Chương 97. Bắt đầu biến động

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 97. Bắt đầu biến động 

 Nghe hai vị gia chủ khẳng định như vậy, ông chủ trẻ cười phá lên, hồi sau mới trịnh trọng nói:

"...Ha ha ha. Trước mắt, hai vị cho nhân công tập trung sản xuất những thứ đơn giản này trước, gọi là để luyện tay nghề, đồng thời vẫn kiếm được ít tiền. Ta có một số mẫu máy công cụ, có thể giúp cho việc sản xuất được đơn giản hóa, hai vị cùng xem để bàn cách chế tạo, lắp đặt..."

Nói xong, ông chủ trẻ lại móc tiếp mấy bản vẽ nữa đưa ra, vừa chỉ vừa nói:

"Cái này là máy dập, dùng để thay đe, búa. Cái này là máy cắt... máy mài... máy tiện... máy khoan, máy ép... vv. Trước mắt đều dùng sức người vận hành, nhưng cũng rất đơn giản, chỉ cần đứng một chỗ rồi quay cái tay cầm này cho đều là được... Sau này, ta sẽ dùng động cơ, dây chuyền thay sức người để nâng cao năng suất..."

Sau khi giải thích chán chê cho hai lão gia chủ hiểu rõ sự hoạt động của các loại công cụ, ông chủ trẻ mới hỏi:

"Hai vị thấy thế nào? Việc này cũng không vội, cứ từ từ mà làm. Chỉ cần hai vị phối hợp thật tốt thì vài tháng nữa, chúng ta sẽ cho ra thị trường những sản phẩm đầu tiên, lợi nhuận cũng không nhỏ đâu...".

Sau khi suy nghĩ một lúc, Tề gia chủ mới ngập ngừng nói:

"Hoàng tiên sinh, đây là lần đầu tiên ta được thấy những công cụ như vậy. Nếu những thứ này mà áp dụng vào xưởng mộc của ta thì cũng rất hiệu quả. Đúng là gặp được Hoàng tiên sinh khiến ta được... mở rộng tầm mắt, rất cám ơn Hoàng tiên sinh đã gợi mở cho ta những kiến thức mới. Nhưng có vấn đề này, ta muốn Hoàng tiên sinh chỉ giáo cho?".

"Tề gia chủ cứ hỏi". Ông chủ trẻ cười nói.

"Hoàng tiên sinh, những kiến thức này quả là phi phàm. Nhưng có điều, không rõ ngài có biết không? Những máy móc, công cụ hay những vật phẩm mà ngài vẽ ra rõ ràng không thể rèn bằng búa mà phải được đúc bằng khuôn. Ví dụ như bệ máy này... nó là một cục sắt to tướng, để rèn nó thì phải dùng một khối sắt lớn rồi cho vào lò, sau khi nung đỏ lại gắp ra đe để rèn thì rõ là không khả thi... chỉ có đúc bằng khuôn mới được. Mà muốn đúc bằng khuôn thì không phải xưởng rèn nào cũng làm được...?".

Ông chủ trẻ không trả lời ngay mà quay qua hỏi Thiết gia chủ:

"Ý Thiết lão thế nào?".

Thiết gia chủ ngập ngừng rồi trả lời:

"Hoàng tiên sinh, đúng như Tề gia chủ đã nói. Việc làm những máy móc này không dễ, không phải chúng ta không đủ nhân công hay trình độ, mà là vấn đề năng lượng. Hoàng tiên sinh biết đấy, để đúc được sắt thì phải có lò nung đạt tiêu chuẩn, nhiệt lượng... Lúc đó mới có khả năng nấu chảy được sắt, mà chúng ta hiện không có lò nung nào như vậy. Bên cạnh đó, còn cần than tốt, mà than tốt vốn đắt, muốn nung chảy được sắt, cần đốt rất nhiều than..."

Nói đến đây, Thiết gia chủ cau mày rồi chậm rãi giải thích cho cả Tề gia chủ cùng nghe:

"Nói đến than tốt, đầu tiên phải chọn gỗ cứng chắc đem đốt trong hầm kín rồi ủ mấy chục ngày, sau đó mới cho thu hoạch, chưa kể tỷ lệ đạt được thường hỏng 5 mới được 5, do đó mà giá than tốt thường rất cao. Còn luyện sắt lại tốn than vô cùng, vì để có sắt tốt, lại phải tôi luyện nhiều lần. Do đó, từ xưa đến nay, các xưởng rèn đều sử dụng than thường để đốt khiến sắt chỉ đạt nóng đỏ, sau đó đem đập, dũa thành các sản phẩm. Còn những loại sắt thượng hạng như bảo đao, bảo kiếm... hoặc những loại đặc biệt thì sắt cần được nung chảy, sau đó pha thêm hợp kim mới thành..."

Thiết gia chủ nói xong thì Tề gia chủ cũng góp lời:

"Thiết huynh nói rất có lý, quặng sắt vốn rẻ nhưng chi phí luyện tốn kém khiến cho giá sắt thỏi khá cao. Đến khi gia công rèn dũa, còn đòi hỏi người thợ phải rất khéo tay mới làm ra được những sản phẩm tinh xảo. Bên cạnh đó, kỹ thuật luyện sắt vốn là bí quyết không phải xưởng rèn nào cũng có khả năng làm. Phải xây dựng lò đúng quy cách, phải chọn loại than tốt... thì mới luyện được sắt... Vì thế, mấy loại máy móc này chúng ta chưa đủ sức làm...".

Nhìn hai lão gia chủ có vẻ tiếc nuối, ông chủ trẻ khẽ cười nói:

"Ta hiểu ý của hai vị, tạm thời trước mắt cho xây dựng nhà xưởng, chuẩn bị công cụ cái đã. Chúng ta cứ chấp nhận chi phí cao đi, cái gì chúng ta tự làm được thì làm, cái nào không tự làm được thì...".

Nói đến đây, ông chủ trẻ bỗng ngâm nga:

"Không có việc gì khó...

Chỉ sợ tiền không nhiều...

Đào núi và lấp biển...

Không làm được... thì thuê".

Ông chủ trẻ vừa ngâm nga xong thì hai lão gia chủ vỗ đùi kêu lên:

'Hay... hay... hay, quả là chí lý, chí lý. Không ngờ tài văn chương của Hoàng tiên sinh lại... thâm thúy đến vậy?. Đúng là... không làm được thì chúng ta đi thuê, miễn là có nhiều tiền...".

Ông chủ trẻ nghe hai lão vỗ đùi khen thì cười híp mắt rồi nói tiếp:

"Tất nhiên không phải bất cứ việc gì chúng ta cũng thuê, nếu không thì lấy đâu ra lãi. Sau này, ta sẽ cung cấp cho công xưởng một loại than rẻ, nhiệt lượng lại cao khiến cho việc nấu chảy sắt dễ dàng. Bên cạnh đó, ta lại cung cấp cho các vị thép phôi chất lượng tốt. Lại chỉ cho hai vị cách làm thế nào để đơn giản hóa sản xuất, chế tạo hàng loạt để đạt chất lượng, ít sai sót, phế phẩm, mà không đòi hỏi tay nghề nhân công cao..."

Nói đến đây, ông chủ trẻ bỗng dưng nhấn giọng, vẻ mặt hết sức nghiêm túc:

"Chỉ cần hai vị phải hết sức giữ bí mật, không bao giờ được tiết lộ các bản vẽ này hoặc những thông tin quan trọng ra ngoài. Ta nghĩ rằng, nguyên tắc bảo mật hai vị đều tự hiểu. Ta không muốn một ngày nào đó phải xử lý hai vị hay những kẻ nào trong công xưởng dám tiết lộ những bí mật này..."

Tề gia chủ nghe thế thì vội nói:

"Điều này Hoàng tiên sinh an tâm, ta cùng với Thiết huynh sẽ cố gắng hết mức. Nếu để lộ ra không những ảnh hưởng tới công xưởng mà còn cả tới tương lai của chúng ta nữa, đúng thế không Thiết huynh?".

Thiết gia chủ thấy thế cũng nói:

"Lo lắng của Hoàng tiên sinh là đương nhiên, chỉ riêng việc luyện thép dễ dàng mà giá thành rẻ đã là một lợi thế quan trọng trong việc kinh doanh rồi, chưa kể đến những việc khác. Mà cái khiến ta lo lắng nhất chính là con người, nhất là nhân công. Hoàng tiên sinh chắc cũng biết, các xưởng rèn thường hay cài người vào chỗ đối phương, sau đó đánh cắp bí quyết khiến rất khó phòng bị... Vì thế, ta đang nghĩ đến một giải pháp bảo mật, đó là chia công xưởng làm nhiều khu vực, không cho qua lại lẫn nhau. Hai nữa còn giám sát nghiêm ngặt, ở những nơi quan trọng còn phải điều tra, phỏng vấn, khám xét..."

Ông chủ trẻ nghe hai lão gia chủ trình bày thì gật đầu tỏ vẻ hài lòng nói:

"Được, tạm thời như vậy đi. Sau này ta sẽ cho công xưởng sản xuất những thứ mới lạ khiến ai cũng phải giật mình. Thời gian tới, hai vị cứ để ý chỗ đất nào có vị trí tốt, địa thế thuận lợi thì báo ta để mua lại, chuẩn bị cho việc mở rộng công xưởng. Đồng thời xem ở đâu có khai thác quặng sắt thì hỏi luôn việc mua quặng..."

... Cuối cùng ông chủ trẻ kết luận:

"... Trong mấy ngày tới, chúng ta sẽ bàn việc phối hợp giữa hai xưởng. Khoảng 2 tháng nữa, ta sẽ quay lại đây, lúc đó hy vọng công xưởng mới phải được vận hành suôn sẻ... Trong thời gian này, hai vị phải hết sức tập trung xây dựng lại công xưởng, thuê mua máy móc, công cụ, tuyển chọn lại lao động. Sau này, ta sẽ cử người tới quản lý tài chính và giám sát sản xuất, an ninh cho công xưởng..."

Mấy ngày tiếp theo, ông chủ trẻ lại bận bịu một số nơi khác, tất cả đều là những cơ sở thất nghiệp đã được mua lại.

Cuối cùng, 5 ngày sau, ông chủ trẻ cùng với đội vệ sĩ chia tay mấy lão gia chủ rồi xuống thuyền đến Kinh thành.

Thời đại này giao thông đường thủy khá phát triển, người ta thường bố trí các thành lũy gần bến sông để tiện chuyên chở hàng hóa, buôn bán. Nhiều khi các bậc quân chủ còn cho đào các con kênh hoặc sông đào để thuyền bè dễ qua lại.

Còn đường bộ thì chưa có nhiều làn rộng như bây giờ, chủ yếu là các lối mòn do nhiều người qua lại, lâu dần thành đường sá nên nhấp nhô, cao thấp không đều. Đôi khi lầy lội hoặc phải vượt sông, vượt đò rất khó khăn.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi đến thế giới này, Hoàng Chân được đi xa đến như vậy. Hàng ngày vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn, hắn thường ra đầu thuyền ngồi ngắm cảnh sơn thủy hữu tình hai bên bờ sông.

Thế giới này hoang vu, cổ đại nên hai bờ sông đầy bụi lau sậy rậm rạp cùng những cánh rừng nhiệt đới bạt ngàn. Mặt sông đôi chỗ rộng thênh thang cả vài dặm, chỗ lại nhỏ hẹp nước chảy "ào ào" như thác.

Thỉnh thoảng lại có vài đảo nhỏ nổi giữa dòng, cây cối rậm rạp như rừng. Đôi khi hai bên bờ, bóng thú rừng xuống uống nước hàng đàn hoặc lúc nhúc cả trăm con cá sấu, thấy tiếng động trên mặt sông là chúng phóng xuống nước "ầm ầm".

"Thế giới này thật hoang sơ, hùng vĩ, chẳng kém gì sông Amazone Nam Mỹ...!". Hoàng Chân cảm thán.

Lần xuất hành này còn có gã Trình Đạt, chỉ huy đội vệ sĩ. Hiện nay, Trình Đạt đã cạo sạch bộ râu xồm trông mất thẩm mỹ như một bộ phận gì đó của con người và đầu tóc gã đã gọn gàng, ăn mặc nghiêm chỉnh trông rất anh tuấn, tráng kiện.

Hàng ngày, Trình Đạt thường lên mạn thuyền ngồi cảnh giới hoặc cùng hắn uống trà tán chuyện phiếm. Đôi khi bọn họ bắt chuyện với ông chủ hoặc bọn chèo thuyền để biết thêm thông tin về tình hình nhân sinh tại Kinh thành. Cũng nhiều lúc, hắn lại chui vào khoang thuyền viết vẽ lung tung các ý tưởng mới.

Con thuyền trôi theo dòng nước cả ngày lẫn đêm không ngừng nghỉ chừng 20 hôm thì tới được Kinh Thành. Từ xa, bóng hàng đàn thuyền to nhỏ trôi nổi theo dòng nước. Bến cảng rất rộng với hàng ngàn con thuyền buôn, thuyền cá đỗ san sát. Không khí trên bờ nhộn nhịp tấp nập, thật đúng là quang cảnh "trên bến dưới thuyền, ngựa xe như nước".

Trong khi Hoàng Chân đang ở Kinh thành thì tại vùng rừng núi xa xôi hơn ngàn dặm đã bắt đầu xảy ra biến động.

Trước căn nhà sàn to nhất Lò Gia bản, Lò tù trưởng mặt nhăn nhó như ăn phải thịt chó thiu đang nghe mấy mụ dân bản gào khóc.

"Ối giời ơi, Lò tù trưởng ơi... Bọn chúng cướp sạch lương thực của chúng ta, lại đuổi chúng ta đến đây. Chúng còn giữ con gái ta rồi bảo phải đem tiền và lương thực đến chuộc. Chúng còn hẹn chúng ta trong 5 ngày phải quay trở lại, nếu không chúng sẽ đốt sạch nhà cửa, giết sạch người...".

"Bọn chúng còn chửi những câu hỗn láo, nói Lò tù trưởng là cái... đinh, là đống... phân. Nếu ngài đem quân đến cũng không làm gì được...". Một lão dân ăn mặc bẩn thỉu cũng sụt sịt.

"Bọn chúng trông như thế nào? Có bao nhiêu tên?". Lò tù trưởng cáu kỉnh hỏi.

"Thưa Tù trưởng, khoảng hơn 10 đứa ạ, không rõ chúng ở đâu nhưng chắc chắn là cướp...". Mụ đàn bà lu loa lên nghe váng cả tai.

Lão già đứng bên cạnh Lò tù trưởng nghe vậy thì cau mặt quát hỏi:

"Bọn chúng ăn mặc thế nào? Có mang theo vũ khí gì như... cung nỏ không?".

"Dạ, bọn chúng ăn mặc rất lôi thôi, mang theo toàn đao với gậy, cũng không thấy chúng mang cung nỏ gì...". Mụ đàn à vừa lu loa vội trả lời.

Lão dân ăn mặc khá bẩn thỉu cũng vội nói:

"Tù trưởng, ta thấy có tên bịt vải đen che kín một bên mắt, cầm cái bồ cào giống như đang cào rơm vậy... Mồm hắn chửi toàn câu khó nghe như Lò tù trưởng là cái... Lon...".

"Hả... câm mồm...". Cả Lò tù trưởng và lão già đang đứng trên lan can đều quát toáng lên. Mịe kiếp, đúng là bọn sơn tặc núi Hắc Lĩnh rồi. Mà tại sao lại có tên chột mắt cầm bồ cào ở đây nhỉ? Nghe nói gã Nhị đương gia đó đã chết từ lâu rồi cơ mà?

Cả Lò tù trưởng và lão già đứng bên cạnh đều cảm thấy mờ mịt, đầu đầy sương mù dày đặc như trên đỉnh Tuyết Sơn. Nghĩ ngợi một lúc, Lò tù trưởng phất tay quát:

"Người đâu, đưa dân chúng đến cuối bản đi. Sau đó lấy lá cây lợp tạm mấy túp lều cho chúng ở rồi để chúng ở đó. Hừ! Sơn tặc ta cũng mặc kệ, không hơi đâu mà quản".

Dứt lời, Lò tù trưởng quay người đi vào trong nhà, lão già đứng bên cũng đi theo. Lò tù trưởng vào đến giữa nhà thì hỏi lão già đi sau:

"Tam đệ, đệ thấy chuyện này thế nào? Ta cảm giác có chuyện bất thường...?"

Lão già kia nghe hỏi thế bèn trả lời:

"Huynh trưởng, theo mô tả của dân chúng thì chắc là bọn sơn tặc núi Hắc Lĩnh rồi. Nhưng theo đệ biết thì sơn trại của chúng đã bị phá hủy, tên trại chủ cũng đã chết ở tiểu trấn nọ. Không rõ tại sao vẫn còn tên Nhị đương gia chột mắt này? Chắc là gã chạy được vào rừng rồi đói quá đi ăn cướp mấy bản của ta...?".

Lò tù trưởng nghe thế thì có vẻ gật gù, nhưng hồi lâu bỗng hỏi lại:

"Nhỡ không phải là bọn sơn tặc mà là bọn phản loạn ở núi Quỷ thì sao? Ta cứ thấy nghi ngờ thế nào ấy? Nhỡ chúng mang theo... vũ khí kia?".

Lão già được gọi là "Tam đệ" nghe hỏi thế thì hơi trầm ngâm rồi phân tích:

"Theo đệ nghĩ thì không phải, bọn phản loạn thường không đi cướp của dân bản, nếu phải cướp thì chúng chỉ cướp kẻ giàu thôi chứ không thèm cướp của dân nghèo. Vả lại, không thấy chúng mang theo cung nỏ hay vũ khí gì... đặc biệt, trừ một cái bồ cào?".

Lò tù trưởng nghe "Tam đệ" nhận xét thì gật đầu rồi nói giọng vô cảm:

"Thôi kệ cha đám dân bản, chúng ta không có thời gian đi cứu giúp. Bây giờ trong rừng đang bất ổn, vừa có cướp lại có cả bọn phản loạn. Mấy ngày nay thợ săn, tráng binh không trở về rất nhiều nên chúng ta cứ lo phòng thủ Lò Gia bản thì hơn..."

Hai lão già bèn ngồi xuống sàn nhà uống trà, hút thuốc lào cho đời oi khói. Bỗng có tiếng bước chân chạy "rầm rập..." trên cầu thang rồi một cái đầu có đôi mắt ánh bạc ló ra, kẻ vừa đến hét toáng lên:

"Phụ thân, lại có thêm dân bản chạy đến đây. Lần này là toàn bộ dân chúng ở bản phía nam... Bọn họ nói là bị cướp..."

"Cái ziề, sơn tặc lại đi cướp xa như vậy sao? Thôi, kệ cha bọn chúng, vào đây làm điếu thuốc lào cho tỉnh táo đầu óc đã".

Hai lão già đang hút thuốc lào ngửa mặt kêu lên, hóa ra đây là 3 người Lò tù trưởng, Lò lão tam cùng gã Lò Tôn mắt ánh bạc như mắt cá ngão kho tộ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro