Chương 110. Khủng hoảng và lạm phát

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 110. Khủng hoảng và lạm phát

Thái độ của các đại thần khi có vị Tể tướng dẫn đầu thì hầu hết đều ủng hộ, bởi vì vị nào cũng nghĩ rằng triều đình không mất gì mà lại có một khoản lớn tiền cung ứng, tiêu bao nhiêu in bấy nhiêu nên vị nào cũng hồ hởi.

Thấy mục đích cuối cùng đã đạt được, Hoàng Chân khẽ mỉm cười đưa mắt nhìn khắp đại điện, hắn thấy các vị đại thần đang thì thào bàn tán với nhau, sau đó đều đồng loạt tỏ thái độ ủng hộ.

Hoàng Chân biết, chỉ cần việc in tiền lọt vào tay thì tài chính của hắn sẽ mênh mông như biển không bao giờ cạn, lúc đó hắn sẽ tha hồ đầu tư làm bất kỳ chuyện gì mà hắn thích.

Tất nhiên hắn biết để làm được việc đó không đơn giản, bởi vì chi phí đầu tư là một con số lớn có thể vượt quá khả năng, nhưng không phải không có biện pháp, chỉ cần khôn khéo một chút thì sẽ thu hồi vốn nhanh chóng.

Hơn ai hết, hắn biết vào thời đại này giấy và mực đã được phát minh nhưng kỹ thuật in lại khá lạc hậu. Muốn in một cái gì, đầu tiên phải khắc bản in lên tấm gỗ, sau đó làm khuôn rồi đặt in, vì thế bản in thường nhòe nhoẹt do nét khắc không mảnh mai, tinh xảo.

Màu thường dùng màu cơ bản chứ không có phối màu như công nghệ in hiện đại. Nếu dùng công nghệ này để in tiền thì chất lượng khỏi phải bàn, khuôn in thường nhanh hỏng, bên cạnh đó gỗ ngấm nước mực sẽ bị nở ra làm sai lệch nét in.

Trong khi đó, hắn biết nhiều công nghệ hiện đại hơn như in roller, offset, laser, sáp màu... Nhưng hầu hết công nghệ này quá tinh vi chưa thể làm ra được, vì thế hắn nghĩ đến công nghệ in bản kẽm với máy trục cuốn roller.

Nói về công nghệ in bản kẽm, còn đơn giản hơn cả khắc gỗ, đầu tiên người ta làm một tấm thạch cao hoặc đất sét phẳng, sau đó khắc chìm lên đó các đường in thành một âm bản, cuối cùng đổ một lớp kẽm nóng chảy lên trên rồi để nguội gỡ ra, gia công lại một chút là thành.

Do bản kẽm mỏng nên có thể lắp vào khuôn gỗ giống như in bản dập hay cuốn vào lô sắt rồi cho giấy chạy qua như kiểu in roller. Một máy in dùng nhiều roller, mỗi roller một màu, khoảng chừng 4 đến 6 màu cơ bản giống như máy in phun màu thời hiện đại là ra một bản in chất lượng.

Mà âm bản có thể sử dụng nhiều lần, do đó bản kẽm nếu bị hỏng thì lại tiếp tục sản xuất mới.

Vì thế, chỉ cần lắp đặt một dây chuyền in đồng bộ là việc in tiền sẽ tiến hành suôn sẻ, vấn đề còn lại phụ thuộc vào giấy và mực in mà thôi.

Nhưng trước hết còn nhiều việc cần làm, đầu tiên phải dẹp bỏ ý nghĩ tiêu tiền như rác hết bao nhiêu lại in tiếp bấy nhiêu của các vị đại thần, nếu không thì máy in tiền của hắn làm ra chẳng khác nào để in giấy lộn.

Hai là hắn không thể xơi hết một mình, ít nhất cũng phải nhường lại cho các đại thần này một chút chấm mút gọi là cổ phần, như vậy mới có người bảo kê khi có kẻ động đến hắn.

Điều này là phòng ngừa trước, bởi vì hắn biết in tiền đem lại lợi nhuận cực lớn, là miếng ngon đỏ mắt của hàng chục đại thần nên thế nào các vị này cũng có đối sách với hắn, nếu hắn hành động một mình thì sau này sẽ luôn gặp phiền toái, hết vị này kiểm tra, mai vị kia sách nhiễu là không thể tránh khỏi.

Trong lòng đã có chủ ý nên hắn bèn nói:

"Tâu Bệ Hạ, thưa các vị đại nhân. Việc này cần quyết định thật nhanh để tiểu dân có kế hoạch chuẩn bị".

Hậu Nam Đế nghe vậy thì gật gù phán:

"Đúng vậy, Hoàng công tử nói rất có lý. Về thủ tục hợp đồng, giao cho Phạm công công thúc ép các Bộ nhanh chóng thực hiện, dự kiến cuối năm nay phải bắt đầu in thử tiền giấy mới. Còn về địa điểm, Trẫm quyết định dành một khu đất rộng ở phía nam Kinh thành...".

Hậu Nam Đế nói một tràng, các đại thần lập tức gật đầu lia lịa, khen Bệ Hạ anh minh, thần võ, là hồng phúc của nước nhà... tóm lại là vuốt đuôi ngựa không biết mệt.

Hậu Nam Đế thấy thế bèn cười típ mắt hứa hẹn:

"Sang năm, việc in tiền thuận lợi thì Trẫm sẽ cho khen thưởng lớn, đồng thời triều đình sẽ tăng chi Ngân sách, thúc đẩy việc xây dựng, quốc phòng và nông nghiệp..."

Hậu Nam Đế vừa hứa xong thì vị Tể tướng bèn chắp tay nói:

"Tâu Bệ Hạ, quốc phòng là rất quan trọng. Mấy năm gần đây quân ta ăn mặc hơi thiếu thốn, nhiều khi mặc áo lại không có quần hoặc ngược lại. Vũ khí trang bị còn nghèo nàn, nhất là thủy binh, chiến thuyền toàn cũ nát như gỗ mục. Vì vậy thần đề nghị Bệ Hạ phê chuẩn cho sang năm 1 tỷ đô ạ".

Nguyễn Tể tướng phát biểu xong, các vị Thượng thư cũng hồ hởi đề nghị, giây lát cả đại điện nhốn nháo như chợ vỡ.

"Tâu Bệ Hạ, thần cũng đề nghị sang năm tăng Ngân sách cho Bộ Lễ lên 990 triệu đô". Tiếng của một vị đại thần vang lên.

Lập tức một vị khác phản bác:

"Đinh Thượng thư, Bộ Lễ của ngài cần tiêu gì mà hết 990 triệu, nhớ mọi năm chỉ hết có 2 triệu thôi mà".

Vị Đinh thượng thư nghe thế thì nhăn mày trả lời rõ to:

"Trương đại nhân, mấy năm nay ngài cấp cho Bộ Lễ của ta ít quá nên chẳng làm được cái gì nên hồn, nếu Bộ Binh được cấp 1 tỷ thì Bộ Lễ ta chỉ xin 990 triệu thôi. Lúc đó sẽ liên tục cho tổ chức các lễ hội lớn để dân chúng tham gia, hơn nữa còn mời sứ giả các nước đến để tỏ rõ uy đức Bệ Hạ...".

Đinh thượng thư làm như mấy ý kiến trên vẫn chưa đủ bèn nhìn về phía Hậu Nam Đế nói tiếp:

"Thần còn tính toán sẽ cho xây dựng hàng loạt Tượng đài, lập ra các đàn tràng, miếu mạo khắp cả nước để tiện cho việc cúng bái... Rồi mời các nước cử thí sinh đến thi Bắn chim, Nam vương đại chiến... à quên, mấy cái đó bị dẹp từ lâu rồi, chỉ còn đua ngựa, bắn cung thôi..."

Đinh thượng thư vì vội vàng nên nhầm lẫn khiến các đại thần một phen ôm bụng cười không ngớt, Cao thượng thư cũng vội lên tiếng:

"Đúng vậy, triều đình có sẵn tiền thì không cần dè sẻn, Bộ Công của thần cũng xin chi ngân sách lên 990 triệu, sang năm có rất nhiều thành trì cần sửa chữa, rồi còn cầu cống, đường sá đê điều cũng cần đầu tư..."

Cao thượng thư thầm tính toán, nếu như không có Thiên vị, Tiên tửu cũng không sao, chỉ cần mấy năm tại vị thì nên xin tăng Ngân sách để kiếm chác.

Mấy vị thuộc các Bộ khác cũng nhao nhao đòi tăng Ngân sách, không vị nào muốn Bộ mình ít tiền hơn các Bộ khác, ít nhất có Tể tướng xin 1 tỷ, mình không xin vượt quá số đó, coi như là nể mặt Tể tướng rồi.

Thấy các vị đại thần nhao nhao đòi tăng Ngân sách mà Hậu Nam Đế dường như gật đầu liên tục, Hoàng Chân bèn lo lắng nói:

"Tâu Bệ Hạ, việc tăng chi ngân sách cần phải cẩn thận, nếu không sẽ làm tiền mất giá".

"Cái ziề, tại sao cần phải cẩn thận?". Đinh Thượng thư vừa nghe thấy đã trợn mắt tỏ vẻ bất thiện.

Vị Tể tướng đương triều thì vuốt râu cười ngất nói:

"Lo gì, lo gì. Tiền luôn có giá, làm sao mà mất?".

Mấy vị đại thần đang gân cổ đòi tăng Ngân sách cũng vội vàng nói theo:

"Đúng vậy, cần bao nhiêu tiền thì triều đình cho in bấy nhiêu, cứ tiêu thoải mái đi...".

Hậu Nam Đế dường như không hiểu nhưng tính ngài cẩn thận bèn hỏi lại:

"Mất giá tiền là gì? Hoàng công tử hãy giải thích được không?".

"Tâu Bệ Hạ, tiểu dân xin giải thích rõ điều này".

Hoàng Chân trả lời rồi hắn đưa mắt nhìn khắp các vị đại thần, sau khi hít một hơi dài hắn bắt đầu chậm rãi giải thích:

"Tâu Bệ Hạ, thưa các vị đại nhân. Có một điều tiểu nhân thấy, hình như mọi người nhầm tưởng rằng triều đình muốn in bao nhiêu tiền thì in, muốn phát hành bao nhiêu tiền thì phát, như thế là sai lầm lớn đấy ạ".

"Cái ziề, tại sao lại như vậy?".

Lập tức có nhiều vị đại thần lên tiếng.

Hoàng Chân không vội vàng giải thích ngay mà hắn chờ cho tiếng ồn trong điện lắng xuống rồi mới nói tiếp:

"Có một điều rất quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia, đó là việc phát hành tiền chỉ được phép trong một số lượng có hạn, không được vượt quá khả năng thu vào của Ngân Khố".

Không chờ các vị đại thần kịp hỏi, hắn trả lời luôn:

"Bởi vì chỉ cần triều đình phát hành ra một số lượng tiền vượt quá khả năng thu vào của Ngân Khố thì sẽ dẫn đến khủng hoảng và lạm phát, tiền in ra càng nhiều sẽ càng mất giá, lúc đó sẽ không ai muốn dùng tiền giấy nữa mà người ta sẽ dùng vàng hoặc bạc thay thế".

Hậu Nam Đế và các đại thần hơi cau mày, có lẽ lần đầu tiên ngài và đại thần nghe được đạo lý như vậy, Hậu Nam Đế bèn thận trọng hỏi:

"Khủng hoảng, lạm phát là gì? Mời Hoàng công tử giải thích cho?"

Hoàng Chân bèn chắp tay nói:

"Tâu Bệ Hạ, khủng hoảng tức là khi có loại hàng hóa nào đó dư thừa hoặc quá thiếu khiến cho cung cầu mất cân đối, tỷ như hoa quả có năm được mùa mà sức dân mua không cao thì sẽ xảy ra khủng hoảng thừa, do đó giá mua sẽ giảm xuống, thậm chí hoa quả có vứt đầy đường cũng không ai nhặt, như vậy gọi là khủng hoảng thừa, còn khủng hoảng thiếu là ngược lại".

Hoàng Chân đưa mắt nhìn khắp đại điện, thấy mọi người đều có vẻ chưa rõ, hắn bèn giải thích tiếp:

"Còn lạm phát là khi tiền mặt được tung ra quá nhiều, vượt qua khả năng cân đối của Ngân sách, tức là Ngân sách dự trữ chỉ có 1, tiền mặt lại phát ra 3, như vậy gọi là phát khống, điều đó sẽ khiến cho giá trị tiền mặt càng ngày giảm xuống".

Đây quả là vấn đề mà Hậu Nam Đế và các đại thần từ trước đến nay đều không nghĩ đến, có lẽ nguyên nhân do trước kia triều đình đúc tiền rất có hạn, dân chúng bên ngoài toàn dùng bạc hoặc vàng để lưu thông nên Ngân Khố hầu như không bị ảnh hưởng mấy.

Tất nhiên cũng có đôi lúc lạm phát, thí dụ như mất mùa hoặc đói kém, giá lương thực sẽ tăng cao chóng mặt khiến cho giá trị đồng tiền giảm thấp, nhưng sau đó lại trở lại bình thường mặc dù triều đình chẳng có biện pháp bình ổn nào.

Nhưng nếu phát hành tiền giấy rộng rãi lại khác, bởi vì ai cũng nghĩ rằng tiền giấy có thể in ra thoải mái vô tội vạ, như vậy khi tiền mặt dư thừa trong dân chúng, họ sẽ đổ xô đi mua vàng hoặc bạc hay lương thực cho đảm bảo. Đến lúc khan hiếm những thứ đó mà tiền giấy lại thừa nhiều, do đó sẽ bị mất giá.

Giả sử đầu tiên 1 đô có thể mua được 1 cân gạo, nhưng nếu lạm phát tăng vô tội vạ thì đến lúc 10.000 đô mới mua nổi một cân gạo, đây là mất cân đối ngân sách, biểu hiện của nền kinh tế yếu kém vì triều đình thu không đủ chi.

Điều này có thể lý giải như sau: Bất kỳ Triều đình nào cũng đều phải thu thuế, thuế ruộng, thuế đất, thuế thân, thuế buôn bán... vv để lấy nguồn chi tiêu. Nhưng khi thu vào không đủ chi ra thì Triều đình buộc phải cho in thêm tiền, vì thế gọi là chi khống.

Trong lúc đó lượng hàng hóa cấp thiết như gạo, muối, vàng bạc lại có hạn khiến cho người dân càng ngày càng có nhiều tiền nhưng không thể mua được, từ đó dẫn đến việc giá cả ngày càng tăng gọi là lạm phát.

Khi lạm phát cao thì ảnh hưởng đến đời sống dân chúng, cụ thể là tầng lớp viên chức, binh lính. Lúc đó đồng lương của họ không đủ sống, thế là triều đình buộc phải tăng lương đồng thời với tăng các loại thuế, phí... để lấy thu bù chi, rốt cuộc càng khiến cho lạm phát gia tăng.

Để ổn định lạm phát thì các quốc gia phải cân đối được thu chi Ngân sách, cụ thể phải tăng cường thu thuế càng nhiều càng tốt chứ không phải nghĩ ra nhiều loại thuế hơn.

Mà muốn thu được nhiều thuế thì phải kích cầu cho dân chúng tăng mạnh sản xuất, tiêu thụ buôn bán hàng hóa, nghĩa là ra các chính sách khuyến khích đầu tư, sản xuất buôn bán và tiêu thụ sản phẩm. Các chính sách này có thể là làm đường, mở chợ, miễn thuế hoặc phí tiêu thụ...

Một vài triều đình không rõ điểm này, thấy giá cả tăng cao lại hô hào dân chúng tiết kiệm, mà dân chúng càng tiết kiệm tức là càng không chịu mua sắm, không chịu tiêu thụ thì nhà sản xuất, nhà nông lại không biết bán hàng cho ai, từ đó dẫn đến phá sản hoặc kéo theo nền kinh tế đi xuống.

Khi nền kinh tế càng đi xuống thì thuế thu vào càng ít đi, triều đình buộc phải tăng cao tỷ giá thuế hoặc phí, đồng thời bội chi Ngân sách càng làm cho đồng tiền nhanh mất giá.

Vì thế ở các nước phát triển thời hiện đại, mỗi khi kinh tế suy yếu, chính phủ các nước buộc phải kích cầu, tức là nới lỏng chính sách thuế, phí, hạ lãi suất ngân hàng... Đồng thời giảm thuế sản phẩm để cho giá cả rẻ xuống mới khiến nền kinh tế nhanh phục hồi.

Điều này quả thực là vấn đề mà triều đình Hậu Nam Đế không nghĩ tới, bởi vì quan viên thời đại này đều dùng văn hoặc võ lập nghiệp, việc am hiểu nền quy luật tiền tệ hay kinh tế thị trường đều rất có hạn. Thậm chí, kể cả các vị đại thần nắm nền thuế má, kinh tế quốc gia cũng không rõ.

Vì thế khi nghe Hoàng Chân giải thích, nhiều vị đại thần đã nửa tin nửa ngờ, Thượng thư Bộ Hộ còn nói:

"Theo bản quan hiểu thì tiền là do triều đình phát hành, triều đình muốn in bao nhiêu thì in, muốn phát hành bao nhiêu thì phát chứ liên quan gì đến khủng hoảng lạm phát. Hoàng Chân công tử nói vậy là muốn hạn chế các Bộ tiêu tiền hay sao?".

Vị Thượng thư này dường như vẫn chưa hết bực tức khi bị mất quyền in tiền nên lập tức chụp bô vào đầu đối phương, điều này chẳng khác gì gây ác cảm cho các vị đại thần.

Hoàng Chân hiểu rằng hắn muốn giải thích cho Hậu Nam Đế và các đại thần này hiểu rõ nguyên tắc của tiền tệ là rất khó khăn, bởi vì trong đầu họ chưa hề có khái niệm này, vì thế hắn tìm cách nói đơn giản nhất có thể để giải thích:

"Bệ Hạ và các vị đại thần có lẽ chưa hiểu rõ lắm, để tiểu nhân giải thích kỹ hơn". Hắn chậm rãi trình bày:

"Ví dụ như Tiền Gia, bọn họ dùng Tín phiếu thay cho tiền bạc. Tức là số tiền hay bạc bọn họ có trong kho bằng bao nhiêu thì họ mới xuất Tín phiếu bấy nhiêu. Còn nếu bọn họ xuất Tín phiếu nhiều hơn tức là xuất khống, người ta đem số khống đó đến bọn họ để đổi lấy tiền, lúc đó tiền trong kho lại không đủ để trả thì trở thành hành vi lừa đảo. Bọn họ sẽ mất tín nhiệm, về sau không ai còn dám dùng Tín phiếu của bọn họ nữa, như vậy việc làm ăn của bọn họ sẽ kết thúc".

"À à, đúng vậy". Một vài vị đại thần chợt gật đầu tỏ vẻ đã hiểu.

Hoàng Chân tiếp tục nói:

"Triều đình chẳng qua cũng là một Tiền Gia loại lớn, lấy vàng bạc hoặc lương thực, thuế má trong tay làm một loại hàng hóa cân đối. Nếu tổng số hàng hóa cân đối này ít hơn tổng số tiền phát hành ra thị trường sẽ khiến cho nhiều người cầm tiền không mua được hàng hóa, từ đó khiến cho hàng hóa tăng giá, đầu tiên là 1 đô mua được một cân gạo, về sau 3 đô mới mua được 1 cân, liên tục như vậy gọi là tiền mất giá không có khả năng trở về giá trị ban đầu nữa".

"Ồ... thì ra là vậy".

"Nghe Hoàng công tử giải thích, bản quan mới vỡ lẽ ra nhiều điều. Hoàng công tử quả là uyên bác, có thể giải thích rõ ràng, thật là giỏi". Một vị đại thần lập tức gật gù.

Hoàng Chân tiếp tục giải thích:

"Bệ Hạ và các vị đại thần cho rằng, Quy quốc rất mạnh sao? Có phải vì họ cho in ra rất nhiều tiền hay không? Thực tế là không phải, họ mạnh vì có một nền kinh tế lớn hơn nước ta rất nhiều, chính sự phát triển đó làm cho giá trị hàng hóa của họ ổn định chứ không phải vì in ra nhiều tiền".


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro