Trạng cáo quan (2)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thầy Hoàng lúc trước dạy học một ngày hai buổi. Buổi sáng thì dạy mấy đứa nhỏ nhỏ tầm bảy tám tuổi. Buổi chiều thì dạy cho mấy đứa lớn hơn. Thầy bảo xếp lịch như vậy để tạo thói quen dậy sớm cho mấy đứa nhỏ, còn mấy đứa lớn thì nó biết hết rồi.

Mà tính đến nay thầy Lam đã ở nhà thầy Hoàng được gần một tuần, dạy tại nhà thầy Hoàng luôn. Thầy Lam dạy buổi sáng, thầy Hoàng dạy buổi chiều. Mà coi bộ tụi nhỏ khoái thầy Lam lắm, tụi nó nói học với thầy vui, cũng đúng thiệt, mỗi lần thầy Lam dạy thì dù đi cách xa đó mười mấy mét vẫn có thể nghe được giọng cười giòn tan của mấy thầy trò. Chứ mà thử thầy Hoàng đi rồi biết, đừng nói là cười, đến ngồi cong lưng tụi nó cũng chẳng dám. Tụi nó sợ thầy Hoàng giống như sợ mẹ mỗi lần tụi nó trốn đi chơi bị mẹ xách roi rượt vậy.

Kế bên nhà thầy Hoàng là gia đình của anh Lê làm nghề kéo lưới. Nhà anh nghèo, một mình anh nuôi mẹ già lẫn vợ và ba đứa con. Mẹ anh dạo gần đây sức khoẻ cũng yếu dần, nhưng anh chẳng mời thầy thuốc, không phải anh bất hiếu không chịu lo lắng cho mẹ, mà anh biết có mời cũng chẳng cứu nổi. Bởi bệnh này là bệnh già, mà già thì phải chết, ai mà chẳng biết đó là quy luật, tre già thì măng mọc, có ai sống hoài sống mãi đâu.

Anh không mời thầy thuốc, nhưng hễ cứ đi kéo lười mò cá mà bắt được con nào ngon là để giành lại hết, để cho mẹ ăn. Tính tình anh hào sảng, ăn to nói lớn nhưng bụng dạ hiền như cục đất, chẳng tính toán hay ganh ghét gì ai. Tuy anh không biết chữ, nhưng cái nhìn của anh đối với xã hội này lại thoáng lắm, mặc dù lời lẽ của anh không mượt mà, không khoa trương như mấy người học cao hiểu rộng. Do vậy mà thầy Hoàng quý anh, hay ngồi nói chuyện uống trà với nhau. Nay thầy Lam cũng thế, hai người lại càng hợp rơ, tại ai nấy tính tình đều khoái cười khoái giỡn như nhau. Còn anh Lê thì lại vừa quý vừa kính trọng hai thầy, anh bảo tại anh không được đi học nên thấy ai giỏi chữ là anh nể lắm.

Mấy nay mưa dầm dề, nghe nói là bão luôn rồi, chẳng có ngày nào là đường đi được khô ráo hết, lúc thì mưa lớn thiệt lớn đến nổi cây cột to trước hiên nhà thầy Hoàng kêu lên ken két theo tiếng gió thổi, lúc thì mưa lắt nhắt mà cứ như vậy từ sáng tới chiều không chịu tạnh.

Thầy Hoàng vì vậy mà cũng nghỉ dạy học hai ngày nay. Thầy bảo mưa lạnh quá nên thầy cũng lười với nhà này hơi cũ nên nhiều chỗ dột quá. Nói thì nói vậy chứ thầy Lam ngồi một bên nghe mà hiểu hết, ai làm biếng thì làm chứ thầy Hoàng thì không bao giờ đâu. Thật ra thầy Hoàng sợ là sợ đường đi trơn trượt, nguy hiểm cho mấy đứa nhỏ, mưa gió thế này lỡ mà ngã xuống ao, xuống mương thì ai đâu mà cứu cho kịp.

Thầy Lam cười, rót ra chung trà từ cái ấm nước cũ kĩ đẩy sang cho thầy Hoàng.

"Này là lỗi của ông trời, anh lại đi nhận thành lỗi mình làm chi."

Thầy Hoàng nhấp ngụm trà nóng hôi hổi, mắt vẫn hướng ra ngoài làn mưa đang xối xả.

"Anh đâu có nhận, trời thì năm nào cũng mưa, mà..."

Lỗi nào là lỗi của trời? Chỉ có con người ta hèn nhát liền đổ hết mọi lỗi lầm là do trời mà thôi.

"Mà làm sao?"

"Mà... thôi, mấy năm nay em sống thế nào, em ở trên kinh bao lâu."

Thầy Lam cười lên mấy tiếng, đặt chung trà trên tay xuống, lấy hai tay ôm cằm, giọng thầy nhẹ nhẹ, giống như chuyện mà thầy sắp nói đây từ lâu đã dần mờ nhạt, chẳng còn quan trọng nữa.

"Em sống tốt chứ, còn ở trên kinh bao lâu thì sợ nói ra anh lại cười em."

Thầy Hoàng thu ánh mắt khỏi làn mưa kia, vừa quay đầu đã bắt gặp ngay đôi mắt sáng trong, đen láy của thầy Lam.

"Sao lại cười được."

"Anh hứa đi, anh không cười rồi em nói anh nghe."

Thầy Hoàng suy nghĩ một chút rồi cũng nhẹ gật đầu: "Ừ."

"Em... ở trên kinh được bốn ngày."

"Bốn ngày?"

Thầy Lam thở ra một hơi: "Ừ, em nói thật mà, anh không tin em hả."

"Sao em lại cáo quan?"

"Thì... Cũng giống như anh nói đó, anh nói làm quan tự thấy không bằng người ta."

"Tính em đó giờ vẫn như vậy, đâu phải dễ dàng mà đỗ trạng, mà em lại..."

"Thôi chuyện cũ mình bỏ qua đi. Mà em nói anh nghe, con người ta muốn làm cái gì đều phải có động lực, có ước muốn thì mới làm được, một khi không còn những thứ đó thì sẽ tự thấy những việc mình làm chẳng có chút ý nghĩa nào nữa."

"..."

"Em mới đầu vẫn có ước muốn đó chứ, em không giỏi giang thông minh như anh nhưng em vẫn cố. Thế mà... khi làm được rồi em lại chợt phát hiện, hoá ra điều em muốn nó đơn giản hơn nhiều. Nhưng để đạt được cái đơn giản này thì rất khó."

"Sau này em định thế nào?"

"Thế nào là sao?"

"Cưới vợ sinh con."

Thầy Lam cười càng dài, hình như mi mắt thầy ươn ướt, không biết phải do hơi nước từ mưa bám vào hay là...

"Em đi theo anh, anh ở đâu em ở đó. Mà mơi mốt... mơi mốt nếu anh lấy vợ thì... em kiếm chỗ khác, không làm phiền anh nữa."

Lạ thật, chuyện lấy vợ sinh con rõ ràng là chuyện vui, thế mà không hiểu sao ngay tại cái giờ phút này lại thấy nó giống như là một cái hố. Cái hố sâu hoắm đen kịt không thấy đáy, miệng hố vừa trơn trượt, chỉ cần nhích chân một chút là sẽ ngã vào ngay, cho nên cứ phải đứng thật vững, thật chắc, hết nhìn sâu xuống đáy hố, lại nhìn lên bầu trời cao thăm thẳm chẳng thể chạm tay tới.

Rồi cái người đứng trên miệng hố đó sẽ phải chết dần chết mòn trước sự "ích kỉ" duy nhất còn xót lại này. Biết đâu dưới đáy hố kia chẳng tệ như người ta nói, nhưng vì bầu trời kia quá đỗi tươi đẹp, nên vẫn quyết định ngắm nhìn nó từ xa, mỏi mòn khắc khoải, chẳng than trách nửa lời...


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro