Chương 12. Thất hùng xưng bá

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 12. Thất hùng xưng bá

Trong hang đá, ánh lửa bập bùng. Cả gia đình Bảo lão vừa ngồi quây quần bên bếp lửa ăn cơm, vừa nói chuyện.

Thỉnh thoảng lại vang lên tiếng cười, cuộc sống của bọn họ đúng là tuy không khá giả nhưng cũng chẳng có gì lo lắng.

Hoàng Chân vừa ăn cơm vừa suy nghĩ. Nếu cuộc sống phụ thuộc vào ông trời thế này, không phải là giải pháp hay.

Giả sử không có mấy bộ xương thú, ít thảo dược quý mà Bảo lão lấy về được để đổi thóc thì cả gia đình này chỉ có cách hái rau rừng, đào củ chuối mà ăn thôi.

Mặc dù Bảo thị có trồng một ít lúa nương, nhưng năng suất chẳng đáng là bao, may ra đủ dùng cho mẹ con Bảo thị đã là hạnh phúc lắm.

Nếu như có thể khuyên được Bảo lão thay đổi tư duy, thay bằng việc phụ thuộc vào ông trời và cánh rừng rậm này để có thể chủ động cuộc sống. Ví dụ như chăn nuôi, trồng trọt, tự sản xuất mà sống. Nếu chăn nuôi thì chọn nuôi con gì, còn trồng trọt thì trồng cây gì, sản xuất thì sản xuất cái gì mới hiệu quả.

Hắn ngồi suy nghĩ rất lâu, trong mớ kiến thức khoa học mà hắn nhớ từ kiếp trước, lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt là hắn ù ù cạc cạc, không biết nên làm cái gì hiệu quả.

"Chẳng lẽ lại trồng rau, nuôi gà". Hắn lẩm bẩm rồi chậm rãi nhai miếng thịt khô.

"Hoặc là khuyên cả nhà Bảo lão xuống thành Nam Sơn định cư buôn bán. Nhưng gia đình Bảo lão mấy chục năm sống trong chốn núi rừng, không quen sống ở thành thị. Vả lại bọn họ không có tiền làm vốn".

"Hay là ta một mình xuống thành, xem có thể làm được việc gì. Nhưng với cái cơ thể gầy yếu này, nếu không có người giúp thì chẳng thể làm được việc gì lớn. Đến thân còn chẳng tự lo nổi, nói chi đến giúp người".

"Hay là nghĩ cách sản xuất hàng hóa rồi đem đổi lấy lương thực, vải vóc. Hừ, cách này có vẻ khả thi, nhưng sản xuất cái gì đây?".

Bằng vào kinh nghiệm mấy lần xuống núi, hắn biết kỹ thuật của thế giới này còn rất lạc hậu, vải vóc bọn họ sản xuất ra tuy khá tốt nhưng ít mẫu mã, màu sắc thì toe toét, không sang trọng tý nào, đồ gốm sứ cũng như vậy.

Còn nói về đồ kim khí, gọi là thép tốt nhưng chém gió mấy phát còn quằn, chưa thể gọi là sắc như nước được, kỹ thuật luyện kim còn kém.

"Nhưng nếu sản xuất hàng hóa, thì cần phải biết thế giới này muốn cái gì chứ, cũng không thể sản xuất bậy bạ được". Lập tức trong đầu hắn nghĩ ra mấy đại kế hoạch.

Hắn bèn cất tiếng hỏi Bảo lão đang ngồi nhồm nhoàm bốc rau ăn:

"Thúc. Như vậy, từ 200 năm nay, chỉ còn 7 quốc gia thôi ư? Vậy bọn họ có những đặc điểm gì ạ?".

Trong thâm tâm, hắn muốn biết sơ bộ về các quốc gia để có cái nhìn tổng quan. Ví như ở thế giới trước của hắn thì các quốc gia Trung Đông có rất nhiều dầu mỏ. Nga thì đất đai rộng lớn và nhiều tài nguyên. Trung Quốc là nước có dân số đông nhất thế giới, còn Việt Nam thì chẳng có gì... đáng để ý ngoài việc giao thông rất lộn xộn.

Nếu biết đầu tư dựa theo đặc điểm của từng quốc gia sẽ rất có lợi, tất nhiên đấy chỉ là ý tưởng vĩ mô. Còn hiện tại, hắn mới lo được đủ ăn chứ chưa dám nghĩ xa vời.

"Ừ, chỉ còn 7 quốc gia. Đó là Long Quốc. Lân Quốc. Quy Quốc. Phụng Quốc. Tượng Quốc. Mã Quốc. Lang Quốc. Mỗi quốc gia đều có những điểm riêng".

Bảo lão nói xong, bèn cố nhét nắm rau xanh vào mồm. Xong lão giơ tay vạch vạch một hình vuông và mấy gạch ngang dọc trên nền hang rồi chỉ chỏ:

"Bố cục của các quốc gia là như thế này". Lão phùng mồm trợn má nói:

"Phía bắc có 3 nước, theo thứ tự từ tây sang đông là: Lang Quốc, sa mạc GiGa và Mã Quốc. Phụng quốc thì ở tít phía trên sa mạc thì phải".

"Ở giữa có 3 nước là Tượng Quốc, Quy Quốc và Lân Quốc. Tuy nhiên Lân quốc ngoài Hỏa Đảo, không phải trên lục địa".

"Cuối cùng ở phương nam là Long Quốc, chúng ta hiện đang sống trên vùng đất do Long Quốc cai trị".

Lão cho tiếp một nắm rau nữa vào miệng nhai rau ráu, vừa kể tiếp:

"Cách đây 200 năm, rút kinh nghiệm từ những quốc gia bị diệt vong nên 7 quốc gia trên đã không ngừng củng cố quân đội, xây thành đắp lũy và tấn công lẫn nhau. Nhưng không bên nào thắng, cuối cùng đành phải chung sống hòa bình".

Sau khi dừng lại một chút để nuốt, lão lại nói:

"Nếu nói đến điểm mạnh yếu, địa lý chiếm vai trò rất quan trọng trong sự tồn tại của các nước".

"Đầu tiên phải kể đến Lang quốc, đất nước bọn họ là những vùng băng tuyết trắng xóa, có nhiều chó sói sinh sống. Có lẽ khí hậu lạnh nên cơ thể bọn họ to lớn, khỏe mạnh hơn người thường, tóc vàng mắt xanh, mũi khoằm trông như ác quỷ".

"Nhưng cơ thể khỏe mạnh không phải là yếu tố quyết định chiến tranh, mà uy lực của bọn họ là chiến xa. Mỗi khi có chiến tranh, họ sử dụng hàng trăm chiến xa chó sói kéo, trên xe chất đầy lao nhọn. Những chiến sỹ ngồi chiến xa, xông pha giữa chiến trận và phóng lao liên tục tiêu diệt kẻ địch từ xa. Khi cần bọn họ sẵn sàng đánh giáp lá cà, nhờ cơ thể khỏe mạnh lại thêm sự hỗ trợ của bầy sói nên không kẻ địch nào thích đối đầu với bọn họ. Điểm yếu của họ chính là ít dân số, thứ hai là chiến xa chỉ phát huy tác dụng trên địa hình tuyết bằng phẳng, nếu dùng trên vùng đồi núi hiểm trở thì không được".

Bỗng có tiếng Bảo nhi vang lên:

"Cha ơi, sao bọn họ không dùng ngựa mà phải dùng sói ạ? Con thấy người ta toàn dùng ngựa để kéo xe mà?".

"À à, đấy là ngươi không biết. Ở nước này sói nhiều quá, nó cắn chết hết không những cả ngựa mà cả trâu bò ý chứ. Vì vậy, bọn họ đành phải dùng sói để kéo xe". Bảo lão trả lời vẻ khẳng định, sau đó lão lại nói tiếp:

"Vì vậy, trong nhiều năm, bọn họ không mở rộng thêm được lãnh thổ, nhưng cũng không ai muốn chiếm vùng băng tuyết của bọn họ. Để khẳng định mình, bọn họ thêu hình đầu sói xám trên nền cờ trắng, nhìn từ xa là biết".

Lão trợn mắt cố nuốt hết đám rau nhai nát trong miệng, rồi thở một hơi kể tiếp:

"Tiếp theo là Mã quốc, điểm mạnh của bọn họ chính là ngựa. Nhờ cưỡi ngựa, bọn họ có thể di chuyển nhanh chóng qua các địa hình hiểm trở, xuất kỳ bất ý tấn công các quốc gia đối thủ".

"Bọn họ còn có một câu nói "Vó ngựa Mã quốc chạy tới đâu, cỏ không mọc ở chỗ ấy". Ý bảo rằng, ngựa Mã quốc nhiều đến nỗi đi đến đâu, cỏ cũng bị đạp nát. Điểm yếu là vũ khí bọn họ khá thô sơ, chủ yếu dùng loại cung tên nhỏ, tầm bắn ngắn. Còn mã đao tuy đáng sợ nhưng lại ít, không đủ trang bị cho binh lính".

"Xã hội của bọn họ giống Lang quốc, đều là các bộ tộc rải rác trên thảo nguyên, nên binh lính không chuyên nghiệp, không quy củ, không có chiến thuật gì để tấn công các thành trì kiên cố của đối phương. Bọn họ đi ăn cướp thì được, cướp xong thì chạy, chẳng quân đội nước nào truy đuổi kịp".

Bỗng Bảo nhi lại cất tiếng đầy thắc mắc:

"Cha ơi, lúc nãy cha bảo ở Lang Quốc, ngựa bị sói ăn sạch. Tại sao ở nước này lại không có sói, hay là sói bị ngựa ăn sạch rồi ạ?".

"À à... ừ nhỉ, chắc ở đây ngựa nhiều quá đến nỗi cỏ cũng bị đạp chết sạch nữa là... sói". Bảo lão ấp úng trả lời, lão ngẩn ngơ một lúc rồi nói tiếp:

"Để thể hiện mình, cờ của bọn họ thêu hình ngựa trắng trên nền đen". Nói đến đây, lão phải ngừng lại một lát để nghĩ rồi mới tiếp tục:

"Còn Phụng quốc, bọn họ xuất thân từ tầng lớp quý tộc Hoàng Gia. Qua bao nhiêu đời, quốc gia họ toàn những đại tướng lẫy lừng, pháp sư cao thủ. Nhưng toàn người tài không ai phục ai, thành ra rất lộn xộn, không còn kỷ luật".

"Vì vậy, họ chỉ còn hư danh mà không đủ thực lực. Pháp sư cao thủ của họ chỉ dùng ám sát, đánh lén. Hai nữa, họ rất giỏi trong việc thuyết pháp, nhiều tướng lĩnh của đối phương đã bị họ lung lạc. Nhưng cuối cùng, thực lực không đủ, vì vậy, họ bị thua trong chiến tranh, phải chạy tít lên sa mạc phương bắc. Cờ của bọn họ là con phượng hoàng hai đầu trên nền vải xanh".

Nghe đến đây, Bảo nhi lại tròn mắt hỏi:

"Cha, sao ở nước này không có ngựa hay chó sói gì ạ?".

Bảo lão tỏ vẻ ngẫm nghĩ, cuối cùng lão trả lời bừa:

"À, tại vì bọn họ ở trong sa mạc không có cái gì để ăn, chỉ có chim bay trên trời mới thoát nên họ đành phải chọn chim làm biểu tượng".

Sau khi trả lời bừa xong, thấy mọi người không hỏi han thêm, lão lại kể tiếp:

"Còn Tượng quốc, nước này dựa vào núi rừng hiểm trở và một đội quân toàn là voi chiến vô địch. Nhưng điểm mạnh cũng chính là điểm yếu của họ, đó là voi ăn quá khỏe. Bọn họ cũng có câu nói "Chân voi Tượng quốc đi đến đâu, chuối không mọc ở chỗ ấy". Ý là voi của Tượng quốc nhiều đến nỗi, đi đến đâu, chuối chỗ đó bị voi ăn sạch. Vì vậy, khi rời xa vùng rừng núi, voi không đủ cái ăn, cuối cùng không thể đi đánh xa được. Chiến cờ của bọn họ thêu hình voi trắng trên nền cờ xanh đỏ".

Lão nói đến đây bèn uống một ngụm nước, vơ một đũa cơm vào miệng, vừa ăn vừa kể:

"Lân quốc thì ưu điểm của bọn họ là chiến thuyền, chiến thuyền vừa to vừa chứa được nhiều lính, thêm nữa là máy bắn đá. Đạn của họ là những cái lu có chứa dầu cá, hoặc là bột cháy, nghe nói được tán từ xương của Hỏa Kỳ Lân ra. Khi bọn họ bắn trúng đâu là cái lu vỡ ra, ở đó bốc cháy dữ dội thiêu đốt mọi thứ".

Kể đến đây, lão tấm tắc chặc lưỡi:

"Chậc chậc. Vì vậy ở trên sông biển, chiến thuyền và máy bắn đá của bọn họ là vô địch, không có đối thủ. Nhưng thuyền không lên được đất liền, máy bắn đá không còn tác dụng. Vì vậy, thỉnh thoảng họ chỉ dám đổ quân quấy nhiễu ven biển chứ không chiếm đất của ai. Chiến cờ của họ thêu hình hỏa kỳ lân trên nền trắng".

"Bột cháy tán từ xương của Hỏa Kỳ Lân ư?". Hắn nghĩ bụng, chắc là bột lưu huỳnh đây, ở đất nước nhiều núi lửa thì loại đó rất sẵn.

Bảo lão vẫn tiếp tục hùng hồn:

"Long quốc thì hơi khác một chút, địa hình rất nhiều ao hồ, sông ngòi nên chiến thuyền nhỏ và đông như lá tre".

"Điểm mạnh của họ là binh lính rất giỏi bơi lội nên đánh nhau trên sông nước, họ chỉ cần lặn xuống thuyền lớn của địch rồi đục thủng. Nếu gặp thuyền nhỏ, bọn họ lặn đến gần rồi bất ngờ ngoi lên vung đao chém, rất khó đề phòng. Bọn họ còn có hàng ngàn ngưu binh, khi ra trận thì tung vào trận địa làm rối loạn quân địch".

Nói đến đây, đôi mắt lão bỗng trở nên mơ màng, giọng nói đều đều như u mê:

"Ngoài ra, Hậu Gia của Long quốc là một đại gia tộc nổi tiếng có nhiều người đẹp. Chà chà chà... rất nhiều cô gái xinh đẹp nghiêng nước nghiêng thành nhá, chỉ cần nghĩ đến thôi là tim đập thình thịch, bủn rủn cả chân tay".

Bỗng có tiếng Bảo thị hừ hừ vang lên:

"Vậy khi ông nghĩ đến tôi có bủn rủn chân tay không hả?".

"Hả hả". Bảo lão giật cả mình:

"Có chứ, có chứ. Mỗi khi nghĩ đến mình, không những ta bủn rủn chân tay mà tim còn suýt ngừng đập luôn. Thôi để ta kể tiếp".

Lão nhăn nhở xoa hai tay:

"Hoàng hậu của nhiều nước vốn là người Hậu Gia. Vì vậy, khi có chiến tranh, Long quốc thường hay xúi giục hậu cung đối phương gây sức ép, nhất là dụ dỗ các nước thông gia đánh lén đối phương. Sử dụng mỹ nhân kế là chiêu bài hay dùng của họ".

Nói đến đây, Bảo lão bỗng nhiên trợn mắt, há mồm như con cá ngão, hóa ra vì vừa ăn vừa nói làm lão bị nghẹn. Cũng có thể do lão vừa nghĩ đến bà vợ dữ bèn... suýt tắt thở. Sau khi ngồi đần người ra một lúc, cảm thấy cục cơm đã trôi xuống dạ dày, lão bèn thở "phì" một cái, lắc lắc đầu.

Bảo thị ngồi gần đó liền nhắc nhở:

"Ông ăn nói từ từ thôi, có ai nói tranh của ông đâu mà vội vàng như vậy". Mụ nói xong liền lườm yêu chồng một cái.

Bỗng có tiếng của Bảo nhi cất lên:

"Cha, nếu Long Quốc hay dùng mỹ nhân kế thì chiến cờ phải thêu hình phụ nữ chứ nhỉ?".

"Hả". Bảo lão ớ người ra suy nghĩ, một lúc sau lão mới giải thích vẻ rất dạy đời:

"Không được, chiến cờ mà thêu hình phụ nữ thì trông kém khí thế. Ngươi không thấy phụ nữ toàn bị đàn ông đè ở dưới sao?".

Sau đó, lão lại nói tiếp như sợ ai tranh mất:

"Đã gọi là Long quốc thì tất nhiên phải là hình con rồng vàng trên nền đỏ".

Dường như cảm thấy hài lòng với giải thích của mình, lão lại tiếp tục:

"Cuối cùng là Quy quốc, nước này có đặc điểm đất rộng, người đông. Sau khi thôn tính mấy quốc gia nhỏ cách đây mấy trăm năm, dân số của Quy quốc đã trở thành nhiều nhất đại lục".

"Đến nay họ là quốc gia có nền kinh tế và văn hóa phát triển rất mạnh, hơn nữa, họ rất giỏi trong việc xây dựng và sản xuất vũ khí. Mỗi khi chiếm được đất đai ở nơi nào, bọn họ đều lập tức xây thành, đắp lũy, giết sạch đàn ông, con trai nơi đó. Ngoài ra, họ còn cướp đoạt phụ nữ đối phương để đồng hóa dân tộc".

Lão vỗ vỗ trán như nhớ ra sự việc gì đó:

"Ta còn nghe nói, Quy quốc nổi tiếng nhờ một loại rùa đen, đàn ông nước này mà uống tiết của nó là cảm thấy... hừng hực. Vì thế, dân số của họ mới tăng nhanh như vậy. Do đó, thường có câu nói "Lính Quy quốc đi tới đâu, đàn bà không ở chỗ ấy". Ý nói là đàn bà mà gặp lính Quy quốc thì phải chạy nếu không thì... hắc hắc".

Kể đến đây, lão nhăn mặt cười một cách khó hiểu rồi vỗ tay kết luận:

"Vì vậy bây giờ, chẳng có nước nào thích đối đầu với Quy quốc. Chiến cờ của họ có hình cái khiên như mai rùa và hai thanh gươm bắt chéo trên nền đỏ. Tuy nhiên, nếu các quốc gia khác liên minh lại với nhau thì bọn họ cũng chẳng dám làm gì". Lão khẳng định.

Nói đến đây, lão đặt bát cơm đã hết sạch xuống đất rồi xoa xoa bụng, "khà" một tiếng ra vẻ đã no.

"Vậy, hồi trước thúc đi lính cho quốc gia nào?". Hắn hỏi.

"Tất nhiên là Long quốc. Cách đây 30 năm, có một cuộc loạn chiến giữa các nước mà nguyên nhân do lão đại vương của Quy quốc gây ra". Lão nói.

"Quy quốc khơi mào chiến tranh ư? Chẳng phải thúc nói là Quy quốc không thể làm gì nếu các nước khác liên minh với nhau hay sao?". Hắn ngạc nhiên hỏi.

"Tất nhiên, nhưng lão này rất khôn và mưu mẹo. Đầu tiên, lão gây chia rẽ giữa các nước để họ xích mích với nhau. Sau đó, lão giả vờ thành lập liên minh với một số nước, xúi giục họ tấn công nước khác nhằm "cò ngao tranh chấp, ngư ông đắc lợi". Lão tên là Quân Thất Nhân, lão lên làm vua cách đây khoảng 40 năm".

"Thời kỳ này, Quy quốc liên tục cải cách kinh tế, chính trị và huấn luyện binh lính. Lão cho xây nhiều thành lũy để đề phòng chiến tranh, đồng thời cho đúc nhiều vũ khí để trang bị cho quân đội. Thời gian lão cầm quyền, các nước khác phải luôn trong tình trạng căng thẳng đề phòng".

"Ở phía bắc, lão bắt xây trường thành, đề phòng các nước đánh xuống. Phía tây, lão cho phá núi mở đường để dễ xâm chiếm Tượng quốc. Phía đông, lão cho lập các quân cảng, đóng nhiều chiến thuyền để cạnh tranh với Lân quốc. Còn phía nam, lão lùa dân chúng sang canh tác trên đất của Long quốc. Nếu binh lính Long quốc đến đuổi, thì lão cho người lu loa rằng Long quốc đàn áp dân chúng Quy quốc, từ đó lấy cớ gây chiến. Đồng thời lão cho xây thành, đưa binh lính đến với lý do bảo vệ dân. Cứ thế, lão cho lấn dần đất của các nước".

Lão nói đến đây bèn ngừng lại, lắc lắc đầu rồi vớ cái bát nước để uống:

"Đến khi thấy thời cơ, lão xúi giục Tượng quốc đánh chiếm đất của Long quốc. Khi hai nước đánh nhau thì Long quốc đại thắng, binh lính Tượng quốc bị thua phải chạy về nước. Quy quốc bèn rêu rao là phản đối Long quốc đánh Tượng quốc rồi bất thình lình đánh úp khiến Long quốc phải bỏ đất chạy về phía nam, lấy sông Đại Nam Giang làm phòng tuyến".

Đang nói, lão chợt quay phắt người ra lệnh cho Bảo nhi đang ngồi tròn mắt:

"Lấy cho ta cái tăm". Lão hất hàm.

Bảo nhi ngơ ngác đi đến góc bếp lục lọi. Một lúc sau, cô bé đưa cho lão. Bảo lão vội cắm cây tăm vào miệng chọc chọc, ngoáy ngoáy:

"Mấy miếng thịt khô này dai quá, đau cả răng". Lão lẩm bẩm.

"Vậy sau đó thế nào hả thúc?". Hắn hỏi tiếp.

"À. Sau đó, Long quốc nhờ Phụng quốc, Lang quốc, Mã quốc định đánh úp, uy hiếp Quy quốc. Nhưng bọn họ vì lợi riêng nên không chịu phối hợp với nhau, cuối cùng không làm gì được. Quy quốc còn đánh lén lại Phụng quốc khiến cho Hoàng đế phải bỏ cả kinh thành mà chạy lên phía bắc. Từ đó, đất đai của nước này rơi vào tay Quân Thất Nhân".

"Nếu không nhờ có Lân Quốc đổ quân đánh úp vùng ven biển Quy quốc thì chắc chắn Long Quốc đã bị đánh bại, nhưng Lân quốc cũng không làm được gì hơn. Bây giờ, Quy quốc đã là quốc gia lớn nhất lục địa, bọn họ chiếm hết các vùng tài nguyên màu mỡ, cả vựa lúa của nhân gian". Lão thở dài nói.

"Thúc. Tại sao cờ các nước khác thêu hình kỳ thú, mà của Quy quốc lại là hai thanh gươm và cái khiên ạ?". Hắn hỏi.

"À, ta nghe nói vì một nguyên nhân". Bảo lão nhếch miệng:

"Trước kia cờ của họ thêu hình con rùa đen trên nền trắng, trong một lần đánh nhau với Lân quốc, vương kỳ của lão Thất Nhân đó bị máy bắn đá của Lân quốc bắn te tua, thủng một lỗ to tướng đúng giữa mai rùa. Khi vương kỳ giơ lên, trông cứ như khoe biểu tượng.... phụ khoa của mấy bà đẻ".

"Về sau, bọn trẻ con hay vẽ cái mai rùa thủng đó lên tường, chúng còn vẽ thêm mấy cái ria đen đen te tua xung quanh để mỉa mai Quy quốc. Vì thế, lão Thất Nhân đó tức lắm, lão bèn thay vương kỳ thành cái khiên và hai thanh gươm bắt chéo nhau, nền dùng đỏ chứ không dùng trắng nữa".

Nói đến đây, lão cười hềnh hệch rồi với tay, lấy cái bát nước lên uống rất thong thả.

"Thì ra là vậy". Hắn méo miệng cười.

"Hơ hơ, hóa ra là bọn trẻ vẽ cái mai rùa thủng. Thế mà trước kia, tôi cứ tưởng chúng vẽ bậy bạ cái đó... của phụ nữ?". Tiếng của Bảo thị cất lên đầy ngạc nhiên.

Ngoài trời, mưa vẫn rơi rả rích.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro