Chương 2: Ông Trời

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ông Trời là vị thần Tối cao, thần của Bầu trời trong thần thoại Việt Nam.

Mắt của trời rất tinh tường, am hiểu và biết hết mọi sự xảy ra trên thế gian, nên người ta nói không ai thoát khỏi lưới trời. Trời là cha đẻ muôn loài, xét đến muôn việc, thưởng phạt không bỏ ai. Do đó mà con người tin có đạo Trời, nhờ Trời, cho là Trời sinh, Trời dưỡng, đến khi chết thì về chầu Trời. Mỗi khi Trời giận thì lại xảy ra thiên tai lũ lụt.

Trời cũng có vợ, gọi là bà Trời, và mỗi khi hai ông bà cãi mắng nhau là lúc trời vừa mưa vừa nắng. Ông Trời và Bà Trời đẻ toàn một bầy Vịt Giời: nữ thần Mặt Trăng, nữ thần Mặt Trời, nữ thần Lúa, Ả Chức, Nàng Bân và Liễu Hạnh là những nàng công chúa nhà trời nổi tiếng nhất.

Giang sơn của Trời là từ mặt đất lên đến trên cao có chín tầng trời, và chỗ giáp với đất ấy là chân trời. Trời vô hình, không nói, nhưng người ta tin là ở đâu đâu cũng có mặt của Trời, không một ai tránh khỏi lưới Trời, mọi việc đều do Trời định.

Ông Trời của Việt Nam thời cổ cũng gọi là Ngọc Hoàng từ khi văn hóa Trung Hoa tràn sang với đạo Lão.

Trong đạo Mẫu của Việt Nam, Ngọc Hoàng Thượng Đế được gọi là Đức Vua Cha Ngọc Hoàng, là cha của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Ngọc Hoàng được cho là ở và làm việc tại một cung điện trên trời gọi là Thiên Phủ, nơi có rất nhiều tiên nữ hầu hạ, và các thiên tướng, thiên binh canh gác.

Dưới quyền Ngọc Hoàng có nhiều vị thần, trên thiên đình có thần Sét, thần Mưa, thần Gió, thần Sinh, thần Tử (tức Nam Tào, Bắc Đẩu), dưới hạ giới có thần Đất, thần Núi, thần Nước, thần Bếp (Táo Quân), dưới Âm Phủ lại có Diêm Vương, vân vân...

Ngọc Hoàng có quyền phép vô song, tạo ra con người, muôn loài vật, cây cỏ. Ban đầu ông dùng chất cặn còn sót lại trong trời đất mà nặn ra đủ giống vật, từ thú dữ tới sâu bọ. Cuối cùng mới gạn lấy chất trong để tạo ra con người, nên loài người hầu hết tinh khôn hơn các loài vật khác.

Ngọc Hoàng dùng đất sét nặn ra người xong, đem phơi nắng cho khô, bỗng cặp một trận mưa to, vội vàng đem các tượng cất đi, song có vài tượng không lấy kịp, bị nước mưa làm hư. Các tượng hư hóa thành các người tàng tật ở trên mặt đất, còn những tượng cất đi kịp hóa thành những người lành lặn, đủ tay chân.

Cõi trời chia ra chín tầng có người nói là ba mươi ba tầng, các vị thần trời tùy theo chức tước quan hệ ít nhiều mà ở theo thứ tự mỗi tầng. Ngọc Hoàng là bậc tối cao, ở tầng thứ nhất.

Nhà bác học Nguyễn Văn Huyên đã nhận xét: "Ông trời đối với người dân quê Việt Nam là nguồn gốc mọi sự sống và mọi lẽ công bằng. Đấy không phải là một vị thần trừu tượng và không thể hiểu. Người ta xem ông như một con người, vua của các vua. Ông có một triều đình, ông điều khiển tất cả cuộc sống trên trời và dưới đất. Ông trừng phạt kẻ xấu và ban thưởng người tốt".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro