Trạng cáo quan (4)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Cái làng vốn nổi tiếng là vui vẻ đó giờ, thế mà chỉ sau đúng một đêm đâu đâu cũng toàn là khuôn mặt buồn bã, bần thần, chẳng ai nói với ai lời nào.

Trời hôm nay nắng lắm rồi, đường đất chèn nhẹt mấy bữa mưa đều khô rang hết. Thường khi như vầy là sẽ có đám trẻ chạy đùa, nói cười giòn tan khắp đầu làng cuối ngỏ. Giờ lại vắng tanh, không một bóng người.

Ấy vậy mà vẫn có một người cũng buồn đấy, nhưng nỗi buồn này chẳng giống hầu hết người trong xóm đâu. Là bà hai Hậu, ở cách nhà thầy Hoàng một con sông và một sào lúa. Bả ngày nào cũng ra ngồi trước cửa nhà, quánh cái môi đỏ chót, tay đeo hai cái nhẫn vàng bự chảng, bên còn lại thì là cái vòng cẩm thạch màu xanh, chóng tay thở dài sườn sượt.

Hỏi sao bả buồn? Bả chính là bà mối kéo cái Tâm qua nhà ông bá hộ biến thái làng bên chứ đâu. Đừng có nghĩ vì bả hối hận nên buồn nha, bả buồn là vì cái Tâm chết rồi, ông bá kia cũng lấy lại hết số tiền mà ổng cho bả, nên bả mới rầu như vậy thôi.

Bởi ông bà ta nói cấm có sai: "Đừng có nhìn mặt mà bắt hình dong." Mà trong trường hợp phải chỉnh lại một chút, phải là đừng nghe tên mà đoán lòng. Bả tên Hậu mà chẳng có hậu chút nào, chuyên gia đi ép gả mấy đứa con gái mới lớn chừng mười bảy, mười tám tuổi cho mấy cha nội giàu giàu mà đều gần đất xa trời hết.

Bả giàu lắm, giàu nhờ vào cái tiền thất đức của mấy đại gia mê gái trẻ kia cho bả. Tại bả xấu, bả già, chứ mà đẹp đẹp trẻ trẻ chắc tự mình bán mình luôn quá.

Anh Lê hậm hực đã hai ngày nay, cứ mỗi lần ra ao kéo lưới là lại thấy cái dáng ngồi sầu não của bả trước nhà. Đối với bả chắc tiền hơn cả mạng người, đúng là đồng tiền mà...

Nhiều lần anh Lê được thầy Lam với thầy Hoàng ngăn lại, chứ nếu không anh đã qua tận nhà nói chuyện phải trái với bả rồi. Không phải sợ sệt gì, mà là do bên nhà cái Tâm mọi chuyện còn chưa ổn thoả, Lương thì bần thần như kẻ mất hồn. Giờ kéo nhau qua nhà bả làm loạn lên, đánh bả vài cái cho đỡ tức cũng được, nhưng mẹ của Tâm và Lương đều chưa thể ngui ngoai, sợ là khiến họ thêm đau buồn mà thôi.

Anh Lê ngồi ngay bàn uống trà trước nhà thầy Hoàng, mắt như cung tên xuyên qua đám lúa xanh rờn nhìn chằm chằm vào nhà của bà hai Hậu. Bên chân anh còn để một giỏ tre và bó cần câu để bẫy cá lóc.

"Nói thiệt với thầy, tui không nể thầy với thầy Lam là tui cho bả đứt chỉ từ lâu rồi."

Thầy Lam trong nhà đi ra, thay một bình trà mới, rồi cùng kéo ghế ngồi xuống: "Thôi anh, bên nhà Tâm còn chưa êm, mình cứ từ từ rồi tính."

Anh Lê coi bộ kiềm nén dữ lắm: "Từ cái hồi mà bả ép con Hương với con Cầm làng bên gả cho cha nội nào trên kinh xuống là tui đã bức bối trong người rồi. Cái thứ độc ác không tính người, giờ hại con người ta chết thảm vậy mà trong đầu toàn nghĩ đến tiền chứ có miếng hối hận nào đâu, khốn nạn."

Chẳng riêng gì anh Lê, mà cả cái làng này ai cũng bất mãn vì bả dữ lắm, nhưng làm sao khi mặt bả cứ nghênh ra như thế, làm sao khi ông quan huyện có một cô vợ tuổi chưa đến đôi mươi?

Thầy Hoàng trầm ngâm nhấp một ngụm trà nóng hôi hổi. Mùi trà sen nhè nhẹ toả ra từ tách trà nhỏ bằng sứ. Thường bữa mệt mỏi chỉ cần ngửi thấy hương thơm này thôi đã tỉnh cả người, còn hôm nay chẳng biết vì cái gì mà uống đã hết một ấm trà cũng chẳng thể ngui ngoai.

"Thôi, tui đi thả câu vòng vòng tránh nhìn thấy bả, chứ kiểu này sôi máu quá."

Thầy Lam cười: "Anh đi đi, kiếm cá ngon về cho thím chín, tức giận làm chi."

Anh Lê thở dài gật đầu một cái, uống cái ực hết ly trà nóng, rồi khom người cầm bó cần câu với cái giỏ tre bước đi. Bóng anh khuất dần khỏi hàng tre xanh ngắt kéo dài típ tắp.

Trời trưa rồi, gió thổi hiu hiu, không mát cũng chẳng hầm, vừa đủ thở, vừa đủ liu thiu, vừa đủ lung lay ngọn tre già.

"Đúng là không bằng người thật."

"Em bảo sao?"

Thầy Lam giật mình, nhướn mày nói: "Anh đúng là kém quá."

Thầy Hoàng nheo mắt, được một lúc thì đôi mày liền giãn ra, thầy nhẹ lắc đầu: "Thà kém cỏi thế này."

Chớp mắt đó mà Tâm đã mất được gần hai tháng, tuần trước là đám bốn chín ngày của Tâm. Không biết thật không mà đúng vào cái đêm đó có người nhìn thấy bóng ai giống Tâm lắm, đi tới đi lui quanh mã của mình, còn nghe thấy tiếng khóc thút thít, nhưng khi đến gần thì chẳng thấy gì sất, ngoài cái mộ lạnh lẽo giữa đồng hoang. 

Mẹ Tâm cũng nói lúc đó mơ thấy Tâm. Tâm giống y như hồi còn sống, mặc cái áo màu cam đất, dáng nhỏ nhỏ, tóc ngang vai vầy nè. Tâm nói má phải ráng sống tốt, giờ nó phải đi rồi. Lúc má Tâm tỉnh dậy toàn ôm mặt khóc.

Anh Lương sau đêm đó tự nhiên thần trí cũng đỡ hơn hẳn, hôm nay đã cầm cuốc ra đồng được rồi, nhưng anh vẫn không nói không rằng.

Ở quê thì hay vậy, mà nếu vậy thì chắc có kiếp sau ha, kiếp này không được thì chờ kiếp sau, kiếp sau không được lại chờ thêm kiếp nữa. Chờ đi, chờ hoài chờ mãi, nói đùa đợi chờ là hạnh phúc, nhưng chẳng phải đùa đâu, con người ta chỉ thật sự hạnh phúc khi được ở cạnh người mà mình yêu.

Chuyện này cũng dần qua đi, mẹ Tâm đỡ hơn nhiều, nhưng còn cái ông cha bán con thì vẫn vậy, rượu chè bê tha, hết mượn nợ chỗ này thì chỗ khác, ngủ bờ ngủ bụi chẳng ai thèm quản. Không biết thằng chả có hối hận đau buồn gì không, hay là... còn chẳng biết con gái mình chết rồi, vì ngày nào cũng chìm trong men rượu, chìm trong ván bài đỏ đen, có bao giờ tỉnh táo đâu.

Khốn nạn thật, sao có thể sống như thế được.

Bởi người ta nói thứ ấm áp nhất là tình người, thứ lạnh lẽo nhất cũng chính là tình người. Con người vừa đáng sợ lại vừa đáng thương...

Mùa gặt lúa qua đi, nghe nói ai cũng trúng đậm, thế nên mọi người trong làng mới bàn nhau làm cái tiệc nho nhỏ, mổ cặp heo để ăn mừng thắng lớn. Làng này không giàu, nhưng tết năm nay chắc cú ai cũng ấm no. Chuyện cũ thì là chuyện cũ, mà cái nào cũ cứ để nó qua đi, người sống vẫn phải sống tiếp, sống cho tốt, sống thay cả phần của người đi trước. Nhưng mà chắc chắn, chuyện của Tâm và Lương vĩnh viễn sẽ là một dấu vết đỏ hỏn trong lòng mỗi người dân ở đây.

Tại sao à? Vì thương quá...

Đêm nay anh Lê cùng mấy anh trai tráng khoẻ mạnh đảm nhiệm trọng trách mổ heo, xẻ thịt. Còn mấy chị, mấy dì thì hiển nhiên là chuẩn bị củi lửa, mắm tương để làm món.

Trăng tròn vành vạnh, tiếng ve đều đều hoà cùng giọng cười đon đả của mấy mươi người. Các cụ già già ngồi hơ tay bên đám lửa cháy phập phồng, móm mém miệng nhai trầu, đôi mắt ti hí nheo nheo, còn mấy đứa nhỏ thì lấy mấy que củi khô đưa vô lửa cho nó cháy lên rồi dí nhau chạy vòng vòng.

Ai cha, giống tết quá, mà cũng nhanh quá chừng...

Anh Lê mổ heo xong rồi, anh quăng một tào lá chuối xuống kế bên cạnh chỗ thầy Lam và thầy Hoàng đang ngồi, xong liền chầm chậm ngồi xuống.

Anh thở dài, một tay chóng gối: "Phải chi lúc nào cũng vầy thì tốt biết bao nhiêu."

Thầy Hoàng khe khẽ mỉm cười: "Anh yên tâm, chỉ cần mình canh tác tốt thì lúa năm nào cũng sẽ trúng."

Anh Lê giơ tay lên lắc đầu: "Đâu nào, tui đâu nói chuyện này. Ý tui là phải chi luôn luôn vui vẻ như vầy thì tốt quá." Anh nhìn sang bóng dáng của Lương đang tận tuỵ chăm sóc, đưa nước cho mẹ của Tâm, kiềm lòng không nổi mà đôi bàn tay siết chặt.

Tâm với Lương nào có cưới hỏi gì đâu, vậy mà giờ Lương chẳng ngại gọi mẹ của Tâm một tiếng "má", không công sinh đẻ, chẳng công chăm sóc vậy mà Lương nào có e ngại chi. Bởi nói, thương người ta là thương luôn cả gia đình người ta là thế.

Sao mà đau lòng quá.

"Cái con mẹ hai Hậu tốt nhất là đừng xuất hiện chỗ này." Anh Lê thu mắt, nhìn cái mác bự chảng anh vừa thịt heo nói: "Tui cho bả một nhát luôn."

"Thôi nào anh..."

"Đây đây... Cô hai vào đây."

Nhắc tào tháo là tào tháo tới liền, sự xuất hiện của bà hai Hậu làm ai cũng sượn trân hết. Nhất là anh Lê, vừa thấy cái bản mặt của bả là theo quán tính nhốm người ngồi dậy liền, tay kia thì với tới cầm dao.

Thầy Hoàng vội vàng giữ lấy tay anh, còn bả thì như cố tình chẳng nhìn thấy sự phẫn nộ trong mắt mọi người, vui vẻ đỡ một người con gái đứng cạnh mình từ từ chen vào giữa đám đông.

"Cô hai, cô ngồi đây." Bả đổi giọng hung hăng nói với thằng nhóc đứng gần đó: "Thằng Kha, đưa tàu lá đây, cút chỗ khác mà ngồi, chừa chỗ cho cô hai!"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro