CHƯƠNG XI

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng



Thời kỳ xảy ra câu chuyện này, ở các biên giới chưa có cơ quan thu thuế, chưa có các cơ quan ngáo ộp ấy đối với làng buôn, cho nên ai muốn chở gì qua lại giữa hai bên cũng được. Có kẻ muốn kiểm soát hàng hóa, đó thường thường là do họ tự quyền, nhất là khi có món hàng gì quý, vừa mắt, vừa tay họ. Nhưng gạch ngói của Dăngken thì chẳng ai để ý, nên gã đã trót lọt đi qua cửa ải chính. Nằm thu mình trong một lỗ hốc chật hẹp, Bunba chỉ nghe tiếng chửi của người đánh xe. Dăngken nhảy lên lưng con ngựa nhỏ đầy bụi bặm, đi quanh co nhiều vòng rồi tiến vào một phố hẹp, gọi là phố Bẩn hoặc phố Do Thái. Thật vậy, ở đây, tại các đường phố hẹp như cái rãnh này, tất cả người Do Thái ở thành phố Vácxôvi đã chui rúc. Hình như chưa bao giờ mặt trời lọt vào đây. Bao nhiêu gỗ mục nát, đen thui, vò số sào gậy chĩa từ trong các cửa sổ, càng làm cho đường phố thêm tối tăm. Lác đác cùng có bức tường gạch đỏ, nhưng ngay cái gạch đỏ ấy đôi chỗ cũng đen thui. Xa xa ánh trời chiếu vào một vạt tường quét vôi trắng làm chói mắt. Chỗ kia thật là một mớ hổ lốn; giẻ rách, ống gãy, giày loại và nồi thủng, vứt ngổn ngang giữa đất. Có cái gì vô dụng, người ta đều tung vãi ra đường phố làm cho người qua lại dễ dàng rung động mọi thứ tình cảm khi thấy cả cái đống rác rưởi này. Một người cưỡi ngựa đi qua có thể với tay tới con sào nằm ngang từ cửa sổ này sang cửa sổ nọ; trên sào vắt đủ thứ: bít tất đàn bà Do Thái, quần đùi, lại có cả con ngỗng quay nữa. Thỉnh thoảng một khuôn mặt con gái Do Thái trang điểm diêm dúa, hiện ra giữa một cánh cửa tồi tàn. Một đám trẻ con Do Thái rách rưới bẩn thỉu, tóc quăn, kêu la chí chóe và đùa giởn trong vũng bùn.

Một gã Do Thái tóc đỏ hoe, mặt rỗ hoa, ló đầu ra ngoài cửa sổ và líu lo nói chuyện với Dăngken. Và đánh xe vào sân. Một gã Do Thái khác đi ngang đấy dừng lại, cũng chõ mồm vào. Và khi Bunba từ trong đống gạch chui ra, lão thấy ba người Do Thái đang nói chuyện ầm ĩ. Dăngken quay lại nói với Bunba, mọi việc sẽ được thu xếp theo ý muốn của lão tướng, rằng Ôstáp là con trai lão đang bị giam trong nhà lao Vácxôvi và muốn gặp bọn lính gác ngục chắc còn nhiều khó khăn, nhưng gã hi vọng sẽ thu xếp cho được hội ngộ.

Bunba cùng ba gã Do Thái vào trong một căn phòng. Bọn đó lại líu lo nói chuyện với nhau, không ai hiểu gì cả. Bunba lần lượt nhìn kỹ từng đứa một.

Lão cảm động vô cùng: một tia hi vọng lóe sáng trên nét mặt đăm chiêu và khắc khổ của lão, tia hy vọng thường vẫn chiếu thẳng vào trái tim con người đang chán nản nhất. Trái tim già cỗi của lão bỗng đập mạnh như trái tim của người son trẻ.

Giọng nói của lão tướng chứng tỏ mối xúc động trong tâm hồn:

- Này các ngươi Do Thái, các ngươi tài giỏi lắm, các ngươi có thể cứu người chết đuối từ dưới đáy biển, đúng như câu phương ngôn nói: "Người Do Thái có thể đánh cắp ngay cả bản thân mình". Các ngươi hãy cứu Ôstáp cho ta, các ngươi hãy tìm kế giải thoát nó khỏi tay giặc. Ta đã hứa cho gã này một vạn hai ngàn đồng nữa. Ta sẽ bán vàng, bán bạc, bán nhà, bán cửa, bán hết quần áo để trả nợ cho các ngươi và ký với các ngươi một bản giao kèo. Ta còn sống ngày nào, còn đi trận được ngày nào, ta sẽ chia cho các ngươi một nửa chiến lợi phẩm của ta.

- Nhưng, thưa tướng công, khó lắm! Không thể làm được - Dăngken thở dài trả lời.

- Vâng, không thể được - Gã thứ hai tiếp lời. Rồi ba đứa đưa mắt nhìn nhau.

- Hay là hãy thử xem - Gả thứ ba liếc trộm hai gã kia, nói. Họ bắt đầu dùng tiếng Đức. Bunba vểnh tai chú ý, nhưng chỉ nghe được mỗi một tiếng "Mácđôsê", lặp đi lặp lại nhiều lần. Dăngken nói:

- Thưa tướng công, chúng tôi phải hỏi ý kiến một người khôn ngoan nhất đời này. Chà chà! Ông ấy thật là người chúa Salômông tái sinh. Nếu ông ta bó tay thì đành phải chịu đi thôi. Xin Ngài ở lại đây, Ngài cầm chiếc chìa khóa này, đừng cho ai vào buồng cả.

Nói rồi, ba gã Do Thái đi ra, Bunba khóa cửa lại ngồi nhà qua cửa sổ trông ra đường phố và mấy gã đang nói hăng. Một chốc, lại có một gã thứ tư nhập bọn vào, rồi lại thêm một gã thứ năm. Chốc chốc, Bunba lại nghe nhắc đến cái tên "Mácđôsê, Mácđôsê". Mấy gã Do Thái không rời mắt nhìn về phía một góc phó. Bỗng từ trong một căn nhà lụp xụp ở cuối phố thấy ló ra một đôi giầy cũ kỹ và một tà áo dài. Mấy gã Do Thái cũng kêu lên một tiếng: "A! Mácđôsê! Mácđôsê!" - Một gã Do Thái gầy ốm và hơi thấp hơn Dăngken, nhưng da mặt nhăn nheo hơn, môi trên trề ra, tiến lại gần mấy gã kia. Tất cả cướp lời nhau, nói chuyện với gã này.

-------------------

(1) Salômông là vua của người Do Thái khoảng đầu công nguyên. Tục truyền là một người rất thông minh. Có lần hai người đàn bà tranh nhau một đứa trẻ con. Người nào cũng tranh cãi nói chính mình là mẹ đẻ đứa bé. Không ai chịu ai, liền đưa nhau đến kêu trước Salômông. Salômông đã xử rằng, thôi mang đến đây một thanh đoản kiếm rồi xẻ đôi đứa bé ra, cho mỗi mụ nhận một nửa. Người mẹ thật của đứa bé thương con quá, thà mất con không thể để nó chết, nên không chịu cho chém. Thế là Salômông đã biết rõ sự thật và xử cho người ấy được kiện, mang đứa con về.

Thấy họ đưa mắt nhìn về phía cửa sổ, Bunba biết họ đang nói về mình. Mácđôsê lắng nghe, vung tay múa chân, thỉnh thoảng lại ngắt lời bọn kia hoặc nhổ toẹt một bãi nước bọt, hoặc kéo thân áo dài, thò tay vào túi lấy ra các đồ lặt vặt (gã kéo áo, để lòi ra một chiếc quần đùi tồi tàn). Bỗng chúng nó kêu ầm lên, đến nỗi tên Do Thái đứng gác phải ra hiệu im lặng. Bunba bắt đầu lo, nhưng rồi lão lại trấn tĩnh được vì nghĩ rằng bọn Do Thái chỉ cãi nhau ngoài phố, ai biết chúng cãi nhau về việc gì, tiếng nói của chúng có trời mà hiểu được!

Một lát, bọn Do Thái vào cả trong buồng. Mácđôsê tiến lại gần Bunba, vỗ lên vai lão và nói:

- Khi chúng tôi đã nhận làm một việc gì thì nhất định chúng tôi làm tròn.

Bunba nhìn con người tinh khôn như Salômông có một không hai ấy, bụng khấp khởi mừng thầm. Thật vậy, nét mặt gã toát ra một cái gì đáng tin cậy: môi trên rất dày, có lẽ do một nguyên nhân đặc biệt, chòm râu chỉ vẻn vẹn có mươi lăm sợi, mà lại chỉ mọc phía bên trái; mặt lão đầy sẹo, vết tích của bao nhiêu truân chuyên qua các chiến trận, chắc từ lâu lão quên bẵng đi đến nỗi gã cứ tưởng những dấu vết ấy vốn có từ lúc cha sinh mẹ đẻ.

Mácđôsê cùng cả bọn đi ra, bộ dạng thật thông minh lanh lợi. Bunba lại ngồi một mình. Lão cảm thấy có cái gì khác thường trong người: lần đầu tiên trong đời lão thấy lo sợ. Tâm hồn lão đang bị xúc động mạnh. Thời gian đã xa rồi, cái thời người lão tướng Bunba xưa, hùng dũng bất khuất không sức gì lay chuyển nổi như một cây đại thọ. Lão cảm thấy mình sao mà mềm yếu và hèn nhát lạ: một tiếng động nhỏ cũng làm rùng mình, một bóng Do Thái lướt qua phố cũng làm lo sợ. Suốt ngày sống trong tình cảnh ấy, lão không ăn không uống, mắt không rời nhìn qua khung cửa sổ độc nhất trông ra đường. Mãi tận khuya, Mácđôsê và Dăngken mới mò về. Tim Bunba hồi hộp đến ngừng đập.

- Thế nào? Kết quả chứ? - Lão sốt ruột hỏi. Nhưng bọn Do Thái chưa kịp trả lời, Bunba đã chú ý thấy Mácđôsê thiếu mất một túm tóc sáng nay chải trơn mượt vẫn uốn cong ngoài chiếc mũ hắn đội. Hắn muốn nói mấy lời cắt nghĩa, nhưng cứ ấp a ấp úng mãi, làm cho Bunba càng khó hiểu. Dăngken thì thỉnh thoảng lại đưa tay lên che miệng, như bị cảm ho nặng. Cuối cùng gã cất tiếng nói:

- Tướng quân kính yêu ơi. Hỏng cả rồi! Con xin thề không làm thế nào được nữa! Quân chó chết! Có đáng nhổ vào mặt chúng không chứ? Đây Mácđôsê sẽ trình ngài rõ. Mácđôsê tìm đủ mọi cách, nhưng trời chẳng chìu người... Chúng nó có ba ngàn binh lính, súng ống đầy đủ, và ngày mai chúng sẽ đem tù binh Dapôrô ra hành hình.

Bunba nhìn tận tròng mắt của bọn Do Thái. Trong cái nhìn ấy bày giờ không còn tí gì là sốt ruột hay tức giận nữa.

- Nếu tướng công muốn gặp công tử thì sáng mai phải đi thật sớm, trước lúc mặt trời mọc. Bọn lính gác đã đồng ý và viên đội đã hứa với tôi. Dầu sao tôi vẫn nguyền rủa cho chúng nó kiếp sau khốn cực mãi mãi. Chúng nó tham lam lắm. Ngay Do Thái chúng tôi cũng chẳng ai quá quắt như vậy... Tôi phải đấm họng cho mỗi đứa năm chục đồng vàng, còn viên đội thì...

- Thôi được! Ngươi hãy dẫn ta đi! - Giọng Bunba vụt trở nên quả quyết, tất cả tinh thần kiên quyết xưa kia bỗng nhiên trỗi dậy trong người. Lão nghe lời Dăngken, cải trang làm một hầu tước người Đức. Gã Do Thái lo xa, đã chuẩn bị đầy đủ cho việc cải trang ấy. Đêm đến, tên Do Thái chủ nhà mặt rỗ hoa và tóc hoe mang lại một tấm nệm mỏng và một chiếc chiếu để trải lên tấm ghế cho Bunba nằm. Dăngken thì nằm giữa đất trên một tấm nệm cũng như vậy. Gã Do Thái tóc hoe, uống xong một tách nước lã gì đó, rồi cởi áo dài ra, nhưng tất và giày thì không cởi (vì thế trông gã giống như một con gà giò). Lão cùng vợ bước vào trong một thứ buồng giống như cái tủ, hai đứa con ngủ lăn giữa sàn bên cạnh, như hai chó con.

Bunba không tài nào chợp mắt được. Lão ngồi im, ngón tay chốc chốc lại gõ vào mép bàn, miệng vẫn ngậm tẩu thuốc. Lão hút thuốc nhiều đến nỗi gã Do Thái ngốt lên phải vùi đầu trong chăn mà nằm.

Trời chưa tờ mờ sáng, Bunba đã lấy chân đánh thức Dăngken:

- Dậy! Đưa bộ áo hầu tước cho ta!

Trong nháy mắt, Bunba mặc xong quần áo, tô đen râu và lông mày rồi đội lên đầu một chiếc mũ nhỏ màu sẩm. Cải trang như thế, ngay đến những bạn Cô-dắc thân thiết nhất của Bunba cũng chịu không nhận ra được. Thoạt nhìn, ai cũng cho lão chỉ chừng khoảng ba mươi lăm tuổi. Mấy vết sẹo trên đôi má hồng hào càng tăng thêm vẻ quyền quí. Bộ quần ào dát vàng mới mặc vào lại rất vừa vặn khéo.

Phố xá còn mơ màng trong giấc điệp, vẫn còn chưa có những người bán rong xách giỏ đi rao hàng. Bunba và Dăngken đến trước một ngòi nhà kiến trúc giống như một con cò ngồi xổm. Đó là nhà xây to rộng, thấp và đen như than. Một đầu nhà giống như cái cổ cò, có cái tháp nhỏ che mái. Căn nhà này dùng được nhiều việc, trại lính, nhà giam và cả tòa án hình nữa. Hai người bước qua cửa vào trong một gian phòng rộng, hay nói đúng hơn là một cái sân trống. Có đến non ngàn con người nằm ngủ la liệt giữa đất. Trước mắt họ, gần cửa tháp, có hai người lính gác, đang chơi trò người này lấy hai ngón tay đập vào lưng bàn tay người nọ. Họ không chú ý đến mấy hai người lạ mặt. Khi Dăngken nói, họ mới ngẩng đầu lên:

- Chào các thầy. Chúng tôi đây. Chúng tôi đến đây rồi.

- Vào đi - Một tên lính gác vừa nói, vừa giơ một tay mở cửa, còn tay kia thì đang giơ lên để cho bọn nó đập vào lưng bàn tay.

Hai người bước vào căn nhà cầu hẹp và tối, rồi bước vào một gian khác giống hệt như thế, trần có trổ nhiều cửa sổ nhỏ.

- Ai? - Nhiều tiếng người cùng hỏi to. Bunba trông thấy một toán lính súng ống rất đầy đủ - Chúng tao đã được lệnh không cho ai vào cả.

- Chúng tôi đây mà! - Dăngken kêu to lên - Xin cam đoan là chúng tôi đây mà. Các quan ạ.

Chẳng ai thèm nghe lời hắn. May sao vừa lúc ấy có một người to lớn đi tới. Có lẽ là cai đội gì đó, vì hắn hét to hơn cả bọn.

- Bẩm quan lớn, chúng tôi đây mà - Dăng ken lặp lại và nói với người to lớn - Chúng tôi đã đến đây. Quan lớn nhận ra chúng tôi đấy chứ? Ngài hầu tước đây sẽ đền ơn quan lớn...

- Cho chúng vào. Đồ khỉ! Nhưng không được cho ai vào thêm, nghe! Ai nấy phải canh gác cho từ tế, đeo kiếm vào, cấm lăn xuống đất như lợn - Hai người nghe không rõ những lời sau nữa.

- Chúng tôi đây. Tôi đây mà. Đúng là chúng tôi đây - Gặp ai Dăngken cũng lặp lại mấy tiếng ấy. Này, đến đây chúng tôi có vào sâu được nữa không? - Cuối cùng hắn hỏi một người lính gác, khi đi hết dãy hành lang.

- Được. Đi được - Người kia trả lời - Nhưng tao chả rõ người ta có cho vào trong nhà lao không. Thằng Dăng nó không gác nữa, đến phiên thằng khác mất rồi...

- Chậc! Chậc! - Dăngken tặc lưỡi - Thưa tướng công, thế này mới rắc rối chứ.

- Cứ đi đi - Bunba cương quyết.

Gã Do Thái vâng lời. Trước cánh cửa hình quả trám của cái hầm, một tên lính có bộ râu ba tầng đứng gác: tầng trên là lớp râu hắn quặt lại đằng sau, tầng thứ hai chìa ra đằng trước, tầng thứ ba quặp xuống, thành thử mặt nó giống hệt như mặt con mèo.

Gã Do Thái gập lưng lại lom khom đi tới trước người lính:

- Bẩm cụ lớn, xin chào ngài.

- Mày gọi tao thế à, thằng Do Thái?

- Vâng xin cụ lớn...

- Hừ! Nhưng tao chỉ là thằng lính xoàng - Tên có bộ râu ba tầng nói. Mắt hắn sáng lên.

- Chao ôi! Tôi cứ tưởng là tôi đang được hầu chuyện ngài tổng trấn chứ! Chà! Chà!... - Gã Do Thái bắt đầu giơ hai ngón tay - Chà! Chà! Ngó đường bộ chưa? Tôi chẳng nói ngoa tí nào. Thật y như một vị tướng. Gắng tí nữa, ngài sẽ thành một vị tướng thật. Nếu ngài cưỡi con ngựa hay thì sẽ chỉ huy được cả một đoàn quân chứ lị!

Tên lính vuốt vuốt tầng râu dưới, mắt càng long lanh hỉ hả.

- Chà! Các thầy lính thật đẹp quá đi mất - Gã Do Thái tiếp tục nói - Phù hiệu này, lon này, chói cả lên như vàng. Con gái đẹp mà trông thấy các thầy thì... Chà! Chà... - nói rồi, Dăngken đong đưa cái đầu.

Người lính càng vuốt ngược tầng râu thứ nhất và khẽ ré lên trong hàm răng một thứ tiếng như ngựa hí.

- Ngài có sẵn lòng giúp tôi một việc không? - Gã Do Thái nói... - Đây là một hoàng tử từ xa đến. Người có ý muốn xem mật mũi tên Cô-dắc thế nào, cả đời người chưa hề trông thấy nó.

Thuở ấy thường vẫn có những công hầu bá tước nước ngoài đến thăm Ba Lan, với mục đích duy nhất là tò mò nhìn xem cái xứ sở nửa Âu nửa Á này nó ra làm sao. Thuở ấy người ta vẫn cho xứ Mátxcơva và xứ Ucraina là đất châu Á. Vì vậy, người lính muốn tự mình nói ít lời sau khi đã cung kính chào người khách quí:

- Thưa ngài, thật tôi không hiểu vì sao ngài lại muốn xem mặt chúng nó. Tụi ấy là một bầy chó, chứ không phải là người. Chúng nó thờ một thứ đạo không ra gì cả.

- Láo! Thằng khỉ! - Bunba thét lên - Quân chó này, sao mày dám nói đạo của chúng tao không ra gì ? Chính đạo của chúng mày mới tầm bậy chứ!

- Đấy! Đấy! - Người lính nói - Tao biết tỏng cu cậu là ai mà. Đích thị là cùng một lũ với bọn bị giam trong này thôi. Hãy chờ đó, tao gọi thêm lính ra nói chuyện với.

Bunba biết mình lỡ lời, nhưng giận quá và vốn cứng cổ, lão không thèm nói lại. May mà có Dăngken đứng đó. Gã vội vàng đỡ lời:

- Bẩm cụ lớn, sao cụ lớn lại có thể tin rằng ngài hầu tước đây là người Cô-dắc được kia chứ? Nếu là Cô-dắc thì ngài lấy đâu ra bộ quần áo sang trọng và cái bộ dạng quyền quí ấy.

- Lắm chuyện!.. - và người lính định mở miệng gọi...

- Trời ơi! Cụ lớn đừng gọi - Dăngken van lạy - Cụ lớn đừng kêu, chúng tôi sẽ hậu tạ, chúng tôi xin biếu cụ lớn hai đồng vàng.

- Hai đồng vàng? Tao cóc cần! Hai đồng vàng chỉ đủ cho tao cạo nửa bộ râu. Muốn tốt, muốn đẹp thì một trăm. Đưa đây một trăm, không tao gọi thêm lính - Tên lính ấy lại vuốt ngược tầng râu thứ nhất lên.

- Sao cụ đòi nhiều thế? - Dăngken tái mét như một xác chết vừa mở ví vừa hói một cách thảm hại. Thây trong ví không còn nhiều tiền và người lính chỉ đòi một trăm, gã cho thế là còn may.

- Thưa tướng công, chúng ta nên bước mau thôi. Đây ngài xem, chúng nó tệ thế - Dăngken nói với Bunba, khi hắn thấy tên lính vừa đếm tiền vừa tiếc rẻ đã không biết hạch sách nhiều hơn.

Bunba nói:

- Nào! Đồ khỉ! Tiền bỏ túi rồi, phải đem chúng tao đi xem quân Cô-dắc chứ? Bây giờ nhận tiền rồi, mày không có quyền từ chối nữa.

- Cút đi! Cút đi mau! Không tao kêu ầm lên thì các ngươi sẽ... Có chạy đi không nào?

- Trời ơi! Xin tướng công đi mau cho. Chúng ta đi đi thôi. Quân chết tiệt ấy. Cầu cho chúng nó nằm mê thấy ma quỉ ám ảnh đêm nay - Dăngken rên rỉ.

Bunba cúi đầu, lặng lẽ quay gót. Dăngken bước theo sau, miệng càu nhàu, lòng tiếc rẻ mấy đồng vàng tự nhiên mấy toi.

- Tại sao tướng công lại mắng nó? Đáng lẽ cứ để cho nó sủa như chó. Bọn ấy bao giờ cũng cục cằn như thế, ai chúng cũng khinh, cũng chửi. Trời đất! Ai mà lại may mắn như thế cơ chứ? Khi không nó nuốt gọn một trăm đồng vàng rồi còn đuổi người ta đi. Còn bọn Do Thái chúng tôi thì bị người ta cạo đầu, người ta đập vỡ mặt ra, mà chẳng được lấy một xu nhỏ. Ôi! Trời ơi là trời!

Chuyên đi thất bại này làm cho Bunba nghĩ khác. Người ta có thể thấy rõ điều đó trong ánh mắt của lão. Bỗng lão nói:

- Đi! Đi ra pháp trường! Xem chúng hành "nó" như thế nào?

- Ồ! Ra đó mà làm gì, thưa tướng công? Chúng ta không thể có cách gì giúp đỡ được công tử nữa!

- Cứ đi! - Bunba nằng nặc nhắc lại.

Gã Do Thái bước theo lão như một mụ vú em, vừa đi vừa thở dài. Chỗ pháp trường cũng chẳng phải tìm khó khăn gì vì nhân dân bốn phương kéo về như nước. Thời ấy, việc hành hình tội phạm là một dịp tốt để đến xem, chẳng những cho thường dân mà còn cho hàng thượng lưu nữa. Các cụ già mộ đạo nhất, các bà, các chị non gan nhất, cũng không bao giờ bỏ lỡ cơ hội này để thỏa tính tò mò. Thế nhưng đêm về nằm ngủ thì chiêm bao thấy đủ các thử. Những thây chết máu me đầm đìa, chợt vùng dậy la lên như la làng. Trông thấy cảnh hành hình, họ nhắm mắt thét lên. Trời ơi đau đớn chưa! Nhưng rồi họ vẫn đứng xem rất lâu không chịu về. Có người giơ tay há miệng như muốn trèo lên cổ người đằng trước để trông cho rõ hơn. Trong đám đông những bộ mặt có phần gầy nhỏ ấy, người ta chú ý thấy là mặt to béo của tên đao phủ đang bình thản nhìn cảnh giết người, tỏ ra vẻ am hiểu. Gã nói chuyện với một anh làm nghề chữa súng, xưng hô "mày, tớ" với hắn vì hai đứa vẫn chè chén với nhau trong quán rượu, những ngày lễ tết. Có người cãi nhau sôi nổi, có cả người đánh cá, đánh cuộc nữa. Còn số đông là những người vẫn đứng thản nhiên, nhìn quang cảnh xảy ra xung quanh một cách bình tĩnh. Ở hàng đầu, bên cạnh đám cận vệ của thành phố, râu ria xồm xoàm, người ta thấy một chàng thanh niên tuấn tú bận nhung phục. Chàng mặc vào mình tất cả y phục của chàng, có lẽ chỉ còn bỏ sót ở nhà chiếc áo rách và đói giày nát. Ngực chàng đeo hai sợi dây chuyền, một đồng tiền vàng lủng lẳng nơi cổ. Chị Duxêpha là người yêu của chàng, đứng bên cạnh. Thỉnh thoảng chàng ngoảnh lại dòm xem có ai làm bẩn chiếc áo dài lụa của nàng không. Chàng giảng giải tỉ mỉ mọi điều cho nàng nghe.

Chàng nói:

- Em yêu! Em hãy nhìn đám đông này. Họ đến để xem hành hình những kẻ có tội đấy! Người em trông thấy kia kìa, tay cầm cái búa và các thứ đồ vật dùng để tra tấn khác, tức là kẻ đao phủ. Chính hắn ta sẽ chém người bị tội chết. Nếu người có tội được chuyển sang tội hình khác như ghè răng, rút lưỡi thì còn có thể sống, trái lại nếu bị cắt đầu đi là khắc chết liền. Trước khi bị chém, họ kêu la vật vã thấu trời, nhưng khi đầu đã lìa khỏi cổ rồi, thôi thì hết van la, hết ăn uống, vì... em ạ, lúc ấy họ không còn đầu nữa...

Duxêpha tò mò lắng nghe, rất sợ hãi. Người xem ngồi đầy trên mái nhà. Nhiều người lạ mặt, râu ria rậm rì, đầu đội mũ len đàn bà, thập thò nơi cửa sổ. Những người quí tộc ngồi ở bao lơn, có màn che; tựa trên dãy lan can viền nhung là bàn tay của một tiểêu thư mặt như hoa, da như tuyết. Nhiều đức ông trang nghiêm bệ vệ ngồi nhìn một cách trịnh trọng. Một gia đinh mặc áo hoa, ống tay xắn lên tận cùi, đi đi lại lại mời rượu và bánh kẹo. Thỉnh thoảng người con gái mắt đen láy, tươi cười lấy bàn tay trắng nõn nhặt một miếng bánh hoặc cầm một trái cây ném vào giữa đám đông. Phía dưới, một toán hiệp sĩ đói ăn giành nhau ngã mũ đón lấy những món quà đáng yêu ấy. Một anh chàng cao lỏng khỏng và gầy nhom, mặc áo đỏ đã bạc mầu, vai đeo lon vàng, nhờ có cánh tay dài, nên bắt được bánh trái luôn. Chàng đưa quà bắt được lên môi hôn, âu yếm áp vào ngực rồi mới bỏ vào miệng ăn ngon lành.

Trong đám khách đến xem, còn có cả một con chim ưng đứng trong chiếc lồng sơn son thiếp vàng, treo dưới bao lơn. Nó vểnh mỏ co chân như tuồng đang chăm chú nhìn đám người đông đảo. Bỗng chốc đám đông rộn hẳn lên. Từ bốn phía tiếng người nói huyên náo:

- Đấy! Người ta đem quân Cô-dắc ra đây!

Họ không đội mũ, hai mái tóc lòng thòng hai bên đầu, râu ria mọc lên tua tủa. Họ kiêu hãnh bình tĩnh bước đi không có gì ra dáng hồi hộp hay sợ hãi. Áo quần bằng da quí của họ đã sờn cũ vá rách mướp. Họ không nhìn đám đông, cũng không chào hỏi ai cả. Đi đầu đoàn là Ôstáp.

Bunba nghĩ gì khi trông thấy con trai lão? Ruột gan lão xúc động ra làm sao? Lẩn vào đám đông, lão đứng chăm chú nhìn con, không bỏ sót một cử động nhỏ.

Đoàn Cô-dắc bước tới chỗ pháp trường. Ôstáp đứng lại. Chàng muốn mình là người đầu tiên nếm cái vị tân khổ này. Chàng ngoảnh nhìn anh em đồng đội rồi giơ cao tay nói lớn:

- Nhất thiết đừng ai để cho bọn chó đẻ hôm nay có mặt ở đây được nghe một lời rên rỉ của chúng ta lúc bị hành hình. Nhất thiết đừng ai mở miệng than vãn một lời nào cả.

Rồi chàng bước lên đoạn đầu đài.

- Khá! Khá lắm con ạ! - Bunba cúi mái đầu bạc, lẩm bẩm.

Tên đao phủ tới giật mấy tấm quần áo rách trên mình Ôstáp, hắn đút tay chân chàng vào trong một cái kẹp và... nhưng thôi, đừng tả tỉ mỉ gì về những nhục hình này mà làm phiền lòng độc giả. Nghe những chuyện đau đớn ấy sẽ sởn gáy lên. Đó là kết quả của một thời đại dã man mọi rợ, cái thuở con người còn sống cuộc đời chiến chinh đầy xương máu, mà tâm hồn khô rắn còn biết tình cảm nhân đạo là gì. Đôi khi cũng có người không tán thành những hình phạt rủng rợn ấy, tỏ ý muốn chống lại, nhưng thảy đều vô hiệu. Cũng vô ích nốt lời nói của Đức vua và một số triều thần sáng suốt thường cố sức nêu rõ rằng xử tàn nhẫn như vậy, chỉ tổ làm cho cả dân tộc Cô-dắc càng thêm oán thù mà thòi.

Quyền lực của nhà vua và ý kiến đúng đắn của các chính khách không ngăn nổi ý muốn của một bọn chuyên quyền Ba Lan. Bọn này vốn vô kỷ luật, độc tài, độc đoán, đầu óc chẳng có một tí ti lo xa, chỉ được cái huênh hoang hão. Quốc hội của Ba Lan cũng vì bọn chúng mà trở thành một thứ không có quyền hành gì.

Như một người khổng lồ, Ôstáp dũng cảm chịu đựng các thứ nhục hình man rợ nhất, không một tiếng kêu, không một tiếng rên thốt ra từ miệng chàng, ngay cả lúc chúng nó bắt đầu dần dập xương tay và xương chân chàng ra. Người xem đứng chỗ xa nhất cũng nghe thấu tiếng xương gãy răng rắc. Mấy cô con gái nhắm nghiền mắt, ngoảnh nhìn chỗ khác, vẫn không một tiếng rên la, một nét nhăn nhó trên khuôn mặt chàng. Bunba đứng giữa đám đông, đầu hơi cúi, nhưng mắt nhìn kiêu hãnh. Lão luôn luôn khen ngợi con: "Khá lắm! Con ta khá lắm!"...

Nhưng khi đến những cực hình cuối cùng, khi thẩn chết đã lù lù hiện ra, thì Ôstáp bắt đầu kiệt lực và như mềm yếu hẳn. Chàng đưa mắt nhìn Xung quanh. Trời! Chỉ toàn những người xa lạ, không quen biết. Ước gì có một người thân thích đứng đâu đó để chứng kiến phút cuối cùng của chàng. Tất nhiên chàng chẳng muốn nghe lời khóc lóc não nuột của bà mẹ hay tiếng kêu gào thống thiết của một người vợ đau khổ vừa giật tóc, cào ngực vừa kêu la. Không, chàng chỉ muốn nghe một người can đảm, kiên cường, nói ít lời khích lệ, tàn dương và an ủi chàng trước lúc nhắm mắt buông tay. Chết đến nơi, chàng quỵ xuống. Can đảm và nghị lực tan biến như làn khói, chàng kêu lên:

- Bố ơi! Bố ở đâu? Bố có nghe tiếng con không?

- Có bố đây! Bố nghe con đây - Một tiếng thét như sấm nổ vang lên giữa cái im lặng mênh mông ấy.

Tất cả đám đông giật mình kinh ngạc. Bao nhiêu kỵ binh lao tới phía có tiếng kêu và xem xét ti mỉ từng người một. Dăngken mặt cắt không còn hạt máu. Khi đoàn kỵ binh đã đi xa, gã hớt hải quay nhìn Bunba, nhưng Bunba đã không còn đứng đấy nữa. Lão đã biến mất, không để lại một chút tăm hơi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro