Chương 2: Cái ba-lô màu ghi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngọn đèn vàng tỏa ra thứ ánh sáng ấm áp bao trùm lên mọi vật bên trong căn nhà gỗ, trái ngược hoàn toàn với bầu không khí lành lạnh ban nãy dường như có mang theo mùi ẩm ướt của mặt đất quyện với mùi hương cây cỏ mọc khắp nơi xung quanh ngôi nhà.

Sau một hồi loay hoay tìm kiếm một nơi để đặt thứ đang vác trên vai mình xuống. Cuối cùng, Minh Duy cũng tìm được cho mình một chỗ mà cậu có thể vừa ngồi, vừa có thể để tay lên trên cái ba lô vừa mới được đặt ngay ngắn trên mặt sàn nhà ván gỗ. Mặt sau của cái ba lô dựa vào bên hông cái ghế bành nơi cậu đang ngồi, đó là một chiếc ghế được đóng bằng gỗ tốt theo phong cách thiết kế xưa của người Pháp cách nay cũng hơn trăm năm mà chỉ trên phim ảnh, hoặc là trong mấy quán cà phê bày trí theo lối kiến trúc của Sài gòn xưa, cậu mới có thể nhìn thấy.

Phút chốc, cả gian nhà dậy lên một hương thơm nồng nàn, quen thuộc của những món ăn gia đình y như lúc ở nhà, mẹ cậu lâu lâu vẫn thích tự tay vào bếp.
Thì ra, ban nãy cậu đến, người cha vẫn còn đang dở dang lo bữa cơm chiều.
Bác ấy vẫn đang loay hoay trong bếp với mớ rau củ và món thịt hầm đang sôi sùng sục trên cái bếp ga không hề vặn nhỏ lửa. Có vẻ ông ấy đang tranh thủ nấu cho xong thật nhanh để tiếp nối câu chuyện của cậu, được một chốc, ông quay sang bảo cô con gái:" Con à, nấu nước pha trà cho anh uống trước đi. Đợi ba chừng mười lăm phút nữa cơm mới nấu xong đó nghen!"
Chẳng cần ông căn dặn, suốt từ nãy đến giờ, cô gái vẫn đứng lẳng lặng cạnh bên chiếc ấm đun nước bằng điện, chỉ chờ cho nước thật sôi, cô liền châm vào trong chiếc bình thủy nằm cạnh dưới chân cái ô tủ gỗ màu nâu trông rất lạ mắt, đoán chừng kích cỡ cái tủ này cũng đã chiếm gần hết một phần tư diện tích của cả gian phòng. Ở ngay trên đầu cái tủ dài lọng kính đó, là một cái TV cũ hiệu Sony màn hình lồi đã lỗi thời, kế bên là cái radio gắn ăng-ten mà cậu cho là cũng đã cũ từ lâu, bây giờ chẳng mấy ai còn sử dụng.

Duy chậm rãi đảo mắt nhìn xem khung cảnh bên trong ngôi nhà, cậu chợt nhận ra là dường như thứ gì bên trong căn nhà này cũng được làm bằng gỗ: Từ bàn ghế, tủ kệ cho đến những vật dụng trang trí nho nhỏ, linh tinh bên trong tủ kính TV, kể cả mấy cái khung ảnh treo trên vách tường, đâu đâu cũng phủ lên một màu nâu nâu vân gỗ. Điểm khác biệt duy nhất tạo ra điểm nhấn ở đây là từ nơi những đồ vật được gọt đẽo tinh xảo kia, mỗi thứ ánh lên một tông màu đậm nhạt khác nhau tùy theo từng loại gỗ, tất cả hợp lại tạo nên một không gian có phần u trầm nhưng vẫn rất sinh động, tuy có hơi cũ kĩ, đơn điệu nhưng lại rất đỗi hài hòa, thậm chí còn thoang thoảng đâu đó hương thơm của núi đồi với muôn ngàn cây cối.
Duy có cảm giác như mình vừa được bước vào không gian sống của những thập niên 70- 80, thứ mà nhiều lần trước đây, cậu vẫn hay rắn mắc, lục lọi, tìm tòi cho bằng được những tấm ảnh cũ kĩ của ông bà ngày xưa để lại. Cậu thích xăm soi, ngắm nghía từng tấm ảnh rồi lại ngồi ngây ra đó, đầu óc mơ màng tưởng tượng ra bối cảnh và phong cách sống của những thế hệ con người ngày xưa, trong lòng không thể nào không tự hỏi: "Giả sử nếu như có một ngày, có thể quay ngược bánh xe thời gian, được quay trở về quá khứ, sống trong tháng ngày của những thời đại xa xưa ấy, thì mình sẽ ra sao? Sinh sống thế nào? Mình sẽ là ai? Đi đâu? Ở đâu? Và làm gì? Liệu mình sẽ cảm nhận thế nào về cuộc sống lúc ấy? Có gì khác biệt hơn so với thời buổi văn minh hiện đại ngày nay mà mình đang sống?"

Và rồi cũng vì nhiều lần tự mình đắm chìm trong quá khứ như thế mà niềm đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh trong cậu cứ ngày một lớn dần lên. Cho đến một ngày, cậu bắt đầu tự mình dành dụm, quyết định phải mua cho bằng được một chiếc máy ảnh đời cũ, phải thật là cũ, hy vọng có thể tạo ra được cái vẻ mơ hồ xa xưa, mang đậm vết hằn của "quá khứ" và "thời gian", rồi đem lớp áo đó, phủ lên trên bề mặt tươi tắn của những vật thể thuộc về thế giới của hiện đại và ngày nay, của những cái được gọi là văn minh, tiến bộ, để xem xem những bức ảnh đó thực sự sẽ mang lại cho cậu những loại cảm xúc gì?

Kì thực, cái suy nghĩ vẫn vơ ấy đáng lẽ sẽ chẳng thể gây được ấn tượng gì to tát với bố mẹ cậu, nếu như họ không phải là những người cũng rất để tâm đến nghệ thuật hội họa, còn thường xuyên tham gia những sự kiện mang tính nghệ thuật và giao thiệp rộng rãi với những người có tầm ảnh hưởng trong giới điện ảnh. Họ cũng thường xuyên đi du lịch, đi công tác ở nước ngoài. Thế rồi, chẳng biết bằng cách nào mà họ lại có thể mang về cho cậu một chiếc máy ảnh hiệu Leica M3 của Đức, được sản xuất vào đời những năm 1950, để làm quà tặng cho cậu nhân ngày sinh nhật lần thứ 17.
Chính ngay lúc nhiệt huyết và niềm đam mê nhiếp ảnh trong cậu chỉ vừa mới chớm nở, thì chiếc máy ảnh huyền thoại đó là một món quà quá lớn, có thể cho là quá nuông chiều đối với một thằng "nhiếp ảnh gia" thiếu niên với tuổi đời và tuổi nghề còn rất nghiệp dư như cậu.
Minh Duy vô cùng biết ơn, cũng như hết sức tự hào về địa vị và khả năng to lớn của ba mẹ, nhờ vậy mà họ mới có đủ điều kiện để mua cho cậu một bất ngờ đắt giá đến thế. Chiếc máy ảnh không những là phương tiện để cậu có thể thực hiện giấc mơ nhiếp ảnh cháy bỏng của mình, mà nó còn chắp thêm đôi cánh cho năng khiếu nghệ thuật của cậu có khả năng bay cao đến những trình độ chuyên nghiệp hơn trong tương lai.
Kể từ ngày ấy, cậu nâng niu bảo vệ chiếc máy ảnh đó như một đứa trẻ sơ sinh vừa mới chào đời, không phải chỉ vì nó đắt tiền mà còn là vì đó là một cái máy ảnh cực kỳ quý hiếm, thuộc hạng nhất nhì trên thế giới mà không phải cứ có tiền là có thể mua được.

Ấy thế mà buổi chiều ngày hôm đó, suýt chút nữa cậu đã có thể làm hỏng nó bằng thứ thời tiết vô cùng tai hại đối với các nhà nhiếp ảnh chuyên chụp hình bằng máy ảnh cơ. Ai cũng biết khí hậu vùng đất Đà Lạt lúc về chiều, nhiệt độ nhiều khi thay đột ngột, độ ẩm lại hay tăng cao, mà đó lại là điều tối kỵ cho việc bảo quản chiếc máy ảnh cực kỳ quý giá của cậu, "đứa trẻ sơ sinh ấy" ấy cần phải được bảo vệ an toàn trong một môi trường mà độ ẩm và sự chênh lệch nhiệt độ phải luôn được giữ ở mức thấp nhất có thể.

Đưa mắt nhìn lại cái ba-lô màu ghi đặt trên sàn nhà ngay bên cạnh, Duy thở phào nhẹ nhõm, cậu nhận ra rằng mình vừa cứu được một bàn thua trông thấy. Giờ đây, chiếc máy ảnh đang nằm gọn trong cái ba lô trông có vẻ rất bình thường kia, lại là thứ mà cậu quan tâm để ý nhiều nhất. Lúc này đối với cậu, chẳng có việc gì quan trọng hơn là giữ an toàn cho cái ba lô tránh khỏi mọi thứ va chạm mạnh, và nhất là thời tiết xấu. Kể cả khi phải hy sinh một chút thanh xuân thảnh thơi nhàn hạ của mình đi chăng nữa, cậu cũng phải quyết tâm bảo vệ cho bằng được "đứa con yêu dấu" mà bố mẹ đã ưu ái dành riêng cho mình.
(...còn tiếp...)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro