Chương 22. Nam Sơn cổ thành

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 22. Nam Sơn cổ thành

Nam Sơn cổ thành nằm trên một vùng bình nguyên khá rộng ở phía bắc dãy Đại Liên Sơn, trấn giữ con đường thông thương giữa vùng đồng bằng và vùng rừng núi hoang dã, rậm rạp của Long quốc.

Thành nằm ở vị trí khá đặc biệt thuộc một vùng đất có biên giới giữa 3 nước và khu vực sinh sống của người dân tộc. Cạnh thành lại có một con sông tự nhiên chảy qua, nên từ xưa đã là địa điểm lý tưởng cho người dân sinh sống và đám con buôn qua lại.

Cổ thành này là nơi trước kia được xây dựng nhằm phòng chống người man tràn xuống xâm chiếm. Sau này ít có chiến tranh xảy ra nên thành không được tu bổ nâng cấp, dần dần trở nên cũ kỹ.

Tường thành thấp, nhiều chỗ lở cả mạch đất làm lộ hoác những viên đá lớn bên trong. Bên ngoài tường thành, rêu xanh, địa y và dây leo, cỏ dại um tùm. Thậm chí kênh hộ thành xưa kia đã trở thành di tích chỉ còn lại vài đoạn ao tù, nước đọng đen sì bốc mùi thum thủm, là nơi nối với cống xả nước bẩn từ trong thành ra ngoài.

Trên mặt nước, rác thải xen lẫn với "vàng thoi" nổi lềnh bềnh, ruồi muỗi vô số. Trên các cổng thành và bốn góc là các tháp canh bằng đá cũ kỹ, là nơi các tướng lĩnh và binh sỹ thủ thành đóng.

Thành rộng khoảng hơn một dặm vuông, ở giữa là hai trục đường chính khá rộng nối thẳng ra bốn cổng thành theo hướng đông tây nam bắc, ngoài ra còn nhiều ngõ nhỏ hơn nối ngang dọc phân chia thành làm bốn khu vực.

Khu vực của quân đội và quan lại đóng ở hướng bắc, những người giàu và trung lưu sống ở hai bên đông tây. Khu vực bình dân, buôn bán đóng ở phía nam.

Kiến trúc trong thành cũng vì thế mà chia làm hai phong cách. Phía bắc điển hình là sân vườn rộng rãi, nhà cửa kiên cố bằng gỗ tốt, cây xanh thảm cỏ um tùm, các đường nhỏ ngang dọc đều trật tự, khá sạch sẽ.

Thỉnh thoảng có bóng các đội lính tuần qua lại. Những ông chủ giàu có, giới thương nhân và quan lại thường ra vào cổng thành phía bắc nên ở đó cổng thành và tháp canh được bố trí quy mô và rất đông lính canh. Các nhà hàng, kỹ viện, tạp hóa đều tập trung tại nơi này.

Còn phía nam thì nhà cửa nhỏ hẹp, lại khá lộn xộn và bẩn thỉu, cây cối thưa thớt và lúc nào cũng chen chúc bóng người.

Ngoài cổng nam thành còn có một cái chợ nhỏ, đây là nơi bán gia súc, thực phẩm thịt cá, rau cỏ nên luôn luôn ồn ào tiếng người kêu, chó sủa, súc vật kêu la, xả bã be bét khắp nơi. Đại đa số người đứng nơi đây đều nhếch nhác, thậm chí ăn mặc khá rách rưới như đám khất cái. Một đội lính canh đóng ở nơi này để giữ gìn trật tự và kiểm soát người ra vào để thu lệ phí.

Khác với cửa bắc và cửa nam. Tại cửa tây là nơi tập trung chủ yếu các cửa hàng tiểu thương buôn bán dược liệu, dược phẩm, lương thực và đồ dùng còn cửa đông do mở cạnh sông nên gần cổng thành là một khu buôn bán bán gỗ, tre nứa và vật liệu xây dựng, đồ dùng được chở đến từ các nơi bằng thuyền hoặc bè nổi.

Ở phía cổng nam, trên con đường chính trong thành, đám người Bảo lão đang rảo bước, khu vực trao đổi hàng hóa và thảo dược là đích đến của bọn họ lần này.

Thỉnh thoảng, họ dừng bước nhìn phố xá, cửa hàng và những người lạ lẫm. Đôi chỗ, tại các bờ tường trên đường lại thấy có hình vẽ kỳ quái với các nét chữ ngang dọc hình như để cảnh cáo "cấm... bậy bạ ở đây".

Bảo Quý Ngọc vừa đi vừa ngơ ngác quay đầu nhìn ngắm bốn phía, đây là lần đầu tiên cô bé được vào trong cổ thành. Nơi này thật đông vui, nhộn nhịp không vắng lặng, buồn tẻ như cái bản dưới chân núi Tam Sơn. Đôi lúc, cô dừng lại ngắm nhìn mấy hàng bánh kẹo rong và đồ chơi trẻ con với con mắt đầy kinh ngạc và tò mò.

Thỉnh thoảng, vài đứa trẻ chạy qua chạy lại, chúng chơi trò đuổi bắt trên phố. Bỗng có đứa ngã đánh "oạch" một cái vì giẫm phải thứ gì đó giữa đường mà không biết do sinh vật nào thả ra, sau khi đứng dậy phủi áo, lau người, hít hít ngửi ngửi, nó lầu bầu chửi đểu mấy câu rồi nhanh chóng biến mất giữa những tiếng cười và vỗ tay của đám trẻ cùng lứa.

Đến gần trưa, bọn họ tới cửa tây, từ đây đã bớt đi sự lộn xộn, huyên náo và không khí đã không còn mùi 'thơm tho đến nôn mửa" như cửa nam thành. Hai bên đường bắt đầu rải rác những cửa hàng tạp hóa, vải vóc, dược hiệu.. chen lẫn vài nhà hàng, quán rượu, nhà nghỉ nhỏ dành cho khách bình dân.

Sau khi dẫn mọi người đi lòng vòng qua mấy dược hiệu đến vãi cả mồ hôi, Bảo lão cuối cùng cũng đổi được bộ xương hổ lấy một túi bạc vụn. Lão hưng phấn đưa mọi người đến trước cửa một tiệm ăn khá to có biển hiệu "Phú Gia thực quán".

"Mọi người vào trong này ăn cơm rồi nghỉ ngơi cho mát, để ta khao món vịt quay nổi tiếng ở đây, còn mấy nắm cơm nguội cất đi lúc khác ăn". Lão nhe răng cười tự đắc tựa như người rất quen thuộc.

Lập tức, một tiểu nhị còn khá trẻ tươi cười tiến lên khúm núm. Sau khi liếc mắt quan sát hết đám khách nhem nhuốc, gã lập tức tỏ vẻ thất vọng nhưng vẫn niềm nở:

"Mời các quý khách ăn trưa ạ? Quý khách thông cảm, hôm nay cửa tiệm hơi đông nên đã hết chỗ đẹp, chỉ còn một bàn ở góc khuất chưa có người ngồi, để tiểu đệ dẫn quý khách đến đó". Nói xong, chẳng cần mọi người phản ứng, gã quay ngoắt người uốn éo đi thẳng đến góc phòng.

Sau khi cầm cái giẻ đen sì lau lau, gạt gạt vài cái trên mặt bàn, gã lại vội vàng bưng đến một đống bát đũa đầy cáu bẩn. Trong suy nghĩ của gã, hôm nay chắc trời sắp bão hay sao mà đám mọi rợ rách rưới này lại kéo nhau đến nhà hàng này. Mặc dù trong lòng không thấy thoải mái nhưng gã vẫn nhăn nhở nặn một nụ cười méo mó.

Cũng may, Bảo Y Đạo đã quen với thái độ miệt thị của người khác nên lão không tỏ thái độ gì.

"Có vịt quay không? Cho một con và hai bát rượu kèm ít cơm canh rau muống luộc, cà muối...?". Bảo Y Đạo mở lời.

"Có chứ, có chứ. Quý vị có cần gọi thêm cái gì không? Nhà hàng còn có thịt heo rừng chấm tương, nai nướng ướp sả, gà gô hấp muối..." Tiểu nhị thoáng chốc niềm nở.

"Không cần, cái đó ăn nhiều rồi... có thứ gì lạ để nhậu không?". Bảo lão e hèm.

"Hả. A, tiểu đệ quên mất là các vị từ trên rừng xuống. Hay là quý khách xơi món cá chép om dưa của nhà hàng, đảm bảo ngon miệng độc nhất vô nhị trong cái thành này?". Tiểu nhị vỗ ngực tự tin.

"Được... thêm con cá chép om dưa đi". Bảo lão gật đầu sau một lát đắn đo.

"Vâng vâng, để tiểu đệ bảo đầu bếp chuẩn bị". Mặt gã vui vẻ nhưng bỗng nhiên nhăn lại:

"Nhưng quý khách có tiền để trả không đấy?". Gã liếc nhìn Bảo lão rồi mạnh dạn hỏi.

"Từng này đủ không?". Bảo Y Đạo cho tay vào khố rồi móc ra túi bạc vụn đặt lên mặt bàn đánh "cạch". Sau khi mở ra rồi giơ lên mấy cục bạc to bằng đốt ngón tay, lão ngước mắt nhìn tiểu nhị như thăm dò.

"Được, được, tốt rồi". Tiểu nhị thoáng cười rồi nhanh nhẹn chuồn mất.

"Mấy món đó có đắt không vậy?". Bảo thị lo lắng hỏi.

"Yên tâm, hôm nay đưa Ngọc nhi xuống thành, để nó thưởng thức một chút cho mở mang đầu óc". Bảo lão cười nhăn nhở.

"Có vẻ như ông thường xuyên ăn ở đây hay sao mà rành thế?". Bảo thị nghi ngờ hỏi.

"À, ta thấy nhiều người nói tiệm này có món vịt quay rất ngon nên ta gọi thử một con ăn cho biết, chứ đã bao giờ được ăn đâu". Bảo lão ngượng ngùng trả lời.

Hắn ngồi dựa lưng vào vách tường, lơ đãng nhìn bốn phía, nơi này có đôi chút giống như quê hương trong ký ức xa xưa của hắn.

Bỗng nhiên hắn nhớ tới thời thơ ấu của mình trong một cái phố Huyện khỉ ho cò gáy, nghèo rớt mồng tơi của một Tỉnh khỉ gáy cò ho.

Từ bé, hắn cũng giống các anh chị của hắn thường ngồi chơi trước hiên nhà đợi mẹ hắn đi chợ về mua cho cái bánh đa hoặc dăm cái kẹo mút xanh đỏ. Hồi đó bố hắn được làm trong cơ quan huyện, còn mẹ hắn có một cái máy khâu 5 con bướm nên mở một tiệm may nhỏ ở nhà. Do đó, nhà hắn cũng không phải làm ruộng đến đầu tắt mặt tối, lấy cái mông trâu làm thước ngắm cuộc đời.

Cuối tháng, mẹ hắn còn mua cho mỗi đứa một cây kem to bằng ngón chân cái cắn tê cả lưỡi. Hồi đó là thời bao cấp nên nhà hắn cũng rất khó khăn như nhiều nhà khác, chẳng bao giờ được ăn đủ no cũng như được mặc lành lặn.

May mắn làm sao, khi hắn 10 tuổi, một người bác ruột của hắn tưởng đã mất tích lâu năm bỗng tìm đến nhà. Hóa ra trước kia, ông ta là thuyền nhân vượt biên sang Mỹ nhưng không được may mắn lắm. Trong chuyến đi đó, vợ con ông ta đều được sống trong bụng cá.

Sau khi sang Mỹ và định cư yên ổn, ông ta về cố hương tìm người thân với mong muốn nhận một, hai đứa cháu ruột làm con nuôi để đưa sang Mỹ sinh sống nhằm đỡ hiu quạnh tuổi già.

Thấy hắn thông minh nhanh nhẹn lại ngoan ngoãn, ông ta chọn hắn vì nghĩ rằng trong số đám cháu ruột, hắn là kẻ có tương lai nhất. Ông ta đưa hắn ra thành phố và hai năm sau, qua nhiều cố gắng ông ta đã đưa được hắn sang Mỹ.

Từ đó hắn được ăn học tử tế và trưởng thành. Suốt bao nhiêu năm, hắn cố gắng rất nhiều để học, cuối cùng cũng đạt đến tiến sĩ. Sau khi hắn bảo vệ luận án thành công, mặc dù không có cảnh vinh quy bái tổ như thời vua chúa phong kiến, nhưng cũng khiến bố mẹ hắn mất ngủ mấy đêm.

Bố hắn phải làm một cái lễ rất to để được họ hàng cho phép ghi tên hắn dưới tên một cụ tú tài, không biết là cụ tổ mấy đời trong gia phả tại nhà thờ họ.

Trong thâm tâm, hắn rất mong muốn sau khi cưới, được đưa vợ về quê hương để ra mắt bố mẹ, anh chị em và họ hàng. Nhưng sự đời lại trớ trêu, thay vì trở về quê hương, hắn lại lưu lạc đến tận đây.

Bỗng một tiếng quát to làm mọi người trong quán giật mình:

"Miẹ kiếp, chủ quán đâu? Tại sao lại có mùi chuột chết ở đây?"

Một tiếng đập bàn đánh "rầm" ở cái bàn gần đó khiến tất cả mọi người đều xanh mắt nhìn sang. Chỉ thấy ở cái bàn gần chỗ hắn ngồi, có một gã đại hán mặt râu quai nón, da đen sì với ánh mắt dữ tợn. Gã cởi trần mặc một cái khố đã cũ, trên thân thể lực lưỡng ngang dọc vết sẹo như hình long phượng đang đánh nhau.

Xung quanh hắn còn có 3 tên vai u thịt bắp, mặt lạnh như tiền đang gườm gườm liếc mắt về phía các quý khách xung quanh, trên người cả 4 tên giắt lủng lẳng mấy con dao rựa sáng loáng.

Thấy vậy, mọi người ai cũng thụt đầu lè lưỡi không dám nhìn thẳng về phía bọn chúng như sợ dẫm phải... bã.

Một gã đàn ông đứng tuổi, có vẻ là trưởng quầy vội vàng chạy đến chắp tay khúm núm:

"Ài, mấy vị đại ca, quán của chúng ta luôn luôn sạch sẽ, làm gì có chuột chết ở đây ạ".

"Lão lại đây ngửi xem, thối thế này thì chúng ta làm sao mà ăn được, định chơi xỏ nhau hả? Có muốn chúng ta đốt sạch quán của lão không?". Gã đại hán cau mày, hất hàm.

"Ấy ấy, mấy đại ca bớt giận, quán của chúng ta luôn luôn lấy tiêu chí "khách hàng là thượng đế" để phục vụ. Nếu có mùi thối, bản quán xin chịu phục vụ miễn phí... Quái lạ, sao lại có mùi gì ở đây nhỉ?".

Đang tươi cười nịnh nọt, lão trưởng quầy dường như ngửi thấy mùi gì là lạ, lão ngập ngừng đi vòng quanh cái bàn rồi hếch mũi hít hít ngửi ngửi mấy cái, sau đó lão đi về phía Bảo lão cúi đầu hít hít tiếp.

"Đúng rồi, mùi thối tỏa ra ở đây. Có phải vị huynh đài này mang chuột chết vào bản quán phải không?". Lão nghiêm mặt hỏi Bảo lão.

"Vớ vẩn, làm gì có chuột chết ở đây, chắc lúc nãy ta có mang xương hổ đi bán nên có tí mùi trên người thôi". Bảo lão phân trần.

"Nồng nặc thế này mà bảo là tí mùi à? Huynh đài thế này thì có khác gì đuổi khách của chúng ta đi cơ chứ, Tiểu nhị đâu?". Lão cao giọng gọi.

"Tại sao lúc nãy lại cho mấy người này vào trong quán? Nhanh mời bọn họ đi ra ngay lập tức". Lão trợn mắt quát tên tiểu nhị đang thập thò gần đấy.

"Thúc... thúc thứ lỗi, tại mấy hôm nay cháu bị ngạt mũi nên không ngửi thấy gì". Gã tiểu nhị vội vàng chạy đến, sau đó ghé vào tai lão trưởng quầy nói nhỏ mấy câu.

"Hả, đã đặt ăn rồi à? Hừ...hừ, thôi được". Lão trưởng quầy vẻ mặt cau có nhưng cũng không tỏ vẻ gì tức giận mà trái lại, lão từ tốn nói với Bảo lão:

"Huynh đài thông cảm, mùi trên người của huynh khiến đệ tí nôn ọe, thế này đi, đệ mời huynh ra sau giếng tắm rửa cho kỹ rồi lại mời huynh vào ăn cơm tiếp, thế nào?".

"Không có thế nào cả, lão này biến ngay ra khỏi đây cho khuất mắt bọn ta, có muốn ăn dao thay cơm không?". Gã đại hán tay nắm chuôi dao trừng mắt nhìn Bảo lão khiến cho mọi người xanh cả mặt.

Sau đó gã quay lại nói với lão trưởng quầy:

"Lúc nãy lão hứa phục vụ bọn ta miễn phí rồi đấy nhé, đừng nuốt lời kẻo bọn ta nổi giận thì mệt đấy. Hê hê... các đệ, hôm nay chúng ta cứ việc gọi thoải mái... quyết tâm không say, không bò ra cả đất sẽ không thèm về nhà. Hế hế..."

Rồi gã đập bàn kêu lên:

"Cho hai mươi vò rượu ngon và ba con bê nướng, một hũ dưa với mười cân ớt chỉ thiên... à còn thêm đĩa muối chanh và chục đĩa thịt cầy bảy món nữa nhé..."

Cả bốn tên đều vỗ đùi, vỗ tay cười rung rinh cả quán.

Mặt lão trưởng quầy lúc đỏ lúc tái như con gà chọi bị thiến sót, lão giận lắm nhưng không làm gì được, cuối cùng lão nói nhỏ với đám người Bảo lão.

"Thôi các vị thông cảm ra phía sau hiên nhà ngồi ăn tạm ở đấy vậy, thế này là làm khó chúng ta quá...".

----------------------------

Trong một căn nhà nhỏ, nằm sau một cửa hàng khá lớn gần trung tâm thành, một người đàn ông chừng 25 tuổi đang ngồi gác chân lên ghế. Gã mặc một chiếc áo dài bằng lụa trắng bóng. Thỉnh thoảng gã đưa tay nâng tách trà lên miệng nhấp một ngụm rồi khẽ thở dài một cái.

Sau lưng gã có hai người một nam, một nữ còn khá trẻ, theo cách ăn mặc dường như là nha hoàn, người hầu. Gương mặt của cô gái trông khá xinh xắn và trắng trẻo, tay nàng cầm một cái quạt xếp đang vung vẩy quạt về phía trước như muốn thổi bay tất cả mồ hôi trên mặt của gã bạch y.

Còn người thanh niên thì dáng người cao lớn khỏe mạnh, khuôn mặt không có gì đặc biệt nhưng làm cho ai đứng gần cũng có cảm giác rờn rợn như đứng cạnh một con ác thú.

Trước mặt cả ba người là một người đàn ông trung niên mày râu nhẵn nhụi mặc một bộ đồ xanh lục đang đứng khép nép, đầu cúi xuống đất chờ đợi.

Bỗng nhiên, gã bạch y mở miệng nói:

"Lương quản gia. Thế nào, đã mua thêm nhiều hàng mới hay chưa?".

"Thưa Thiếu chủ, số lượng hàng Thiếu chủ yêu cầu đã mua được kha khá. Nhưng có một số hàng thượng phẩm không thấy xuất hiện ở trong thành, thuộc hạ đã cho người tìm kiếm ở các vùng dân xung quanh nhưng vẫn chưa có tin tức. Có lẽ tháng tới, thuộc hạ sẽ cho người đến vùng của bọn dân tộc tìm mua". Lục y trung niên khẽ trả lời.

"Tại sao phải có lẽ, sắp đến năm mới rồi, nếu không tìm mua thêm được một số hàng đặc biệt thì sẽ bỏ lỡ một cơ hội buôn bán tốt ở Kinh thành. Đến bây giờ, hàng hóa mua được mới xếp hơn nửa con thuyền, vậy mà đã chở đi thì lãi được bao nhiêu? Như vậy đi, ngày mai lão lập tức cho người đi tìm mua luôn, bằng bất cứ giá nào cũng phải mua thêm được mấy thứ hàng tốt nghe không?". Bạch y nhân lắc lắc đầu tỏ vẻ thất vọng.

"Vâng, thưa Thiếu chủ".

"Được rồi, giờ lão đi chuẩn bị đi, ta muốn nghỉ một lát". Gã bạch y giơ tay vẫy vẫy ra ý bảo lão lục y đi ra.

Lục y trung niên khom người rồi đi ra gian ngoài, sau khi dặn dò một tên gia nhân mấy tiếng thì bần thần đứng sau quầy hàng, ngẩng đầu nhìn trần nhà suy nghĩ.

Đúng lúc đấy có một đám người bước vào:

"Ông chủ có ở đây không?". Một trung niên nhân cởi trần đóng khố, tóc tai bù xù như đười ươi xuống phố lên tiếng hỏi.

"Lão cần mua bán gì?". Lục y trung niên giật mình hỏi sau khi liếc qua đám người.

"Ta đang có ít trà Tuyết loại tốt cần bán". Lão nhân đi đầu ngập ngừng lên tiếng.

"Hả, trà Tuyết à? Có nhiều không?" Lục y trung niên mặt rạng rỡ hẳn ra. Trong chớp mắt, ánh mắt uể oải của lão bỗng dưng sáng ngời như mấy giám khảo phát hiện ra thí sinh thi hoa hậu bị lộ hàng.

"Có hai gùi thôi". Lão nhân đầu xù nói xong bèn gỡ cái gùi ở sau lưng xuống đất rồi ra hiệu cho một thằng bé thiếu niên cỡ 13 - 14 tuổi đứng phía sau cởi nốt cái gùi còn lại.

"Hừ, chỉ có hai gùi thôi à? Các người định bán bao nhiêu tiền? Đưa ta xem thử hàng nào?". Lục y nhân vừa lên tiếng vừa liếc nhìn hai mẹ con người phụ nữ trẻ đang ngó nghiêng khắp mấy gian hàng.

"Chúng ta đem đi đổi thóc thôi, ông chủ xem trả được bao nhiêu? Nếu được giá chúng ta sẽ đổi". Lão nhân đầu xù ấp úng nói.

Lục y nhân âm thầm suy nghĩ, xem cách ăn mặc và trang phục này đúng là bọn trên rừng về, cứ ngu ngơ như con nai tơ. Bọn này chắc chỉ cần lòe mấy câu là cái gì cũng gật như gà mổ thóc. Hây, xem ra có món hời đây.

Nghĩ vậy nên lão liền ra vẻ nói:

"Được, để ta thử hàng trước đã". Lão đưa tay vào trong gùi vốc ra một ít trà rồi đưa lên miệng nhấp thử, sau đó lão mở bàn tay ra ngắm nghía từng cánh trà.

"Ừm, vị thì đúng là trà Tuyết rồi, nhưng mùi sao lại chưa được thơm lắm, có thể coi tạm được". Lão gật gù.

"Hả, ông chủ có đánh giá nhầm không? Trà này mà coi là tạm được sao?". Lão nhân đầu xù nhăn mặt tỏ vẻ hơi khó chịu.

"Ha, tất nhiên rồi, làm sao qua được mắt ta. Vậy ta trả thế này nhé, lão có đồng ý thì chúng ta đổi?". Lục y nhân mỉm cười ranh mãnh.

"Một cân trà đổi 10 cân thóc, được chưa?". Lục y nhân ra giá.

"Cái gì, ông chủ tưởng trà của chúng ta là lá khô chắc? Một cân trà ăn 100 cân thóc?". Lão nhân đầu xù cao giọng.

Lục y nhân thoáng giật mình, không phải lão giật mình vì lão mọi rợ kia dường như không khù khờ như trong suy nghĩ mà giật mình vì cái giá mà lão mọi rợ hét ra.

Lão cũng biết giá trị của trà Tuyết, nhưng ở đây cũng không thể trả cái giá cao như vậy. Cách đây khá lâu lão cũng mua được của một người dân tộc ít trà như thế này với cái giá khá hời, không tưởng được lão mọi rợ tóc xoăn như lông chim này lại đòi cao như thế, vì thế lão bèn to tiếng át lại:

"Thóc của chúng ta cũng không phải củi mục mà muốn đòi bao nhiêu thì đòi".

"Ông chủ định trả thế nào? Nếu rẻ như vậy thì ta để pha trà với nước lã uống trừ bữa còn hơn". Lão đầu xù tỏ ra ương bướng.

"Thôi được rồi, không cần to tiếng. 1 đổi 20 được chưa?". Lục y nhân tỏ vẻ mềm mỏng.

"Không được, 1 ăn 90". Lão nhân đầu xù lắc đầu.

"1 đổi 30? 1 ăn 80. Không... 1 đổi 40? Không... 1 ăn 70..." Hai bên cùng to giọng.

"Ở đây ta chỉ đổi 1 ăn 40 thôi, trà của lão cũng không là cực phẩm, nếu lão không đồng ý thì đi chỗ khác?". Lục y nhân khoát tay.

"Chúng ta đi cửa hàng khác được giá hơn". Lão nhân đầu xù tỏ vẻ không hài lòng.

Lão vẫy tay ra hiệu thằng nhỏ đứng sau khoác hai cái gùi lên vai, đám người lục tục quay người ra cửa.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro