Chương 3.2: Hoa hướng dương

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Hưng hả mày? Vô đây ca vài bài nghe chơi."

Tiếng kêu đánh thức Hưng khỏi giấc mộng được dệt từ nắng mật.

Đầu óc Hưng trống rỗng, nó nhớ lại bóng lưng của Quý, rồi cứ đi xung quanh trong vô thức. Giờ mới mười hai giờ trưa, mẹ nó chưa đi làm về, chỉ có ba thôi, nó sợ về nhà bị đánh.

Thôi, đi hát vài câu cho khuây khỏa tâm hồn.

"Ui thằng Hưng!"

Mấy cụ thấy Hưng bước vô thì vui lắm, vỗ tay quá trời.

Chỗ này là nhà văn hóa của xã, nên người già hay tụ tập đàn hát, kể chuyện tâm tình với nhau. Hồi Hưng còn nhỏ, tụi con nít khoái chạy ra đây ngồi nghe lắm, có nhiều bữa ngồi tràn kín sân, phải leo lên cả hàng rào để coi văn nghệ. Có điều niềm vui ngắn chẳng tày gang, bọn trẻ bắt đầu bị dụ dỗ bởi những thứ khác, vô tình bỏ quên nơi đây.

"Lâu rồi mới thấy thằng Hưng nha!"

Lần cuối Hưng ngồi đây, nó mới hát được có một bài, ba nó đã chạy tới nắm đầu nó lôi về nhà trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Hình như đợt đó nó mới học lớp năm, vừa đi thi giải hát trên tỉnh về.

"Ca bài nghe chơi mày!"

Ông Bốn lên tiếng, rồi cười sằng sặc. Nghe nói hồi còn trẻ ông hay vác đàn đi ca khắp tỉnh, lần nào ca xong cũng được người ta cho tiền, cho nhiều lắm, đếm cả đêm chưa xong. Ông hay vác theo bên mình cây đàn ghi-ta cũ, lâu lâu lại cầm cái đài phát nhạc có từ hồi chiến tranh. Hưng hay ráng chúi người qua cửa sổ, nghe ông ca vọng cổ ở quán nước gần nhà.

"Thôi đi! Ông có mấy bài suốt ngày đòi hoài! Cháu tui được đẻ ra đâu phải để ca mấy chuyện tình lâm li bi đát của ông, thằng nhỏ phải hát mấy bài thật là hào hùng, vậy mới đúng!"

Lần này là bà Hai, hồi trước làm trong đoàn văn công thị xã. Bà thích nhất là hát nhạc cách mạng, về đất nước hay về con người, mà không chỉ nhạc Việt đâu, còn có cả nhạc của Hồng quân Liên Xô nữa. Hồi tiểu học Hưng hay chạy theo hỏi bà chuyện chiến tranh ngày xưa, nhưng chưa lần nào bà kể hết. Bà nói là nó ngựa quá, rồi kêu nó hát đi, hát xong bà sẽ kể. Kết quả lần nào cũng y như nhau, nó hát tới khản cổ, bà Hai cười, nói đi lấy nước cho nó uống rồi biến mất tiêu.

"Bậy bạ! Ca cổ đi con!"

Ông Bốn không chịu, thế là hai người quay sang cãi nhau.

"Thôi hai người im hết! Lâu lâu thằng nhỏ mới ra đây chơi!"

Lần này là bác tổ trưởng. Nghe bác nói xong, mọi người đều gật gù, cho là có lý.

"Hưng muốn hát bài gì cứ hát đi con!"

Một người khác dúi chai nước cho Hưng, kêu nó lấy thứ đó làm mi-cờ-rô hát.

"Cho con xin cây đàn với." Hưng quay qua ông Bốn, khoanh tay xin cây đàn để đánh, "xin phép mọi người con hát."

Thật ra Hưng vẫn không biết nên hát bài nào. Thường thì nó sẽ hát theo yêu cầu của mọi người, chưa có ai kêu nó hát theo ý mình hết, kể cả lúc ngồi dưới sân trường, hay trong thư viện, Quý ôm đàn ngồi đối diện, cậu đều yêu cầu nó hát theo bài cậu muốn.

Cuộc trò chuyện bắt đầu bằng câu hỏi: Hưng hát bài này được không? Quý đưa cho nó một trang tập có ghi nốt với lời, việc của nó cần là hát theo, hát xong, Quý cảm ơn nó, kèm theo nụ cười tươi thiêu đốt tim Hưng. Quý làm nó cảm thấy nghẹt thở, nhắc nhở nó rằng nó còn đang sống. Người ta yêu thích ai hay thứ gì đó, cũng là một cách để cho thấy lòng lưu luyến đối với cõi tạm bợ này.

"Tuổi nào như lá vàng úa chiều nay..."

Hưng nhắm mắt lại, cố nhớ lại cách Quý bấm hợp âm. Cậu có chỉ nó bấm vài lần, trong những đoạn khi Chi Lan không ngồi ở đó. Ít dịp như vậy lắm, bởi Quý toàn chọn chỗ có Chi Lan để ngồi đàn. Đàn hát xong xuôi, cậu sẽ chạy thẳng đến chỗ Chi Lan ngồi hỏi han, Hưng ngồi lại bậc thềm, nhìn cây đàn, rồi lại nhìn hai đứa.

Cậu hay yêu cầu nó hát nhạc Trịnh, đặc biệt là những bài nhạc tình buồn (cậu kể chúng được viết trong thời gian ông nhạc sĩ phải yêu xa, nên chúng hơi não nề).

"Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may..."

Lần gần đây nhất hát bài này, Hưng đã không thể hát hết bài. Bởi lẽ nó chỉ hát vì Quý muốn vậy. Quý chỉ muốn có người hát bên cạnh, khi cậu đàn.

"Tuổi nào ngồi khóc tình đã ngàn thu..."

Hưng hát sai lời. Lời đúng phải là nghìn, nó biết, nó hay cố tình hát sai. Quý muốn bài hát phải thật chỉn chu. Theo lời cậu nói thì từ ngàn sẽ làm giai điệu bị bè ra, nghìn nghe có độ chắc, cảm xúc hơn nhiều. Lần nào hát sai nó cũng bị Quý nhắc nhở hết. Mà vậy cũng tốt, ít nhất Quý nói thêm với nó được vài câu, chứ không chỉ dừng lại ở cười, cảm ơn rồi thôi. Quý chờ đến hết bài, quay sang:

"Hưng sai rồi, là nghìn, nghìn á, không phải ngàn đâu. Hên cho Hưng là Hưng hát hay nên mới nghe được đó!"

Tim Hưng rung lên, ngơ ngác.

Tiếc cái, Quý không nhờ Hưng hát cho nó đàn bài này nữa. Hình như nghe bi lụy quá, Chi Lan thấy không hợp. Nhỏ không nói thẳng, chỉ lắc đầu khi được Quý hỏi cậu đàn hay không. Nắng đậu lại trên bậc thềm, cậu vội chạy về phía Chi Lan, cố chen vào cuộc trò chuyện hiếm có. Cậu để lại nó ngồi đó cùng cây đàn, ngơ ngác nhìn theo bóng lưng cậu đi mất.

"Tuổi nào thôi hết từng tháng năm mong chờ..."

Hưng nhớ nó đã nhảy xuống khỏi ghế, định chạy theo Quý, nhưng cuối cùng lại thôi. Nó không thể chen vào giữa cuộc trò chuyện được, nó đâu là ai đáng để quan tâm. Đầu hè, vậy mà hoa phượng rơi đầy đất, nhuộm đỏ cả khoảng sân, hình như nó cũng vô tình nhuộm cả tâm tình của Hưng, cả cõi lòng mang màu buồn hiu.

Một tuần sau hôm ấy, Quý tỏ tình với Chi Lan, không biết là để làm gì nữa. Cậu mong chờ lời hồi đáp từ nhỏ, như cách nó mong chờ lời hồi đáp từ cậu, có khi còn mãnh liệt hơn nữa. Lúc ấy, Đại Nam và Chi Lan còn chưa quen nhau, phải một tháng sau đó cơ.

Hưng thấy mình và Quý giống nhau lắm, cả hai đều tự biến mình thành hoa hướng dương, gửi gắm hạnh phúc của bản thân vào điều giả tưởng, không bao giờ thành sự thật.

Còn lâu Chi Lan mới đồng ý Quý. Còn lâu Kim Quý mới đồng ý Hưng.

Bởi vậy, nên hai đứa mới ngồi hát, ngẩn ngơ, đi tìm hình bóng của bản thân trong bài nhạc tình buồn của ông nhạc sĩ nổi tiếng hay viết nhạc buồn.

"Hưng đang thích nhỏ nào hả mày?"

Ông Bốn nhân lúc mọi người không để ý, nói nhỏ với nó.

"Con..."

Hưng ú ớ, cố nghĩ ra câu trả lời hợp lý.

"Sao? Hay mày thích con trai?"

Nó nghe vậy liền giật mình, hơi rén. Giờ chối thì kỳ lắm, nhưng mà nói ông Bốn nó thích con trai còn kì hơn nhiều.

"Ngại hả?" Ông Bốn vỗ vai nó, cười phá lên, "có thích là được, ha? Giờ có thích thì gật, không thì thôi."

Hưng khịt mũi, lắc đầu. Kể cả khi ông Bốn hỏi vậy, nó cũng không dám nhận.

Dạo này Hưng khùng hơn lúc thường, nó hay tự hỏi nó thích Quý thật hay là đùa cho vui thôi. Nó nghĩ mãi mà không trả lời được. Hưng không tự dưng hỏi đâu, Chi Lan hỏi nó trước. Lúc đó cả đám đang ngồi chơi với nhau, nhỏ quay qua hỏi nó. Câu hỏi bất ngờ quá, Hưng đơ ra, rồi đáp lại chứ sao. Hai từ ngắn gọn thôi, giết chết luôn cuộc trò chuyện.

"Vậy hả tui tưởng Hưng giỡn."

"Tui không có giỡn đâu."

Câu hỏi vô thưởng vô phạt, Hưng nghĩ bình thường thôi, có ai ngờ giờ nó lại tự hỏi bản thân như thế.

Hưng thích Quý, nhưng đồng thời cũng ghét cậu nữa. Tim nó vẫn đập nhanh mỗi khi đứng gần cậu, có điều cảm giác khác lắm. Giống như hồi nãy, Quý ngồi cạnh nó, khác với Quý mà nó từng nhìn theo.

"Hồi nhỏ, cái lúc mà ông còn ở trên thị xã á, ông có thích cô gái nọ gần nhà." Ông Bốn hay kể chuyện lắm, bà con cứ than phiền về việc ông cứ buồn miệng là tóm một người ngồi gần kể, có nhiều lúc mọi người sửa soạn dọn dẹp thì ông mới ngừng, "ông mê lắm, hi hi. Cô ấy đẹp mê hồn, mấy cô đào trong đoàn cải lương thua xa."

Hai ông cháu, người kể người nghe, cứ thế tự tách ra khỏi đám đông đang ca hát bên cạnh.

"Con trai mới lớn mà, cứ thấy gì đẹp là thích. Mày cứ tưởng tượng cổ như là ngôi sao nổi tiếng vậy á, ai biết là mê. Thời đó nghèo lắm, mà đứa nào cũng ráng tích góp tiền để mời cổ đi ăn là mày hiểu."

Ông Bốn nhìn xa xăm, càng kể lại càng lún sâu vào hồi ức. Hưng bị kéo vào trong đó, chứng kiến thằng cu Bốn ngày ngày đạp xe đạp chạy qua căn nhà dưới đồi, kiếm cớ đi hái hoa sim để gặp nàng thiếu nữ trong mộng. Trai ở thị xã phóng khoáng hơn nhiều, đám đó ghét cậu lắm, vì cậu nhìn nghèo mà lại được nàng thơ trò chuyện cùng, nên cứ canh để đánh hội đồng cậu.

Giờ nhắc lại, ông Bốn vẫn còn xuýt xao, vô thức sờ vào cánh tay.

"Đám đó ác lắm, thà đánh gãy chân để tao không đạp xe được đi, tụi nó đánh trật khớp tay tao. Tao quậy lắm mày ơi, học xong ở không đâu có gì làm lại nhớ, thế là chạy đi tiếp."

Cu Bốn đạp xe từ nhà lên đến chân đồi suốt vài năm liền, mãi cho đến ngày kia, cậu không đi nữa.

"Lúc đó kháng chiến đang lên, tao thấy ham quá, thoát ly đi luôn."

Trước ngày nhập ngũ, cu Bốn đi thăm nàng lần cuối, với mục đích nói lời tạm biệt, thay vì đi hái hoa như mọi lần. Nàng thơ nghe xong, vội chạy vào nhà hái cành hoa cuối cùng gửi cho cậu, kèm theo lời dặn dò vào ngũ nếu được thì sưu tầm mấy bài hát gửi về cho nàng.

Bốn lúc đó còn chưa cầm vào cây đàn bao giờ, nhưng vì người trong mộng đã nhờ vả nên mới mày mò, nhờ đồng đội chỉ. Chuyện cậu lính mới học nhạc vì người yêu lan đi khắp đại đội. Mỗi người góp một ít, dần dần Bốn tích góp được một quyển sổ dày, cậu cất kỹ trong túi, chờ có dịp về nhà sẽ đưa tận tay cho nàng. Cấp trên biết chuyện, cứ gọi Bốn lên dặn dò suốt, phòng cho cậu có tư tưởng ủy mị.

Ngày về phép, anh em trong tiểu đội ai cũng bận rộn, ai về thì lo sửa soạn, ai ở lại thì phụ giúp việc xung quanh, lâu lâu lại quay sang nhắc Bốn nhớ đêm sổ bài hát về. Ai cũng chúc cậu sớm gặp lại nàng.

Bốn về nhà, nhưng chần chờ mãi, đến ngày đi mới dám chạy lên đồi.

Tiếc là cảnh còn người đi.

"Chiếc xe chờ ở dưới đó, tao phóng lên đồi, kêu tên cổ quá trời mà không ai trả lời." Giọng ông Bốn nhỏ lại, có chút gì đó bùi ngùi, "tầm năm mười phút gì sau đó, em gái nàng mới mở cửa đi ra, báo là nàng thoát ly đi kháng chiến hồi giữa năm ngoái, giờ không biết tung tích đâu hết. Mày biết không Hưng? Cái cảm giác chới với khi biết có thể bản thân sẽ không thể gặp lại người mình thương nữa. Mà thôi, mày làm gì hiểu được."

Hưng gật đầu, trong vô thức.

Buổi tối đó, nó định uống thuốc luôn, rồi lại thôi. Đứng trước lằn ranh, nó thấy chới với. Hàng ngàn câu hỏi chạy qua đầu nó, tất cả đều là câu hỏi tu từ - chỉ để hỏi, không để tìm ra câu trả lời. Khác cái, chới với của ông Bốn là khi phát hiện mình và người thương coi như không thể gặp nhau nữa, còn chới với của nó là câu hỏi liệu má nó sẽ cảm thấy thế nào.

Hưng nhát lắm. Nó chẳng thể lấy can đảm để biến đi được.

Má nó buồn.

"Tao phải nuốt buồn vào trong, chiến tranh mà. Chỉ cần tao buồn một giây thôi, thì rất có thể đồng đội tao sẽ hi sinh từng người một. Tao hết buồn, vì tao nhận ra cả tao và nàng đều cùng dâng hiến tuổi xuân để giành lại đất nước."

Hưng tỉnh lại sau cơn chới với vì gì? Hình như vì tiếng kêu của má nó. Má đứng dưới lầu, kêu vọng lên:

"Hưng ơi!"

"Hưng ơi!"

Đúng, chính là như thế này! Âm thanh có sức mạnh thật lạ, giống như cánh tay, kéo Hưng thoát khỏi không gian ngột ngạt của những dòng suy nghĩ.

"Hưng ơi! Ra đây thử hát bài này được không?"

"Ra kìa, Hưng!"

Ông Bốn đánh vào vai nó, chỉ ra ngoài. Nó quay mặt về phía cửa, chỉ thấy Quý đang đứng giữa cổng, giơ cây đàn lên cao, tươi cười.

Quý hay được mọi người trêu là tên sáng quá, như mặt trời vậy.

Hưng thấy đúng.

Kim Quý là mặt trời, còn Gia Hưng là hoa hướng dương luôn hướng về mặt trời đó.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro