CHƯƠNG X

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


- Tôi ngủ lâu quá rồi nhỉ! - Bunba tỉnh dậy, nói. Lão cố nhìn nhận cảnh vật xung quanh, như người vừa tỉnh rượu. Mình mẩy đau như dần và tay chân bải hoải, không tài nào cất lên được. Lão chỉ mang máng thấy mình đang nằm trong một căn phòng xa lạ. Cuối cùng lão nhận ra Tôcách ngồi trước mặt, dường như đang lắng nghe hơi thờ của mình.

Tôcách nghĩ bụng:

- Phải rồi! May mà ông chưa ngủ luôn!

Nhưng Tôcách không nói gì, chỉ ra hiệu bảo Bunba nằm im. Bunba lại hỏi:

- Nhưng phải cho ta biết đây là đâu chứ! - Lão cố moi óc nhớ lại xem sự thể lúc ấy xẩy ra thế nào.

- Im! - Tôcách nghiêm nghị bảo bạn - Ông còn muốn biết gì nữa? Ông không thấy mình mấy đẩy thương tích hay sao? Hai tuần rồi chúng ta chạy đứt hơi đứt ruột, còn ông thì luôn mồm nói mê nói sảng. Hôm nay là lần đầu, ông mới nằm yên được một lúc. Nếu ông muốn mau bình phục, thì đừng động đậy nói năng gì cả!

Bunba vẫn cố ôn lại trí nhớ.

- Tôi đã bị quân Ba Lan vây bắt rồi kia mà... Tôi đã chờ chết không thoát ra được nữa kia mà...

- Cái ông này mới lạ chứ! Không im mồm đi được ư? - Tôcách tức giận quát to như người vú nuôi mắng đứa bé quậy - Ông chỉ cần biết ông đã được cứu thoát, đã có những người tốt, không bỏ rơi ông, thế thôi! Hãy biết chừng ấy đã! Chúng ta còn phải chạy nữa! Ông tưởng chúng nó coi rẻ cái đầu ông như thủ cấp một lính Cô-dắc thường à? Không đâu! Chúng đặt giá đẩu ông hai ngàn đồng vàng đấy!

- Thế Ôstáp đâu? - Bunba cố vùng dậy và thét lên. Đột nhiên lão nhớ lại rành rõi quân Ba Lan đã bắt mất con trai lão, rõ ràng mắt lão đã trông thấy chúng trói Ôstáp và hiện nạy Ôstáp đang nằm trong tay kẻ thù...

Một nỗi buồn tê tái tràn ngập tâm hồn người lão tướng. Lão giật đứt băng buộc vứt ra xa và muốn nói to lên một điều gì. Nhưng lại bắt đầu nói sảng, lại lên cơn mê, miệng lắp bắp những lời không đâu. Người bạn trung thành của lão ngồi trước mặt, không ngớt lời trách móc. Nhưng rồi bạn cũng nắm được chân tay lão mà băng bó, bọc lại như bọc một đứa bé, đoạn đùm vào trong miếng da bò, buộc chặt lên lưng một con ngựa rồi ra roi lên đường.

- Dầu ông có chết tôi cũng đưa ông về! Tôi không thể để cho quân Ba Lan làm nhục dòng máu Cô-dắc của ông. Không thể để cho chúng băm văm xác ông và quăng xuống sông được. Nếu để cho diều hâu móc mắt ông, thì cũng phải là thứ diều hâu của đất nước chúng ta, của vùng thảo nguyên, không thể là diều hâu Ba Lan. Nhất định tôi phải mang ông về Ucraina cho kỳ được!

Người bạn trung thành ấy lẩm bẩm nói một mình. Ngựa phóng suốt ngày đêm, đem được Tarát Bunba về tới chiến khu của quân Dapôrô, nhưng lão vẫn mê man bất tỉnh nhân sự. Tôcách tìm đủ mọi phương kế thuốc men chạy chữa cho bạn. Tôcách nhờ một mụ Do Thái kiếm các thứ lá cây cho uống, sau một thang thì bệnh tình đỡ hẳn.

Cuối cùng, Bunba thấy sức khỏe ngày càng khá hơn. Một phần nhờ thuốc, một phần nhờ sức vóc khỏe mạnh, sau một tháng rưỡi, Bunba khỏi bệnh. Các vết thương đã lành; xem những cái sẹo to tướng mới biết lão bị thương nặng. Tuy bình phục, nhưng lão vẫn âu sầu thảm đạm, ba vết nhăn sâu hoắm đã vĩnh viễn in hằn trên trán lão. Bunba chỉ thấy xung quanh những bộ mặt mới lạ: bao nhiêu bạn chiến đấu cũ đều chết rồi. Còn đâu nữa những anh em đã vì nghĩa cao quí, vì tình đồng bào đồng đạo mà chiến đấu! Còn đâu nữa những người cùng ra đi một lần với thủ lĩnh! Kẻ đã bỏ mình nơi chiến địa, kẻ đã chết đói chết khát nơi thảo nguyên, nước mặn vùng Cờrimê; cũng có kẻ bị bắt làm tù binh, không chịu nổi nhục nhã mà từ trần. Viên thủ lĩnh cũ đã về chầu trời, bạn bè đồng đội của ông cũng vậy. Ngọn cỏ đã tốt xanh trên nấm mồ các chiến sĩ Cô-dắc anh dũng xưa kia! Thật chẳng khác gì quang cảnh một bữa tiệc linh đình náo nhiệt. Sau khi tỉnh rượu canh tàn, cốc chén vỡ lung tung, một giọt rượu thừa cũng cạn. Tân khách và gia đinh đã uống hết, đập bể, lấy trộm hết. Còn lại chủ nhà trơ trọi một mình, buồn rầu suy nghĩ: "Ví như sớm biết, thà đừng mở tiệc cho xong!".

Ai cũng chịu không thể làm Bunba khuây khỏa vui lên được chút đỉnh. Từng đoàn hai ba phường nhạc, râu tóc bạc phơ, diễu qua trước mặt lão, vừa đàn vừa hát, ca tụng chiến công của lão tướng, nhưng thảy đều vô ích. Bunba thản nhiên nhìn mọi vật xung quanh. Trên nét mặt, lộ ra nỗi đau buồn vô hạn. Lão tướng cúi xuống, thiểu não ngậm ngùi:

"Con ơi! Ôstáp con ơi!"

Trong lúc đó, quân Dapôrô đã chuẩn bị một cuộc xuất chinh bằng đường thủy. Hai trăm chiến thuyền được thả xuống sông Đniép. Chẳng bao lâu cả vùng Tiểu Á đều trông thấy đạo quân Cô-dắc , đầu cạo trọc, chừa chỏm tóc dài. Họ đốt trụi hai bờ sông. Bao nhiêu vành khăn của người Hồi rơi lả tả như hoa rụng giữa cánh đồng đẫm máu, hoặc nổi lềnh bềnh trên mặt sông biển. Quân Cô-dắc tiến qua cánh đồng, vung mạnh ngọn roi đen, ống quần rộng thủng thình dính đầy nhựa. Họ đi đến đâu là dày xéo vườn, ruộng, mùa màng và vứt bừa bãi rác bẩn đến đó. Họ đã lấy khăn "san" của người Ba Tư, cả những thứ quí giá nhất, xé ra làm thắt lưng hoặc làm vải bó chân. Mãi về sau, nhân dân địa phương còn nhặt được những ống điếu ngắn của họ bỏ lại. Họ vui sướng đóng thuyền trở về. Nhưng một chiến hạm Thổ Nhĩ Kỳ đã đuổi kịp. Một loạt súng đại bác nổ ran đuổi đoàn thuyền bé nhỏ tản ra như bầy chim. Có gần một phần ba thuyền Cô-dắc chìm nghỉm xuống đáy biển, còn bao nhiêu đã liên lạc được với nhau để về tới cửa khẩu sông Đniép, mang theo mười hai thùng tiền vàng cướp được.

Tất cả những chiến công đó không làm cho Bunba mảy may vui thích. Lão tướng bảo đi vào các cánh đồng, vào trong thảo nguyên để săn bắn, nhưng khẩu súng ông già chưa hề nhả đạn một lần. Đặt súng xuống đất, ông già ngồi trầm ngâm hồi lâu trên bờ biển, tâm trí buồn tê tái, mặt cúi gầm, miệng không ngớt kêu: "Con ơi! Ôstáp ơi!"

Biển Hắc Hải lấp lánh dàn ra mênh mông trước mặt. Xa xa trong lùm cói, tiếng chim biển lanh lảnh vọng vang. Một giọt nước mắt, rồi một giọt nước mắt nữa, rớt xuống chòm râu bạc của viên tướng già.

Bunba không cầm lòng được nữa.

"Dù khó khăn đến đâu, ta cũng phải đến tận nơi xem nó ra sao. Nó còn sống hay đã nằm dưới mồ? Hay nó đã không còn trong mồ nữa? Dầu sao ta cũng phải biết cho kỳ được!"

Một tuần sau, lão cưỡi ngựa đến thành Uman, nai nịt rất đầy đủ: gươm, giáo, bao đạn, bình bột, bầu rượu bên yên và các thứ dây xích ngựa. Lão đi thẳng đến một ngói nhà lụp xụp bẩn thỉu, cửa sổ khói ám đen thui. Một nắm giẻ rách nút vào ống khói. Trên mái nhà dột lăn tăn, đàn chim sẻ kêu chít chít. Đống rác lù lù nằm ngay trước cửa. Qua cánh cửa sổ, một người đàn bà Do Thái thò đầu ra, đầu mụ đội chiếc mũ điểm những hạt ngọc đã mờ nước thủy.

- Chồng mụ có nhà không? - Bunba xuống ngựa hỏi. Lão buộc dây cương vào một vòng sắt ở chỗ tường gần cửa.

- Có ạ! - Mụ Do Thái trả lời xong, vội vã đi lấy thóc đem ra cho ngựa ăn và lấy rượu bia mời lão tráng sĩ uống.

- Chồng mụ đâu?

- Thưa tướng công, chồng tôi đang cầu nguyện trong phòng bên - Mụ Do Thái cúi rạp mình trả lời và chúc sức khỏe lão tráng sĩ, lúc Bunba đưa cốc rượu lên miệng uống.

- Mụ đứng đấy cho ngựa ta ăn nhé. Ta phải vào gặp chồng ngươi có việc.

Người Do Thái ấy chính là lão Dăngken. Gã đã mượn được vốn và dựng hàng quán. Dần dần, các quí phái lớn nhỏ đều sa vào lưới. Gã đã tìm cách rút lần rút mòn từng đồng tiền của mọi người trong vùng, cả những vùng không biết tên gã nữa. Cả một vùng rộng dến ba dặm không còn túp lều cho ra hồn; hết thảy đều đổ nát, bạc vàng đã tan ra nước cùng với rượu và chè. Và giờ đây nhân dân chỉ còn lại rách rưới, tan nát y như một vùng vừa qua một cuộc hỏa hoạn hoặc một trận mạc lớn. Nếu Dăngken còn ở lại đây mươi năm nữa, chắc xứ này sẽ không thoát cảnh điêu tàn.

Bunba bước vào thành. Gã Do Thái còn đọc kinh, đầu quấn chiếc khăn lễ bẩn thỉu. Gã vừa ngoảnh lại phía sau để nhổ nước bọt một lần nữa (theo phong tục, khi đang cầu nguyện, muốn nhổ toẹt phải ngoảnh lại phía sau mà nhổ) thì chợt gặp luồng mắt của Bunba.

Như một tia chớp, Dăngken thoáng thấy số tiền hai ngàn đồng vàng lồ lộ trước mắt. Giá tiền cái đầu viên lão tướng sáng long lanh trước mắt gã. Nhưng tự lấy làm xấu hổ về ý nghĩ đen tối đó, gã cô gắng dập tắt từ trong đáy lòng cái tệ tham vàng ấy nó vẫn gặm nhấm tâm hồn Do Thái như sâu như mọt.

- Dăngken này! - Bunba nói trong lúc gã Do Thai cúi chào lão và chạy vội ra đóng cửa lại để người ngoài khỏi ngó vào - Ta đã cứu sống nhà ngươi. Nếu ta không can thiệp, thì quân Dapôrô đã giết ngươi như chó rồi. Giờ đã đến lúc nhà ngươi giúp đỡ ta đây!

Gả Do Thái khẽ chau mày.

- Giúp việc gì ạ? Nếu tôi làm được, tôi đâu dám chối từ.

- Thế là được. Nhà ngươi hãy dẫn ta đến Vácxôvi

- Tới Vácxôvi à? Thế nào? Đi Vácxôvi làm gì? - Dăngken há miệng trợn mắt, ngạc nhiên hỏi.

- Đừng hỏi nhiều vô ich! Dẫn ta đến Vácxôvi! Dầu khó khăn đến mấy ta cũng phải gặp nó một lần nữa, và được nói với nó, dầu chỉ một lời.

- Với ai kia ạ?

- Với nó, với Ôstáp con ta.

- Thế tướng công không biết rằng...

- Có, ta biết, ta biết hết! Giặc đã đặt giá đầu ta hai ngàn đồng vàng. Quân ngốc ấy biết rõ đầu ta đáng giá lắm. Nhưng ta cho nhà ngươi năm ngàn. Cầm trước hai ngàn đây (Bunba lấy trong túi da ra hai ngàn đồng vàng), còn bao nhiêu lúc về ta sẽ thưởng nốt.

Gã Do Thái liền ngửa khăn tay hốt lấy đùm vàng:

- Cha chả! Tiền thực là huy hoàng! Tiền thực là tốt đẹp! - Gã vừa nói vừa lật qua lật lại một đồng vàng trong tay, rồi lại cắn vào răng để thử - Tôi nghĩ rằng đứa nào bị tướng công lấy mất chừng này vàng, chắc chẳng sống thêm được một giờ và đã phải nhảy xuống sông mà tự vẫn rồi.

- Không có nhà ngươi, có lẽ ta cũng biết đường đi Vácxôvi, nhưng quân Ba Lan chết tiệt sẽ nhận ra ta dọc đường, vì ta rất kém mưu mẹo. Người Do Thái các ngươi biết đủ mánh lới , trời sinh các ngươi ra đã lắm mưu, các người có thể lừa được cả quỷ thần, vì thế ta mới tìm đến. Vả lại đến Vácxôvi, không có ngươi, ta cũng chả làm nên trò trống gì. Thôi, đóng ngay một cỗ xe, rồi chúng ta lên đường!

- Thế ra tướng công nghĩ giản đơn chỉ có mỗi một việc dắt con ngựa trong chuồng ra, đóng vào xe rồi "hấp" thế là đi ư? Tướng công tưởng tôi có thể dẫn tướng công đi một cách trót lọt dễ dàng ư?

- Thì giấu ta đi! Mày muốn giấu vào đâu cũng được, tùy ý, trong chiếc thùng không vậy!...

- Thế ra tướng công tưởng có thể giấu ngài vào cái thùng không được à? Tướng công lại không rõ giặc có thể nghi thùng đựng rượu à?

- Thì chúng cứ nghi, đã hề gì nào!

- Sao? Để chúng nó nghi trong thùng có rượu? - Dăngken kêu lên. Gã nắm lấy hai nắm tóc buông thõng xuống hai má mà giật, rồi giơ tay lên trời.

- Có gì mà nhà ngươi sửng sốt sợ hãi đến thế?

- Tướng công, ngài lại không biết rằng trời sinh rượu ra là để cho mọi người uống hay sao? Tụi nó ở Vácxôvi, đứa nào cũng tham ăn, tham uống. Bất kỳ một kẻ sang trọng nào bên ấy, đầu tiên trông thấy thùng rượu cũng có thể chạy theo sau tới năm dặm đường. Nó sẽ đục thủng ra một lỗ. Nếu không thấy rượu chảy ra, nhất định nó sẽ hỏi: "Một thằng Do Thái không thể tự nhiên vô cớ mang cái thùng không đi thế này được. Chắc có cái gì gian lận trong ấy. Phải bắt thằng này trói lại, tước hết bạc tiền và tống ngục!" Bởi vì bao nhiêu xấu xa rồi cũng đổ lên đầu thằng Do Thái thôi, ai cũng coi Do Thái chúng tôi như chó, có ai cho nó là người đâu!

- Thế thì giấu ta vào trong xe cá.

- Không thể được. Nói có trời chứng, không thể được, Ngài ạ. Hiện nay ở Ba Lan nạn đói đang hoành hành. Họ sẽ trộm hết cá và tướng công sẽ bị lộ.

- Thế, ngươi muốn giấu ta vào cái xó nào đó thì giấu, nhưng phải dẫn ta đến Vácxôvi.

- Xin tướng công nghe tôi! - Gã Do Thái vừa nói vừa xắn tay áo lên, hai tay khuỳnh ra và tiến lại gần Bunba - Chúng ta làm như thế này này: hiện nay ở đâu người ta cũng đang xây thành đắp lũy. Từ nước ngoài vào, sẽ có bao nhiêu kỹ sư người Pháp, người ta sẽ chở bằng đường bộ bao nhiêu gạch đá. Xin tướng công nằm dưới đáy xe và tôi sẽ chất gạch lên. Người tướng công to, mạnh, vì thế sẽ không đau đớn gì. Tôi sẽ trổ một lỗ nhỏ dưới đáy xe để đem thức ăn nuôi tướng công.

- Mày muốn làm gì đó thì làm. Nhưng miễn là dẫn ta đi.

Sau đó một giờ, một chiếc xe chở gạch do hai con ngựa gầy kéo đã rời thành phốó Uman. Dăngken khô như xác mắm, ngồi trên lưng một con ngựa, hai chỏm tóc dài thò ra ngoài mũ sẽ đu đưa mỗi lần xe gặp bước gập ghềnh.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro