Chương 28. Đường tới khổ sai

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 28. Đường tới khổ sai

Sớm hôm sau, khi mặt trời còn chưa lên khỏi mấy dãy núi, đám người đã lên đường.

Giữa đoàn người còn có 4 đứa trẻ tuổi thiếu niên bị trói chặt hai tay, trên cổ đứa nào cũng có một sợi dây như cái thòng lọng buộc đứa này với đứa kia, sau lưng chúng còn phải đeo một sọt thóc to như cái bướu.

Lò đại nhân hãnh diện ngẩng cao đầu đi trước đoàn người, thỉnh thoảng lão lại cao hứng ủng a ủng ẳng hát một điệu dân ca nghe như... chó sủa. Sau lưng lão, đám tráng đinh đứa nào đứa nấy cởi trần, tay cầm dao gậy, lưng đeo bịch thóc, hông chúng được buộc một đám cành lá rậm rì cho đỡ... phản cảm.

Hoàng Chân bị dẫn đi giữa đoàn người, thỉnh thoảng hắn lại chúi một cái khiến cho sợi dây thừng chẹn ngang cổ làm hắn tí ngạt thở. Đến khi mặt trời lên chính giữa đỉnh đầu, ánh nắng thiêu đốt kèm cái sọt thóc càng ngày càng nặng, khiến hắn lảo đảo như có thể gục ngã bất cứ lúc nào.

Nhưng điều đó càng làm hắn kiên định đi tiếp vì lí trí mách bảo cho hắn biết, chỉ cần ngã lăn ra là hắn có thể không bao giờ đứng lên được nữa.

Ngày hôm qua, khi cả nhà Bảo lão đang chuẩn bị ăn cơm thì một đám người hùng hùng hổ hổ xông vào, chúng không nói một lời mà trói nghiến hắn lại rồi đánh tới tấp khiến hắn tối tăm mặt mũi. Cả hai vợ chồng Bảo lão cũng bị chúng cầm dao, cầm gậy gí vào cổ khống chế.

Đến khi bọn chúng lôi hắn đi cùng với cối thóc, hắn chỉ còn kịp ra hiệu cho vợ chồng Bảo lão đem những thứ quan trọng giấu đi, phòng bọn chúng quay trở lại. Trong thâm tâm, hắn không hiểu thế nào mà bị bắt một cách đầy bất ngờ như vậy, nhưng chắc chắn việc này có liên quan đến sự việc đòi thu thuế lần trước của đám người Cắm trưởng lão.

Khi thấy đám người lạ mặt hùng hổ xuất hiện, cả nhà Bảo lão cũng ngớ người ra không biết làm gì. Thậm chí, khi thấy chúng lục soát lấy đi hai cối đá và bắt hắn đi, lão cũng tưởng chúng sẽ thả hắn ra sau khi đánh đập một trận dã man.

Vì thế, Bảo lão đã tìm cách lảng vảng gần nhà Phập trưởng bản để nghe ngóng. Mãi đến đêm vẫn không thấy hắn được thả, lão bắt đầu lo lắng và tìm cách giải cứu nhưng không thành vì chúng canh giữ rất nghiêm ngặt.

Đến sáng, thấy lão vẫn còn lảng vảng quanh nhà sàn, hắn đành phải dùng mắt ra hiệu cho lão không nên cố nữa, nếu không chẳng biết may rủi thế nào mà nhỡ bỏ mạng thì khốn. Vì thế, lão đành phải ngậm ngùi quay về.

Bản thân hắn cũng không biết rằng, sự việc hắn và mấy đứa trẻ bị bắt lần này lại liên quan đến một sự việc chẳng liên quan gì đến việc nộp thuế, chẳng qua đấy chỉ là cái cớ mà thôi.

Cuối cùng, khi đám tráng đinh bắt đầu lôi đám trẻ lên đường, bọn chúng mới lờ mờ hình dung rằng, chúng sẽ phải xa gia đình mãi mãi nếu như không còn sống trở về.

Đoàn người đi đến gần tối thì tới một cái làng khá lớn trong một thung lũng, nhiều mái nhà tranh xen kẽ nhau giữa những tán cây xanh cao vút.

Bọn tráng đinh bắt đầu mừng rỡ reo hò ầm ĩ khiến cho một số dân bản ùa ra xem. Nào là nam phụ, nữ ấu đủ cả, lại còn mấy cô thôn nữ trẻ tuổi, hông quấn da thú ngắn tun ngủn, hở cả mông lẫn đùi, ngực quàng một tấm da to cỡ bàn tay đủ để che đi hai quả anh đào còn đang chúm chím.

Còn đám tráng đinh thì rất hồn nhiên, chúng dường như không để ý đến việc "tiểu đệ" đang nấp trong đám lá, có lẽ chúng coi việc quấn khố và đeo lá là như nhau, thậm chí có tên còn mừng rỡ chạy đến bên một cô thôn nữ rồi... giậm chân chào, khiến cho cô gái đỏ bừng mặt mà chạy mất.

Đến trước một ngôi nhà sàn to nhất bản thì Lò đại nhân dừng lại. Lão nhảy phắt xuống ngựa rồi nhanh nhẹn chạy lên ngôi nhà, vừa chạy vừa cười ha hả.

Đám tráng đinh cũng tụ tập lại, theo lệnh của tên mặt khỉ, bọn chúng nhanh nhẹn hạ các bao thóc xuống xếp thành một đống.

Một lúc sau, giữa cửa của ngôi nhà sàn xuất hiện một lão già tóc bạc, hai mắt ti hí với khuôn mặt nhăn nhúm, hàng râu dê dài lởm chởm xuống tận rốn khiến cho người ta tưởng lão đang đeo một đám rễ cây khô. Lão già nhìn xuống đám người, ánh mắt lão lạnh lùng như mắt cú vọ làm cho đám người đang ồn ào lập tức im bặt, một lúc sau, bọn chúng lục tục quỳ xuống rồi hô to:

"Kính lạy Lò tù trưởng ạ, chúc tù trưởng bách niên giai lão, trẻ mãi... không già".

"Hừ, được rồi. Lũ chúng mày cứ lẻo mép, trông ta thế này mà bảo là... trẻ mãi không già à". Lão già nhếch mép cười quái dị:

"Tình hình đi thu thuế ở các bản thế nào?". Lão già nhìn xuống sân hỏi.

"Thưa phụ thân, đã thu đủ rồi ạ". Bóng Lò đại nhân hiện ra phía sau.

"Ừa, tốt lắm, chuẩn bị tập trung lương thực để mang đến chỗ Đại tù trưởng đi. Ồ, còn mấy đứa trẻ kia là thế nào mà chúng bị trói thế kia?". Lão già hỏi.

"Thưa phụ thân, chúng là con cái bọn dân bản định chống đối chúng ta, con cho bắt hết về đây, con có ý định... thế này...". Lò đại nhân tiến đến gần lão già nói nhỏ.

"Hả, hay lắm, một công đôi việc, vừa trừng trị bọn phản loạn, vừa không để Cao tướng quân có cớ bực mình". Lão già vỗ tay lốp bốp khen ngợi.

"Con còn định bàn với đệ đệ đi một lượt quanh mấy bản gần đây bắt thêm mấy đứa nữa, đành rằng bọn này còn nhỏ nhưng chúng không đến nỗi không làm được việc". Lò đại nhân tiếp tục nói.

"Ừa, ý tưởng hay đấy nhưng cũng không cần bắt nhiều, vừa đủ thôi kẻo dân chúng các bản phẫn nộ, dù sao thì chúng ta cũng ít người". Lão già dặn dò thêm.

"Vâng, con xin nghe lời phụ thân". Lò đại nhân cúi đầu.

Hoàng Chân cùng với hai anh em họ Mông bị bắt đến đây cùng với một thằng nhóc trạc tuổi hắn mà hắn chưa biết tên. Trong mấy ngày sau đó, bọn hắn bị buộc vào một gốc cây cổ thụ ở mé bản và lúc nào cũng có 4 - 5 tên canh giữ, cứ buổi sáng hàng ngày lại có một tên tráng đinh xách một giỏ cơm nguội và thùng nước đến cho bọn hắn ăn, uống.

Vệ sinh thì khỏi phải nói, tự do xả tại chỗ khiến cho không gian xung quanh gốc cây luôn luôn có mùi khó thở. Nhưng như vậy vẫn chưa là gì, đến buổi tối thời tiết trở lạnh và nhiều muỗi khiến bọn trẻ hầu như không ngủ được, chúng nằm rên hừ hừ và chỉ sau mấy ngày, đứa nào cũng sút mất mấy cân, trông phờ phạc bẩn thỉu.

Chừng mấy ngày sau, lại có thêm hai chục đứa trẻ rách rưới nữa bị đưa đến, đứa nào đứa nấy đều trong tình trạng bị trói gô cổ và đầy vết roi, gậy trên người. Bao nhiêu vết bầm tím to nhỏ dầy đặc, khiến từ xa người ta tưởng như chúng được vẽ hoa văn trên người kiểu "body paint" vì nghệ thuật. Thỉnh thoảng lại có tiếng rên rỉ vì đau đớn của một đứa khiến cho khung cảnh rờn rợn nghe như tiếng mèo hen giữa đêm khuya.

Vào một buổi sáng đẹp trời, đám thiếu niên khốn khổ bị lùa đứng dậy. Bọn tráng đinh tròng dây thừng vào cổ từng đứa một thành một hàng rồi chúng hò hét, lôi kéo đám trẻ lên đường, tất nhiên trên lưng đứa nào cũng phải cõng thêm một gùi gạo to tướng khiến lưng chúng oằn cả xuống.

Sau khi đi được hai ngày, bóng những dặng núi đã xa dần, không khí cũng bắt đầu trở nên oi bức mang đặc trưng của vùng đồng bằng. Thỉnh thoảng bọn họ lại nhìn thấy dăm cái bản sập xệ thấp thoáng với một vài cánh ruộng tiêu điều, khô khốc ven đường.

Đến chiều tối ngày thứ hai, bọn họ đến được ngoại vi thành Nam Sơn. Xa xa trông thấy bức tường thành đen sẫm lẫn vào bóng đêm với dăm tên lính canh trên mặt thành, từng cây đuốc lớn được chúng đốt lên lập lòe, di chuyển trong không gian như những đám ma trơi.

Đêm đó, bọn trẻ ngủ ngoài trời quanh hai đống lửa to được đốt lên bằng những cành cây, lá khô mà chúng vặt được xung quanh. Thời tiết này đã bắt đầu vào đông, ban ngày ánh nắng mặt trời còn khá nóng chứ đến đêm là lạnh ngắt. Bọn thiếu niên cởi trần không chịu nổi nên đứa nào đứa nấy phải nằm chen chúc, ôm lấy nhau nằm cho ấm.

Chúng còn phải vặt cả lá cây, cỏ dại phủ lên người để tránh sương đêm và muỗi đốt. Dù sao, chúng đều là con nhà nghèo nên việc ngủ thế này cũng là bình thường.

Cứ thế, đám người "đầu đội trời, chân đạp đất" mà tiến về phía trước, chỉ có điều chúng không phải là đám hùng binh khí thế ngút trời mà chỉ là một đám "yếu nhân" đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Theo mỗi bước chân chúng đi qua, những con đường đất đỏ đầy gai bụi và đá tai mèo lởm chởm lùi dần về phía sau cho đến khi khuất hẳn.

Năm ngày sau, đám người đã tới gần một ngôi thành lớn, tường thành sừng sững với nhiều tháp canh và hỏa đài, trên mặt thành, lính canh từng tốp từng tốp đi lại.

Mặc dù cao lớn như vậy nhưng tường thành cũng không che dấu được sự sập xệ, cũ kĩ của nó. Bên ngoài thành dây leo, rêu mốc, địa y mọc dày đặc, nhiều chỗ lộ cả đá xanh đá trắng và vô số lỗ thủng lớn nhỏ như hang chuột, hang sóc.

Nghe những tên tráng đinh nói chuyện, bọn trẻ biết rằng, chúng đã tới được ngôi thành cổ huyền thoại: Đại thành Giang Bắc.

Đêm đó, bọn trẻ ngủ ngoài thành, đến sáng chúng tỉnh dậy thì thấy một đứa bị chết vì tiêu chảy và mệt, nhưng con đường tới khổ sai còn tiếp tục.

-----------------------------

Trong ngôi nhà gỗ lớn ở giữa trung tâm thành Giang Bắc, một gã đàn ông chừng 30 tuổi mặc một chiếc áo choàng đỏ theo kiểu nhà binh, ngực đeo một miếng giáp đồng vàng bóng với hai cái tua rua đỏ trên đầu vai.

Khuôn mặt gã lạnh lùng, cương nghị, hai mắt sâu và cặp lông mày rậm rì, mũi cao làm nổi bật hàng ria mép đen nhánh, vểnh ngược sang hai bên làm toát ra một thứ quyền lực khó mà tả nổi. Gã oai vệ ngồi trên chiếc sập to giữa nhà và thỉnh thoảng đảo mắt sang đám người đang ngồi trước mặt.

Hai bên gã là hai hàng ghế nhỏ kiểu như ghế đôn, trên mỗi chiếc ghế đều có một người ngồi, chúng đều mặc áo choàng màu xanh lá cây giống y nhau kiểu quan binh, bên hông gươm đao lủng lẳng.

Theo phong cách, dường như tên nào cũng là chỉ huy của một đoàn quân lớn. Không khí trong ngôi nhà rất trầm mặc nhưng đầy vẻ uy nghi, tĩnh lặng.

Sau khi ngồi lạnh lùng một lúc lâu, cuối cùng gã áo đỏ bất ngờ đập mạnh tay đánh "chát" một cái xuống chiếc sập rồi nhăn mặt gầm gừ:

"Mẹ kiếp, bọn mọi tộc này định trêu ngươi bổn tướng quân chắc? Tiên sư chúng nó, đúng là một đám ma lanh, khôn lỏi. Lệnh cho chúng đưa người đến để đắp thành mà chúng đưa đến toàn trẻ ranh, có đám toàn bọn da nhăn nheo như cóc chết, trông cứ tưởng bảy tám mươi tuổi. Ngoài ra còn mấy đứa cụt chân, cụt tay, câm điếc, đứa nào đứa đấy gầy trơ xương, trông như một lũ ăn mày. Chắc chúng cho rằng chúng ta là trại từ thiện, hay chúng ta là đội bát âm chuyên đi chôn xác chết, thật là tức mình quá... quá... quá".

Nói đến đây, gã giơ tay đấm thùm thụp vào ngực như con khỉ đột bỗng lên cơn động kinh. Sau khi đấm một hồi mấy trăm phát, gã thở hổn hển rồi quét mắt nhìn lướt qua đám tướng lĩnh đang ngồi há hốc mồm phía dưới.

"Các vị có biện pháp gì không? Tình hình hiện nay rất căng thẳng, chiến tranh không biết nổ ra vào lúc nào, thế này thì chẳng nhẽ, chúng ta phải bỏ huấn luyện binh sỹ để điều động chúng đi đắp thành sao?".

Đám quan binh ở dưới im lặng một hồi lâu, cuối cùng một tên chắp tay đứng dậy nói:

"Cao tướng quân xin bớt giận, đành rằng là đám mọi tộc này rất xảo trá, nhưng dù sao chúng cũng không dám kháng lệnh tướng quân. Bộ tướng cho rằng, chúng nghĩ tướng quân mới được điều động về đây còn chưa hiểu hết tập tính của bọn chúng, kèm theo tướng quân lại là người rất... nhân nghĩa, không thể chém sạch đám người chúng đưa đến".

"Vì vậy, chúng chỉ điều người đến cho đủ số, còn chất lượng thì chúng coi như... không biết. Dù sao thì chúng ta cũng không thể nói với chúng là đám người này không thể lao động được". Ngập ngừng một lúc, thấy tên tướng quân không có phản ứng gì, gã lại tiếp tục:

"Bộ tướng cũng đã tự kiểm tra kỹ đám người do đám mọi tộc đưa đến, thì thấy có một số tên khá khỏe mạnh có thể lao động nặng. Còn lại những tên gầy yếu, nhỏ bé thì theo ý bộ tướng, tướng quân có thể điều chúng đi khai thác đá xây thành và điều đám dân binh khỏe mạnh ở nơi đó về đây, đồng thời chúng ta dùng lương thực để dụ dỗ dân chúng cùng tham gia đắp thành thì có lẽ sẽ hoàn thành đúng thời hạn được".

"Ý các vị thế nào?". Gã tướng quân áo đỏ quay đầu hỏi đám tướng lãnh phía dưới.

"Dạ, ý Tào bộ tướng đúng với ý của chúng hạ tướng ạ. Dù sao dùng bọn trẻ ranh tàn tật để đắp thành thì không ổn, chúng không đủ sức khỏe để khênh vác, lao động nặng nhọc, còn nếu để chúng đi khai thác đá thì có lẽ được vì ở đó, gầy yếu gì thì chúng cũng chỉ phải đục đẽo. Hai nữa, đám dân binh khỏe mạnh cũng là nguồn bổ sung binh lính khi chiến tranh lỡ xảy ra, để chúng đi khai thác đá thì hơi lãng phí". Một gã bộ tướng gần đó nói.

"Hừ, các vị có ý kiến gì nữa không?". Gã tướng quân áo đỏ hỏi tiếp.

"Dạ, thưa tướng quân, chúng hạ tướng đều đồng ý với suy nghĩ của hai vị bộ tướng ạ". Đám tướng lĩnh cùng đồng thanh.

"Được, cứ quyết định như vậy đi, sau đây các vị nghe lệnh". Gã tướng quân đập ghế đứng dậy.

"Lệnh Tào bộ tướng phụ trách việc điều động nhân lực đắp thành và khai thác vật liệu".

"Dạ, thưa tướng quân". Tào bộ tướng đứng lên chắp tay.

"Lệnh Lã bộ tướng phụ trách việc hậu cần, đảm bảo dự trữ cho quân binh và dân binh".

"Rõ. thưa tướng quân". Lã bộ tướng đứng dậy chắp tay.

"Các vị còn lại trực tiếp theo bổn tướng quân đi huấn luyện binh sỹ luyện tập chiến đấu".

"Rõ, rõ, rõ". Đám tướng lĩnh phía dưới cùng đứng dậy chắp tay.

-----------------------------

Sau khi được nghỉ ngơi hai ngày, sức khỏe bọn trẻ đã tốt hơn thì bọn tráng đinh trông giữ được phép quay về. Còn bọn trẻ, hầu hết chúng tưởng được ở lại trong thành nên không ít đứa tỏ vẻ hy vọng, liên tục thì thầm to nhỏ với nhau.

Nhưng đến ngày thứ ba, chúng vỡ mộng vì được lệnh tiếp tục lên đường, đích đến lần này là một mỏ khai thác đá. Bọn tráng đinh áp tải nay được thay thế bằng những tên lính cao lớn, tay cầm đao và roi, mồm liên tục chửi rủa, quát mắng liên hồi, khuôn mặt thì dữ tợn như quỷ sứ.

Lần này bọn chúng được sáp nhập với một đoàn hơn trăm đứa nữa thành một đoàn lớn. Trên lưng mỗi đứa, ai cũng phải vác thêm một gùi gạo to tướng, vừa là lương thực trên đường vừa là dự trữ mang theo khi đến mỏ đá, đứa nào không mang nổi thì những đứa khác phải mang hộ, cứ vậy chúng phải cắn răng mà lên đường.

Đầu tiên, chúng men theo một con sông lớn, sau khi đến một ngã ba có một nhánh sông nhỏ, chúng rẽ theo dòng sông nhỏ mà đi về phía tây nam. Đến tối, chúng được dừng chân nghỉ tại chỗ trong cảnh màn trời chiếu đất.

Đến đêm ngày thứ hai, có hai đứa trẻ bỏ trốn bị bọn lính đuổi theo bắt được, chúng đánh đập như điên khiến cho một đứa ngã gục xuống trong vũng máu. Nhưng bọn lính dường như cảm thấy sự trừng phạt còn chưa đủ, chúng dùng gậy đập thêm cho mấy cái vào đầu cho vỡ sọ rồi ném xác đứa trẻ xuống sông làm mồi cho cá.

Vì thế, trên suốt đường đi, không có ai dám bỏ trốn nữa. Đến chiều ngày thứ tư, đoàn người gặp một bãi cát bồi giữa sông, khu vực này nước khá cạn, chỗ sâu nhất chỉ ngập đến cổ.

Sau khi tổ quân binh dò đường sang đến bờ bên kia thì tên chỉ huy ra lệnh vượt sông, từng đứa một được dẫn đi thành hàng, đầu đội gùi gạo tiến sang bờ bên kia.

Trên đường vượt sông, nước sông lúc ngập đến chân, lúc đến cổ, vài đứa sơ ý tụt chân vào vũng lầy liền vấp ngã, cả người và gạo đều chìm nghỉm trong nước. Tuy không đến nỗi chết đuối nhưng sau một hồi cố gắng với sự lôi kéo của bọn lính áp tải, chúng cũng lên khỏi hố nước, nhưng đón chờ chúng không phải sự vui mừng của đồng đội mà là từng trận roi quất vun vút đến toạc cả lưng.

Sang đến bờ bên kia, đám trẻ lại được lệnh tập hợp để kiểm kê lương thực và người trước khi lên đường. Sang ngày thứ sáu, sau mấy ngày đi đường gian khổ, chúng đã tới địa điểm cần đến.

Đó là một công trường khai thác đá nằm ven một bờ sông lớn. Mỏ đá này gồm những dãy núi đá vôi lộ thiên cao hàng trăm thước, mặt ngoài núi lộ ra những tảng đá xám nham nhở, hòn to cỡ căn nhà, hòn nhỏ cỡ đầu người. Mỏ đá này gọi là mỏ Bạch Hạc, tương truyền trước kia có rất nhiều cò hạc trắng đậu trên núi sau khi đã bắt cá no nê dưới sông, vì vậy dân ở đây gọi dãy núi là núi Bạch Hạc.

Tại một chỗ dưới chân núi, có khoảng hai, ba trăm dân binh đang còng lưng đục đẽo đá. Tiếng đục đá, tiếng í ới quát tháo, tiếng chửi rủa và tiếng roi vun vút của bọn lính trộn lẫn với tiếng kêu la thất thanh của đám dân binh tạo thành một mớ âm thanh hỗn độn khiến cho không khí mỏ đá như trong một ngục tù.

Ở đây, do khúc sông thay đổi hướng chảy tạo nên một bãi cát rộng mênh mông được bao quanh bởi một bên là dẫy núi, một bên là dòng sông rộng lớn, trong vắt. Đây là một địa điểm lý tưởng cho việc tổ chức dân binh lao động, bởi chúng không thể trốn được đi đâu khi hai đầu bãi cát luôn luôn có bọn lính canh gác. Phía dưới mặt sông, chừng hai chục tên quân binh luôn đảo mắt canh cho đám thuyền đang chờ được chất đầy đá hộc để chở đi.

Sau khi được lệnh dừng lại, từng đứa một được xếp hàng rồi tiến vào một khu nhà kho gần đó để gỡ gạo xuống. Đây là một khu nhà gồm nhiều căn nhà được lợp bằng cỏ tranh, vách nhà dùng cỏ khô trộn bùn đất trát lên để phòng mưa nắng. Sau khi đã nộp xong lương thực, từng đứa một được đi ra rồi tìm một chỗ mà uể oải ngồi xuống chờ đợi.

Nhiều đứa quá mỏi mệt nằm lăn ra đất, mặc kệ mảnh đá và cát bám đầy lưng đầy cổ. Có đứa thì ngồi bóp hai bàn chân tóe máu vì đá cào trên đường, đứa thì ngồi gục đầu vào hai chân khóc rưng rức.

Đến tối, bọn trẻ được đám lính chia ra thành các nhóm rồi được dẫn tới khu lều tranh gần vách núi để chia thành các tổ lao động. Mỗi đứa được phát một ống cơm nấu trong ống nứa để ăn tối, còn nước uống thì đến các giếng nước gần đó mà múc. Sau khi ăn uống xong xuôi, chúng còn được tập trung lại nghe mấy tên chỉ huy đe nẹt, dặn dò công việc của ngày hôm sau rồi mới được đi nằm.

Đêm đó, Hoàng Chân được dẫn tới một túp lều tranh do một tên dân binh cũ làm đội trưởng, hắn cùng 9 đứa trẻ khác bao gồm cả anh em họ Mông và thằng nhóc chưa biết tên được bố trí ở đây.

Từ đó, cuộc sống khổ sai bất đắc dĩ của hắn bắt đầu.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro