Chương 96. Chuẩn bị tới Kinh thành

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 96. Chuẩn bị tới Kinh thành

Trong ngôi nhà gỗ nằm giữa một nơi bí mật tại tiểu trấn Phượng Hoàng, có 3 người đang ngồi quanh một cái bàn. Cả 3 đều là thanh niên, tuổi chừng 16 - 18, ăn mặc khá giản dị trông không khác những người làm công trong tiểu trấn là mấy.

Nhưng người không thể nhìn bề ngoài, gỗ tốt không chỉ nhìn nước sơn. 3 người trẻ tuổi trông đơn giản này lại là những người sắp gây ra một hồi biến động đến long trời lở đất.

Sau khi ngồi trò chuyện một lúc, người ngồi giữa nói:

"Hai huynh đệ, sắp tới ta phải đến Kinh thành chừng 3 tháng theo lời mời của Thương Phủ. Ta đã trao đổi với nhị thúc, mọi người đều nhất trí giao cho hai huynh đệ quyền điều động nghĩa binh trong thời gian ta đi vắng. Nếu cần lương thực, quần áo thì gặp Bảo thúc để xin cấp. Còn cần vũ khí, tên đạn... thì đến gặp Mông thúc".

"Đã rõ". Hai người ngồi bên đều đồng thanh, tác phong rất nhà binh.

Người ngồi giữa lại nói:

"Ta đã cho sản xuất thêm vũ khí và tên đạn, quân trang. Ngày mai hai huynh đệ cho nghĩa binh mang về sơn trại, đồng thời cho họ tập bắn và huấn luyện một tháng. Sau đó, tiến hành theo 3 bước sau: Bước một, đưa nghĩa binh xuống núi phục kích trong rừng, tìm cách bắt sống hoặc tiêu diệt hết nhóm tráng binh hoặc thợ săn nào đi lẻ. Trong vòng 3 tháng, phải làm sao khiến binh lính của Lò tù trưởng hao hụt càng nhiều càng tốt".

"Rõ, thưa Trấn chủ". Hai người cùng gật đầu.

Người ngồi giữa lại nói tiếp:

"Bước hai, tìm cách bao vây cô lập và phong tỏa Lò Gia bản làm cho Lò tù trưởng phải co cụm lại, nhường quyền kiểm soát núi rừng cho chúng ta. Đến khi thời cơ chín muồi, ta làm... một phát".

Nói xong, người ngồi giữa giơ tay lên cổ làm điệu bộ như cắt tiết một con gà. Người thanh niên bên phải vội hỏi:

"Trấn chủ, hiện nay chúng ta đã đủ sức đánh thẳng vào Lò Gia bản. Với quân số và vũ khí mới thì chỉ cần một trận là lão Lò chạy... cong cả đít ấy chứ?".

Nghe thế, người ngồi giữa hơi nhíu mày, dường như suy nghĩ một lúc rồi nói:

"Nếu chúng ta bất ngờ đánh Lò tù trưởng, có thể lão sẽ thua chạy nhưng "chó cùng dứt dậu", biết đâu lão sẽ liều lĩnh. Mà quan trọng là nghĩa binh mới có ít vũ khí, còn chưa thành thạo chiến thuật nên dễ bị thiệt hại. Trên núi Quỷ, mặc dù chúng ta phòng thủ chặt chẽ lại chiếm nhiều địa lợi, thế mà vẫn tổn thất vài nhân mạng. Mà trong đó đều là huynh đệ tốt của ta, khiến ta rất đau lòng? Đó là chưa kể Lò tù trưởng sẽ chạy tới cầu cứu Đại tù trưởng, lão đó lại đem mấy ngàn quân đến đánh thì chúng ta biết làm sao?".

Hai người nghe vậy bèn cúi đầu, bộ dạng rất cảm động. Hồi lâu, người ngồi bên trái mới nói:

"Trấn chủ, nếu Đại tù trưởng đem quân đến, chúng ta lại chạy về núi Hắc Lĩnh phòng thủ...?"

Người ngồi bên phải phản bác:

"Nhị đệ, đừng có nói lung tung. Chỉ sợ lúc đó quân của Đại tù trưởng phong tỏa khắp nơi, chúng ta không còn đường mà chạy về?".

Người ngồi giữa gật gù phân tích:

"Đúng vậy, chưa đến lúc cần thiết, không được để Đại tù trưởng mang binh can thiệp. Ta cho hai người 3 tháng, coi như là huấn luyện nghĩa binh, đồng thời tìm cách tiêu hao đối phương, nhưng không được bức bách Lò tù trưởng quá khiến lão hóa liều hoặc chạy sang cầu cứu Cầm Đại tù trưởng, hiểu không?"

"Rõ, thưa Trấn chủ". Hai người cùng đồng thanh.

"Bước thứ ba, chờ ta từ Kinh thành trở về, lúc đó vũ khí, đạn dược đều được tăng cường. Hơn nữa lại vào mùa mưa, nếu chúng ta tấn công Lò Gia bản thì Cầm đại tù trưởng cũng khó đem quân cứu viện. Mà sang đầu năm sau, chúng ta đã kịp kiểm soát toàn bộ núi rừng, kể cả số dân và binh cũ của Lò tù trưởng cũng được ta chiêu mộ, vũ khí sẽ được cấp thêm, lúc đó quyết ăn thua với Đại tù trưởng cũng không muộn. Rõ chưa?". Người ngồi giữa hỏi tiếp.

"Đã rõ. Hai huynh đệ ta sẽ cố gắng hoàn thành 3 bước mà Trấn chủ giao phó. Phen này sẽ khiến lão Lò Côn ăn không ngon, ngủ không yên". Người bên phải nói.

Người ngồi bên trái suy nghĩ một lúc thì mỉm cười thì thầm:

"Ta nghĩ ra một kế này, hay là chúng ta giả vờ làm sơn tặc núi Hắc Lĩnh... đi cướp phá khắp các bản. Thế nào lão Lò Côn cũng đem quân đến cứu, lúc đó ta phục kích tiêu diệt dần... ha ha ha".

Người ngồi bên phải nghe thế thì vỗ đùi nói:

"Nhị đệ, ngươi đừng có lợi dụng việc giả vờ làm sơn tặc để cướp phá, bỏ túi riêng nha, nhất là không được cưỡng bức con gái nhà lành. Mấy hôm nay ta phát hiện thấy ngươi toàn liếc trộm bọn gái xuân, tối về lại hì hục làm cái gì mà giường kêu kẽo kẹt như xay lúa vậy? Phải nhớ lời Trấn chủ nói, cưa gái không được dùng sức mà phải dùng... cái đầu hiểu không?".

Người bên trái nghe thế thì mặt đỏ bừng chống chế:

"Đại ca, năm ngoái huynh cũng kẽo kẹt cả đêm, tưởng đệ không biết hả? Lần này chúng ta chỉ giả vờ đi cướp thôi chứ không phải là cướp thật. Ta sẽ giả vờ làm thằng Nhị đương gia chột mắt rồi vào các bản, đuổi hết dân chúng chạy về Lò Gia bản cho lão Lò Côn đau đầu chơi... "

"Ha ha ha...". Người ngồi giữa nghe hai người tranh cãi thì cười phá lên, lúc sau người đó mới căn dặn:

"Bây giờ hai người đi lĩnh vũ khí và lương thực đi. Nhớ huấn luyện nghĩa binh thật tốt rồi chuẩn bị xuất chiến. Mọi việc hai người đều phải tự quyết định, có gì khó khăn thì gặp nhị thúc bàn bạc...".

Sau đó bọn họ chia tay. Ngày hôm sau, tại bến thuyền phía đông tiểu trấn, một chiếc thuyền buôn nhỏ xuôi dòng sông về phía đại thành Giang Bắc.

5 ngày sau, trong công xưởng cũ kỹ tại cửa tây thuộc đại thành Giang Bắc, nơi đây vốn trước kia là xưởng đóng xe kéo của Tề Gia Mộc Xưởng. Tề gia chủ đang cùng một lão gia chủ khác cùng mấy người khách nói chuyện.

Vì khó khăn kinh tế nên Tề gia chủ đã bán cơ sở sản xuất này đi cho ông chủ mới, nhưng vì thiếu người làm nên ông chủ mới lại thuê luôn Tề gia chủ quản lý. Điều này làm Tề gia chủ cảm thấy rất hài lòng, tiền công vừa cao, vừa có thể học hỏi được kinh nghiệm mới, nhất là lão không lo thua lỗ như trước kia.

Đồng cảnh ngộ với Tề gia chủ là Thiết gia chủ, vốn là chủ xưởng rèn Thiết Xưởng tại thành tây. Trước kia Thiết gia chủ làm ăn cũng khá, thợ rèn lên tới cả trăm người, đất đai nhà xưởng rộng rãi cả chục mẫu. Mặc dù còn thua Đại Lý Công Xưởng nhưng tại đại thành Giang Bắc cũng có số má.

Nhưng sau đó, Thiết gia chủ bỗng đam mê nghiên cứu, sản xuất ra những thứ kỳ quái như dàn lưỡi cày đồ sộ do 18 con trâu kéo hoặc máy cuốc đất 24 lưỡi... Kinh dị hơn nữa, lão còn chế tạo cả... máy gặt đập thay con người. Tất nhiên những thứ này chỉ để trưng bày đến gỉ hoét mà không ai mua khiến cho Thiết Xưởng càng ngày tuột dốc.

Đến khi thua lỗ kiệt vốn thì Thiết gia chủ đành phải cay đắng bán đi toàn bộ gia sản để trả nợ, lão đã tính đường về quê chăn bò thì may thay, chủ mới lại thuê luôn lão quản lý phần xưởng cũ. Thế là Thiết gia chủ mừng rỡ ở lại với một mức lương khá cao kèm theo tỷ lệ % được hưởng trên lợi nhuận.

Điều khiến hai người này cảm thán không thôi chính là ông chủ mới, mặc dù rất trẻ chỉ cỡ 16 - 17 tuổi nhưng kiến thức lại phi phàm cùng tiền nhiều như nước. Chỉ cần bỏ ra 1 triệu đô là đã biến hai xưởng cũ kỹ thành một công xưởng mới bề thế. Hơn thế nữa, công xưởng này còn có cái tên líu cả lưỡi là Rôn Roi, không biết nghĩa là bỏ mẹ gì nhưng khiến ai cũng tò mò.

Nhưng chính sự độc đáo của ông chủ trẻ mới khiến hai lão này tin phục. Chỉ qua vài buổi nói chuyện, ông chủ mới đã nêu ra những điểm hay dở mà hai người đã làm, đồng thời chỉ ra cơ hội có thể thành công.

Thế là hai lão gia chủ này lập tức vứt bỏ hết mọi sĩ diện, mặt mũi, vui lòng và sẵn sàng làm việc cho ông chủ mới. Bởi vì không những họ được đối xử tử tế và có lợi, mà quan trọng nhất, họ còn được học hỏi rất nhiều điều trong nghề nghiệp.

Sau khi màn thăm hỏi xã giao đã qua, ông chủ trẻ bắt đầu nói vào việc chính:

"Hai lão gia chủ. Theo kế hoạch của ta, hai xưởng sẽ kết hợp với nhau để sản xuất những mặt hàng mà ta sẽ dự kiến. Ta biết từ trước, các vị thường sản xuất theo đơn đặt hàng của khách, điều đó khiến giá thành cao mà còn khó chuyên nghiệp hóa sản phẩm. Bên cạnh đó, việc khách hàng thay đổi mẫu mã thường xuyên cũng gây khó khăn cho các xưởng trong việc tái bố trí sản xuất và nhân công".

Hai lão gia chủ cùng gật gù, Tề gia chủ bèn nhận xét:

"Hầu hết các công xưởng đều như vậy, chúng ta cũng không có biện pháp. Trừ một số khách hàng đặt sản xuất với số lượng lớn như... Triều đình ra thì những đại gia cũng không bao giờ đặt hàng vào một xưởng nhất định, mà chia ra cho một số nơi cùng làm như đao, kiếm... xe chở lương...vv. Vì thế mà sản xuất của chúng ta luôn bị động, lúc thất nghiệp, lúc lại có đơn hàng làm không kịp... Cuối cùng, phải khéo léo lắm mới tồn tại được".

Thiết gia chủ cũng góp ý:

"Trước kia do những lúc hết việc, ta nghiên cứu làm những thứ quái lạ rồi cho nhân công sản xuất, mục đích là để chúng không ngồi chơi, hai là giữ người, ba là nâng cao tay nghề cho chúng như... cày do 18 con trâu kéo, bánh xe gắn 24 lưỡi cuốc đất... Nhưng do ta không nghiên cứu thị trường, sản xuất lại theo cảm tính nên sản phẩm không bán được. Cái bán được lại bị ăn cắp mẫu mã, rồi nhân công đem kinh nghiệm, bí quyết đi làm cho xưởng khác... Đến người nhà cũng chê cười ta, người ngoài thì gọi ta là... Hai Lúa. Cuối cùng, ta ngày càng thua lỗ, phải tuyên bố phá sản..."

Ông chủ trẻ nghe thế thì cười nói:

"Ta hiểu tình hình của các xưởng. Do đó, quyết định của ta là thay đổi tư duy truyền thống, tập trung nhân vật lực vào sản xuất hàng loạt một số sản phẩm đặc thù như đồ gia dụng, công cụ lao động, xe kéo... hoặc tạo ra những thứ khách hàng cần. Từ bây giờ, chúng ta sẽ chỉ cung cấp cho khách hàng những sản phẩm làm sẵn, hai vị thấy thế nào?".

Tề gia chủ nghe thế vội nói:

"Hoàng tiên sinh nên cân nhắc cẩn thận, bài học từ Thiết Xưởng rành rành ra đó, nếu sản xuất mà không bán được thì chẳng mấy chốc phá sản. Theo ý của ta, nên nghĩ biện pháp cải tiến sản xuất như... tiết kiệm bớt vật tư, hạ bớt lương nhân công... thậm chí bắt chước sản phẩm từ các công xưởng khác... Bên cạnh đó, phải có quan hệ tốt với quan chức để có được hợp đồng lớn... như vậy mới phát triển được..."

Thiết gia chủ cũng nói:

"Ngoại trừ biện pháp của Tề gia chủ ra thì ta thấy, trừ khi sản xuất ra những thứ có tính hữu dụng cao, lại ít kẻ làm nhái được chất lượng như hàng của Đại Lý Công Xưởng, hoặc độc quyền làm một thứ gì đó mà không kẻ nào cạnh tranh nổi thì mới có cơ hội phát triển. Nếu không, mọi ý tưởng mới mẻ đều đi vào ngõ cụt...".

"Ha ha ha..." Ông chủ trẻ tuổi thấy vậy thì cười rộ:

"Chẳng trách các xưởng không phát triển được vì luôn có tư duy lạc hậu thế này. Hai vị xem, đây là một số sản phẩm đầu tiên mà chúng ta sẽ chế tạo. Hai vị chỉ cần quản lý và bố trí nhân lực cho thật tốt, còn việc tiêu thụ sản phẩm... sẽ do ta chịu trách nhiệm".

Nói xong, ông chủ trẻ mở cái cặp vẫn luôn kè kè bên người rồi đưa ra một tập bản vẽ đặt lên bàn... cho hai lão xem. Vừa xem xong, Tề gia chủ sửng sốt nói:

"Hoàng tiên sinh, mấy bản vẽ này toàn những thứ rẻ tiền như dao, kéo, rìu, búa... lại có cả cày, liềm... xoong nồi, xô chậu và mấy thứ là lạ, chắc cũng là công cụ lao động. Ngoài ra lại có cả mấy loại... đinh và mấy thứ có vòng xoắn bên ngoài? Chẳng nhẽ Hoàng tiên sinh định cho công xưởng sản xuất những thứ này hay sao?".

Thiết gia chủ cũng ngạc nhiên, đưa tay lên sờ cằm hỏi:

"Ta tưởng Hoàng tiên sinh mua lại hai xưởng chúng ta để làm cái gì to tát chứ mấy thứ vặt vãnh này thì có gì là ghê gớm? Ở chợ cũng bán đầy rẫy...?".

Ông chủ trẻ nghe hai lão gia chủ hỏi thì cười phá lên nói:

"Hai vị đừng coi thường những vật dụng này nha. Tuy nó nhỏ lại rẻ tiền nhưng nếu buôn bán với khối lượng lớn thì lợi nhuận phi thường kinh khủng đó..."

Còn chưa đợi hai lão gia chủ phản ứng, ông chủ trẻ lại giải thích tiếp:

"Ví dụ như cái đinh này, có phải Tề gia chủ vẫn thường mua với giá 1 đô 5 cái không? Tổng cộng một chiếc xe kéo có mấy trăm cái đinh, chắc lão gia chủ cũng biết chứ? Vì thế, riêng tiền đinh cho một chiếc xe kéo cũng đã tới mấy chục đô rồi. Một cái nhà xây dựng lên sẽ là dùng bao nhiêu cái đinh...? Từ đó nhân lên số lượng đinh tiêu thụ hàng năm cũng không nhỏ nha".

"Điều đó là tất nhiên! Nhưng Hoàng tiên sinh cũng biết, sản xuất đinh là đơn giản nhất, bất kỳ tay thợ tồi nào cũng làm được, chỉ cần lấy một mẩu sắt rồi dùng búa đập vài phát là có thể tạo thành 1 cái đinh ngay. Vì thế mà những vật dụng này lợi nhuận không lớn, chỉ khi nào bất đắc dĩ không có việc làm, các xưởng mới cho thợ làm những thứ này để duy trì tồn tại". Tề gia chủ phản bác.

Thiết gia chủ thì trầm ngâm cầm một bản vẽ lên lẩm bẩm:

"Cái này rõ ràng giống cái đinh, chỉ khác thân nó lại có rãnh xoắn thôi. Cái đinh thì dễ làm, chỉ cần đập bẹt một tí sắt cho nhọn đầu là xong... Còn cái này khó rèn đây...?".

Ông chủ trẻ nghe Thiết gia chủ lẩm bẩm thì cười phá lên:

"Ha ha, hóa ra các vị chưa từng thấy thứ này, cái này gọi là cái đinh vít nha. Cách dùng rất đơn giản, xem đây..."

Nói dứt lời, ông chủ trẻ móc trong túi ra mấy cái đinh vít rồi cắm lên mặt bàn, sau đó lấy ra một dụng cụ mà ngày nay gọi là tuốc-nơ-vít ra rồi xoáy vài vòng cho nó xiên sâu xuống. Sau khi kết thúc hành động, ông chủ trẻ mới cười nói:

"Hai vị thấy dễ dùng không, nếu để hai tấm ván lên nhau rồi vặn cái này xuống sẽ bắt chặt hơn đóng đinh rất nhiều đó..."

Tề lão gia chủ thấy thế thì tò mò cầm lấy một cái vít lên xem xét, hồi lâu mới cười nói:

"Quả là sáng tạo, rất tiện lợi nhưng rèn cái này thì khó khăn còn gấp nhiều lần cái đinh. Ta nghĩ thứ này mà làm ra thì chắc ta cũng không dám mua chứ nói chi đến người khác..."

Thiết gia chủ cũng nhận xét:

"Đúng là có vẻ hữu dụng hơn dùng đinh thật, nhưng một cái đinh lại không cần thợ giỏi. Một người có thể rèn ra 50 cái đinh trong 1 ngày, giá trị khoảng 10 đô. Trừ đi các khoản chi phí, lãi 3 phần 10. Tổng cộng một tháng, người thợ có thể đem lại lợi nhuận chừng 90 đô. Trong khi đó, cái đinh vít này, ta e là một tay thợ giỏi cũng chỉ rèn được 10 cái 1 ngày, do đó giá thành sẽ cao gấp 10 lần cái đinh, sợ rằng không ai mua!".

Ông chủ trẻ nghe Tề gia chủ nói vậy thì hỏi lại:

"Theo ý của hai vị thì rèn đinh lãi 3 phần, còn lại 7 phần là chi phí. Nếu như chúng ta sản xuất ra cái đinh chỉ hết 2 phần chi phí, 1 người lại có thể sản xuất ra 5.000 cái đinh trong một ngày thì sao?".

Hai lão gia chủ nghe thế thì há hốc mồm ra tính toán. Một lúc sau, Tề gia chủ mới nói:

"Nếu được như vậy thì lãi khủng bố rồi, một người làm gấp 100 lần so với trước. Lúc đó chỉ cần giảm giá nhân công thôi là đã làm không kịp để bán...".

Thiết gia chủ thì lắc đầu nói:

"Nếu được như vậy thì công xưởng chỉ cần rèn đinh thôi cũng giàu to rồi, một nhân công cho 700 - 800 đô tiền lãi mỗi ngày. Mà một xưởng có 100 thợ, lại làm trong một tháng, riêng tiền đinh cũng đã có lợi nhuận chừng... hơn 2 triệu đô. Nhưng ta không tin một người thợ lại có thể làm gấp 100 lần..., đấy là chỉ nói vui thôi?".

Ông chủ trẻ nghe vậy thì cười hỏi:

"Vậy trước kia Thiết gia chủ sản xuất... cày 18 trâu kéo có tính đến việc nâng cao năng suất lên bao nhiêu lần không?".

Thiết gia chủ nghe thế thì cười ngượng nói:

"Ta chỉ nghĩ cách ghép 18 lưỡi cày vào một cái giá, cuối cùng cho 18 con trâu kéo chứ thực ra năng suất cũng không hơn cày lẻ. Có chăng chỉ là ít người hơn một chút..."

"Ha ha ha". Ông chủ trẻ cười phá lên rồi nói:

"Đó là vì các xưởng khi sản xuất đồ vật thường dùng cách thủ công, từ việc rèn một... con dao cũng cần tay thợ giỏi để đập búa, do đó chất lượng không đồng đều, mẫu mã lại cái to cái bé, sản lượng cả ngày chỉ rèn được vài chiếc khiến cho giá thành cao. Bây giờ, nếu như chúng ta cải tiến phương thức sản xuất, có thể làm ra hàng loạt vật phẩm có chất lượng như nhau, mẫu mã lại đồng nhất, sản lượng lại gấp trăm, giá cả lại hạ xuống thì thế nào nhỉ?"

Hai lão gia chủ nghe vậy thì cùng nói:

"Tất nhiên hàng hóa bán chạy như... tôm tươi rồi... E rằng không có đối thủ..."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro