Cám Ơn Tết

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Quê tôi không có cái rét mùa Đông lạnh run người, không có chim én chao lượn khắp trời khi Xuân về. Trong ký ức của tôi, Xuân là khi được nhìn thấy biển lúa ngập chìm trong một màu vàng rợp, là từng chùm bông so đũa trắng muốt, là những ngọn lau mía bung mình ra khỏi ngọn...

Cũng bởi Xuân mang đến cho quê tôi biển lúa chín vàng mênh mông ấy mà ba mẹ tôi vốn đã vất vả lại thêm vất vả những ngày cuối năm. Tháng Chạp là mùa thu hoạch lúa Đông Xuân ở vựa lúa lớn nhất cả nước, ai ai cũng tất bật, làm việc gấp gáp để kịp mang lúa về nhà trước ngày Ba Mươi Tết. Ba mẹ tôi cũng vậy, ba thường hay nói đầu năm trong nhà có đầy lúa gạo thì cả năm không lo thiếu thốn. Và tôi tin như vậy!

Những ngày giáp Tết gió chướng thổi mạnh hơn, mang theo chút se lạnh của mùa Đông phương Nam. Vậy mà ngày nào ba mẹ tôi cũng thức dậy thật sớm, mẹ tất bật chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả nhà, rồi cả bữa trưa để mang ra đồng, ba thì lo thức ăn cho đàn gà cả ngày no bữa. Ba mẹ ra đồng khi mặt trời chưa thức giấc, những giọt sương còn đọng trên ngọn cỏ làm ướt cả lối đi.

Ngoài đồng những hạt lúa no tròn, nặng trĩu, đang đợi thu hoạch. Nhìn đồng lúa được mùa, ba mẹ quên cả mệt nhọc, đó là thành quả của một vụ lao động không ngừng nghỉ. Năm nào cũng vậy, ba mẹ cứ chăm lo việc đồng áng, mãi đến khi kết thúc, nhìn lên tờ lịch mới giật mình nhận ra đã là Ba Mươi Tết. Khi còn nhỏ, chị em tôi thường xuyên có những cái Tết vội vã như thế.

Lớn thêm một chút, tôi cảm nhận được những vất vả mà ba mẹ tôi đã và đang trải qua. Tôi muốn san sẻ công việc để ba bớt gánh nặng, mẹ đỡ lo toan. Gần Tết, thấy nhà bác Tư làm cây chổi thật dài để quét mạng nhện, về nhà tôi cũng bắt chước, chặt một đoạn tre dài, cột cây chổi rơm vào rồi cũng quét nhện trên trần nhà. Thấy chị Ba dọn bàn thờ, bỏ thêm nắm tro mới vào cái lư hương, tôi cũng làm theo. Lau bàn thờ bà nội, lau thật kỹ. Bất chợt nhìn thấy một nụ cười hiền trên bàn thờ nội! Trong tâm hồn trẻ con của mình, tôi cảm nhận nội đang hạnh phúc vì cháu mình nay đã lớn.

Quê tôi nghèo, Tết không có hoa ly, hoa cúc, cẩm chướng, layơn... có lẽ vì vậy mà từ lâu tôi đã yêu màu vàng của hoa mai, vạn thọ, màu đỏ của mào gà khi Xuân về. Tôi tự tay xới luống đất, gieo những hạt vạn thọ giống còn giữ lại từ Tết năm trước, rồi hằng ngày tưới nước, vun phân đợi ngày hoa nở. Cây mai ngoài vườn nở hoa vàng rực ngày Ba Mươi Tết cũng là thành quả chăm sóc của tôi.

Ngày Ba Mươi, lúa ngoài đồng đã được mang về, nhà cửa gọn gàng, thêm hai chậu hoa vạn thọ trước cửa, cành mai vàng trên bàn thờ bà nội, ba mẹ tôi nở nụ cười mãn nguyện. Tôi cũng thấy hạnh phúc vì đã chia sẻ được những vất vả hằng ngày của ba mẹ. Bữa cơm Tất Niên chỉ có món thịt kho tàu, nồi canh khổ qua nhưng lại trở nên ngọt ngào và ấm áp hơn khi tất cả những lo toan của cuộc sống hằng ngày đã không còn hiện hữu.

Mẹ còn dạy tôi làm mứt dừa, mứt gừng, gói bánh tét... Nhiều lúc tôi thắc mắc sao mẹ không mua ngoài chợ về cho nhanh, lại đỡ vất vả. Mẹ chỉ cười rồi nói: "Mẹ mua bánh mứt ngoài chợ thì cũng được nhưng con là con gái, mẹ không thể ở mãi bên con, rồi đến lúc con phải lấy chồng, về làm dâu nhà người ta con phải biết làm những việc này, sau này con làm mẹ rồi con sẽ hiểu". Bây giờ, khi phải làm việc xa nhà, tự chăm sóc cho mình tôi mới thấm thía lời dạy của mẹ. Nhất là khi nấu vài món ăn đãi bạn bè, được mọi người khen ngon tôi lại mỉm cười hạnh phúc và thầm cám ơn mẹ. Tôi tự hào vì là con của mẹ!

Bốn cái Tết rồi, từ khi vào Sài Gòn học, làm việc, tôi không còn được nhìn cánh đồng quê mình khi vào mùa, không còn được ăn món canh chua bông so đũa đầu mùa của mẹ. Mỗi lần về quê nghỉ Tết, nhìn xung quanh lúa giờ chỉ còn trơ gốc rạ, màu trắng muốt của bông so đũa đã nhường chỗ cho màu xanh của trái non. Và càng buồn hơn vì những vất vả lại chồng chất lên đôi vai chai sần của ba mẹ tôi, lại việc đồng áng, lại tự tay chăm sóc ngôi nhà nhỏ khi Tết đến như ngày tôi còn bé...

Tôi lặng đi khi bước chân vào nhà... bất chợt đôi môi tôi mặn chát: hai chậu vạn thọ vẫn được đặt cẩn thận ở trước cửa, cành mai đã nở những bông hoa đầu tiên trên bàn thờ bà nội. Ba mẹ muốn giữ lại giúp tôi cái bình yên của Tết quê sau bao ngày bị cuốn theo cuộc sống ồn ào chốn thị thành! Cám ơn đời vì con được là con của ba mẹ!

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro