Làm khách

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sau bao ngày lao động vất vả, Chí Vinh cuối cùng cũng đã kiếm được đủ tiền để mời Hách Khôi món ăn mà nó yêu thích nhất. Thanh niên trưởng thành, độc lập không thể nào xin tiền mẹ đi chơi được, dù tiền này cũng làm ra từ túi mẹ nhưng vẫn được tính là thành quả lao động.

Lại như mọi ngày khác, nó thập thò bên ngoài cánh cổng sắt nhà ông phó chủ tịch xã để chờ cháu ngoại của ông. Nhưng nay nó huýt sao đến mỏi hết cả mồm miệng vẫn chẳng thấy chiến hữu của nó đâu cả. Sao lại không trả lời, rõ là cửa nhà vẫn mở kia mà.

- Giời ơi Vinh ơi, mày làm gì mà cứ hót như chim ấy, bà đau đầu lắm. Anh Khôi lên phố với ông rồi. Có chuyện gì vào đây bà xem nào?

Câu bà nói ra như sét đánh ngang tai nó giữa trời quang mây tạnh thế này. Tay nắm chặt gói quà được cắt xé nham nhở, nơ thắt còn lệch trong tay mình, nó ỉu xìu "Cuối cùng vẫn là không kịp tặng cho anh."

Nó đang rất buồn, tay luồn vào trong, mở rộng cánh cổng ra rồi tự nhiên bước vào sân nhà, như thể mỗi lần ngại ngùng đứng ngoài kia chẳng phải nó. Ngồi trên bậc tam cấp  nhà ông phó chủ tịch xã, bên cạnh là phu nhân của ông đang mải bóc hạt sen, nó hai tay bưng cằm thở dài. Một lượt, hai lượt, rồi ba lượt "Haizzzz".
Bà ngoại nghe cũng thấy não lòng thay, ngưng tay lại rồi hỏi nó.

- Thế ông tướng làm sao?

Nó chẳng buồn đáp lại lời của bà, chỉ khẽ lắc đầu rồi lại thở dài thườn thượt.

Lũ trẻ con hay thật, chỉ cần chơi với nhau vui vẻ thì sẽ hòa hợp đến không thể chia xa thế này, Khôi em của bà thật may mắn khi có những người bạn như thế.

- Vinh ra vườn phụ bà bê cây chuối vào đây để bà thái cho lợn ăn nào. Với cả mưa, ông mang võng vào nhà rồi, muốn nằm thì mang ra mà mắc Vinh ạ.

Hiếm lắm mới có khi con mèo nhà này ngoan ngoãn thế, nó nhẹ giọng "Vâng" một tiếng rồi từ từ đi sau bà. Cứ chê tụi nhóc nghịch ngợm, nhưng nghĩ đến vài năm nữa, chẳng còn tiếng bọn nó lanh lảnh bên tai thì buồn phải biết.

Chí Vinh ta thuần thục các bước vào nhà, lấy võng, mắc lên hai cái cây trong vườn, bên cạnh cái lán tôn bà đang băm rau. Nó nằm đung đưa trên chiếc võng, mắt nhìn vào những tán cây xanh rì. Nó thích mùi đất trời, hoa cỏ sau mưa lắm nhưng hôm nay chẳng gì có thể làm nó vui.

Bà ngoại Khôi vẫn đang tay làm, miệng nói chuyện với nó, đoạn bà bảo:

- Vinh này! Vinh có quý anh Khôi không? Năm nay, ông bà xin cho anh về trường mình học. Vinh giúp ông bà trông anh nhé.

Lời của bà vừa dứt, nó bàng hoàng ngồi dậy rồi chới với mà ngã ngồi xuống nền đất ẩm sau mưa ấy. Đấy lúc nào cũng hấp tấp thế, chẳng chịu chú ý gì cả.

- Mày cứ ẩu thả thế, khéo mà có ngày.

- Bà ơi, anh Khôi ở lại đây hẳn hả bà?

- Ừ. Bố mẹ anh bận nên anh về ở luôn với ông bà.

Chẳng còn cái dáng vẻ ảo não, u sầu ban sáng nữa, nó lại cười hềnh hệch, nhảy cẫng lên. Nói vài ba câu hứa với bà, sẽ trông cháu của bà thật tốt rồi chạy biến đi.

- Bà yên tâm, cháu sẽ trông anh Khôi thật tốt. Cháu trông cả đời luôn.

Tuổi thơ hạnh phúc sẽ để yên trong lũ trẻ sự hồn nhiên vốn có ấy, chứ chẳng phải cố gắng gồng mình để tồn tại, thu mình lại để rồi chỉ bản thân mình thiệt thòi. Tội cho Khôi của bà quá!

Mưa gió vẫn kéo dài, rồi còn trục trặc một vài chuyện liên quan đến giấy tờ pháp lý của bố mẹ mà việc tách hộ khẩu của em Khôi lâu hơn hẳn. May mắn ông ngoại cũng quen với việc làm giấy tờ nên cũng không quá khó khăn cho hai ông cháu.

Em theo ông đến lại trường học cũ để rút học bạ. Gặp lại các thầy cô, bạn bè mà thấy những năm qua như chưa từng tồn tại, vì ai với em cũng thật xa cách. Chắc em chỉ cảm thấy luyến tiếc với bác bảo vệ và cô bán cơm ở canteen thôi.

Dù không muốn, nhưng Khôi em vẫn phải tới lớp, tạm biệt các bạn học. Nhìn những khuôn mặt giả tạo, làm ra vẻ tiếc nuối kia trong khi lòng thì như mở cờ của họ em thấy nổi da gà. Bớt đi một đối thủ cạnh tranh thì sao không mừng cho được. Em vẫn thích Chí Vinh đẹp trai, em Đậu xinh, em Cún nhỏ, bạn Cún béo, em Gấu béo hơn. Nếu so thằng bạn Sang Hách với những người ở đây, em thà chọn thằng bạn khó tính kia còn hơn.

Sau ba ngày thì mọi thứ xong xuôi, Khôi em như thể trút được gánh nặng trong lòng, em cứ cười suốt cả đường về. Về đến nhà, chào bà rồi cũng ôm chặt lấy người bà không buông. Ông bà hiểu em đã cô đơn thế nào, ông bà có lỗi thế nào trong những tổn thương mà em mang.

- Ô, nay cu Vinh sang hả? Cả hè rồi mà nay mới thấy nó sang. Mấy hôm trước dặn nó về bảo chú Thịnh xem lại đường điện ngoài trạm không biết đã bảo chưa? Cứ mải chơi suốt thôi.

- Chú ấy đi xem rồi, ổn rồi. Gớm nữa, ông cứ khó tính. Mấy hôm nay nó sang giúp tôi bê mấy cái bao cám thóc vào nhà. Ông đi rồi có ai bê cho đâu.

- Thì tôi nói thế.

Khôi em ngồi giữa ông và bà, nghe ông bà nói thì lần lượt quay trái quay phải trông yêu lắm. Khuôn mặt thì như còn mơ ngủ, em cứ ngơ ngác nhìn quanh.

- Em Vinh hay sang nhà mình lắm hả bà? Em bảo với con sang nhà mình em sợ bà ạ.

- Úi dời, nó có sợ giời. Nhà này nó có sợ ai đâu, có sợ chắc sợ mỗi con Mực đen. Vinh hay sang phụ bà mấy việc bê vác lắm, tính nó giống bố, thấy ai cũng muốn giúp. Ngoan ngoãn, lễ phép nữa.

Ra là mấy lần ngại ngại trước mặt em chỉ là giả vờ, nó vốn quen với cái nhà này từ bé tý rồi. Thế mà mấy lần sang gặp em cứ thập thà thập thò như thể làm gì phạm pháp ghê gớm lắm.

Khôi xin phép ông bà để sang nhà 'bạn'. Vừa tới cổng, nhìn vào thì thấy 'bạn' đang ngồi giữa sân với một đống tre nứa, keo sơn đủ thứ kiểu. Em nhẹ giọng gọi hai, ba lần mà 'bạn' chẳng nghe thấy gì cả, đành phải tự mở cổng đi vào. Tới gần mới thấy, nó vừa vót tre miệng vừa lầm bầm hát mấy giai điệu Bolero trữ tình, nghe cũng vui tai đấy.

Khôi em biết thừa là Chí Vinh nhận thấy sự hiện diện của em rồi, nhưng nó làm ngơ, không thèm để ý đến em. Sao mà hay giở trò quá!

- Này! Đang làm gì đấy?

- Tôi đang dỗi, phiền anh không hỏi nữa. Vì anh hỏi tôi sẽ trả lời.

- Sao mà dỗi? Ai làm gì mà dỗi.

- ...........

- Không trả lời? Thế thôi tôi đi về.

- Đấy! Biết ngay mà, có dỗ được quá ba câu đâu. Anh tệ lắm anh Khôi ạ.

- Tôi hỏi thì không trả lời, tôi về thì bảo tôi tệ. Em hay vậy lắm.

- Sao anh đi anh không bảo em một câu.

- Năm giờ sáng tôi đi, em còn ngủ chổng mông lên mà hay bắt bẻ.

- Khôi về đây học với em rồi đúng không?

- Không!

- Ơ? Sao bà bảo anh chuyển về đây rồi? Bà lừa em à.

- Không! Anh lớn hơn em một lớp mà.

- Ừ nhỉ. Em quên.

Cứ thế, một đứa đứng cúi xuống, một đứa ngồi ngửa đến mỏi cổ để nói chuyện với nhau. Vô tri không để đâu cho hết được.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro