CHƯƠNG VIII

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng



Mặt trời chưa đứng bóng, đã thấy quân Dapôrô tụ lại đủ mặt. Họ vừa được tin trong lúc họ đi xa, quân Tác-ta đã thừa cơ kéo vào chiến khu cướp phá tan tành. Chúng đã tìm thấy kho vàng từ lâu quân Dapôrô vẫn chôn kín và cướp mang đi. Chúng giết chết hoặc bắt cóc những người ở nhà. Chúng lấy hết ngựa con và súc vật khác rồi mang tất cả chiến lợi phẩm tiến về phía Pêrêkhôp. Chỉ có một người thoát khỏi là Mácxim Gôlôđukha. Anh ta đã đâm chết một chỉ huy Tác-ta và cướp của hắn một bị bạc đem đi. Vận quần áo Tác-ta , cưỡi một con ngựa Tác-ta , bị quân giặc rượt theo, anh chạy miết hai ngày hai đêm liền. Dọc đường được tin quân Dapôrô đang vày hãm thành Đúpnô, anh bèn phóng thẳng phía ấy, anh phóng nhanh đến nỗi đứt ruột con ngựa; anh nhảy lên con thứ hai, con này rồi cũng chết nốt, đến lượt con thứ ba, anh mới tới trại Cô-dắc . Anh chỉ vừa đủ thì giờ báo tin khủng khiếp, còn tình hình đã xảy ra thế nào thì anh không rõ, chẳng biết có phải vì quá chén mà quán ta bị giặc đánh úp không? Hay là thế nào? Làm sao chúng biết được kho vàng? Mệt quá, mặt sưng húp và cháy nắng, anh ta lăn ra đất rồi ngủ thiếp đi như chết.

Trong những phút nguy cấp lửa cháy lông mày, thường là quân Cô-dắc hỏa tốc đuổi theo bọn cướp, kỳ cho bắt được chúng dọc đường, nếu không thì tính mạng của những anh em bị giặc bắt sẽ lâm nguy, vì rất có thể họ sẽ bị bán làm nô lệ sang Tiểu Á(1), sang Xmiana(2) hay sang Cờrết(3) rồi thì trời biết được cái đầu cạo trọc và những chỏm tóc dài của quân Dapôrô sẽ có mặt ở xó chợ nào. Vì vậy họ đã lập tức hội họp sớm như thế. Mọi người vẫn đội mũ trên đầu, vì đây không phải là một cuộc họp để nghe truyền lệnh mà là để bàn bạc một cách bình đẳng với nhau.

- Xin các vị bô lão nói trước - Có người lên tiếng.

- Để thủ lĩnh nói đã! - Người khác gào.

------------------

(1) Tiểu Á: Bán đảo ở Tây Á giáp với chây Âu. Tiểu Á Tế Á cách châu Âu bởi eo biển Đácđanen và Bốtspho. Bộ phận lớn của nước Thổ Nhĩ Kỳ là ở trên hòn đảo này.

(2) Xmiana: một thành phố lớn của nước Thổ Nhĩ Kỳ.

(3) Cờrết: một bán đảo trên Địa Trung Hải, thuộc nước Hi Lạp.

Viên thủ lĩnh cất mũ. Lúc này lão tự coi như là bạn của anh em chứ không phải là chỉ huy. Lão cảm ơn nhã ý của người đã suy tôn lão, rồi nói:

- Trong anh em đây, còn nhiều vị cao niên hiểu biết nhiều hơn nhưng vì bà con đã cho tôi cái hân hạnh nói trước, vậy tôi xin thưa như sau: Chớ để lấn chần anh em ạ! Phải lập tức đuổi theo quân Tác-ta vì mọi người đều biết rõ: Có đời nào chúng nó giữ chiến lợi phẩm ngồi đợi chúng ta! Chỉ trong nháy mắt chúng sẽ đem bán sạch, còn dấu vết nữa đâu! Thượng sách là chúng ta nên về ngay. "Chơi" ở đây đã chán rồi đấy! Lũ Ba Lan đã được nếm đủ mùi Cô-dắc ! Ta đã rửa thủ được phần nào rồi. Còn như mong vơ vét thì nào có còn gì trong cái thành chết đói này! Theo ý tôi thì về đi thôi!

Quân Cô-dắc đồng thanh đáp:

- Về!

Điều này chẳng vừa ý Bunba. Lảo chau đôi mày đen đốm trắng như sương sớm phủ bụi rậm trên đồi cao. Lão nói:

- Không được đâu! Thủ lĩnh ơi! Không thế được! Ý ông bàn chẳng ra sao cả! Vậy chớ ông quên lũ Ba Lan đã giam cầm bao nhiêu anh em ta ư? Vậy ra ông muốn chúng ta trái luật tôn nghiêm nhất của đoàn thế ta ư? Bỏ mặc đồng đội ta cho quân giặc tùng xẻo rồi đem bêu đường chợ, như chúng nó đã bêu thủ cấp ông Ghết-man và bao nhiêu chiến sĩ Nga ưu tú đất Ucraina ư? Chúng làm ô nhục đạo thánh của chúng ta chưa đủ ư? Tôi xin hỏi tất cả các anh em: Chúng ta là người thế nào? Người Cô-dắc có thế bỏ bạn khổ cực và chết như chó ở đất khách quê người được không? Nếu đến nông nỗi này mà ai muốn để chúng ỉa vào mặt thì cứ về, còn tôi, tôi ở lại; dù một mình tôi cũng ở lại.

Lời nói của lão tướng làm cho nhiều người thì thào bàn tán.

Viên thủ lĩnh nói:

- Phó tướng ơi! Thế ông không nhớ rằng bọn Tác-ta cũng bắt mất một số quân ta rồi hay sao? Nếu ta không kịp thời giải thoát, anh em ta sẽ bị địch bán cho quân vô đạo thì rồi còn cực gâp vạn lần tội tùng xẻo, ông không nhớ sao? Ông không nhớ rằng giặc đã cướp kho vàng đổi bằng máu của người Cô-dắc chúng ta hay sao?

Quân Cô-dắc lưỡng lự, không biết nên ngả theo phía nào. Ai muốn mang tiếng là con người không làm trọn phận sự? Bây giờ, một vị cao niên nhất liền bước ra. Đó là lão Cátxiên. Lão rất được đồng đội mến phục, đã từng hai lần được bầu làm thủ lĩnh. Thời chinh chiến, lão là một Cô-dắc dũng cảm. Nhưng đã mấy năm nay, từ ngày luông tuổi, lão không dự những trận giao phong nữa. Lão không ưa lên giọng dạy đời, chỉ nằm hút thuốc bên cạnh các chiến sĩ và nghe kể chuyện chinh chiến. Không bao giờ lão nói xen càu chuyện người khác, nhưng lại rất lắng tai nghe, thỉnh thoảng lấy ngón tay ấn thuốc hút trong cái điếu nhỏ không rời miệng. Ai biết lão còn thức nghe hay đã ngủ rồi! Lão không rời chiến khu, nhưng chuyện vừa rồi, lão đã không dằn lòng được.

- Đến đâu hay đó! Ta, ta cũng đi! Chắc cũng còn giúp ích cho quân Dapôrô.

Đã lâu không cạy răng lão ra một tiếng, nay nghe lão nói và bước vào, ai nấy đếu lặng im. Không biết lão định sẽ nói gì. Và Cátxiên bắt đầu:

- Thưa anh em! Bây giờ đến lượt tôi nói! Anh em hãy nghe lời lão già này! Thủ lĩnh nói rất đúng! Là chỉ huy tối cao của quân đội Dapôrô, thủ lĩnh có phận sự săn sóc bảo vệ đạo quân đó cùng kho tàng của chiến khu. Thủ lĩnh tất nhiên phải nói như thế. Đó là điểm thứ nhất. Còn đây là điểm thứ hai: Lão tướng Bunba nói cũng thật có lý. cầu Chúa phù hộ cho lão sống lâu trăm tuổi. Bổn phận và danh dự của người Cô-dắc trước tiên là phải tương trợ lẫn nhau. Anh em ạ, từ cha sinh mẹ đẻ, tôi chưa hề nghe nói người Cô-dắc này bỏ rơi hoặc đem bán bạn đi. Ai cũng là ruột thịt ta, ít nhiều có thân thiết với ta. Vậy theo ý tôi thì thế này: ai có thân thích với những người bị quân Ba Lan bắt và không đành để họ chết oan chết uổng thì cứ ở lại. Bổn phận của thủ lĩnh là đuổi theo quân Tác-ta với một bộ phận quân đội; còn bộ phận ở lại thì bầu lấy một tướng khác lên thay. Nếu các bạn muốn nghe lời lão thì hày chọn Tarát Bunba. Không ai dũng cảm bằng lão tướng đó.

Cátxiên nói xong đứng lặng. Mọi người Cô-dắc nghe lời nói chí lý đều gật đầu khen đúng:

- Cám ơn bố! - Họ vừa nói vừa tung mũ lên không!

- Lâu lắm bố không nói, nhưng nay bố đã nói ý kiến rất đúng. Lúc xuất quân, bố nghĩ chắc còn có thể giúp đỡ anh em được, quả thật không sai.

Viên kôsẽvôi hỏi:

- Sao? Anh em đồng ý chứ?

- Vâng, mọi người đều đồng ý! - Quân Cô-dắc trả lời.

- Vậy xin giải tán cuộc họp.

- Đồng ý!

- Bây giờ thì các bạn hãy nghe lệnh tôi - viên thủ lĩnh nói. Lão tiến lên mấy bước, đội mũ vào. Quân Dapôrô thi bỏ mũ, cúi đầu lắng nghe, đúng như phong tục của họ khi nghe chỉ huy nói.

- Anh em hãy chia làm hai hàng! Ai về, thì sang bên phải, ai ở, sang bên trái. Chỉ huy theo về bên có nhiều quân của mình. Số ít còn lại thì nhập vào đội khác.

Quân Cô-dắc sắp thành hai hàng bên trái và bên phải. Bên nào có quân mình nhiều hơn, viên thủ lĩnh liền theo sang đó, bộ phận còn lại thì nhập vào đơn vị khác. Một chốc, đội ngũ thành lập xong, xấp xỉ ngang số nhau.

Phía ở lại có đội Nêdamaycốp (hầu hết ở lại), phần lớn đơn vị của Pôpôvích, tất cả đơn vị của Uman, tất cả đội Kanép, phần lớn đội của Stéplikip và đội Tymôsép. Còn lại bao nhiêu thì quyết định đuổi theo quân Tác-ta . Bên nào cũng có nhiều trang anh tài. Trong số người về còn mấy lão tướng là Sérêvaty, Pôkôtypôlê, Lêmích và Phôma Prôkôpôvích. Dêmít Pôpôvích cũng ở phe này. Anh là một Cô-dắc rất ngỗ nghịch, không bao giờ muốn ngồi yên. Anh đã từng đọ gươm với quân Ba Lan, nay anh ta lại muốn đi thử sức với quân Tác-ta . Số chỉ huy đội quân trở về, có Nóttingan Pôkríchka, Nêvíchky và nhiều trang anh dũng, thảy đều muốn một mất một còn với quân Tác-ta . Số ở lại cũng không thiếu người tài giỏi: có Đêmitrôvich, có Kukubencô, Véctykhôvích, Balabăng và cả Ôstáp Bunba. Còn nhiều người lừng danh khác như Vutusencô, Chêrêvisencô, Stếpan, Gútca, Okhim Gútsca, Mycôla Gútsty, Dađôrôni, Métylýtsa, Ivăng, Đácrutyguba, Môtsi Sylô, Đêchiarencô, Syđôrencô, một Pítsarencô cả, một Pítsarencô hai, lại một Pítsarencô ba, và bao nhiêu tay sừng sỏ khác. Tất cả đều là những người đã lão chiến sa trường, đầy thao lược. Họ đã giao chiến nhiều phen trên bờ biển Anatôli, qua thảo nguyên và vùng nước mặn ở bán đảo Cờrimê(1) trên tất cả những chi lưu đổ vào sông Đniép và trên các cồn cát nằm giữa lòng sông lớn đó. Họ đã đánh nhau ở Mônđavi(2), ở Vlaki, và ở Thổ Nhĩ Kỳ; họ đã kéo chiến thuyền nhỏ hai bánh lái vượt Hắc Hải.

-------------------------

(1) Cờrimê: một bán đào nằm về phía nam nước Nga. trong biến Hắc Hải. (N.D.)

(2) Mônđavi: vùng đất về phía tá ngạn sõng Đniétste. (N.D.)

Từng đoàn năm mươi chiếc, họ đã dám chạm trán với các tàu biển lớn và đánh đắm nhiểu chiếc của Thổ Nhĩ Kỳ. Có thể nói họ là những trang thiện chiến. Nhiều lần họ đã xé gấm vóc lụa là để buộc chân, nhiều lần họ đã cướp được vô số bạc vàng châu báu. Họ đã tiệc tùng hao phí bao nhiêu của cải, của cải to lớn ấy có thể đủ ăn hàng mấy đời người. Tất cả đều chui vào miệng. Theo tục Cô-dắc , họ mở những yến tiệc linh đình, mời cả thiên hạ và có ban nhạc giúp vui. Tuy vậy, hầu hết mọi người đều có chôn ít nhiều của cải như chén bạc, vòng vàng giấu vào giữa lùm cói trên các cồn cát giữa sông Đniép, phòng khi quân Tác-ta có đánh úp cũng không tài nào tìm ra được. Quân Tác-ta làm sao tìm được của cải ấy, vì chính ngay người chôn của cũng quên rất mau nữa là!

Đó là cánh quân Cô-dắc muốn ở lại để tiếp tục đánh quân Ba Lan trả thù cho đồng đội và cho đạo Chúa bị ô nhục.

Lão Cátxiên cũng ở lại. Lão nói:

- Lão già rồi, không còn sức đuổi theo bọn Tác-ta nữa. Ở đây lão cũng có thể chết một cách xứng đáng. Lần này, lão cầu khẩn trời cho được chết vì đạo. Giờ đây chắc lão được toại nguyện, ở đây lão có thể chết vẻ vang hơn.

Khi hai cánh quân đã đứng dàn ra hai bên, đối diện nhau, viên thủ lĩnh đi giữa hai hàng tuyên bố:

- Nào! Anh em! Hai cánh quân đã hài lòng chưa?

- Tất cả đều hài lòng, bõ ạ!

- Vậy anh em hãy ôm nhau để từ biệt nhau đi! Chắc gì đã có ngày tái hợp? Hãy tuân lệnh chỉ huy và đừng bao giờ quên vâng theo lương tâm khi hành động; anh em đều biết thế nào là danh dự người Cô-dắc cả rồi đó!"

Tất cả quân Cô-dắc ôm nhau hôn thắm thiết. Trước hết là hai viên chỉ huy. Họ vuốt râu rồi ôm chầm lấy nhau hồi lâu. Đoạn nắm tay nhau đứng lặng. Hai người như muốn hỏi nhau: "Bạn! Liệu chúng ta còn gặp nhau không?" Họ đứng trầm ngâm, hai mái đầu hoa râm cúi xuống. Sau đó, tất cả mọi người đều ôm nhau từ biệt, ai nấy đều thấy rõ trách nhiệm nặng nề của mình. Tuy vậy, họ chưa chia tay ngay, họ chờ đêm đến mới đi, để che mắt quân Ba Lan, sợ chúng biết mình bớt số quân. Thế là phải ăn chiều.

Ăn xong, những người về thì nằm nghỉ và ngủ một giấc ngon lành, hình như họ cảm thấy đấy là giấc ngủ đẫy sức cuối cùng. Mặt trời lặn họ mới dậy. Trời tối hẳn, họ mới sửa soạn xe cộ, cho dầu mỡ vào rồi lên đường. Hành trang đi trước, bộ binh đi trung quân, kỵ binh đoạn hậu. Họ tiến rất trật tự trong bóng đêm, im lặng như ngậm tăm, sau khi đã ra dấu từ biệt nhau lần cuối cùng. Người ta chỉ còn nghe trong đêm tối tiếng vó ngựa, tiếng cót két của chiếc bánh xe nào đó thiếu dầu mỡ.

Cánh quân ở lại trước cứa thành, mặc dầu trời tối như mực, nhìn không thấy nhau, vẫn đứng mãi vẫy tay theo. Lúc quay trớ lại, dưới ánh sao họ trông thấy một nửa số xe cộ và quân đội đi khỏi rồi, sự trống trải càng rõ ràng, lòng họ bùi ngùi, ai nấy đều cúi đầu buồn bã.

Bunba nhận thây nỗi buồn rầu rời rã ấy thật không xứng với tinh thần nhà võ, nhưng lão vẫn làm thinh. Lão muốn để cho mối sầu ly biệt có thì giờ thấm sâu vào lòng quân sĩ. Từ trong thâm tâm, lão đang nghĩ sẵn sàng một lời hiệu triệu, nó sẽ nhen nhóm trong tâm hồn họ tất cả lòng hăng hái và chí khí hào hùng đặc biệt của dân tộc Slavơ. Điều này chính là chỗ khác nhau giữa người Slavơ và các dân tộc khác, y như biển cả bao la khác con sông nhỏ bé. Biển réo, biển gào dưới trận phong ba. Rồi những làn sóng cất cao lên trời như chưa từng có. Nếu đẹp trời, biển lại dàn rộng ra, trong suốt hơn bất cứ con sông nào, mặt nước như tấm gương trong, mắt nhìn không bao giờ biết chán.

Bunba ra lệnh cho người hầu bốc hàng từ một chiếc xe xuống. Đó là chiếc xe to nhất, chắc nhất của quân Cô-dắc . Bánh xe to, bọc sắt đến hai lớp. Thùng xe có vải bạt và da bò che, có dây nhựa buộc chặt. Trong xe là những thùng rượu nho cũ. Lão mang rượu này để dành cho một dịp linh đình nào đó, để thết các chiến hữu vào một lúc có việc gì long trọng. Hoặc để uống mừng khi công thành danh toại, sự nghiệp vẻ vang đáng lưu truyền hậu thế, để mỗi chiến sĩ Cô-dắc sau khi nhắp chén này sẽ có một cảm giác trang trọng xứng đáng với giờ phút nghiêm trang.

Theo lệnh chủ tướng, gia đinh chạy tới cỗ xe, chém đứt dây lạt, lột hết da bò và vải bạt rồi lấy rượu ra.

Bunba nói:

"Mời anh em uống! Uống hết! Uống hết! Đem bát, hũ, đem găng, mũ ra đây mà đựng! Nếu không có gì đựng thì rót vào lòng bàn tay mà uống!"

Thế là mọi người chìa các thứ ra, đây bát, đây bình, đó chiếc găng, có người chụm hai tay làm gáo. Gia đinh của Bunba đi giữa hàng quán Cô-dắc . Rót rượu mời uống. Nhưng Bunba đã ra lệnh sẽ cùng uống một lần theo hiệu lệnh. Lão tướng muốn nói vài lời vì lão nghĩ thứ rượu lâu năm này sẽ giúp người thêm hăng hái, nhưng có câu khích lệ đúng lúc còn làm cho lực lượng và tinh thần người uống tăng lên gấp bội.

"Hỡi anh em! Tôi mời anh em thứ rượu tốt này không phải để đền ơn anh em đã bầu tôi làm thủ lĩnh, tuy việc đó có là vinh dự lớn cho tôi; cũng không phải vì nhân dịp các bạn đồng đội của chúng ta xuất quân mà tôi mời rượu. Cả hai danh nghĩa này, lúc khác thật đáng ăn mừng, nhưng giờ phút này thì lại không nên. Hiện nay chúng ta có một nhiệm vụ nặng nề trước mắt, một thử thách gian khổ phải vượt qua. Vậy thì, hỡi anh em! Xin mời nâng cốc, trước hết chúc đạo Thánh của chúng ta thịnh vượng, một ngày kia sẽ lan rộng khắp địa cầu, đoàn kết được hết thảy mọi người trong một niềm tin chung và cải hóa được tất cả những người vô đạo. Hãy nâng cốc chúc chiến khu của chúng ta, chúc chiến khu chúng ta vĩnh viễn là hình phạt đe dọa bọn vô đạo, và hàng năm từ chiến khu sẽ lần lượt xuất hiện bao nhiêu chiến sĩ tung bay khắp nơi để lập chiến công. Hỡi anh em! Nhân dịp này, cũng nâng cốc chiến công rực rỡ của bản thân chúng ta! Hãy để cho con cháu đời đời của chúng ta mai sau có thể nói được rằng xưa kia cha ông không phải là người phản bội. Hỡi anh em! Chúng ta hãy cùng nâng cốc chúc đạo Thánh chính thống, đạo của chúng ta."

"Chúc đạo Thánh chúng ta! - Tiếng đáp lại vang lên từ những hàng đầu. Rồi những hàng quân xa hơn tiếp theo: "Chúc đạo Thánh chúng ta" - Thế là già trẻ đều cạn một hơi, chúc mừng đạo Thánh chính thống.

Bunba giơ tay cao quá đầu:

- Chúc mừng chiến khu của chúng ta!

- Chúc mừng chiến khu của chúng ta! - Mấy cụ già tay vuốt chòm râu bạc, nói nho nhỏ. Đám thanh niên rướn thẳng người lên như giống đại bàng mới lớn, hét to:

- Chúc mừng chiến khu chúng ta!

Tiếng hô chúc mừng của quân Cô-dắc vang xa trong thảo nguyên.

- Hỡi anh em! Bây giờ là hớp cuối cùng, hãy chúc mừng tất cả những người ngoan đạo trên toàn thế giới!

Mọi người uống hớp rượu sau cùng, chúc mừng tất cả những người ngoan đạo trên toàn thế giới. Câu "Tất cả những người ngoan đạo trên toàn thế giới" chuyền từ đội này sang đội nọ, ngân dài rất lâu.

Cốc chén cạn rồi mà tay họ vẫn giơ cao, mặt chuếnh choáng hơi men, sáng quắc lên, nhưng họ vẫn trầm ngâm đứng nghĩ. Họ không nghĩ đến chiến lợi phẩm, đến bạc vàng châu báu, đến ngựa đẹp, đến gươm giáo sẽ đoạt được trong trận này. Không, họ đang trầm ngâm suy nghĩ như những con đại bàng ngồi trên đỉnh núi đá cao, phóng mắt nhìn mặt biển mênh mông, có thuyền bè lác đác đi lại xa trông như đàn chim đậu; xa xa là bờ biển xanh mờ, núi rừng làng mạc bé nhỏ thăm thẳm một mầu. Như những con chim đại bàng, họ nhìn đồng ruộng im lìm xung quanh và nghĩ đến tương lai mù mịt của họ, còn bị số mệnh che mờ trong bóng tối. Xương trắng sẽ phơi trên ruộng đồng đồi núi, đường xa dặm thẳm. Máu Cô-dắc sẽ thấm bãi sa trường này theo những dao cùn, kiếm gẫy và những xe cộ nát tan... Đầu lâu tóc dính máu cứng khô có thêm hàng râu ủ rũ, sẽ rơi vãi khắp cánh đồng; lũ diều ác sẽ đến móc mắt. Nhưng, từ ruộng đồng bát ngát là nơi an giấc ngàn năm đó, một điều tốt lành sẽ dâng lên. Một hành động đẹp đẽ sẽ chẳng mất không, uy danh Cô-dắc không bao giờ mai một, cũng như hạt thuốc súng từ trong nòng súng bắn ra, có bao giờ vô công. Mai sau, sẽ có một nhạc sĩ già, râu dài, đầu hói, nhưng tinh thần còn tráng kiệt và đầy nhiệt huyết nhiệm mầu, sẽ ôm đàn qua đây để ca tụng chiến công oanh liệt của những người anh hùng này bằng những vần thơ tuyệt diệu, vang lên như tiếng sắt tiếng đồng. Vinh quang của họ sẽ bao trùm hoàn vũ và muôn thuở còn ca tụng tiếng thơm. Tiếng ca ngân xa như thứ chuông quí mà người thợ đúc chuông đã luyện thêm nhiều bạc nhiều đồng, tiếng chuông có thể bay qua phố, vượt làng, kêu gọi hết thấy mọi người nghèo khổ cũng như giầu sang đến cầu nguyện, tiếng chuông vọng xa như bản anh hùng ca ngân vang mãi mãi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro