TRƯƠNG CÔNG TỪ - PHẦN 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Dịch - Biên tập: Triết Lam Ngụy Thần

1.
Thị trấn bên ngoài trung tâm thành phố, có một vài sơn thôn dựa vào vách núi mà dựng lên, trong đó có một sơn thôn, cửa thôn có một từ đường cổ. Từ đường cổ này được xây dựng vào niên đại nào thì không ai biết, cổng tháp là mái ngói màu xanh, dưới mái hiên dựng thành như ý đấu củng (1), trên bức hoành gỗ phù điêu (2) có rất nhiều loại hoa văn màu sắc, được chạm khắc Long Phượng Bát Tiên, Song Long Hí Châu (3), sinh động như thật, trong nội viện có một cái hồ hình bán nguyệt, đường kính trái phải năm mét, ngoài hồ có mấy chục mét khoảng trống. Ngoài trước viện còn có khối bia đá xanh, đề ba chữ thật lớn "Trương Công Từ" (4), mặt sau bia đá có nét chữ nhỏ, pha tạp dấu vết loang lổ, không thể tra được. Chủ nhân của từ đường tên gọi Trương Nghiệp Kiến, làm việc tại Văn phòng Quản lý Thương Khâu văn vật (5), ông tự mình nuôi dạy con gái, Trương Nhược Nam. Trương Nhược Nam năm nay đang học cao trung năm thứ ba (6), bình thường ở lại trường học trong trấn mà nghỉ ngơi, trừ kỳ nghỉ Đông và Hè, bình thường một tháng cô mới trở về nhà một hai lần.

Từ khi có ký ức, Trương Nhược Nam không thích ở trong từ đường. Mặc dù đây là tổ nghiệp gia truyền, nhưng cô luôn cảm thấy bên trong từ đường có chút âm trầm. Nhiều năm qua vì mưa gió ăn mòn, lớp ngói mái hồi (7) từ đường vểnh lên trở nên lụp xụp, khung xà nhà xuất hiện sự tổn hại, quan trọng hơn, cha của cô không bao giờ cho phép cô bước vào bên trong sảnh chính từ đường, nằm ở tận cùng bên trong phòng, khi còn bé vì ham chơi và hiếu kỳ, vừa mới bước chân vào phòng chính chừng mấy bước, một cái tát tay của cha ập vào mặt cô. Sau này khi lớn lên một chút, cô lấy hết can đảm hỏi cha của mình vì sao cô không thể bước vào bên trong sảnh chính.

Trương Kiến Nghiệp lạnh lùng nhìn cô: "Trong nhà có tổ huấn, không cho phép phụ nữ bước vào bên trong."

Phụ nữ đã làm sao? Trương Nhược Nam im lặng suy nghĩ, đây đã là thế kỷ hai mươi mốt rồi, cha cô hình như tư tưởng vẫn còn dừng lại ở thời cổ đại, hơn thua với ông cũng là hơn phần tri thức. Cha tính tình cổ quái, đối với cô một mực lãnh đạm, trừ ăn cơm quần áo mặc bên ngoài ra, những chuyện khác ông không hỏi đến nhiều.

Sau khi làm việc, sự nhiệt tình của ông hình như toàn bộ đều dùng cho việc giữ gìn từ đường và thờ cúng bề trên: Mỗi ngày đều quét dọn đình viện, thay các mảnh gỗ hư của song cửa sổ và ngói lưu ly, mời người đến diệt mối, cách một năm cho nghệ nhân đến tô lại màu sắc tượng thần, chính là tượng thần trong căn phòng mà cô không thể bước vào. Cô thừa dịp cha không có ở nhà, trộm lấy chìa khóa đi vào, lần lượt mở hai cánh cửa gỗ, lách qua các trụ thạch và lớp lớp màn che, cuối cùng mới nhìn thấy ba tượng thần được thờ phụng bên trong: Ở giữa là vị kim giám áo bào đỏ, gương mặt nho nhã, bên tay trái là võ tướng râu dài, tay giương cung liễu, bên tay phải là một quan văn mặc trường bào đang đứng đấy. Phía trên tượng thần có một tấm kim biển, trên mặt viết "Càn khôn chính khí". Thật là nhàm chán vô vị, toàn bộ hứng thú của Trương Nhược Nam đều bị quét sạch, bĩu môi một cái, quay người bỏ đi.

Mỗi khi đến Thanh Minh, Tết Trung Nguyên (8), lúc Đông chí và cuối năm, những người cậu bác bình thường không gặp đều tụ hội về một nhà, giết dê mổ lợn, thắp hương đốt nến, ba quỳ chín lạy, ở trong phòng long trọng làm lễ. Trương Nhược Nam sẽ được cha gọi từ trường về nhà, phụ giúp việc vặt bên ngoài. Kết thúc lễ cúng, những người đàn ông trên bàn nâng ly cạn chén, Trương Nhược Nam ở phòng bếp ăn đồ ăn nguội lạnh. Dựa theo quy củ, cô không thể ngồi bàn trên.

Sau khi kết thúc kỳ tuyển sinh đại học, Trương Nhược Nam quay trở về từ đường, buổi sáng xem sách Anh ngữ, buổi chiều liền mang mấy quyển tiểu thuyết ngôn tình ở trong nội viện mà đọc, chờ cha cô tan làm trở về. Có một ngày cô chợt nghe thấy âm thanh gõ cửa. Cô mở cửa lớn, đứng trước cửa là một người phụ nữ, toàn thân mặc đồ thể thao, mang theo kính râm và mũ che nắng cỡ lớn, trên cổ đeo chiếc máy chụp hình, sau lưng đeo một chiếc balo leo núi.

Người phụ nữ kia tháo kính râm xuống, cười với Trương Nhược Nam một tiếng: "Chào cô bé, tôi tên Hoàng Anh Nga, đến đây du lịch. Thấy nhà cô cổ xưa tao nhã, tôi vô cùng thích thú, tôi có thể đi vào tham quan không?"

Trương Nhược Nam cảm thấy hơi khó xử, có những du khách thường xuyên giống như vậy, yêu cầu được đến viếng thăm từ đường, cha cô vui buồn thất thường, khi tâm tình vui vẻ sẽ để mọi người vào viện tham quan một chuyến, tâm tình không vui liền trực tiếp đóng cửa từ chối không tiếp. Hiện tại cha cô rất nhanh sẽ trở về, nếu như cô tự ý quyết định, sợ sẽ lại bị mắng.

Hoàng Anh Nga thấy cô do dự, hỏi rõ tình hình, vui vẻ cười một tiếng: "Vậy tôi ở chỗ này đợi cha cô về một lúc, nếu như ông không đồng ý cho tôi tham quan, tôi sẽ rời đi."

Trương Nhược Nam nhìn người phụ nữ nói năng lịch sự nhỏ nhẹ, không giống người xấu, liền mang ra một băng ghế ngồi, rót cho đối phương một cốc nước. Cô đánh giá Hoàng Anh Nga, nhìn dáng người thướt tha, sóng mắt lưu chuyển, nhìn xem xung quanh mà vui vẻ, là một mỹ nhân.

Chỉ một lúc sau cha cô trở về, Hoàng Anh Nga thoải mái nói rõ lý do đến đây, Trương Kiến Nghiệp vui vẻ đồng ý. Ngoại trừ phòng chính ở bên ngoài, những căn phòng khác Hoàng Anh Nga đều đi vào tham quan một lượt, sau đó lấy máy ảnh ra, hướng trước sân sau nhà chụp thật nhiều ảnh thạch điêu, gỗ khắc, đường đá, trụ đá, bên cạnh đó còn tán thưởng không thôi. Trương Kiến Nghiệp cùng cô trò chuyện biết được cô là giáo viên Lịch Sử tại trường trung học Thực Nghiệm Thương Khâu, cô học đại học ngành học khảo cổ, đối với kiến trúc cổ đặc biệt có hứng thú, nhân dịp nghỉ hè đi đến các khu vực xung quanh du lịch, không nghĩ đến bất ngờ phát hiện được từ đường cổ này.

Sắc trời đã tối, Hoàng Anh Nga đứng dậy chào tạm biệt, cô thuận miệng hỏi: "Tôi thấy từ đường lớn như thế, có mười mấy gian phòng, mà chỉ có một nhà ba người các ông ở thôi sao?"

Trương Kiến Nghiệp có chút xấu hổ, nói: "Tôi cùng con gái ở đây, vợ tôi đã mất từ sớm đã nên chỉ còn lại hai cha con."

Hoàng Anh Nga liên tục nói xin lỗi, cô do dự một hồi, nói: "Tôi có một yêu cầu quá đáng, không biết ông có thể đáp ứng không?"

Trương Kiến Nghiệp nói: "Cô quá khách sáo, hay là nói thẳng đi."

Hoàng Anh Nga nói: "Luận văn tốt nghiệp tại đại học của tôi chính là nghiên cứu kiến trúc cổ, khi ấy điều kiện có hạn, không có cách nào thật tốt để nghiên cứu thực địa. Các ông nói từ đường này, từ chọn tạo hình, bối cảnh phong thủy đến môn bãi, ngõ hẻm, tường phòng, trù tính quy hoạch (9) đều rất đặc biệt. Kiến trúc kiểu Pháp với điêu khắc tranh sơn mài trang trí cũng rất hiếm gặp, tôi hi vọng có cơ hội có thể ở lại đây nghiên cứu viện trạch cổ này, có thể hay không tôi xin ở lại đây một hai tháng? Tiền thuê nhà tôi sẽ không trả thiếu một đồng nào."

Trương Kiến Nghiệp có chút do dự: "Tôi sẽ cân nhắc lại trước. Đương nhiên là có thể."

Hoàng Anh Nga nở nụ cười xinh đẹp, lưu lại số di động, tạm biệt rời đi.

Trước khi trời vào tối, Trương Nhược Nam đã đến phòng cha mình, hỏi: "Cha muốn cho dì Hoàng đến đây ở sao?"

Trương Kiến Nghiệp không ngần đầu lên, nói: "Ta vừa mới cùng cô ấy gọi điện thoại, cô ấy đồng ý và hứa chỉ ở lại một thời gian. Hai tuần sau sẽ đến Tết Trung Nguyên, phải chuẩn bị tế lễ, còn sửa chữa phòng ở một chút, có nhiều chỗ bị dột mưa. Ta đã xin đơn vị nghỉ ở nhà một tháng, con không cần phải lo lắng."

Trương Nhược Nam một lúc sau mới nói: "Cha, cha đây là muốn tìm mẹ kế cho con sao?"

Trương Kiến Nghiệp ngẩng đầu, thần sắc có chút bối rối: "Con nói bậy cái gì đó?"

Trương Nhược Nam quay người rời đi: "Con không còn là con nít, cái gì cũng đều hiểu."

Trương Kiến Nghiệp há hốc mồm, cũng không nói được gì.

Ngày thứ hai Hoàng Anh Nga mang theo hai túi du lịch lớn chuyển đến, Trương Kiến Nghiệp đã sắp xếp cho cô ở dãy phòng phía Đông. Hoàng Anh Nga tiến vào, thấy gian phòng sáng sủa sạch sẽ, trên giường đệm chăn trắng tuyết mới tinh, vô cùng hài lòng. Trương Kiến Nghiệp căn dặn cô không được tiến vào phòng chính, Hoàng Anh Nga một lời đồng ý. Hoàng Anh Nga thu xếp xong mọi thứ cũng đã là giữa trưa, cô đi xuống phòng bếp, xung phong đảm nhận việc nấu bốn món ăn, một tô canh, một nồi cơm, cha con hai người họ Trương ăn say sưa ngon lành. Từ nay về sau Hoàng Anh Nga liền nhận hết nhiệm vụ nấu nướng, trù nghệ của cô vô cùng giỏi, từ điển món ăn Nam Bắc đều tinh thông, mỗi ngày nấu cơm đều không giống nhau, Trương Kiến Nghiệp dùng bữa mà khen không dứt lời. Ngay từ đầu trong lòng Trương Nhược Nam đối với dì ấy vẫn còn mang mâu thuẫn, sau vài bữa cơm cũng không thể nói gì hơn. Mỗi ngày lúc không nấu cơm, Hoàng Anh Nga sẽ ở trong sân đi tới đi lui, chụp ảnh hoặc ký họa, hoặc là làm một vài quyển sách ghi chú.

Một lần Trương Nhược Nam tò mò đi đến, nhìn văn tự cô viết nhã nhặn và sạch đẹp, lại là chữ phồn thể, liền hỏi: "Dì vì sao không viết chữ giản thể, nhiều nét phiền phức như vậy".

Hoàng Anh Nga cười cười: "Từ nhỏ luyện viết bút lông đã quen, nên viết sẽ thành phồn thể."

Hơn một tháng tiếp xúc đến nay, Trương Nhược Nam cảm thấy Hoàng Anh Nga tính tình dịu dàng, hiền lành chịu khó, thầm nghĩ nếu như dì ấy có thể làm mẹ kế của mình cũng không tệ, nghĩ lại cha cô tướng mạo bình thường, chỉ là một công chức phổ thông, gia sản chỉ có một cái trạch viện cổ cũ nát này truyền lại, lại là ở nông thôn, nhất định không thể trèo cao với đến người ta. Không ngờ đến một ngày nữa đêm, cha tìm đến cô, có chút xấu hổ nói mình cùng Hoàng Anh Nga bắt đầu kết giao, hi vọng cô có thể hiểu cho bọn họ. Trương Nhược Nam cảm giác ngoài ý muốn, ngũ vị trần tình (10) trong lòng có chút hỗn tạp, gật đầu tỏ ra đã hiểu, cô biết cho dù cô có phản đối cũng không có tác dụng gì.

Trong một đêm, trời nóng bức không gió, Trương Nhược Nam trằn trọc không ngủ được, bỗng nhiên nghe được tiếng hát trầm nho nhỏ từ trong viện truyền đến, cô đứng dậy từ bên trong cửa sổ nhìn ra ngoài, chỉ thấy Hoàng Anh Nga ngồi ở bên hồ nước, hai chân duỗi ra đong đưa trong hồ nước, hát một giai điệu mà cô chưa từng nghe qua, ca từ tao nhã, đặc biệt có hàm ý, mơ hồ nghe như thế này:

"Sau này từ biệt, hai nơi tương tư, nói là ba bốn tháng, ai ngờ lại là năm sáu năm, Thất Huyền cầm đánh vô tâm, thư Bát Hành không thể truyền, vòng Cửu Liên bẻ gãy từ đó. Mười dặm Trường Đình mắt trông mỏi mòn. Trăm loại oán hận, ngàn vạn nhớ nhung, vạn bất đắc dĩ mang oán hận chàng."

Trương Nhược Nam khoác áo lên, muốn đi ra ngoài tìm dì ấy trò chuyện. Đột nhiên chú ý đến gợn sóng phun trào trong hồ nước, tiếp đến một cái bọt nước hướng bên bờ mà bắn lên. Hoàng Anh Nga chậm rãi đứng dậy, quay người hướng về nội viện mà đi, dưới ánh trăng nhìn thấy mặt dì ấy tiều tụy, trên mặt có một tầng khí đen che lấy, dì ấy cứ bước dài trên nền đất, giống như bước qua những gợn sóng trong hồ. Hoàng Anh Nga chân bước nhẹ nhàng, trực tiếp hướng phòng chính mà đi, không thấy dì ấy đẩy cửa, cánh cửa phòng chính tự động mở ra, Hoàng Anh Nga lách người tiến vào. Bùn đất trong sân cuồn cuộn sôi như nước, Trương Nhược Nam không rõ vì sao, muốn xem kỹ càng, vừa bước ra khỏi phòng, một trận cuồng phong từ dưới đất cuốn lên, bụi đất trong viện tung bay. Trương Nhược Nam cảm thấy miệng đầy mùi tanh bùn đất, lại nhìn xuống đất, tất cả yên lặng như thường.

Trương Nhược Nam trong lòng hiếu kỳ, khẽ cắn môi theo vào phòng chính, đi một đường đến trong phòng, cô nấp sau tấm màn che, thò đầu ra quan sát. Vừa nhìn ra thần sắc thất kinh, chỉ thấy một sợi dây thừng trên xà nhà thòng xuống, Hoàng Anh Nga người trần như nhộng, bị trói chặt, treo ở trên sợi dây kia. Dì ta hướng mắt nhìn ba bức tượng thần kia, miệng thì thầm nói nhỏ, trong giọng nói tràn đầy oán hận. Trương Nhược Nam hoảng sợ hô lên một tiếng, chạy đến đó, muốn cứu dì ấy xuống. Hoàng Anh Nga nghe thấy tiếng động, quay về phía cô, mặt đầy máu tươi, đôi mắt chỉ còn lại hai hốc máu. Ngay cái nhìn đầu tiên thân người Trương Nhược Nam xụi lơ, ngã xuống đất ngất đi.

2.
Ngày thứ hai tỉnh lại, Trương Nhược Nam phát hiện mình nằm trên giường, cô đứng dậy chạy ra ngoài phòng, cha cô đang rửa mặt, Hoàng Anh Nga đang làm điểm tâm, mọi người đang chờ, hết thảy không có điểm dị thường nào. Trương Nhược Nam nhìn chằm chằm gương mặt Hoàng Anh Nga xem đi xem lại, lại đi đến trước cửa phòng chính nhìn thấy ổ khóa đồng trên cửa, lắc đầu một cái, đây là mình nằm mơ?

Thời gian nhanh chóng trôi qua, đã qua mấy ngày, ăn xong bữa sáng, Hoàng Anh Nga ra ngoài đi chợ, Trương Kiến Nghiệp ở trong viện, rầu rĩ không vui. Trương Nhược Nam nhịn không được hỏi: "Cha với dì Hoàng cãi nhau sao?"

Trương Kiến Nghiệp lắc đầu nói:"Không có, không phải việc của cô ấy. Con có cảm thấy viện tử nhà chúng ta có gì khác không?"

Trương Nhược Nam nhìn xung quanh nói: "Không có, nó vẫn như trước."

Trương Kiến Nghiệp cau chặt mày: "Không đúng, cảm giác không giống nhau, đã trở nên dơ bẩn, giống như phủ lên một lớp bụi. Đúng đã trở nên dơ bẩn."

Bỗng nhiên ông chạy vào phòng bếp, xách ra một thùng nước, dùng vải lau song cửa sổ, lầu son và cột nhà, thần sắc ông khẩn trương, mồ hôi toát ra trên trán: "Sắp đến tế tự, phải lau dọn sạch sẽ, không thể để mất mặt tổ tiên."

Động tác của ông càng lúc càng nhanh, mặt đỏ thở hơi hổn hển, trong miệng không ngừng lặp đi lặp lại: "Ngày mai sẽ là Tết Trung Nguyên, không thể mất mặt, không thể mất mặt."

Trương Nhược Nam nhìn thấy run sợ, lặng lẽ lui trở về phòng của mình.

Quét dọn cho lễ tế tự, xưa nay Trương Nhược Nam không động tay vào, lúc trước cô đưa ra ý kiến xin quét dọn phòng chính, liền bị cha mắng. Nghi thức tế tự rườm rà, đối với phụ nữ lại bài xích, khiến cô đối với loại sinh hoạt này chán ghét sâu sắc. Ngoại trừ ra ngoài ăn cơm, cô vẫn là trốn trong phòng đọc tiểu thuyết.

Trời chuyển về đêm, đêm tối yên tĩnh, Trương Nhược Nam đọc tiểu thuyết đến đêm đã khuya, cô để sách xuống, dụi dụi mắt, dự định đi ngủ. Cô vô tình nhìn thấy trong đại sảnh phòng chính lúc này đèn đuốc sáng trưng, một dáng người đang nằm trên sàn ra sức lau.

Cô thở dài ra khỏi phòng, đứng ở ngoài cửa phòng chính, cha cô đầm đìa mồ hôi quỳ trên mặt đất, miệng hô: "Hết rồi, bẩn rồi, đều xong hết rồi."

Trương Kiến Nghiệp thấy cô đi đến, chỉ xuống sàn nhà bên cạnh và nói: "Con nhìn xem, ai lại hư hỏng quá vẽ bậy lên những thứ này tấm gỗ?"

Trương Nhược Nam tiến lên mấy bước, nhờ vào ánh sáng cô nhìn thấy những dấu vết bầu dục trên tấm gỗ, Trương Kiến Nghiệp dùng sức lau mấy lần, dấu vết biến mất không thấy đâu nữa, một lúc sau lại chậm rãi xuất hiện, dấu vết màu đen có hình tròn, một số có hình phẳng dài như môi người.

Trương Nhược Nam sửng sốt một lúc, nói: "Có lẽ là vì thời tiết trời nóng ẩm, đường vân của gỗ bị thay đổi."

"Ha ha ha"
, Trương Kiến Nghiệp cười lạnh ngẩng đầu, chỉ lên trần nhà: "Vậy con xem kia là cái gì?"

Trương Nhược Nam ngẩng đầu lên nhìn, trần nhà, cột đá, khắp nơi trên tường đều là những dấu vết hình tròn, hình dẹp, mà dần dần tăng lên càng nhiều, Trương Nhược Nam kinh sợ hét lên một tiếng, những cái sẹo tròn màu đen kia như chớp nháy động đậy, giống như con mắt mà nhìn chằm chằm cô. dấu vết hình dẹp lớn dần rồi vỡ ra, lộ ra răng và đầu lưỡi, lao nhao phát ra tiếng người: "Các ngươi đều mau tiến vào đi."

Trương Kiến Nghiệp vứt đi khăn lau, muốn chạy ra ngoài, bỗng nhiên mặt đất giống như những gợn sóng trập trùng không ngừng, cuối cùng đem hai cha con cuốn vào phòng chính.

Chú thích:
(1) Đấu củng: Một loại kết cấu đặc biệt của kiến trúc Trung Hoa, gồm những thanh ngang từ trụ cột chìa ra gọi là củng và những trụ kê hình vuông chèn giữa các củng gọi là đấu. 

(2) Hoành gỗ phù điêu: 

a. Hoành: Trong hoành (nằm ngang) phi (phô bày), tấm bảng có hình thức trình bày theo chiều ngang, được treo trên cao ở các gian thờ tại đình miểu, chùa hoặc tại từ đường, thường được làm bằng gỗ. 

b. Phù điêu: Hình thức đắp nổi hoặc khoét lõm với chiều dài, rộng là thực còn phần nổi mang tính ước lệ về khối. Thường được diễn tả trên một mặt phẳng, cách diễn tả xa gần bằng các khối dầy, mỏng kết hợp đường nét thanh mảnh cùng dầy đậm khác nhau.

(3) Song Long hí châu: Hai con Rồng đang đùa (hoặc tranh nhau) một viên ngọc lửa (hỏa châu). Nguồn gốc của nó là hình ảnh sự vận hành của các vì sao trong thiên văn học cổ, trong đó ngọc lửa là hình ảnh của Mặt Trăng. 

(4) Từ: Có hai nghĩa.

1 là từ đường (tức nơi thờ cúng của tổ tiên).

2 là miếu (tức nơi thờ cúng một vị được phong thánh thần). Ở đây "Từ" sẽ hiểu theo nghĩa là "từ đường".

(5) Văn vật: Khái niệm hẹp để chỉ những công trình hiện vật có giá trị nghệ thuật và lịch sử; khái niệm văn vật cũng thể hiện sâu sắc tính dân tộc và tính lịch sử.

(6) Cao trung năm thứ ba: Tương đương lớp 12 theo hệ thống giáo dục ở Việt Nam.

(7) Mái hồi: Là tường xây áp vì kèo đầu nhà; thường có các trang trí ở đỉnh và ở đuôi mái, có trong kiến trúc truyền thống. Các đầu hồi tại cái đình chùa thường được đắp phù điêu hình rồng, mây,...

(8) Tết Trung Nguyên: Tết của người Hán được tổ chức vào ngày rằm tháng 7, trùng hợp với ngày Xá tội vong nhân và lễ Vu Lan báo hiếu ông bà cha mẹ.

(9) Trù tính quy hoạch: Hiểu nôm nà là tính toán quy hoạch.

(10) Ngũ vị trần tình: Ám chỉ các cảm giác cay, đắng, chua, mặn, ngọt trong cuộc sống, chỉ thiên về cảm xúc.

Thành phố Hồ Chí Minh, 25.09.2022

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro