Tập 27 - Thực hiện lời hứa trong cơn mưa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

- Duyên ơi! Dậy đi em, trời sáng rồi... Đã 5 giờ sáng rồi nè. Dậy đi! (tôi lay mãi nhưng Duyên không có phản ứng)

Tôi sờ lên tay trán Duyên và đoán rằng cô ấy đã bị sốt vì quá lo lắng cho người anh trai. Tôi đến trạm xá gần nhà xin y sĩ ít thuốc rồi nấu cho cô ấy ít cháo giải cảm.

- Em sốt rồi. Ráng gượng dậy ăn tí cháo đi. Cháo anh nấu cực lắm đó!

- Em quá mệt, anh à. Mớ rau em hái hôm qua chưa kịp ra chợ bán nữa...

- Anh mớm cho em tí cháo. Em nằm ngủ. Anh mang hộ số rau đó ra chợ bán giùm cho.

- Anh có quen với việc buôn bán đâu, kẻo lỗ thì mệt. (Duyên cười)

- Không sao, em báo anh giá bán. Anh ra chợ bán cho. Trời vẫn còn sớm...

- Thôi, để lại mớ rau đó đi, mình nấu canh ăn luôn. Người quen người lạ em bán giá khác, anh ra ngoải kẻo ế mang về...

- Đành vậy, anh rửa mớ rau đó rồi nấu miếng canh đặng dành trưa ăn. Em cứ việc nghỉ ngơi, mọi chuyện cứ để anh lo. Thân gái dặm trường sống một mình, anh trai lại đi làm xa, bệnh hoạn rõ khổ...

- Nay để anh đảm đang một bữa vậy. Không biết có ngon không ta!

- Đừng khinh thường tài nghệ của anh! Hồi xưa, anh sống ở thành phố một mình, cũng tự thân nấu nướng mà. Ráng mà ăn hết tô cháo nha! Không ăn kẻo bệnh nặng thêm, nằm mê man rồi ai mà lo.

- Thì có một người đó.

- Ai?

- Anh chứ ai mà hỏi.

- Ăn đi cô nương. Bệnh gì mà nói dữ tèn! Ráng ăn hết nha! Bỏ mứa anh buồn lắm đó nghen.

- Rồi rồi. Có bàn tay anh chăm sóc là em khỏe re hà.

- Ăn tô cháo mà làm như thuốc tien vậy đó.

- Ha ha...

Tôi mang số rau đó ra bờ sông rửa sạch. Ở đây, tuy không có nước máy nhưng vẫn khỏe phây phây, có bệnh gì đâu. Cuộc sống yên bình là thế, không bận tâm nhiều tới cuộc sống mưu sinh nơi chốn phố thị. Tôi quần quật gánh nước đổ vào mấy cái thạp, lóng phèn theo lời chỉ dẫn của Duyên. Chẳng mấy chốc, lu hủ lại đầy, nước trong vắt. Tôi nhìn thấy bản thân mình trong đó, tôi cũng khỏe và được việc đấy chứ. Từ hình ảnh phản chiếu trong thạp, tôi thấy mình có vẻ ốm đi. Có thể vì tôi đã trở nên quá lo xa sau những biến cố lớn. Không nên tự hành hạ thân xác nữa! Thân thể vàng ngọc như vậy mà không bảo tồn thì phí lắm!

Trưa trưa, tôi soạn mớ đồ trong túi xách đem đi giặt thì tình cờ phát hiện lá bùa bình an của bác tài xế rơi ra. Tôi đã quên bẵng chuyện gửi cho đứa con gái của bác lá bùa này. Tôi hỏi Duyên bưu điện nằm đâu và cô ấy bảo rằng nó ở thị trấn kế bên, ra tuốt ngoài đường quốc lộ khoảng bốn năm cây số. Tôi để Duyên ở nhà một mình không đặng nhưng lá bùa này quan trọng, tôi phải giữ lời hứa với bác tài xế đó, để lâu thấy áy náy lắm. Phải gửi gấp thôi! Duyên hiểu nỗi sốt ruột của tôi, bảo tôi dùng điện thoại của cô ấy gọi anh Quân, dặn rằng hãy gọi cho ảnh, ảnh về rồi khi ảnh lên lại thị xã, ảnh sẽ gửi bưu điện. Nếu bây giờ phải sang thị trấn kế bên trong khi không có phương tiện di chuyển thì thật bất tiện. Người dân ở làng này nghèo khổ, có mỗi xuồng ghe là phương tiện đi lại, nhà nào giàu lắm mới sắm nổi chiếc xe đạp. Tôi gọi cho anh Quân, anh ấy bảo mai sẽ về thăm em gái, tôi cũng bớt sốt ruột chuyện lá bùa nhưng đầu óc vẫn chưa trút bỏ được. Tính tôi là vậy đó, chuyện gì cũng phải làm cho xong xuôi, dù mệt cũng phải cố cho đến kiệt sức cũng được, không thì ăn ngủ chẳng ngon tí nào.

Xế xế, thấy Duyên đã đỡ, tôi ra ngoài. Tôi gõ cửa từng nhà hỏi thăm mượn chiếc xe đạp. Lòng tôi chưa được yên, muốn tranh thủ làm liền. Tính tôi mà, chuyện gì cũng phải giải quyết ngay, tránh để lỡ mọi sự. Không nhà nào cho tôi mượn xe đạp cả vì thấy tôi là người xứ khác, họ không an tâm. Tôi cứ liên tục nhận được những lời từ chối, người thì phớt lời thẳng thừng, người thì nói khéo sang chuyện khác, người thì bảo bận chuyện này chuyện kia. Mặc dù người dân họ niềm nở là vậy nhưng dù sao xe đạp là thứ tài sản quý giá, họ sao mà cho mượn được. Bác lái đò già tiến lại bảo:

- Con cứ lấy chiếc xe đạp cũ của bác mà đi công việc. Tuy cũ kĩ nhưng chạy vẫn ngon ơ. Bác tin con mà. Con sống ở nhà Duyên đúng không? Ai cũng đồn là vợ chồng son... Có mấy khi chịu ra khỏi nhà chào hỏi hàng xóm đâu. (bác ấy cười khì)

- Dạ, con cảm ơn bác. Nhưng... con và Duyên chẳng có mối quan hệ gì đặc biệt cả. Chẳng qua, con là khách phương xa, lạ nước lạ cái, Duyên giúp con khi gặp hoạn nạn thôi. Con cảm ơn còn không hết nữa là... Con ở nhà Duyên cũng đã được mươi ngày. Chờ đến cuối tháng, khi có chuyến đò tiếp theo sang sông, con sẽ đi ngay... Để cho mọi thứ xáo trộn cuộc sống của Duyên, con thật là không phải mà!

- Thôi, bác hiểu rồi. Bác cũng không tin lời đồn đâu. Phận con gái sống một mình giữa chốn quê hẻo lánh làm sao mà dám dẫn trai về nhà cho được. Từ nhỏ, hai anh em Duyên được dạy dỗ kĩ lắm. Quân mỗi lần về thăm xóm cũng đều qua nhà hỏi han ông già này. Bác cũng được nghe kể... À mà thôi, con đi nhanh đi, kẻo bưu điện hết giờ làm việc thì phải đợi đến mai. Tốn công hai ba bận. Ông già này già chuyện quá rồi! (bác cười hiền từ, dường như đã lâu mới có dịp nói chuyện vui vẻ với người khác)

- Dạ, con đi ngay...

Tôi mang chiếc xe đạp ở sau nhà Bác ra lộ cái. Tôi đạp thật nhanh, đến đâu tôi cũng đều tắp vào nhà dân hỏi đường đi. Họ chỉ tôi cứ chạy thẳng đến đường quốc lộ, thêm hai cây số nữa thì sẽ nhìn thấy một tòa nhà màu vàng, đó chính là bưu điện. Tôi cứ nghe y vậy mà chạy. Cuối cùng, tôi cũng đến được phía đối diện của bưu điện nhưng nhân viên sắp kéo cửa đóng. Tôi quẳng xe sang bên vệ đường, băng qua lộ. Tới nơi, tôi năn nỉ anh nhân viên bưu điện cho tôi gửi đồ. Anh nhân viên bảo:

- Tối rồi, bưu điện hết giờ làm việc. Cậu về đi, có gì mai quay lại.

- Em xin anh cho em gửi liền đặng kịp cho người nhà. (tôi lấy đại lí do)

- Nhưng mà đã quá giờ làm việc rồi...

- Em năn nỉ anh. Em sống ở làng bên nhưng làng nghèo, xe đạp không có mà đi. Phải khó khăn lắm, em mới mượn được chiếc xe cà tàng, chạy tức tốc ra đây gửi đồ...

- Nhưng... (anh nhân viên vẫn chần chừ)

- Anh làm ơn giúp đi, em xin đấy. (tôi chấp tay, cầu xin anh; cặp mắt long lanh, ánh lên từng tia hi vọng, chớp chớp cầu xin))

- Thôi được, tôi sẽ giúp.

Anh nhân viên mời tôi vào, chỉ dẫn tôi từng bước. Tôi xin anh tấm giấy đặng gửi kèm lá bùa. Tôi viết rằng...

Chào bé gái! Khi em nhận được lá bùa này cũng là lúc cha em đã ra đi. Chắc giờ này gia đình em đã biết tin. Anh đã nhận lời cha em gửi tận tay cho em lá bùa này nhưng hiện giờ anh không thể thực hiện được, đành gửi em lá bùa kèm bức thư này thông qua đường bưu điện. Anh biết cha em đã dành nhiều tình cảm vào lá bùa này. Anh chân thành xin lỗi... Mong em nhận được nhiều an lành khi đeo nó! – Trịnh Tuấn Khải

Trước lúc điện thoại bị hư, tôi đã ghi lại địa chỉ ra một tờ giấy. May quá, tôi vẫn đem theo bên người! Tôi ghi nắn nót địa chỉ trên phong bì, chợt nhận ra cô bé sống ở thành phố. Tôi nghĩ khi trở lại thành phố, tôi sẽ tìm đến nhà cô bé và xin lỗi một lần nữa như là thành ý. Dù sao sự chậm trễ của tôi mà lá bùa không đến được tay em sớm hơn. Tôi thật đáng trách vì đã để cô bé chưa thể nhận được món quà mà cha cô bé gửi gắm...

Tôi đưa cho anh nhân viên phong bì thư, cẩn thận dặn dò anh chuyển lời xin lỗi của tôi đến nhân viên chuyển phát thư và nói với cô bé. Tôi xách xe ra về...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro