Hai: Bụng mang dạ chửa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tảng sáng. Trời mây mờ mịt, lấp lửng những cánh mây mơ hồ. Một đoàn xe kéo cộc cạch băng qua mé sông. Rồi con bồ câu chao liệng cả màn trời, đã đậu xuống trên con đê nhão nhẹt.

Nó giật mình tỉnh dậy. Ngó qua, Năm Lĩnh đã đi về từ sớm, nó không muốn về ngay nên ở lại chợp mắt thêm tí nữa. Nó nằm trơ trọi một mình trong căn chòi nhỏ, tự dưng, nước mắt lăn tròn trên gò má. Gương mặt nó ướt dầm ướt dề.

Nó không biết quyết định nầy là đúng hay sai. Chính cái mông lung đó làm nó thấy bản thân thật thậm tệ, muốn dày xé, muốn vứt bỏ. Cái cảm giác đó làm nó bứt rứt, nó không biết nên cười hay nên mếu, nên mừng hay hối tiếc. Hai luồng cảm xúc chi phối cả con người mỏng manh đó. Một đứa trẻ mười bảy quá non dại, đến nỗi khiến người ta phải lầm tưởng, nhưng rốt cuộc nó lại chọn con đường đớn đau đó.

Nó đã sống những ngày sau đó thật khổ sở, phải giấu giếm, che đậy trong cái cảm giác hồi hộp, nơm nớp lo sợ mà thiếu điều còn muốn bóp nghẹt cả lồng ngực. Nó lúc nào cũng đeo mang bộ mặt giả tạo, mặc dầu đến cuối cuộc thì tía nó cũng phải biết nhưng tuyệt nhiên nó không muốn như vậy một chút nào. Nó cũng biết những chống đối trong tâm tưởng nó đã kềm giữ không cho nó mở miệng nói lên lời nào với tía, dẫu trong thâm tâm nó muốn òa lên khóc với tía biết chừng nào. Òa lên khóc là vì nó không biết làm như vậy có phải biến nó thành cái Đào thứ hai hay là không nữa.

Sáng nào, Năm Lĩnh cũng qua ngồi chơi với nó trên căn gác nhỏ, lúc nào cũng bưng theo một nồi cháo nóng hổi. Người đàn ông đó lúc thường chẳng có mấy khi biết lo lắng cho ai, vậy mà giờ bởi đâu đâu lại thấy bồn chồn, muốn qua nghe ngóng, hỏi thăm, thậm chí chỉ muốn trông thấy người ta một lúc rồi thôi. Năm Lĩnh, cái thằng lúc nào cũng cộc cằn, quạu quọ, vậy mà chỉ có ở với Thời Dinh, hổng hiểu sao nó nhẹ nhàng tới lạ.

Mấy khi hai đứa ngồi trên gác, nó luôn khóc ngắn khóc dài. Mặc cho thằng Năm có dỗ, có ôm nó vô lòng đã rất nhiều lần, nhưng nó vẫn sợ. Tâm hồn nhỏ bé đến nỗi chỉ sợ chạm khẽ cũng bật ra tiếng khóc, nó là vậ đó. Nhưng dầu sao, dạo nầy thằng Năm lo cho nó lắm, tới nỗi ông Sáu Độ cũng bớt dần ác cảm.

Mấy tháng trôi qua nhanh nhẵn. Cái bụng của Thời Dinh cũng to dần. Điều đó làm cho nó thiệt thấy khó xử.

- Dạo nầy mầy mập lên hả?

Ông Sáu Độ nằm chèo queo trên võng, tay gắp điếu xì gà, còn miệng phun khói phì phèo. Nó đương gắp đũa cơm nguội thì giật mình một cái thiệt mạnh.

- Đâu có.

Rồi nó gắp miếng cá thu bỏ vô chén, tự dưng mùi cá xộc lên mũi nồng nặc. Cơn rùng mình kéo tới người nó ngay tắp lự. Nó muốn ói. Hình như là ốm nghén. Trời đất, khi không mà ói thì ông già thể nào ổng cũng nghi. Vậy là nó ráng nuốt vô trong bụng. Đắng miệng quá.

...

Mấy bữa sau, nó đương nằm nghỉ trên gác, cũng tháo miếng vải quấn bụng cho thoải mái, bỏ bớt mấy lớp áo. Bất chợt, ông Sáu leo lên gác kiếm bộ đồ cũ. Rồi ổng thấy cái bụng chình ình của nó. Mặt mầy đỏ chót, tay ổng run run.

- Dinh! Cái bụng mầy sao đó? Mầy có bầu đúng không? Có bầu đúng không? Sao mầy giấu tao từ hồi đó tới giờ? Bầu của ai, hả?

Nó bật dậy, mặt trắng bệch. Trời ơi, nó sợ bị đánh quá. Vậy là nó quỳ rạp xuống, bấu chặt tay vô đầu gối, nước mắt rơi lã chã.

- Tía ơi... tía thương con, thương cháu của tía... con lạy tía đừng có đánh con. Tội con lắm đa!

Ông Sáu giận sôi máu, đập hộp thuốc lá xuống sàn, miệng mếu, nước mắt chảy ròng ròng từ hai khoé mắt đã chằng chịt vết chân chim, ông đưa tay lên bóp trán, lưng khòm xuống. Giọng ông ghì trầm, hình như đang cố kìm nén một cái gì đã quá sức.

- Thằng Năm Lĩnh phải không?

Nó làm thinh. Chỉ biết cúi mặt xuống sì sụt khóc. Chứ biết nói gì nữa bây giờ? Nó vừa sợ, cũng vừa nhục. Một hồi, cuối cùng ông Sáu cũng bỏ xuống dưới rồi đi khỏi nhà. Nó gục mặt xuống đầu gối, cắn môi thiệt mạnh. Sớm muộn gì chuyện đã rồi cũng phải vỡ lỡ. Nhưng tại sao nó lại cảm thấy tội lỗi tới vậy. Tệ quá.

***

Chiều ngả tới đầu làng. Một buổi chiều thật ảm đạm, tẻ ngắt. Có cái gì đó vương vấn, bùi ngùi quyện trong hơi gió phả nhè nhẹ, có lúc êm đềm, cũng có lúc dữ dội.

Nó ra đứng ngoài bờ sông. Gió thổi quật tóc đi, bết vào hai gò má. Nó không còn đeo tấm vải quấn quanh hông nữa, cũng không phải nhịn nuốt cơn ói thình lình xuất hiện. Dẫu là vậy, nhưng nó thấy lo lắng hơn trước rất nhiều. Từ đó tới giờ, không ai dạy nó chuyện sanh đẻ phải làm sao, chuẩn bị cái gì. Không ai dạy nó hết. Phải chi có má ở đây thì tốt biết bao nhiêu...

Năm Lĩnh từ đằng sau lưng đi ra. Chiều nào hai đứa cũng ra đây ngồi hóng gió.

- Hồi trưa ngồi ăn cơm, tui có thưa chuyện em với má. Lúc đầu bả cừ nhừ suốt, vậy mà cuối cùng cũng gật đầu đó đa, cũng nhờ nhỏ em tui tối nào cũng thủ thỉ với bả. Có điều bả nói mai mốt cháu nội phải để nhà tui nuôi mới được.

Nó nghe xong mặt mừng húm.

- Thiệt hôn đó đa? Em nghe nói mà mừng quá trời quá đất.

- Ừa, mốt em về làm dâu nhà tui, phải ngoan thì má tui mới thương, nghe hôn?

Nó ôm Năm Lĩnh bằng vòng tay nhỏ bé nhưng siết chặt, cứ như thể sợ rằng nếu buông tay thì sẽ vuột mất trong chốc lát vậy. Ai có dè, tới phút cuối thì má con nó cũng được chấp nhận đâu. Những ngày trước, nó đã ôm khư khư những nỗi sợ luôn canh cánh trong lòng, sợ người ta dị nghị. Bây giờ, tự dưng tất cả cảm giác ghê gớm đó tiêu tan ở đâu đi rồi, giờ nó thấy hạnh phúc hơn bất cứ ai.

Năm Lĩnh hôn lên tóc nó, rồi cười nhẹ nhõm. Nó hạnh phúc tới nỗi nước mắt làm hoe hàng mi, trong cuộc đời của nó chưa từng đón nhận được một hạnh phúc tuyệt vời đến vậy. Cái hạnh phúc được gả cho Năm Lĩnh, mang danh chính ngôn thuận mà chẳng có sợ ai dè bỉu, khinh rẻ. Rốt cuộc gì nỗi sợ từ lâu nay đã tan biến, nó mong tới ngày đẻ thật nhanh, để thấy niềm vui của mọi người trong lúc một sinh linh chào đời, à, là đứa con đầu lòng của Thời Dinh, của Năm Lĩnh.

Từ dạo đó, má của Năm Lĩnh cách độ hai ba ngày thì đem cháo, thịt thà tẩm bổ cho Thời Dinh. Sui gia đụng mặt riết cũng quen, thành ra mấy lúc ngồi vãn chuyện, tính ngày cưới hỏi luôn. Gần tới kỳ đẻ tầm bốn tháng, thì nó ở trong nhà nằm nghỉ luôn, ông Sáu Độ lo cho con gái rất mực nên chẳng lúc nào rời mắt.

Chiều bữa đó, tự dưng nó thèm trà táo đỏ, đi bộ mười phút thì có quán bán, có điều trà ở làng trên vẫn ngon nhất. Vậy là Năm Lĩnh dắt xe ra đi mua, dẫu nó cản hoài cũng không được.

Khúc giao với làng trên bị sạt lở, người ta đành đắp thành eo đất tạm bợ, thành ra cũng vắng người qua lại. Nhưng Năm Lĩnh vẫn dằn nó ở lại nhà rồi rồ máy xe phóng đi một mạch. Bóng lưng quen thuộc đó, rồi cũng dần thu lại thành một dấu chấm nhỏ xíu.

Không hiểu sao, ngày hôm đó trời đổ mưa thật nhiều. Dẫu đang là mùa nắng vậy mà, ngộ ghê...

Nó ngoảnh lưng đi vô trong nhà, ngồi ăn cơm rồi bật cát sét nghe cho đỡ buồn. Mấy chốc rồi trời cũng tối, mưa nhiễu trên giọt nhà thật nhiều, càng ngày càng nặng hạt. Chưa bao giờ nó thấy mưa dai dẳng tới vậy. Mưa rớt dưới sàn nhà, đều đặn như một nhịp điệu u buồn. Mưa rớt trúng cái chậu nhôm đã cũ, rồi văng lên thật cao, đậu xuống mảng bùn nhão nhoét. Ngoài kia, trời tối om.

Tám giờ hai lăm, nó ngó cái đồng hồ cũ cứ lắc lư, rồi rảo mắt ra ngoài hiên nhà. Năm Lĩnh chưa về, chắc là đang mắc mưa. Nó ngồi ôm đầu gối trong gian nhà lạnh lẽo, cô quạng. Ông Sáu Độ lên thị xã làm giấy công đất, chắc sớm mai mới kịp bắt xe về. Đêm hôm như vầy, dẫu không phải lần đầu ở một mình, vậy mà nó thấy trong mình bứt rứt quá chừng. Có cái gì đó, làm nó thấy ấm ức không sao chịu được.

Tự dưng, dì Sáu hàng xóm trùm áo mưa chạy tất tả tới cửa nhà nó, mặt hổn hển, nước mưa tạt ướt mình mẩy. Chẳng bao giờ nó quên được giọng nói của dì Sáu ngày hôm đó - thất thanh như sắp đứt lìa vậy:

"Thằng Năm Lĩnh chết rồi! Bị đâm xe ở khúc giao, mầy ra gặp mặt nó lần cuối!"

**********

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro