Trạng cáo quan (3)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sau mấy ngày mưa bão thấm ướt hết từng ngọn cây nhành cỏ thì cũng đến được hôm mưa tạnh hẳn, ánh nắng nhè nhẹ bắt đầu le lói, chậm rãi hong khô con đường đất trơn trượt.

Hai thầy cặm cụi dậy từ sớm lau dọn bàn ghế, kệ cột để bắt đầu dạy học lại.

Thầy Lam trên tay cầm cái khăn lau sờn vải, không biết là màu gì vì có lẽ lâu ngày lớp màu đã phai đi hết, chỉ còn lại một thân vải thô hơi nâu. Thầy vừa lau vừa bảo.

"Anh này, bộ năm nào ở đây cũng mưa gió thế này à."

Thầy Hoàng không ngẩng đầu, tay thầy cầm cái búa gỗ đang kiểm tra lại mấy cái chân bàn.

"Cũng không hẳn, đúng là mấy năm trước có mưa, nhưng mưa không lớn hay kéo dài dai dẳng như năm nay."

Thầy Lam nheo mắt tặc lưỡi, sau lại cười hì hì bảo: "Ai cha, em thấy chắc là có điềm đấy..."

Thầy Lam chưa nói xong đã bị thầy Hoàng cắt ngang: "Em thật, làm thầy dạy học rồi mà vẫn còn cái thói mê tín ấy."

Thầy Lam lại cười, cũng chẳng nói thêm gì nữa, hai người cứ như thế cho đến lúc chiều dạy lớp đầu tiên sau chuỗi ngày mưa gió.

Chiều nay cả hai thầy đều đứng lớp hết, nhưng người dạy chính là thầy Hoàng, còn thầy Lam ngồi phía dưới, đi vòng vòng xem mấy đứa viết chữ thế nào.

Đến một đoạn thầy Hoàng nói: "Một con người chân chính là làm việc không thẹn với lòng, không để người khác oan ức, càng không để bản thân uất ức."

Câu nói vừa tuông ra cả lớp đồng loạt ngẩng đầu nhìn thầy Hoàng, rồi bốn phía đưa mắt nhìn nhau. Thầy Lam vẫn chưa hiểu chuyện gì.

"Sao thế, có vấn đề gì sao?"

Im lặng hồi lâu thì trong góc lớp có một học sinh từ từ giơ tay lên, nhưng là kiểu nửa muốn ý kiến, nửa lại không, cứ rụt rè như thế, đầu cũng cứ cúi rồi ngẩng.

Thầy Hoàng nghiêm giọng: "Túc, có chuyện gì thì cứ thẳng lưng ngẩng đầu mà nói, em là nam nhi, hơn hết còn là học trò của thầy, dáng vẻ sợ sệt ấy là thế nào. Nhanh, đứng lên nói thầy nghe."

Cậu bé tên Túc kia buông tay xuống, hít một hơi thật sâu rồi đứng phắt dậy: "Dạ thưa thầy, em chỉ muốn hỏi là nếu để bản thân hay người khác uất ức thì chúng ta không còn là một con người chân chính nữa ạ?"

Thầy Hoàng trầm mặt, cả lớp lúc này liền bắt đầu xôn xao.

"Nếu như vậy thì trên đời này chỉ có vua mới có cơ may là một người chân chính."

"Đúng đúng."

Thầy Lam giơ tay ý bảo cả lớp trật tự, rồi quay sang nói với Túc: "Nào nào, các em đừng ồn. Túc, sao em lại bảo thế."

Túc lại buồn rầu cúi đầu: "Dạ... dạ tại..."

Túc cứ lắp bắp suốt làm cho bạn học ngồi trước nó không nhịn được đành lên tiếng giải thích thay: "Dạ anh Lương với chị Tâm hai người họ thương nhau mà tại chị Tâm bị ba dượng của chỉ hứa gả cho ông phú hộ làng bên. Mà nói gả vậy thôi chứ thật ra là bán chỉ để trừ nợ ông thua đá gà, chỉ không chịu, chỉ nói dù thế nào cũng chỉ gả cho anh Lương thôi, rồi ổng tức quá mới bỏ thuốc mê vô cơm chỉ ăn rồi để ông phú hộ kia làm... làm nhục chỉ. Ông phú hộ kia còn vu oan cho anh Lương, bảo ảnh trộm cái lư đồng nhà ổng, đánh ảnh hết hai mươi cây. Rồi... rồi lúc sáng..."

"Lúc sáng làm sao?"

"Dạ... lúc sáng... thím bảy đi chợ sớm phát hiện chỉ treo cổ chết ngay cây đa lớn rồi."

Đúng rồi, oan ức như vậy, đau thương như vậy có còn là người chân chính được nữa hay không?

Cả lớp lại đồng loạt im lặng, thầy Lam quay đầu nhìn thầy Hoàng đang lặng người phía trên. Hoá ra lúc sáng thấy mọi người xôn xao kéo nhau đi đâu đó, mà trong lúc hai thầy dọn dẹp nên không mấy quan tâm, nào ngờ.

Túc nói: "Tụi em tức lắm mà không làm gì được. Anh Lương giờ cứ ở ngoài gốc đa chẳng nói chẳng rằng. Vậy mà có người còn nói là lỡ rồi thì lấy ông già đó đi, vào đó mà ăn sung mặc sướng lại ngốc nghếch đi tự tử làm chi."

"Tội nghiệp hai anh chỉ lắm. Mà thầy ơi, nếu như vậy thì tụi em, anh Lương hay cả chị Tâm đều..."

Thầy Lam dịu dàng cười, đi đến bên cạnh Túc vuốt đầu nó. Thật khó tránh được việc Túc sẽ đau buồn, vì Tâm khi còn sống thương nó lắm, hay cho đồ ăn, rồi còn giúp nó trông em mỗi khi lên lớp, thế mà bây giờ...

Thầy Lam nhẹ giọng nói: "Không đâu nào, tụi em đã làm rất tốt, thật ra thì có một số chuyện có cố gấp mấy cũng không thay đổi được. Chỉ cần trong lòng mình luôn hướng tới cái thiện cái tốt thì không sao cả."

Túc nâng đôi mắt rơm rớm nước lên nhìn thầy Lam: "Vậy thầy ơi, khi nào mình mới gọi là chịu uất ức ạ?"

Thầy Lam lại cười: "Ờm, giống như trò bị người khác vu oan này, tự nhận hết lỗi lầm về mình dù bản thân chẳng làm những việc đó, làm điều mà thâm tâm cảm thấy khó chịu,hay..."

"Hay gì thầy?"

Thấy Lam cụp mắt, khe khẽ nghiêng đầu nhìn thầy Hoàng: "Hay là yêu mà không dám nói."

Túc đến lúc này trên miệng mới nở một nụ cười gắng gượng: "Vậy hay quá, dẫu sao hai anh chỉ vẫn bày tỏ lòng mình với nhau, không phải đau buồn uất ức nữa."

Đúng rồi, đã bày tỏ thì không phải chịu uất ức nữa. Không phải ngậm ngùi tức tưởi nhìn người mình thương tay trong tay với người khác, hay ít ra người đó đã biết được tấm chân tình của mình rồi.

Vậy ra làm người chân chính là dễ chứ khó gì, cứ làm việc ngay thẳng, yêu ghét rạch ròi, có thương ai thì nói chứ lỡ mà âm dương cách biệt... người nói ai nghe?

Không đến với nhau cũng được, chí ít còn hiểu được lòng nhau.

Xã hội này vài đồng bạc nhiều khi đã mua được nhân tâm, có kẻ sẵn sàng cầm vài chai rượu mà thẳng tay đẩy một người vào con đường tăm tối. Cũng có cái hơn cả tiền, ví như một câu nghe có vẻ hay ho này "Thuần phong mỹ tục". Ừ, cái gọi là thuần phong mỹ tục thoát ra từ miệng người đời nói ngoặt toẹt ra thì chính là bao biện cho vài trường hợp cổ hủ, lạc hậu, phiến diện.

Mà hỡi ơi đâu phải cái nào cũ, cái nào lâu đời thì đều đúng, đừng mang cái tư tưởng lệch lạc đó áp đặt lên người khác.

Cái Tâm bị cưỡng bức còn có người bảo lỡ rồi thì lấy ông già đó đi, vào là sẽ ăn sung mặc sướng, chứ con gái đã chẳng còn trong trắng thì có ra cái thể thống gì nữa đâu. Chắc không? Có chắc là sẽ ăn sung mặc sướng hay từ lúc đó tới cuối đời phải hứng chịu từng cái liếc háy của mấy bà vợ lớn, rồi những câu mắng nhiếc của người chưa rõ sự tình bảo là tham lam tiền tài danh vọng mà chấp nhận bán thân? Rồi cái gì mà không còn trong trắng thì không ra gì? Cái trong trắng đó quan trọng đến thế sao, đàn ông tam thê tứ thiếp, người ngoài bảo phong lưu hào hoa. Đàn bà một lần mất trong trắng thì chẳng thể làm người?

Còn nhiều lắm, nhiều thứ lắm, nhiều thứ không công bằng lắm. Thời buổi này muốn không chịu uất ức cũng khó, quan trọng là người ta kiên trì được bao lâu mà thôi.

Người có tiền một chữ thành tiên. Người không tiền luyên thuyên cũng thành thừa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro