Truyện thứ hai: Trạng Cáo Quan (1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Có ai hỏi trên đời này nghề nào là nghề được tôn kính nhất, thì xin chắc chắn một điều rằng phần lớn mọi người sẽ nghĩ ngay đến cái nghề gõ đầu trẻ.

Nghề này cao quý lắm, vì những người làm nghề giáo họ phải có cho mình một bàn tay vàng, một nhân phẩm trắng trong và một đức hạnh đẹp đẽ. Chỉ như thế mới xứng đáng để được trở thành người dẫn đường cho bọn trẻ, cho chúng trưởng thành, cho chúng khôn lớn theo một khuôn phép hoàn mỹ đã định lập sẵn.

Cha mẹ sinh ra rồi lớn lên, sau đó đi học, khi đủ kiến thức sẽ lên kinh thành thi thố. Tới đây mới gọi là rủi ro, nếu một người giáo có được học trò đỗ đạt cao thì hiển nhiên địa vị của họ cũng tự khắc cao lên, còn nếu như không...

Nhưng dẫu thế nào nghề giáo vẫn là nghề được tôn kính nhất, cho dù người đó không có học trò thành danh đi chăng nữa thì cũng phải biết giữ cho mình một khuôn khổ nhất định, đặc biệt là không nên va vào những việc trái luân thường đạo lý.

Nếu như phạm phải sẽ phải chịu mắng nhiếc, ghét bỏ gấp đôi, gấp ba lần người thường.

Và ở cái làng này, may sao có được một người thầy vừa có tài vừa có đức. Thầy chưa vợ, tuổi còn trẻ hình như mới ba mươi ba, ba mươi bốn tuổi gì đó, nhưng đã có học trò đỗ hẳn trạng nguyên.

Nhớ lần đó trạng Nguyễn về làng rầm rộ dễ sợ. Ông bà Nguyễn được phen nở mày nở mặt. Nhưng để có được ngày hôm nay công lớn nhất hiển nhiên là ông giáo Hoàng.

Trạng Nguyễn đến tận nhà thầy biếu vàng biếu bạc. Nhưng cái duy nhất mà thầy nhận từ trạng chỉ là một cái lạy tạ ơn, còn lại đều thẳng thừng từ chối.

Cũng từ lần đó mà thầy giáo Hoàng lại càng được người dân xung quanh đây tôn kính, quý mến.

Thật ra thì thầy giáo Hoàng hồi mười năm trước cũng từng là trạng nguyên. Tài năng có, dáng vóc có, học thức lại khỏi cần bàn. Thầy không cha không mẹ, sáng bắt ốc, chiều về học, ấy thế mà khi đi thi thì đỗ trạng. Người ta vừa kính vừa nể, cậu học trò nghèo cuối cùng sau bao năm cực khổ cũng gặt hái được thành tựu, một bước chuyển mình rồi. Nhưng không biết vì lý do gì, thầy ở trên kinh được hai năm thì cáo quan về quê dạy học. Có người tò mò hỏi, thầy chỉ cười rồi trả lời qua loa đại loại như:

"Do thầy ăn may nên mới đỗ, làm quan hai năm thấy không bằng người, thôi thì về quê dạy chữ coi bộ hợp tình hơn." 

Tính thầy hiền, hơi trầm, khá ít nói. Nhìn bề ngoài thôi cũng đủ biết thầy là người tử tế ra sao. Nhưng mấy lúc dạy học thì thầy nghiêm khắc cực kì. Một phần do đó mà người ở đây mới yên tâm giao con cho thầy dạy. Họ bảo: "Vào tay thầy, không thành công thì cũng thành nhân."

Bởi, người lớn thì kính thầy, còn mấy đứa nhỏ thì gặp thầy là chạy, là tìm đường trốn, tụi nó sợ thầy lắm.

Ba ngày trước làng này được một phen rầm rộ. Thật ra thì sẽ chẳng có gì to tát nếu người mới đến không phải là một thầy cũng cáo quan về dạy học y như ông giáo Hoàng. Một người rất trẻ nhìn cao lắm là hai lăm, hai sáu tuổi thôi, nhưng hỏi cặn kẽ ra mới biết đã về dạy học được gần năm năm rồi.

Ái chà chà, nhưng nhiêu đó còn chưa đủ bất ngờ bằng việc này.

Ông giáo cũ và ông giáo mới là bạn cũ lâu ngày gặp lại!

Nhưng biểu hiện của hai người lúc nhìn thấy nhau nó trái ngược lắm.

Ông giáo mới về tên Huỳnh Lam, thầy tự bảo gọi giáo Huỳnh hay giáo Lam cũng được. Giáo Lam khi nhìn ra ông giáo Hoàng là mừng rỡ liền, chạy đến tay bắt mặt mừng, nói không kịp thở luyên thuyên cả buổi trời, thầy này hơi nhỏ con mà coi bộ nhanh nhảu lắm, miệng cứ cười suốt. Thế mà thầy Hoàng cứ đứng đơ ra, đối diện với biết bao nhiêu câu hỏi của bạn cũ mà chẳng thấy trả lời trả vốn gì ráo, chỉ biết nhìn thôi.

Mà nói gì thì nói, vậy là làng này có hẳn hai ông giáo từng làm quan cơ đấy. Coi bộ năm tháng sắp tới sẽ có nhiều trạng nguyên mới lắm đây.

Người ở đây ai cũng vui, vui vì có thêm thầy dạy học, mà thầy Lam tính tình lại hoạt bát dễ gần, mới đến có nửa ngày mà hai bên đã nói chuyện thân thiết như là đã gặp nhau từ lâu rồi.

Thầy Lam mới tới, chưa tìm được chỗ nào ở hết, cho nên thầy ở lại nhà thầy Hoàng luôn. Như vậy cũng tiện, có nhiều thời gian để hai người hàn thuyên chuyện cũ.

Lúc người dân về hết rồi, thầy Hoàng đến bây giờ mới lên tiếng hỏi.

"Lam... thầy Lam..."

Thầy Lam cười, thầy cười đến độ hai mắt híp lại thành một đường cong đẹp đẽ, hàm răng trắng muốt lộ ra, đúng là người trẻ có khác, lúc nào trên mặt cũng mang không khí của gió xuân.

"Anh cứ gọi em Lam đi, lúc trước gọi sao thì giờ gọi vậy." Thầy ngưng một lát, rồi hơi cúi mặt xuống, giọng lí nhí như sợ người trước mặt nghe được: "Với lại, em cũng thích anh gọi em như thế."

Thầy Hoàng nghe rõ mỗi câu đầu, còn câu sau thì chữ được chữ mất, thầy mới khom người ghé tai sát lại một chút: "Hả... Em vừa bảo gì?"

Thầy Lam ngước mặt lên, lúc túng ôm cái túi trên vai rồi chạy vào trong nhà: "Em bảo, anh gọi em là Lam."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro