CHƯƠNG III: THƯỢNG ĐẾ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vì chúng tôi tuyên bố rằng việc có Thượng-Ðế là nguyên-lý đầu tiên trọng đại nhất của chúng tôi, nên chúng tôi phải định-nghĩa Thượng-Ðế là gì. Ðã bao lâu người ta lạm-dụng chữ này, một chữ rất cao cả. Chúng tôi ráng mang hai chữ Thượng-Ðế ra khỏi những giới-hạn hẹp hòi do sự vô minh của con người kém tiến-hóa tạo ra để vây quanh lấy nó. Chúng tôi ráng trả lại cho hai chữ này cái ý nghĩa đẹp đẽ mà những vị giáo-chủ đã qui-định cho nó, mặc dầu ý nghĩa này còn thấp kém hơn sự thật vô cùng. Vậy thì, chúng tôi sẽ phân biệt một mặt là Ðức Thượng-Ðế, Sự Sống Vô Tận Vô Biên, với một mặt khác, sự biểu lộ của Sự Sống Vô Tận Vô Biên này là một Vị Thượng Ðế hiện ra đặng mở mang và điều-khiển một vũ-trụ. Người ta chỉ áp-dụng danh-từ << Một Thượng-Ðế có nhân cách tính >> cho sự biểu-lộ thiêng-liêng đã bị hạn chế ấy mà thôi.

    Thượng-Ðế tự bản thể Ngài, vượt ra khỏi mọi ranh giới của mọi nhân cách tính. Ngài ở trong mọi vật và ở khắp mọi nơi. Thiệt ra Ngài là tất cả, và nói về Vô Tận, nói về Tuyệt Ðối, nói về Vô Cực, chúng ta chỉ có thể thốt ra lời này mà thôi: << Ngài có thật >>. Nhưng, về những nhu cầu của thực-tế, chúng ta không cần lên cao hơn sự biểu-lộ huy-hoàng của Ngài: ấy là Ðức Thái-Dương Thượng-Ðế của chúng ta, một nguồn thần-lực chi phối tất cả mà những triết-học-gia gọi là Logos. Nghĩa chữ << Logos >> không quá cao siêu, không vượt quá xa cái trình độ hiểu biết của ta như chữ << Tuyệt đối >> vậy.

  Tất cả những gì mà người ta nói về Thượng-Ðế, mang ra áp-dụng vào Ðức Thái-Dương Thượng-Ðế, đều đúng cả “lẽ dĩ nhiên là phải loại trừ những quan-niệm phỉ-báng gán cho Ngài những thói xấu trần gian". Nhưng tất cả những gì đã được nói về Ðại Từ, Ðại Bi, về Ðức Minh-Triết, Quyền Lực Tối Cao của Thượng-Ðế, về sự toàn năng toàn trí của Ngài, về sự Ngài hiện diện ở khắp mọi nơi vân vân… tất cả những điều đó đều đúng với Ðức Thái-Dương Thượng-Ðế. Chính là << Chúng ta sống, hoạt động và hành động nơi Ngài >> và [dù điều này có vẻ lạ lùng đến đâu chăng nữa]- đó không phải là một từ-ngữ nên thơ, mà là một thực-sự rõ ràng khoa học. Vậy mỗi khi chúng ta nói đến Thượng-Ðế thì cái tư-tưởng đầu tiên của chúng ta là phải qui về Ðức Thái-Dương Thượng-Ðế vậy.

  Chúng ta không có cái hi-vọng mơ hồ rằng: Có lẽ Ngài có thiệt. Tôi nói thêm: Sự ta tin-tưởng Ngài không có tính cách một tín-điều, chúng ta biết một cách đơn giản rằng có Ngài cũng như ta biết rằng mặt trời chiếu sáng, vì đối với bất cứ một nhà suy tầm nào đã có thần nhãn vì nhờ sự luyện tập, thì Sự Sống Hùng Mạnh (tức là Thượng-Ðế) quả có thực. Không phải là khi tiến đến một mức nào trên đường tiến-hóa của nhân-loại thì chúng ta có thể trực-tiếp thấy Ngài, không phải vậy đâu. Nhưng có một sự hiển nhiên không sao chối cãi được là ảnh hưởng và những ý muốn của Ngài bao vây xung-quanh ta, bắt ta phải phục tùng mỗi khi chúng ta nghiên-cứu cõi vô hình nó thiệt là cái cõi cao-thượng nhất của thế-giới mà ta hằng biết đây.

   Tới đây, chúng ta cần phải giải nghĩa một tín-điều chung cho mọi tôn-giáo là Ba Ngôi.

  Tuy một độc-giả thường không sao hiểu được những tín-điều mà chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh vào điểm này, ta phải nhìn nhận rằng điểm đó sẽ trở nên đầy ý vị và sáng lạn một khi người ta biết rõ được cái ý-nghĩa thiệt thọ của nó.

  Theo như cách Thái-Dương Thượng-Ðế tự biểu lộ ra với chúng ta thì chắc chắn Ngài là Ba Ngôi mà vẫn chỉ là Một. Tuy nhiên, theo như những tôn-giáo từ lâu đã dạy chúng ta về điều này_ và ở những cuốn sách mà tôi sẽ kể ra đây_ người ta sẽ tìm thấy lời giải nghĩa của sự mà thoạt tiên ta tưởng là huyền-bí này, tùy theo với cái trình-độ của trí khôn nhân-loại ở giai-đoạn tiến-hóa hiện giờ có thể lãnh hội được.

   Thượng-Ðế ngự trong chúng ta cũng như ở ngoài chúng ta, hay nói một cách khác, con người đồng bản chất với Thượng-Ðế. Ðó là một chơn-lý trọng đại nữa. Ða số những ai mù quáng về những điều vượt ra khỏi cái thế-giới ngoại cảnh ô-trược nhất này, có thể nghi ngờ điều đó. Nhưng đối với người nghiên-cứu cái phương diện cao siêu của đời sống, chơn-lý này hiện ra với một sự chắc chắn tuyệt đối. Chúng ta sẽ nói về sự cấu-tạo con người và những bản thể khác nhau của y trong một đoạn dành riêng cho chơn-lý trọng đại thứ nhì.

    Tôi chỉ cần nói ở đây rằng vì nguồn cội bản thể ta là Thượng-Ðế nên chắc chắn rằng bất cứ ai, chóng hay muộn, cũng sẽ đi lên tới mức Thượng-Ðế vậy.

         THIÊN-CƠ

     Có lẽ không một định-lý nào của chúng tôi được những trí-thức bậc trung chấp thuận một cách khó khăn hơn là điều qui-kết thứ nhất của chơn-lý đầu tiên. Khi chúng ta quán xét qua những sự xảy ra trong đời sống hàng ngày, chúng ta thấy bao nhiêu phong ba bảo táp, bao nhiêu buồn tủi đau khổ, đến nỗi chúng ta tưởng chừng như điều ác đang thắng điều thiện. Hình như không thể nào sự rối ren hiển hiện lại thuộc về một sự tiến-hóa được xếp đặc một cách khôn ngoan. Tuy nhiên, sự thực đúng là như thế đó. Và người ta có thể dẫn chứng chắc chắn về sự thực này một cách dễ dàng. Muốn thế, chỉ cần bước ra khỏi cái đám bụi hồng mà ta làm cho tung bay lên khi ta chiến đấu gay go với thế-giới bên ngoài, và cần xem xét mọi vật tự ở một tầng cao hơn, tựa vào một sự hiểu biết chu đáo hơn và tựa vào sự an tỉnh của nội tâm.

   Lúc đó, cái sự vận chuyển thiệt thọ của bộ máy đời phức tạp sẽ lộ rõ ra trước kia, người ta đã tưởng rằng những làn sóng ngược chiều của sự ác vượt thẳng lên trào lưu của sự tiến-bộ, nhưng vể sau người ta thấy rằng những làn sóng ngược chiều này chỉ là những xoáy nước không đáng kể, những cơn gió lốc nhỏ ở mặt nước, nơi đó một vài giọt nước hình như muốn đi ngược lại cho tới nguồn của con sông. Nhưng con sông này, mặc dầu những sự biểu-lộ bề ngoài vẫn tiếp tục chảy êm đềm tới đích đã định, mang theo cả xoáy nước và những cơn gió lốc nhỏ; cũng như thế, cái giòng tiến-hóa vĩ-đại vẫn bền bĩ chảy theo lộ trình của nó, và những điều mà ta coi là những giông tố kinh khủng, thì thiệt ra chỉ là một dợn sống nhỏ trên mặt nước. Ông G.H.Hinton trong những bài << Thi Ca khoa học >> của ông (cuốn I, trang 18 và 21 ) đã diễn tả một cách rõ ràng một thí dụ tương tự để chứng thực chơn-lý này.

      Vì có một sự công bằng tuyệt-đối điều-khiển mọi việc ( chơn-lý thứ ba của chúng ta dạy phải thế ), và như vậy, dù ta ở hoàn cảnh nào ta cũng nên biết rằng thiệt ra chỉ có một mình ta đã tạo ra chúng mà thôi chớ không ai vô đó. Nhưng thế cũng chưa đủ, ta có thể tin chắc chắn rằng dưới sự tác-động của những định-luật về sự tiến-hóa, tất cả mọi sự đều được xếp đặt để dành cho ta những phương-tiện tốt nhất làm phát-triển những đức tính cần-thiết cho ta. Rất có thể rằng cái địa-vị của ta hiện giờ không phải là địa-vị mà ta vui lòng ưng chọn, nhưng nó thích đáng với công lao tài cáng ta, tùy theo ta đáng được hưởng những gì ( nó thường bắt buộc ta phải chịu những nỗi khó khăn thực sự ), địa-vị này thích-hợp nhất với những sự tiến-bộ mà ta phải thực hiện. Ðời sống có thể dẫn dắt ta đến trước đủ mọi nỗi khó khăn, nhưng những trở lực này chỉ có một mục-đích là dạy cho ta cách vượt qua và để làm phát triển nơi ta lòng can đảm, sự quả quyết, sự kiên-tâm, tánh nhẫn nại, nói tóm lại, những đức tính mà ta còn thiếu. Thường thường, người ta nói đến những sức mạnh của thiên nhiên như là chúng hùa nhau mà làm hại con người. Thiệt ra, nếu những người đó chịu khó suy ngẫm, họ sẽ hiểu rằng, trái lại với điều họ tưởng, tất cả đều được tính toán kỹ càng để giúp họ lần lần tiến lên cao.

        Vậy nếu thiên cơ có thiệt thì nhiệm-vụ con người là phải ráng hiểu cái cơ đó. Ðiều này tưởng khỏi cần chứng-minh nữa. Hãy xét về một vấn-đề có tính cách ích lợi cá nhân: ai sống dưới ảnh hưởng của một vài điều-kiện nào thì phải tìm cách làm cho quen thuộc với những điều-kiện ấy, đó là việc đáng làm hơn hết. Nhưng một khi con người không còn tuân theo những lý do ích kỷ nữa thì bổn phận y lại càng được ấn-định rõ ràng hơn nữa, con người phải thấu hiểu thiên-cơ với mục-đích là cộng tác với cơ đó một cách hiệu-quả.

      Chắc chắn là Thiên-Cơ đó có định rằng con người phải cộng-tác vào đấy một cách khôn ngoan một khi trí-thức y được khá mở mang để hiểu cơ Trời và một khi y được khá tiến-hóa về đức hạnh để mong muốn giúp đời. Thực ra, Thiên-Cơ thực là huyền-diệu thật là tốt đẹp đến nỗi khi ta đã được chiêm ngắm một lần, ta không làm sao mà lại không dành hết năng-lực của mình mà cố gắng trở thành một người của Thượng-Ðế, mặt dầu cái công việc mà ta đảm nhận nhỏ bé đến đâu.

     Muốn biết rõ hơn về những vấn-đề này xin đọc những cuốn << Gia-tô giáo bí truyền >> ( Le Christianisme ésoterique) và cuốn << Minh-Triết Cổ-Truyền >> ( La Sagesse Antique) của bà Besant, v.v

  MỘT BÀI HỌC CỦA ÐỜI SỐNG

<< Khi tôi lần lần tiến bước trên đời và khi mắt tôi trông được rõ hơn,

<< Thì tôi học được rằng, với mỗi một sự vô trật tự lộ liễu có ẩn tàng nguồn rễ của sự công bình.

<< Rằng mỗi nỗi đau khổ đều có một mục-đích, mục-đích này thường chẳng bao giờ kẻ đau khổ có thể ngờ tới được.

<< Chắc chắn như buổi bình-minh hiện ra với mặt trời, tất cả những gì xảy ra đều là hoàn hảo.

<< Tôi biết rằng chắc chắn như bóng tối đi theo đêm, mỗi hành-động tội lỗi phạm ở đâu mặc dầu, một ngày kia sẽ bị trừng phạt, dù thời gian bị phạt xa xôi đến thế nào.

<< Tôi biết rằng một đôi khi linh-hồn được giúp đỡ bởi sự đau khổ của đáy lòng.

<< Rằng muốn tiến-hóa thì phải đau khổ nhưng những sự gì đã xảy ra đều là tốt cả.

<< Tôi biết rằng người ta không thể thấy một sự nhằm lẫn nào trong cái Thiên-Cơ vĩ đại bất diệt.

<< Rằng mọi sinh vật đều cộng-tác với hạnh-phúc rốt ráo của nhân-loại.

<< Và tôi biết rằng khi linh-hồn tôi lên cao hơn nữa để tiếp tục sự học hỏi vĩ đại vô tận của nó,

<< Thì tôi sẽ nói lên, khi ngoảnh mặt ra phía sau mà nhìn lên địa-cầu của chúng ta rằng:

<< Tất cả những gì xảy ra đều tốt lành cả >> ( Bài thi không tên tác-giả đăng trong một tờ báo Huê-Kỳ).

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro