Thi cao học: Đã thi phải thi trường tốt nhất

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Thi cao học: Đã thi phải thi trường tốt nhất – Học viện Phiên dịch Cao cấp, tôi tới đây!

Sau khi xác định cho mình mục tiêu thi cao học, tôi không còn cảm thấy hoang mang nữa, cảm giác cô độc và cảm giác trống rỗng trước đó cũng lập tức biến mất. Để chào mừng cuộc sống mới, tôi chạy ra tiệm internet, lên trang Sina, lập một cái blog, đặt tên là Nơi cư trú của Koala Xiaowu. Thời điểm đó, blog mới nổi lên, tôi quyết định chạy theo trào lưu của thời đại, ghi chép quá trình phấn đấu của mình qua phương thức viết blog. Tôi nhắc nhở bản thân mình, lần này phải nỗ lực thực sự. Tôi cũng hứa với bản thân mình rằng, từ nay về sau trong lòng phải tin tưởng chính mình, tin tưởng vào ước mơ của mình, bất luận người khác nói gì hay làm gì, bất luận gặp khó khăn, trở ngại hay thất bại gì, cũng đều phải kiên trì. Tôi ghi nhớ thật kỹ tất cả những gì mình đã trải qua và đã cảm nhận được tại Bắc Kinh, lúc nào cũng dặn mình: tuy con đường du học gian nan, trắc trở, nhưng chỉ cần kiên trì không từ bỏ mục tiêu, nhất định sau này sẽ có một ngày mình đạt được ước nguyện! Việc cần làm hiện giờ là coi con đường học cao học ở trong nước giống như "đường vòng cứu nước", chỉ khi đặt được một bước đi vững chắc này, mình mới có thể thực hiện được ước mơ đi di học!

Từ đây, tôi bắt đầu chọn trường thi cao học. Vì tôi học chuyên ngành tiếng Anh, nên tôi quyết định chọn thi cao học vào một trường đại học ngoại ngữ. Thông thường sinh viên chuyên ngành tiếng Anh có ba hướng thi cao học chủ yếu: Phiên dịch, văn học và ngôn ngữ học. Tôi hoàn toàn không có hứng thú với hai phương hướng sau, tôi chỉ có hứng thú với hướng đi thứ nhất, vì vậy tôi xác định học cao học tiếng Anh chuyên ngành tiếng Anh phiên dịch. Theo bảng xếp hạng các trường đại học ngoại ngữ trong cả nước lúc bấy giờ, chuyên ngành phiên dịch của trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh đứng thứ nhất. Tôi nghĩ, không thi thì thôi, đã thi thì phải thi trường tốt nhất. Bởi vậy nên, tôi dứt khoát xác định mục tiêu thi cao học của mình là Học viện Phiên dịch Cao cấp thuộc trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh.

Người xưa nói, biết mình biết ta trăm trận trăm thắng. Muốn thành công trong một lần ra trận, nhất định phải bắt đầu từ việc nghiên cứu kỹ "tình hình quân địch", cho nên tôi quyết định trước hết phải bắt tay tìm hiểu Học viện Phiên dịch Cao cấp. Lần đầu tiên ra tiệm internet, tôi tra ra rất nhiều thông tin liên quan đến Học viện Phiên dịch Cao cấp, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh. Đúng là không tra không biết, tra ra thì giật nảy mình, Học viện Phiên dịch Cao cấp không hổ danh là học viện đứng đầu cả nước về chuyên ngành tiếng Anh, tỷ lệ học viên trúng tuyển vào trường rất thấp. Tôi nhảy vào các diễn đàn thi cao học ngó nghiêng, thấy mọi người đều bàn luận thi cao học học viện Phiên dịch Cao cấp cực kỳ khó, mỗi năm có mấy chục nghìn thí sinh đăng ký dự thi, nhưng chỉ có mấy chục người may mắn trúng tuyển. Tôi báo cho Cá Béo Ướp Muối biết số liệu khủng khiếp ấy, thế mà bạn ấy vẫn còn cổ vũ tôi: "Từ khi thành lập Học viện Phiên dịch Cao cấp đến nay, số người thi đỗ vào trường này cũng lên tới một nghìn tám trăm người rồi đúng không? Những người trúng tuyển đó cũng là con người, trong đó không thiếu gì con gái, bọn họ đều là những cô gái khả ái, chứ cũng chả phải là 'Diệt Tuyệt sư thái'. Bọn họ có thể thi đỗ, cậu dựa vào đâu mà nói mình không thể thi đỗ?" Lời Cá Béo Ướp Muối nói đã tiếp cho tôi rất nhiều sức mạnh, Tôi lập tức phấn chấn lên: "Đúng vậy, người khác có thể thi đỗ, cớ sao mình lại không thể thi đỗ? Mình nhất định phải có lòng tin vào bản thân, không thể bị kẻ địch dọa chết khiếp trước khi mở màn khai chiến được."

Vào tháng ba, học kỳ II năm thứ ba đại học, để hiểu ngọn ngành về Học viện Phiên dịch Cao cấp và cũng là để nắm bắt thông tin thi cử, tôi cất công đi tàu hỏa đến Bắc Kinh một lần nữa, khảo sát tình hình thi cao học vòng hai của Học viện Phiên dịch Cao cấp năm đó, và tôi cũng muốn nhân cơ hội này học hỏi kinh nghiệm ôn tập của các học viên cao học và anh chị sinh viên tham gia thi vòng hai. Chuyến đi đó có thu hoạch rất lớn, ngoài việc các tiền bối cởi mở chia sẻ kinh nghiệm ra, bọn họ còn bảo tôi, quá trình nâng cao kỹ năng dịch rất cực khổ, điểm quan trọng nhất là cần phải kiên trì luyện tập không ngừng nghỉ. Bọn họ đều nói, thật ra thì vào Học viện Phiên dịch Cao cấp cũng không khó như mọi người đồn đoán, chẳng qua là rất ít người có thể kiên trì ôn tập mà thôi.

Trên chuyến tàu trở về thành phố của mình, tôi luôn trăn trở suy nghĩ: có lẽ thi vào Học viện Phiên dịch Cao cấp cũng không khó như mình nghĩ, nó vẫn nằm trong tầm với của mình, giống như đạo lý trèo lên mái nhà: tuy rằng mái nhà rất cao, nhưng nếu bạn cố gắng đi bằng mũi chân, thì nhất định sẽ trèo lên được. Tôi không ngừng khích lệ bản thân: thời gian vô cùng quý báu, một khi đã hạ quyết tâm rồi, đã đưa ra lựa chọn rồi, thì tuyệt đối không được tiêu phí thời gian lo lắng những chuyện đâu đâu, không được suốt ngày suy nghĩ, bị đả kích rồi dao động bởi những câu hỏi đại loại như: "Rốt cuộc mình có thi đỗ được không?" – vì những sự hoài nghi này chẳng những không có bất kỳ giá trị thực tế nào, mà ngược lại còn ăn mòn niềm tin của mình. Kẻ địch đang ở trước mắt, nhất định phải nói với bản thân mình rằng: Thi, nhất định thi đỗ, vấn đề là phải thi như thế nào! Dành tâm trí suy nghĩ xem mình nên thi "như thế nào" còn hơn là suy nghĩ xem mình "có đỗ không"!

Sau khi chính thức bước vào giai đoạn ôn thi cao học, tôi cũng tiến hành ôn tương tự như khi tham gia các kỳ thi khác. Trước tiên, tôi tìm hiểu một lượt đề thi cao học của các năm, làm rõ cấu trúc đề thi và nội dung thi, sau đó lập kế hoạch ôn tập. Tôi nghe các học viên đang học cao học trong Học viện Phiên dịch Cao cấp nói, đọc tạp chí The Economist rất có ích cho kỳ thi, vì thế tôi mua từ Bắc Kinh về rất nhiều số đã phát hành của The Economist. Hàng ngày, tôi dành ba đến bốn tiếng buổi sáng đọc các bài viết trong cuốn tạp chí liên quan đến một số nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Nga, và luyện dịch. Lúc mới bắt đầu đọc cuốn tạp chí này, tôi cảm thấy lối hành văn bên trong vừa dài dòng vừa lủng củng, còn những câu tôi dịch ra thì vừa kỳ cục vừa trúc trắc. Về sau, qua một người bạn cùng ôn thi cao học, tôi được biết, nếu mình không biết dịch thì có thể đọc English Digest (Trích dịch Anh văn), vì cuốn này trích dẫn một số bài viết hay trên các tập san nước ngoài rồi dịch sang tiếng Trung, ngoài ra họ còn phân tích tổng kết những câu mang thông tin trọng điểm. Tôi liền chạy ngay ra hiệu sách mua bản hiệu đính của cuốn English Digest, luyện dịch Trung – Anh, Anh – Trung hết bài này đến bài khác.

Bắt đầu từ tháng Ba, tôi sắp xếp thời gian của mình như sau: Sáng sớm mỗi ngày nghe đài luyện Extensive Listening và luyện đọc, sau đó đọc tạp chí The Economist. Buổi trưa học từ vựng, buổi chiều luyện dịch Trung – Anh, Anh – Trung dựa vào cuốn English Digest. Buổi tối luyện Intensive Listening theo cuốn Nhập môn nghe tiếng Anh và ôn tập ngữ pháp. Tôi không ngờ, luyện dịch còn vất vả hơn cả luyện nghe hay luyện nói. Mới đầu luyện dịch, tôi dịch mỗi câu đều rất chật vật, nghĩ nát óc mới dịch được một bài mà mình tự cảm thấy là rất tốt, hí hửng mở cuốn English Digest ra, đối chiếu bản dịch của mình với bản dịch trong sách, rồi sau đó tôi vỡ mộng. Bất luận là về dùng từ hay là về cấu trúc câu, bản dịch của họ đều đúng, đều hay. Mất một thời gian dài, tôi luẩn quẩn suy nghĩ: những bài dịch trong English Digest là của một người dịch ra hay là kết qủa làm việc chung của cả một tập thể? Sau mỗi lần bị đả kích, niềm tin của tôi lại tụt xuống đáy, tôi không khỏi cho rằng, dịch thuật là một con đường vừa gập ghềnh khúc khuỷu vừa không có điểm cuối, dù mình luyện tập bao nhiêu lâu cũng vẫn không đạt tới trình độ dịch của cao nhân.

Cuối tháng tư, tôi học rất mệt, tôi nghĩ mình đọc báo, đọc tạp chí, nghe đài, luyện dịch cũng được một thời gian dài rồi, vậy mà vẫn không thấy thành quả đâu. Tôi nhớ, ngày trước ôn thi Tiếng Anh chuyên ngành cấp 4 và GRE, tôi đều có thể làm đề thi, dù đúng dù sai cũng có một đáp án đúng rõ ràng ở đó. Học từ vựng cũng như vậy, trong lòng tôi biết rất rõ là mình học thuộc từ vựng rồi hay là chưa. Còn ôn thi vào Học viện Phiên dịch Cao cấp là phải nâng cao kỹ năng dịch, mà việc nâng cao kỹ năng dịch lại tiến triển rất chậm, không thể có hiệu quả trong ngày một ngày hai. Huống chi, dịch thuật là thứ mỗi người một ý, có thể dịch thế này, mà cũng có thể dịch thế kia, bạn cảm thấy mình dịch rất hay rồi nhưng vẫn luôn có cách dịch hay hơn thế, đó chính là ý nghĩa của câu: "Không có tốt nhất, chỉ có tốt hơn." Thế nên, lúc đó tôi cảm thấy càng học càng chán.



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro