3. Xứ sở miên man.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Cậu Thuận là con độc đinh trong một gia đình thương nhân giàu có tại Sài Gòn. Dân đen truyền tai nhau rằng tiệm buôn vải nhà cậu mở trên khắp lục tỉnh Nam Kỳ, của cải cho dù có vung tay tiêu đến ba đời sau cũng không hết. Cậu Thuận biết tiếng Tây, học trường Pétrus Ký, nhưng lại không thích trưng diện theo kiểu tân thời xứ Pháp. Hàng ngày, người ta trông thấy cậu trong những bộ áo tấc phiêu diêu bước đi trên phố, mỗi khi gió nhẹ thổi qua, tà áo rộng chập chờn chấm đất, như cuốn theo chút bụi trần nhuốm lên dáng vẻ thanh tao của người quân tử.

Người ta còn kể lại rằng, mấy tháng trước có kẻ vì ganh ghét chuyện kinh doanh tiệm buôn mà bày mưu giết hại cậu Thuận, may sao mũi tên đó bắn hụt, thế là cậu Thuận vẫn bình an. Rồi người ta tấm tắc khen hễ ai chết hụt thường sống dai lắm, cậu Thuận có phúc chán! Họ đồn ầm lên thế, rồi cứ tin là thế, chỉ có Phúc biết rằng mũi tên lạnh toát đó không đi chệch hướng, trong một đêm mưa rào trắng trời hai tháng trước, "họ" thực sự đã chết một lần.

Phúc đã ở 'thế giới' này được một tuần, lặng lẽ chờ chết.

Nhưng cái chết chần chừ mãi chưa đến, dần dà, lại khiến cho người ta buông lỏng cảnh giác. Mấy ngày nay, Phúc được Thuận dẫn đi dạo phố, chẳng vì lý do gì, chỉ nghe Thuận nói rằng dù sao cũng đã đến đây, khi đi sẽ không bao giờ quay trở lại nữa, chi bằng cứ thử ngắm nhìn thế gian mà cậu chưa từng đặt chân đến này một lần.

Thuận ghé tiệm vải lấy cho Phúc mấy bộ áo ngũ thân, thay cho bộ đồ ngủ kẻ caro cậu mặc từ hôm bị kéo tới đây. Anh dắt cậu đi nghe hát bội, đi đến trường học, đi ngang qua những khu chợ tấp nập bất kể đêm ngày. Những khung cảnh cũ kỹ như chỉ tồn tại trong câu chuyện kể về một thời lầm than, lúc này lại hiển hiện rõ ràng trước mắt Phúc. Cậu ngồi cùng Thuận ở một quán nước trong chợ, nhìn ngổn ngang người qua kẻ lại, kẻ gồng người gánh, chân lấm tay bùn, xa xa là những quán xá người Hoa, người Tây chen chúc, cũ mới lẫn lộn, sao mà bâng khuâng trong lòng.

Thấy cậu cứ ngẩn người, Thuận đẩy bát nước chè thả thêm mấy bông qua nhài về phía cậu, lên tiếng hỏi han.

"Ở nơi kia... cậu làm gì?"

"Tôi đi hát."

"Hát?"

"Ừ."

"Giống thế kia hả..."

Thuận chỉ tay về một góc không xa trong chợ, có ba bốn cô thiếu nữ đang xách làn đứng xung quanh một nhóm hát rong. Họ ngồi bệt trên nền đất, trên đầu người thì buộc khăn, người thì đội mũ nan cũ rích, gù lưng gảy những đàn bầu, đàn nguyệt, đàn nhị, ê a ca một khúc ca buồn nẫu ruột...

"Không phải." Phúc lắc đầu. "Giống những nghệ nhân hát bội hôm trước anh đưa tôi đi xem ấy. Người ta trả tiền nghe tôi hát..."

"Thế thì cậu khổ quá!"

Câu cảm thán của Thuận làm Phúc hơi cứng họng, mấy ngày nay chung sống kính trọng hoan hỉ với nhau quá, làm Phúc suýt thì quên mất giữa cậu và người này còn có một thứ gọi là cách biệt thế hệ. Cậu lẩm bẩm kêu 'đồ quỷ phong kiến' trong cuống họng, không ngờ Thuận lại nghe thấy.

"Cậu chửi tôi như thế đã ba lần rồi."

"..." Phúc hắng giọng, đành phải giải thích. "Thì... từ thời của anh đến thời của tôi sẽ còn dài lắm. Lúc ấy người đi hát không khổ nữa, cũng không bị thói đời khinh khi. Tôi không khổ lắm đâu..."

"Vậy thì tốt."

Thuận nhấp một hụm nước chè, cười nhìn cậu.

"Thời đại của cậu rất tốt."

Phúc còn chưa kịp trả lời, từ phía xa chợt có một đứa bé lấm lem bùn đất chạy lại chỗ hai người. Nó hình như là con của một người nào đó trong nhóm hát rong, trên tay cầm theo chiếc sáo trúc nhẵn bóng chứng tỏ đã được sử dụng rất nhiều lần. Nó lấm lét nhìn những bánh trái điểm tâm trên bàn, nhưng lại không dám mở lời, chỉ biết dùng ánh mắt ậng nước và vẻ ngoài khốn khổ của mình mong lay động được hai người quần áo là lượt trước mặt.

Không phụ sự kỳ vọng của nó, Thuận cầm đĩa bánh trút hết vào cái lá sen mà cô chủ quán đưa qua, còn bỏ thêm mấy đồng tiền, rồi dúi vào tay thằng nhóc.

"Em cầm lấy mà ăn."

Niềm vui bất ngờ làm đứa bé không kịp phản ứng. Nó đã từng chạy lại đây xin ăn nhiều lắm, đất Sài Gòn này không thiếu những cậu ấm cô chiêu sống trong nhung lụa, nhưng lần nào nó cũng trở về với cái má sưng húp vừa bị ai đó vả cho. Thế nên lần này được cho ăn còn được cho tiền, đối với nó cứ như là phúc phần trời ban.

Nó quỳ sụp xuống đất, vái liền mấy vái.

"Lạy cậu! Đội ơn cậu!"

Cả Thuận và Phúc đều giật mình, vội cúi xuống đỡ thằng bé dậy. Bùn đất dưới chân lấm lem một góc vạt áo phiêu bay, nhưng chẳng có ai để ý.

"Không cần phải làm thế." Thuận phủi giúp nó cát bám ở đầu gối, nhẹ giọng ôn tồn. "Bánh em giữ lấy ăn, còn tiền này giúp anh góp cho ba má em nhé, ba má em hát hay lắm."

"Dạ... Đội ơn hai cậu!"

Dù Thuận và Phúc có can ngăn bao nhiêu, thằng bé vẫn cố chấp vái lạy hai người, như thể chỉ có cách này mới giúp nó bày tỏ được nỗi cảm kích khôn nguôi. Mãi khi thằng bé đã chạy về tíu tít kể chuyện mừng cho ba má, Phúc mới rời mắt nhìn về phía Thuận. Ý cười vẫn đọng lại nơi khóe miệng nhếch cao của anh, một tay anh cầm bát nước chè sứ men xanh đặt hờ bên môi nhấp một ngụm, từng cử chỉ đều nho nhã lễ độ. Quân tử như ngọc.

Lần đầu tiên kể từ khi đến đây, trong lòng Phúc chợt dấy lên chút tiếc hận không tên. Rằng người như cậu Thuận, lại chết trẻ thì mới đáng tiếc làm sao...

"Sao thế?"

"Không có gì." Phúc lắc đầu, nhưng một lúc sau lại lên tiếng. "Anh bảo thời đại của tôi rất tốt..."

"Ừ?"

"Nhưng thời đại của anh đã tạo nên thời đại của tôi."

Thuận lắng nghe lời Phúc, chăm chú đến mức chính anh cũng không hề nhận ra.

"Từng người, từng lớp người như anh sẽ tạo nên thời đại tươi đẹp của chúng tôi."

"Ở đó... họ sẽ không thế này chứ?"

Phúc nhìn theo cánh tay Thuận chỉ ra bên ngoài khu chợ tấp nập, xa hơn nữa là bến cảng nườm nượp tàu buôn qua lại. Dân đen gò mình kéo những kệ hàng cao ngút, những bao gạo mình trồng mà không được ăn, những xe kéo chở cô tân thời me tây đi xem chiếu bóng, những cát bụi mịt mù ngược nắng trong một buổi chiều muộn đất Sài Gòn,...

Phúc quay lại nhìn anh, nói rất chắc nịch.

"Ừ, họ sẽ tốt hơn."

Chiều muộn, tiếng đàn lời ca dìu nhau theo bước chân hai cố khách đi về nơi xa thẳm.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro