4. Hoa phượng và lời cảm ơn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Gừng ơi, dậy đi, có anh nào tới tìm con này."

Ban mai sáng bừng một sắc vàng tươi sè sẹ rọi lên đôi mắt nhắm nghiền, khiến chúng không kiềm được mà khẽ run run. Gừng mơ màng tỉnh dậy sau giấc mộng dài tựa như đã trôi qua hàng thế kỉ, ngái ngủ cuộn tròn thành một cục co quắp trên giường, mái đầu xù cứ chốc chốc lại gật gật, trông chẳng có vẻ gì là đã sẵn sàng giang tay đón chào ngày mới. Cửa sổ khép hờ len lỏi hơi lạnh chớm thu phả vào trong chăn, mang theo hương ổi từ phương xa lắc pha chút cốm thơm Hà Nội. Tháng bảy dịu dàng ngang qua ngõ, đất thủ đô lại càng đượm nét thơ khiến lòng người xao xuyến. Và trong cái tiết giao mùa dịu êm ấy, gió heo may chạm khẽ qua gò má Gừng, nó lại thiu thiu vào giấc mộng trìu mến...

"Êu, dậy đi mày, ngủ như chết."

Giọng nói "êm ái" len qua màng nhĩ Gừng, rồi xuyên thấu bên còn lại. Gừng thao láo hai con mắt, bật phắt dậy.

"A, anh Ta ge. Hì hì, xin lỗi Gừng ngủ quên mất."

Nó cười trừ, đôi mắt áy náy nhìn người anh trước mặt.

"Mày ngủ còn say hơn tao, làm anh chờ mày mỏi cổ.". Tage nguýt nó, xì một tiếng.

Thằng Gừng lờ đi gương mặt đen như đít nồi của con người đối diện, lắc lắc cánh tay cậu, toét miệng cười để lộ hai hàm răng sún.

"Ớ, thế anh Ta ge đến chơi với em à? Yeah, vui quá xá! Chơi ô ăn quan với em đi, em mới sưu tầm được mấy viên cuội đẹp lắm!"

"Thôi, tao không chơi đâu, hôm nay học hè trên trường. Tao đến để đưa mày cái này này.". Nói rồi, cậu chìa túi bột giặt đã xin mẹ từ tối trước.

Bàn tay nhận đồ không cầm vững, chiếc túi bất chợt rơi xuống, và mảnh hoa phượng ép im lìm trong tấm nhựa ló dạng, tựa như ghìm chặt chút hạ cuối cùng, đỏ chói. Chẳng cần nhìn, Tage cũng đoán được gương mặt thằng Gừng rạng rỡ đến mức nào. Nó cảm động, đôi mắt lay láy nhìn anh, có lẽ trong suốt năm năm cuộc đời, nó chưa từng gặp được ai chiều nó đến vậy như cậu ngoài bố mẹ và ông bà nó.

Gừng chào đời vào những năm tháng kinh tế gia đình rơi vào khủng hoảng, bố nó phải chạy vạy khắp nơi chỉ để đủ tiền thuê một căn trọ ọp ẹp mà ngồn ngộn năm con người cùng chung sống, mẹ nó buộc phải xuất viện sớm rồi quần quật tìm việc làm. Suốt hai năm ròng rã thấm lên ký ức mơ hồ của nó bao vết chai sạn in hằn bàn tay mẹ, giọt mồ hôi mặn chát tuôn xối xả trên vầng trán cha ấy, Gừng được bao bọc bằng thứ tình thương vượt lên đói nghèo, bằng câu hát ru bà nó vẫn thường hát cho qua cái bức bối khi nó thiu thiu ngủ. Có lẽ bởi vì thế, nó trân trọng từng thức quà mà cuộc đời ban tặng cho nó, từng niềm vui nho nhỏ song có thể khiến nó tủm tỉm cả ngày dài.

Thằng Gừng vẫn nhớ như in cái ngày đầu tiên nó biết thế nào là sinh nhật. Trong khu tập thể xập xệ, nó ngồi ở trung tâm khoảng sân như một ông hoàng con, xung quanh là những đứa bạn hùa theo khiến bài hát sinh nhật càng thêm vang vọng. Nó thừa biết gia cảnh mấy cô bác hàng xóm cũng chẳng khá khẩm gì hơn nó, bởi vậy, nó cũng chẳng mong chờ hay câu nệ quà cáp gì, đôi khi chỉ cần một gói kẹo, hay một cây bút chì là đủ. Ấy vậy mà, ngày sinh nhật năm ấy, Gừng nhận được một kỉ vật chứa thứ tình thương thiêng liêng vĩnh cửu, kỉ vật mà nó thề với trời cao lồng lộng rằng nó sẽ giữ gìn mãi mãi. Đó chính là chiếc dây chuyền bạc mà ông bà đã dùng số tiền ít ỏi dành dụm nhờ bán gạo để gửi tặng cho nó. Gừng quý cái vòng ấy lắm, nó cứ ngắm nghía rồi mê mẩn mãi chẳng chán, đến mức nó thà bỏ lớp mầm non để về nhà nếu có lỡ tháo ra rồi quên đeo cái vòng ấy lại vào cổ...

Kỉ niệm ùa về như bức tranh sơn dầu đã nhòe cũ, và dưới ánh dương tinh khôi của ngày hạ tàn, ánh bạc trắng sáng lấp lánh cứ thế soi sáng một phần ký ức từ thời thơ trẻ của cậu nhóc năm tuổi là nó...

...

Tage ghét việc phải nghe những lời cảm ơn, bởi đối với cậu, chúng tựa như nốt nhạc lạc tông và chói tai lửng lơ giữa thanh âm đều đều của bản nhạc. Vô cảm và giả tạo.

Ngay từ khi còn nhỏ, Tage đã ý thức rất rõ ràng về điều kiện gia đình mình. Những đứa bạn khác của cậu thường sẽ đến trường mẫu giáo bằng xe máy, còn cậu lại một mình một băng ghế dài trên chiếc ô tô đời mới nhất mà ngay cả cậu cũng chẳng biết đã xuất hiện tự lúc nào. Dẫu ăn sung mặc sướng là vậy, nhưng có lẽ bởi sự khác biệt, bọn trẻ cùng lớp thường dè dặt khi đối diện với cậu, và chẳng cần lời nói, chỉ qua ánh mắt của chúng, Tage cũng có thể thấy rõ một vách ngăn vô hình chắn ngang tâm hồn cậu với những hồn người còn lại.

Nhà Tage trước giờ cứ chốc chốc lại nghìn nghịt khách, đôi lúc có thể là những cô đứng tuổi tóc xoăn tít mù mặc mấy chiếc váy hoa lòe loẹt, có khi lại là mấy ông chú khoác lên mình bộ vest nom trịch thượng quá thể. Những con người đó thường xách theo mấy món quà bánh gói trong lớp giấy kính sặc sỡ thắt chiếc nơ diêm dúa, bắt tay với bố mẹ cậu, rồi cười cười nói nói vang khắp căn phòng. Nụ cười giả tạo. Song, ấy là phần thiểu số trong thống kê những lần có khách lạ ghé ngang nhà cậu, bởi lẽ người lớn chẳng bao giờ là rảnh. Và khi họ lấy cái cớ đó để thu mình khỏi hằng hà sa số các mối quan hệ chỉ toàn lợi ích và lừa gạt, những đứa trẻ sẽ trở thành tấm khiên hoàn hảo nhất được mang ra làm con cờ trong ván cờ vô luật. Tage cũng vậy, khi bắt đầu có nhận thức về xã hội, người cậu gặp nhiều nhất không phải cha mẹ, mà là mấy cô chú lạ hoắc, và câu nói cậu được nghe nhiều nhất lại càng chẳng phải tiếng ru ơ ầu, mà chính là câu nói "cảm ơn" sặc mùi "thành ý".

"Cô chú gửi ít quà quê cảm ơn cha mẹ con nhé."

"Trời, đúng là con nhà nòi có khác, trộm vía ghê á trời. Cho cô gửi cái phong bì nho nhỏ thay lời cảm ơn cha mẹ con nhen."

...

"Anh Ta ge, cám mơn anh nha!"

Giọng trói trong trẻo mang chút âm mũi dịu dàng vang lên đưa Tage khỏi quá khứ đã trói chặt cậu suốt bao giấc mộng mị, ngước lên nhìn nó, cậu sửng sốt như được chứng kiến vầng mặt trời ở cự ly gần...

Bình minh khuất dần sau dãy nhà san sát, thu lại chút đỏ nhạt nơi gò má cậu. Nắng lung linh rọi qua bờ giậu, và hoa sữa bắt đầu nhú vài nụ non trắng ngà.

Hôm ấy, lần đầu tiên đứa trẻ nhỏ nhận được một món quà đặc biệt đến vậy từ người bạn mới quen.

Và cũng hôm ấy, lần đầu tiên đứa trẻ lớn cảm nhận được thanh âm lời "cảm ơn" một cách chân thành và tinh khôi đến thế.

...

Anh gửi em nhành phượng

Xin em đừng cảm ơn!

Để nợ dần một lớn,

Sau trả bằng vấn vương.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro