Chương 48. Công xưởng thành tây

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 48. Công xưởng thành tây

Sáng sớm hôm sau, trời vẫn oi ả như hôm trước. Mặc dù nóng, nhưng đang là ngày hội chợ nên người người vẫn tấp nập đi lại, mua bán.

Tại khu phố phía tây thành.

Nơi đây là khu tập trung các cơ sở sản xuất, gia công hàng hóa của thành Giang Bắc, bởi vì quy mô của nó quá đồ sộ và không thể tìm thấy nơi nào khác trong các thành trì vùng Tây Long Quận nên nghiễm nhiên, mọi người đều coi đây là thế giới của công xưởng.

Vì vậy, các thương nhân kéo nhau về đây rất đông. Khắp trên đường, trong cửa hàng, đâu đâu cũng đầy tiếng chào hỏi, mặc cả, thậm chí cả tiếng cãi nhau, chửi bới đan xen khắp các khu phố.

Lý gia chủ là một lão già có trên 40 năm thâm niên trong nghề rèn, xưởng rèn của lão là một cơ sở sản xuất gia truyền không biết bao nhiêu đời nên quy mô không nhất cũng phải nhì trong nghề rèn thành Giang Bắc.

Trong xưởng luôn có tới hơn 300 thợ, hàng chục bễ lò rèn luôn đỏ lửa suốt ngày đêm. Tiếng đe, tiếng búa chan chát khiến ai mới bước chân vô cũng phải ù tai nhức đầu.

Ngoài việc sản xuất các hàng hóa thông thường như búa rìu, dao kéo, xoong chảo... Đại Lý Công Xưởng của lão còn rèn cả vũ khí cho quân binh và nhận một số hàng đặc thù cho khách, vì thế công xưởng cũng thuộc loại có số má, ít ai dám trêu chọc.

Mặc dù vậy, Lý gia chủ lại là người rất dễ gần. Lão là người cởi mở, luôn luôn ham học hỏi cái mới. Vì thế lão giao lưu khắp nơi, bằng hữu càng nhiều thì công việc lại càng thuận lợi. Thêm nữa, uy tín "không bao giờ sai hẹn" cũng khiến lão nổi danh không ít.

Do tính chất công việc như vậy nên Lý gia chủ cũng được mọi người ngợi ca là thông tuệ, lão chỉ cần búng ngón tay lên bất kỳ một tấm thép nào là phân biệt được ngay thép tốt hay không. Hoặc chỉ cần cầm bất kỳ món kim khí nào, lão cũng biết ngay được công dụng.

Giờ phút này, Lý gia chủ đang đứng trong công xưởng, hôm nay lão có một số đơn hàng phải trả cho khách.

Từ sáng sớm, lão đã đợi ở đây. Đáng lẽ việc này, lão chỉ cần giao cho tên quản lý là xong, nhưng vì thứ hàng mà khách thuê lại hơi đặc biệt khiến lão không nhận ra công dụng, vì tò mò nên lão đành đến sớm để hỏi.

Lão tần ngần đứng cạnh đống hàng, tay cầm một đầu thanh thép dài đến 3 thước, rộng cỡ bàn tay. Một cạnh lởm chởm như răng cá sấu, còn cạnh kia thì phẳng lỳ, ở hai đầu thanh sắt còn có tay cầm to như ngón chân cái.

Từ lúc nhìn thấy thanh sắt này, lão cứ băn khoăn tự hỏi, đây là cái gì mà lạ lùng đến vậy? Trông nó từa tựa như thanh đao, nhưng lại không có cạnh sắc mà lại lởm chởm đầy răng nhọn.

Thậm chí, lão còn cầm lên múa thử vài đường như múa đao, múa gậy nhưng phát hiện ra nó hơi nặng, lại mềm dẻo nên suýt nữa tự quăng vào đầu.

Ngoài ra còn mấy cái đĩa sắt tròn cái to cái bé, lởm chởm đầy răng, ở giữa lại có một lỗ vuông vuông và hai khối sắt đúc nặng trịch. Bảo là giống đe mà không giống, bảo giống đầm cũng không phải, không biết là để làm gì?

Mà cũng lạ, khách hàng là mấy người trông chẳng giống thương nhân, cũng không phải quan binh, khẩu âm lại hơi nặng như người man tộc miền núi. Nếu không phải bọn họ trả nhiều tiền thì lão đã chẳng muốn làm số hàng kỳ cục này.

Đang suy nghĩ miên man thì lão thấy mấy người khách đã đến ngoài công xưởng, gạt bỏ tính hiếu kỳ ra khỏi đầu, Lý gia chủ vội vàng chạy ra đón khách.

"Xin chào các vị, các vị đến lấy hàng phải không? Gớm, mấy món hàng này của các vị là cái gì mà ta đoán mãi không ra?". Lý gia chủ tươi cười nói.

"Chào Lý lão bản, hôm nay đúng hẹn chúng ta đến nhận hàng, hàng đã xong cả chứ?". Vị khách thọt chân, chống một cây gậy trúc lên tiếng.

"Đã xong, đã xong, mời các vị đến kiểm tra". Lý gia chủ chìa tay mời mấy vị khách vào trong sân.

Trong đám khách có một tên tuổi thanh thiếu niên có vẻ thông minh lanh lợi, hắn cứ nhìn ngó khắp các bễ rèn vẻ quan tâm lắm, Lý gia chủ bèn tò mò hỏi:

"Thế nào, chú nhóc? Có muốn đến xưởng rèn của ta học nghề không? Đảm bảo chỉ vài tháng là chú mày có thể rèn tất cả các loại dao kéo, đao búa, thậm chí cả kỹ thuật tôi thép cũng có thể học được. Ha ha, sau này tha hồ mà về bản mở lò rèn kiếm tiền nhé".

"À, cám ơn lão bản. Hiện giờ thì ta chưa muốn, nhưng sau này còn nhờ lão bản nhiều". Thằng nhóc cũng cười trả lời.

"Ha ha". Lý gia chủ cười to vẻ rất đắc ý.

Có biết bao tên muốn đến đây học, nhưng cũng đâu có dễ, ngoài học phí cao ngất ngưởng còn phải kéo bễ mỏi tay mấy năm chứ bộ.

"Ha ha, Lý lão bản đúng là có tấm lòng... nhân hậu, rất có tinh thần giúp ích cho người". Mấy vị khách cũng cười nói ha hả.

Lão thọt chân tiến tới đống hàng, sau khi cầm lên ngó nghiêng rồi thì thầm với những người xung quanh, lão gật gù rồi nói:

"Hàng được lắm, mời Lý lão bản kiểm tra lại tiền công nhé".

"A, vâng vâng. Đủ rồi, cám ơn các vị đã tin tưởng bản xưởng". Lý gia chủ sau khi đếm kỹ túi tiền do một vị khách đầu xù đưa cho bèn cười xởi lởi:

"Xin phép hỏi các vị, cái thanh thép lởm chởm răng này dùng để làm gì ạ? Ta nghĩ mãi mà không ra?".

"Ha ha, lão bản không biết là đương nhiên rồi, cái này chưa từng xuất hiện ở đâu". Lão thọt cười cười trả lời.

"Hô, cho hỏi, khí không phải. Thanh thép này có phải là một loại vũ khí mới không? Ta có cảm giác cầm cái này mà chém, đảm bảo đứt đầu người ta ấy chứ?". Lý gia chủ cười nói.

"Hả, Lý lão bản quả là có óc tưởng tượng. Cái này dùng để chém đầu chắc cũng được, nhưng nó dùng để cưa gỗ chứ không phải để chém người". Lão thọt ôm bụng suýt bật cười.

"Đúng vậy, đây gọi là lưỡi cưa mà. Hai người cầm hai đầu rồi tì vào thân cây gỗ, sau đó kéo đi kéo lại cho đến khi nào cây gỗ đổ xuống". Thằng nhóc cười giải thích.

"Hả, lưỡi cưa à? Lạ quá, đúng là ta chưa thấy bao giờ, chẳng phải người ta thường dùng rìu hoặc đao để chặt cây sao?". Lý gia chủ la lên.

"Việc đó xưa rồi, bây giờ chúng ta dùng cái này xẻ gỗ. Lão bản làm thêm cho chúng ta chục cái nữa nhá, để tháng sau chúng ta xuống lấy?". Lão thọt cười nói.

"Được thôi, giá cả vẫn như cũ, 200 đô một cái. Còn mấy khối sắt này để làm gì vậy?". Lý gia chủ cười cười, tay chỉ vào mấy khối sắt dưới đất.

"A, cái này là bệ máy cưa do chúng ta nghĩ ra ấy mà, có nói lão bản cũng không hiểu đâu". Thằng nhóc nhếch mép cười.

"Hở, bệ máy cưa à, đúng là không hiểu thật. Ta cứ tưởng cái này dùng để đầm đất, giống như mấy cục sắt bự mà đám dân binh dùng để đầm mặt thành ấy". Lý gia chủ gãi gãi đầu lẩm bẩm.

------------------

Tại một góc khác của thành tây, đây là khu vực sản xuất đồ gỗ.

Gọi là đồ gỗ nhưng thực ra ở đây không chỉ sản xuất đồ bằng gỗ như bàn ghế, giường tủ mà còn nhiều loại mặt hàng liên quan như xe kéo, kiệu hoa... quan tài, bệ thờ các loại.

Lỗ Gia Đại Công Xưởng là một khu liên hoàn lớn nhất khu vực này, nói đến đây, cả cái thành tây này, không ai là không biết.

Không chỉ có xưởng mộc to nhất thành mà Lỗ Gia còn có cả một đội quân xây dựng đông đến cả nghìn người chuyên khai thác, vận chuyển gỗ và xây nhà, dựng cửa. Ngoài ra còn một công xưởng đóng thuyền, có hàng trăm thợ giỏi và một đội vận tải gồm mấy chục xe kéo, chuyên chở hàng hóa thuê giữa các vùng.

Giờ này, ở cửa Lỗ Gia Đại Công Xưởng đang có 4 tên thợ hì hục đóng đóng, lắp lắp một cái kiệu hoa. Chúng vừa làm vừa cười đùa í ới, trong tiếng cười lẫn cả tiếng chê bai, dè bỉu các xưởng khác.

Nói đến kiệu hoa, Lỗ Gia cũng rất nổi tiếng, bởi vì các kiệu hoa nơi đây sản xuất ra hầu như rất tân kỳ và đẹp mắt. Kiệu thường được bọc vải hoặc gấm thêu, bên trong còn có đệm cỏ để ngồi.

Tùy theo yêu cầu của khách mà mỗi kiệu lại có một phong cách khác nhau, từ loại nhỏ 2 người khênh, đến loại lớn 8 người khênh cũng có.

Thậm chí có lần Lỗ Gia còn làm cả siêu kiệu cho hoàng gia, dùng đến 108 người khênh. Kiệu to như một căn nhà, bên trong có cả giường và lò sưởi, không những nhà vua ở trong đó mà còn thêm cả cung tần, mỹ nữ đến 36 người.

Vì việc này mà Lỗ Gia trở nên nổi tiếng, mà càng nổi tiếng thì các bậc đại phú gia hay công tử, công tôn đại thần, quý tộc hoàng gia đều càng thích dùng kiệu của Lỗ Gia đóng. Vì thế hàng năm, riêng khoản lợi nhuận từ kiệu đã đủ nuôi toàn bộ người làm tại tất cả công xưởng của Lỗ Gia rồi, chưa kể đến những nơi khác.

Mà không hiểu tại sao, người càng giầu thì lại càng thích dùng kiệu. Mặc dù trong số sản phẩm của Lỗ Gia có cả xe kéo, phía trên đặt một cái kiệu, nhưng người ta lại không thích dùng xe. Có lẽ ngồi xe nó xóc, nảy tưng tưng và không êm ái, rung rinh bằng kiệu. Cũng có thể, dùng người khênh vừa đi vừa hò hét nó oai hơn.

Ngoài ra, dùng kiệu là để thể hiện đẳng cấp chủ nhân. Gia chủ bình thường dùng 2 đến 4 người khênh, đại phú gia phải từ 6 đến 8 người. Đại quan hoặc công tôn đại thần, phải 12 đến 16 người. Quý tộc hoàng gia trở lên thì càng siêu việt, phải 24 người trở lên đến không thể đếm xuể.

Vì thế, đám thợ đóng kiệu của Lỗ Gia cũng cảm thấy kiêu ngạo khi đi ngoài đường chứ đừng nói đến gia chủ. Thậm chí nhiều lần, bọn chúng ngang ngược đánh đập thợ của các nơi khác mà không ai dám ho he.

Đôi lúc quan phủ lỡ bắt chúng, chúng lại dọa là đang bận phục vụ cho đại nhân vật nào đó khiến cho quan phủ cũng phải e ngại.

Nếu so sánh, Đại Lý Công Xưởng của Lý Gia nổi tiếng một thì Lỗ Gia Đại Công Xưởng còn nổi tiếng gấp mười lần. Bởi vì họ không chỉ cung cấp kiệu mà còn xây dựng nhà cửa, đóng xe, đóng thuyền cho hầu hết gia đình quan lại, đại phú gia của vùng Tây Long Quận này.

Đối diện với sự thịnh vượng của Lỗ Gia Đại Công Xưởng, bên kia đường là cái xưởng mộc xập xệ, thưa thớt nhân công của Tề Gia Mộc Xưởng.

Tề gia chủ, lão bản của xưởng đang ngồi buồn rầu đưa mắt sang bên kia đường nhìn đám thợ Lỗ Gia đóng kiệu.

Nói đến kiệu, Tề Gia Mộc Xưởng cũng chẳng kém Lỗ Gia bao nhiêu. Nhưng không hiểu sao, kiệu của Tề Gia đóng ra rất ít người mua, kể cả Tề gia chủ đã hạ giá xuống thấp nhất có thể.

Người ta chê chất lượng của Tề Gia hoặc họ sợ, dùng kiệu do Tề Gia làm ra không đủ đẳng cấp và danh tiếng. Vì thế, suốt mấy chục năm qua, Tề Gia Mộc Xưởng đành phải chuyển sang đóng xe kéo hoặc các đồ dùng khác cho tầng lớp bình dân.

Cũng vì vậy, thu nhập từ sản xuất của Tề Gia dĩ nhiên không thể so sánh với Lỗ Gia được. Trong xưởng mộc của Tề Gia thường thường chỉ có 30 đến 40 thợ xoàng, tính ra, thu nhập chỉ đủ trả lương cho người làm, còn gia chủ cũng không dư dả lắm.

Mà tức một nỗi, thỉnh thoảng Tề Gia có một tên thợ giỏi thì một thời gian sau, chúng lại chạy qua làm cho Lỗ Gia mất. Cuối cùng, Tề Gia vẫn chỉ toàn thợ xoàng.

Điều đó làm cho Tề gia chủ rất tức giận, trong thâm tâm, lão coi Lỗ Gia là cái gai trong mắt, cái đinh dưới mông, là nguyên nhân khiến Tề Gia suy sụp.

Nhiều lần, lão muốn sang chửi bới, gây sự hoặc thầm ném cho Lỗ Gia mồi lửa. Nhưng lão không dám, mà có dám cũng lực bất tòng tâm.

Vì vậy, hàng ngày lão đành giương mắt nhìn sang xưởng của Lỗ Gia. Nếu nói ánh mắt lão có thể giết người thì chắc giờ này, Lỗ Gia Đại Công Xưởng đã đầy xác chết, cả gà chó cũng không thoát.

Tề gia chủ đang giương cặp mắt đầy sát khí sang bên kia đường thì có tiếng nói oang oang làm lão giật bắn mình:

"Xin chào Tề lão bản, xe kéo của chúng ta làm xong chưa?".

Tề gia chủ vội vàng ngẩng đầu nhìn, hóa ra là mấy vị khách người dân tộc, đám người này đã đặt hàng lão hai cái xe kéo từ chục ngày trước.

"A, xin chào các vị... dân tộc, xe kéo của các vị đã xong từ hôm qua rồi". Tề gia chủ niềm nở.

"Ha ha, phiền Tề lão bản cho người kéo xe ra cổng, để chúng ta kiểm tra đi?". Lão thọt đứng đầu lên tiếng.

"Được được. Người đâu, kéo hai cái xe trâu trong xưởng ra đây...". Tề gia chủ quát to cho mấy tên thợ.

Đám người xúm xít kiểm tra hai cái xe kéo một lúc rồi lão thọt cười nói với Tề gia chủ:

"Tạm ổn rồi, đây là 10 lượng bạc, tương đương 1.000 đô tiền công, xin lão bản nhận cho". Ngay sau đó, một lão dân tộc đầu tóc bù xù đưa ra một túi vải.

Tề gia chủ sau khi đếm kỹ số bạc bèn gật gù cười với đám người:

"Các vị, lần sau cần thêm xe kéo, cứ đến bản xưởng nhé?".

"Không dám, không dám. Nếu không phải chúng ta cần thì đã chẳng đến xưởng của lão. Xe gì mà hai bánh như hai cái thớt gỗ, vừa kêu cót két, vừa kéo nặng trịch như đeo đá, chắc kéo về đến nhà là biến thành củi rồi". Lão đầu xù lầu bầu.

"Hả, thì tất nhiên tiền nào của nấy, nếu muốn nhẹ thì sang bên kia đường mua hai cái kiệu mà khênh nhé". Tề gia chủ tỏ vẻ cáu kỉnh chỉ sang Lỗ Gia Đại Công Xưởng.

"Hừ, nếu heo mà ngồi được kiệu thì ta đã đi mua rồi, đâu cần lão chỉ bảo. Đúng là mua được đàn heo giống lại tốn thêm tiền tậu xe để chở". Lão đầu xù to giọng, tỏ vẻ cũng không vừa.

"Cái zề, đứa nào vừa bảo mua kiệu của chúng ta để chở heo đấy hả?". Thấy mấy người bên này to tiếng, vừa chỉ chỏ sang Lỗ Gia, 4 tên thợ đang làm kiệu vội vàng chạy sang quát tháo.

"Không phải ta, là lão này". Tề gia chủ vội vàng chỉ về lão đầu xù.

"Mẹ kiếp, thằng già này dám bảo bọn ta đóng kiệu để chở heo hả? Các huynh đệ, cho nó một trận". Cả bốn tên liền xông vào đấm đá tới tấp.

Chỉ tội cho lão đầu xù, chưa kịp kêu lên thanh minh mồm đã sưng như quả ổi. Giữa quả ổi còn có tý tiết chảy ra ri rỉ, mặc dù đau nhưng lão vẫn kêu lên ầm ĩ:

"A, đau quá, dám vô cớ đánh ông à, mấy thằng hỗn xược. Để tý nữa ta mua kiệu của chúng mày về cho heo ỉa luôn nhá".

Đám người xung quanh vội vàng xông vào can gián rối rít, một lúc sau đám ẩu đả mới kết thúc.

Chỉ thấy ở giữa cổng Tề Gia Công Xưởng, có một lão đầu xù ngồi bệt trên đất, hai mắt tím như gấu mèo, mồm liên tục kêu gào đòi mua kiệu về cho heo... xả bã.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro