Chương 16. Trên đỉnh Tuyết Sơn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 16. Trên đỉnh Tuyết Sơn

"Dậy, dậy đi, trời sáng rồi.". Mấy cú đập vai của Bảo lão làm hắn thức giấc.

"Quái, sao sớm thế nhỉ, trời vẫn còn chưa sáng rõ mà". Hắn hé mắt nhìn.

"Tranh thủ dậy sớm đi, kẻo nắng". Bảo lão giục.

"Trời còn sớm quá mà thúc". Hắn uể oải ngồi dậy.

"Sớm gì nữa, ta nằm cả đêm không ngủ được, chỉ lo có con Quỷ nào đến gần chạy không kịp". Bảo lão ngồi chồm hỗm bên cạnh hắn, trông lão phờ phạc, hai mắt đỏ ngầu, vừa ngáp lão vừa cười như thằng dở hơi biết bơi.

"Ở đây yên tĩnh quá, không có tiếng chim kêu nào!" Hắn thốt lên.

"Ừ, không thấy có động tĩnh gì, làm ta thấy lo lo". Bảo lão than thở.

"Hổ báo thúc còn không sợ, sao lại lo Quỷ ạ?" Hắn hỏi.

"A, hổ báo ta nhìn thấy suốt, chứ Quỷ đã gặp bao giờ đâu mà biết nó vuông tròn, gầy béo ra sao". Lão thật thà nói.

"Ha ha, không ngờ thúc lại nhát gan thế?". Hắn cười trêu.

"Con người thì cũng phải sợ một cái gì chứ! Đêm hôm qua, ta cứ thấy run run, cảm giác rất bất an". Lão phân trần:

"Chúng ta vừa đi vừa ăn cho nhanh kẻo nắng. Chỗ này đồi núi cây cối thưa thớt, tý nữa nắng lên mà đi không kịp sẽ rất mệt đấy".

"Hừ, thúc sợ Quỷ thì cứ nói thẳng ra, chứ sợ gì nắng". Hắn tếu táo rồi liếc nhìn Bảo lão mặt đang nhăn như khỉ ăn phải mắm tôm.

Bảo lão cũng chẳng thèm phân trần, lão khoác gùi lên vai, vừa bốc nắm gạo rang, vừa đi rất nhanh. Trong thâm tâm, lão muốn biến khỏi nơi này càng nhanh càng tốt, mặc dù tối qua lão tỏ ra can đảm, nhưng những lời nguyền mà từ nhỏ, lão đã được nghe cứ càng ngày càng làm lão căng thẳng. Cuối cùng đến gần sáng, lão quyết tâm bỏ ngủ để chạy sớm cho nó lành.

Theo bước chân họ, các cánh rừng của núi Quỷ lùi dần về phía sau. Khi họ xuống đến chân dãy núi, mặt trời đã lên khá cao, theo ước lượng của hắn thì khoảng 9 giờ sáng, nếu tính theo giờ trái đất.

Ở đây, cây cối đã bắt đầu rậm rạp. Càng ngày, càng có nhiều cây cổ thụ lớn cỡ vài người ôm không xuể, cao vút hàng chục thước. Các cành lá tỏa ra tít ở trên cao, dầy đặc đến nỗi ánh mặt trời cũng khó xiên qua. Không khí dường như oi ả, ẩm ướt hơn rất nhiều.

Trên con đường bọn họ đi, một lớp thảm lá cây rất dày phủ trên mặt đất và vô số bụi cây cao ngang đầu với những sợi dây rừng lõng thõng, to như cổ tay vắt ngang dọc. Vài con cánh cam to như quả trứng gà bay rè rè giữa những đàn ong, bướm phấp phới. Khung cảnh kỳ vĩ, cổ đại như trong kỷ Jurassic của các phim khoa học viễn tưởng.

Từ lúc bước chân vào cánh rừng già, Bảo lão đã có vẻ tự tin như mọi khi. Lão xăm xăm đi trước, thỉnh thoảng ngó nghiêng rồi cầm gậy gạt mấy bụi cây một cách cẩn thận. Thậm chí có lúc lão còn dừng lại, khịt khịt đánh hơi như chó săn.

"Ở đây có một đàn heo rừng vừa đi qua". Lão chỉ vào mấy vết chân hằn trên mặt đất và mấy đám rễ cây bị ủi bật trơ trọi.

"Thúc không sợ mấy con này sao?". Hắn vừa thở hổn hển vừa hỏi, chủ ý để lão phân tâm mà đi chậm lại, không thì mệt chết.

"Chỗ nào có thú rừng thì ta lại không sợ, không như trên núi Quỷ, chẳng thấy bóng dáng con thú nào, thế mới ghê. Ngươi đúng là nghé con không sợ hổ, ngủ ở cái chỗ như thế mà cứ ngáy khò khò". Lão nói mà đầu cũng chẳng thèm ngoái lại.

"Tại thúc không biết nên mới sợ. Chỗ không có thú thì chưa chắc đã nguy hiểm, thúc có muốn cháu nói nguyên nhân không?". Hắn cố tình đi chậm lại, gợi chuyện.

"Hả, nguyên nhân gì, kể coi". Lão ngoái đầu đi chậm lại chờ đợi.

"Ha, mắc mưu rồi. Phải khề khà cho lão đi chậm lại mới được, nếu không mệt rã cả ba chân". Hắn mỉm cười gian xảo.

"Nguyên nhân rất đơn giản mà thúc. Thường các mỏ than gần mặt đất dễ xảy ra cháy ngầm, khi cháy chúng thoát ra một lượng khí than rất độc như khí các bon, khí lưu huỳnh gây ngộ độc hô hấp, khiến cho những con vật nào hít phải nhiều sẽ bị chết. Quan trọng nhất là những khí này đều không mùi, không vị nên rất khó bị phát hiện, nhất là khí lưu huỳnh hydro sulfua (H2S) độc hơn rất nhiều các loại khí độc khác. Đầu tiên nó gây mùi trứng thối nhưng sau đó, nó làm cho mũi mất cảm ứng với mùi này nên chúng ta cứ hít mãi mà không biết". Hắn chậm rãi nói.

"Thế à, biết là nguy hiểm mà sao ngươi vẫn dám trèo lên, lại còn ngủ lại ngáy o o nữa?". Lão vặn hỏi.

"Biết được đặc tính của nó thì sẽ không sợ. Đầu tiên là trời vừa mưa xong, nước ngấm vào các mạch ngầm sẽ dập tắt đám cháy. Thứ hai là thời tiết mùa này đã cuối thu, nhiệt độ không cao khó gây cháy ngầm. Thứ ba là các khí này sẽ bị phân hủy hoặc tích tụ trong một khu vực nhất định. Chúng ta đi ở trên các sườn đồi có gió thoáng nên không việc gì phải sợ". Hắn vẫn lù rù nhấc từng bước.

"Tại sao nó lại cháy ngầm được?". Bảo lão hỏi, lão đã đi chậm lại để nghe hắn kể.

"Có thể là do sét đánh, nhưng sét thường đánh trên đỉnh núi và hay kèm theo mưa giông nên có cháy cũng bị dập tắt ngay, do đó cháu thấy khả năng cháy là do thời tiết quá nóng. Vào mùa hè, nắng to liên tục trong nhiều ngày sẽ làm mặt đất nóng bỏng, hơi nước dưới mặt đất bị bốc hơi, cây cối mất nước sẽ khô héo, nhất là trên các sườn đồi, nguồn nước lại càng khan hiếm".

"Cây cối thiếu nước sẽ không hô hấp được dẫn đến còi cọc, không đủ sức che ánh nắng chiếu xuống, khiến cho các sườn đồi càng có điều kiện phản xạ ánh nắng vào một vài điểm trên mặt đất, như là mình cầm nhiều tấm gương phản chiếu vào một điểm vậy. Sức nóng tại các điểm đó được hội tụ trong nhiều ngày dẫn đến khả năng gây cháy".

"Thêm nữa, địa hình thoai thoải của sườn đồi dẫn đến không khí ẩm ướt trong các thung lũng tụ lại như một thấu kính khổng lồ, ánh nắng khi chiếu qua đó sẽ khúc xạ và hội tụ vào một vài điểm trên mặt đất dẫn đến khả năng tăng nhiệt. Tổng hợp cả hai khả năng, khi nhiệt độ đến một ngưỡng nào đó, thì sự cháy sẽ xảy ra".

"Khi đó, nó sẽ làm nhiệt độ môi trường tăng vọt và thoát ra nhiều loại khí độc, nhất là khí lưu huỳnh. Khí này bốc lên gặp mưa hoặc mây thì tạo thành axit sulfuric, axit này rơi xuống đất lại tàn phá môi trường gây nên cái chết cho cây cối, từ đó càng khiến cho mặt đất càng cằn cỗi thêm. Cứ như vậy, cái này gây ra cái kia, cái kia lại trở thành tác nhân gây ra cái này, lâu dần tạo ra một vùng đất chết".

Cứ thế, vừa đi, hắn vừa kể, con cà ra con kê. Không thấy lão nói gì, hắn bèn hỏi lại:

"Cháu nói thúc có hiểu không nhỉ?".

"Mẹ kiếp. Ngươi cứ nói luyên thuyên, ta chẳng hiểu gì cả. Cái gì mà thấu kính khổng lồ với phản chiếu, hội tụ, axít... Ta mà hiểu ngươi nói thì đi ăn cứz... còn dễ hơn, cứ nói mẹ nó đi là nóng quá phát cháy cho dễ hiểu, cứ nói linh tinh như thằng điên". Lão càu nhàu rồi vọt bước.

"Hừ, đúng là bọn cổ đại lạc hậu, văn hóa thấp, nói khoa học thế mà cũng không hiểu". Hắn lầu bầu rồi cong đít chạy theo.

Họ đi mãi đến chân một dãy núi khá cao thì dừng lại. Dãy núi khá hùng vĩ, cao chừng trên ngàn thước, trên đỉnh núi thấp thoáng mây mờ ẩn hiện với bóng cây cối lô nhô xanh ngắt, trên vách núi xen kẽ rất nhiều bụi tre trúc và dây mây chằng chịt.

Sau khi đã nghỉ ngơi một lúc, Bảo lão kiểm tra lại cái gùi và đám dây rợ. Sau đó lão đu người bám vào mấy rễ cây nhỏ, bắt đầu leo lên. Từ đây trở đi đã bắt đầu khó khăn, lão phải dùng dao phạt rất nhiều đám cây bụi và những dây mây đầy gai rậm rạp.

Đôi khi, có con rắn đen đen, vàng vàng vằn vện chạy đánh roẹt ngay trước mặt lão làm lão giật thót mình không kịp vung dao. Còn vắt, thì nhiều vô kể nhưng không làm họ e ngại.

Tuyết Sơn là một dãy núi khá dốc chứ không thoai thoải như dãy núi Quỷ, chân và sườn núi khá nhiều tảng đá to trơ trụi, chỉ có rêu và những dây leo nhỏ bám vào.

Bảo lão trèo lên trước, thỉnh thoảng lão còn phải giơ tay để kéo hắn lên. Vài lần trượt chân, cái mông lão giáng thẳng vào mặt hắn, khiến cho hắn được ăn bữa phao câu bất đắc dĩ. Nhưng cũng có lần, lão được nếm thử món trứng chọi đá khi leo lên một tảng đá to đầy rêu trơn tuột, hai quả trứng của lão đập cái "bét" vào phiến đá khiến lão trợn mắt, lặng người đến vài phút.

Cứ thế, đến tầm 3 - 4 giờ chiều, bọn họ đã lên gần đến đỉnh, Bảo lão đã có vẻ mệt mỏi, lão chỉ lên đỉnh núi có rất nhiều bóng cây to nhấp nhô.

"Kia là chè Tuyết cổ thụ đấy". Lão nói vẻ hưng phấn.

Bọn họ leo đến gần, những cây chè cổ thụ to cỡ 2 - 3 người ôm, cao hàng chục thước, thân cây mốc meo đầy rêu và địa y, ở những chỗ cành cây chĩa ra còn có mấy bụi phong lan xanh mướt. Tán cây rộng, trải ra che kín cả ánh mặt trời.

Bảo lão dướn người vặt một đọt lá ở mấy cành thấp, lão cho vào mồm nhai thử rồi gật gù:

"Đúng là chè Tuyết đây! Vị chè chát chát nhưng rất tuyệt, chúng ta đi lên thêm một chút nữa rồi tìm chỗ nghỉ, sáng mai dậy sớm. Hái chè phải hái vào lúc tờ mờ sáng thì chè ngấm sương mới ngon. Rất tiếc mùa này cuối thu nên hơi ít búp non, đến đầu mùa xuân chúng ta quay lại sẽ tha hồ mà thu hoạch".

"Những cây chè này chắc phải sống đến mấy trăm năm ấy nhỉ". Hắn hỏi bâng quơ.

"Ừ, trên đỉnh núi còn những cây to đến 5 - 6 người ôm không xuể, chắc đến cả ngàn năm. Giống chè này chỉ sống trên đỉnh núi cao, ở dưới chân núi không có. Mấy dẫy núi này, mùa đông trên đỉnh của chúng phủ trắng toàn tuyết là tuyết, lạnh vô cùng. Có lẽ giống chè này hít sương gió, uống băng tuyết nên mới thơm ngon, tinh khiết đến vậy". Lão cảm thán.

Bọn họ tiếp tục leo lên thêm, đến một chỗ khá bằng phẳng, họ dừng lại nghỉ ngơi dưới tán một cây chè to.

Sau khi vác dao chặt được một ít củi và mấy đám rêu khô, Bảo lão bắt đầu châm lửa. Chỉ một lúc sau, đống lửa đã cháy bùng lên, nổ tí tách, khói trắng tỏa ra quấn quanh những thân chè mờ ảo như trong tiên cảnh. Lão chặt một ống nứa làm hai đoạn cắm bên đống lửa rồi đổ nước, bứt mấy lá chè vò nát cho vào. Xong xuôi, lão lục gùi lấy gạo rang bày ra rồi ngồi tựa lưng vào một gốc cây chè, dáng vẻ rất hài lòng.

Chỉ một lúc sau, nước trong hai ống nứa đã sôi ùng ục, hơi nước bốc ra hương chè tươi quện với mùi cháy của vỏ nứa lan tỏa khắp cánh rừng. Bảo lão đưa cho hắn một ống, còn lão cầm một ống đưa lên miệng nhấm nháp, khà khà rồi gật gù thỏa mãn.

"Uống đi, trà tươi thật là ngon". Lão mỉm cười với hắn.

"Tối nay, chúng ta ngủ trên cây hay dưới đất hả thúc?". Hắn vừa đưa ống nứa lên miệng nhấp một ngụm chè vừa khà khà hỏi.

"Ngủ dưới đất là được rồi, lên cây khó ngủ lắm, đến đêm gió to nhỡ rơi xuống là bẹp xác". Lão trả lời.

"Nhỡ ở đây có con ác thú nào thì sao ạ?". Hắn hỏi.

"Hả, ngươi không sợ Quỷ, lại sợ ác thú sao. Ha ha...". Lão nói móc, hàm ý trả đũa câu nói của hắn ban sáng.

"Nhưng chúng ta cũng phải đề phòng chứ? Nhỡ đêm tắt lửa, ác thú mò đến thì toi?". Hắn nhìn lão chờ đợi.

"Thế thì ngươi thức mà trông đống lửa, còn ta phải ngủ một giấc cho đã, đi từ sáng đến giờ mệt khiếp". Lão cười, ánh mắt gian xảo.

"Thôi kệ, cháu cũng rất mệt đây. Ác thú mà đến thì nó bắt con nào to béo chứ con nhỏ, lại gầy thì chắc nó chẳng thèm". Hắn nói một cách mập mờ.

"Hả". Bảo lão trố mắt rồi lão cười khành khạch:

"Hí hí, ngươi cũng đáo để đấy. Nhưng không phải lo, khi chúng ta trong rừng, có con thú nào dám lại gần đâu, đúng không?". Lão hỏi giọng chế giễu.

"Vâng, cháu cũng thấy lạ, sao không thấy con thú nào ở gần? Bình thường, trong rừng có nhiều loại thú rất dạn, thấy người chúng còn không thèm chạy, vậy mà lần này đi rừng lại chẳng thấy con nào cả?". Hắn thốt lên ngạc nhiên.

"Hây da, bí quyết đấy". Lão nheo mắt tinh quái.

"Ta giã một ít phân hổ khô trộn vào đám lá nát để bôi lên người, lũ thú đánh hơi từ xa là chạy mất. Phân hổ có một mùi đặc trưng khiến đám thú sợ, không dám đến gần". Lão đắc ý nhăn nhở.

"Phân hổ ư?" Hắn giơ tay sờ sờ lên mặt, lè lưỡi rồi ọe mấy bãi nước bọt:

"Thảo nào không thấy con thú nào ở gần, cháu cứ tưởng vào rừng sẽ được ngắm mấy con báo hoặc heo rừng, hươu nai gì đó chứ". Hắn nhăn mũi cười khổ sở.

"Há, ngươi ngắm chúng xong thì xuống đất mà ngắm giun luôn nhé, đừng tưởng mấy con thú nhỏ là không nguy hiểm. Bình thường, chúng thấy người từ xa là lủi, nhưng khi chúng đói hoặc gặp người bất thình lình thì lại khác. Một con báo chưa đến chục cân hoặc một con heo rừng cỡ hai chục cân cũng đủ lấy mạng ngươi đấy, biết không? Chưa kể đến mấy con khác như khỉ đột, mèo rừng, chó sói..." Lão trợn mắt, vung vẩy hai tay.

"Vậy trước kia thúc bị heo rừng húc, có phải thúc quên không bôi phân hổ lên người?". Hắn hỏi.

"Hừ, ta có bôi. Hôm đó, ta hái đầy một gùi chè xong nên rất hưng phấn, khi xuống núi ta không để ý. Bỗng nghe xoạt một tiếng, các bụi cây bị ngả ra hai bên rồi thấy cái đầu đen sì của nó lao tới, ta bèn ném cái gùi vào nó rồi nhảy phắt lên, đu vào một sợi dây rừng, nhưng hơi chậm".

Lão kể đến đây thì nhăn trán như cố nhớ tiếp:

"Ta bị nó húc cho một phát gần trúng thằng cu, đau thấu xương. Ta liều chết bám chặt rồi cố sức leo lên một cành cây to, nó lồng lộn ở dưới đất húc tan cả cái gùi của ta, mấy tiếng sau nó mới bỏ đi. Đến hôm sau, ta tụt xuống, nhặt cái gùi rồi tìm đường lết về nhà".

"Sau lần đó, ta nằm mấy tháng mới bình phục. Đấy là một con heo độc, đi rừng mà để nó nhìn thấy thì chẳng mấy ai sống sót trở về. Cũng may, kinh nghiệm đi rừng của ta rất phong phú, hai nữa ta lại biết cách cầm máu, rịt thuốc nên không chết". Lão than thở.

"Thúc, heo độc không sợ mùi hổ sao?" Hắn hỏi.

"Hừ, cả bầy hổ cũng không làm nó sợ. Heo độc thường là những con đực sống lâu năm đi kiếm ăn một mình, nó không dát như heo đàn. Nó rất hung dữ và hiếu chiến, bất kỳ con nào đi vào khu vực kiếm ăn của nó cũng đều bị nó tấn công".

"Ta đã từng nhìn thấy một con heo độc đánh nhau với một con hổ lớn, cái mõm nó có hai cái răng nanh nhọn hoắt, cong lên như hai con dao dài cả chục phân. Nó lao vào con hổ húc túi bụi, con hổ chỉ có nước gào thét nhảy tránh rồi tát bên này một cái, vồ bên kia một cái. Thỉnh thoảng con hổ bấu được vào lưng con heo rồi ngoặm vào đít, nhưng da lưng con heo dầy đến bốn năm phân nên vuốt hổ không làm gì được".

"Con heo cũng rất khôn, nó chạy như bay, lôi con hổ chui qua mấy gốc cây đổ làm con hổ phải buông ra. Rồi nó lập tức quay ngoắt lại, nhằm bụng con hổ mà húc tới, hai cái răng nanh của nó húc tung bụng con hổ, lòi cả ruột gan ra ngoài. Đánh nhau được mấy tiếng, con hổ bỏ chạy nhưng nó bị thương nặng, thế nào cũng chết".

"Những cuộc chiến kiểu này bao giờ cũng có một con bỏ mạng, mà thường thì là hổ. Trước kia, ta còn nhìn thấy một con voi rừng bị con heo độc húc, rách toạc cả hai chân sau, cuối cùng con voi cũng phải bỏ chạy". Lão hào hứng kể.

"Thúc, vậy trong rừng con thú nào đáng sợ nhất?". Hắn hỏi.

"Hừ, nhiều lắm. Nhưng có mấy loại cực kỳ nguy hiểm, đi rừng chẳng may để nó nhìn thấy thì coi như là chết, trừ khi nhanh chân chạy kịp. Vì vậy, khi vào rừng phải để ý, phải nghe ngóng các tiếng động, phải ngửi, phải quan sát, nếu thấy dấu vết mấy con này thì phải tránh đi".

Nói đến đây, lão nheo mắt vẻ cười cợt:

"Ngoài ra, phải biết được thói quen của nó, cách nó di chuyển, săn mồi và ngủ, thậm chí phải nếm cả phân xem nó no hay đói, ăn thịt hay lá cây. Con nào ăn thịt thì phân sẽ chua chua, nát nát. Con nào ăn lá thì phân sẽ bã bã, hăng hăng. Hiểu chưa?..."

"Vâng, cháu hiểu rồi". Hắn trả lời.

Bảo lão thấy thế bèn dặn thêm:

"Nhưng cũng có con không để lại dấu vết gì, vì vậy phải quan sát những con vật xung quanh như chim, sóc, khỉ, hươu nai... nếu trong rừng không có bóng mấy con này thì chắc chắn sẽ có thú dữ ở gần.... Tóm lại, ngươi cứ chịu khó chết hụt nhiều lần, tự nhiên sẽ có kinh nghiệm".

"Hả... mịe ơi, đúng là cháu không thích chịu khó kiểu này mà". Hắn cười méo cả mặt.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro