CHƯƠNG VII

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Hàng ngũ quân Dapôrô bỗng trở nên náo nhiệt. Lúc đầu, không ai hiểu vì sao quân đội hoàng gia Ba Lan lọt vào được trong thành. Mãi về sau người ta mới biết vì tối qua, toán Cô-dắc thuộc đội Pêrâyátslao đóng trước cửa thành đã uống rượu say mềm. Vì thế một nửa số quân bị đâm chết, còn một nửa thì bị trói gô lại mà chẳng ai hay biết. Khi những đội bạn đóng xung quanh nghe tiếng nhốn nháo, mọi người thức dậy cầm vũ khí, thì quân Ba Lan đã lọt vào thành. Toán hậu quân của họ bắn rát vào một toán Dapôrô lộn xộn, chưa tỉnh rượu và còn ngái ngủ, nhưng đã ào ạt dám rượt theo họ.

Viên thủ lĩnh ra lệnh tập họp quân Cô-dắc . Khi mọi người đến đông đủ và thôi ồn ào, mũ cầm tay, lão tướng nói:

- Đây, các ngài thấy chưa? Các ngài đã thấy sự thể xảy ra tối hôm qua chưa? Ma men dẫn lối đưa đường như thế đấy! Quân thù đã làm nhục ta như vậy! Các ngài mất nết đi rồi: khi được thêm khẩu phần thì các ngài chỉ lo uống cho say, say đến nỗi kẻ thù của quân đội chính giáo chẳng những lột truồng các ngài, còn nhổ vào mặt các ngài, mà các ngài chẳng biết chút chi!

Quân Cô-dắc đứng cúi đầu, thấy rõ cái tội tày đình của mình. Chỉ riêng Kukubencô, viên ataman chỉ huy đội Nêdamaycốp, dám lên tiếng:

- Hãy khoan, "bố" ạ! - Hắn nói - Trong quân đội không có thói phép cãi lại khi thủ lĩnh nói trước toàn quân, nhưng tôi vẫn muốn trình rằng sự thể không xảy ra như ngài tưởng đâu. Ngài buộc tội toàn quân chính giáo chúng ta là bất công rồi. Nếu quân Cô-dắc say sưa rượu chè trong lúc hành quân hoặc trong những lúc thử thách gay go, thì thực là đáng tội chết. Đằng này chúng tôi buồn chết đi dưới chân thành này. Lại cũng không phải tuần ăn chay vào mùa gì cả. Ngài tính làm trai mà không uống rượu những lúc thư nhàn thì làm gì? Uống rượu như thế thì tội vạ gì? Tốt nhất là cho lũ Ba Lan một bài học đích đáng về tội cắn trộm người không đề phòng. Từ trước đến nay ta vẫn luôn luôn đánh chúng những trận nên thân, bây giờ ta càng nện cho chúng một đòn đau hơn, để chúng nhớ đời, nhớ kiếp.

Lời viên chỉ huy này làm hài lòng mọi người. Họ ngẩng cao đầu. Nhiều người gật gù khen:

- Kukubencô nói chí lý!

Tarát Bunba lúc đó đứng bên cạnh viên thủ lĩnh liền lên tiếng:

- Kìa thủ lĩnh, hình như Kukubencô nói đúng, ông bảo sao?

- Tôi trả lời à? Đây tôi xin trả lời như thế này: Cầu Chúa ban phước lành cho người cha đã sinh được đứa con như thế; người hiền biết đạo lý chẳng hề phải nhiều lời chê trách chi tổ mất lòng, trái lại, biết lựa câu để khích lệ, cổ vũ, y như quất thêm cho ngựa một roi sau khi nó đã được uống nước no. Tôi cũng định kết thúc lời nói của tôi bằng một câu khích lệ; nhưng Kukubencỏ đã nói chí lý hơn tôi đấy!

- Hay! - Có tiếng nói trong đám đóng - Thủ lĩnh nói hay lắm!

Những bố lão tóc đã hoa râm cũng gật đầu tán thưởng. Họ nhúc nhích bộ râu mà nói:

- Hay! Hay lắm!

Viên thủ lĩnh nói tiếp:

- Xin anh em hãy chú ý. Vượt lũy để hạ pháo đài, nay đào hầm để đột nhập vào thành như quân Đức thường làm, tôi cho là không hào hùng, không xứng danh người Cô-dắc ta. Thêm nữa, theo tình hình điều tra thì quân địch không tiếp viện vào thành được bao nhiêu lương thực: số xe thì ít mà dân chúng gần chết đói sẽ đổ ra cướp thức ăn, nên lương thực ấy cũng chẳng được bao lâu. Còn như rơm cỏ nuôi ngựa - nói có trời đất - tôi không biết rồi chúng kiếm ở đâu ra trừ phi thần thánh của chúng lấy nạng cào rơm từ trên trời xuống. Diều ấy có làm được không thì ai biết nổi, vì linh mục của chúng chỉ là tướng bẻm mép. Vậy sớm muộn chúng cũng phải ra khỏi thành. Ta hãy -chia quân làm ba cánh, mỗi cánh đóng trước một cổng thành: năm đội đóng trước cổng chính, còn hai cổng kia, mỗi nơi đóng ba đội. Đội Điátkíp và đội Cócxun chia quân đi mai phục. Phó tướng Bunba và cả đoàn quân đi mai phục. Hai đội Tytarép và Timôsép làm hậu bị phía bên phải, hai đội Sécbinốp và Stéplikíp tiếp viện bên trái. Giờ thì ai nỏ mồm, xin mời ra để chọc tức bên địch. Quân Ba Lan nóng nẩy, sẽ không chịu nổi câu chửi rủa: rất có thế hôm nay chúng sẽ mang quân phá vây. Mời các ataman hãy đi duyệt lại quân số của đơn vị mình. Nếu còn thiếu thì lấy người sống sót của đội Pêrâyátslao bổ sung vào. Anh em hãy kiểm tra mọi thứ thật kỹ. Hãy phát cho mỗi binh sĩ một be rượu uống cho ấm bụng và một ổ bánh mì. Tôi thì tin rằng sau bữa tiệc hôm qua, mọi người còn no cả. Thật tình tôi rất ngạc nhiên, hòm qua các ngài chén nhiều như thế mà đến nay không ai vỡ bụng ra cả? Và đây cũng là một quân lệnh nữa phải tuân theo: thằng Do Thái nào dám bán cho quân Cô-dắc dầu chỉ một giọt rượu thôi, tao cũng sẽ "đóng vào trán một chiếc tai lợn" và treo ngược có nó lên như con chó! Nào! Các bạn, bây giờ thì chúng ta bắt tay vào việc!"

Đó là lệnh truyền của thủ lĩnh. Toàn thế quân đội kính cẩn cất mũ cúi chào. Họ tiến lại bên xe chiến, và khi đi đã xa, mới lại dám đội mũ lên. Rồi thì họ bắt đầu vào việc: đưa gươm, đưa giáo ra thử lại, chuẩn bị thuốc súng, sắp xếp lại các cỗ xe chiến và chọn những con ngựa hay nhất.

Còn Bunba thì rất băn khoăn khi trở về đội. Ăngđờri đi đâu nhỉ? Hay là giặc đã bắt sống nó một lượt với những người khác cùng ngủ quên rồi? Không! Ăngđờri có phải là người để cho giặc bắt sống đâu... Trong đám xác chết cũng không tìm thấy! Bunba trầm ngâm bước đi, không nghe rõ có tiếng ai khẩn khoản gọi phía sau:

- Ai gọi ta đấy? - Lão sực tỉnh hỏi.

Lão Do Thái Dăngken đã đến trước mặt lão:

- Thưa tướng còng! Thưa tướng công! - Hắn nói hớt hải như muốn báo cho lão biết một tin gì quan trọng - Thưa tướng công, tôi vào trong thành vừa ra đây.

Bunba ngạc nhiên nhìn hắn:

- Mày làm thế nào mà vào được?

- Tôi sẽ xin kể hết cho tướng công nghe - Dăngken nói - Lúc tờ mờ sáng khi nghe có tiếng động và tiếng súng quân ta bắn, tôi liền vớ lấy chiếc áo dài rồi vừa mặc áo, tôi vừa chạy ra xem vì sao có tiếng ồn ào ấy. Tôi muốn biết vì sao quân ta bắn súng sớm thế. Tôi vừa đến cổng thì hậu quân Ba Lan cũng đương vào thành. Bỗng tôi trông thấy viên quan cầm cờ lệnh Galiênđôvích. Hắn ta là một người quen cũ của tôi. Cách đây ba năm hắn có nợ tôi một trăm đồng. Vì thế tôi đi theo hắn, lấy cớ là để đòi nợ và cũng vì thế tôi đã vào được trong thành.

- Sao? Đã vào thành rồi lại còn muốn đòi nợ nữa? - Bunba hỏi - Sao nó không treo cổ mày lên như chó ấy à?

- Có chứ. Nó muốn giết tôi lắm! - Gã Do Thái đáp - Gia đinh nó đã bắt tôi rồi quàng dây vào cổ, nhưng tôi đã van lạy viên đại quan, xin vui lòng hoãn nợ, muốn bao giờ trả cũng được. Tôi lại nói nếu nó giúp tôi đòi được nợ của người khác thì tôi sẽ còn cho vay thêm nữa. Bẩm tướng công, thật ra viên quan đó chẳng có xu nhỏ dính túi. Tuy hắn có lắm vườn nhiều trại, bốn tòa làu đài và đất đai thẳng cánh cò bay trong thảo nguyên, chạy dài đến Kiép, nhưng về tiền tài thì nó chẳng hơn gì các ông Cô-dắc . Nếu không có bọn Do Thái ở Bơrétslô võ trang cho, có lẽ nó cũng chẳng có cóc gì để xuất trận. Ấy, cũng vì lẽ đó mà nó không dám vác mặt đến họp Quốc hội...

- Thế mày đã làm gì trong thành? Mày có thấy quân ta không?

- Sao ạ? Người nhà ta khá đông trong ấy: có Íchka, Rakhum, Xamuilô, Khayvalôt, người chù điển Do Thái.

- Đồ chó chết ấy, kể làm gì? Để chúng chết đi cho rảnh - Bunba tức giận thét lên - Kệ xác cái nòi giống chết dẫm nhà mày, nói thêm rác tai ta! Tao hỏi mày là hỏi có thấy quân Dapôrô không?

- Tôi không thấy quân Dapôrô - Dăngken đáp - Tôi chỉ thấy công tử Ăngđờri thôi.

- Mày trông thấy Ăngđờri? - Bunba thét lớn - Mày trông thấy nó ở đâu? Bị tù? Trong ngục tối? Nhục nhã trong xiềng xích à?

- Ai mà dám trói công tử Ăngđờri? Hiện nay công tử là một vị tướng lẫm liệt. Trời! Mãi tôi mới nhận ra công tử. Cầu vai và phù hiệu vàng, giáp trụ vàng, cả người đầy vàng. Vàng, vàng, vàng khắp mình! Thật đẹp như một ngày xuân, mặt trời tràn lan chiếu sáng khu vườn, có chim chóc líu lo, và cỏ cây tỏa mùi thơm ngào ngạt. Viên tổng trấn đã tặng công tử Ăngđờri con ngựa tốt, đáng giá đến hai trăm đồng vàng.

Bunba chết đứng.

- Cớ sao nó lại vận áo quần ngoại bang như vậy?

- Vì trông đẹp hơn! Hiện giờ công tử đang ruổi ngựa cùng các hàng tướng tá khác. Công tử dạy chúng về binh pháp, chúng lại dạy công tử về thao lược. Tỏ ra vẻ nhà quý tộc Ba Lan giàu sang nhất nước.

- Vậy ai đã bắt nó phải làm thế?

- Tôi đâu có nói công tử bị ai bắt? Bẩm tướng công, ngài không rõ công tử đã tự ý bỏ sang bên kia với quân thù hay sao?

- Ai?

- Công tử Ăngđờri chứ ai?

- Nó đi đâu?

- Sang phía quân thù! Giờ công tử đã là người của họ rồi, hoàn toàn người của họ rồi.

- Đồ chó chết, mày nói láo.

- Tôi đâu dám nói láo? Tôi dại gì nói dối để chuốc lấy tai vạ vào mình! Tôi lại không biết rằng dân Do Thái mà nói láo với đức ông Cô-dắc thì sẽ bị treo cổ như chó hay sao?

- Thế là cứ theo lời mày, nó đã bán đạo, bán nước cho giặc?

- Tôi không nói công tử bán chi cả, tôi chỉ nói công tử đã bỏ sang hàng ngũ bên kia.

- Mày nói láo! Đồ quỉ Do Thái! Ở đất ngoan đạo này, không bao giờ có chuyện như thế! Mày ăn nói hồ đồ, quân chó.

- Tôi mà ăn nói hồ đồ thì xin thánh bẻ răng đi. Nếu tôi nói láo thì người ta ỉa lên mồ mả cha tôi, mẹ tôi, bố vợ tôi, và ông nội, ông ngoại tôi. Nếu tướng công muốn biết, tôi sẽ xin kể cho ngài rõ vì sao công tử Ăngđờri lại bỏ sang phía quân Ba Lan.

- Vì sao?

- Quan tổng trân có một thiên kim tiểu thư đẹp nghiêng thành nghiêng nước. Ôi chao! Đẹp ơi là đẹp! - Đến đây gã Do Thái cố lấy tư thế để diễn tả cái đẹp mê hồn của tiểu thư. gã giơ tay, nháy mắt, uốn miệng, làm như vừa được nếm muốn vàn cao lương mỹ vị.

- Ừ thì đẹp! Nhưng quan hệ gì?

- Vì sắc đẹp khuynh thành mà công tử đã đắm say. Trượng phu đã mê sắc đẹp khác chi để giày nhúng nước, cứ gấp là cong ngay.

Bunba cúi đầu. Lão tướng chẳng lạ gì tấm thân liễu yếu mà ma lực rất to, bao nhiêu anh hùng dũng sĩ đã tiêu ma sự nghiệp vì đôi má đào. Lão tướng nhớ lại vốn Ăngđờri là người hiếu sắc. Bunba đứng giờ lâu, trầm ngâm suy nghĩ.

- Cúi xin tướng cõng cho tôi thưa chuyện - gã Do Thái nói tiếp - Tôi sẽ kể hết đầu đuôi. Sáng nay khi nghe tiếng ồn ào và thấy cửa thành mở rộng, tôi liền vớ vội một chuỗi trân châu, vì tôi nghĩ trong thành thiếu chi các bà mệnh phụ mà các bà thì dầu đói chết vẫn cứ thích mua ngọc ngà. Khi gia đình viên tướng cầm cờ lệnh thả tôi ra, tôi liền chạy ngay đến dinh tổng trấn định để bán ngọc. Gặp mụ nữ tỳ Tác-ta , tôi hỏi thì mụ ấy cho hay sẽ làm hôn lễ khi nào quét sạch quân Dapôrô, và chính công tử Ăngđờri đã thề sẽ ra tay để lập công.

- Thế sao mày không bóp chết tươi thằng chó ấy cho tao? - Bunba thét lên.

- Ai dám giết công tử, có tội vạ gì? Vui thích đâu thì đó là nhà chứ!

- Chính mắt mày trông thấy nó à?

- Tôi xin thề với tướng công chính mắt tôi trông thấy. Công tử thật là oai phong lẫm liệt, chẳng ai sánh tày. Cầu Chúa phù hộ cho công tử bình an vô sự. Khi tôi tới gần, công tử nhận được mặt, rồi dặn.

- Dặn thế nào?

- Công tử nói với tôi... À, công tử bắt đầu ra hiệu bằng ngón tay rồi nói: "Dăngken?" Tôi đáp: "Thưa đức ông Ăngđờri?" Chàng nói: "Dăngken! Mày về nói với cha ta, anh ta, với toàn quân Dapôrô, với tất cả người Cô-dắc rằng cha ta hết là cha, anh ta hết là anh ta rồi, rằng bạn đồng ngũ hết là bạn rồi, ta sẽ giao chiến với họ, ta chấp tất cả."

- Mày nói láo! Thằng Giuđa chết tiệt! - Bunba nổi lôi đình thét lớn - Mày nói láo, mày là giống đã hành hình chúa Giêsu. Quỉ Sa tăng! Ta sẽ băm mày! Cút mau kẻo ta giết chết tươi! - Nói đoạn Bunba tuốt kiếm.

Gã Do Thái mất cả hồn vía, ba chân bốn cẳng chạy dài. Hắn chạy hồi lâu không dám ngoảnh lại, chạy vượt đoàn xe chiến rồi mất hút trong cánh đồng. Bunba không còn bụng nghĩ đến việc rượt theo, cảm thấy xấu hổ vì mình đã trút cả căm hờn lên đầu đứa vô can.

Lão sực nhớ đêm trước có trông thấy Ăngđờri đi xuyên qua doanh trại với một người đàn bà. Mái đầu hoa râm cúi gằm xuống; nhưng lão vẫn chưa có gan tin cái cơ sự ô danh điếm nhục đến vậy, không thể tin rằng đứa con sinh thành lại có thể bán rẻ linh hồn và phản đạo đến như thế.

Bunba dẫn quân của mình đến nơi an định ở sau một khoảng rừng độc nhất còn sót lại, chưa bị quân Cô-dắc đốt. Quân Dapôrô, khinh binh cũng như kỵ binh, đều đóng trước ba cổng thành. Các đội lần lượt diễu qua: đội Uman, Pôpôvích, Kanép, Stéplikíp, Nêdamaykôp, Guốcguxíp, Tytarép, và Tymôsép. Thiếu có mỗi một đội Pôrâyátslao. Chỉ vì quá chén mà đội này đã bỏ mạng. Quân quan của đội này, người thì chết ngay trong lúc ngủ, người thì tỉnh dậy đã thấy chân tay bị trói gô nằm trong trại địch. Ngay cả viên chỉ huy Kơlíp cũng bị bắt dẩn vào trại Ba Lan, trần truồng không mảnh vải.

Liền đó, dân trong thành nhận thấy các đội Dapôrô đang chuyển quân. Họ lên đứng trên lũy, và bày ra một quang cảnh tuyệt đẹp cho quân Cô-dắc nhìn các tướng sĩ Ba Lan đương oai vệ đứng trên thành, giáp trụ long lanh dưới ánh nắng, đầu đeo lông chim trắng như tuyết. Có người đội mũ hồng hoặc xanh, kéo xuống bên tai và vận chiến bào viền vàng. Họ mang khi giới cẩn ngọc dát vàng, quý giá vô ngần. Đó là chưa kể bao nhiêu đồ trang sức phô bày ra trước mắt quân Cô-dắc .

Phó tướng Bútgiaky đứng hàng đầu, đội mũ đỏ dát vàng, trông nét mặt rất hiên ngang. Tướng này cao lớn nhất trong hàng tướng tá Ba Lan. Chiếc áo bào quý giá vẫn còn quá chật so với thân hình hộ pháp. Phía kia, gần cửa ngách có một phó tướng khác, người gầy thấp, nhưng đôi mắt sáng quắc dưới hàng lông mày chổi xể. Tướng này lanh lẹ ngó bốn bề, chỉ trỏ mọi nơi mà ra lệnh. Tuy thân hình bé nhỏ nhưng rõ là tay thao lược. Đứng kế, có một viên chỉ huy cao nhỏng râu rậm mặt đỏ gay, có vẻ uống lớn ăn to. Đứng sau nhốn nháo rất đông những người quyền quý cấp bậc kém hơn, đeo nhiều binh khí, có kẻ tự sắm lấy, có kẻ nhờ kho nhà vua, cũng có kẻ vét của cha ông không đủ, phải vay thêm của bọn Do Thái. Lại còn khá nhiều những môn khách đi hộ vệ bọn quý tộc trong các yến tiệc cho thêm đông người. Bọn che tàn ăn chực này mỗi lần ngồi ăn, bao giờ cũng đánh xoáy được chén bạc đĩa vàng. Rồi qua cái đêm nên danh nên giá, hôm sau họ lại làm người đánh xe trên một cỗ tứ mã. Ở đó đủ hạng người, có kẻ không tiền uống rượu nhưng vẫn xoay xỏa được khí giới để ra trận.

Quân Cô-dắc án binh bất động vây quanh thành. Họ chẳng có trang sức gì lòe loẹt. Chỉ có một vài đốc gươm bằng sừng là lấp loáng ánh vàng thôi. Khi lâm trận họ tránh mọi xa hoa: áo vắn và bộ giáp sắt thường, và chỉ thấy vô vàn là mũ lông màu đen lót đỏ.

Hai người trong bọn tách khỏi hàng ngũ, tiến đến phía chân thành, một trẻ, một già hơn. Đó là Ôkhơrim Nasơ và Nikita Gôlôpitencô. Cả hai đều nổi tiếng ác khẩu, có tài ứng đối và cũng là hai trang anh kiệt. Người thứ ba khỏe mạnh, lưng rộng, đó là Đềmít Pôpôvích đi theo sau. Chàng này đã dày dạn khói lửa trong chiến khu. Mọi người biết anh từ lâu: trong cuộc đời ba chìm bảy nổi, anh đã trải đủ mùi. Anh đã giao chiến dưới chân thành Ăngđơrinốp, thoát khỏi một đám cháy, đầu bị bỏng lửa, râu tóc cháy xém. Nhưng bây giờ anh lại béo đẫy, râu tốt lại mọc đen, một búi tóc dài rất đẹp quấn xung quanh tai. Pôpôvích còn là một tay miệng lưỡi đanh thép không ai bì kịp.

- Chà! Chà! Đội quân này tốt mã quá, ta chờ xem có tốt danh hay không?

- Này cho lũ mi coi - Viên tướng to béo đứng trên thành quát lớn - Lũ tôi đòi! Khá nộp súng nộp ngựa mau! Bay đã rõ chúng ta xử bay như thế nào chưa? Giải bọn tù ra đây!

Họ điệu mấy người Dapôrô bị trói lên thành: đứng hàng đầu là ataman Kơlíp trần như nhộng, đúng là đang say thì bị bắt. Lão xấu hổ cúi gằm mặt, không dám nhìn bạn bè vì đã để cho địch bắt trong lúc ngủ say. Chỉ có một đêm, tóc lão đã bạc trắng.

Quân Cô-dắc đứng dưới thành thét vang:

- Chớ có lo, Kưlíp ạ! Chúng tôi sẽ giải cứu cho anh!

- Cứ bền gan. bạn ơi - ataman Bôrôđaty nói tiếp - Chúng nó bắt anh trong lúc trần truồng thì có chi đáng xấu? Ai cũng có thể gặp không may nhưng chúng bêu anh để anh lõa lồ thì là điều nhục nhã cho chúng.

- Cắn trộm lúc người ta ngủ, chúng bay anh hùng nhỉ! - Gôlôpitencô vừa nói vừa đưa mắt khiêu khích lên thành.

Quân Ba Lan đáp:

- Đợi đấy, tí nữa chúng tao sẽ gọt đầu bay!

- Để ta xem các người sẽ khua môi! - Pôpôvích giật đầu ngựa, ngoảnh về phía quân Cô-dắc , nói tiếp - Biết đâu đấy! Biết đâu quân Ba Lan nói đúng! Thằng tướng phệ ấy mà dàn quân xuất trận, quân nó cũng được chiếc mộc tốt ghê.

- Sao? Chiếc mộc nào tốt? - Lính Cô-dắc hỏi. Họ đoán biết chắc Pôpôvích sẽ chọc bọn kia một câu đắng như bồ hòn.

- Có gì lạ đâu! Cái bụng phệ ấy có thể che kín cả một đạo quân đấy! Nấp sau bụng ấy thì cả ngọn giáo dài cũng đâm không thấu.

Quân Cô-dắc cười rộ lên. Nhiều người còn tấm tắc khen:

- Hay cho Pôpôvích! Mở miệng ra thì.. - câu nói chưa dứt, thủ lĩnh bỗng thét to:

Tránh ra! Tránh xa khỏi thành! Mau lên!

Quân Ba Lan không tha thứ câu nói đùa. Viên phó tướng mập ra lệnh bắn.

Bên Cô-dắc vừa kịp tản ra thì súng trên thành xả xuống như mưa. Quang cảnh nhốn nháo. Viên tổng trấn hoa râm cưỡi ngựa đứng trên thành đốc chiến. Cổng mở rộng, quân Ba Lan ào ạt tiến xuống cánh đồng. Đi đầu có hàng kỵ binh vận áo nẹp, tiến bước chỉnh tề, rồi đến binh sĩ vận giáp sắt, cẩm thương, đoạn hậu có đoàn lính đội mũ đồng. Bọn tướng quí tộc cưỡi ngựa đi sau rốt, mỗi ké nai nịt một cách. Bọn quí tộc kiêu kỳ này chẳng chịu trà trộn với lính. Kẻ nào không có quân thì có gia đinh hộ vệ. Rồi đến toán lính đi trước viên sĩ quan cao lỏng khỏng cầm cờ lệnh, rồi đến viên phó tướng mập, đi sau rốt là viên phó tướng nhỏ bé.

- Chớ để chúng kịp thì giờ bày trận thế - viên kôsẽvôi ra lệnh - Dồn người đánh rốc vào! Bỏ các cổng khác đấy! Tatarép đánh vào tả dực. Điakíp đánh vào hữu dực. Kukubencô và Palyvôđa thì tập hậu. Phá vỡ hàng trận, chớ để chúng tiếp ứng nhau!

Tức thì quân Cô-dắc nhất tề tiến công khắp mặt vào quân địch. Hai bên hỗn chiến nên không thể dùng súng mà chỉ đâm chém bằng gươm giáo, tha hồ để lập chiến công.

Đêmít Pôpôvích đâm chết ba tên lính, hất ngã hai kỵ binh và thét lớn:

- Chà! Đôi ngựa tốt quá! Lâu nay ta đang ao ước được con ngựa như thế này đây!

Lão rượt theo hai con ngựa, hò anh em bắt lấy, rồi quay vào đám hỗn quân lại đuổi hai tên lính Ba Lan mất ngựa, đâm chết một đứa, còn một đứa lão ném dây thòng lọng vào cổ và cho ngựa kéo lê trên trận địa, sau khi đã tước của hắn cây kiếm đẹp và túi tiền vàng hắn vẫn đeo ờ lưng.

Một chàng Cô-dắc trẻ là Kôbita gặp một kiện tướng Ba Lan. Hai người đánh nhau hồi lâu. Cuối cùng họ ôm nhau vật lộn. Kôbita vừa lấy đoản đao Thổ đâm thủng ngực kẻ thù thì bị trúng đạn vào thái dương. Viên đạn do một tráng sĩ Ba Lan cũng là trang hiệp sĩ thuộc hoàng phái, bắn tới. Ngồi trên con ngựa hồng băng vút giữa chiến trường, tả xung hữu đột, trông chàng cao lớn như một cây tùng. Chàng đã đâm chết hai người Dapôrô, đánh ngã một chiến sĩ giỏi là Phêđôcóc cả người lẫn ngựa rồi bắn ngựa một viên đạn, đâm người một ngọn giáo. Nhiều người bị chàng chém đầu chặt tay. Giờ chàng lại vừa bắn chết Kôbita.

- Ta muốn phân cao thấp với tên này! - Kukubencô, ataman của đội Nêđamaycôp, thét lớn.

Tướng này thúc ngựa đuổi theo tráng sĩ Ba Lan. Bỗng lão thét lên một tiếng rùng rợn làm sởn gáy mọi người. Tráng sĩ Ba Lan đang định quay ngựa lại để nghênh chiến, nhưng tiếng thét làm cho con ngựa chồm lên, Kukubencô thừa cơ bắn đuổi theo kẻ địch một phát. Bị trúng đạn vào giữa hai vai, tráng sĩ Ba Lan ngã ngựa. Chàng định dùng kiếm đâm kẻ thù một nhát, nhưng kiệt sức rồi cánh tay không nhấc lên nổi. Kukubencô nắm cả hai tay cầm gươm thọc mạnh vào miệng kẻ thù. Lưỡi gươm nặng giáng xuống, đánh gãy hàm răng trắng, xé đôi lưỡi, đâm suốt xương sống và cắm phập xuống đất. Xác người tráng sĩ Ba Lan bị đóng chặt vào đất; dòng máu cành vàng lá ngọc tuôn ra, nhuộm đỏ áo giáp nạm vàng của Kukubencô. Còn Kukubencô thì đã rượt theo một toán địch khác có quân Cô-dắc chạy theo.

Viên chỉ huy đội Uman là Bôrôđaty tách khỏi bản quân chạy đến bên xác tráng sĩ Ba Lan, kêu lên:

- Bộ giáp sang quá đi mất! Sao ta không tước lấy? Ta đã từng lấy đầu bảy tướng nhưng chưa hề được bộ giáp nào đẹp bằng.

Màu tham nổi lên, lão cúi xuống sục sạo xác chết. Lão moi trong thắt lưng ra một đoản đao Thổ chạm ngọc quí, một bọc đầy tiền vàng, và kéo ở ngực ra một cái túi vải đẹp, thêu chỉ bạc, đựng một thứ nữ trang quí và một nắm tóc mây, chắc là kỷ niệm yêu đương của người tráng sĩ Ba Lan. Bôrôđaty có nghe đâu tiếng chân bước của một tướng mũi đỏ, đến sát sau lưng. Tướng này chính là người đã bị lão đánh ngã ngựa và đã được lão tặng một vết thương nhỏ để nhớ đời. Hắn chém phập một nhát rợn người vào cái cổ đang giơ ra, đứt làm hai đoạn. Máu tham của lão Cô-dắc đã đưa lão về chín suối, đầu văng ra xa, khúc mình vật xuống, máu đào phọt ra nhuộm hồng đám cỏ. Hung hồn của lão Cô-dắc bay lên trời, tức tối, bất bình hết sức, ngạc nhiên sao đã vội lìa cái thân hình khổng lồ. Nhưng viên chỉ huy Ba Lan chưa kịp buộc thủ cấp vào yên ngựa thì một đối thủ ghê gớm lại đã xuất hiện. Ôstáp, con trai của Bunba vừa xông tới, nhanh như chớp, quẳng thòng lọng vào cổ hắn, khác chi con ưng lượn trên không bỗng dừng lại, xòe cánh, bổ nhào như hòn đá ném xuống gà con đang kêu chiêm chiếp bên vệ đường. Mặt đỏ của viên chỉ huy Ba Lan càng đỏ hơn khi sợi dây càng siết chặt vào cổ. Hắn cầm khẩu súng ngắn, nhưng bàn tay rã rời, không điều khiển được nên phóng đạn bay vèo ra xa. Ôstáp không rời yên ngựa, rút sợi dây lụa hắn vẫn dùng để trói tù binh. Chàng trói gô tay chân hắn lại, bước vào yên ngựa rồi phi băng băng qua cánh đồng, vừa chạy vừa gọi quân Cô-dắc thuộc đơn vị Uman đến làm lễ án tang tướng chỉ huy của mình.

Khi đơn vị Uman biết tin Bôrôđaty đã tử trận, họ liền ngừng đánh, để đi mang xác chủ tướng và quyết định chọn người chỉ huy mới lên thay.

- Còn phải tìm đâu lôi thôi nữa! - Họ nói - Còn ai xứng đáng hơn Ôstáp Bunba? Thật ra chàng là trẻ nhất bọn ta, nhưng từng trải và thao lược đã thua gì người đứng tuổi.

Ôstáp cất mũ cúi đầu cảm tạ anh em Cô-dắc . Chàng cũng không nghĩ đến viện cớ ít tuổi hay nông nổi để từ nan, vì hiểu rằng đương trận mạc, chẳng nên làm như thế. Chàng vội đem quân vào nơi hỗn chiến, để tỏ cho quân sĩ biết họ đã chẳng lầm khi chọn tướng chỉ huy.

Quân Ba Lan thấy chiến sự chuyển ra bất lợi, nên vừa đánh vừa lui vào đầu kia chiến trường để tập họp lại hàng ngũ. Viên phó tướng nhỏ bé ra hiệu cho bốn đội quân hậu ứng túc trực ở cổng thành bắn một loạt súng trường vào quân Cô-dắc . Nhưng vì bắn xa quá tầm nên chẳng ai bị thương. Chỉ có mấy con bò của quân Cô-dắc vì đứng nhìn nhớn nhác là bị trúng đạn. Đàn bò rống gầm hoảng hốt chạy tán loạn, xéo bừa vào giữa trại Cô-dắc và dẫm nát nhiều cỗ xe. Thấy thế, Bunba kéo cả đoàn quân từ chỗ mai phục trong rừng tiến ra. Lão thét lớn chặn đàn bò lại. Lũ vật nghe tiếng quát, hoảng hốt quay đầu xông thẳng vào giữa đội kỵ binh Ba Lan làm rối loạn hàng ngũ chúng cho đến tan vỡ.

- Bò ơi! Khá khen chúng bay lắm - Quân Dapôrô gọi to - Bay đã được việc lúc hành quân, bảy giờ lại đến đây trợ chiến.

Quân Cô-dắc hăng máu lại ào ạt tiến sang phía kẻ thù. Nhiều quân Ba Lan ngã gục. Trong hàng ngũ Cô-dắc , nhiều trang xuất sắc đã lập công to: Mêtêlysa, Sylô, hai anh em Pitxarencô, Vutútsencô và nhiều người khác nữa. Quân Ba Lan thấy tình hình nguy ngập, liền phất cờ thu quân, hô lính giữ thành mở cửa. Tấm khung sắt nặng trĩu kêu rền, bao nhiêu kỵ binh mệt lử, bê bết, chen nhau ùa vào thành như đàn cừu về chuồng. Một số đông quân Dapôrô định đuổi theo, nhưng Ôstáp ngăn lại mà rằng:

- Đứng xa ra, anh em ơi! Đứng xa thành ra! Đừng lại gần mà nguy đấy!

Thật thế, từ trên thành, quân Ba Lan đã ném đủ các thứ xuống như mưa và làm bị thương một số chiến sĩ liều lĩnh.

Viên thủ lĩnh tới, tỏ lời khen ngợi Ôstáp:

- Người còn trẻ tuổi, nhưng cầm quân kém chi một lão tướng đã từng bách chiến!

Bunba nghe nói liền ngoảnh lại xem viên tướng trẻ tuổi là ai, thì thấy Ôstáp ngồi trên lưng ngựa đang chỉ huy đội Uman, mũ kéo xuống ngang tai, chiếc chùy chỉ huy nắm trong tay.

- Con ta giỏi quá! - Lão tướng vui vẻ nói to và nhìn con âu yếm. Rồi lão cảm ơn binh sĩ đội Uman đã dành vinh dự cho con mình.

Quân Dapôrô lui về trại. Quân Ba Lan lại xuất hiện trên thành. Áo quần tả tơi, nhiều bộ thấm máu đỏ hoe, còn mũ đồng của họ thì bám đầy đất bụi.

- Này, bay trói bọn ta khéo quá! - Quân Cô-dắc chế nhạo.

- Được rồi, chúng bay sẽ biết ta - Viên phó tướng mập vừa trả lời vừa chỉ sợi dây.

Chiến sĩ mệt lả và bê bết, vẫn còn hăm dọa. Đôi bên chửi bới khiêu khích nhau. Nhưng rồi hai bên cũng thu quân. Có người đi nghỉ, có người lấy đất đắp vào vết thương, rồi lấy những khăn áo đẹp cướp được của giặc xé ra băng bó. Ai còn sức thì đi chôn cất và vĩnh biệt đồng đội đã tử trận. Họ lấy gươm giáo đào mồ rồi lấy mũ cùng vạt áo hứng đất chuyền đi. Để tránh ác diều móc mắt người tử vong, họ lấy đất mới bọc quanh thi hài Cô-dắc rồi kính cẩn đặt xuống mộ. Còn xác quân Ba Lan thì họ bó thành từng chục một, buộc vào đuôi ngựa rồi quất cho chạy băng qua đồng. Đàn ngựa hoảng hốt chạy hồi lâu qua ruộng, qua hồ, qua khe; xác đẫm máu bị đập mạnh xuống đất.

Tối đến, quân Cô-dắc tụ lại ăn cơm. Ai nấy kể cho nhau nghe chiến công đã lập, những chiến công đáng cho người mới nhập ngũ noi gương và lưu truyền mãi cho hậu thế. Họ thức rất khuya, nhưng thức lâu nhất vẫn là lão tướng Bunba. Một ý nghĩ luôn luôn ám ảnh người cha già: Cớ sao không có Ăngđờri trong đám quân địch? Thằng Giuđa phản bội ấy đã hối chăng? Hay là tên Do Thái Dăngken bịa đặt? Hay là con lão thực đã bị Ba Lan cầm tù? Sực nhớ Ăngđờri là thanh niên rất dễ xiêu lòng, lòng lão buồn tê tái. Bunba thề sẽ giết chết con bé Ba Lan đã mê hoặc con trai mình. Vô phúc mà nó bị bắt thì dù có đẹp như tiên, lão cũng sẽ nắm tóc lôi khắp trại Cô-dắc để rửa hờn, lão sẽ chém nát đôi vai và bộ ngực trắng phau, lão sẽ băm vằm cái thân ngọc làm trăm mảnh rồi nhấn xuống bùn. Nhưng Bunba không thể đoán biết ngày mai mệnh trời sẽ dành phận chi cho mình và rồi ngủ quên đi.

Quân Cô-dắc vẫn còn nói chuyện. Suốt đêm, toán lính canh tỉnh táo ngồi bên lửa, mắt nhìn vào khoảng đêm trường.

--------------------

(1) Giuđa: theo đạo Thiên Chúa Giuđa trước là một trong 12 thánh tông đồ, sau đã phản lại Chúa Giêsu. Tiếng lóng, Giuđa có nghĩa là một tên phản bội. (N.D.)


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro