TỎ TÌNH

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

ôi choáng váng khi con em họ chỉ tay vào thau áo sơ mi, toàn bộ nước trong thau lẫn cái áo đã biến thành màu xanh tím. Tôi quay qua nó mắt trợn ngược:

- Sao không ngâm áo của mày riêng hả??? Hư cái áo của thầy tao rồi. Thấy không?

Con nhóc nhìn tôi run lên như cầy sấy, nó mếu máo:

- Em đâu biết. Em nghĩ cái áo này đã ngâm mấy đợt rồi nên không ra màu. Trong chậu còn dư chỗ nên em ngâm chung cho tiết kiệm.

- Tiết kiệm cái đầu mày. Tao đập chết ngắc bây giờ. Lười vừa chứ. Nội cái nghĩ của mày thôi cũng hại tao rồi. Mày làm mà tao lại chịu là sao? Cái áo này hàng hiệu cao cấp đấy. Tao lấy tiền đâu ra đền cho ổng đây? - Tôi ức quá nói một tràng không thôi.

Con em họ tôi luôn miệng rối rít xin lỗi nhưng trước sau gì chuyện cũng đã rồi. Bắt nó đền thì nó không đủ tiền, còn méc mẹ nó thì nó chết đòn. Tôi lại không muốn như vậy. Rốt cuộc, tôi tặng nó mấy cú vào đầu và mấy cái đá đít. Bất cứ khi nào, em họ tôi qua nhà tôi ở nhờ lúc mẹ nó đi công tác là tôi lại khốn đốn vì tính ẩu tả của nó.

Sau khi giặt, xả, vò, dặm, cái áo của Sinh vẫn không khá lên được, nó từ màu xanh lơ đã chuyển sang màu xanh tím. Một cái màu tôi cho là khá đẹp nhưng nghĩ đến cảnh tượng Sinh nổi khùng lên thì thật sự không đẹp tí nào. Tôi ngồi nhìn cái áo phơi trên dây kẽm trong sân mà thở dài, làm sao đây? Cái áo ấy giá những triệu bạc chứ ít ỏi gì (hiệu Piere Cardin nữa chứ. Khi nhớ lại chuyện này, tôi bỗng nghĩ lại sao ngày đó tôi không đi theo ngành ngoại ngữ nhỉ? Đi dạy giàu thế cơ mà).

- Hân ơi!

Tiếng Trâm lao xao từ nhà trước (vì nhà trước là của nội tôi, nhà tôi ở trong khuôn viên nhà nội. Nhà nội tôi rất rộng, chỉ riêng khoảnh sân sau thôi cũng đã đủ chứa nhà tôi và chú tôi) Nó lần mò vô nhà sau tìm tôi. Miệng cười toe toét khi thấy tôi ngồi thừ trên bậc cửa nhìn cái áo. Nó hỏi:

- Sao hôm qua mày với “chàng” làm gì?

Tôi nhìn nó nhoẻn cười (nhe răng đau khổ thì đúng hơn) rồi tuôn một hơi:

- Hôm qua, khi chở tao về. Trên đường gió lạnh. Sinh cho tao mượn áo mặc. Tao giặt áo, định hôm sau trả cho ổng. Nhưng kết quả là thế này đây. - Vừa nói tôi vừa chỉ lên cái áo sơ mi “màu xanh tím lãng mạn” đang tung bay trong gió. Trâm nhìn cái áo giả bộ trầm trồ:

- Áo đẹp. Mà tao nhớ là màu của nó đâu phải màu này. Nó màu xanh blue mà!

- Thì vấn đề là ở chỗ đó đó. Con em quý hóa của tao đã ngâm cái áo thun màu hồng dụ của nó vào chung chậu áo để “tiết kiệm xà bông cộng sức lực” - Trả lời mà mặt tôi nhăn lại như khỉ ăn ớt. - Cái áo giá khoảng trăm mấy hai trăm, tao còn dụ tụi trường mình design kiếm tiền đền được. Như cái này, thôi! Chắc là bỏ đi biệt xứ. Piere Cadin không có cửa dưới năm trăm. Giờ mà bắt con em họ tao xin tiền mẹ nó đền chắc chắn là phải đi cướp nhà băng.

Trâm nhìn tôi đầy ái ngại. Nó lắc đầu tặc lưỡi, thừ người ngồi trên bậc cửa ngắm cái áo đang vô tư phất phơ trên dây kẽm...

Chiều thứ hai, tôi đến trường mang theo cái bọc áo đã gói kĩ. Đi vào lớp học mà tôi tưởng mình đi săn hổ, tim đập còn hơn trống trận. Trước sau gì cũng phải thú thật với Sinh, lúc đó cho ổng muốn “chém giết” gì thì tùy. Đúng là “mũi dại lái chịu đòn”. Tội tôi quá... Sau giờ học tôi đưa cái bọc áo cho Sinh. Ấp úng:

- Thưa thầy... em... xin... lỗi về cái áo... Đó là tai nạn. Em muốn... đền lắm... nhưng... Thôi, thầy muốn “chém giết” gì em cũng được.

- ...

Anh nhìn tôi rồi bóc cái áo ra khỏi bọc, giơ nó soi dưới ánh đèn. Còn tôi đứng đó cúi đầu, môi bặm lại, tay đan chéo vào nhau hồi hộp chờ kết quả. Sinh xem xong cái áo và gấp cẩn thận cho lại vào bọc. Anh ngồi dựa lưng vào thành ghế, tháo mắt kiếng ra, tay bắt lên giữa trán rồi vuốt dài xuống mặt thở dài. Anh quay qua tôi nói:

- Trước mắt, tôi không biết xử sao bây giờ. Giờ vui lòng xuống phòng giáo viên lấy giùm tôi ly nước trà, bỗng dưng thèm trà quá. Tôi sẽ suy nghĩ về hình phạt cho em trong khi đang chấm bài kiểm tra ban nãy...

Thế là tôi theo lời anh lóc cóc đi xuống phòng giáo viên rót giùm anh một ly trà và mang lên. Tới nơi anh lại bảo:

- Tôi quên chưa nói với em là tôi không thích uống trà nguội. Xuống lấy trà nóng cho tôi nhé. Cám ơn!

 Tôi lại phải trở xuống dưới rót cho anh ly trà nóng bưng lên. Lên tới nơi anh nhận lấy. Uống hết rồi lại bảo tôi:

- Rót giùm ly nữa nhé!

 Một lần nữa tôi lại phải đi xuống rồi lại đi lên đưa anh ly trà thì Sinh xua tay:

- Trời... sao nóng quá vậy. Lúc này được uống ly trà đá thì hay quá. Em không phiền đấy chứ. Đổi trà đá đi. Cám ơn!

 Lúc này tính kiên nhẫn của tôi đã bắt đầu vơi, nhưng cũng cố bấm bụng đi xuống mang lên ly trà đá cho anh. Vừa nhác thấy tôi cùng với ly trà đá, anh vội chìa tay cầm lấy nhưng rồi lại nhăn mặt:

- Đá tan hết rồi. Uống ngán lắm. Thôi cho tôi ly trà nguội như hồi đầu tiên đi.

“Grừ! Định chơi xỏ tôi ah?” - Tuy trong bụng rất tức nhưng do nghĩ về chuyện cái áo thì tôi lại trở xuống một lần nữa... trong bụng bắt đầu hầm hầm. Tôi đặt ly trà lên bàn cái cộp, Sinh đang chấm bài, anh ngó lên và mỉm cười:

- Cám ơn! Tôi chưa thấy ai dễ thương và đầy kiên nhẫn như em.

“Gì hả, ông thầy quỷ dữ? Đang cố tình phải không? Ai chả biết ông đang lợi dụng chuyện tôi làm hư cái áo mà hành hạ tôi. Dù sao thì tôi cũng lỡ hứa là muốn chém muốn giết tôi sao thì tùy, nên tôi cố chịu đựng đấy. Lại còn cười đểu, dễ thương ha?” Thấy anh chấm đến bài của tôi, tôi bèn mon men, nhoẻn cười hỏi ướm anh:

- Thầy ơi, bài của em. Thầy chấm nhiêu ạ?

- Dĩ nhiên là zero.

Tôi chưng hửng:

- Sao lại zero? Em làm bài đúng mà!

Anh vẫn thản nhiên:

- Thì đâu có gì sai đâu. Nhưng nhớ chuyện cái áo, xót ruột. Thấy ghét! Cho điểm không vậy đó.

Tôi mỉm cười với anh một cách rất dễ thương:

- Không phải chứ? Thầy muốn cốc đầu, hay đì em, em cũng chịu. Nhưng mà bài kiểm tra có thể cho điểm tối đa không?

- Không. - Sinh không ngẩng lên, đáp cộc lốc.

“Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”. Được thể cơn tức bộc phát, tôi đập hai tay lên bàn anh:

- Thầy đúng là ác quỷ. Sao thầy ác thế? Em đã lấy trà cho thầy, năn nỉ thầy nhỏ nhẹ. Thầy vuốt mặt cũng phải nể mũi chứ?

Vừa lúc đó anh ngước lên nghiến răng đưa tay nhéo mũi mạnh mũi tôi:

- Ừ, nể mũi lắm nè...

Tôi la oai oái nhưng anh vẫn không nhẹ tay, luôn miệng nói:

- Có xin lỗi không?

- Xin lỗi là một chuyện. Nhưng sự thật thầy vẫn là ác quỷ. Bỏ em ra. Thầy nên nhớ tính mạng cái Ipod của thầy nằm trong tay em. - Tôi dĩ nhiên vẫn cứng đầu.

- Lại còn chuyện đó nữa. Em đang đe dọa tôi đó hả? - Anh nhéo càng mạnh hơn.

Tôi la làng lên:

- Em không đe dọa thầy. Em chỉ đang thỏa thuận với thầy. Buông em ra.

 Tôi và anh đang giằng co thì con bé My bước vào, nó tròn mắt nhìn chúng tôi. Sinh ngượng ngập bỏ tay xuống. Còn tôi thì chạy ào về không chào Sinh một tiếng...

Xuống đến chỗ để xe, tôi móc túi không thấy chìa khóa xe đâu cả. Thôi chết! Hình như để quên trên bàn Sinh rồi. Lại phải trở lên nữa. Cực thân quá đi. Tôi lại phải lọt tọt trở lên. Khi đi đến đầu cầu thang thì tôi thấy bé My chạy ra từ cửa lớp. Vừa chạy nó vừa khóc. Lại gì nữa? Lại mất vé tiếp hả? Con bé chạy rất vội. Nó cắm đầu cắm cổ mà không thấy tôi. Thoắt một cái mất hút. Tôi nhăn mặt nghiêng đầu khó hiểu “Có chuyện gì thế nhỉ?” Thôi kệ, có gì hôm thứ bảy hỏi nó vậy.

Tôi đi vào lớp tìm cái chìa khóa. Lúc này lớp trống trơn nhưng cái cặp Sinh vẫn còn trên bàn mà. Tôi ngó hoài trong cái mớ hỗn độn nào là bài kiểm tra, bút đỏ, thước, viết xóa nằm ngổn ngang trên bàn mà chả thấy cái chìa khóa xe của tôi đâu cả. Hình như cái ly nước của Sinh cũng biến mất rồi. Quái lạ, lúc đi rót nước cho ổng tôi nhớ hình như là tôi vất cái chìa khóa cạnh ly nước. Rồi, chắc Sinh đã thấy và đi tìm tôi. Thật vậy, vừa quay ra cửa thì anh bước vào với ly nước trên tay. Mặt Sinh chắc là mới trải qua một tình huống không hay nên trông có vẻ kì quặc, vừa bối rối vừa căng thẳng. Tôi không thể tả hết cái vẻ kì quặc của khuôn mặt anh lúc này. Sinh móc trong túi áo ra và thảy cho tôi chìa khóa xe:

- Nè, tôi đoán thế nào em cũng trở lên đây. Nãy tìm em không thấy.

- Thầy xuống dưới sao em không thấy thầy? Thầy đi ngõ nào vậy?

Sinh kéo tôi ra cửa, xoay vai tôi ra và chỉ tay vào cái ngõ tôi tối của cầu thang phía bên tay trái tôi. Cái ngõ đó hầu như tôi không bao giờ đi mà chỉ đi ngõ cầu thang bên phải thôi. Đơn giản là tôi sợ cái bóng tối ghê rợn và sự vắng tanh ở đó. Anh nhìn tôi ngạc nhiên:

- Em chưa bao giờ đi ngõ đó à? Ngõ đó xuống phòng giáo vụ gần hơn.

Tôi nhe răng cười đút chìa khóa vào cặp:

- Chưa bao giờ ạ. Ngõ đó tối lắm. Em... sợ... ma.

Sinh cầm ly nước chớp mắt rồi nhếch mép cười khẽ: “Hi...”, anh tựa vai vào cửa, đưa ly nước lên uống, mắt liếc nhìn tôi ra chiều ngẫm nghĩ. Còn tôi cũng nhìn anh đầy khó hiểu. “Ông già” ấy đang có “âm mưu” gì thì phải? Tự nhiên tôi thấy rợn cả gáy. Uống xong ly nước, Sinh đặt nó cái cộp xuống bàn đầu gần đấy rồi nắm tay tôi kéo đi. Tôi hét hoảng lên giãy giụa:

- Không!!! Em không đi ngõ đó đâu. Ghê lắm. !

Bình thường cỡ thầy Lâm cũng phải dùng sức mà lôi tôi đi mới nổi, vì tôi có học võ nên sức cũng gần ngang ngửa thầy. Còn Sinh thì không phải nhọc công, anh nắm cổ tay tôi lôi đi rất nhẹ nhàng. Và tôi để ý là tay anh siết cổ tay tôi rất chặt, rất cứng. Cứng như thép... theo kiểu của một người đã học võ tầm đai đen.

 Chúng tôi đi xuống một cầu thang xi măng rất cũ nhưng khá sạch sẽ, không hề bụi bặm. Men theo tường trái là ánh sáng leo lét của mấy cây đèn ốp tường hắt ra. Bên tay phải là những chiếc cửa sổ sắt hoen gỉ được niêm phong kín bằng các thanh gỗ, trên thân có vài ba lỗ bị mọt khoét.

Đến cuối cầu thang, Sinh đẩy hai cánh cửa nhỏ ra. Trước mắt tôi hiện ra phòng giáo vụ quen thuộc và trống trơn với cây quạt trần đang quay tít mù. Mọi người đã về hết rồi. Sinh bước ra đưa tay tắt quạt và chép miệng: “Ai sang quá vậy? Về mà không tắt quạt.” Tôi vẫn còn đang ngỡ ngàng nhìn lại lối đi mà tôi chưa bao giờ khám phá mà không hay biết Sinh chuẩn bị một “mưu đồ khủng khiếp” sau lưng tôi.

Thực ra, tôi đã thấy cái cửa này trong góc tường phòng khi đứng trước cửa phòng giáo vụ nhìn vào. Nhưng có điều, tôi không nghĩ là nó thông lên hành lang lớp học. Đang còn đứng tần ngần ngó lại cái cầu thang, thì sau lưng tôi hai cánh cửa đóng sầm lại. Tôi hoảng hốt quýnh quáng quay lại đập cửa:

- Thầy làm trò gì thế? Mở cửa ra cho em. Mở cửa ra.

 - Tôi dẫn em xuống rồi. Giờ tự em đi lên. Chỉ việc đi lên cầu thang thôi, trở lên lớp học đi. - Tiếng Sinh từ bên kia vọng sang:

- Không! Chịu thôi. Em... em... sợ ma lắm. Mở cửa ra cho em đi. Mở ra... - Tôi bấu cánh cửa hét.

- Em đi coi phim ma cà rồng không sợ. Lại sợ ma trong tưởng tượng của em à? Nhảm. Giờ đi lên không? Tôi đếm từ một đến năm. Không đi là tôi lên trên khóa đầu kia lại, nhốt em trong này luôn đó.

- Không!!! Thầy đừng có hù em. Thầy dám làm thế sao? - Tôi vẫn đứng đó gào. Rồi tôi nghe tiếng khóa lách cách ở cửa bên kia, tiếng Sinh im lặng, rồi anh lên tiếng đếm:

- Một...

Mặt tôi đổ như chàm. Đừng, đừng làm thật chứ. Tôi ớn lạnh nhìn lên cầu thang với mấy ánh sáng leo lét, thôi đi thôi. Tôi bèn trấn tĩnh hít một hơi dài rồi lao lên cầu thang. Cắm đầu đi thật nhanh mà tim đập thình thịch. Trời phật! Đầu óc tưởng tượng bắt đầu trỗi dậy: “Sợ quá, lỡ có ai hiện ra thì sao?”- Lên đến nửa cầu thang tôi đứng lại thở dốc, ôm tim, đưa hai tay khua khoắng: “Bình tĩnh. Thư giãn. Trong đây đâu có gì đâu...”. Tôi hít vào rồi thở ra thật mạnh, nhắm mắt lại mấy giây và mở bừng mắt ra nhìn xung quanh. Quả thật là đâu có gì đâu. Tôi lại hít thở một lần nữa và lần bước tiếp nốt những bậc thang còn lại, ánh sáng đèn nơi hành lang lớp học hiện ra. Lát sau, tôi đã ra khỏi cái lối đi kinh khủng ấy. Đứng trên hành lang, tôi còn ngó lại cái nơi đó lần nữa và tự thán phục mình: “Mình đã rất dũng cảm.” Sau này nhờ vậy mà tôi không còn sợ bóng tối nữa, mà còn trở thành một “con ma cà rồng” thực thụ ngày ngủ đêm thức mà không sợ bất cứ con quái nào... trừ con muỗi.

Sinh đã ngồi sẵn trên bệ lan can chờ tôi. Vừa thấy tôi anh mỉm cười hỏi:

- Có “con ma nhép” nào ở dưới không “ma cà rồng”?

Tôi quay lại xẵng giọng:

- Không thấy! Mà “ma cà rồng bây giờ sẽ hút máu thầy đây. - Vừa nói tôi vừa nhào lại định ngắt nhéo anh, được cái gì hay cái đó. Nhưng chỉ với một bàn tay của mình anh tóm cả hai bàn tay tôi lại làm tôi không quơ quào gì được cả. Sinh nắm hai tay tôi dòm tôi cố sức giãy giụa mà không nín được cười:

- “Nấm lùn di động” mà khoái sân si. Giờ có về nghỉ ngơi để mai đi học không? Hay để tôi kí cho mấy phát vào đầu?

Ngay khi anh thả tay tôi ra, tôi lập tức chạy ra xa không quên hét lại:

- Thầy nhớ nhé. Ipod của thầy còn trong tay em đó.

Buổi tối khi tôi đang ngồi làm bài ở lớp thì con bé My gọi cho tôi. Nghe giọng nó tôi đoán là nó vừa khóc xong một trận, tôi hỏi:

- Chiều nay thấy em khóc. Giờ mới khóc xong nữa phải không? Sao mà khóc? Lại bị mất vé nữa hả?

 Con bé giọng nghèn nghẹn:

- Hic... hic... Chuyện này... hic... Chị qua nhà em đi... hic...

- Điên hả? Giờ mấy giờ mà qua. Có gì nói luôn đi... - Tôi cau mặt.

Con nhóc lập tức khóc òa trên điện thoại:

- Em... sắp dọn ra... Hà Nội rồi, tuần sau là đi. Chiều nay... em... em... đã nói... em yêu thầy... em không xa thầy được... thầy.. hic... hic... nói... hic...

 Tôi nghe như sét đánh bên tai khi nghe bé My nói là nó mới “tỏ tình” với anh vào chiều nay, sao nó dạn vậy? Chắc chắn là Sinh nói không với nó nên nó mới khóc tức tưởi vậy. Nhưng tôi vẫn muốn biết chi tiết nên hỏi dồn:

- Hả? Em nói yêu thầy hả? Rồi thầy nói sao?

- Thầy nói... thầy xin lỗi nếu thầy có nói gì hay làm gì để em hiểu lầm... hic.. thầy chỉ coi em như em gái thôi... Thầy nói em mới lớn nên cảm xúc chưa xác định được... nên cảm xúc đó chỉ là mến mộ thôi... với lại em đâu biết rõ hết về con người thầy đâu mà nói yêu... Yêu vậy là yêu ảo thì không nên... Sau đó nói... em... còn nhỏ... lo học... là hơn đừng nghĩ linh tinh. Hu hu... Em không chịu đâu... em yêu thầy mà... - Nói xong nó lại khóc từng tràng trong điện thoại. Tôi thở dài bảo nó:

- Thôi... đừng khóc nữa. Thầy đã nói vậy thì em phải biết chứ. Em đừng cố chấp. Còn giờ chị phải đi học bài, có gì thứ bảy nói chuyện với em nhé. - Nói rồi tôi tạm biệt nó và gác điện thoại...

Chiều thứ tư, bé My đã không tới lớp. Nó muốn tránh mặt anh. Tội nghiệp con bé! Nó ra đi với con tim vỡ nát. Trước khi đi học, tôi nhận được tin nhắn của nó:

“Chị ra tiễn em vào chiều mai nhé. Em định dây dưa đến tuần sau mới đi vì thầy. Giờ em đã nói với mẹ thứ năm có thể đi. Nhắn với thầy là em chào thầy. Chắc thầy không quan tâm đâu nhỉ...”

Giọng con bé chưa bao giờ buồn như vậy. Nghĩ đi nghĩ lại tôi đã thật xấu tính khi đi cau mau với một con bé ngây thơ và vô tư như bé My. Giờ nó đi rồi, tôi cũng thấy buồn. Tôi vẫn vào lớp sớm như mọi khi. Nhìn cái chỗ ngồi trống trải thêm cũng cảm thấy bức bối. Từ nay vắng bé My rồi... Buồn thật... trước đây tôi lại không ưa nó. Thế mà giờ nó đi thấy nhớ mới lạ.

Chưa tới giờ học. Lại không còn việc gì để làm. Buồn chân buồn tay tôi lấy giấy ra vẽ... Đang vẽ mê say, tôi nào có hay Sinh vào. Anh đến gần nhẹ nhàng không một tiếng động đến khi bóng anh in trên mặt bàn tôi mới biết. Tôi giật mình ngẩng lên, lấy tay che vội cái hình. Sinh mỉm cười rồi giật phắt bức vẽ của tôi soi nghiêng soi ngửa:

- Đẹp đó. Giống manga (truyện tranh Nhật Bản) lắm. Chà! Tóc giống tôi ghê, mũi cao, mắt sâu đeo mắt kiếng... môi mỏng... Vẽ tôi phải không?

- Trả em. - Tôi đứng lên chèo kéo bức vẽ từ tay anh nhưng tôi với không tới. Anh giơ bức vẽ lên cao thật cao, vừa coi vừa truy vấn tôi:

- Nói cho tôi biết thì tôi trả.

- Alain Delon[1]. Không phải thầy đâu. Thầy... đừng... có nằm mơ giữa ban ngày.

Sinh nheo mắt nhìn bức vẽ rồi quay qua nhìn tôi:

- Vậy hả? Tịch thu! Học không lo học, lo vẽ bậy bạ...

- Ấy! Em vẽ gì mà bậy bạ? Vả lại tới giờ học đâu. Thầy đừng... ỷ... là... thầy rồi ăn hiếp học trò nhe... - Tôi nhăn răng chớp mắt, hai tay cong cong hình vuốt hổ. Sinh nghiêng đầu nhún vai mỉm cười (very láu cá):

- Vô tay qua là của qua... Trả tôi cái Ipod đi. Tôi sẽ đưa lại cái này. Giờ tạm... tịch thu... - Nói xong, anh nhét bức vẽ vào túi áo rồi đi thẳng lên bục giảng. Nhưng nửa đường anh quay lại. Đến gần, đứng tựa vào thành bàn ngó ra cửa rồi nói với tôi:

- Nay bé My không đi học hả? Bình thường cũng vô sớm cỡ em vậy. Chắc là...

Tôi cũng biết vì sao đấy, nhưng tôi không thèm nói, tôi chờ coi thái độ của Sinh ra sao... Anh gỡ mắt kiếng ra cúi đầu thở dài rồi lại đeo vào, tiếp:

- Hôm qua... chuyện cũng hơi khó xử. Bé My gặp tôi nói... là... là... Đại khái là... những cảm xúc của tuổi mới lớn bộc phát. Em hiểu chứ? Tôi đã giải thích hơi thẳng thắn. Chắc điều đó làm bé My tổn thương... Tôi nghĩ vậy...

“He he! Đã đánh đâu mà tự nhiên khai thế... quả là...” Mà làm gì xí xọn dữ. Nói trắng ra cho rồi, bày đặt hoa mỹ. Nhưng thôi cứ làm bộ như không hiểu cho ổng giải thích rõ trắng đen xem nào. Tôi nhìn anh mà mặt “đơ như trái bơ” làm Sinh cũng bối rối. Anh soi thẳng mắt vào tôi, miệng trễ xuống chớp mắt làm cử chỉ tay quơ quơ từ trong ra ngoài hiệu ý là “Hiểu không? Hiểu là bé My tỏ tình với tôi không?”. Tôi chớp mắt nhìn anh lạ lẫm... Sinh đập lòng bày tay vào trán rồi vuốt xuống mũi rồi lắc lắc đầu. Anh quay lại đối diện với tôi, tay móc cây bút trong túi áo vẽ nguệch ngoạc lên giấy rồi đẩy cho tôi. Tôi ngó vào, khẽ trợn mắt rồi giả vờ rú lên:

- Bé My... say I love you... với thầy. Ối trời đất ơi...!!!

Anh chìa ra đưa tôi tờ giấy anh vẽ “Suỵt... sh... Em nói nho nhỏ được không? Làm gì mà ỏm tỏi thế? - Anh lúng túng đưa tay lên miệng làm dấu. Rồi anh khoanh hai tay lại lắc đầu thở dài lần nữa. Tôi nhìn anh chách lưỡi:

- Hèn chi. Thì ra thủ phạm làm bé My khóc nức nở là thầy. Hôm qua nó vừa khóc vừa gọi điện thoại cho em nói có kẻ đã làm tim nó tan nát... - Vừa nghe tôi nói thế Sinh quay lại nhìn tôi với vẻ mặt thoáng bối rối, anh ngập ngừng hỏi tôi:

- Thế... thế sao? Hôm qua... bé My nói những gì vậy?

Được thể, tôi tuôn ra một tràng (mà tất nhiên cái này tôi cố tình thêm mắm thêm muối):

- Thì... nó nói... kẻ đó tuy nhìn đẹp trai hiền lành mà bên trong lại là người độc ác, kiêu căng, lạnh lùng, phũ phàng... Đã vậy lại còn bạo lực... Nó nói yêu người ta, người ta không yêu thì thôi. Có cần xem thường nó là con nít không. Nó bảo người đâu chảnh thấy ghét. Bởi vậy chiều mai, nó quyết lên máy bay ra Hà Nội ở để quên phứt con người tồi tệ đó.

Anh tròn mắt nhìn tôi rồi khum người xuống bàn, kề sát vào mặt tôi, mắt chớp chớp vài ba cái, hỏi:

- Bé My nói vậy thiệt đó hả? Bé My nói nguyên văn vậy luôn đó hả?

Hic... mắt đã đẹp mà còn chớp chớp hàng lông mi tuyển nữa thì tôi đây hồn bay phách lạc còn gì. Sao mà khéo thế? Chớp nữa là tôi lấy kéo cắt hàng mi luôn đó. Mi gì mà dài thế? Tôi gật gù xác nhận như đinh đóng cột:

- Dạ. Nó nói đó. Có sao em chuyển tải y chang. Nó nói thầy quá chính xác luôn. Không sai một li...

 Mặt Sinh có vẻ trầm ngâm một thoáng, anh bặm môi và khẽ gật đầu ra chiều biết rồi... Bất thần, anh vớ cuốn tập tôi đang để trên bàn cuộn lại và gõ vào đầu tôi một cú đau điếng. Hic... lần này ổng không thương hoa tiếc ngọc thật... thẳng tay luôn. Anh cau mặt nghiến răng:

- Cho chết. Mượn gió bẻ măng hả? Đừng tưởng tôi không biết em đang chửi xéo tôi đấy. Cái này em nói chứ bé My nào nói. Chỉ có em là mồm năm miệng mười cay độc thế thôi... Em là con bé độc ác... mốt ai xui lắm mới vớ phải em?

Tôi gục đầu nằm mọp trên mặt bàn xoa xoa đỉnh đầu vừa bị anh “bạo hành”. Chợt thấy cay cay, hình như là có cảm xúc để khóc... thì phải... Tôi không biết nữa. Nhưng sẵn bức xúc giùm bé My và suy nghĩ tôi mà ở vào tình cảnh đó thì thế nào. Và khi nghĩ tới cảnh tiễn bé My đi vào chiều mai... chợt bỗng dưng muốn khóc. Thế mà tôi khóc thật... Tôi nằm đó vai run run... và ngẩng lên nhìn anh với đôi mắt đỏ hoe và nhòe nước mắt. Sinh “ơ” một tiếng buông rơi cuốn tập, luống cuống đưa tay lau nước mắt trên mặt tôi. Anh thì thầm:

- Xin lỗi... Đau lắm không? Tại em đấy cứ thích chọc điên người ta. Nín... nín đi... xin lỗi! - Nói rồi anh vuốt tóc tôi, xoa xoa vai tôi, dỗ tôi nín. Ô! Một cái khăn tay màu xanh nhạt dịu dàng và thơm tho. Cảm xúc lại càng dâng hơn nữa. Chẳng mấy chốc cái khăn tay anh ướt nhẹp... Cái cảm xúc điên rồ này chợt đến, chợt tuôn trào làm tôi không ngăn được...

Khóc sướt mướt đã đời, tôi quay qua nhìn anh lúc này đang bối rối và căng thẳng cộng với sự sám hối lớn lao. Sinh ngỡ cú đập đầu của anh đã làm tôi khóc. Tôi thấy anh thật là tội nghiệp, có làm gì đâu mà tự nhiên phải hứng bao nhiêu là nước mắt của tôi. Tôi nhoẻn cười với cái mũi đỏ ửng:

- Em khóc không phải vì thầy đập đầu em. Vì bầu tâm sự của bé My hôm qua hãy còn tác động mạnh. Hôm nay nhớ lại mới khóc. Thế thôi. Cám ơn cái khăn tay của thầy...

Sinh nhìn tôi thở phào:

- Sao lâu lâu em điên bất tử thế? Làm hết cả hồn... tôi tưởng tôi đánh em khóc chứ. Riết chắc lên tim vì em luôn. Cảm xúc hôm qua mà tới giờ mới khóc. Em giống con lừa nghe chuyện cười, không hiểu qua ngày mai mới cười ấy.

Nghe anh nói tôi lại bật cười khanh khách:

- Ấy là thầy còn chưa biết chuyện em học toán đấy. Đầu năm 10, thầy dạy toán dạy em cách chứng minh đạo hàm gì đấy. Em thiệt tình không hiểu... mãi đến cuối năm lớp 10 em mới hiểu...

Sinh quay lại nhìn tôi nhe răng rồi giả vờ ngất trên bàn học, sau đó anh ngẩng lên với bộ mặt rất chán đời:

- Thế tôi tự hỏi em đã học lên lớp 12 bằng cách nào vậy? Em là con người quái dị nhất mà tôi từng gặp...

- Có gì đâu ạ. Em vốn khá Anh văn, mà cô chủ nhiệm em lại là cô Anh văn. Cô thương em lắm, nên nhờ thầy toán “nới tay” cho em. Tội nghiệp lắm. Thầy dạy em suốt năm phải dùng thêm thuốc trị tăng xông đó... Mà lạ lắm nha, hình như em có duyên với Anh văn lắm cho nên ai chủ nhiệm em cũng dạy Anh văn hết... - Nói rồi tôi cười khì khì... còn anh thì miệng há hình chữ O: “Oh my lord!” liên tục... Quả thật khi còn nhỏ thì tôi dở toán kinh người, học đâu quên đó... còn mấy môn như văn và Anh văn thì nhớ dai và sáng dạ kinh dị... Đôi khi tôi cũng thấy tôi vô cùng lập dị... thật sự là vậy...

Tôi bảo với Sinh rằng bé My sẽ bay ra Hà Nội vào ngày mai, tôi sẽ đi tiễn nó. Tôi cũng gợi ý hỏi anh có đi cùng không, anh lập tức lắc đầu phũ phàng:

- Thôi! Chịu. Tôi mà ra con tim bé My không những tan nát mà máu còn không trở về tim nữa. Mắc công lắm. Không đi là hơn... chỉ có cách đó là tốt nhất...

Chiều thứ năm, tôi nhờ Trâm chở ra sân bay tiễn bé My, nó cảm động lắm nhưng cũng cố kiên cường không khóc... Nó nắm tay tôi và hôn tạm biệt. Nụ hôn của nó lúc này mới dễ thương làm sao, cả đôi mắt, cả... cái bím tóc của nó nữa... Tôi không còn thấy ghét nó nữa. Lúc này ngược lại tôi còn mong nó đừng đi, giờ tôi đã hiểu nó thật sự trong sáng và tốt bụng chứ không giả nai như tôi vẫn nghĩ. Hơn nữa, nhờ nó mà tôi và Sinh xích gần nhau hơn... nhưng sự thật làm sao thay đổi được. Phải không?

Lúc đang ngậm ngùi tạm biệt thì Trâm giật áo tôi, tôi quay lại, miệng há hốc. Sinh xuất hiện, với chiếc áo màu lam tím trên tay cầm một bó hoa. Anh đi thẳng đến chỗ bé My, làm nó mở to mắt kinh ngạc không nói nên lời. Anh nhẹ nhàng đặt hoa vào tay nó và dịu dàng nói:

- Thầy xin lỗi. Thầy làm em buồn lắm phải không? Lẽ ra thầy nên giải thích cách khác. Chắc không làm em bị tổn thương đến vậy. Em tha thứ cho thầy nhé. Thầy cầu chúc em sống vui vẻ, học giỏi... bé My vẫn là cô em đáng yêu của thầy mà... Thầy không bao giờ quên em đâu. Mail của em thầy có mà. Thầy sẽ luôn trả lời nếu em viết thư.

Con bé My sụt sịt vài ba tiếng nhưng nó nhoẻn cười ngay. Nó ngước lên nhìn anh với đôi mắt sáng ngời:

- Em không khóc đâu. Em phải mạnh mẽ như chị Hân nè. Em không giận thầy. Em sẽ mail cho mọi người. Nếu có dịp cứ ra Hà Nội thăm em. Sẵn sàng làm hướng dẫn viên du lịch cho mọi người nè. Giờ... em phải đi rồi... - Nó cúi xuống xách va li đi đến chỗ phòng cách ly theo bố mẹ nhưng không quên quay lại vẫy tay chào chúng tôi.

Tôi thấy ngày càng thích Sinh hơn vì đức tính của anh. Càng ngày tôi càng thấy Sinh ẩn bên trong cái vẻ ngoài khá lạnh lùng lại là một trái tim dịu dàng, dễ mắc cỡ và nồng ấm. Nói vậy mà không phải vậy. Anh luôn luôn làm tôi ấn tượng bởi những điều bất ngờ...

Trên đường về khi nói về Sinh với Trâm. Tôi thấy mắt nó mơ màng lạ. Tôi chợt thấy có cảm giác không hay lắm về điều này. Một cảm giác đau thương nhè nhẹ len vào hồn... tôi không thích có cảm giác này một chút nào... Nhưng từ lúc từ phi trường về nó lại càng ngày lớn hơn...

Ngồi trên xe mà Trâm huyên thuyên nói về Sinh không ngớt. Nó khen Sinh nào là con người dễ thương, bí ẩn, “trong nóng ngoài lạnh”. Sinh nhìn vậy chứ không phải vậy, chuyên làm những điều bất ngờ, thảo nào khối người “đổ” vì anh. Rồi nó lại bảo sao mà Sinh dễ mến quá, càng ngày càng dễ mến. Nghe nó nói mà lòng tôi ngổn ngang: vừa vui, vừa buồn, vừa hồ hởi và cả bực mình nữa. Những câu nói đó lẽ ra là tôi nói chứ chẳng phải Trâm, và điều đó thật là tréo ngoe và ngược đời. Tôi bất chợt buột miệng:

- Mày thích ổng rồi à?

Nó quay lại mỉm cười với tôi:

- Không. Không như mày nghĩ đâu. Tao chỉ đang khen ổng thôi mà. Tao không có ý tranh giành với mày đâu... hi hi!

Bánh xe vẫn quay, mây trên trời vẫn trôi và thêm một con tim nữa lại bị chinh phục. Trâm chở tôi mà miệng nhẫm khe khẽ hát: “Anh vẫn đến dù trời gió mưa giăng khắp lối... Dù cho giá rét ru đêm mùa đông lạnh lùng...”

Tôi ngay lập tức ré lên chọc nó:

- Mày nói không thích ổng sao mà mày ca bài này thế? Có ý gì đây?

- Tự nhiên trong đầu tao có cái lời này. Tao đâu có biết mà. - Nó lại cười toe toét. - Cũng hợp tình hợp cảnh ghê đó. Tại tao thấy ổng vẫn đến phi trường dẫu trước đó mày kể ổng không chịu đi...

Ừ nhỉ quả hợp tình hợp lý... tôi cũng không ngờ là lại trùng hợp như thế... cái lời hát ấy...

Rồi Trâm rủ tôi đi uống nước. Quán nước quen của chúng tôi bình thường rất vắng nhưng hôm nay lại đông nghẹt. Thì ra có một đôi tình nhân đang tổ chức sinh nhật. Nào nến, nào bạn, nào quà... và đặc biệt có một lẵng hồng tươi thắm làm Trâm chú ý. Nó bảo tôi:

- Hoa hồng đẹp quá hen. Nhưng còn lâu mới đẹp bằng của Sinh tặng hôm bữa nè.

- Ấy! Lại còn thế cơ. Không đẹp bằng hoa hồng Sinh tặng... lại thêm một luận điểm đáng nghi ngờ... Nó thích anh thật rồi... con bé My vừa đi bây giờ lại tới nó sao? Mới tránh được “vỏ dưa” lại đụng trúng “vỏ dừa”. Số tôi quả thật là số con rệp... - Tôi cũng lắc đầu mỉm cười nhẹ nhưng trong lòng bão tố lại dâng lên. Tôi biết nếu Trâm thích Sinh thì tôi cũng không ngăn cản được chuyện đó, bởi Sinh đâu có nói gì với tôi đâu. Nói chính xác là chưa xác định “chủ quyền” đó mà. “Thầy ơi! Sao thầy lại sinh ra trên đời này với hình dáng như thế, với tính cách như thế? Thầy thật độc ác khi chẳng làm gì cả mà những “trái tim” tự dưng “trôi” tuột về phía thầy như vậy...” Đang suy nghĩ miên man tôi chợt tỉnh khi Trâm nói:

- Ê. Gần tới sinh nhật mày rồi đó. Tháng chín rồi. Chúng mình sẽ làm gì đây. Mày có định mời Sinh không?

“Mời Sinh ấy à? Một ý kiến tồi... Nếu có mặt ổng thì ngày sinh nhật tôi sẽ là một thảm họa ấy chớ... Lại những cử chỉ lịch thiệp, cái cách nói, cách cười ấy sẽ ghim vào tim Trâm “một cái đinh” bự hơn. Thảm họa tình yêu sẽ chỉ diễn ra nhanh hơn mà thôi.” - Tôi quay qua Trâm lắc đầu quầy quậy bảo là không cho Sinh biết về chuyện này. Và tôi hứa dẫn nó tới một chỗ hay ho. Quả thật lúc ấy, tôi chưa biết là chỗ nào...



[1] Một nam diễn viên Pháp thập niên 70 nổi tiếng với nét đẹp lãng mạn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro