Chương 25. Chế tạo bánh xe nước

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 25. Chế tạo bánh xe nước

Đã hơn một tháng trôi qua kể từ ngày gia đình Bảo lão bắt đầu học chữ.

Mỗi khi đến buổi tối, trong hang lại vang lên tiếng đánh vần a...b...c... của bọn họ. Mặc dù tiếng đọc chữ rất to nhưng vì hang đá nằm ở một nơi khá xa so với cái bản sập xệ nên chẳng có ai qua lại đây vào buổi tối, vì vậy cũng không người nào biết bọn họ đang được học một loại chữ mới tân kỳ.

Bảo Y Đạo rất ngạc nhiên về loại chữ viết mới này, trong trí nhớ của lão thì chưa từng thấy loại chữ này xuất hiện ở bất kỳ nơi nào mà trước đây lão đã đi qua.

Mặc dù mang đầy thắc mắc trong lòng nhưng lão cũng tự nhận thấy là loại chữ mới này rất dễ học, cụ thể chỉ quá hai tuần là lão đã có thể viết và đánh vần được khá nhiều câu chữ.

Vì vậy, mỗi khi buổi tối đến là lão lại hăng hái giục cả nhà đi học. Có lẽ giấc mộng "Cứu nhân độ thế" hoặc mục tiêu ghi chép lại "Bách dược bảo điển" làm cho động lực học tập của lão lên rất cao.

Lão cũng tự nhận ra là từ trước đến nay, lão chưa bao giờ cảm thấy thú vị việc học chữ như bây giờ. Cái thằng nhỏ này thật là hay, lại biết loại chữ dễ học như vậy. Trước kia mỗi lần lão muốn viết cái gì đó, lão phải nghĩ ra đủ loại ý tưởng về nội dung chữ, sợ viết ra rồi để lâu lại quên. Vì vậy mới có loại chữ toàn là ký hiệu như đánh đố kiểu "không thầy đố mày đọc nên".

Còn bây giờ, lão chỉ việc nói ra câu gì là lão có thể ghép chữ được ngay. "Thật là hay quá đi, chắc là chữ viết này do thần tiên nghĩ ra mới dễ học như vậy?". Lão tấm tắc nghĩ.

Cái hay nữa là bọn lão còn được học tính, đến bây giờ lão đã biết làm các phép tính đơn giản như cộng trừ... đến 10. Mỗi khi cần tính toán là lão lại giơ một bàn tay xòe năm ngón lên, còn tay kia thì đếm các ngón còn lại... thậm chí, lão còn tập đếm thêm bằng cả hai bàn chân.

Thằng nhóc còn hứa sẽ dạy bài hát "một với một bằng hai, hai thêm hai bằng bốn..." và "Bảng cửu chương" khi nào đám người nhà lão biết đếm thành thạo đến 100...

Cái vách hang xưa kia của lão vốn treo linh tinh đủ thứ thì giờ đã được dọn dẹp thành một cái bảng viết tự nhiên. Cứ mỗi tối, bọn họ lại xóa các chữ cũ trên vách đá và bắt đầu tập viết chữ mới.

Thời gian cứ như vậy trôi đi, ban đêm bọn họ học chữ, ban ngày bọn họ tiếp tục lao động miệt mài. Trong thời gian này bọn họ đã phát quang được một quả đồi nhỏ chừng chục mẫu ở ven suối để trồng cây lương thực và một số thảo dược.

Thời tiết mùa này đã bắt đầu hanh khô và se lạnh, vì vậy đám cây cỏ trên đồi đều khô héo cả, bọn họ chỉ cần cho vài mồi lửa là đám cây cỏ đó cháy rụi. Trong công cuộc hỏa thiêu tạo điền này, bọn họ còn thu về một ít chiến lợi phẩm là mấy con rắn bị nướng chín và một con trăn thui gần chục cân, thế là có thêm tí thịt.

Theo kế hoạch của hắn thì sẽ dành toàn bộ khu đồi này để trồng thảo dược, như vậy sau này bọn họ sẽ thu hoạch được một khối lượng lớn.

Nhưng vợ chồng Bảo lão lại có một cái chum đựng đầy hạt đậu, đỗ các loại. Mà hiện giờ, thóc của bọn họ đã khá đầy đủ, vì vậy Bảo lão muốn trồng đậu đỗ với lý do, lương thực lúc nào cũng cần, còn thảo dược thiếu thì lúc nào cũng có thể vào rừng hái được.

Chính vì vậy mà sau một hồi tranh luận, cuối cùng hắn đành phải nghe theo hai vợ chồng Bảo lão. Cái đồi của bọn họ được trồng toàn đậu, đỗ... chỉ có một ít đất là được đem trồng thử mấy khóm cây thuốc.

Do thời tiết bắt đầu trở mát, thậm chí ban đêm còn hơi lạnh nên mấy cây trồng ưa mát này rất nhanh tươi tốt. Đến mỗi buổi chiều là bọn họ lại hì hục xách nước lên tưới cho rẫy đậu.

Lúc đầu, diện tích gieo trồng còn chưa lớn nên việc tưới cây không thấy vất vả. Nhưng sau khi diện tích gieo trồng tăng lên, việc xách nước liên tục trở thành một lao động nặng nhọc khiến hắn nghĩ ra một vấn đề, đó là làm thế nào để đáp ứng nước tưới được liên tục và đầy đủ.

Mặc dù dưới suối, nước lúc nào cũng sẵn nhưng nếu hàng ngày phải gánh nước tưới cây cho cái khuôn viên rộng chục mẫu thì quả thật đến sức voi cũng phải "ngồi sau nải chuối, ngắm gà khỏa thân" sớm.

Đó là chưa kể đến nhu cầu sử dụng nước trong hang. Bởi vì cái hang ở cao hơn so với con suối mấy chục thước nên hàng ngày bọn họ phải tranh thủ xách mỗi người vài chum để còn dùng nấu cơm, rửa tay chân và phục vụ cho cái "toilet" mà hắn cho dựng trước cửa hang.

Hắn cho rằng, việc xách nước không phải là một việc nặng nhọc, coi như tập thể dục hàng ngày vậy, nhưng làm thế nào tận dụng được sức nước chảy một cách hữu ích, từ đó có thể mang lại nhiều hiệu quả hơn.

Hắn nghĩ đến động cơ điện, nhưng thời đại này chưa có công nghiệp luyện kim nên hắn chưa thể chế tạo động cơ điện cũng như lợi dụng sức nước để xây dựng đập thủy điện.

Sau vài lần ôm đầu, ôm đít suy nghĩ, hắn quyết định copy mấy mẫu bánh xe nước mà trước kia hắn từng thấy trong phim ảnh, đây là loại bánh xe nước mà bà con các dân tộc miền núi ngày nay thường sử dụng.

Mất hai hôm, hắn vẽ xong bản thiết kế lên mấy tờ giấy mua được ở dưới thành và bắt tay vào chuẩn bị.

Đầu tiên, hắn hì hục mất mấy ngày để vác đá đắp ngang con suối tạo nên một cái đập cho nước dâng cao lên thành một cái ao lớn.

Sau đó, hắn vét một con mương để nước chảy qua chỗ đó, do chênh lệch độ cao nên nước chảy ào ào như một dòng thác. Như vậy, mỗi khi trời mưa lũ, nước hoặc cành cây có trôi xuống cũng sẽ tràn qua cái đập mà không chảy trực tiếp vào mương nên không sợ gây hỏng bánh xe.

Tiếp theo, hắn cùng Bảo lão vào rừng chặt mấy cây tre, nứa, bương, vầu... các loại và chẻ một ít lạt để buộc. Bọn họ hì hục mất chục ngày bên con mương mới dựng xong cái bánh xe nước đầu tiên.

Hắn còn mất thêm chục ngày nữa để tạo ra cả một hệ thống chuyền động bằng dây thừng rồi treo một loạt ống bương đã cắt sẵn một đầu vào đó.

Ở trên đỉnh đồi, hắn cho lắp một bánh xe nhỏ hơn được neo lên bằng mấy thanh tre, dây thừng sẽ được nối từ bánh xe lớn đến bánh xe nhỏ như kiểu dây cu roa chuyền động.

Như vậy, khi nước chảy sẽ tạo ra một lực đẩy vào cái bánh xe lớn khiến bánh xe quay, khi quay nó sẽ kéo theo đám dây thừng và hơn hai chục cái ống bương chuyển động theo, đồng thời các ống bương cũng được tự múc đầy nước.

Khi các ống bương theo dây dẫn chạy lên đến đỉnh đồi, một cái gạt tre nằm sát dây dẫn sẽ tự động gạt đổ các ống bương sao cho nước chảy xuống.

Sau đó ống bương rỗng sẽ lại tiếp tục theo dây dẫn chạy xuống bánh xe. Cứ thế, nước được múc lên liên tục cả ngày lẫn đêm không ngừng nghỉ.

Ngay trên đỉnh đồi, hắn cho đào đất tạo thành một cái bể chứa lớn và dùng đá cùng đất sét lèn chặt xung quanh để cho nước không ngấm vào lòng đất. Khi cái bể đã đầy, nước sẽ tràn ra theo các ống nứa rỗng chảy đến các rãnh ngang dọc khắp khu vườn. Hắn cũng chỉ cách làm luống và mương dẫn nước tưới cây cho đám người nhà Bảo lão.

Sau khi hắn làm xong cái bánh xe nước thứ nhất, có thêm kinh nghiệm, hắn làm tiếp cái thứ hai. Lần này, hắn làm hệ thống cấp nước vào trong hang.

Ngay tại miệng hang, hắn tận dụng một chỗ lõm của nền hang để tạo thành một cái bể ngầm, phía trên hắn lấy tre nứa xếp lên để phòng buổi tối, chẳng may đi vào lại trở thành "tắm tiên" bất đắc dĩ.

Còn phần nước thừa chảy ra ngoài bể thì hắn nghĩ đến giải pháp làm thêm một cái cối giã bằng nước. Kỹ thuật cũng được hắn copy từ thế giới cũ, tức là dùng một thanh gỗ to như bắp đùi được lắp trên hai cái trụ như bập bênh. Một đầu được lắp một thanh gỗ to và cứng, nặng tạo thành một cái chầy, đầu kia thì buộc một cái chậu nước bằng gỗ.

Khi nước tràn ra khỏi bể sẽ theo mấy cây nứa rỗng chảy xuống vào chậu làm cái chậu dần dần trở nên nặng hơn và sẽ hạ xuống làm một đầu chầy nâng lên cao, khi đến một độ cao nhất định, cái chậu sẽ nghiêng đi làm nước trong chậu tự chảy ra ngoài, lúc đó cái chầy sẽ tự rơi xuống đánh "rầm".

Nơi đầu chầy rơi xuống, hắn cho khoét nền đá nơi đó thành một cái cối đá tự nhiên. Do sử dụng bằng sức nước nên cái cối của hắn được làm một cách ngoại cỡ, ít nhất cái chầy của hắn cũng to tới 20 cm và dài cả thước, mỗi khi cái chầy rơi xuống là cả nền đất rung chuyển.

Ngoài ra, hắn còn dựng thêm ở đầu chậu một giàn giáo sao cho con người có thể đứng lên mà đạp chân xuống, phòng khi nước yếu mà sử dụng sức người. Việc đặt chầy cối, hắn cũng cân nhắc và quyết định đặt ở lưng chừng hang và lấy lá lợp để che mưa nắng tránh cho nước tràn vào trong cối.

Hắn dự định sử dụng cái cối vào nhiều mục đích, không chỉ giã gạo mà còn có thể giã thảo dược, giã bột, thậm chí hắn còn có dự định cho giã một số khoáng chất... để chuẩn bị cho các kế hoạch sau này của hắn.

Trong thời gian này, Bảo lão chăm chú theo dõi hắn làm việc. Lúc đầu, thấy hắn bê đá đắp đập, lão tưởng hắn rỗi hơi đắp ao... thả cá. Nhưng khi nghe hắn giải thích, lão cũng cảm thấy hứng thú với cái bánh xe nước này.

Vì vậy, lão ngoan ngoãn và chăm chỉ trở thành kẻ giúp việc không biết mệt mỏi.

"Chắc đây là một thành tựu của tiên giới". Lão thầm nghĩ như vậy.

Khi thấy cái bánh xe cao đến 4 thước bắt đầu quay và các ống bương đựng nước chạy kìn kìn lên đồi, lão thấy hay hay đến nỗi chạy như điên từ suối đến đỉnh đồi rồi lại chạy xuống suối, sau đó ngồi ngắm cái bánh xe cả buổi đến nỗi tới bữa ăn, cả nhà phải ra tận bờ suối gọi, lão mới chịu đứng dậy đi về.

Còn khi hoàn thành xong cái cối giã, lão hưng phấn đến nỗi lăng xăng đứng gần cái đầu chầy bị nó "chơi" cho một phát tím ngắt cả bàn chân, mặc dù đau đến nỗi... thót cả hai hòn lên cổ nhưng lão vẫn nhăn nhó cười.

Bảo thị thì khỏi phải nói, khi cái bánh xe nước đầu tiên hoàn thành, mụ thích chí đến nỗi khi ngủ còn mê nói lảm nhảm "ôi... a... nước, nước nhiều quá... nữa đi, nữa đi, ha ha...". Không những thế, người mụ còn giật giật như lên cơn động kinh.

Sau khi cái cối giã hoàn thành, đêm đầu tiên, mụ mon men ra sờ cái đầu chầy rồi gật gật, gù gù như ao ước gì đó. Sau đó mụ quay về hang bê cả đấu thóc bỏ vào cái cối, đến sáng sớm hôm sau mụ dậy thật sớm để xem gạo đã được giã xong chưa.

"Thật là tuyệt, đỡ phải... quai tay đến rã cả vai, có khi phải đi giã... thuê kiếm ít thù lao". Mụ tấm tắc nghĩ.

Qua việc chế tạo hai cái bánh xe nước, hắn nhận ra rằng, việc chế tạo không khó, chỉ cần ít tre nứa, gỗ lạt là xong, nhưng để cái bánh xe quay ổn định thì cần phải có dăm cái phụ tùng bằng sắt, nếu không chỉ vài tháng là trục của nó sẽ bị mòn và đổ sập xuống.

"Phải tìm cách chế tạo vòng bi". Hắn lẩm bẩm.

--------------------------

Dưới cái mái lá xập xệ trong khu vườn cuối bản, Mông lão đang cùng hai đứa con trai chừng 15 - 16 tuổi hì hục lắp đặt cái bễ lò mới. Ánh nắng chiếu lên tấm lưng trần đen nhẻm và nhễ nhại mồ hôi của bọn họ làm cho nó trở nên bóng như bôi mỡ.

Mông lão vốn mở một cái lò rèn, chủ yếu là rèn dao kéo và công cụ các loại kiếm ít thù lao. Cái nào cong, mẻ, cùn... cứ qua tay lão một lúc là lại như mới. Nhưng dạo này ít việc nên lão cũng nhàn rỗi, đành phải trồng tý rau, tưới tý phân như những gia đình khác.

Trước đây, lão vốn là thợ rèn trong quân đội chuyên môn rèn đao, kiếm và sửa chữa vũ khí. Chẳng may một lần rèn kiếm gặp tai nạn khiến cho một chân... ô hô. Từ đó, lão giải ngũ về quê.

Vốn chẳng biết làm nghề gì khác lại thêm tàn tật, không thể làm được công việc nặng nhọc nên lão đành mở cái lò rèn này kiếm ăn. Dù sao, trong mấy cái bản gần đây cũng chỉ có lò rèn của lão là "only one" nên chẳng có ai cạnh tranh.

Cách đây một tháng, bỗng có thằng cháu của lão thầy lang mò đến cái lò rèn. Hắn đưa ra tờ giấy có hình một vật lạ mắt thuê lão rèn, phải nói rằng cái vật này lão chưa thấy bao giờ nhưng công việc cũng không quá khó với một người có đến 20 năm thâm niên.

Cái cục sắt mà thằng nhóc gọi là "cuốc chim" đó cũng làm cho lão kiếm được mấy chục đô. Nhưng sau đó, lão cảm thấy việc kiếm được món tiền này không giá trị bằng những gì thằng nhóc đem lại.

Đầu tiên, hắn chê bai cái lò rèn của lão, nói rằng loại này lạc hậu, nung sắt cả ngày cũng không đủ "nóng" khiến lão tý nổi điên mà táng cho hắn một búa vào mặt. Hắn đâu biết rằng, kiểu bễ lò này là tâm huyết cả đời của sư phụ lão mới nghĩ ra được, vậy mà một thằng nhóc chưa mọc... lông chim mà dám dạy đời sao.

Vì vậy, trước khi đập búa vào mặt cái thằng đó, lão cho hắn một cơ hội xin lỗi. Nhưng thằng nhóc lại trịnh trọng vẽ ra đất vài kiểu lò rồi giải thích cho lão nghe những cái hay dở của mỗi loại khiến cho lão nghe mà cứng cả... lưỡi.

Thậm chí một lúc sau, lão còn tưởng đang nằm mơ nên định cầm búa... phang vào đầu... mình cho tỉnh táo lại.

Không những thằng nhóc vẽ ra mấy loại lò, nó còn bày cho lão lấy một tấm da to buộc túm lại thành một cái túi, rồi kẹp vào giữa hai cây gỗ để tạo thành một cái bơm khí.

Mỗi khi cầm hai cây gỗ ép lại thì không khí sẽ được thổi qua một ống tre thẳng vào bễ lò khiến cho lửa sáng rực lên.

Nhớ lại trước kia, mỗi khi lão há mồm thổi vào cái bễ lò, tuy cũng làm cho lửa bùng lên giây lát nhưng muội than và khói bay tứ tung, không những khiến mặt lão đen nhẻm mà hai mắt cũng phải nhắm tịt cả lại. Vì vậy, đám dân bản hay gọi lão là "Mông lão... lọ lem" khiến nhiều khi lão ức đến lòi dom.

Thế là lão biết mình gặp phải "cao nhân" trong nghề rèn, mà cao nhân thì không kể tuổi tác. Sau việc đó, lão sinh ra ái mộ thằng nhóc, thậm chí còn định bái hắn làm... sư phụ.

Những lần sau, lão còn khẩn khoản nhờ hắn chỉ bảo cách làm lò mới. Cũng may, hắn xởi lởi giảng giải, không những vậy, hắn còn hứa sau này sẽ giúp lão làm một cái lò thật lớn và cách luyện thép tốt.

Khi thằng nhóc dựng cái bánh xe nước đầu tiên, lão cùng với hai thằng con trai đến xem và giúp một tay. Thấy cái bánh xe quay tròn và nước cứ thế được đưa lên đồi kìn kìn, lão càng khâm phục trước sự sáng tạo và kiến thức kinh người của thằng nhóc trẻ tuổi kia.

Đến khi lão thầy lang còn cho biết đang được thằng nhóc dạy chữ thì lão rất là hâm mộ. Từ đó, lão bắt cả hai đứa con trai và mụ vợ hay cau có phải gọi hắn là "tiểu tiên sinh" để tỏ lòng kính trọng người có học.

Hôm nay, cái lò mới của lão đã hoàn thành, Mông lão "lọ lem" rất phấn khởi, lão đang định rửa tay gác ... búa thì thấy chó sủa ran ngoài ngõ như có trộm, lão liền quay đầu nhìn ra thì thấy "tiểu tiên sinh" đang thong thả bước vào.

"Ồ lá la, xin chào tiểu tiên sinh". Mông lão lớn giọng hô:

"Cơn gió nào đưa tiểu tiên sinh đến chỗ nghèo hèn này?".

"Ồ, Mông thúc cứ gọi cháu Tiểu Hoàng là được rồi, hôm nay cháu đến có việc nhờ thúc giúp đây?". Hắn cười vui vẻ.

"Tiểu Hoàng có việc gì cần ư? Được, lần này lão sẽ giúp miễn phí". Mông lão toét miệng.

"Ồ, không cần đâu, thúc cứ lấy tiền như mọi khi là được rồi". Hắn mỉm cười lịch sự.

"Không sao, không sao. Được giúp Tiểu Hoàng là vinh hạnh của ta, chỉ cần sau này, nhờ Tiểu Hoàng dạy cho hai đứa con ta học chữ là được. Học phí bao nhiêu, ta sẽ đóng cho hai đứa". Rồi lão lắc đầu than thở:

"Tiếc quá, đời ta đã già nên có được học cũng chẳng làm gì. Nhưng hai thằng con ta, bao nhiêu năm qua, ta luôn hy vọng được cho chúng học chữ nhưng không dám tìm thầy, bây giờ có Tiểu Hoàng là ta lại hy vọng rồi". Ha ha.

"Thúc không cần lo lắng thế, cứ đến mỗi tối, thúc cho hai người đến chỗ cháu mà học, cháu không lấy học phí đâu. Ha ha..." Hắn cười rất to khi biết có thêm người định học chữ.

"Thật không? Thế thì hay quá". Mông lão nở nụ cười rạng rỡ đến nỗi nhe cả hai hàm răng vàng đầy... bựa. Lão quay người nhìn về phía hai thằng con đang đứng há hốc mồm rồi quát:

"Tụi bây nghỉ tay bê bát trà xanh mời Tiểu Hoàng uống đê, còn đứng đấy làm gì".

Một lúc sau, trên căn nhà sàn của Mông lão, trước tấm giấy vàng vàng có một hình vẽ tròn tròn kỳ quái. Sau khi nghe Tiểu Hoàng giải thích, Mông lão trầm ngâm suy nghĩ:

"Từ trước đến giờ ta chỉ rèn dao kiếm hoặc vật hơi cong một tý là được. Còn hai cái vòng tròn này, ta chưa hình dung có rèn được không. Tuy nhiên ta sẽ cố, khó nhất là làm cho hai cái vòng đều phải tròn mà cái bé còn phải nằm lọt khít trong cái to".

Lão lẩm bẩm rồi giơ ngón tay trỏ đút ra đút vào... giữa hai ngón tay trái đang cong cong như hình chiếc vòng để minh họa.

"Thúc xem có thể đúc được không?". Hắn hỏi:

"Nếu như lấy đất sét nặn thành hình hai cái khuôn rồi để thật khô, sau đó nung chảy sắt ra rồi rót vào khuôn, ta sẽ có hai cái vòng thép như ý". Hắn giải thích tiếp.

"Ồ, nung chảy sắt ra ư? Ý tưởng rất hay, nhưng ta sợ nhiệt độ của lò không đủ làm sắt nóng chảy". Mông lão chậm rãi nói.

"Vậy, thúc đốt lò bằng cái gì, có phải bằng than củi không?". Hắn hỏi.

"Tất nhiên rồi, từ trước đến nay chúng ta vẫn dùng than củi". Mông lão trả lời.

"Hừ, than củi thì làm sao mà đủ nhiệt làm sắt nóng chảy. Cháu có cách dùng thứ này đốt lò, chắc chắn sẽ được". Hắn cười cười.

"Thứ gì vậy?". Mông lão ngạc nhiên hỏi.

"Máu... Quỷ, ha ha". Hắn cười lên rất to.

"Cái ziề?". Mông lão giật mình ngã ngửa ra sau đánh "bình" làm bốc lên tý bụi, lão chổng cả... một vó lên trời, thấp thoáng thấy cả..." xúc xích".


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro