủ yếu quan sát là chính, chẳng dám chủ động giơ tay phát biểu, cũng chẳng dám tham gia thảo luận. Chúng tôi cảm thấy thầy cô giảng bài nhanh như gió, còn không khí lớp học thì cực kỳ sôi nổi, chỉ cần lơ đãng một tí là đã bỏ qua rất nhiều điểm quan trọng của bài học. Chúng tôi học bở hơi tai mới hết một tiết, thế mà lại phải vội vã đạp xe sang khu giảng đường khác học tiết khác. Sau một tuần, tôi cảm thấy quá mệt mỏi, vừa không theo kịp tiến độ học tập của mọi nguồi, vừa không thể tiêu hóa hết kiến thức đã học.
Kết thúc tuần học đầu tiên, cả tôi và Cá Béo Ướp Muối đều cảm thấy hơi chán nản, chúng tôi cùng ngồi lại phân tích một cách nghiêm túc nguyên nhân hai đứa không theo kịp tiến độ học tập của các bạn trong lớp, và thấy rằng nguyên nhân chủ yếu ở đây là do chúng tôi chưa chuẩn bị thật kỹ bài học trên lớp. Chúng tôi mới bắt đầu học vào tháng Chín, đến tháng Mười đã phải thi GRE, cho nên lúc đó, chúng tôi đặt rất nhiều tâm tư và thời gian vào kỳ thi GRE, hàng ngày đều bị nó làm cho kiệt quệ. Mãi đến khi thi xong GRE, chúng tôi mới bắt đầu toàn tâm toàn ý vào việc học. Lúc đó, tất cả các môn học mà tôi chọn đều nằm trong chương trình học của khoa tiếng Anh, còn Cá Béo Ướp Muối xác định mục tiêu của mình là đi làm, nên bạn ấy chọn mấy môn của Học viện Quản lý Quang Hoa để làm nền tảng cho việc tìm việc sau này.
Vậy là hàng ngày hai đứa tôi hoạt động ở những khu giảng đường khác nhau, học chương trình học khác nhau, tuy nhiên chúng tôi vẫn hẹn nhau cùng ăn cơm trưa và cơm tối, buổi tối chúng tôi vẫn cùng nhau tự học, khi đói chúng tôi còn thường mua đồ ăn đêm về ký túc xá cùng ăn, vừa ăn vừa xem phim Khang Hy đến rồi, ăn xong lại tiếp tục chong đèn mãi đến rạng sáng mới đi ngủ. Thời gian đó, do tôi học hăng quá nên dẫn đến đồng hồ sinh học không đi theo quy luật, mặc dù vậy hàng ngày tâm trạng của tôi vẫn rất tốt, bởi tôi chịu ảnh hưởng từ môi trường tích cực xung quanh mình. Dần dần, lên lớp, tôi bắt đầu len lên ngồi bàn đầu, tích cực tham gia thảo luận cùng các bạn trong giờ học và phát biểu quan điểm của mình, lúc nghỉ giải lao giữa giờ, tôi cũng mạnh dạn chạy lên hỏi bài thầy cô giáo. Kết thúc một học kỳ, tôi cảm thấy mình học được rất nhiều kiến thức về mặt chuyên ngành.
Ngoài những tiến bộ trong học tập ra, còn có một vài chuyện khác diễn ra ở Đại học Bắc Kinh mà có lẽ cả đời này tôi cũng không thể nào quên. Chuyện thứ nhất là, tôi gặp anh Thành Long trong một lần nhà trường chiếu phim Thần thoại ở giảng đường một trăm năm tuổi. Lúc đó, anh đứng trên sân khấu chỉ cách chỗ tôi ngồi chừng hai mét, mặc bộ đồ màu trắng mà mọi người vẫn thường mặc những lúc luyện tập thái cực quyền, tóc đen nhánh, và nụ cười thân thiện luôn thường trực trên môi. Chuyện thứ hai là, cũng trong một buổi chiếu phim, tôi đã gặp anh Lý Liên Kiệt, anh còn biểu diễn một đoạn võ thuật ở ngay tại đó làm tôi cảm thấy rất "đã" mắt. Chuyện thứ ba và cũng là chuyện quan trọng nhất mà tôi từng trải qua là tôi có may mắn tham gia vào chương trình "Khai mạc diễn đàn nhân vật kinh tế của năm" được tổ chức tại Đại học Bắc Kinh vào cuối năm 2005, ở đó tôi gặp Phan Cương, chủ tich Tập đoàn Doãn Lợi và Lưu Tường, quán quân Olympic. Tôi còn may mắn bốc trúng phần thưởng dành cho khán giả, được bước lên sân khấu và được họ tặng một hình Bé Phúc (*), Lưu Tường ký tặng tôi ngay tại đó, tôi còn nghe bài diễn thuyết của Lý Ngạn Hoằng và Mã Vân tại buổi khai mạc diễn đàn, và có đặt câu hỏi cho Lý Ngạn Hoằng. Về sau, CCTV2 phát sóng chương trình này, rất nhiều câu hỏi ở hiện trường hôm đó đều bị cắt, chỉ riêng câu hỏi của tôi được phát sóng, mẹ gọi điện từ nhà lên, xúc động nói với tôi rằng, bà nhìn thấy tôi trên tivi.
(*) Bé Phúc là linh vật của Olympic Bắc Kinh năm 2008
Những chuyện như gặp được người nổi tiếng, được tặng chữ ký hay được lên tivi đều không quan trọng, cảm xúc quan trọng nhất mà tôi cảm nhận được sau khi tham gia các hoạt động này là thế giới thật rộng lớn.

Ngày trước học tập và phấn đấu ở thành phố của mình, tôi chỉ biết thế giới bên ngoài rất lớn, phong cảnh bên ngoài rất đẹp, hy vọng sớm được ra ngoài xông xáo, ngoài ra không biết rốt cuộc thế giới đặc sắc như thế nào. Sau tất cả những gì trải qua ở Đại học Bắc Kinh, thế giới ấy mới thật sự hình thành trong đầu tôi, hình ảnh của nó hiện lên chân thực trước mắt tôi như thế này: Chính tai tôi nghe anh Thành Long nói: "Nếu có ước mơ, bạn hãy dũng cảm nắm bắt nó"; chính tai tôi nghe anh Lý Liên Kiệt chia sẻ anh đã thay đổi nhân sinh quan sau khi chứng kiến thảm cảnh sóng thần ở Maldives; chính tai tôi nghe Mã Vân kể anh kiên định vượt qua từng bước đi gian nan như thế nào trên con đường sáng lập Tập đoàn Alibaba bắt đầu từ khi anh tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Anh; chính tay tôi nhận cuốn Cạnh tranh kinh doanh ở Thung lũng Silicon do đích thân Lý Ngạn Hoằng trao tặng và nghe anh kể làm sao anh từ bỏ tất cả những gì mình đang có ở Mỹ để trở về nước gây dựng cơ nghiệp, không sợ khó, không sợ khổ, thực hiện lời hứa của anh với chính bản thân mình từng chút một.

Trước đây tôi cũng biết đến những câu chuyện này, có điều bản thân tôi chưa từng trải qua những việc tương tự. Cảm giác gặp trực tiếp nghe danh nhân diễn thuyết khác hẳn cảm giác nghe họ nói trong đĩa CD. Những người có mặt tại khán đài luôn có cảm xúc xúc động, thật khó diễn tả bằng lời. Tất cả các danh nhân đều truyền tải một thông điệp chung: Họ cũng từng là những người rất đỗi bình thường, cũng từng băn khoăn, do dự, cũng từng thất bại và cũng từng gặp phải những sự đả kích, khó khăn trắc trở rất lớn, nhưng họ vẫn kiên trì theo đuổi ước mơ của mình, trước sau không hề dao động. Họ chưa bao giờ để ý đến chuyện người khác cười nhạo hay chế giễu mình, họ chỉ ôm trọn ước mơ, ngày ngày miệt mài đặt từng dấu chân vững chãi trên con đường tiến về phía trước. Để rồi cuối cùng có một ngày, họ thành công.

Danh nhân nghĩ như vậy, và sinh viên Đại học Bắc Kinh ở xung quanh tôi cũng nghĩ như vậy. Mẹ thường nói: "Hầu hết những người xuất sắc trở nên xuất sắc là vì họ từng phấn đấu. Con không nên chỉ nhìn vào những ánh hào quang lấp lánh bên ngoài con người họ ngày hôm nay, con cần phải học tập sự cần cù chịu khó mà họ đã bỏ ra ngày hôm qua. Con nên nhớ, đằng sau mỗi người thành công chắc chắn còn có một câu chuyện mà mọi người vẫn chưa biết đến." Tôi nghĩ, sở dĩ những sinh viên Bắc Kinh có thể đỗ vào trường này chính là nhờ vào những nỗ lực họ đã bỏ ra ban đầu. Khi tôi trốn học, ôm quả cầu lông ra ngoài đánh cầu lông, bọn họ đang học; khi tôi nằm bò trước máy điện tử chơi trò giải phóng mặt bằng thỏa thê mê mệt, bọn họ đang học; khi tôi ngủ gật, viết thơ, truyền giấy trong giờ học, bọn họ đang học; khi tôi bùng giờ lớp học thêm, ngày ngày giết thời gian ở tiệm internet, bọn họ đang học. Và quan trọng hơn là, bọn họ cũng từng phiền muộn, từng gặp trắc trở, từng hoang mang, và cũng từng thất bại, nhưng dù thế nào, bọn họ cũng vẫn tiếp tục kiên trì. Để rồi cuối cùng họ thành công.

Nhưng còn tôi? Những lựa chọn khó khăn mà tôi gặp trước mắt đã là gì? Dù so sánh với những đại minh tinh hay là so sánh với những người dân bình thường đi chăng nữa, chút khó khăn đó của tôi, thật chẳng đáng nói đến. Chỉ vì một thất bại nhỏ trong kỳ thi GRE mà tôi muốn từ bỏ ước mơ du học mà mình ấp ủ bấy lâu ư? Nếu từ bỏ, tôi có thể đi được bao xa trên con đường du học? Cho dù tương lai tôi thật sự ra được nước ngoài, thì với tư tưởng này, liệu tôi có thể kiên trì trong bao lâu? Áy náy, hổ thẹn, tôi cảm thấy mình thật sự quá yếu đuối.

Vào cuối học kỳ, tôi quen rất nhiều bạn cùng học ở Đại học Bắc Kinh. Họ không những chăm chỉ chịu khó, mà còn có định vị và quy hoạch rất rõ ràng cho cuộc đời của mình. Bất kể mục tiêu của họ là gì, khi nói chuyện cùng họ, tôi cũng đều cảm nhận rất rõ sự kiên định đang chảy trong họ. Họ hỏi tôi muốn làm gì sau khi tốt nghiệp, tôi do dự hồi lâu, rồi mới lí nhí trả lời là tôi muốn đi Mỹ du học cao học, lúc đó thật sự tôi rất sợ họ sẽ cười nhạo tôi. Nhưng không, họ làm tôi ngạc nhiên bởi họ không những không cười nhạo, ngược lại còn khích lệ tôi cần phải kiên trì theo đuổi ước mơ của mình. Họ bảo tôi, cho dù bạn từ đâu tới, cho dù bạn bình thường thế nào đi nữa, thì về ước mơ, tất cả mọi người đều bình đẳng như nhau. Cho dù bạn cảm thấy bản thân mình nhỏ bé nhường nào, bạn vẫn có quyền theo đuổi ước mơ cao quý. Chỉ khi dám ước mơ, bạn mới có cơ hội thực hiện được ước mơ bằng chính sự nỗ lực của mình. Nếu như ngay đến cả ước mơ bạn cũng chẳng dám nghĩ tới, vậy thì chẳng phải là bạn không có mảy may xác suất thành công nào ư?

Tôi chợt tỉnh ngộ. Thì ra, từ trước tới giờ, tôi vẫn luôn có thái độ lệch lạc: Do ban đầu thi đại học, tôi không đỗ được vào một ngôi trường nổi tiếng trong nước giống như những người bạn học của mình, nên tôi vẫn luôn cảm thấy tự ti, kể cả khi tới Đại học Bắc Kinh học rồi, tôi cũng vẫn ngại ngùng, nói với mọi người rằng, tôi chỉ là sinh viên diện trao đổi mà thôi. mặc dù ở trường của tôi, tôi đứng thứ nhất toàn khoa, nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy mình còn kém xa những bạn học giỏi tại ngôi trường danh giá này. Bởi vậy, tôi không thể nào thoát khỏi sự trói buộc của tâm lý tự ti ấy, khi có ước mơ đi du học, tôi cũng vẫn không thể dũng cảm theo đuổi nó, ở sâu thẳm đáy lòng mình, tôi không tin mình thực sự có thể làm được. Nhưng, sau thời gian học tập ở Đại học Bắc Kinh, cuối cùng tôi cũng hiểu ra, những hối hận và thất bại trong quá khứ không thể thay thế cho tương lai, cũng không thể quyết định tương lai. Phấn đấu không bao giờ là muộn. Chỉ cần hạ quyết tâm, lấy hết dũng khí theo đuổi ước mơ, thì tôi vẫn có cơ hội thực hiện được ước mơ của mình giống như các bạn khác! Sau những gì trải qua ở Bắc Kinh, tôi hiểu rằng, ước mơ của mình thuộc về mình, chỉ có mình mới có quyền nói "Có" hay "Không" với nó. Việc mình có thể thực hiện được ước mơ hay không, căn bản không được quyết định bởi sự phủ định hay hoài nghi của người khác.

Tuy tôi chỉ học ở Đại học Bắc Kinh bốn tháng, nhưng điều đó đã giúp tôi xây dựng lại nhân sinh quan và giá trị quan của mình. Tôi cho rằng tất cả những gì tôi đã trải qua ở Đại học Bắc Kinh đã cứu rỗi tôi, cứu rỗi ước mơ của tôi. Nó không những giúp tôi kiên định theo đuổi những ý nghĩ mình đặt ra trước đây, mà nó còn khiến tôi ngộ ra nhiều đạo lý mà tôi vốn dĩ không hiểu. Bởi vậy, tôi biết ơn Đại học Bắc Kinh, biết ơn môi trường đó đã cho tôi tầm nhìn, can đảm và cả sự tự tin.

Mùa đông năm ấy rời xa Bắc Kinh, tôi đưa ra hai quyết định vô cùng quan trọng. Một là, tuyệt đối không được nhắc lại hai chữ "từ bỏ"; hai là, thi cao học trước rồi mới đi du học. Không sai, tôi muốn thi cao học vào một trường đại học tốt hơn ở trong nước, một mặt cho tôi đủ thời gian suy nghĩ rõ ràng tất cả những nghi hoặc trong lòng về việc đi du học, mặt khác tôi có thời gian tích lũy kinh nghiệm, "nếm mật nằm gai", lấy việc học cao học ở một ngôi trường tốt trong nước làm bàn đạp cho việc nộp hồ sơ xin vào một trường đại học hàng đầu của Mỹ! Cho dù con đường này rất dài, rất rắc rối, rất gian nan và rất vất vả, cho dù tôi không biết rốt cuộc làm vậy tôi có thể đi hết con đường này hay không, nhưng tôi quyết định thử dũng cảm một lần. Nếu không thử, thì làm sao tôi biết được mình có thể đi hết con đường hay không?

——————————————

strongerle:

Mã Vân chính là Jack Ma của Alibaba, rất nổi tiếng. Còn về Lý Ngạn Hoằng, cá nhân mình nghĩ Lý Ngạn Hoằng ở trong cuốn sách này chính là Lý Ngạn Hoành của Baidu.

Sóng thần ở Maldives: Ngày 26 tháng 12 năm 2004, Maldives đã bị tàn phá bởi một trận sóng thần sau trận . Chỉ chín hòn đảo thoát khỏi cơn sóng thần này, trong khi năm mươi bảy hòn đảo phải chịu những thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng, mười bốn hòn đảo phải sơ tán hoàn toàn, và sáu hòn đảo thiệt hại một phần mười nhân mạng. Hai mươi mốt hòn đảo du lịch khác bị buộc phải đóng cửa vì những thiệt hại vật chất. Tổng thiệt hại ước tính hơn 400 triệu dollar hay khoảng 62% GDP. Tổng cộng 108 người, gồm cả sáu người ngoại quốc, được thông báo đã thiệt mạng trong cơn sóng thần. Những con sóng cao nhất lên tới 14 feet. (Nguồn: .) Lúc này Lý Liên Kiệt cùng con gái đang đi nghỉ lễ tại đây. .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro