Chương 23. Kế hoạch tương lai

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 23. Kế hoạch tương lai

Bảo Y Đạo biết rất rõ giá trị của thứ trà Tuyết này, năm xưa lão bôn ba khắp các thành trì của mấy quốc gia và cũng đã nhiều lần phải tìm mua thảo dược quý để chữa cho mấy "bại tướng" quý nhân. Nếu thứ trà này mà mang được lên kinh đô, đảm bảo có thể đổi được gấp 10 lần yêu cầu của lão.

Nhưng dù sao, đây cũng là cái thành nhỏ xập sệ, không thể so sánh với Kinh thành. Nếu không, lão cũng liều mình vác hai cái gùi này đi rồi.

Lương quản gia cũng biết lão mọi rợ khó mà đổi được nhiều thóc như vậy ở cái nơi này, nên lão tìm mọi cách để dìm giá. Thậm chí lão còn định cho gia nhân đi theo đám mọi rợ này để "phá đám" không cho bọn họ đổi được cho ai.

Tóm lại, ai cũng có toan tính riêng nên theo tình hình này, việc đổi chác khó có thể suôn sẻ.

Đúng lúc Bảo Y Đạo cùng đám người bước ra khỏi bậc cửa thì có tiếng nói bên trong cửa hàng vang lên:

"Chậm đã, có thể cho ta xem trà được không?".

Từ cánh cửa phía sau cửa hàng, một gã bạch y thong thả bước ra, theo sau là một nha hoàn và một tên gia nhân áo nâu mặt lạnh lùng như xác ướp sống lại.

Bảo lão vẫn còn hơi bực mình, lão chỉ ngoái đầu nhìn lại chứ không có hành động gì, chỉ có thằng nhóc là quay hẳn người lại từ từ đặt cái gùi xuống đất.

Bạch y nhân tiến đến gần thằng nhỏ rồi ra hiệu, xác ướp thanh niên cúi xuống thò tay vào gùi vốc một ít trà cẩn thận đưa cho Bạch y nhân, gã nhặt một ít cho lên miệng cắn nhè nhẹ rồi chậm rãi nhấm nhấm. Sau đó, gã nhẹ nhàng hỏi đám người:

"Các ngươi muốn đổi như thế nào?".

"Chúng ta muốn 1 cân trà đổi 70 cân thóc". Bảo lão trả lời.

"Hừ, giá đó hơi cao, có thể thấp xuống một chút đi?". Bạch y nhân hơi lắc đầu.

"Giá đó mà còn cao sao, nếu ta không nhầm thì thứ trà này đem đến thành Giang Bắc sẽ đổi được gấp đôi đấy". Bảo lão nhếch mép.

"Thôi... được rồi". Bạch y nhân sau khi tính toán một lúc thì gật đầu:

"Nhưng ngươi cũng phải bớt đi một ít cho ta lấy lộc chứ?".

"Cũng được, nếu cân thừa, ta sẽ chỉ lấy số chẵn". Bảo lão nhàn nhạt nói.

"Nhưng... Thiếu chủ... ở đây chỉ...". Lục y trung niên bối rối nói.

"Ta biết rồi". Bạch y nhân khoát tay ra hiệu không cần nói nữa, gã liếc nhìn Lục y nhân, lắc đầu chầm chậm:

"Lương quản gia gọi người cân trà đi".

Nói xong, gã quay lại hỏi tiếp:

"Ở nhà các người còn nhiều trà không? Đúng lúc ta có việc, đem hết đến đây ta đổi cho?". Bạch y nhân hỏi.

"Hiện tại thì hết rồi, nhưng nếu công tử cần thì sang đầu năm tới, chúng ta sẽ mang xuống nhiều hơn". Bảo lão trả lời.

"Không có nữa à, tiếc quá nhỉ. Các ngươi là người dân tộc trên rừng xuống phải không? Vậy có sừng tê, ngà voi... linh chi, nhân sâm không?". Bạch y nhân hỏi tiếp.

"Mấy thứ ấy chúng ta không có". Bảo lão lắc đầu.

Đúng lúc đó, Lương quản gia đã trở lại cùng một gã gia nhân cầm theo một cái cân, mọi người xúm lại xem xét.

"Hơn 10 cân một chút". Lương quản gia hô to.

"Như vậy làm tròn là tương đương 700 cân thóc nhé? Các ngươi lấy tất cả thóc một lúc hay sao?". Lương quản gia hỏi.

"Tất nhiên rồi". Bảo lão gật đầu, lão cứ nghĩ đến việc ôm mấy cái chum đầy thóc là lại cảm thấy hưng phấn như được ôm mấy cô sơn nữ khỏa thân xinh đẹp.

"Vậy các ngươi mang đi bằng cách nào? Có xe chở hay không?". Bạch y nhân hỏi.

Bảo lão ngớ người, lão chỉ nghĩ đến số lượng thóc là đã hứng chí đến lú lẫn, làm gì nghĩ đến việc mang đi như thế nào.

"Như vậy đi, chúng ta lấy 100 cân thóc, xúc vào trong mấy cái gùi này. Còn lại đổi ra bạc cho chúng ta được không? Lần sau cần thóc, chúng ta sẽ đem bạc ra mua lại". Thằng nhóc đứng cạnh Bạch y nhân nói.

"Không thành vấn đề, chờ chút để ta thu xếp". Lương quản gia trả lời rồi nhanh nhẹn đi xuống kho, chỉ còn lại đám người trong phòng.

"Ngoài mấy thứ này, công tử có cần những mặt hàng khác không? Ví dụ như vải vóc, quần áo, giày dép, đồ gốm sứ, thủy tinh, pha lê... đồ gia dụng, công cụ sắt chẳng hạn?". Tên thiếu niên bỗng lên tiếng hỏi.

"Hả. Vải vóc, quần áo, giày dép, đồ gốm sứ, sắt thép thì ta biết, còn thủy tinh, pha lê, đồ gia dụng là cái gì?". Bạch y nhân tò mò hỏi.

"Thủy tinh, pha lê, đồ gia dụng là thứ đồ dùng như thế này..." Tên thiếu niên ngập ngừng khua tay giải thích một hồi.

Bạch y nhân há hốc cả mồm đến nỗi dớt dãi chảy xuống cằm cũng không biết. Từ bé đến giờ, gã thường tự phụ về sự hiểu biết của mình đến nỗi, ngay tại kinh thành, gã đã từng vỗ ngực với chúng bạn, với kiến thức của gã mà đứng thứ hai thì không ai xứng đáng thứ nhất.

Bất cứ một loại hàng hóa gì, chỉ cần đem ra hỏi là gã nói ngay được cả xuất xứ, giá cả. Biết bao cô gái trẻ 18, thậm chí cả bà già 81 cũng phải mắt tròn mắt dẹt, mồm chữ "o", môi chữ "u" khi nghe gã nói chuyện.

Thế mà hôm nay, gã được nghe về bao nhiêu thứ mới lạ từ miệng một thằng nhóc. Đồ sứ, đồ ngọc, đá quý gã còn biết chứ thủy tinh hay pha lê, chẳng phải là thứ ngọc lưu ly trong suốt, hết sức trân quý trong truyền thuyết hay sao.

Gã còn nhớ ngày bé, cha gã từng mua được một khối ngọc lưu ly to như nắm tay với số tiền rất cao, sau đó bị gã lấy trộm xem, chẳng may làm mẻ mất một góc làm lão già đó tẩn gã một trận nên thân.

Sau đó cha gã cho mài thành một viên ngọc lưu ly mười tám cạnh trong suốt để hối lộ cho lão thái giám Tổng quản đại nhân trong Kinh thành. Nhờ đó, cả chục năm nay, nhà gã đã trở thành nơi cung cấp hàng hóa cho hoàng cung Long Quốc với biết bao ưu ái.

Sau một hồi suy nghĩ, gã lại nghi ngờ thằng nhóc này bịa chuyện. Nếu quả thật có ngọc lưu ly cực phẩm, lại được chế tác thành đồ dùng thì thằng nhóc này tại sao lại không đem bán, tha hồ lắm tiền, sao lại đến nỗi cái áo cũng không có mà mặc.

Nhưng nhìn dáng vẻ tự tin của thằng nhóc khi miêu tả các đồ vật, gã cũng thấy nao lòng. Chắc chắn thằng nhóc này đã từng thấy ở đâu đó thứ đồ như vậy, nếu mình mua được thì xem chừng phát tài chứ chẳng chơi. Vì vậy, sau một lúc suy nghĩ, gã nói:

"Nếu tiểu đệ có mấy món đồ đó, có thể cho ta xem một chút hay không?".

"Chẳng dám dấu công tử, ở đây ta không có thứ đó, nhưng vài năm nữa ta sẽ đem đến cho công tử xem". Thằng nhóc trả lời.

"Vài năm nữa ư, lâu quá. Đúng lúc ta đang cần gấp một số hàng, hay là ngươi chỉ cho ta nơi có những đồ dùng như vậy? Để ta tự đến đó mua cũng được, ta sẽ trả thù lao cho ngươi, ngươi muốn bao nhiêu tiền?". Bạch y nhân dò hỏi.

"Xin lỗi đã làm công tử thất vọng, hàng hóa như vậy phải tự tay ta đem đến, chứ công tử không thể tự mua được". Thằng nhóc mỉm cười nói.

Tất nhiên Bạch y nhân không hiểu rằng, để đến nơi có những hàng hóa đó, gã phải có một con tàu vũ trụ chạy ngang với vận tốc ánh sáng mà tới Trái đất, chứ không phải cái thuyền buồm cũ rỉn vẫn hàng ngày xệ đít ở bến sông.

Vì thế, gã cho là thằng nhóc này cố tình giữ bí mật về nơi có thứ hàng thượng phẩm đó mà không muốn nói cho ai, gã đành thở dài tiếc rẻ:

"Được, nếu sau này ngươi đem đến đây, có thể ta sẽ trả giá cao cho ngươi".

Còn đám người Bảo lão nghe thằng nhóc nói chuyện thì cũng há hốc cả mồm, mắt tròn như cái đấu. Những gì hắn kể đều là những kiến thức và hiểu biết kinh người, cũng may là bọn họ chưa nghe hắn kể về tivi, điện thoại, máy bay, máy vi tính... nếu không thì mồm cũng phải há hốc ra như chữ "u". Thậm chí đến cái lỗ bé tí giữa mông cũng phải rơi ra vài cục tròn như chữ "o".

Thằng nhóc hình như không để ý đến thái độ của mấy người mà hỏi tiếp:

"Công tử sống ở đây phải không?".

"Không, ta là người chuyên kinh doanh buôn bán khắp nơi. Nhưng muốn tìm ta, cứ nhắn cho Lương quản gia ở đây là được. Ngoài ra nếu các ngươi còn trà hoặc có mặt hàng gì hay, cứ đem ra cho ta xem, nếu mua được ta sẽ quyết định?". Bạch y nhân nói thêm.

"Vâng. Xin hỏi danh tính công tử?". Thằng nhóc nói.

"Ta họ Thương, cứ gọi Thương công tử là được, còn ngươi?" Bạch y nhân hất hàm về phía thằng nhóc.

"Đệ là Hoàng Chân, còn đây là thúc thúc của đệ họ Bảo". Thằng nhóc trả lời rồi đưa tay chỉ về đám người lão nhân đầu xù.

"Công tử nếu đã chuyên kinh doanh buôn bán, chắc là đi rất nhiều nơi phải không?". Thằng nhóc hỏi tiếp.

"Đúng vậy, ta có nhiều cửa hàng ở các thành lớn, cả cửa hàng ở kinh thành nữa".

"Đệ có một kế hoạch làm ăn, có thể gặp công tử để bàn bạc một chút hay không?". Thằng nhóc nhìn thẳng vào mắt Bạch y nhân dò hỏi.

"Được, ta rất sẵn lòng, xin mời vào nhà trong". Bạch y nhân lịch sự chìa tay.

-------------------------------

Trở về từ thành Nam Sơn, cả đám người Bảo lão đều rất cao hứng, không những đổi được rất nhiều thóc mà bọn họ còn mua được cho Bảo nhi một cái áo bông và một xấp vải để may quần áo khi mùa đông đến.

Riêng Hoàng Chân thì hắn đã đi khắp các cửa hàng hỏi hết cái nọ đến cái kia khiến cho đám người Bảo lão chạy theo toát cả mồ hôi. Bảo lão cũng không hiểu hắn hỏi nhiều như thế để làm gì, chỉ thấy cuối cùng hắn mua được mấy tờ giấy và một cây bút lông, một thỏi mực đen sì rồi cẩn thận gói lại, sau đó cũng không thấy hắn mua thêm cái gì nữa.

Lão cũng đoán rằng hắn mua về để viết chữ nhưng dù sao thì cũng thấy tiêng tiếc. Riêng mấy tờ giấy vàng vàng như giẻ lau mà cũng đắt chả kém gì vải, hết những mấy chục đô. Số tiền đó để mua thóc thì được mấy chục cân, đủ cho cả nhà ăn nửa tháng. Nhưng lão cũng không có ý phàn nàn, dù sao thì thành quả vừa rồi có công của hắn phân nửa.

Về phía Hoàng Chân, lần xuống thành Nam Sơn này đã cho hắn hiểu biết khá nhiều về cuộc sống dân tình ở đây, nhất là trình độ kỹ thuật và những loại hàng hóa phổ thông.

Hắn định bụng sẽ áp dụng các hiểu biết và tri thức hiện đại của hắn để tìm cách sản xuất các loại hàng hóa chất lượng cao, nhằm bán được nhiều tiền, từ đó cải thiện cuộc sống, đưa cả đám người nhà Bảo lão thoát khỏi cảnh bữa nay lo bữa mai như trước kia.

Nhưng quan trọng nhất đó là, hắn có ý tưởng đưa tới thế giới cổ đại này những gì tốt đẹp nhất mà hắn biết từ kiếp trước.

Vì thế, khi đi khảo sát qua các cửa hàng và liên tục dò hỏi, hắn nhận thấy hàng hóa thời đại này kỹ thuật cực thấp, chỉ có một số vải lụa tơ tằm là khá đẹp và có giá trị.

Hắn tin tưởng, chỉ cần sản xuất ra bất cứ loại hàng hóa nào cũng tốt hơn và đẹp hơn mọi thứ hàng hóa ở đây, vấn đề là hắn chọn sản xuất hàng hóa nào dễ dàng nhất và có giá cao hay không mà thôi.

Hắn cũng đạt được một thỏa thuận với Thương công tử về việc hợp tác sản xuất hàng hóa, miễn là hắn có thể đem đến bất cứ thứ gì khiến cho gã hài lòng. Đổi lại, gã sẽ cấp tiền cho hắn để phát triển sản xuất gọi là đặt cọc mua trước số hàng hóa đó.

Suy đi tính lại, hắn quyết định. Đầu tiên sẽ tìm cách sản xuất quy mô nhỏ để tích lũy dần dần. Sau đó, khi đã tích lũy đạt đến mức độ nào đó sẽ tiến hành cho sản xuất lớn, thậm chí cơ giới hóa, tự động hóa sản xuất.

Những sản phẩm mà hắn nghĩ đến đầu tiên đó là lá trà, thảo dược. Lá trà thì chỉ cần đi hái rồi sao ra là được, còn thảo dược thì sẽ bàn với Bảo lão cho chế biến sẵn một số loại đặc dụng, từ những sản phẩm này sẽ có được những tích lũy ban đầu.

Sau đó, hắn sẽ cho phát triển ngành chế biến gỗ và sản xuất giấy. Bởi vì hắn thấy giấy ở đây bán khá đắt, chất lượng giấy không tốt lắm, dễ mủn và nhất là không được trắng.

Nhưng quan trọng là giấy rất dễ sản xuất, chỉ cần có nguồn gỗ dồi dào thì sản xuất giấy có thể kiếm được một món tiền lớn. Mà rừng thì thiếu gì gỗ, thuê lao động cũng rất rẻ, nhiều người chỉ cần kiếm đủ ăn là sẵn sàng làm bất cứ việc gì.

Còn đồ gỗ thì ở đây chưa có máy bào, máy xẻ, máy cưa, cắt... nên sản phẩm vẫn còn nham nhở, khá thô kệch và thiếu sáng tạo.

Chỉ cần hắn áp dụng một số cách thức sản xuất như tiêu chuẩn thế kỷ 21 là hàng hóa của hắn sẽ bán chạy như tôm tươi. Nhất là hắn lại có đầy cách sử dụng giấy từ kiếp trước như giấy viết, giấy in, giấy ăn, giấy gói, bao bì, giấy vệ sinh, băng bỉm các loại... vv.

Hắn cũng biết rằng vào thời đại này, giấy chỉ để viết và đối tượng sử dụng cũng chỉ có mấy công tử nhà giàu và đám văn sĩ, còn đại đa số dân chúng thì còn không biết cách cầm bút.

Vì vậy, trên đường trở về, hắn suy nghĩ cách biến giấy trở thành loại hàng hóa phổ thông thiết yếu. Như vậy, đầu tiên là phải phổ cập chữ viết, xóa nạn mù chữ cho bọn người cổ đại lạc hậu.

Ở trong thành, hắn để ý đến chữ viết khắp nơi, từ những chữ viết trên tường đến những cáo thị của quan binh. Nhưng phát hiện một vấn đề làm hắn đau cả đầu là chữ viết thời đại này quá rắc rối, khó hiểu, toàn là nét tượng hình ngang dọc khiến hắn cố học nhưng không hiểu được bao nhiêu. Có lẽ cũng cần phải sáng tạo cách viết chữ mới.

Lập tức, hắn nghĩ đến bảng chữ cái A, B, C... và các tính toán cơ bản cộng trừ, nhân chia. Hắn định bụng sẽ dạy cho đám người Bảo lão cách học và chữ viết mới, cuối cùng, phải thuyết phục bọn họ có chịu học hay không?

Còn đồ sứ và thủy tinh, lúc đầu hắn cũng định tìm cách sản xuất nhưng thấy khá phức tạp và nặng nhọc nên hắn tạm thời gác lại sau. Chỉ đến khi nào đã có sẵn tiền, hắn mới quyết định đầu tư sản xuất mấy thứ khác, kể cả sản xuất gang thép, đồ dùng.

Còn một vấn đề quan trọng khác, đó là để tăng năng suất lao động, sản xuất phát triển thành quy mô lớn thì phải có máy móc cơ khí, có tự động hóa. Nhưng nền khoa học kỹ thuật và chế tạo máy ở đây còn chưa có đến cả khái niệm, vì vậy hắn phải lựa chọn phương thức đầu tư vào cả ngành chế tạo máy, dù sao thì trước kia hắn cũng là tiến sỹ vật lý cơ khí - điện tử.

Hắn cũng dự trù cả vấn đề thuê nhân công và mở rộng đất đai, xây dựng nhà xưởng, rồi còn vấn đề an ninh, an toàn.

Hắn tin tưởng rằng, bằng vào những kiến thức và sáng chế của hắn, sẽ dần dần thay đổi thế giới này, dù sao để đạt được điều đó cũng cần có thời gian.

Trước mắt, hắn chỉ mong được sống yên ổn, không phải lo bữa ăn hàng ngày. Sau đó, làm được cái gì thì làm, chế tạo được cái gì thì chế tạo. Khi nào thời cơ thích hợp, lúc đó mới đầu tư phát triển, thực hiện mong ước "đem ánh sáng văn minh" đến đây.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro