[Quyển 1] Chương 2: Quá khứ (tiếp)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 2: Quá khứ (tiếp)

Bà suy nghĩ gì vào thời điểm ấy thì Nguyễn Bình An không biết. Tuy nhiên, nhìn vào sự thật hiển nhiên là đến giây phút này cô còn tồn tại trên đời thì cũng có thể thấy rõ quyết định cuối cùng của mẹ cô lúc ấy là như thế nào.

Trong suốt những năm mẹ còn sống, chưa bao giờ An hỏi bà đã trải qua thời kì mang thai thế nào. Bà Huệ chỉ nói, lúc có bầu được bốn tháng là bà khăn gói trở về nhà ở với thầy u. Rồi thì người người bàn tán, nhà nhà bàn tán. Người nhà thì còn cấm được chứ người dưng thì chịu. Nói cho gọn thì đó là làng quê mà, con người ta ngoài việc đồn đại sau lưng và sầm xì thì cũng chẳng còn điều gì khác. Cũng chả phải thời cổ đại mà gọt đầu bôi vôi thả bè trôi sông. Tuy nhiên, nghĩ theo mặt tích cực thì dù có kì thị ra mặt thì cũng chẳng thể nói thẳng trước mặt đối tượng được. Ai cũng xấu hổ nếu bị người mình nói xấu nghe thấy, không phải sao? Thế nên, người lớn thì coi như đàm tiếu thì lựa lúc không có ai. Trẻ con thì quá bé để hiểu cái định nghĩa "con rơi". Nên tịu chung lại, thời kì thơ ấu của Nguyễn Bình An, chín bỏ làm mười, thì cũng không tệ lắm.

Mười năm, rồi hai mươi năm, trong suốt năm tháng tuổi thơ, An chưa bao giờ hỏi mẹ về hoàn cảnh nhà mình. Dường như qua những câu bập bõm của hàng xóm, An cũng biết tại sao mình có mặt trên đời. Dù không nói cho mẹ, nhưng An luôn nghĩ, thà lúc ấy bà bỏ mình thì có khi cuộc sống của bà đã không khổ như thế. Nhưng mỗi lần nhìn vào ánh mắt mẹ nhìn mình trừu mến đầy yêu thương, An lại không nỡ nói sợ làm bà buồn.

An lại càng chưa bao giờ hỏi một câu về bố mình. Nàng coi "người đó" không tồn tại trên đời. Nhưng mà mỗi lần nhìn thấy các ông bố dắt con đi chơi, An cũng nghĩ giá như... Đến khi An trưởng thành, bà Huệ cũng kể hết mọi chuyện. Về bố nàng, về việc bà bị lừa thế nào, về việc có An, bà hạnh phúc ra sao. An cứ nghĩ hai mẹ con sẽ mãi thế này. Dù là năm hai tuổi nhưng nàng bắt đầu đi làm thêm rồi. Làm dịch thuật rồi phiên dịch cho người ta. Lương tháng thậm chí còn đủ cho nàng đóng học rồi trả tiền nhà. Nàng tính, sau này, nàng sẽ tích tiền mua nhà rồi đón mẹ lên luôn. Hai mẹ con sẽ không phải xa nhau nữa. Chuyện có lẽ sẽ vẫn êm đềm trôi như thế nếu sự việc ấy không xảy ra.

Đó là một ngày mùa đông tháng mười hai, An còn nhớ như in khoảng thời gian đó là đợt lạnh kỉ lục suốt mấy năm. Tối đó ông ngoại An đi ăn cỗ nhà họ hàng, đến tầm 11 giờ ông mới về. Đàn ông ăn cơm ăn cỗ thì kiểu gì cũng con cà con kê, cũng chén tạc chén tù. Tiệc tàn, mọi người về nhà. Chẳng biết trong mâm cỗ có ai nói gì mà vừa về đến nhà, ông đã chỉ mặt mẹ An mà mắng:

"Sao tao lại đẻ ra cái của nợ như mày. Cái đồ chưa chồng mà chửa. Mày làm tao không ngẩng nổi mặt lên được mà sống. Sao mày không cút đi cho khuất mắt tao."

Nói rồi, ông tiện tay vớ lấy cái điếu cày rồi đáp. Nó bay thẳng vào đầu bà Huệ, máu chảy tràn trên gương mặt bà. Cho đến khi thấy máu, chị em bà mới tá hỏa mang bà đi y tế xã. Sau khi được bác sỹ cầm máu rồi khám sơ qua, bà nằm viện hai tiếng rồi xin về vì mai bà còn đi làm. Bà cũng bỏ ngoài tai lời khuyên đi chụp cắt lớp vì ngại tốn tiền. Mấy trăm nghìn là tiền ăn gần tháng của con bà. Đây cũng chẳng phải lần đầu tiên.

Tuy nhiên, tầm hai ngày sau, bà mất. Bà Huệ đi trong lúc ngủ với gương mặt an lành. Chả ai biết bà bị bệnh gì mà ra đi đột ngột như thế. Mẹ bà Huệ hôm đó thấy sáng mà con vẫn chưa dậy chuẩn bị cơm thì vào giục. Lúc bà vào, người bà Huệ đã lạnh ngắt, bà ngừng thở từ lúc nào. Tiếng hét giữa sáng sớm như báo trước một tương lai không an lành.

Bà Huệ được an táng ngay trong ngày. An chạy về vừa kịp để tạm biệt mẹ trước khi bà nhập quan. An chẳng thể hiểu được tại sao đêm qua mẹ còn nói chuyện với mình, còn kêu mình cuối tuần về nhé, kêu rằng "mẹ nhớ con quá.". Mà mấy tiếng sau bà đã bỏ An mà đi. Suốt lễ tang An khóc không nổi. Mắt cay xè và cổ nghẹn đắng. An không thể hiểu được. Nhìn mẹ vẫn như đang ngủ, chỉ là gọi mãi mà mẹ không chịu tỉnh. Đến lúc đóng quan, An như phát điên. An cản hết những người định mang mẹ nàng đi. Bà vẫn bình thường, bà chẳng bị làm sao cả, mấy người sao lại đem nhốt mẹ tôi lại. Phải dăm ba người mới giữ được An lại. Rồi những tiếng thầm thì :"Con ơi, con đừng thế", "Con như vậy, mẹ con không ra đi thanh thản được.", "Bình tĩnh lại An ơi". Rồi An ngất đi.

Sau này nghĩ lại, An không thể nào nhớ được những điều diễn ra trong đám tang của bà Huệ. An ngất liên tục vì đau lòng và kiệt sức. Mọi người cũng không dám cho An lại gần quan tài vì lo An không chịu nổi. Kí ức đám tang mẹ vốn dĩ đã không liền mạch, nay còn trở nên nhoè nhoẹt trong tâm trí vì những giọt nước mắt đau khổ. An không dám đối mặt với nấm mồ của mẹ, nhưng cứ cuối tuần, An lại tranh thủ chạy về với bà. An sợ phải đối mặt mới sự thật là mẹ không còn sống nữa, nhưng còn sợ hơn khi nghĩ mẹ đang nhớ mình, vậy mà mình không về.

Phải gần một năm sau, An mới nguôi ngoai. Giờ đây, An có thể nói chuyện được với mọi người trong nhà, rồi hàng xóm về bà Huệ, rồi những việc trong đám tang, rồi ngày bà mất. Hôm ấy là giỗ đầu bà Huệ. An đã về từ sáng sớm để chuẩn bị cỗ bàn và chăm sóc mộ mẹ. Mọi việc diễn ra suôn sẻ. Tối đó, khi ngồi rửa bát cùng chị Lý hàng xóm, An hỏi thăm tình hình nhà chị. Chị kể từ chuyện thằng con sắp thi vào cấp ba rồi, mục tiêu thi hẳn trường chuyên, nghe vẻ tự hào lắm. Đến việc ông nhà An dạo này yếu nhiều rồi, sức khoẻ không còn như mấy năm vừa rồi.

Đột nhiên, chị nói: "Cũng may là ông nhà em yếu nên bà đỡ khổ. Chứ hồi trước ông hay đánh bà lắm. Bà cũng đến khổ với ông."

"Là sao hả chị?" An không hiểu.

"À, em xa nhà sớm nhỉ, bảo sao không biết. Ông em ngày xưa mỗi lần bực mình là lại đánh bà ấy." - chị từ tốn kể.

"Đánh bà luôn hả chị?"

"Ừ, đánh ghê lắm em."

An không muốn nghe chuyện của bậc bề trên đâu. Buôn bán chuyện về bề trên vốn không phải việc hay ho gì. An nói lảng "Chắc là xưa lắm rồi, chứ hồi mẹ con còn sống, em đâu thấy gì đâu."

"Đâu ra, mẹ em còn bị ông đánh mà." - chị Lý phản bác.

"Là sao? Mẹ em bị ông đánh á?! Em đâu thấy mẹ em kể gì đâu?! Việc thế nào hả chị?" - An thảng thốt.

Chị liền lí nhí nói : "Mẹ em thỉnh thoảng vẫn bị ông đánh mà. Cơ mà nhẹ thôi. Mà nào ai dám phản kháng đâu. Bà cũng bị đánh suốt đấy thôi." Chị dè dặt "Ngay như trước khi mẹ con mất mấy ngày, còn bị ông đánh đâu. Mà thôi, em quên hết đi nhé. Giờ ông cũng yếu rồi cũng có làm được gì đâu."

An cảm thấy có chuyện gì đó không đúng ở đây.

An không dám nghĩ sâu sa hơn. Rửa bát xong, An chào chị Lý, đi vào trong chào mọi người trong nhà, rồi chạy ra bến xe cho kịp chuyến cuối ngày.

Nhưng trực giác mách bảo An, phải tìm hiểu thêm việc này. Việc này có vấn đề. Suốt một tuần sau, An cứ nghĩ mãi về đoạn hội thoại ngày ấy với chị Lý. Đắn đo mãi, An gọi điện cho Bác Hạnh. Hỏi thăm từ sức khoẻ của dì, đến tình hình các em, phải cỡ mười phút sau, An mới vào chủ đề chính.

"À, bác ơi, con nghe nói ngày xưa ông hay đánh mẹ con lắm hả bác?"

Bác Hạnh giật mình : "Đánh là sao, làm gì có ai bị đánh. Con nghe ai nói nhăng nói cuội đấy? Để bác chửi chết nó. Dám đơm đặt linh tinh."

An giả vở : "Dạ, không là con nghe bà Tầm kể là ngày xưa hồi mẹ con còn bé. Tại mẹ con nghịch quá nên suốt ngày bị ông đánh á bác."

Bác Hạnh thở phào :" À, bà Tầm nhớ nhớ quên quên suốt, ấy mà chuyện này vẫn nhớ cơ. Nào chỉ mẹ con, bác còn bị ông đánh ấy. Toàn tại mẹ con đầu têu ấy." Bác cười lớn rồi lảng đi "thôi, cũng muộn rồi, bác không nói chuyện với con nữa. Con ngủ đi, nhớ chăm sóc sức khoẻ".

An chào bác rồi cúp máy.

Thực sự có chuyện! Thái độ của bác Hạnh không đúng. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro