Chương 4.1: Khúc tình ca

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hưng chần chừ, không dám đi ra.

"Hưng ơi!"

Nó bực kinh khủng, chỉ muốn chạy ra, bịt miệng Quý lại.

"Ra đi, Hưng."

Ông Bốn nói với nó, hất mặt về phía Quý. Tiếng kêu của cậu đã thu hút sự chú ý của tất cả mọi người. Người lớn tuổi thích con nít lắm, nên ai cũng kêu cậu vào ngồi đàn. Chuyện này không lạ, trong xóm ai mà không biết ngón nghề đánh đàn của Quý. Ba cậu đặt kỳ vọng hơn cao cho con trai của ông, yêu cầu cậu phải cầm kỳ thi họa, học giỏi như con nhà quan ngày xưa. Ông Bảy may mắn khi sinh ra Quý, nếu như là đứa khác, Hưng không chắc liệu nó có chịu nổi ông hay không.

Làm gì có đứa trẻ nào lại có thể ngoan ngoãn chấp nhận tất cả yêu cầu bố mẹ nó đưa ra, kể cả khi đó là yêu cầu từ bỏ việc đi chơi với lũ bạn để học đàn.

Trẻ em mới sinh ra là dòng nước, chúng len lỏi vào từng góc khuất nhỏ nhất để khám phá thế giới. Người ta cố ép dòng nước phải ở trong khuôn khổ, yêu cầu nó phải ở trong đó, không được chảy đi đâu khác. Tụi nó như sông, suối: mát lạnh, tự do.

Kim Quý là đứa trẻ kì diệu, gần như ai cũng đồng ý khi dùng từ đó để miêu tả cậu.

"Dạ con cảm ơn mọi người đã mời, nhưng con có việc gấp cần tìm Hưng ạ." Quý bỏ cây đàn xuống, để nó tựa vào chân, rồi khoanh tay, cúi đầu nói, "Hưng ơi!"

Chắc giờ gần hai giờ chiều rồi, trời bắt đầu mát hơn, thế mà nó thấy cổ họng mình khô ran, không nói được lời nào. Hưng đang vui, Quý chạy ra đây chi để nó thấy khó chịu vậy.

"Chào mọi người con đi."

Hưng chẳng phải người bất lịch sự, hay ít nhất là nó không muốn tỏ ra bất lịch sự trước mặt bà con.

"Hưng giận tui hay sao mà ngồi trong đó? Có gì cho tui xin lỗi."

Nó muốn đánh Quý, sao cậu hiền quá. Hình như từ hồi mới quen đến giờ, chưa lần nào nó thấy cậu nổi nóng với ai. Người ta thường quan niệm bên trong mỗi con người luôn tồn tại bốn cảm xúc cơ bản: Hỉ – Nộ - Ái - Ố. Còn với Quý, Hưng nghĩ cậu chỉ có hỉái, phần còn lại đã bị bà mụ bỏ quên trong lúc bận rộn.

"Hưng biết thầy Trọng không?"

Hai đứa ra bờ kè ngồi, đầu chiều gió thổi từng cơn mát rười rượi. Hưng thấy lòng nó nhẹ hơn chút so với hồi nãy.

"Thầy nào?"

Hưng tin rằng nó đã dành ba năm cuộc đời học sinh của mình chỉ để làm cái bóng, và nó hài lòng với điều này. Các giáo viên thường có xu hướng nhắc tên học trò thân thiết nhất của mình trong những cuộc trò chuyện. Trường học có vài trăm học sinh, nên kèm theo tên sẽ là đặc điểm của học sinh đó. Chi Lan là nhỏ tóc dài ơi là dài, Kim Quý là thằng nhóc đánh đàn có cây ăng-ten trên đầu, còn Gia Hưng, nó sẽ là gì? Thằng nhỏ tóc xoăn bê đê.

"Thầy lên hát văn nghệ tổng kết với mấy anh chị khối chín á!"

"Bữa đó tui không lên."

Hưng nói, không nhìn Quý nữa, quay ra phía trước. Lễ tổng kết được tổ chức nhằm mục đích xem lại thành quả học tập trong năm học của trường, có điều chỉ có số ít học sinh mới muốn, và có tư cách tham gia.

Hồi cuối năm ngoái, cô giáo chủ nhiệm liên tục nhắc mọi người trong lớp rằng học sinh yếu và khá không được vào trường, phải là học sinh giỏi mới được. Hưng chả để tâm đâu, nhưng mà mấy đứa còn lại cứ cố xin xỏ cô để vào trường. Sau đó, không biết vì lý do gì, cô gom tất cả những đứa không đạt chuẩn (theo lời cô) vào để chỉ trích, trong đó bao gồm cả Hưng.

"Xin lỗi Hưng, tui quên." Quý gãi đầu, cười hề hề cho qua chuyện, "thầy dạy toán già già á."

"Quý nói với tui chi?"

Nó quay sang, hỏi ngược lại.

"Thầy nhờ tui chuẩn bị tiết mục văn nghệ của trường, nên tui mới tìm Hưng, tui muốn Hưng hát."

Hồi còn học tiểu học, lúc nào Hưng cũng được giáo viên chủ nhiệm giao cho nhiệm vụ hát văn nghệ. Dần dần, nó tự cho ra đó là việc lên sân khấu trình diễn là nghĩa vụ của nó, và chỉ có nó mới có thể làm tốt được. Bức tranh màu hồng mà ba mẹ nó dựng lên quá hoàn hảo, khiến nó tin rằng thế giới này vận hành xung quanh nó. Mãi cho đến khi ảo tưởng màu hồng sụp đổ, nó mới nhận ra bản thân chỉ là hạt cát nhỏ giữa sa mạc.

"Quý chắc chưa? Có khi thầy Trọng không muốn tui hát đâu."

Cô chủ nhiệm lớp sáu từ chối cho nó lên hát văn nghệ, vì nhìn nó kì kì, sợ mấy thầy cô phụ trách không thích. Cô chẳng thèm nghe thử nó hát dù chỉ một lần. Hưng năn nỉ dữ lắm, tới lần thứ chín, nó không làm thế nữa. Sao nó phải chạy theo hy vọng hão huyền?

"Có, thầy muốn Hưng mà."

Quý lập tức nói chen vào. Cậu vội dúi cho nó tờ giấy A4 chi chít chữ, rồi vội đưa tay ra kéo nó lại.

"Hưng phải hát với tui, nha."

Nha.

Ước gì Quý cũng nói với nó vậy, nhưng là ở dưới sân trường đầy cánh phượng rơi, thấm đẫm sắc vàng của mấy tháng trước. Nó muốn cậu đứng trước mặt nó, chìa ra con hạc giấy gấp suốt cả ngày hôm đó, nói câu tui thích ông như cậu đã nói với Chi Lan.

"Quý chắc chưa?"

Nó sợ cậu đổi ý. Cô chủ nhiệm lớp bảy kêu nó về tập hát đi, xong cô lại quay sang kêu mấy đứa con gái tập múa, không nhắc gì đến Hưng nữa. Lúc đó Hưng trải qua một năm bị từ chối, thấy hơi buồn, rồi thôi. Nó biết lý do cô từ chối nó, biết làm sao giờ, nó đâu thể cố tỏ ra giống con trai để cô chọn nó lên hát. Nó không hợp để hát, ít nhất là ở đây, nơi mà định hướng cho mấy thằng con trai nhỏ người hát hay là mấy chiếc xuồng trôi dạt theo dòng sông, cứ mỗi độ đêm về lại bắt đầu sáng đèn, để tiếng hát cất cao giữa bến thuyền, mua vui cho người khác. Hay khá hơn tí, là lên Sài Gòn kiếm tiền, xong trở về với hình hài mới, khóc lóc thật to trước cổng nhà để hàng xóm ra an ủi.

Mỗi nơi đều có luật của riêng nó, và Hưng bị tách hoàn toàn khỏi nơi này.

"Chắc, chắc chắn, một trăm phần trăm luôn."

Câu này quen lắm. Hưng nghe cậu nói câu này gần chục lần. Quý cố gắng bày tỏ tình cảm của bản thân suốt hai năm nay, cực chẳng đã, lần nào Chi Lan cũng hỏi ngược lại bộ cậu thích nhỏ thật hả. Mà đâu chỉ có Lan hỏi vậy, mọi người đều hỏi Quý như thế. Cứ tưởng tượng mỗi lần hỏi là mỗi mũi tên xuyên qua tim cậu, chắc giờ cơ quan đó đã vỡ ra thành hàng ngàn mảnh nhỏ rồi. Thế mà cậu vẫn đứng, đứng vững là đằng khác, để đi khẳng định tình cảm của mình nhiều lần, sau đó lại phải phủ nhận nó vài lần nữa, vì nhỏ cậu thích trót bước vào mỗi quan hệ với đứa khác.

Hên Lan chỉ hỏi nó đợt đó thôi, hỏi nữa, chắc Hưng không biết trả lời sao.

"À, với lại..." Quý lại lôi ra thêm tờ giấy nữa, "tui đang sáng tác, Hưng thử hát cho tui nghe để tui điều chỉnh nốt được không? Tui hát dở ẹc, nghe đều đều, kì lắm."

Khác với tờ lời bài hát sạch sẽ in bằng máy của thầy Trọng, tờ của Quý đen sì, gạch xóa tùm lum, nhìn y như bản vẽ hư của mấy anh chị trong lớp vẽ mà Hưng hay trốn nhà lên chơi. Tiêu đề bài được viết in hoa, xiêu vẹo, ngả nghiêng tùm lum hết.

Khúc tình ca.

Hưng không chắc cái này phải tên bài hay không, Quý ghi nhiều tên lắm, tên nào cũng bị gạch đen để che lại. Chắc cậu sợ ba mình phát hiện. Ông Bảy dữ lắm, hồi còn trai trẻ hay đi làm bảo vệ mướn ở trên thị xã, chuyên bắt mấy tay cướp vặt, có lần nhận được huy chương khen thưởng của tỉnh trưởng nữa.

Ông Bảy từng mang theo mình con tim cháy bỏng nhiệt huyết chạy khắp tỉnh, cố tìm kiếm cơ hội nhỏ nhoi để tỏa sáng, tiếc là không được. Đâu phải ai cũng có thể trở thành ngôi sao, chỉ những người được chọn mới có quyền bước lên sân khấu, cống hiến hết mình cho đám đông lạ mặt.

Người bình thường bị từ chối nhiều sẽ dần trở nên chán nản, tự hoài nghi khả năng của bản thân, tiếp theo là từ bỏ ước mơ, lo cho hiện tại. Ông Bảy thì khác, càng thất bại ông càng tin rằng bản thân có tiềm năng. Ông lãng phí hết hai mươi lăm năm cuộc đời chỉ để mưu cầu ánh sáng không thuộc về mình.

Má Hưng lấy chuyện này ra để nhắc nhở nó về việc nó đã may mắn ra sao khi nó có cơ hội được đứng hát cho hàng ngàn người nghe. Ông Bảy xem sân khấu là ước mơ lớn nhất của đời mình, và ông mất vài chục năm chỉ để tỉnh giấc. Hưng thì khác, ngay từ lúc nó sinh ra, sân khấu tồn tại trước mắt nó, không phải là ảo tưởng, là sự thật.

"Ông Bảy ghen tị với con lắm đó."

"Ông Bảy ghen tị với con thì ông buồn thôi. Mẹ bắt con hát con cũng buồn y vậy."

Mắc cười ghê, kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra.

"Giờ Hưng hát thử bài của tui trước ha?"

Quý để cây đàn lên đùi, gõ gõ lấy nhịp.

Hưng ngừng hát từ hồi lên lớp bảy, nó chỉ hát khi được nhờ.

Dường như âm nhạc bên trong nó đã biến mất. Khuông nhạc hiện lên trước mắt nó chỉ là mực đen đơn thuần, không tạo ra bên trong nó bất cứ xao động nào khác. Hưng nhớ nó của mấy năm trước, lúc đó nó chỉ cần nhìn vào lời, là hát được. Kể cả là bài hát lạ hoắc, nó vẫn có thể tạo ra giai điệu để hát.

Hồi ấy, tim nó là hộp nhạc hoạt động theo nhịp. Hưng cảm giác thứ trái tim non trẻ của nó vận chuyển không phải máu, mà là những giai điệu, nốt nhạc. Giờ thì hộp nhạc bị hư rồi. Cái gì cũng có hạn sử dụng hết, kể cả là trái tim đang đập bên trong lồng ngực này. Tất nhiên, vẫn còn vài chục năm nữa cho đến khi tim nó hết hạn, thường là thế, nếu nó không tìm đến những phương pháp để tim nó ngừng đập sớm hơn.

Trái tim giống với mấy món đồ, có hạn mức nhất định - thứ được quy định bởi cách chủ sở hữu của nó sống. Hưng hay được nghe sư thầy nói về nhân quả, trong vài lúc hiếm hoi ở đằng sau cánh gà xập xệ, trước mặt là sân khấu tạm bợ được dựng lên từ tất cả những gì có thể tìm thấy ở chùa: mấy cây tre được quấn lại với nhau, dựng hai bên góc; mùng (của các sư thầy, bị rách lỗ chỗ) được may đè lên, giăng lên. Lần đó, hình như sư thầy đó tên Tâm, thầy vừa nói, vừa dùng kéo cắt tờ phiếu bốc thăm cho kịp tiết mục cuối, vì bà con cất công tới chùa rồi, phải có quà cho bà con đem về.

Thầy nói được một nửa, sư trụ trì đã ngăn thầy Tâm nói tiếp, kêu thầy đi xuống bếp. Sư trụ trì dặn nó đừng quá để tâm đến lời thầy Tâm nói, cứ sống cho thật tốt, nó muốn tin thì tin, không tin thì thôi. Thầy giơ tay lên lấy chai nước cho nó, cánh tay gầy đầy những lỗ tròn cùng sẹo.

Có vài người tự cho bản thân quyền hạn của thần linh, dùng tay của mình hay mượn tay người khác, quyết định mạng sống của ai đó. Họ dùng bất cứ cái gì có thể để khiến cho tim ai đó ngừng đập. Cách thức với đối tượng giống như hai phép ngẫu nhiên, nhưng đều dẫn đến kết quả chung.

Cơ mà đó chỉ là bề mặt thôi, trái tim hết hạn, ngừng đập tức là cuộc đời dừng lại. Cuộc đời dừng lại không đáng sợ, trái tim chết khi cuộc đời chưa dừng mới đáng sợ.

Trái tim chết vài lần trước khi kết thúc vì tuổi già. Ai cũng phải trải qua nhiều lần như thế, phải chịu cảm giác lửa nhiệt huyết dần lụi tắt. Một khi ngọn lửa kia bị dập rồi, sẽ rất khó để nó có thể cháy lại lần nữa. Ngọn lửa mới sẽ không bao giờ giống với ngọn lửa cũ. Hưng cố nghĩ đến ngọn lửa mới của nó, nhưng nó không thể tưởng tượng được nó làm gì khác ngoài hát.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro