Ba: Một đám tang

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trời vẫn đổ mưa. Hối hả, rả rích, lạ lùng.

Trên con đường nhỏ, Năm Lĩnh nằm sóng soài, gương mặt nhuộm đỏ máu tươi. Nhưng mắt vẫn không hề nhắm đi.

Nó chạy sấp ngửa tới, nước mắt nước mũi chảy đẫm mặt, đầu tóc rối bời. Trong cái làn mưa xối xả như trút như xối, thì cũng đâu bằng nỗi đớn đau mà nó đương đeo mang. Năm Lĩnh, một người đàn ông sức vóc, một người mà sáng nay còn đến hôn nó, một người chờ đợi cho tới năm hai mươi lăm mới biết yêu, biết thương một người con gái. Vậy mà cho tới lúc tình cảm đã trổ sanh đến giờ, cũng không thể ở lại bên cạnh người con gái ấy nữa.

Chính cái sự ra đi quá đột ngột, chính lúc cái chết đã cướp mất đi một người chồng, một người cha, thì cũng là khi người ta chẳng còn cảm thấy cái gì ý nghĩa nữa.

Thời Dinh, trong đầu trống rỗng mà nước mắt cứ giàn giụa. Tự dưng. Nó nhớ mấy hồi mới yêu. Nhớ những cái ôm ấp diễn ra thật dài, ở trong lòng Năm Lĩnh thật bé nhỏ, cái cảm giác ấy làm nó chẳng lúc nào không xao động, thổn thức, rồi nó muốn được thương người ta nhiều hơn nữa.

Nhớ cái nắm tay mỗi chiều, nhiều khi cũng ngộ nhưng chỉ bấy nhiêu cũng đủ khiến tâm hồn nó nhẹ nhàng như phơi. Nhớ cái hôn đầy ắp sự rung động và hạnh phúc khó tả. Có một cái gì rất lạ, lôi cuốn nó quay về những ngày xưa cũ nhưng rõ mồn một, tới nỗi ngay cả bây giờ tấm lưng nó vẫn hằn rõ cái ấm áp từ bàn tay Năm Lĩnh mỗi lúc ôm nó vào lòng.

Giờ nó lại ôm Năm Lĩnh trong vòng tay thật bé nhỏ không vòng qua hết tấm lưng, có điều bây giờ Năm Lĩnh không thể ôm nó lại như trước kia nữa, không thể với tay để vén tóc và chùi nước mắt cho nó nữa. Nó thấy mình đau lắm, một nỗi đau tột cùng mà kể cả cơn mưa lớn thế nào cũng chẳng thể rửa trôi đi được.

'Chồng nó chết rồi'.

***

Sáng ngày hôm sau. Trời quang mây tới lạ, trên giọt nhà còn nhiễu dòng mưa đứt quãng. Một con bồ câu chao cánh qua thềm nhà rồi cất lên trời bay đi. Một đoàn người mặc áo trắng quần trắng, phất phơ lá cờ thật to trên nền trời. Hương khói bay la đà khắp chốn, xộc vào đuôi mắt cay xè xè, nhưng cũng không bởi thế mà khiến người ta khóc nhiều đến vậy.

- Đứa con gái súc sinh! Bởi mầy mà con tao chết! Chết không một lời trối trăng, giả như chiều hôm đó mầy không kêu nó đi thì nó đâu có phải ra cơ sự nầy chớ!

Bà Ba Liên kêu thét um sùm, đứa con gái út ôm ngang hông kéo bà về nhưng không nổi. Còn nó, chỉ đứng cúi mặt, giọt lụy lăn dài trên gò má. Nó không được đeo tang, bà Ba Liên đã nói vậy. Bà thì nghĩ, nó lấy tư cách gì mà đeo tang, nó đã giết con trai duy nhất của bả, suy ra nó là ác nhơn, để cho nó đi rước là phước phần cuối cùng rồi.

Tía nó, ông Sáu Độ nắm cổ tay kéo nó đi ra một chỗ riêng. Ông ghì giọng nhỏ nhỏ, nét mặt khốn khổ, lần đầu tiên nó thấy tía nó như vậy.

- Mầy đi về nhà ngủ. Ở đây làm cớ để bả bới lên chửi hay sao? Đặng chiều tối rồi mầy ra thăm thằng Năm thì hơn, chớ, tía thấy mầy vậy tía xót lắm đa.

- Có chửi thì cũng đáng mà tía. Tía về nhà nằm nghỉ đi, qua tới giờ có được ngả lưng mấy đâu.

Rồi nó quay đi, lại phía cái mồ thằng Năm. Cái mồ nhỏ, đắp lên bằng đất, nằm giữa hai nhánh cây nhỏ xõa bóng xuống. Nó quỳ gối, tay bấu chặt vô mép áo, nó không còn có thể khóc hay đấm ngực, nhưng mắt nó buồn hiu. Một nỗi buồn cô đọng, chất chứa và nặng nề khôn tả. Giá như có thể bỏ mặc tất cả mà chết đi, bỏ lại tất cả đớn đau nầy mà tìm lại Năm Lĩnh thì tốt biết mấy. Đâu đó giữa sự thơ thẩn, nó đã từng nghĩ như vậy đó.

...

Một buổi chiều. Trên ngọn sồi réo rắt những điệu hát nhẹ nhàng, bay bổng theo gió, bốn bề yên ả và ung dung, như chưa từng xảy ra cái gì.

Nó ngồi kế bên mồ chồng, lưng ngả, áp má, tay với ôm cả phần nấm mồ. Lòng nó đau như cắt như thiêu, nó nhớ Năm Lĩnh quá chừng. Nếu là trước kia, cứ chiều thế nầy, Năm Lĩnh hay chở nó đi vòng vòng mấy làng, ngày nào cũng đi mà hổng biết chán. Tại vì lúc đó, Năm Lĩnh vẫn còn ở với nó.

Bất chợt, nó nhớ tới đứa con trong bụng. Bất chợt, nỗi lo lắng và sợ hãi tột cùng chiếm lấy nó. Trời ôi, chồng thì chết, mẹ chồng thì hắt hủi, nó biết kiếm đường nào mà sanh ra đứa con nầy đây? Hổng lẽ nào, nó phải chịu tiếng chửa hoang, ăn cơm trước kẻng, nó phải nuôi con trong ánh mắt dè bỉu và khinh bỉ của họ hàng lối xóm chăng? Nó sợ những điều ấy kinh khủng, rồi nó cũng thương con nó nữa. Giả như về sau con nó lớn, phải chịu điều tiếng của xóm làng như nó đã từng thì sao?

Hay là đi trốn? À, đi tới nơi nào thiệt xa, kiếm kế sanh nhai rồi đẻ ra đứa con nầy, mình chịu khó đi mần cho người ta cũng mong được bát cơm đôi ba phần. Mà đi đâu mới được?

Nó chợt nhớ tới hồi hai năm trước, thím Tín lúc trước chỉ nó đi buôn kiếm tiền, hồi ấy đã cuốn khăn gói lên Sài Thành. Thím nói trên ấy kiếm nhiều tiền hơn dưới nầy, cũng hổng biết ăn sanh bằng nghề ngỗng gì, nhưng năm nào cũng mướn người gởi tiền xuống cho tía con nó, có kèm một lá thư ghi địa chỉ, hễ lúc nào con Dinh rỗi thì lên kiếm thím để thím cho đi mần kiếm tiền chung.

Ba hôm sau, nó nghĩ hết nước hết cái, rồi cuối cùng cuốn áo quần bắt xe lên Sài Thành, để ở nhà một lá thư cho tía, đệ rằng chừng gặp thím rồi sẽ mượn tiền sanh đẻ, đẻ xong thì đi kiếm tiền trả nợ, lúc nào đủ đầy khấm khá ắt nó sẽ về.

Lúc rời làng, nó có ngoảnh đầu nhìn lại một cái. Đi rồi chắc lâu lắm mới về lại, mà thây kệ, nó đâu còn có thể chọn lựa. Lúc Năm Lĩnh chết, cũng là lúc cuộc đời nó rơi xuống thật sâu. Chuyện đã rồi, nhưng nó thấy thật đớn đau.

...

Chiều gõ năm giờ. Nó xuống xe, đặt chơn lên đất Sài Thành.

**********

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro