Bản đồ - Vải hoa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chúng tôi gọi đây là khoảng thời gian hoà bình xuất hiện trên đất Sài Gòn, có lẽ vậy. Hai Tú vẫn trông coi tiệm may, Lệ Tú 2 vẫn thành đạt dù phía trước hàng rào chắn đã bị bom giật vỡ nát nhưng hai Tú coi đó là chiến tích chứ không phải hư hại. Chị vẫn viết thư tay hỏi thăm chúng mỗi tuần một lần.

Chúng tôi rời Sài Gòn theo kế hoạch, chỉ tôi và Thái Anh không thêm ai nữa, về một nơi bớt tai mắt nhìn và không khí thì hiền hoà hơn. Nơi người ta không biết cô ba Lệ Sa là ai, không biết ca sĩ Thái Anh là ai, nơi người ta sáng bẩng thức dậy làm lụng, buôn bán, chăn nuôi, cày bừa, đâu còn quan tâm báo chí viết gì về biến loạn, về những bộ váy vóc thời trang, hay đâu biết gì về những bậc mỹ nhân đô thành. Nơi Thái Anh có thể thong thả tản bộ mỗi ngày, để em có thể ngắm nhìn thế gian của em. Hôm nay cũng thế.

Đằng xa, Thái Anh nhíu mắt trông về phía gần bờ sông, có ông già khụm nụm lê từng thùng nước từ thuyền chòng chành lên bờ, rồi lần lần khuân tiếp ba bao gạo, một can dầu đen đong chưa được nửa. Manh áo đã sờn cái màu chàm cũ kỹ, một bước rồi lại hai bước chân nặng nề, ai cũng sẽ đoán ra được ông trở về từ nơi phát lương thực, lần này bước ra từ chiếc thuyền nhỏ trên tay ông là cọng dây chuối buộc hai con cá lóc đồng to chắc thịt đang vẫy vùng trên cái miệng tứa máu.

Thái Anh bỗng cảm thấy càng muốn buồn nôn khi ông lão đi ngang qua mình. Em nhợn người hai đợt, cố gắng đi nhanh hơn, bước chân gấp rút hơn cố tránh xa mùi cá sống và máu tanh. Không chậm không nhanh Thái Anh đã đi về đến cổng nhà, nhưng bằng cách nào em không rõ mà ông lão đã ở ngay sau lưng mình.

- Cô mới dọn về khu này đúng không? Nhìn còn trẻ, sao lại về cái xứ điều hiu này mần chi? _ Lão bắt chuyện, cái giọng ồm ồm của dân miền biển có chút khó nghe.

- Dạ, chào ông. Con thấy ở đâu cũng vậy. Chỗ nào sống được thì con sống thôi._ câu trả lời của Thái Anh làm ông lão có chút chưng hửng, dù nghe không quá kiêu ngạo nhưng cũng không có vẻ là con gái thục nữ nết na.

- Dân Sài Gòn về nói chuyện coi bộ thẳng thắn quá hen. _ ông gật gù, buông câu nói giỡn không có ý gì trách móc cô gái trước mặt, ông cười hề hề quẹt tay ngang khoảng trống giữa trán nhễ nhại mồ hôi. - Kêu tui là ông mười, nhà tui sát bên mé mương này nè, có chuyện gì kêu tui một tiếng là được, hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Mà cô tên gì? Nhiêu tuổi? Biết để tiện xưng hô.

- Dạ, con là Thá...

- Thanh Hồng. Còn con là Lục Sương, chú mười vô nhà ngồi uống trà. - Tôi kéo tay em vào nhà trước, nắng đã lên quá đỉnh đầu, ông lão kia kể từ khi chúng tôi dọn về ở cũng là lần đầu tiên gặp mặt, làm sao tôi còn tin tưởng chuyện người xấu vẫn còn hay không còn sống len lỏi dù đã là thời bình.

- Ờ thôi, thôi con ơi. Ông thấy người mới dọn về xóm ông hỏi thăm vậy thôi, còn nhiều công chuyện lắm. Khi khác đi, rồi đặng sắp xếp qua nhà ăn cơm với vợ chồng ông cho vui. _ Ông mười bước lùi, không nâng bước lên thềm nhà Lệ Sa thêm nữa, trước khi quay lưng đi, ông biếu lại hai người một con cá lóc đồng, còn cẩn thận dặn dò rằng:
- Cá còn tươi ở khu này mà kiếm được lóc đồng là hiếm lắm à nghe, cạo vảy cho sạch đem đi nấu cháo ăn vào rất tốt cho bà bầu.

- Dạ._ tôi từ tốn nhận lấy bằng cả hai tay, sau khi bóng dáng ông lão đã xa khuất tầm nhìn tôi lập tức đóng cửa. Vì tôi biết ông không phải một người dân bình thường.

Tôi và em chọn miền quê xứ biển Ô Cấp* làm chốn bình yên để sống cho đến già. Tuy Ô Cấp giờ đây đã bớt đi phần huyên náo nhưng chúng tôi dầu sao vẫn là những người đàn bà mang ánh tưởng đô thị, vẫn quen cách sống lên đồ lộng lẫy đi vũ trường khi phố lên đèn, vẫn quen với âu phục, với áo cúp ngực và đầm xòe tân thời. Vẫn đầu búi tóc xịt keo và cao gót đính cườm lấp lánh. Tôi thích Sài Gòn, nơi chúng tôi cùng lớn lên và ra sức đấu tranh chờ đợi nhau, nhưng tôi và em chọn rời Sài Gòn vì một điều khác, Thái Anh muốn bình yên, muốn âm thầm đón đứa trẻ kia chào đời ở một nơi thanh bình ít dấu vết của chiến tranh giày xéo.

Còn thứ tôi muốn, là bất cứ thứ gì Thái Anh muốn. Nơi tôi chọn là nơi Thái Anh chọn, nói vậy cho suông, kể từ giờ tôi và em là một.

*Ô Cấp - Cap Saint Jacques, bây giờ là Vũng Tàu.

Vậy là chúng tôi chọn Ô Cấp, nơi không quá chán nản khi đêm xuống, cũng không quá ồn ào để trẻ con yên giấc mỗi đêm. Bữa cơm trưa đàng hoàng đầu tiên của tôi và Thái Anh sau ngày giải phóng chừng năm bảy bữa, có đầy đủ cơm, canh, rau, thịt cá. Cảm giác thiếu thốn duy nhất là chỉ còn mỗi hai người chúng tôi trên bàn ăn, tôi tự nhiên thấy miệng cũng lạt đi, mùi thơm nức mũi của tô cá kho cũng không khiêu khích cái bụng đói nữa. Thái Anh và tôi trên bàn ăn, vẫn lặng thinh, chốc chốc nghe tiếng đũa khua vào thành tô. Rồi tôi nghe em ho nhiều hơn.

- Tui ghẹo gì mấy người?_ tôi gác đũa, ôn tồn vén tóc Thái Anh, vỗ vỗ vào lưng em qua cơn ho khan.

- Sao không cho em nói tên thiệt?_ Thái Anh nhăn mặt, phụng phịu.

- Tụi mình làm sao biết được ông mười đó là người tốt hay xấu. Cẩn thận vẫn hơn chứ.

Bữa cơm tiếp tục trong sự yên ắng, chiều đó tôi lại ra Lý Thường Kiệt lựa vải vì nghe đâu có một nhà giàu đem bán vải đã trữ nhiều năm cho bà con, tôi rủ Thái Anh theo nhưng em từ chối. Em đội nón lá và xách giỏ ra nhà thờ, em nói, trong sự ngỡ ngàng của tôi. Tôi chơi với Thái Anh từ những năm cả hai còn đi học, rồi lại trông chờ em, ngồi nhìn em hát và lắc lư trên sân khấu, nhìn em phì phèo thuốc lá. Và hỡi ôi, giờ đây em đã đến nhà thờ, em biết cầu nguyện có cả những đức tin thánh thiện nhất đời mình, em bỏ thuốc lá bỏ cả những chai rượu chát. Thái Anh thay đổi kể từ khi em làm mẹ, tôi đoán thế, vì tôi cho rằng tất cả bà mẹ đều yêu thương con mình.

Hai giờ chiều, trên đường thong dong tản bộ dọc Bãi Sau ngắm nhìn gió đẩy tán cây dương xỉ đong đưa, đột nhiên tôi thấy lòng mình trống rỗng.

- Cô ba! _ tiếng kêu lanh lãnh, vừa quen vừa lạ, thì ra là con Đào, nó nhào lên người tôi ôm ghì một cái rất chặt. - Sao bây giờ mới xuống tới?_tôi để hai khúc vải qua một bên, cốc đầu nó.

- Thì em đợi Thanh Hồng về chung._ con Đào cười hì hì, ngỡ như hiện thực vừa mới hai tháng trước sẽ khiến tâm trí nó lụng bại nhưng không hề, thậm chí nó còn cười rạng rỡ hơn, nhưng trông vẫn rất gượng gạo, khó coi.

Rồi nó bưng trong giỏ xách đan bằng lục bình một hũ cốt bằng sứ trắng. Trao tay tôi, dặn dò tôi cưu mang và gìn giữ phần còn lại của Thanh Hồng cẩn thận.

- Chứ sao mày không giữ? _ tôi gặng hỏi, nó ngoảnh mặt tránh né, đáng trống lảng.

- Đi nhậu không cô ba?_ Trúc Đào thó hai khúc vải của tôi dong dong đi trước, buộc tôi phải đi theo. Thậm chí còn không đợi tôi trả lời nó.
.

- Nói đi!_ tôi thật sự không biết Trúc Đào cố giấu chuyện gì, chỉ là nhìn vẻ mặt gắng gượng che đậy một bí mật gì đó của nó trông khó coi hết sức. Nói trắng ra nó không qua mặt được tôi, mà nó lì nên tôi đành chịu, nhưng tôi biết nó rủ đi nhậu là có nguyên do, ai chẳng muốn mượn rượu giải sầu cho khuây khoả, tôi đoán nó sẽ nói với tôi trong lúc nó đã bớt đi tỉnh táo.

- Em sắp ra Đà Nẵng công tác, em đang theo học Đông y. Tháng trước, em tình cờ quen được bà thầy thuốc hay lắm ở nhà thương Hồng Bàng, em nói muốn xin học nghề nhưng bả từ chối, năn nỉ miết bả mới cho em học, nhưng lần tới phải ra tuốt Đà Nẵng.

- Tao tưởng sau lần đó mày rút rồi về ở với tao?

Tôi có chút kinh động, nỗi mất mát đứa đồng đội thân nhất của nó còn chưa nguôi ngoai hẳn, nó lại chọn tiếp tục dấn thân vào một lựa chọn khác, học đông y, cứu người. Con Đào thay đổi chóng mặt trước những nỗi đau lớn. Trong thâm tâm, tôi biết nó đang dùng đau đớn làm bạn đồng hành, truyền động lực cho hy vọng cứu được tất cả những mạng sống khác. Trong khi trước kia, bộ song sát Thanh Hồng và Trúc Đào từng đâm chết biết bao mạng sống, cứa cổ biết bao tên lính nguỵ chưa từng biết ghê tay. Tình yêu, kì diệu làm sao.

- Xin lỗi vì không theo hầu cô ba tới cuối cùng được. _ con Đào thở hắt một hơi, cầm chai bia chưa ực vội, nó nói tiếp.

- Nếu con Hồng còn sống thì em rút, không chừng giờ này em không có ngồi đây nhậu với cô đâu. Em với Hồng ra thương xá chơi xong kè nhau vô xi nê lâu rồi. Mà.._ con Đào chững lại một lát - Nó còn ở đây với em nữa đâu, thà đi tiếp cho đỡ nhớ nó, thôi, dô!!

Tiếng những chai bia rỗng rớt xuống đất, lăn lóc va vào nhau khiến tôi mơ hồ nhận ra tôi và con Đào đã uống đến say mèm không nhận ra nhiều ánh nhìn đang đổ dồn về chúng tôi. Có lẽ vì người bán rượu và dân vùng này chưa từng chứng kiến hai đứa đàn bà con gái mà uống đến từng này bia rượu.

Trời dịu mát, gió lùa qua rặng dương xỉ cao rắn rỏ bên bãi Thuỳ Vân, con Đào vỗ lưng tôi, thì thầm. "Còn bảy cái đầm thì sao?"

Tôi chưng hửng, thì ra từ khoảnh khắc nhà may Lệ Tú cháy đến nay bảy cái đầm tây đó vẫn còn nguyên vẹn đâu đó tại Sài Gòn. Đó là kho báu cả đời mà madame Hoàng Oanh và tôi quyết liệt gìn giữ. Nay, con Đào lại tiếp tục bôn ba xa xứ, không dễ gì để truyền lại món báu vật đó vào tay người khác, thì ra đây cũng là điều làm nó nặng lòng.

- Biết giao cho ai bây giờ? _ Đào trầm mặc, ủ rũ.

Tôi biết, nếu ai trong thời này biết được bí mật đằng sau bảy chiếc đầm tây kia đều ôm một tham vọng cực kì to lớn. Dĩ nhiên không thể để chúng lọt vào tay ai, ngoài những người thực sự không màng đến thế lực của chủ nghĩa và giai cấp.

- Em không thể giữ mãi một trong những kho vũ khí bự nhất Đông Dương kia được. Chúng quá sức với em! _ con Đào hét bên tai tôi, nó quá say và nó bắt đầu khóc lóc.

Tôi nhanh chóng bịt miệng con Đào, ngôn từ nó mất kiểm soát và khiến tôi lo lắng hơn, chưa bao giờ nó uống say đến độ này. Trong cơn gió khô hanh, tôi nguyện cho gió không thổi những lời hớ hênh của nó bay đi xa truyền đến tai lũ sói hoang đói tin nào khác.

- Không còn Thanh Hồng, em không đủ mạnh mẽ nữa đâu. Hức... hức. _ Trúc Đào oà khóc trên vai tôi, tôi hiểu việc chịu đựng một nỗi đau quá lớn này khiến bên trong Trúc Đào đã rịu rã, nát vụn. Kể cả việc nó muốn theo ai đó học đông y, theo lý mà hiểu rằng nó muốn chữa bệnh, chữa khỏi vết thương cho người khác. Nhưng theo tình, tôi đoán, lỗ hỏng trong tim nó ngày mà Thanh Hồng ra đi quá lớn, và con Đào phải dùng tất cả những điều có thể để làm những việc tốt, cốt lõi chính là con Đào cũng muốn được chữa lành chính mình, bằng việc chữa khỏi bệnh cho người khác.

- Cuối tuần, đem bảy cái đầm về. Nếu gặp trắc trở, cứ nhuộm đen hết tất cả.

Tôi tiễn Đào đến cảng Cát Lở, trước lúc bóng lưng nó mất hút ngay sau mũi thuyền lớn, tôi kịp hẹn nó đêm cuối tuần phải quay lại, phải nhìn thấy khoảng khắc mà Thanh Hồng muốn thấy nhất rồi hẵn rời đi. Tôi gọi đó là lời mời cho bữa tối mà tôi xem tựa như là đám cưới đời mình. Ngày tôi chính thức, chân thành, nguyên vẹn, một lòng một dạ thuộc về Thái Anh.

Tôi nhớ mình đã nói với một nửa ngượng ngùng và nôn nao rồi nhìn thấy con Đào trở về dáng vẻ yếu đuối, ôm mặt khóc nức nở, nó mếu máo lần nữa rồi khẽ thốt lên. "Giá như Thanh Hồng còn sống, nhìn thấy đám cưới, em không biết nó sẽ khóc hay cười."

Nghe xong, tim tôi hẫng đôi ba nhịp.
.
"Hôm nay em đặc biệt son môi màu đỏ, cô ba có thể nhìn em lâu một chút không?"

"Em mến cô nhiều, thương cô cũng nhiều. Em muốn người em yêu thương phải sống hạnh phúc. Cô không thể để mất Thái Anh, còn em không thể để cô mất đi nụ cười. Lần này, coi như em hoàn thành nhiệm vụ cuối. Cô ráng phải sống hạnh phúc với chị Thái Anh. Cô hứa với em đi."

Thanh Hồng có một khuôn mặt trái xoan, khi cười sẽ nhìn thấy hai đồng tiền ở cả hai bên má. Mắt nó to và hàng mi dài, chân mày đậm, da dẻ nó rắn rỏi tay chân chắc nịch, và điều đáng nhớ nhất mà tôi nhớ là bàn chân Thanh Hồng to, nó bị cả đám trong nhà may ghẹo hoài vụ này, con gái Sài Gòn không ai chân to bằng nó. Tánh khí của Thanh Hồng cũng không dịu dàng hay nết na mấy, ngày đó Thanh Hồng hung dữ nổi tiếng Lệ Tú từ người lạ hay khách quen đều biết danh ai chọc ghẹo ít nhiều nó đều chửi, thất thanh mà chửi chửi xong lại xách dép đuổi đánh người ta. Tôi vừa cười vừa nhận ra mình đang rơi nước mắt. Tôi nhớ Thanh Hồng đáng yêu và tội nghiệp của tôi.

Tôi thẫn thờ ngồi vạ bên vệ đường với hai khúc vải hoa, hủ cốt bằng sứ lạnh tanh trong tay tôi, lòng tôi dào dạt khó tả, mũi tôi râm ran mùi muối biển, tai nghe gió quét tới quét lui ngọn dương xỉ rì rào. Đâu đó ở ngoài khơi xa, mặt trời đỏ rực chậm rãi lặn xuống biển, dăm ba lượt xe máy, xích lô lướt ngang qua, tôi thấy Thái Anh chạy chiếc cup vụt đến và gác chống chờ đợi. Tôi nghĩ tôi như đứa trẻ tan học ngồi ngốc nghếch chờ mẹ đón về, đó là những thứ tuổi thơ tôi chưa từng trải qua.

Tôi ngước nhìn người đẹp của tôi, trông em vẫn kiêu sa, quyền lực sau lưng còn có hoàng hôn làm nền, em đứng chống nạnh nhìn tôi, nhìn phần còn lại của Thanh Hồng chừng vài giây rồi tiến lại bợ lấy mặt tôi, má tôi nhận ra lực từng ngón tay của em miết vào càng mạnh. Em nhìn tôi trừng trừng. Thái Anh ghì cả khuôn mặt tôi, em cúi nghiêng đầu hôn vào môi tôi quyến luyến nồng nàn, em cắn cả lưỡi tôi, trời ạ, mê li, đắm đuối.

Chúng tôi vẫn nếm lấy nhau như thế ấy, gió thổi tóc Thái Anh quét qua má tôi thoáng hương hoa bưởi, chúng tôi cũng chẳng cần quan tâm mẹ gì người ta có đang nhìn vào chúng tôi mà ái ngại hay không.

- Thái Anh, em đã từng yêu ai bằng cả mạng sống?_ tôi nghẹn ngào sau một lúc, cuối cùng lại như con đê vỡ trận. Tôi khóc thê thảm hơn con Đào khi nãy, trước mặt người đẹp của tôi.

Tôi không điều tiết được chiều suy nghĩ đang dần tồi tệ đi khi nhớ đến những cái chết vì mình mà ngã xuống. Rồi biết đâu tôi sẽ là kẻ tiếp theo, nguyện chết vì Thái Anh. Tôi không rõ, tôi mù loà nhận thức và ngờ nghệch, tôi khóc vì Thanh Hồng, dòng lệ thấm ướt gối đêm nay là dành cho tuổi trẻ của Thanh Hồng, từ cái này nó chạy lon ton theo tôi khi tôi vào tìm madam Hoàng Oanh, cho đến khi dọn đến sống cùng tôi. Chúng tôi chênh nhau vài tuổi, nó kêu tôi bằng cô ba nhưng thực chất nó và Đào đều là bạn tôi, đồng hành với tôi từ khi Lệ Tú còn là một hiệu may tầm thường.

Tôi dạy nó lựa vải, đo đạc, may đồ tây, nó chỉ tôi bóc thuốc nam, cách chế thuốc nổ, gỡ mìn và đọc mã mật thư. Thanh Hồng nấu nhiều đồ ăn ngon, cay đậm đà hợp khẩu vị, và dường như trong kí ức tôi hiện tại mùi vị còn ngon hơn khi chúng sẽ không bao giờ được bày ra trước mặt như cách mà Thanh Hồng nấu lần nào nữa.

Tôi vùi đầu vào vòng tay Thái Anh. Em ấm hơn bao giờ hết, như tấm vải lụa được bọc đệm thêm lông cừu. Thái Anh không trả lời, chỉ mỉm cười dịu dàng. Thái Anh nắm tay tôi thật chặt, chúng tôi trở về nhà bỏ lại ánh hoàng hôn màu chàm đỏ âm ỉ sau lưng.

Em vỗ về tôi cả đêm, đứng trước nỗi mất mát quá lớn của mình tôi cũng không hề ngờ rằng bờ vai mịn màng nơi em đang run bần bật, không biết chiếc gối em nằm đêm nay cũng đã ướt đẫm nước mắt. Cả ngày và đêm hôm đó, tôi đã luôn nghĩ về Thanh Hồng, nhớ đến những thời khắc quan trọng và gắn kết như tình thân gia đình của ba chúng tôi, nhớ những trận cãi nhau kinh hoàng của Trúc Đào và Thanh Hồng khiến cả nhà may trễ tiến độ. Nhớ tất thảy những quá khứ có màu xám, màu hồng và những lần nhậu nhẹt say bí tỷ.

Nhưng đó cũng là đêm cuối cùng tôi sống cho quá khứ, sống cho thời thanh xuân oanh liệt của Thanh Hồng.

Vì sau này, tôi đã có thể an yên cùng Thái Anh trải qua những ngày thu nắng đượm thắm mái hiên, những ngày đông hiu hiu gió thổi ngoài cửa sổ căn phòng nhỏ cả hai kề chung một gối nằm. Những ngày xuân thì thầm qua lối đi đầy nụ hoa mai đã hé sắc vàng, những ngày giản đơn dịu dàng như thế. Những ngày chúng tôi đã mòn mỏi đấu tranh, đợi chờ nhau, những hạnh phúc mà chính Thanh Hồng phải đổi lấy bằng tính mạng. Cho nên, tôi nguyện phải sống cho thật vẹn tròn, mỹ mãn bằng cả tấm chân thành.

Đó là lời hứa duy nhất với Thanh Hồng mà tôi còn có thể thực hiện.

Tôi bừng tỉnh trước cả khi mặt trời mọc, nhanh chóng châm đèn và bắt đầu đo đạc khúc vải từ chiều tôi đem về, đó là hai xấp vải hoa lụa bóng sang trọng rất thích hợp để may áo dài cưới.
.
.
Đêm đó, tại dinh thự nhà Khải Văn, Thanh Hồng trong vòng tay Trúc Đào đang dần mất đi hơi thở. Hồng cố gắng gượng thốt lên những câu nói cuối cùng. "Bảo vệ Thái Anh và cả đứa con trong bụng của cổ.."

Khải Nguyên nấp sau cánh cửa vô tình nghe được. Hắn ôm lồng ngực và há hốc miệng, chỉ duy nhất hắn dám chắc đứa con trong bụng Thái Anh là của hắn. Khải Nguyên cảm xúc hỗn tạp, vừa khóc nước mắt rơi lã chã, và cũng vừa cười khốn khổ khi biết tin mình sắp được làm cha. Khải Nguyên lao vụt đi, hắn chạy bạc mạng xuống hầm cắt đứt đi tất cả các dây bom mà anh hai Khải Văn đã dàn xếp sẽ cho căn nhà này nổ thành bình địa, tiễn một lần tất cả đám đàn bà kia theo đúng kế hoạch mà anh em đã thống nhất. Khải Nguyên trở thành kẻ phản bội anh trai mình, cứu sống tất cả, trong đó có cả đứa con chưa chào đời của hắn.

Hiện tại, sau khi chế độ Việt Nam Cộng Hoà sụp đổ, anh em Khải Văn Khải Nguyên cố trụ lại nhưng ngày ngày đều phải trốn tránh, chui rút trong những con hẻm đông nghẹt dân lao động chật hẹp tại Sài Gòn. Khải Văn không phải dạng đàn ông dễ dàng nhục chí mà bỏ cuộc, trong khi Khải Nguyên đã dần chán nản với sự cố chấp của anh mình.

- Nói cho chúng tôi biết hai người họ đã trốn đi đâu!_ Khải Văn đập bàn, thực sự không biết xả cơn tức giận cho ai khác nữa.

- Sao vậy? Chiếc trực thăng cuối cùng rời khỏi Sài Gòn đã bỏ quên anh em nhà cậu à?

Má Kiều, nhân vật tầm cỡ của chế độ trước chán chường lắc đầu. Điệu bộ ngán ngẫm đến mức khinh bỉ anh em nhà họ. Má Kiều chủ quán bar Monaco, chuyên chiêu dụ lính Mỹ và các quan thầy hầu bánh, chuốc rượu, ca hát, say sưa bí tỷ ngày đêm. Đó là công việc hợp pháp của má, song song đó, má đóng vai trò trung gian cho tất cả các gián điệp và tình báo từ cả hai đầu truyền tin cho nhau mà không phải lo sợ bị lộ thân phận hay nội dung. Xét về lí lẽ pháp luật, không ai buộc tội được má Kiều, bà ta đứng ở phe trung lập suốt mười mấy năm, giúp người này kẻ nọ không màng đến chế độ và thời đại của ai. Vậy là khi cờ đỏ sao vàng được bung trên phủ tổng thống, má Kiều vẫn sống kiêu hãnh không có lí do để cúi đầu.

- Tôi mà sớm biết bà già Hoàng Oanh và Lệ Sa đã che giấu kho vũ khí đó bấy lâu nay. Kiếm được Lệ Sa, tôi sẽ lật đổ ả và chính quyền của ả lần nữa.

- Tức cười, cậu còn gì để chống lại Lệ Sa? Thậm chí anh em nhà cậu còn đang trốn chạy như loài chuột chũi.

- Lật cả Đông Dương tôi cũng sẽ tìm ra con Lệ Sa để bắt nó khai ra.

- Cậu không tìm được đâu, đó là một kho báu, mà kho báu thì có bao giờ mà dễ tìm. Cậu cần phải có bản đồ, được ghép từ đường chỉ phía trong của bảy bộ đầm tây mà cô ba Lệ Sa nhất quyết bảo vệ năm đó. Cậu phải có được nó, và bắt đầu từ đường chỉ đỏ ngay cổ áo của chiếc đầm đầu tiên. Chỉ có duy nhất hai người thợ đã trực tiếp may ra bảy chiếc áo đầm đó, một người là Thanh Hồng hình như đã bị giết chết, người còn lại là Trúc Đào. Tôi nói ít, cậu hiểu nhiều. Chào cậu.

Má Kiều rời khỏi, vẫn không ngừng dùng khăn tay bằng lụa che kín mũi khi bước ra khu ổ chuột mà Khải Văn hẹn gặp. Bà còn phải đi gặp nhiều kẻ lỡ thời cam tâm trả số tiền hay thậm chí thứ quý giá hơn để có được nguồn thông tin từ bà. Làm sao phải nán lại nơi của Khải Văn lâu hơn?

- Trúc Đào? Con nhỏ đó cần gì nhất?_ Khải Văn nghiêm giọng hỏi.

- Cái mạng của anh, người đã giết chết Thanh Hồng, cô bạn duy nhất của nó. _ Khải Nguyên ngồi xổm trong góc tường, bây giờ mới nhỏ giọng lên tiếng.

- Chúng ta sẽ tìm nó. Tìm được nó sẽ tìm được Lệ Sa. Khi tìm ra, Lệ Sa và tấm bản đồ sẽ là của anh, còn Thái Anh...thuộc về em.

- Cậu hai cậu ba, người đưa tin bảo rằng Thanh Hồng còn sống! _ một thằng thuộc hạ của Khải Nguyên chạy đến, dường như đây là tay thuộc hạ duy nhất còn đi theo Khải Nguyên cho đến nước đường này.

- Cứ gọi là Khải Nguyên được rồi._ Khải Nguyên cười khổ, nhìn lại bộ dạng từng người xung quanh làm sao dám trở thành cậu này cậu nọ.

- THANH HỒNG SAO LẠI CÒN SỐNG ĐƯỢC! CHÍNH MẮT TAO NHÌN THẤY NÓ TRÚNG ĐỘC CHẾT!_ trái ngược với Khải Nguyên, Khải Văn ăn nói trịch thượng hơn nhiều, vẫn thói quen quát nạt thuộc hạ của mình như thường lệ, hắn đứng dậy toang vung một đấm cho tên thuộc hạ tội vô dụng báo tin sai lệch, ngay lập tức bị Khải Nguyên xông vào ngăn cản.

- Nếu anh cứ mất bình tĩnh như thế, sẽ không còn ai bên cạnh anh đâu._ lần này Khải Nguyên trầm giọng, thực sự trông cơ bắp muốn bung bét bên trong tay áo hắn cũng đủ khiến Khải Văn khiếp sợ mà bừng tỉnh, dầu sao trước mặt cũng chẳng phải là tên thuộc hạ của mình. Khải Nguyên mách nước. - Anh nghĩ xem, là ai đang sống dưới cái tên đó để né tránh tai mắt hả?

Khải Văn vỡ lẽ, không ngờ cũng đến lúc hắn mất tỉnh táo đến mức chuyện đơn giản như thế hắn cũng nhìn không ra. Kế hoạch lần nữa được dựng lên, truy tìm Lệ Sa, tìm ra tấm bản đồ sau đó giết chết sạch sẽ không để lại bất cứ ai biết về bí mật của bảy bộ đầm tây nữa.

Tên thuộc hạ nép người sau tấm lưng rộng của Khải Nguyên, quẹt một lượt đống mồ hôi lấm tấm trên trán, tiếp tục báo cáo.
- Còn một tin nữa, vừa ngay trưa nay có người nhìn thấy Trúc Đào khuân một bao bố rất lớn mon men ra hướng bến cảng...

- TIẾP!_ Khải Văn vừa nghe được lại trừng mắt hét to.

- Bên chúng ta cho người đuổi theo đến mạn thuyền lớn, cô ta đã đột ngột cả người cả bao bố nhảy xuống biển, mất tích không dấu vết. Trước đó hai ngày, Trúc Đào và Lệ Sa đã gặp nhau, chú Mười kể rằng đã thấy Lệ Sa đi lựa vải hoa và lụa đỏ kì thực cuộc sống rất sung túc, ấm êm._ tên thuộc hạ lí nhí thuật lại những thông tin cuối cùng, sau đó bỏ ra ngoài vì nán lại thêm lâu nữa thế nào cũng ăn một đấm của Khải Văn.

- Chắc chắn Trúc Đào là đứa giữ bảy chiếc đầm tây, và nó đang trên đường mang chúng trở về với Lệ Sa. Lũ đàn bà đầy mưu mô! Tao sẽ tóm hết một lượt.

- Giữ lại mạng vợ chồng ông Mười đúng là có lợi, sau vụ này có lẽ chúng ta cũng nên thả con trai ông Mười ra để gia đình họ đoàn tụ.

- Tất nhiên là không, tất nhiên là phải giết những ai biết về bản đồ. Giết hết bọn chúng!

Khải Văn nghiến răng nghĩ ngợi, mắt hắn lộ đỏ bầm những đường gân máu rối đanh như tơ nhện, ngay cả chính Khải Nguyên khi nhìn thấy dáng vẻ kia cũng lui bước ngỡ ngàng trước toang tính không hồi kết của anh trai mình. Địa vị, quyền lực rốt cuộc có quan trọng đến thế không, khi mạng người từng lượt từng lượt đều phải nằm xuống vì lẽ đó?

.

Nhà may Lệ Tú 2 đang trong giai đoạn rôm rả nhất kể từ khi nghe tin tối chủ nhật cuối tuần, cả đám được về Ô Cấp ăn đám cưới Lệ Sa và Thái Anh. Ai ai cũng tranh nhau những thướt vải lụa mịn nhất đặng may đồ đi đám cưới. Không khí nhộn nhịp đến độ người bên ngoài nhìn vào không khéo còn nghĩ rằng hôm nay là mồng một tết.

Theo giờ hẹn, đúng một giờ chiều xe của Trân Ni đã đỗ lại trước cửa, bà hoàng mặc đẹp Trân Ni bước xuống tao nhã bên đôi guốc platform cao hai chục phân, cùng chiếc váy quây đen cúp ngực và áo choàng lụa phi bóng nâu sẫm.

- Hai Tú đâu?_ Trân Ni gỡ đôi găng tay, háo hức hỏi.

- Bên trong á._ con Nhàn, đệ tử thân nhất mà hai Tú tin tưởng vọt miệng trả lời, nó hí hửng khoe khuôn mặt ma-ki-ê tự nó mần, suýt chút nữa làm Trân Ni giật thót tim với đôi má hồng như gái bia ôm và cặp mắt tím bầm như bị chồng hành.

Bên gian nhà trong, hai Tú vẫn chọn không được câu từ nào để giải bày với buổi lễ quan trọng nhất đời Lệ Sa, chị cầm sẵn phong bao đỏ cố ưỡn thẳng lưng đi tới đi lui trước tấm gương lớn, tập tành dáng vẻ, cốt cách thanh lịch nhã nhặn, điều hiếm khi xuất hiện trong tính cách của hai Tú thường ngày.

- Chị chúc cho hai đứa trăm năm.. không không... nghe hơi trịnh trọng quá. Chị hai gửi món quà này coi như mừng cưới, không được, vậy thì quá tầm thường. Hơi~ đó giờ làm gì có ăn cưới mà biết phải nói gì. Khó quá.

- Hai Tú ơi! Xong chưa? Sao bữa nay sửa soạn còn lâu hơn em vậy?_ Trân Ni vén màn bước vào, ngỡ ngàng trước độ bảnh tỏn của người trước mắt. - Ấy chà, com-lê sọc nâu ca-ra-vát màu sữa hột gà, hai Tú ơi là hai Tú, sao chị còn dám sang trọng hơn cả em?

Trân Ni nũng nịu, tỵ nạnh với dáng vẻ chói loá như minh tinh của hai Tú, chuyện cưới hỏi là chuyện cả đời, nhưng trông bộ trang phục mà hai Tú diện hôm nay thật sự là muốn tranh giành cô dâu với em mình.

- Em yên tâm, khi nào đến lượt của chúng ta, tụi mình sẽ còn lộng lẫy hơn nhiều._lúc nói câu này Hai Tú đã nắm tay Trân Ni rất chặt.

Đã đúng giờ và tập trung đủ quân số, ba chiếc xe hãng Citroën lần lượt lăn bánh hướng ra lộ lớn. Đường tới Ô Cấp hẳn còn xa, bên trong chiếc Citroën Dyane đi sau cùng hộ tống Trân Ni và Hai Tú, cả hai nhân lúc đang vui vẻ đã không chịu được đành quấn lấy nhau dồn dập.

Băng ghế sau hoàn toàn ồn ào khiến gã lái xe của Trân Ni khó bề tập trung được. Ổ gà từng lỗ đều đều giật tung gầm và bánh xe, khi đến nơi đầu tóc và quần áo của Hai Tú ban đầu thẳng tắp giờ đây đã vô cùng nhăn nheo và khó coi. Đáp lại cái nháy mắt trên gương mặt lắm len vết son đỏ của hai Tú, Lệ Sa cũng chỉ biết lắc đầu, mở tủ đưa cho hai Tú chiếc áo dài hoa được may từ khúc vải giống y hệt của mình.

- Không còn cái thứ hai đâu!_ Lệ Sa lườm hai Tú.

- Em biết Hai bị cái tật hồi hộp là phải hoạt động cho nó dãn gân dãn cốt thì mới bình tĩnh được mà. Em coi, Trân Ni quá ngon để Hai kiềm chế. _ nghĩ kỹ thì Hai Tú giải thích cũng không sai, Trân Ni kể từ khi đặt chân đến Ô Cấp đã khiến rất nhiều ánh mắt quyến luyến lưu lại, tập trung thành một nhóm đông kiễng chân chiêm nghiệm dung nhan đệ nhất mỹ nhân Sài Thành đến mức thèm thuồng, mắt không rời nửa giây.
.

.
Nhà thờ nhỏ nơi cả hai chúng tôi chọn cho ngày đọc lời tuyên thệ từ chối để cha sứ dẫn dắt buổi lễ bởi nhiều lí do khách quan và cả chủ quan. Nhưng họ cũng không còn cách nào khác là chấp nhận dành không gian trong nhà thờ cho chúng tôi tự hành lễ. Hỡi ôi, vậy là Trân Ni, người cho rằng bản thân là người đã tham dự nhiều lễ cưới nhất nên chị mạnh dạn xung phong trở thành người dẫn dắt buổi lễ.

Thái Anh được hai Tú dìu tay bước qua cánh cửa nhà thờ, trong khung cảnh màu tường nhạt đóng rêu cổ kính tôi chỉ nhìn thấy một mình Thái Anh từng bước từng bước tiến về phía tôi, dõi theo bước chân em đi tim tôi bỗng thắt một nhịp. Tôi khẽ chùi đi hàng nước mắt thứ nhất rơi xuống, tôi gặp em năm mình mười lăm không sao giải thích được trái tim mình vì cớ gì mà chỉ mong được nhìn thấy em mỗi ngày. Tôi chờ em mười năm, ngay cả khi em không còn bên cạnh mùi hoa bưởi ngào ngạt vẫn đọng trong trí nhớ tôi từng khắc khoải tháng năm. Tôi tìm ra em trên đất Pháp, song bước cùng em, tin tưởng em, lẵng lặng trông đợi em liên miên nhiều lần khác nữa. Cho đến khi em trở về từ nhiệm vụ cuối, ngã gục trong tay tôi bắt tôi móm cho em thuốc lá. Tôi lau nước mắt không kịp nữa, cuộc đời tôi và em trôi qua, đã đi đến đường này hóa ra đầy biến động nhưng cũng mỹ miều làm sao.

Tôi cầm tay Thái Anh. Nhìn vào đôi mắt bồ câu đen láy của em. Hôm nay em chuốt mi và kẻ mắt kim tuyến lấp lánh ánh hồng đỏ dịu nhẹ. Nơi khuôn môi em, màu hồng đậm bóng bẩy trơn mượt trên khóe miệng cong một nụ cười bẽn lẽn. Tôi đặt môi vào đôi bàn tay em sau lời tuyên thệ, không khí nhà thờ rôm rả vỏn vẹn chưa đến hai chục người chứng kiến, tôi biết ơn họ vì mọi người đang vỗ tay cho tôi, những trái tim ấm áp theo cách riêng và chấp thuận khác biệt.

- Cuối cùng, em cũng được yêu. _Thái Anh cười tươi rộ hơn, hé hàm răng trắng ngà đều tăm tắp, Thái Anh đang nhìn tôi, tràn đầy diễm phúc và kiêu hãnh.

Không phải một người bạn, người tình, không phải đồng chí hay cấp trên mà còn hơn thế nữa, Thái Anh là tất cả những gì em đã từng, và đương nhiên điều sung sướng nhất, Thái Anh là vợ tôi.

Màn trao quà cưới đã đi qua gần hết, cánh cửa nhà thờ lần nữa mở ra. Lần này, là Trúc Đào, nó ăn diện tầm thường, đầu tóc cũng có phần không chăm chút, mọi người vẫy tay hỏi han nó không thèm đáp nửa câu, đinh đinh một gương mặt lầm lì tiến về phía chúng tôi.
Thái Anh nhìn Trúc Đào, hỏi khẽ.- Đến trễ vậy?

Trúc Đào tiếp tục không trả lời, bình thản bước qua mặt Thái Anh lên đến bục phát biểu.

- Em chỉ tặng nổi cô ba cặp đũa Kim Dao, cây Kim Dao em và anh em đốn ba ngày mới ngã, làm được bó đũa này coi như em đi luôn phần của Thanh Hồng và anh chị em ở Lệ Tú. Chúc hai người sống đời viên mãn.

Trúc Đào nói xong chỉ cười nhạt, thu ngay về dáng vẻ dửng dưng trước nhiều ánh mắt khó hiểu. Trong câu chúc mừng mà Trúc Đào thốt lên không có câu từ nào là sai, nhưng thái độ của nó lại cực kì trịch thượng vì đây là một buổi lễ cưới. Còn là lễ cưới của cô ba Lệ Sa.

- Cảm ơn em. _tôi trả lời, niềm nở và khắng khít như thể mọi chuyện bình thường. Trúc Đào gật đầu khe khẽ, hai tay  vẫn đút túi quần thong thả tiến xuống hàng ghế áp chót ngồi đơ như tượng.

Buổi lễ kết thúc, phần tiệc được khai hoang, quý cô Trân Ni hối thúc chúng tôi bật nắp sâm-panh cả đám kéo nhau ra phần sân phía trước nhà thờ, ôm ấp, tay bắt mặt mừng, nội dung các cuộc nói chuyện toàn là những nhiệm vụ rối beng của những đặc vụ áo dài đỏ khi đó.

- Trò hay đến rồi, đốt phá bông thôi._ Trân Ni cặp vai hai chúng tôi hét lên thích thú, Trân Ni như những đứa trẻ lớn xác chạy nhảy nhốn nháo xung quanh chúng tôi, mừng mừng rỡ rỡ. Trong lòng tôi vui lân lan, tôi biết Thái Anh cũng thế, bởi miệng em suốt từ nãy giờ không lúc nào ngừng toe toét.

Nhưng tôi cũng nôn nao khôn xiết, tôi đã chen môi mình vào, dập tắt nụ cười của em bằng chiếc hôn trộm. Thái Anh háo thắng nhận ra, kiễng chân ghì chặt môi tôi vào môi em. Thì ra là do tôi đã dính bẫy, môi của chúng tôi không dứt ra được. Môi Thái Anh ngọt lịm, như trái cây chín mọng mùa xuân.

Ánh chiều cuối cùng xụp xuống nhường chỗ cho nền trời đậm đen xám xịt, tia pháo sáng đầu tiên được tung lên, chúng nó còn bày trò thi nhau ai đốt ra pháo có tiếng nổ lớn hơn làm cả một khu ồn ào, náo nhiệt. Hiếm khi trong đời tôi có cảnh nào náo nhiệt chừng này nên vì tôi đang vui nên cứ mặc cho chúng nó thoả sức quậy. Cho đến khi, tiếng pháo hoa nổ ngay sau đó, chúng tôi đồng loạt đứng yên một chỗ ngước lên bầu trời, pháo nổ trên trời, nổ ra trăm ngàn đường vân hoa toả rực sáng cả một vùng hoành tráng.

Chiếc lưỡi liềm giơ lên cùng lúc với tiếng pháo nổ, nhanh đến mức không ai trong đám đông nhận ra, hai Tú bước giật lùi chị ôm bụng ngã khuỵ xuống, ly rượu trên tay Trân Ni rơi vỡ nát. Mọi người chợt nhìn ra tình huống, nụ cười đã tắt vụt. Thức lỏng màu trắng ngà của rượu sâm-panh đổ tràn xuống nền gạch loang nhoè vào vũng máu tươi. Bên ngưỡng cửa, Trân Ni hoảng loạn ôm lấy thân thể gần như bị chia ra làm hai của hai Tú, Trân Ni gào lên kinh hoàng, điên tiết cấu vào đùi mình, tát vào mặt chính mình để mụ mị nghĩ rằng đây chỉ là mơ và Trân Ni ngất xỉu.

Chùm pháo hoa thứ hai có tiếng nổ rền vang hơn, bung toả sáng hơn lần đầu, ánh sáng yếu ớt chiếu lấp loá qua thân dáng và gương kẻ đang đứng cầm lưỡi liềm. Là Khải Văn.

Khải Văn bị anh chị em trong Lệ Tú tóm lấy ngay tức khắc, hắn vẫn đứng sững ra như trời trồng khi nhận ra chiếc áo dài hoa nằm thoi thóp dưới kia là hai Tú chứ không phải Lệ Sa, hắn chưa kịp vui mừng đã bị xúm lại vây đánh. Khải Văn hoá điên ngay khi chế độ mà hắn tôn thời sụp đổ, hắn buông lưỡi liềm, thoá mạ đời mình cho ai muốn làm gì tiếp theo cũng được. Đám người vây đánh hắn dần thưa thớt, tất thảy chạy tán loạn kêu xe chở hai Tú đi nhà thương, chỉ có duy nhất Trúc Đào ở lại, con nhỏ xuất hiện ngay sau lưng cái dáng vẻ bầm dập của Khải Văn, ánh mắt nó trống rỗng, trơ trọi. Trúc Đào cười một nụ cười lạnh như nước đá, kẻ mà nó muốn gặp nhất, đây rồi.

Sau mọi cố gắng bất thành, Hai Tú chết không nhắm mắt. Trên người vẫn còn mặc bộ áo dài hoa mà Lệ Sa vốn tặng làm quà mừng cưới cho tân hôn của chị. Trong cơn thoi thóp, hai Tú dùng hết sức nắm chặt tay Trân Ni, để xoa dịu một mỹ nhân đang nức nở trước mặt Hai Tú chỉ kịp thì thầm một câu: "Tú xin lỗi em, hẹn em kiếp sau...kiếp sau, mình lại yêu."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro