Chương 10. Đền thờ Chúa Ba ngôi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

ĐỀN THỜ THIÊN CHÚA BA NGÔI

1. Nếu ai yêu mến Ta

Trong buổi tiệc ly, Chúa Giêsu, đã thốt ra những lời ngàn đời vẫn là một niềm an ủi cho những tâm hồn sống trong ơn nghĩa thánh:

"Nếu ai yêu Ta, Cha Ta sẽ yêu lại, chúng ta sẽ đến với họ và lập cư trong họ" (Jn 14:23).

Chúng ta hãy phân tích.

Nếu ai yêu Ta: nghĩa là giữ những giới luật của Ta, không mắc tội trọng, sống trong tình trạng ơn nghĩa thánh.

Chúng ta sẽ đến với họ: Chúng Ta là ai đây? Là Thiên Chúa, Thiên Chúa Cha, Thiên Chúa Con và Thiên Chúa Thánh Linh. Cả Ba Ngôi Thiên Chúa chỉ là một Thiên Chúa. Mọi hoạt động bên ngoài đều chung cả Ba Ngôi Thiên Chúa.

Lập cư trong họ: nghĩa là gì? Thiên Chúa sẽ hiện diện trong họ. Hiện diện như thế nào? Thiên Chúa hiện diện khắp nơi bằng yếu tính của Chúa, bằng quyền uy của Chúa, bằng sự thông suốt của Chúa. Có phải Thiên Chúa Ba Ngôi hiện diện trong tâm hồn người công chính cũng theo lối hiện diện chung cần thiết này không? Không. Bằng lối hiện diện đặc biệt, lối hiện diện của tình thân hữu. Linh hồn công chính này trở thành đối tượng lòng Chúa yêu thương. Chúa tự chuyển động cho linh hồn lành thánh, cho họ đến ngay từ cuộc sống tại thế sự dịu ngọt được có Thiên Chúa là của riêng mình.

Người ta có thể hiện diện cùng một nơi với những tước vị khác nhau và nhiều tâm trạng khác nhau. Cùng như một người trong cùng một gia đình, lần lượt họ có thể là người thợ, người làm công, người bạn, người chồng, người cha. Với tư cách người thợ, họ làm việc kiếm đồng lương, không lưu tâm tới những chuyện trong nhà. Với tư cách làm chồng làm cha, họ chú ý yêu mến và được yêu lại. Cũng thế, Thiên Chúa có mặt khắp nơi trong chính linh hồn lành thánh, với một tước vị khác hẳn tước vị đấng Tạo hóa hay đấng Quan phòng. Với tước vị một người cha, một người bạn nghĩa thiết, một vị hôn phu.

Chúng ta sẽ lập cư trong họ: Thiên Chúa ở lại độ bao lâu? Theo kiểu các bạn bè tới thăm ở lại độ vài ba giờ, một ngày, rồi đi, trở về với công việc làm ăn bận bịu để rồi quên nhau? Không, Chúa ở lại bao lâu chúng ta còn sống trong tình trạng ơn thánh. Hễ phạm tội trọng, không khác gì chúng ta bảo Thiên Chúa "cút đi" và Chúa từ giã chúng ta.

Chúng ta sẽ lập cư trong họ: Chỉ có ở trong lình hồn thôi sao? Không, cả trong thân xác, thân xác là bao bọc linh hồn.

Thiên Chúa ở trong chúng ta bằng ơn thánh hóa. Các thánh sống theo ý niệm này. Thánh Inhaxiô bị hoàng đế Trajan nhục mạ và đối xử như tên quỷ. Thánh nhân đã đáp lại: "Không ai lại đi gọi người mang Thiên Chúa trong mình là một tên quỷ!".

Vậy nhà ngươi mang Người đã bị đóng đinh thập tự trong mình ngươi sao?

Vâng, muôn tâu hoàng đế. Chắc chắn tôi mang Đức Kitô trong tôi.

Trajan ra lệnh: Hãy điệu tên Inhaxiô, tự khoe mình mang Đấng Kitô trong mình, hãy điệu hắn sang Roma làm mồi nuôi thú dữ (Cf Cuttaz Le Juste).

Đó cũng là câu Thánh Nữ Lucia trả lời vị chánh án: "Vậy Đức Thánh Linh ở trong cô hay sao?

"Vâng, những ai sống trinh khiết và lành thánh sống trong ơn nghĩa Chúa đều là đên thờ của Chúa Thánh Linh"

Lịch sử còn để lại cử chỉ của Lêônidê, thân phụ nhà học giả Origênê, nghiêng mình trên ngực con nằm trong nôi, ông đã đặt môi hôn ngực con. Những người trông thấy tỏ vẻ bỡ ngỡ. Ông trả lời: "Tôi thờ lạy Thiên Chúa hiện diện trong con tim của trẻ thơ đã lãnh nhận phép Thánh Tẩy này".

Với các học trò, cha De Condren thường gọi: "Đối với con người, nhờ phép Thánh Tẩy không gì to tát hơn là được trở thành đền thờ Thiên Chúa trú ngụ. Không gì quan hệ hơn đối với con người luôn luôn vẫn là đền thờ Thiên Chúa lập cư".

Một hôm, một học sinh khi đi qua trước phòng cha, đã bái qùy. Một thằng bạn hỏi:

-Mày làm gì đấy?

-Cậu học sinh trả lời: Không phải vì có cha De Condren ở đấy, nhưng vì chính Thiên Chúa ở trong cha De Condren.

Chúng tôi cũng xin trích lại đây câu trả lời của một thiếu phụ, người thiếu phụ Kitô hữu rất đáng nghiêng mình kính phục, người mẹ của một bé gái kháu khỉnh. Người anh bế em tới để mẹ hôn em. Nhưng bà mẹ nói: "Không hôn bây giờ, đợi lát nữa, khi nào nó đã nhận lãnh Phép Thánh Tẩy". Mọi người đã hiểu câu trả lời. Nhưng được bao nhiêu người mẹ có một đức tin như vậy?

Linh hồn sống trong tình trạng ơn thánh có thể sánh ví đươc với cái gì đây? Với một hang đá, một bình chén thánh, một ngôi đền thờ, một thiên quốc sống.

1) Hang đá Bêlem đã là chiếc nôi của Con Người Thiên Chúa. Bạn giả thiết lấy một hang đá không phải làm bằng đá hay gỗ, nhưng chính bằng thịt máu, có cả linh hồn sống thực. Được hang đá sống động này, chính là bạn, người đang sống trong tình trạng ơn thánh. Không những bạn mang Con Người Thiên Chúa, như cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Đức Trinh Nữ Rất Thánh, thánh Giuse, các mục tử, các nhà bác học đã đến quỳ lạy trước máng cỏ. Họ có thể quỳ gối trước mặt bạn, vì bạn mang Thiên Chúa mà họ đã thờ lạy nơi hang Bêlem xưa trong mình bạn.

2) Bình thánh là một chiếc chén lớn bằng vàng hay bạc hoặc một loại kinh khí có mạ vàng, dùng để đựng Mình Thánh Chúa Giêsu Kitô. Bạn thử nghĩ tới chiếc bình thánh không còn làm bằng chất kim khí nữa, nhưng bằng thịt, bằng máu và có cả linh hồn sống bên trong: một bình thánh sống động! Phải! Chiếc bình sống động này chính là bạn, con người sống trong ơn Thánh Chúa. Không những bạn chứa đựng Mình Thánh Chúa Giêsu Kitô, mà cả Ba Ngôi Thiên Chúa nữa. Người Kitô hữu quỳ gối trước Bình Thánh. Họ cũng có thể quỳ gối trước mặt bạn vì bạn mang trong mình Thiên Chúa họ tôn thờ trong Bình Thánh.

Năm 1914, các nữ tu Bỉ sợ cho số phận và người của nhà dòng, trong kỳ quân Đức xâm chiếm đã trốn chay sang Ba Lan. Trước khi ra đi. Bà bề trên mở cửa nhà tạm lấy chiếc Bình Thánh đem theo với mình trong chuyến lưu lạc này. Ôi sung sướng thay cho người có diễm phúc chưa từng có được mang Thiên Chúa! Vị nữ tu tốt lành kia có nghĩ tới hạnh phúc hằng ngày, nhờ ơn Thánh hóa, không cùng một cách như thế, nhưng cũng hoàn toàn thực sự bà cũng mang Thiên Chúa trong mình không?

3) Nhà Thờ của bạn là của Thiên Chúa. Một hôm, ánh sáng từ mặt trời xuyên qua những tấm kính trên cung thánh, làm ánh sáng rực rỡ tỏa xuống như một làn sóng bạc trên bàn thờ hướng về nhà Tạm. Đẹp thay, ngôi thánh đường này! Nhưng còn thiếu một yếu tố làm cho chốn huy hoàng này thành nơi đáng kính: Chúa Giêsu Kitô, Người chưa đến ở trong ngôi Thánh đường cốt xây cho Người. Nhưng này đây, Người sẽ đến. Ngày đại lễ. Có sự hiện diện của Đức Giám Mục. Chúa làm phép nhà thờ để xứng đáng trở thành ngôi đền của Thiên Chúa. Một vị linh mục bước lên bàn tiến dâng lễ vật. Dùng miệng lưỡi và đôi tay linh mục, Chúa Giêsu nói trên bánh như trong bữa tiệc ly: "Này là Mình Thầy". Rượu trở thành máu châu báu của Người. Mình Thánh được đặt vào ngôi nhà Tạm.

Bên nhà tạm thắp một đèn chầu để chỉ cho biết có Thiên Chúa hiện hữu nơi đây. Giáo hữu tới quỳ lạy Thiên Chúa; các thiên thần thiêng liêng vô hình cùng họ tôn thờ Đấng tối cao. Nhà thờ là nhà của Thiên Chúa. Bạn cứ tưởng nghĩ tới một ngôi thánh đường không phải xây bằng đá nữa, nhưng bằng xương thịt và bằng máu, có cả một linh hồn sống ngự bên trong: một ngôi thánh đường sống thực. Đúng, ngôi thánh đường sống thực này, chính là bạn, con người sống trong tình trạng ơn nghĩa thánh. Bạn là nơi lập cư của Ba Ngôi Thiên Chúa. "Bạn là đền thờ của Thiên Chúa hằng sống" (2 Co 6:16). Người tín hữu bước vào nhà thờ, cất nón, bỏ mũ, bái quỳ, cầm lòng cầm trí, cầu nguyện. Họ có thể làm y như vậy, mỗi khi gặp bạn, vì bạn mang Thiên Chúa ngự trong Thánh đường.

4) Thiên quốc là nơi hạnh phúc, nơi những người được chọn nhìn ngắm, giáp mặt Thiên Chúa. Họ yêu mến Thiên Chúa, họ hưởng Thiên Chúa; thiên quốc chờ mong Thiên Chúa. Bạn cứ giả thiết một thiên quốc không mênh mông bát ngát nhưng nhỏ thôi. Một thiên quốc bằng máu thịt có cả một linh hồn sống bên trong, một thiên quốc sống động. Đấy, thiên quốc sống động này, chính là bạn, sống trong tình trạng lành thánh không mang tội trong mình. Trên trời các vị được chọn hưởng dung nhan Thiên Chúa; còn trong thân xác bạn, bạn có thể hưởng Chúa liên tục, vì bạn mong chờ Thiên Chúa, là chính hạnh phúc trên thiên quốc.

Chắc hẳn giữa cõi trời của lòng Bạn và trời cao của những vị Hiển thánh có những khác biệt tùy tòng. Cõi trời của lòng Bạn, với tội trọng, bạn có thể mất, cõi trời vinh quang sẽ tồn tại muôn đời. Trong cõi trời của tâm hồn bạn, Thiên Chúa chưa lập cư theo thể vô hình, còn trong cõi trời của các thánh, Chúa hiện diện giáp mặt. Nếu gạt sang một bên những khác biệt đó, thì ơn thánh hóa tại thế và vinh quanh trời cao cũng chỉ là một. Bạn đích thực là cõi trời, vì cõi trời chính là Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong bạn. Và thánh Âu tinh đã thốt lên: "Mang Thiên Chúa của Thiên Quốc chúng tôi là Thiên Quốc."

Chị nữ tu Elizabeth de la Trinité vẫn có thói quen nói: "Hồn tôi là một cõi trời, nơi tôi sống trong khi chờ đợi Giêrusalem thiên quốc. Tôi đã gặp thiên quốc ngay tại thế, vì thiên quốc chính là tôi". Trong thư gửi cho bà chị lập gia đình, chị thánh có viết: "Thiên quốc ở giữa tâm hồn chúng ta. Giữa những lo âu của người mẹ, lúc nào chị chia trí vì nhiều nhiệm vụ chồng chất, chị cứ bước vào trong linh hồn chị, nơi vị thượng khách thần linh cư ngụ. Không phải là đơn giản, an ủi sao?

2. Sự thân mật với Thiên Chúa

Thiên Chúa ở trong bạn, GiaCóp đã nhìn thấy trong giấc mộng một chiếc thang huyền bí bắc nối đất với trời và các thiên thần đang leo lên bước xuống. Một biểu tượng sự giao thông liên tục giữa trời và đất. Đấng tổ phụ hoảng hồn, bừng tỉnh dậy và kêu lên: Quả thấy, Thiên Chúa, Chúa ở đây mà tôi không biết. Trời! nơi này đáng khiếp sợ! Chính nơi đây là nhà của Thiên Chúa và cửa Thiên quốc! (Gn 28). Đó cũng là những tâm tình chúng ta phải có nếu chúng ta có một phần nào thấm nhuần được sự thực này: bằng ơn thánh hóa, Thiên Chúa ở trong tôi. Bừng tỉnh với cuộc sống mới, chúng ta sẽ kêu lên: "Thực đúng, Thiên Chúa ở trong tôi mà tôi không lưu ý tới. Tôi đã sống qua một phần lớn đời tôi mà tôi không biết Chúa. Ôi con người tôi là cả một vật thánh và kinh khiếp biết bao! Tôi là nhà của Thiên Chúa! Là cửa Thiên quốc!"

Thiên Chúa ở trong bạn! Sự thực này phải "sinh ra" trong bạn một tình thiết thật sự. Thiên Chúa ở trong bạn. Chúa là nguồn hạnh phúc đời bạn. Chớ gì bạn cũng thích được ở với Chúa, được sống đời vĩnh cửu với Chúa, sống trong mối tình thân thiết. Bạn sẽ thân mật thưa chuyện với Chúa: tình thắm thiết là ở đó.

1) Tình thắm thiết này dễ lắm. Ai cũng có thể đạt được. thỉnh thoảng một cái nhìn về phía nhà tạm trong cung lòng ngực bạn một giây cầm trí, một tiếng thở than vắn tắt: "Lạy Chúa, Chúa ở đây; con mến Chúa". Đủ rồi.

2) Tình thắm thiết này là một bổn phận thích hợp. Nếu có một nhân vật cao cấp nào tới thăm bạn với tính cách thiện chí, thân tình, bạn có thể mặc kệ họ đứng trơ trơ một mình không? Vậy Đấng Toàn Năng đến thăm bạn, bạn bỏ mặc, ra đi lang thang khắp các đường phố ăn chơi phóng đãng, bạn để ý tới vật nhỏ tầm thường thay vì quan tâm tới Chúa. Đối với moi cái, bạn đều tìm thấý có giờ cả: ngay cả điều vô ích, nhiều khi nguy hiểm nữa. Cát bụi của các biến cố hàng ngày cuốn theo làn gió cũng có chỗ đứng trong tâm trí bạn; thế mà bạn lại không thiết nghĩ tới Đấng có quyền chiếm chỗ trọng nhất trong đời bạn.

3) Tình thắm thiết này bóp chết những chước cám dỗ và không cho tội lỗi tung hoành. Nó biến đổi tâm hồn bạn thành một khu vườn cổng cao dậu dầy ngay tại thế, cài đóng trước các ấn tượng của các quan năng, các xáo động tự nhiên, những thành kiến, những bả hư danh phú quí phàm tục, những ngỡ ngàng. Đối với tâm hồn nghịch cảnh, có thể áp dụng lời các tác giả thánh vịnh: "Mọi thú dữ rừng xanh tản mác trên mình nó" (Ps 103:20).

4) Tình thắm thiết này an ủi bạn. Bạn không thấy niềm hân hoan sung sướng khi có cha mẹ, bạn hữu ở bên cạnh sao? Nhưng làm sao bạn có thể giữ những tạo vật thắm thiết nhất của bạn luôn luôn ở bên được. Những nhu cầu cấp thiết của cuộc sống không cho phép. Họ phải xa cách. Xa cách giảm dần tình nghĩa thiết. Hơn nữa, sự hiện diện của tạo vật cũng chỉ có tính cách bên ngoài. Với ơn thánh hóa, Thiên Chúa hiện diện ngay trong bạn. Hân hạnh biết bao! Ôi! biết được Thiên Chúa ở trong tâm hồn mình, biết được mình luôn luôn sống dưới mắt âu yếm của Chúa, trong cánh tay Chúa, quả là dễ chịu biết bao! Sự hiu quạnh, cô đơn đè nặng và cái trống rỗng bao trùm nhiều người chúng ta. Cảm thấy một thân một mình, là cảm thấy buồn vô kể. Nhưng lại cảm thấy nhẹ nhàng biết bao khi nghĩ ra; "Không, tôi đang sống trong ơn nghĩa thánh, tôi mang Đấng đại diện tất cả và không có gì thay thế được Chúa". Con tim bạn đau nhói hay mệt mỏi vì những giao tranh với chính bạn, với những thử thách và bất công; bạn gần như ngã gục trong hố chán nản tuyện vọng. An ủi cho bạn biết bao nếu bạn nói lên đước: "không, tôi đang sống trong ơn nghĩa thánh, có Chúa ở trong tôi, Chúa là chính sự toàn năng, là sự khôn ngoan, là sự tốt lành vô biên".

5) Tình thắm thiết này thúc đẩy bạn cầu nguyện Thiên Chúa trong bạn: tư tưởng này gợi dậy trong bạn cái nhu cầu nói chuyện với Chúa, dốc bầu tâm sự với Chúa, thờ lạy Chúa, cảm tạ Chúa, xin Chúa tha thứ lỗi lầm, nguyện xin Chúa ban cho những ơn sủng bạn cần thiết. Làm tất cả những điều đó, tức là cầu nguyện đấy. Tình thắm thiết thúc đẩy bạn nguyện cầu. 6) Các nhà đạo đức đều khuyên chúng ta cần phải có tình thắm thiết này. Tác giả sách Gương Phúc nói: "Thiên Chúa thường thăm viếng con người biết sống nội tâm: Chúa nói với họ những lời êm ái; Chúa ban cho họ một niềm an ủi tốt đẹp nhất, một niềm bình an dồi dào, một tình thân thiết bền chặt và sâu nhiệm. Vậy bạn hãy dành chỗ đó Chúa chứ đừng để những người khác lọt vào tâm hồn bạn" (2,1)

Thánh nữ Catarina thành Siêna cũng nhắn nhủ chúng ta như vậy. Sống đời một phần tử dòng Daminh, giữa thế gian, Catarina vẫn giữ được trong cõi lòng một sự thanh vắng kiên cố đến những bận rộn bên ngoài không tài nào xáo trộn được Chị thánh nhờ đó đã nếm hưởng được biết bao êm dịu ngọt ngào. Chị đã nhận được bao ơn thánh trong lúc tâm trạng thanh tĩnh này. Chị cũng khuyên người khác lo tạo cho được sự tĩnh tâm như thế.

Chắc bạn đã có dịp nghe nói tới Charles de Foucauld. Một người trở lại đạo rất đặc sắc! Một người thuộc dòng quý tộc! Một sĩ quan trong quân đội Pháp! Một nhà thám hiểm lừng danh! Khi còn trai trẻ, ông sống cuộc đời chẳng tốt đẹp gì, đến nỗi buộc lòng phải rời khỏi quân ngũ. Rồi, ngày của ơn sủng đến với ông, ông thành một vị khổ tu. Suốt 7 năm, ông sống trong một tu viện thanh vắng. Cảm thấy chưa đủ khắt khe, ông lên đường sang Đất Thánh và sau đó qua sống trong sa mạc Sahara. Một nếp sống khó khăn ghê gớm. Một nếp sống thiếu thốn kinh khủng. Thống hối ăn năn. Ông chết với cuộc sống đó. Chết như một vị thánh.

Trong thư giử cho chị, Cha De Foucalud có viết: "Thiên Chúa ở trong chúng ta, tận cung lòng chúng ta. Chúa luôn luôn ở đó. Nghe chúng ta và yêu cầu chúng ta nói chuyện với Chúa một tý. Chị hãy tập cho các cháu có thói quen nói chuyện với vị thượng khách tối cao của tâm hồn các cháu. Với sự yếu hèn của em, cuộc đời của em đấy, em còn có thể làm được. Thì chị cũng thế! Việc này không làm chị bận rộn đến quên lãng những công việc khác của chị đâu. Thời gian không đáng một phút! Chỉ thay vì có một mình, thì nay chị thành hai người chu toàn thói quen, và sau cùng chị sẽ không ngớt cảm thấy trong chị người bạn dịu dàng này, Đấng Thiên Chúa của tâm hồn chúng ta... Lúc đó, chúng ta sẽ kết hiệp hơn bao giờ hết, vì chúng ta sẽ cùng một cuộc sống như nhau...Thời giờ chúng ta sẽ đều trôi qua như thế, với cũng người bạn đường đó".

"Thiên Chúa ở trong tôi", một linh mục đã viết sau những ngày được nghe vị giảng phòng nhấn mạnh tới tín điều này tư tưởng này đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong tôi. Đời tôi đang đổi hết. Nó linh hứng cho tôi biết bao ý nghĩ xây dựng! Nó cho tôi bao sức mạnh! Ôi an ủi biết bao khi biết được tôi có thể nói chuyện với Chúa bất kỳ lúc nào, biết được tôi luôn luôn sống dưới khóe mắt của Chúa; biết được Chúa ở đó để giúp tôi trong mọi hoạt động đời tôi; biết được Chúa ở đo, kề sát bên, những khi tôi đau khổ, biết được Chúa là Người chứng các cố gắng đời tôi ngõ hầu làm đẹp lòng Chúa. Tôi muốn chuyện vãn với Chúa luôn, muốn năng nói cho Chúa biết tôi sung sướng về sự có mặt của Chúa trong tôi, là tôi yêu mến Chúa, cả những khi tôi không cảm được gì".

(F. Cuttaz, Le juste).

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro