Thương Hoài Lịch Tết

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Năm nào cũng vậy, những ngày gần cuối tháng Chạp, khi mà mấy nụ mai chưa bung những cánh hoa vàng rực, khi gian bếp nhà chưa dậy bừng lên mùi bánh bông lan thì những tấm lịch Tết là thứ chở không khí Xuân về sớm nhất.

Với chị em tôi, lịch Tết không phải chỉ để ngắm, để trưng, để coi ngày coi tháng, mà nhìn những tờ lịch ấy như nhìn thành quả một năm lao động tảo tần, vất vả của mẹ cha. Ở đó có chứa những giọt mồ hôi mặn chát của mẹ đổ xuống ruộng đồng, hay cái buốt lạnh của thịt da cha trong những đêm khuya giăng câu, thả lưới.

Thật ra mỗi năm ngoài mấy tấm lịch mỏng của sạp vải, sạp chài lưới, cửa hàng tạp hóa, nhà tôi cũng được tặng cuốn lịch xịn. Đó là lịch của nhà máy xay xát lúa gạo Liên Sơn. Mỗi Tết được cầm cuốn lịch nặng trịch ấy trên tay, vuốt ve mấy căn biệt thự sang trọng in trên ấy, lòng tôi không thôi mơ ước và rồi lại thấy thương rất nhiều sự cơ cực của mẹ cha. Nhà máy chà gạo cách nhà tôi chừng ba cây số, những lúc nông nhàn, mỗi sáng mẹ cha tôi chống xuồng đi ra ngoài ấy làm thuê, cha bốc vác cho mấy ghe hàng sáo, mẹ thì quét tước dọn dẹp cho nhà chủ. Chiều tối cha mẹ lại chống xuồng về và nhiều lúc có thêm bao cám mót to ầm và ít trấu để dành chụm lửa, phần đó là mẹ được cho khi trong lúc rảnh rỗi phành bao hứng gạo cám phụ người ta.

Tôi còn nhớ rõ cái lần theo mẹ trả tiền phân bón, thuốc trừ sâu cho cửa hàng vật tư nông nghiệp ngoài chợ Láng Tròn trong những ngày giáp Tết. Nhà tôi khi đó mỗi năm chỉ làm sáu công ruộng, một vụ mùa cũng không mua được bao nhiêu phân phướn thuốc men nhưng cha mẹ vẫn phải nợ tiền, xong vụ, bán được lúa mới mang tiền ra trả. Lần đó, sau khi trả tiền, tôi thấy chủ cửa hàng tặng mẹ một tấm lịch mỏng, trong khi có người lại được nguyên cuốn lịch dày cộm. Tôi nói với mẹ là tôi thích cuốn lịch kia hơn, mẹ nhìn tôi cười, bảo đợi sau này cha mẹ ráng làm lụng để sang thêm ruộng đất, mỗi năm mua ở cửa hàng nhiều tiền hơn để nhà mình được tặng lịch đẹp hơn. Đôi mắt mẹ khi ấy không hẳn là buồn nhưng có chút gì đó xót xa, ánh mắt đó đến tận bây giờ tôi không thể nào quên được.

Dạo ấy để đánh giá nhà ai giàu nghèo ra sao người ta có thể nhìn vào số lịch Xuân họ treo trong nhà ngày Tết đến. Nó như được mặc định sẵn là nhà nào treo nhiều lịch cuốn của tiệm vàng, nhà máy chà gạo, lịch lốc của cửa hàng phân bón, vật liệu xây dựng thì chắc ăn là diện khá giả. Từ khi tôi biết trông chờ lịch Tết thì chỉ một lần duy nhất thấy nhà được tiệm vàng tặng lịch. Ấy là năm Đinh Sửu 1997, năm chế Hai tôi lấy chồng. Đám cưới chế vào những ngày giữa tháng Chạp, khi mà cha mẹ chưa kịp dựng lại gian nhà sau do bão số 5 làm sập. Năm đó lúa không được ví trong bồ mà bán hết khi vừa phơi khô. Bán để sắm cho chế tôi ba chỉ vàng làm của hồi môn về nhà chồng. Mẹ nói con gái theo chồng không có của hồi môn sợ bên chồng khi dễ. Tết đến, chế Hai về thăm nhà, không biết vì lấy chồng xa nên tủi hay sao mà vừa bước vô cửa nhìn tấm lịch chế đã khóc ròng, làm mẹ và tôi cũng khóc theo. Nên tấm lịch ấy dù có cũ, năm sau, rồi năm sau nữa, mẹ vẫn cứ treo hoài trên vách.

Bây giờ cuộc sống gia đình tôi cũng đã khấm khá hơn, lịch Vạn niên thì quanh năm ghim điện sáng nhấp nháy nhưng mỗi dịp Tết tôi vẫn trông được nghỉ sớm để về quê cùng mẹ sạn sành mấy cuốn lịch Xuân treo lên cho đẹp nhà đẹp cửa. Những lúc ấy, đưa bàn tay sờ vào ảnh mấy chậu bon sai, hay hình ông thần tài cầm kim ngân châu báu, nhắm mắt lại và hít lấy mùi thơm của mực in và giấy mới, chợt nghe bồi hồi và xao xuyến biết bao nhiêu. Lòng thầm cảm ơn khoảng trời ký ức của tuổi thơ đã ướp hương Xuân cho những tờ lịch mới thêm nồng nàn hương vị Tết.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro