Chương 6: Họa ngày giỗ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bóng nắng chiếu đến sát hiên nhà chính. Cây sung lớn ngự sau mái nhà, đung đưa một hất gió cao.

Bà Thanh Nương tựa vào chõng, tay phết liên tục cây quạt nan. Thanh Đức Sang ngồi trên bàn cũng kề ấy, tay nâng cốc trà sứ tráng men thượng hạng, nhấp ngụm thanh tao, bởi thiếu gia là một người sùng trà đạo. Cạnh ấy, Thanh Uyên vừa săm soi mặt mày, trét một lớp phấn dày lên má, cô ả này dự định sau khi tham giỗ xong sẽ đi hẹn. Còn Thanh Đức Trọng thì đã đi từ sớm, độ chừng giờ giỗ sẽ trở về.

Cảnh vật chừng im ắng lắm.

...

Bà Năm, Xuân và đám hầu bếp từ quê trở lên đương lặt rau sau hè. Tất thảy đều rất quý mến mợ Ba, bởi tại mợ hiền, mợ thật thà, chất phác. Sau hết, mọi người cũng như bà Năm, đều hết sức thương cảm cho số phận của nàng dâu. Rồi chợt, một trong số bạn bè của con Thu lên tiếng:

“Í cha, từ hồi nãy tới giờ, có ai thấy con Thu không? Hồi nãy vừa xuống xe, nó lật đật chạy biến mất tiêu đâu rồi. Vô đây đi kiếm cũng không thấy tăm hơi đâu!”

Kẻ khác chọc vào:

“Hổng lẽ nó bị lạc đường hả? Mà không phải, nó đi lên đi xuống đây bao nhiêu  lần, rành còn hơn đếm ngón tay! Vậy nó đi đâu từ sáng tới giờ vậy?”

Xuân xởi lởi:

“A, có phải cô gái dáng nhỏ, tóc xén đến vai, mặc áo vàng quần nâu phải không? Hồi lúc mợ hấp vịt, cô đó có ghé ngang. Chỉ cô đó là mợ chưa biết tên, chứ mọi người lên đây mợ đều thấy cả.”

“Dạ đúng đúng đó mợ. Vậy mà sao nó đi đâu rồi cà? Chậc, việc không xuể mà còn lân la đâu đâu. Hay rằng để con đi kiếm cô ả này, lôi đầu về cho.”

Con Mai, cái đứa mắc bệnh chậm tiêu và hay quên, nhưng được ở cái nó siêng hơn người ta. Rồi nó hồ hởi xung phong đi tìm. Nó liền ba chân bốn cẳng chạy đi.

...

Trong nhà bếp, con Thu chừng đã vạch ra sẵn mọi kế hoạch. Nó giở gói thuốc tẩm độc mà vừa sáng đi chạy mua khắp, nó cười thâm hiểm, rồi một tay trút cả vào nồi vịt. Nó nhanh nhảu đảo đều mặt, rồi đặt nồi lại vị trí cũ như thể chưa có gì xảy ra.

Liền lúc ấy con Mai tất tả chạy vào, vừa phấn khích: “Thu! Mày làm gì trong đây cả buổi trời đó cà? Tao chạy tìm mày mệt muốn chết à!”

Con Thu kinh hoàng bạt vía, giấu gói thuốc ra sau lưng, vò nát. Mặt nó xanh bét lét như tàu chuối, tay chân nó run lên như cầy sấy, tất thảy nó đều không ngờ con Mai lại chạy vào lúc này.

“Nè... mày giấu gì sau lưng đó? Mặt sợ tao dữ vậy? Mà mày mò mẫm cái gì trong đây đó hả? Thôi, đi về phụ tao làm đồ, giỗ tới nơi rồi.”

Con Thu vứt gói thuốc xuống thùng rác, rồi ậm ừ theo gót con Mai đi ra ngoài. Nó được một phen hú hồn, suýt chút thì kế hoạch đổ vỡ rồi.

Nắng chiếu hơn đỉnh đầu ngọn tre dừa. Các cô các chú, các mợ các bác, tất thảy dòng họ của nhà Thanh đều ồ ập kéo đến, đứng lố nhố ở ngoài như đám rong rợ, chờ bà hội đồng Thanh cúng bái xong sẽ ăn giỗ. Duy chỉ có dịp giỗ chồng, giỗ cha giỗ mẹ, thì bà Thanh ấy mới phóng túng mà thết đãi cho họ một bữa no dạ hả hê. Chứ ấy ngày thường, một xu bà cũng tính toán cho kỳ được.

Bàn thờ cúng đã bày biện đầy ắp cả. Hương khói ngùn ngụt bốc lên bàn thờ. Bà Thanh dập đầu lạy mấy cái, rồi chia nhang cho con cháu cùng thắp thỉnh. Lễ nghi đều xong xuôi, bọn hầu bếp, cả Xuân đều khệ nệ bưng mang đồ ăn ra bàn ngoài sân, cho các cô các mợ ấy một bữa ra trò. Nồi vịt hấp xẻ thành phần tư, chia đều cho bốn bàn tiệc. Con lớn nhất trưng lên bàn thờ cúng.

Tiệc giỗ diễn ra êm xuôi. Món vịt hấp là món chính, tất thảy mọi người đều trầm trồ khen ngợi, vịt tươi lại sạch lông, hấp chín, màu vàng ngả trông mà chảy dãi. Món khai vị đã chén sạch, họ giành nhau miếng vịt ngon thơm kia, mỗi người xẻ một miếng, chốc lát đã sạch dĩa.

Bà Năm ở trong khẽ khen ngợi tài nấu nướng của con nhỏ Xuân, ấy thế, dâu đẹp người lại đẹp nết, nhà này có phước mà chẳng biết hưởng. Còn con Thu ở trong kia, nó lại cười thầm.

Y theo kế hoạch của con Thu vẽ ra, chốc mấy phút sau, khi từng người đã hả hê với món vịt tưởng chừng ngon lành ấy, thì tức thì, tất cả đều nôn thốc nôn tháo cả ra. Cảnh tượng kinh hoàng lúc mà cả đám người cùng nôn ra toàn thảy là thịt vịt nhão toét. Cả đám đều nhảy giựt lên, vỗ ngực thành thạch, nôn ra tiếp là nước màu đục vàng óe. Sau rồi cả khách khứa đều gục trên bàn tiệc, môi tái nhợt.

Bà Thanh sửng sốt kinh hoàng, cuống cuồng kêu thét giục bọn hầu đi gọi đốc tờ đến ngay. Còn bà thì một phen kinh hãi, lắp bắp chẳng biết nói gì. Liền sau đó, một đám đốc tờ kéo nhau lũ lượt tới sân nhà bà hội đồng, tức thì, họ được phen hốt hoảng cũng y bà Thanh. Sân nhà vữa ra đống nôn tháo, người người xếp chồng lên nhau, bất tỉnh.

Họ thăm khám và lôi ra ngồi ghế dọc theo đường sân vườn, cả mấy đốc tờ hết soi soi thì mó mó, sau cùng cho họ uống một thứ gì như bột thuốc, rồi họ cùng nhau đến thưa với bà Thanh.

“Thưa, bọn họ chẳng qua là ăn trúng phải độc dược hạng trung. Nhất thời, độc dược xâm nhập, cơ thể không chịu nổi, phải trào ra ngoài, nước đục màu vàng chính là thuốc tẩm độc. Bây giờ tình trạng đã ổn hơn, nếu sau khi tỉnh dậy, còn nhức đầu hay tiêu chảy, hãy đến gọi chúng tôi.”

“Thế... thế các ông bảo xem, đầu dây mối nhợ là do các họ ăn phải món gì mà trúng đến thế? Nhà tôi trước giờ đâu có xảy ra cơ sự này bao giờ!” bà Thanh thực rất sốc, bà hãi hùng vì nếu bấy nhiêu mạng người chết thì công danh sự nghiệp của bà hội đồng coi như đi tong. Ấy thế, trong dạ bà thực ấm ức, bà tức cái bọn hầu bếp làm củ dền củ dác gì mà xảy ra cơ sự thế này. Đợi xem, sau chuyện này bà chắc chắn phải tra ra lẽ mới yên!

“Thưa, có lẽ là do món vịt. Vì họ ăn món khai vị trước rồi mới ăn vịt, vậy mà nôn ra chỉ toàn là vịt. Chúng tôi nghĩ trong thịt món này có tẩm độc.”

Bà sửng sốt, bà trố mắt ra. Thanh Đức Trọng và Đức Sang ngồi một bên, vẫn chưa hết hãi hùng về việc đã xảy ra, như một chớp thoáng, ngày giỗ an bình lại trở nên vụ ngộ độc quá thể. Thanh Uyên thì thút thít sợ hãi. Còn bên kia, Tô Hà Xuân hãy còn rất sốc, sốc hơn tất thảy những người kia, bởi chính nàng đương là nghi phạm số một kia mà. Bà Năm thì chạy đôn chạy đáo lo cho đám người trúng độc kia. Còn con Thu thì một bụng hả dạ, nó còn đang chống mắt lên mà xem, kịch vui còn đoạn kết.

Sau cùng, người nhà của họ đến cõng, ẵm, lôi lếch xếch về nhà. Bà Năm cùng đám hầu tất tả dọn dẹp đống bừa bộn. Còn bà hội đồng thì vào trong nhà chính, kéo theo sau là hai con trai, con gái và con dâu.

Bà trịnh trọng ngồi lên ghế, mặt nghiêm nghị bức người ta phải đổ bồ hôi. Bà đập gậy xộc xuống sàn, mắm môi, bà quát lác:

“Loạn rồi! Chúng mày rặt một lũ ăn hại! Tổ cha chúng mày, ngày giỗ của ông Thanh chúng mày cũng dám phá cho kỳ được! Còn thể thống, còn mặt mũi gì mà bà già này dám nhìn dòng họ hử? Con Xuân, mày làm vịt đúng không? Thế mắc lại cái thốn gì mà mày đánh rớt hay cố tình làm rớt thuốc độc vào trong đấy? Mày xem ngày giỗ của cha chồng bằng ngón út đấy phỏng? Hử! Há mồm ra mà trình mà thưa với bà! Không thì bà cách cổ mày chết tươi!”

Nàng kinh hãi, lắp bắp vài ba câu dạ thưa, thì bà hội đồng ngông ngạo kia đã đập mạnh bàn, hù thét với nàng dâu, có thế, ruột gan bà đang sôi lên nùng nục thế kia mà.

Nàng ứa nước mắt, thút thít một vài câu:

“Dạ thưa má... con không có làm mà... con làm vịt xong thì đi ra ngoài lặt rau, có bà Năm làm chứng cho con... Má ơi má, má xét tình cho con, thực con oan lắm. Thực con oan lắm...”

Với cái máu nóng nảy và cái thói khắc nghiệt của đàn bà thoái sáu mươi, bà thét đổng lên, khắp năm gian đình hãy còn kinh hãi:

“Bố cha mày! Mày hãy còn oan lắm à? Ừ, oan! Oan! Việc rõ rành rành thế mà dám ngông cổ lên mà cãi cho kỳ được! Mày gan lắm! Gan lắm! Để bà chống mắt lên mà xem, mày bị đuổi khỏi nhà này, thì còn gan không! Mày, lập tức soạn đồ mà đi khỏi cái nhà này! Nhanh, cút!”

“Má, má đừng làm vậy mà má.” Thanh Đức Sang lên tiếng, vuốt ve bà, bởi hắn thừa biết, lúc nóng lúc giận thì bà không còn là người nữa, vả lại là, hắn chưa chơi đã, thì bất người nào cũng không được lấy mất. Thanh Đức Trọng không ngồi im nữa, cho rằng khúc mắc của chàng và vợ vẫn còn, ấy vậy nhưng việc này quá đường đột, tình nghĩa vợ chồng gần năm trời, sao có thể một chớp một nhoáng thì chia cắt liền?

“Má, việc hãy còn chưa sáng, má điều tra cho rõ chưa? Má chắc không?”

Thanh Uyên gấp lời:

“Má, lẽ gì má còn chưa thấy sao? Cơ sự xảy ra rành rọt như vậy, má hãy còn chưa sáng mắt ư? Má coi đó, chẳng may là chị ta bỏ thuốc độc loại trung bình, nếu hay mà loại nặng thì cả dòng họ này mang tiếng nhơ bẩn cả đời đó sao? Má, vụ này không thể bỏ qua đâu, một ngày mà chị ta còn ở đây, con quyết không ăn không uống gì cả!”

Bà Thanh Nương vốn là yêu là chiều con út nhất, bà mủi lòng, rồi bà một mực kiên quyết, đứng dậy giáng cho con dâu một phát tát. Bà dỏng giọng:

“Mày còn ngồi đây nữa à! Có hay tao cầm chổi đuổi mày đấy! Soạn đồ mà cút khỏi nhà này, chẳng còn kệnh dệnh thì tao bắt tù mày bởi tội hạ độc người ta bấy giờ! Có nghe không đấy phỏng?”

Hà Xuân một thân nước mắt đầm đìa, nàng chịu bao sỉ nhục, oan ức đến bần cùng, chẳng thể kêu với ai, đường nào rồi cũng có cái ngày bạc mệnh này. Nàng có oan, nhưng có ai nghe? Vậy thôi thì, nàng cắp gối cắp áo, ra đi vậy. Ích gì cũng được giải thoát khỏi tủi hổ mỗi đêm, khỏi cay đắng mỗi ngày. Tủi vậy, nàng ôm xách quần áo, bước một gót một ra khỏi Thanh gia.

Rồi, cả đám hầu việc đều chia buồn quyến luyến nàng, ấy vậy mà có ích chi, nàng buộc đi phải đi, nàng dứt tình dứt cảm, nàng phải làm thế.

Ra khỏi cổng, lá thu lác đác đánh rớt xuống mặt đường gồ ghề, nàng nhủ bụng phải về với quê cha nước mẹ, nơi ấy là nơi nàng vốn phải ở, vốn phải sống, cơ đâu lại là Sài Thành. Nàng vén túi áo, móc khan ra mấy đồng bạc cũ, mà lúc nãy bà Năm dón vào tay nàng. Nàng đi lên xe kéo, rồi ngậm ngùi rời xa nơi ấy, vẫn là thấy bóng hình của Đức Trọng, đứng nơi ấy, mắt chàng thờ thẫn trông đi nơi đâu.

**********

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro