Trộn Thương Nhớ Vào Nhớ Thương

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Năm đó tôi rời quê vào ngày 23 tháng Chạp. Lần đầu tiên tôi bỏ... Tết quê để đến với cái Tết ở phương trời mới.

Lần đầu tiên rời xa những gì đã mấy chục năm thân thuộc gắn bó khiến lòng tôi căng đầy cảm xúc. Tôi lén chảy nước mắt nhớ thương những gì đã có, đã nếm trải, thấy Tết và hình bóng cha mẹ, người thân theo mình cùng đi cùng đến, thấy chốn cũ và nơi mới đều tha thiết đến mênh mông trong khoảng thời gian đặc biệt của năm... Tôi nâng niu mọi hình ảnh, mọi cảm xúc.

Ngồi yên nhìn núi sông xa xăm và mây trời sẫm xám qua ô kính nhỏ của máy bay, tôi mặc sức nhớ về những tháng ngày đã qua, nhớ cả những ngày áp Tết đã ra cái mùi, cái hồn của Tết... Ngày 23 tháng Chạp hằng năm chợ quê đông đúc hẳn, hàng cá chép, hàng hương, vàng mã, hàng lá dong, ống giang, hàng mật mía, lẫn mùi hương trầm (loại hương vốn chỉ dành cho Tết)... làm cho chợ thật sự vào Tết. Những mùi vị Tết, không khí Tết ùa đến, tỏa đi từ đó.

Tôi đã mang theo rất nhiều trên chuyến máy bay ấy, cả hương vị Tết mà mấy ngày trước đó tôi nhận được trên những quãng đường ở Vinh, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Tân Kì, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu (bảo vệ luận văn xong đúng ngày 23 tháng Chạp, Tết như đã dồn đuổi sau lưng, từ trường Đại học Vinh tôi một mình đi xe máy ngược bãi bờ sông Lam, đi qua những quãng của Đường Mòn Hồ Chí Minh... thăm quê nội, ngoại, thăm nơi chốn cũ trước khi trở vào Nam)... Dọc đường quê, đường Tết gió lạnh nhưng được hít thở no say khí trời ngày áp Tết, buổi giao mùa, và núi rừng, đồng bãi, sông hồ, cỏ cây quê nhà... biết bao hương sắc tôi thu giữ được và mang theo.

Năm nào cũng vậy, khoảng áp Tết và những ngày Tết tôi có rất nhiều cảm xúc.

Ngày bé vui mừng ngóng đợi Tết về từng ngày vì nhớ thương kẹo Tết, mứt Tết, đợi Tết, nhớ và đợi cồn cào vị ngọt thơm bùi béo của bánh kẹo.

Tiếp nữa là rất nhớ thương cái bếp lửa những ngày Tết. Bếp lửa ngày Tết không chỉ ấm áp mà còn sung túc, quên nghèo khổ để được dư giả. Bếp lửa Tết đầy mùi vị, mùi của nồi bánh chưng sôi và chín, mùi thơm ngọt của mật mía và gừng trong mẻ bánh ong đang đợi cô đặc, nồi bánh ngào đang sôi, rồi mùi xôi thơm bốc khói... và khi tất cả các món đã xong, chỉ còn lại cái bếp hồng lựng than vẫn thơm ấm nồng nàn trong giá lạnh.

Chẳng thể nào không nhớ thương! Sau này có bếp ga, bếp điện, vẫn phải nhen bếp lửa ngày Tết để dư dôi, để nhớ lại, để thật nhiều ấm áp, thêm thật nhiều hương vị. Và để khi Tết lôi ta cuốn vào bao nhiêu công việc dập dồn thì bếp lửa Tết sẽ kéo ta chậm lại, ngồi yên thêm chút với thơm nồng than lửa.

Tôi nhớ những Giao Thừa, nhưng đêm Tết lâm thâm mưa Xuân, nghe những giọt chậm chạp run rẩy rơi ngoài cây lá, rụng khẽ xuống đất đai, đất lách tách sự sống trong thoảng mùi hương khói Tết... Nhớ lắm. Tết về, Xuân về, tôi quen được nghe như thế, đốt hương, phải là mùi hương trầm ấy và được nghe giai điệu ấy của tự nhiên, của Tết.

Thế mà năm đó lần đầu đón Tết trong cái nắng nóng, trong khí hậu mùa khô phương Nam tôi cảm thấy chơi vơi, hụt hẫng, nhớ cồn cào mùi Tết mấy chục năm từng quen nghe, nhớ mùi Tết, mùi hương cũ đến ngẩn ngơ, cái mùi đã thấm vào hồn cốt.

Di trú, bao mới lạ đất phương Nam chưa kịp quen thì... Tết đến. Cũng có hoa đào quê (tôi đã kì cụi kì công tìm cách chuyển vào), cả hương trầm quê nữa, chúng thân quen đến thế mà bỗng thành lạ giữa cái nóng bức, nắng khô như mùa Hè trong căn hộ cao tầng. Không gần gũi mặt đất đẫm hơi Xuân, không mưa lạnh, không bếp lửa... Tôi cảm thấy không có gì liên quan đến Tết.

Như người xưa, như bao người, bao gia đình ngày nay, chúng tôi đã đợi ngày được đất phương Nam gọi mời cuộc di trú. Bao khát khao hương sắc mới, bao hi vọng... và tôi hiểu, tôi tạm thời bị lạ về mùi, về hương vị Tết, tôi hiểu, một điều thật quan trọng của Tết ấy là thời gian dần trôi qua một cách đặc biệt bằng lễ Giao Thừa, một lễ lớn linh thiêng để khép lại và mở ra ngay một thế giới mới, mở ra... và điều tốt đẹp đầu tiên sẽ đến, sẽ ban phát rộng rãi khắp đó là hi vọng.

Vẫn da diết hoài nhớ mùi Tết cũ, vẫn mở hết lòng đón nhận những hương sắc mới lạ. Lắng nghe, lưu giữ thêm nhiều, và khi đã dần thấm bao mùa mưa nắng, mỗi cái Tết đi qua lại là một câu chuyện đáng nhớ, mùi vị cũ và mới lại làm chật đầy kí ức, chật đầy nhớ thương.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro